Bạch Dạ Hành - Higashino Keigo - Chương 1.1
1.
Ra khỏi ga Kintetsu Fuse, Sasagaki Junzo men theo đường sắt đi thẳng về phía Tây. Đã sang tháng Mười mà trời vẫn oi bức khó chịu, mặt đất cũng khô khốc. Mỗi khi có xe tải chạy vụt qua, bụi đất cuốn lên táp cả vào mặt. Ông nhíu mày, đưa tay dụi mắt, thả những bước không thể nói là nhẹ nhàng. Lẽ ra hôm nay ông không phải đi làm. Ông định sẽ thong thả đọc sách vì đã lâu lắm rồi không được động đến sách vở gì cả. Ông còn đặc biệt để dành cuốn sách mới của Matsumoto Seicho cho ngày hôm nay.
Công viên xuất hiện ở phía bên phải đường, rộng đủ để cùng một lúc tổ chức được hai trận bóng chày kiểu ba chốt. Mấy trò chơi thường thấy như cầu chui, đu quay, cầu trượt… đều có cả. Đây là công viên lớn nhất trong khu vực, tên chính thức là Masumi. Đằng sau công viên có một tòa nhà bảy tầng, thoạt nhìn hết sức bình thường, nhưng Sasagaki biết, bên trong hầu như trống không. Trước khi được điều đến Sở Cảnh sát Osaka, ông đã công tác ở Phòng Cảnh sát Tây Fuse quản hạt chính khu vực này. Những kẻ hóng chuyện, rất nhanh, đã tụ tập thành một đám đông trước tòa nhà, mấy chiếc xe cảnh sát đậu ở đó hầu như bị đám người ấy vây kín. Sasagaki không đi thẳng về phía tòa nhà, mà rẽ sang con đường phía trước công viên. Từ chỗ rẽ, đi đến cửa hàng thứ năm thì gặp tấm biển “Bánh mực nướng”. Mặt tiền cửa hàng rộng hơn mét tám. Quầy nướng bánh hướng ra đường, phía sau có một người đàn bà to béo ngoài năm mươi tuổi đang đọc báo. Bên trong hình như bán cả đồ ăn vặt, nhưng không thấy bóng dáng đứa trẻ nào.
“Bà chủ, nướng cho tôi một cái.” Sasagaki cất tiếng gọi. Người đàn bà vội gấp tờ báo lại. “Vâng, xong ngay, xong ngay đây.”
Bà ta đứng lên, đặt tờ báo xuống ghế. Sasagaki ngậm một điếu Peace, bật diêm châm thuốc, đưa mắt nhìn tờ báo, bắt gặp cái tít “Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi công bố kết quả kiểm nghiệm hàm lượng thủy ngân trong sản phẩm thủy hải sản trên thị trường”, bên cạnh có một hàng chữ nhỏ hơn, “Dù ăn một lượng cá lớn vẫn dưới mức cho phép”.
Hồi tháng Ba, tòa án đã đưa ra phán quyết cuối cùng cho bệnh Minamata ở tỉnh Kumamoto – cùng với bệnh Minamata ở tỉnh Niigata, bệnh suyễn ở thành phố Yokkaichi, bệnh Itai-itai ở tỉnh Toyama, được gọi chung là “Bốn chứng bệnh lớn do ô nhiễm môi trường”. Kết quả, bên thắng kiện đều là nguyên đơn. Điều này khiến dân chúng trở nên quan tâm hơn đến các vấn đề ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, ngày càng nhiều người nghi ngại rằng các loại cá họ thường ăn đã bị nhiễm độc thủy ngân hoặc PCB.
Mực chắc không có vấn đề gì đâu nhỉ? Sasagaki nhìn tờ báo, thầm nhủ.
Hai miếng sắt dùng để nướng bánh mực gắn với nhau bằng bản lề, ở giữa kẹp con mực đã tẩm bột và trứng, được đặt lên bếp làm nóng. Mùi mực nướng tỏa ra kích thích cảm giác thèm ăn của Sasagaki. Sau khi làm nóng đủ độ, bà chủ mở kẹp sắt, cái bánh giòn xốp, tròn tròn dẹt dẹt dính trên một miếng sắt. Bà phết lên đó một lớp xốt mỏng, gập lại, sau đó bọc bằng tờ giấy màu nâu, buông một tiếng “Xong rồi” và đưa cho khách. Sasagaki liếc mắt nhìn tấm biển đề “Bánh mực nướng bốn mươi yên” rồi trả tiền. Bà chủ niềm nở nói, “Cảm ơn.” Sau đó cầm tờ báo lên, lại ngồi xuống ghế. Sasagaki đang định đi thì một người đàn bà đứng tuổi dừng lại trước cửa hàng, cất tiếng chào bà chủ. Trên tay bà ta xách cái làn, có vẻ là một bà nội trợ ở gần đây.
“Đằng kia đang ồn ào lắm, có phải xảy ra chuyện gì không nhỉ?” Bà ta chỉ tay về phía tòa nhà hỏi.
“Hình như có chuyện đấy, vừa nãy có nhiều xe cảnh sát đến lắm, chắc là có đứa trẻ nào bị thương.” Bà chủ nói.
“Trẻ con à?” Sasagaki quay đầu lại hỏi, “Trong ấy sao lại có trẻ con?”
“Nó đã thành sân chơi của bọn trẻ lâu rồi. Tôi đã lo sớm muộn gì cũng có đứa bị thương mà, quả nhiên xảy ra chuyện, không phải sao?”
“Ừm, trong tòa nhà ấy thì chơi được gì chứ?”
“Ai mà biết chúng nó chơi gì! Tôi thấy cần phải sửa sang lại từ lâu rồi, nguy hiểm quá.”
Ăn xong cái bánh mực nướng, Sasagaki đi về phía tòa nhà.
Bà chủ cửa hàng phía sau lưng ông, chắc hẳn sẽ cho rằng ông là một tay trung niên nhàn rỗi, thích hóng chuyện.
Cảnh sát chăng dây phía trước tòa nhà để ngăn những người tò mò. Thấy Sasagaki chui qua sợi dây vàng, một viên cảnh sát nhìn ông bằng ánh mắt dọa nạt, ông bèn chỉ tay lên ngực, ý bảo phù hiệu cảnh sát của mình ở đây. Viên cảnh sát hiểu được ý nghĩa của động tác ấy, bèn đưa mắt chào. Trong tòa nhà có một nơi tương tự tiền sảnh, theo thiết kế ban đầu có lẽ để lắp cửa kính lớn, nhưng hiện chỉ được che chắn tạm thời bằng các tấm ván ép và gỗ thanh. Một phần ván ép đã được gỡ đi, để tiện việc ra vào. Sau khi chào viên cảnh sát gác cửa, Sasagaki đi thẳng vào trong. Không ngoài dự liệu của ông, bên trong hết sức tối tăm, không khí phảng phất một thứ mùi pha tạp giữa nấm mốc và bụi. Ông đứng yên, cho tới khi cặp mắt thích nghi với bóng tối. Có tiếng nói chuyện không hiểu vẳng lại từ chỗ nào. Một lúc sau, khi đã dần dần phân biệt được cảnh tượng xung quanh, Sasagaki mới biết nơi mình đang đứng có lẽ vốn là sảnh đợi thang máy, vì bên phải là hai cánh cửa thang máy nối tiếp nhau, trước cửa chất đầy vật liệu xây dựng và thiết bị điện. Trước mặt ông là tường, nhưng có khoét một số lớn hình chữ nhật, phía bên kia tối om chẳng trông thấy gì, có lẽ là bãi đỗ xe theo dự kiến ban đầu. Bên trái là một căn phòng, lắp một cánh cửa sần sùi bằng gỗ dán, cảm giác như thể chỉ gá vội vào cho có, bên trên viết nguệch ngoạc hàng chữ “Cấm vào” bằng phấn, có lẽ là chữ của người phụ trách thi công.
Cửa mở, hai người đàn ông bước ra. Sasagaki biết họ. Cả hai đều là cảnh sát hình sự cùng tổ với ông. Trông thấy Sasagaki, họ liền dừng chân.
“Ồ, vất vả quá. Chẳng mấy khi được kỳ nghỉ, cậu đúng là đen đủi thật.” Một người cất tiếng nói với Sasagaki. Ông ta lớn hơn Sasagaki hai tuổi. Tay cảnh sát trẻ còn lại mới được cử đến tổ điều tra này chưa đầy một năm.
“Từ sáng tôi đã có dự cảm không lành. Mấy thứ trực giác kiểu này đâu cần phải chuẩn thế chứ.” Nói xong, Sasagaki lại hạ giọng hỏi: “Tâm trạng ông anh thế nào?”
Người kia chau mày, xua tay. Tay cảnh sát trẻ bên cạnh cười gượng.
“Cũng chẳng trách, ông anh vừa mới nói muốn nghỉ ngơi thư giãn một chút, liền xảy ra chuyện thế này. Giờ bên trong đang làm gì đấy?”
“Giáo sư Matsuno vừa mới đến.”
“Ồ, vậy à?”
“Thôi, bọn tớ phải đi xem xung quanh một chút.”
“Ừm, hai người đi nhé.”
Chắc là được lệnh ra ngoài đi lấy lời khai. Sasagaki nhìn họ bước xa dần, rồi xỏ găng tay, chậm rãi mở cửa. Căn phòng rộng khoảng mười lăm chiếu[4]. Nhờ ánh mặt trời rọi vào qua kính cửa sổ nên ở đây không tối tăm như chỗ sảnh đợi thang máy. Các nhân viên điều tra tập trung bên cạnh bức tường đối diện với cửa sổ. Có mấy gương mặt lạ, chắc là người của Phòng Cảnh sát Tây Fuse quản hạt khu vực này, còn lại đều là người quen cũ. Tổ trưởng Nakatsuka, cũng là người chơi thân nhất với Sasagaki, liếc thấy ông đầu tiên. Ông ta để đầu húi cua, đeo kính gọng vàng, nửa phía trên mắt kính có màu tím nhạt. Ngay cả khi cười, nếp nhăn giữa hai chân mày ông ta cũng không bao giờ biến mất. Nakatsuka không nói “Vất vả quá!” hay “Sao đến muộn vậy?” mà chỉ khẽ hất hàm, ý bảo ông qua đó. Sasagaki liền bước tới.
Trong phòng chẳng có món đồ nội thất nào ra hồn, sát tường kê một cái xô pha giả da màu đen, ngồi dồn lại có thể chứa được ba người lớn. Xác chết nằm ngay trên đó, một người đàn ông. Giáo sư Matsuno Hidetomi thuộc đại học Y Kinkiđang kiểm tra cái xác. Ông làm nghề pháp y ở Osaka này đã hơn hai mươi năm, Sasagaki vươn cổ ra phía trước, quan sát cái xác. Người chết khoảng bốn mươi lăm đến năm mươi tuổi, cao chưa đến một mét bảy. So với chiều cao, thân hình ông ta thuộc dạng béo, trên người mặc áo khoác màu nâu, không thắt cà vạt, quần áo có vẻ đều là hàng cao cấp. Nơi ngực có vết máu màu đỏ thẫm đường kính khoảng mười xen ti mét. Ngoài ra, còn có mấy vết thương khác nhưng không có hiện tượng xuất huyết nghiêm trọng. Sasagaki nhận thấy không có dấu hiệu vật lộn. Người chết quần áo chỉnh tề, không nhàu nát, mái tóc chải lật ra sau cũng gần như không rối.
Giáo sư Matsuno vóc người thấp bé đứng dậy, quay lại phía các điều tra viên.
“Bị giết, không thể sai được.” Ông nói với giọng khẳng định, “Có năm vết đâm. Hai vết ở ngực, ba vết ở vai. Nhát trí mạng có lẽ là vết đâm bên dưới ngực trái, chếch sang phía trái xương ngực mấy xen ti mét. Hung khí hẳn đã xuyên qua khe xương sườn, đâm thẳng vào tim.”
“Chết ngay lập tức à?” Nakatsuka hỏi.
“Đại khái chết trong vòng khoảng một phút, tôi nghĩ là máu chảy ra từ động mạch vành ép lên tim, gây ra hội chứng chèn ép tim cấp.”
“Liệu máu có bắn lên người hung thủ không?”
“Không, tôi nghĩ chắc là không có mấy.”
“Hung khí thì sao?”
Giáo sư trề môi dưới, trầm ngâm suy nghĩ một thoáng mới tiếp tục, “Là một lưỡi dao mảnh và sắc nhọn, có thể còn mảnh hơn dao gọt hoa quả. Tóm lại không phải dao phay hay dao găm.”
Từ đoạn hội thoại này, Sasagaki biết rằng chưa tìm thấy hung khí.
“Dự đoán thời gian tử vong vào khoảng…?” Câu hỏi này là của Sasagaki.
“Hiện tượng thi thể cứng lại sau khi chết đã lan khắp toàn thân, vả lại những vết đốm trên xác cũng không dịch chuyển nữa, giác mạc tương đối đục, có lẽ đã chết được khoảng mười bảy tiếng hoặc gần một ngày rồi, phải xem kết quả giải phẫu mới chuẩn xác được.”
Sasagaki nhìn đồng hồ, giờ là hai giờ bốn mươi phút chiều, trừ ngược thời gian, nạn nhân có lẽ bị sát hại vào khoảng ba giờ chiều đến mười giờ tối ngày hôm qua.
“Vậy nên đưa đi giải phẫu ngay.” Nakatsuka vừa nêu ý kiến, giáo sư Matsuno cũng tán thành, “Vậy là tốt nhất.”
Lúc này, viên cảnh sát hình sự trẻ tuổi Koga bước vào. “Vợ nạn nhân đến rồi.”
“Rốt cuộc cũng đến. Vậy thì để chị ta nhận mặt trước đã.
“Dẫn vào đây đi!”
Koga gật đầu trước chỉ thị của Nakatsuka, xoay người đi ra.
Sasagaki hỏi nhỏ viên cảnh sát hình sự ít tuổi hơn đứng bên cạnh, “Đã biết nhân thân nạn nhân rồi à?”
Viên cảnh sát khẽ gật đầu. “Trên người ông ta có bằng lái xe và danh thiếp, là ông chủ một tiệm cầm đồ ở gần đây.”
“Tiệm cầm đồ? Bị lột mất gì?”
“Không rõ, nhưng vẫn chưa tìm thấy ví tiền.”
Có tiếng động, Koga đã quay trở lại, anh ngoảnh mặt ra phía sau nói “Mời chị vào”. Mấy viên cảnh sát đều tự động lùi xa khỏi xác chết hai ba bước.
Sau lưng Koga xuất hiện một phụ nữ. Thứ đầu tiên đập vào mắt Sasagaki là màu cam rực rỡ, người phụ nữ này mặc một chiếc váy liền thân kẻ ca rô hai màu đen và cam, dưới chân đi một đôi giày gót cao ngót nghét mười phân. Ngoài ra, mái tóc dài cũng được chải chuốt hoàn hảo, cứ như vừa mới bước ra khỏi tiệm làm tóc vậy. Chị ta đưa cặp mắt to được nhấn nhá bằng lớp phấn trang điểm dày về phía chiếc xô pha cạnh tường, giơ hai tay bịt miệng, nấc lên rồi sững lại trong giây lát. Mấy viên cảnh sát đều biết rõ, trong tình huống này có nói gì cũng vô ích, người nào người nấy đều lẳng lặng quan sát diễn biến. Cuối cùng, chị ta bắt đầu chầm chậm nhích lại gần xác chết, dừng lại trước xô pha, cúi đầu nhìn người đàn ông nằm trên đó. Đến cả Sasagaki cũng thấy rõ, cằm chị ta đang khẽ run lên.
“Có phải chồng chị không?” Nakatsuka hỏi.
Chị ta không trả lời, hai tay bưng lấy gò má, rồi chầm chậm đưa lên che kín toàn bộ gương mặt, hai đầu gối khuỵu xuống như thể không chống đỡ nổi thân thể, quỳ sụp xuống đất. Tựa như đang diễn kịch vậy, Sasagaki nghĩ.
Tiếng khóc thút thít vang lên trong lòng bàn tay chị ta.
2.
Nạn nhân Kirihara Yosuke là ông chủ của tiệm cầm đồ Kirihara, cửa tiệm kiêm tư gia cách hiện trường khoảng một cây số. Sau khi vợ nạn nhân là Kirihara Yaeko xác nhận nhân thân, xác chết nhanh chóng được đưa đi khỏi hiện trường. Sasagaki lại giúp mấy người trong tổ giám định chuyển cái xác lên cáng. Lúc này, có một vật thu hút sự chú ý của ông.
“Có lẽ nạn nhân bị sát hại sau khi ăn no.” ông lẩm bẩm.
“Sao cơ ạ?” Koga sau lưng ông hỏi lại.
“Nhìn cái này đi!” Sasagaki chỉ vào sợi dây lưng của người bị hại, “Cậu xem, lỗ xỏ thắt lưng nới ra hai nấc so với bình thường.”
“À, quả vậy.”
KiriharaYosukeđeo thắt lưng hiệu Valentino màu nâu. Trên sợi dây lưng vẫn còn dấu vết của khóa gài ở lỗ xỏ khóa thứ năm tính từ đuôi dây lưng, chứng tỏ bình thường ông ta vẫn sử dụng lỗ xỏ này. Thế nhưng, xác chết hiện giờ lại xỏ khóa gài ở lỗ thứ ba. Sasagaki dặn một nhân viên giám định trẻ đứng bên cạnh chụp ảnh phần ấy lại. Sau khi cái xác được chuyển đi, các nhân viên điều tra tham gia khám nghiệm hiện trường cũng lục tục rời đi thu thập chứng cứ. Những người ở lại, ngoài các nhân viên giám định ra, chỉ còn Sasagaki và Nakatsuka.
Nakatsuka đứng ở chính giữa phòng, đảo mắt nhìn khắp xung quanh một lượt nữa. Ông chống tay trái vào hông, tay phải xoa xoa lên má, đây là thói quen mỗi khi ông đứng suy nghĩ điều gì đó.
“Sasagaki” Nakatsuka nói, “Cậu thấy sao? Cậu nghĩ hung thủ là kẻ như thế nào?”
“Hoàn toàn không đoán ra được.” Ánh mắt Sasagaki cũng quét quanh một vòng, “Hiện giờ cùng lắm chỉ biết đó là người quen với nạn nhân.”
Quần áo, đầu tóc chỉnh tề, không có dấu vết ẩu đả, nhát đâm chính diện, chính là chứng cứ.
Nakatsuka gật đầu, vẻ hoàn toàn nhất trí, “Vấn đề là nạn nhân và hung thủ ở đây làm gì?”
Sasagaki quan sát kỹ mọi đồ vật trong gian phòng một lần nữa. Khi tòa nhà đang thi công, gian phòng này dường như được dùng làm văn phòng tạm thời. Cái xô pha màu đen mà xác chết nằm lên cũng là thứ được sử dụng lúc đó. Ngoài ra, còn một chiếc bàn làm việc bằng sắt, hai cái ghế gấp và một bàn họp gấp lại được, toàn bộ đều kê sát tường. Thứ nào cũng gỉ sét, bên trên phủ một lớp bụi dày, thoạt nhìn như bị rải bột phấn lên vậy. Công trình này đã bị tạm ngưng từ khoảng hai năm rưỡi trước. Ánh mắt Sasagaki dừng lại ở một điểm trên bức tường cạnh chiếc xô pha. Miệng ống thông gió hình chữ nhật ở ngay bên dưới trần nhà, lẽ ra phải che chắn bằng lưới kim loại, nhưng giờ đây không có gì cả. Nếu không có đường ống thông gió, có lẽ cái xác còn được phát hiện muộn hơn nữa, bởi vì người phát hiện ra xác chết đã vào căn phòng này qua đường ống thông gió ấy. Theo lời của nhân viên điều tra Phòng Cảnh sát Tây Fuse, người phát hiện ra cái xác là học sinh lớp ba của trường cấp I gần đây. Hôm nay là thứ Bảy, ở trường chỉ học buổi sáng. Buổi chiều, cậu bé cùng bốn người bạn vào tòa nhà này chơi. Bọn chúng không chơi mấy trò đuổi bắt hay trốn tìm, mà coi hệ thống đường ống thông gió nối khắp tòa nhà là một mê cung. Có lẽ, đối với bọn con trai, bò qua bò lại trong hệ thống thông gió ngoằn ngoèo phức tạp đích thực là một trò chơi kích thích được tinh thần mạo hiểm trong chúng. Tuy không rõ luật chơi của chúng lắm, nhưng hình như có một đứa giữa đường đã bò nhầm sang hướng khác. Cậu bé ấy bị lạc khỏi chúng bạn, lo lắng bò khắp các đường ống thông gió, cuối cùng đến được gian phòng này. Nghe nói, cậu bé ban đầu cũng không nghĩ người đàn ông nằm trên xô pha đã chết, còn sợ khi mình chui ra khỏi ống thông gió sẽ khiến ông ta thức giấc. Thế nhưng, người đàn ông vẫn nằm yên bất động. Cậu bé lấy làm lạ, bèn rón rén lại gần, bấy giờ mới phát hiện ra trên ngực ông ta có vết máu. Khoảng gần một giờ chiều thì cậu bé về nhà, kể lại chuyện ấy. Có điều, phải mất hai mươi phút sau người mẹ mới tin lời con trai kể là thật. Theo ghi chép, thời gian báo án với Phòng Cảnh sát Tây Fuse là một giờ ba mươi ba phút chiều.
“Tiệm cầm đồ…” Nakatsuka buột miệng, “Chủ tiệm cầm đồ có chuyện gì mà phải hẹn người ta gặp mặt ở nơi thế này nhỉ?”
“Chắc là không muốn bị người khác trông thấy, hoặc nếu bị nhìn thấy sẽ không hay ho gì.”
“Cứ cho là vậy thì cũng đâu nhất thiết phải chọn nơi thế này chứ, địa điểm có thể nói chuyện riêng tư, tránh được tai mắt người khác nhiều lắm mà. Nếu thật sự sợ bị người khác trông thấy, chắc sẽ cố gắng tìm nơi nào cách xa nhà một chút, chẳng phải vậy sao?”
“Chính xác.” Sasagaki gật đầu, gãi gãi cằm, cảm nhận được mấy sợi râu cứng cọ vào lòng bàn tay. Hôm nay vội đi, ông thậm chí chẳng kịp cạo râu.
“Chị vợ ông ta ăn mặc cũng lòe loẹt thật.” Nakatsuka nêu lên một chủ đề khác, nhắc tới vợ của Kirihara Yosuke, Yaeko, “Chắc khoảng hơn ba mươi gì đấy, nạn nhân năm nay năm mươi hai tuổi, chênh lệch cũng khá xa nhỉ.”
“Chắc chị ta đã từng làm cái nghề đó.” Sasagaki khẽ đáp.
“Ừm…” Nakatsuka gật đầu với cái cằm chẻ, “Đàn bà thật là đáng sợ! Hiện trường cách nhà có mấy bước chân, vậy mà còn phải trang điểm xong mới đến. Có điều, bộ dạng khóc lóc của chị ta khi nhìn thấy xác chồng mới thật là hay ho.”
“Kiểu khóc với cách trang điểm đều hơi quá khoa trương, phải không?”
“Tôi không nói vậy đâu nhé.” Nakatsuka nhe răng cười đầy ý tứ, rồi lập tức lấy lại vẻ nghiêm túc, “Chắc là cũng thẩm vấn xong người đàn bà đó rồi, Sasagaki, ngại quá, có thể phiền cậu đưa chị ta về nhà không?”
“Được.” Sasagaki cúi đầu chào, đoạn xoay người đi ra cửa.
Bên ngoài tòa nhà, đám người hóng chuyện đã bớt đi nhiều, nhưng bắt đầu xuất hiện bóng dáng các phóng viên, hình như cả người của đài truyền hình cũng có mặt. Sasagaki đưa mắt nhìn về phía mấy xe cảnh sát đậu trước cửa tòa nhà, Kirihara Yaeko đang ngồi trên ghế sau chiếc xe thứ hai trước mặt ông. Bên cạnh chị ta là cảnh sát hình sự Kobayashi, Koga ngồi ở ghế phụ lái. Sasagaki bước đến gõ lên cửa kính sau, Kobayashi mở cửa xe bước ra.
“Tình hình thế nào?” Sasagaki hỏi.
“Đã hỏi sơ qua, vừa mới xong. Nhưng nói thật, trạng thái tinh thần của chị ta vẫn không ổn định lắm.” Kobayashi lấy tay che miệng hạ giọng.
“Chị ta xác nhận các đồ tùy thân chưa?”
“Xác nhận rồi. Quả nhiên, mất ví tiền, và bật lửa nữa.”
“Bật lửa?”
“Nghe nói là hàng cao cấp của hãng Dunhill.”
“Ừm. Thế, chồng chị ta mất tích từ lúc nào?”
“Chị ta nói, chồng mình ra ngoài khoảng hai ba giờ chiều hôm qua, không biết là đi đâu. Đến sáng hôm nay vẫn chưa thấy về nên chị ta rất lo lắng, đang định đợi thêm chút nữa nếu vẫn không thấy sẽ trình báo cảnh sát, thì nhận được thông báo phát hiện ra thi thể chồng.”
“Ai đó đã gọi cho chồng chị ta à?”
“Chị ta bảo không biết, không nhớ trước lúc ra khỏi nhà chồng mình có nhận điện thoại hay không.”
“Tâm trạng của chồng chị ta lúc ra khỏi nhà như thế nào?”
“Thấy bảo không có gì khác thường.”
Sasagaki lấy ngón trỏ gãi má, hoàn toàn không tìm được đầu mối từ những lời khai của chị ta.
“Xem ra chị ta cũng không có manh mối gì về hung thủ rồi.”
“Đúng thế.” Kobayashi hơi nhíu mày.
“Đã hỏi xem chị ta có biết gì về tòa nhà này chưa?”
“Hỏi rồi. Trước đây chị ta từng biết ở đây có một tòa nhà, nhưng không rõ là tòa nhà gì, hôm nay mới lần đầu tiên đặt chân vào bên trong, cũng chưa bao giờ nghe chồng mình nhắc đến nơi này cả.”
Sasagaki bất giác cười chua chát. “Từ đầu đến cuối toàn là câu phủ định cả à.”
“Tôi xin lỗi.”
“Không phải lỗi của cậu.” Sasagaki vỗ vỗ lên ngực người đồng nghiệp trẻ, “Tôi sẽ đưa chị ta về, bảo Koga lái xe, được không?”
“Vâng, mời anh.”
Sasagaki lên xe, bảo Koga lái về phía nhà Kirihara.
“Đi đường vòng một chút, đám báo chí vẫn chưa phát hiện ra nhà nạn nhân ở gần đây.”
“Vâng.” Koga đáp.
Sasagaki xoay người hướng về phía Yaeko ngồi bên cạnh, chính thức tự giới thiệu. Yaeko chỉ khẽ gật đầu, đoán chừng cũng không muốn tốn công nhớ họ tên cảnh sát làm gì.
“Ở nhà giờ có người không?”
“Có, có người đang trông cửa tiệm, con trai tôi cũng ở trường về rồi.” Chị ta đáp mà không ngẩng đầu lên.
“Chị có con à, mấy tuổi rồi?”
“Đang học lớp năm.”
Vậy là khoảng mười đến mười một tuổi. Sasagaki nhẩm tính, rồi lại quan sát Yaeko. Tuy đã được lớp trang điểm che phủ, nhưng có thể thấy da chị ta đã bắt đầu khô ráp, những nếp nhăn li ti cũng rất rõ ràng. Vì vậy chẳng có gì lạ khi con chị ta lớn nhường ấy.
“Nghe nói hôm qua chồng chị ra ngoài mà không nói gì. Điều này có thường xuyên không?”
“Cũng có, đều là đi uống rượu. Hôm qua tôi cũng tưởng thế, nên không để tâm cho lắm.”
“Đi đến sáng mới về à?”
“Hiếm lắm.”
“Trường hợp như vậy ông nhà có gọi điện về không?”
“Anh ấy ít khi gọi điện. Không biết bao nhiêu lần tôi nhắc anh ấy về muộn thì phải gọi điện báo, nhưng anh ấy chỉ hứa miệng mà chẳng bao giờ gọi cả, tôi cũng quen rồi. Có điều, không bao giờ tôi ngờ được anh ấy…” Yaeko đưa tay bụm miệng lại.
Chiếc xe chở bọn Sasagaki đi lòng vòng một lúc, rồi dừng lại bên cạnh cột điện có ghi Oe-Sanchome. Những căn biệt thự liền kề nằm hai bên con đường nhỏ hẹp.
“Phía đằng kia.” Koga chỉ qua lớp kính chắn gió phía trước. Cách chỗ họ khoảng hai mươi mét, xuất hiện tấm biển “Tiệm cầm đồ Kirihara”. Phía truyền thông hình như vẫn chưa nắm được thông tin về gốc tích của người bị hại, ngoài cửa tiệm không thấy bóng ai.
“Tôi đưa chị Kirihara về nhà, cậu về trước đi.” Sasagaki dặn dò Koga.
Cửa cuốn của tiệm cầm đồ kéo xuống cao ngang mặt Sasagaki. Ông đi theo sau Yaeko, cúi người chui qua cửa cuốn. Phía sau cánh cửa là tủ trưng bày và lối vào. Trên cánh cửa kính mờ ở lối vào có dòng chữ màu vàng “Kirihara” viết bằng bút lông. Yaeko mở cửa đi vào, Sasagaki đi phía sau.
“À, bà về rồi.” Người đàn ông ở sau quầy cất tiếng chào. Người này tuổi trạc tứ tuần, thân hình gầy gò, cằm nhọn, mái tóc đen tuyền rẽ ngôi bảy ba đều tăm tắp.
Yaeko thở dài, ngồi xuống một chiếc ghế có lẽ dùng để tiếp khách.
“Sao rồi ạ?” Người đàn ông kia hỏi, ánh mắt dịch chuyển qua lại giữa chị ta và Sasagaki.
Yaeko đưa tay bưng mặt nói, “Đúng là anh ấy.”
“Sao lại thế được?” Người đàn ông sầm nét mặt. Giữa hai chân mày xuất hiện một vết hằn sâu, “Đúng là… ông ấy đã bị giết?”
Chị ta khẽ gật đầu, “Ừm.”
“Sao lại thế được? Sao lại xảy ra chuyện thế này?” Người đàn ông bụm miệng, cúi gầm mặt xuống, tựa như đang sắp xếp lại mạch suy nghĩ, không ngừng chớp mắt.
“Tôi là Sasagaki, Sở Cảnh sát Osaka. Tôi thực sự rất lấy làm tiếc về chuyện này.” Sasagaki giơ phù hiệu cảnh sát ra và tự giới thiệu, “Anh là…”
“Tôi họ Matsuura, làm việc ở đây.” Người đàn ông mở ngăn kéo tủ, lấy ra một tấm danh thiếp.
Sasagaki cúi đầu đáp lễ, đón lấy tấm danh thiếp từ tay đối phương. Lúc này, ông nhìn thấy trên ngón út bàn tay phải của người đàn ông đeo một chiếc nhẫn bạch kim. Đàn ông đàn ang, sao lại đeo trang sức kiểu này, Sasagaki thầm nhủ. Người đàn ông tên là Matsuura Isamu, chức danh ghi là “Quản lý tiệm cầm đồ Kirihara”.
“Anh làm việc ở đây lâu rồi phải không?” Sasagaki hỏi.
“Vâng, tính đến giờ đã là năm thứ năm rồi.”
Sasagaki tự nhủ, năm năm không phải là dài. Trước đó làm việc ở đâu? Vì duyên cớ gì mà đến đây làm việc? Sasagaki rất muốn hỏi những câu này, nhưng quyết định tạm thời nhẫn nại, vì ông vẫn còn phải tới đây vài lần nữa.
“Nghe nói ông Kirihara ra ngoài từ chiều ngày hôm qua.”
“Vâng ạ, tôi nhớ chắc vào khoảng hai giờ rưỡi gì đó.”
“Ông ấy không nói là đi làm việc gì ư?”
“Không ạ. Ông chủ rất độc đoán, hiếm khi nào bàn bạc chuyện công việc với chúng tôi.”
“Lúc ra ngoài, ông ấy có gì khác với bình thường không? Chẳng hạn như ăn mặc hơi khác thường, hoặc mang theo thứ gì đó mà anh chưa thấy bao giờ?”
“Chuyện này thì, tôi không chú ý lắm.” Matsuura nghiêng đầu, đưa tay trái lên gãi gãi sau gáy, “Có điều, hình như ông ấy rất để ý đến thời gian.”
“Ừm, để ý thời gian.”
“Hình như ông ấy xem đồng hồ đến mấy lần. Có điều, cũng có thể là do tôi cả nghĩ quá thôi.”
Sasagaki hờ hững đảo mắt một vòng trong gian tiệm. Sau lưng Matsuura là một cánh cửa kéo kiểu Nhật đóng kín, sau cửa có lẽ là phòng khách, bên trái quầy có chỗ để ngồi tháo giày, từ phía đó lên là phòng ở. Đi lên trên, phía bên trái có một cánh cửa, nếu đó là phòng chứa đồ thì vị trí như thế cũng thật kỳ lạ.
“Hôm qua cửa tiệm mở đến mấy giờ?”
“Việc này,” Matsuura nhìn cái đồng hồ hình tròn treo trên tường, “bình thường sáu giờ là đóng cửa, có điều, hôm qua cứ có việc lần khân, mở đến tận gần bảy giờ.”
“Chỉ có mình anh Matsuura trông tiệm thôi ư?”
“Vâng ạ, hầu như những lúc ông chủ không có mặt đều thế cả.”
“Sau khi đóng cửa thì sao?”
“Tôi đi về nhà.”
“Nhà anh ở đâu?”
“Teradacho.”
“Teradacho? Lái xe đi làm à?”
“Không, tôi đi tàu điện.”
Nếu là đi tàu điện, tính cả thời gian đổi tàu, đến Teradacho áng chừng mất khoảng ba mươi phút. Nếu bảy giờ hơn ra về, muộn nhất là tám giờ cũng về đến nhà rồi.
“Anh Matsuura, nhà anh có những ai?”
“Không có. Tôi ly hôn từ sáu năm trước, giờ thuê nhà sống một mình.”
“Nói như vậy, tối qua sau khi anh về, cũng chỉ có một mình thôi?”
“Đúng thế.”
Tức là không có bằng chứng ngoại phạm chứ gì, Sasagaki thầm xác nhận. Song ông không tỏ thái độ gì cả.
“Chị Kirihara này, bình thường chị không ra ngoài trông cửa tiệm ư?” Sasagaki hỏi Yaeko đang ngồi trên ghế dùng tay bóp trán.
“Vì chuyện trong cửa tiệm tôi chẳng hiểu gì cả.” Chị ta trả lời một cách yếu ớt.
“Hôm qua chị có ra ngoài không?”
“Không, tôi ở nhà cả ngày.”
“Không đi đâu cả à? Cũng không đi mua đồ gì ư?”
“Ừm.” Chị ta gật đầu, sau đó mệt mỏi đứng lên, “Xin phép, tôi có thể đi nghỉ được chưa ạ? Tôi mệt quá, đến ngồi cũng cảm thấy khó chịu.”
“Dĩ nhiên, xin lỗi chị. Mời chị đi nghỉ.”
Yaeko loạng choạng tháo giày, vịn vào tay nắm cánh cửa bên trái kéo mở ra, bên trong là cầu thang. Thì ra thế, Sasagaki bấy giờ mới hiểu tác dụng của cánh cửa đó.
Đợi cho tiếng bước chân lên tầng của chị ta xa dần sau cánh cửa đóng kín, Sasagaki tiếp tục hỏi Matsuura, “Chuyện ông Kirihara đêm qua không về nhà, sáng nay anh mới nghe nói phải không?”
“Vâng. Bà chủ và tôi đều lấy làm lạ và rất lo lắng. Thế rồi nhận được điện thoại của cảnh sát…”
“Hẳn hai người ngạc nhiên lắm.”
“Tất nhiên!” Matsuura nói, “Sao lại thế được chứ? Tôi vẫn không dám tin, ông chủ lại… nhất định có nhầm lẫn ở đâu đó rồi.”
“Vậy là, anh cũng hoàn toàn không có manh mối gì?”
“Lấy đâu ra manh mối chứ?”
“Nhưng mà, các anh làm nghề này, khách đến cũng có cả trăm hạng khác nhau. Có vị khách nào vì tiền mà nảy sinh tranh chấp với ông chủ của anh chưa?”
“Tất nhiên, chúng tôi cũng có một số vị khách kỳ quặc. Đã đi mượn tiền mà còn oán người ta. Nhưng, dù thế nào cũng không đến nỗi phải giết ông chủ…” Matsuura ngước nhìn Sasagaki, lắc đầu, “Tôi thực sự khó mà tưởng tượng nổi.”
“Cũng khó trách, các anh là người làm ăn, không thể nói xấu khách hàng được. Có điều, thế này thì chúng tôi chẳng biết điều tra từ đâu nữa. Nếu anh có danh sách các khách hàng gần đây cho chúng tôi xem, thì sẽ giúp được chúng tôi rất nhiều.”
“Danh sách à…” Matsuura nhíu mày vẻ khó xử.
“Nhất định có chứ, bằng không biết là cho ai mượn tiền, cũng chẳng thể nào quản lý được các thứ người ta đem đến cầm.”
“Có thì đúng là có thật.”
“Phiền anh cho tôi mượn một chút”. Sasagaki xòe tay ra, “Tôi mang bản chính về, sau khi chụp lại sẽ lập tức mang trả. Đương nhiên, chúng tôi sẽ hết sức cẩn thận, không để người khác thấy.”
“Chuyện này tôi không quyết định được…”
“Cũng được, tôi đợi ở đây, có thể phiền anh lên hỏi ý kiến bà chủ được không?”
“Ừm.” Matsuura chau mày suy nghĩ giây lát, cuối cùng cũng gật đầu, “Thôi được. Đã vậy có thể cho các ông mượn, nhưng mà, xin các ông giữ gìn cẩn thận giùm.”
“Cảm ơn, không cần hỏi ý kiến của bà chủ trước sao?”
“Chắc là cho mượn được, để lát tôi nói với bà ấy sau. Nghĩ lại thì, ông chủ cũng không còn nữa rồi.”
Matsuura ngồi trên ghế xoay một góc chín mươi độ, mở tủ hồ sơ bên cạnh, bên trong xếp mấy kẹp tài liệu dày cộp. Sasagaki đang nhổm người về phía trước nhòm ngó, thì liếc thấy cánh cửa cầu thang bỗng lặng lẽ mở ra, ông ngoảnh nhìn về phía đó, chợt giật thót. Sau cánh cửa có một cậu bé đang đứng, khoảng mười tuổi, mặc áo thể thao dài tay, quần bò, thân hình gầy nhỏ. Sasagaki giật mình, không phải vì không nghe thấy tiếng cậu bé đi xuống tầng, mà bởi trong khoảnh khắc hai ánh mắt chạm nhau, ông bị chấn động trước sự tối tăm ẩn sâu trong đôi mắt đó.
“Cháu là con của ông Kirihara à?” Sasagaki hỏi.
Cậu bé không trả lời. Matsuura ngoảnh đầu lại đáp thay, “Vâng, đúng thế.”
Cậu bé không nói một lời, bắt đầu đi giày thể thao, nét mặt không một xúc cảm.
“Ryoji, cháu đi đâu đấy? Hôm nay nên ở nhà thì hơn.”
Cậu bé chẳng buồn để ý đến Matsuura, cứ thế đi ra cửa.
“Đáng thương thật, hẳn là thằng bé bị sốc khá nặng.” Sasagaki nói.
“Có lẽ vậy. Nhưng mà, thằng bé đó cũng hơi đặc biệt.”
“Đặc biệt như thế nào?”
“Chuyện này, tôi cũng không tiện nói.” Matsuura lấy trong tủ hồ sơ ra một kẹp tài liệu, đặt trước mặt Sasagaki, “Đây là danh sách các khách hàng gần đây nhất.”
“Tôi xin phép.” Sasagaki nhận lấy, bắt đầu lật giở các trang. Những cái tên đàn ông đàn bà ken thành một hàng dày đặc trong kẹp tài liệu. Mắt ông đọc tài liệu, trong đầu lại hồi tưởng đến ánh mắt u uất của cậu bé kia.