Cha Mẹ Độc Hại - Susan Forward PH.D., Craig Buck - Chương 1
- Home
- Cha Mẹ Độc Hại - Susan Forward PH.D., Craig Buck
- Chương 1 - Cha mẹ thần thánh, truyền thuyết về các bậc phụ huynh hoàn hảo
Người Hy Lạp cổ luôn cho rằng các vị thần tọa lạc trên đỉnh Olympia dõi mắt xuống trần thế và phán xét mọi tội lỗi mà người Hy Lạp mắc phải. Và nếu những vị thần đó không vui, họ sẽ trừng phạt người dân ngay lập tức. Họ không cần phải tử tế, không cần phải công bằng, không cần phải đúng, mà ngược lại họ còn cực kỳ vô lý. Với sở thích của mình, họ có thể biến bạn thành một tiếng vọng hoặc khiến bạn phải đẩy một tảng đá nặng vĩnh viễn. Và sự khó đoán của những vị thần quyền lực này đã gieo nỗi sợ hãi, bối rối vào những con chiên người trần mắt thịt của ngài.
Không khác nhiều so với các mối quan hệ giữa cha mẹ độc hại và con cái của họ, các bậc phụ huynh ấy chính là một vị thần đáng sợ trong mắt con trẻ.
Khi còn nhỏ, cha mẹ là tất cả với chúng ta. Nếu không có họ, chúng ta sẽ không được yêu thương, không được bảo vệ, không nhà cửa, không thức ăn; chúng ta sẽ phải sống trong tình trạng khủng hoảng liên tục và ta biết rằng ta không có khả năng tồn tại một mình. Họ là những người cung cấp tuyệt đối và mang đến cho chúng ta những thứ ta cần.
Bởi không có ai phán xét họ nên ta luôn cho rằng họ là những bậc cha mẹ hoàn hảo. Giống như việc cả thế giới chỉ gói gọn quanh chiếc cũi, chúng ta phát triển nhu cầu duy trì hình ảnh hoàn hảo này như một hàng rào bảo vệ chống lại những điều ta không biết mà ta gặp ngày càng nhiều hơn. Chỉ cần ta tin rằng cha mẹ mình hoàn hảo, ta sẽ cảm thấy mình được bảo vệ.
Trong hai đến ba năm đầu đời, chúng ta bắt đầu khẳng định sự độc lập của mình. Ta kháng cự việc huấn luyện đi vệ sinh và tận hưởng giai đoạn “khủng hoảng tuổi lên hai”. Ta liên tục nói “không” bởi câu nói đó cho phép ta có chút ít quyền điều khiển cuộc sống của mình, trong khi nói “có” đơn giản là chấp nhận phục tùng. Để xây dựng một danh tính độc nhất, một ý chí của riêng mình, điều đó sẽ khiến bản thân cảm thấy thật vất vả.
Quá trình tách mình khỏi cha mẹ đạt đến đỉnh điểm vào tuổi dậy thì, khi ta chủ động đối đầu với các giá trị, thị hiếu và thẩm quyền thuộc về cha mẹ. Trong những gia đình tương đối ổn định, cha mẹ có thể chịu đựng được những lo âu do những thay đổi này gây ra. Hầu hết, họ sẽ cố gắng khoan dung. Nếu không khuyến khích một cách đúng đắn, sự chống đối của con trẻ sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ. Cách diễn đạt “đó chỉ là một giai đoạn trong đời” trở thành một sự bảo đảm tiêu chuẩn cho các bậc phụ huynh tâm lý, những người vẫn còn nhớ những năm tháng thiếu niên của mình và coi sự nổi loạn là một giai đoạn thông thường trong quá trình phát triển cảm xúc.
Những cha mẹ độc hại thì không tâm lý được như vậy. Từ lúc dạy trẻ đi vệ sinh cho tới tuổi dậy thì, họ có xu hướng nhìn nhận việc nổi loạn hay những khác biệt riêng tư là sự tấn công cá nhân. Họ bảo vệ bản thân bằng cách củng cố thêm sự phụ thuộc và bất lực của những đứa trẻ. Thay vì khuyến khích sự phát triển lành mạnh, họ phá hoại một cách vô thức, thường là với niềm tin họ đang làm những gì tốt nhất cho con mình. Họ có thể vẫn dùng những câu như “điều đó tạo nên tính cách” hay “con bé cần học điều đúng đắn từ sai lầm”, song sự tiêu cực của họ thực sự gây tổn thương đến lòng tự trọng của đứa trẻ, phá hoại bất cứ sự độc lập nào mới chớm nở. Không cần biết các bậc phụ huynh ấy tin họ đúng đến đâu, nhưng những lời công kích như vậy thường gây bối rối cho trẻ, khiến chúng hoang mang vì sự thù địch, dữ dội và đột ngột của họ.
Văn hóa và các tôn giáo của chúng ta gần như có chung quan điểm trong việc tán thành quyền lực tuyệt đối của cha mẹ. Việc bày tỏ sự giận dữ với chồng, vợ, người yêu, anh chị em, sếp và bạn bè được chấp nhận, song gần như chắc chắn là điều cấm kỵ khi đứng trước cha mẹ. Đã bao nhiêu lần bạn nghe câu “không được cãi lại mẹ” hay “sao con dám hét lên với bố?” Truyền thống Kitô giáo gìn giữ sự thiêng liêng trong cộng đồng một cách vô thức bằng cách gọi “Đức Chúa Cha” và hướng chúng ta “kính trọng cha mẹ của mình”. Ý tưởng này có mặt trong nhà trường, trong các nhà thờ và cả chính phủ (đáp lại giá trị truyền thống gia đình), thậm chí trong cả các tập đoàn. Theo lẽ thường, cha mẹ được nắm quyền kiểm soát chúng ta đơn giản vì họ đã mang đến cho ta sự sống.
Những đứa trẻ nằm dưới sự kiểm soát của các bậc cha mẹ thần thánh, giống như những người Hy Lạp cổ đại, không bao giờ biết khi nào thì cơn giận dữ sẽ xảy ra, nhưng chúng biết rằng sớm muộn gì nó cũng sẽ đến. Nỗi sợ hãi này thường trở nên sâu sắc và lớn lên cùng sự trưởng thành cùng đứa trẻ. Cốt lõi của tất cả những người trưởng thành đã từng bị ngược đãi – thậm chí cả những người thành đạt – đều là một đứa trẻ cảm thấy mình bất lực và sợ hãi.
Cái giá của việc cung phụng thánh thần
Khi lòng tự trọng của một đứa trẻ bị tổn hại, sự phụ thuộc sẽ tăng lên, cùng với đó là niềm tin cha mẹ ở đây là để bảo vệ và chu cấp cho mình. Để những bạo hành cảm xúc hay thể chất trở nên có nghĩa với một đứa trẻ chỉ có cách làm chúng chấp nhận mình phải có trách nhiệm với hành vi của cha mẹ độc hại.
Dù mức độ độc hại của cha mẹ thế nào, bạn vẫn có nhu cầu sùng bái họ. Cho dù bạn hiểu ở một mức độ nào đó cha bạn đã sai khi đánh bạn, thì bạn vẫn tin ông ấy đang hành xử hợp lý. Và có thể những hiểu biết của bạn biết điều đó, nhưng lại không đủ để thuyết phục cảm xúc của bạn rằng bạn không phải chịu trách nhiệm trong chuyện này.
Giống như khi một khách hàng của tôi bày tỏ: “Tôi nghĩ họ là những người hoàn hảo, vì thế khi họ đối xử tệ với tôi, tôi nhận ra mình là một kẻ tồi tệ”
Có hai giáo lý cốt lõi trong niềm tin về cha mẹ thần thánh:
- “Tôi tệ hại còn cha mẹ thì tuyệt vời.”
- “Tôi yếu đuối còn cha mẹ thì đầy sức mạnh.”
Có những niềm tin mạnh mẽ có thể kéo dài sự phụ thuộc thể chất của bạn vào cha mẹ. Những niềm tin ấy giữ cho lòng trung thành tồn tại; nó giúp bạn tránh phải đối mặt với sự thật đau đớn rằng những bậc phụ huynh thần thánh thực ra đã phản bội bạn khi bạn đang ở trong trạng thái dễ bị tổn thương nhất.
Bước đi đầu tiên hướng đến việc kiểm soát cuộc đời bạn là bạn tự mình đối mặt với sự thật ấy, điều ấy cần rất nhiều can đảm. Nhưng nếu bạn đang đọc cuốn sách này, bạn đã tạo cho mình một cam kết thay đổi. Chỉ riêng việc đó thôi cũng đã rất dũng cảm rồi.
“Họ sẽ không bao giờ để tôi quên đi những sai lầm”
Sandy, 28 tuổi, một cô gái tóc nâu nổi bật dường như “có tất cả”, lại hoàn toàn suy sụp khi lần đầu đến gặp tôi. Cô nói với tôi rằng cô không hạnh phúc với mọi thứ trong đời mình. Cô từng là người cắm hoa lâu năm tại một cửa hàng uy tín. Cô luôn mơ về một cửa tiệm nhưng cô lại bị thuyết phục rằng mình không đủ thông minh để làm nên chuyện. Cô quá sợ hãi thất bại.
Sandy cũng đã thử mang thai hơn hai năm trước nhưng không thành công. Khi chúng tôi nói chuyện, tôi bắt đầu nhận thấy chuyện khó mang thai khiến cô vô cùng oán giận chồng mình và cảm thấy thiếu thốn trong quan hệ giữa họ, dù thực tế là anh ấy có vẻ thấu hiểu và yêu thương cô chân thành. Một cuộc trò chuyện gần đây với mẹ cô càng làm trầm trọng thêm vấn đề:
Chuyện mang thai trở thành nỗi ám ảnh đối với tôi. Trong lúc ăn trưa với mẹ, tôi nói với bà rằng tôi đang thất vọng như thế nào. Và bà đáp lại: “Chắc chắn là do lần phá thai trước đây. Chúa sẽ không tha thứ cho bất cứ tội lỗi nào.” Nghe đến đó tôi không thể ngừng khóc. Bà ấy không bao giờ để tôi quên đi chuyện đó.
Tôi hỏi cô về chuyện phá thai. Sau vài phút ngượng ngập ban đầu, cô kể cho tôi nghe câu chuyện:
Chuyện đó xảy ra khi tôi đang học cấp 3. Cha mẹ tôi là những tín đồ công giáo vô cùng mộ đạo, vì thế tôi học trong trường của nhà thờ. Tôi phát triển khá sớm, cho đến năm 12 tuổi, tôi đã cao 1.67m, nặng 58kg, và mặc áo ngực cỡ 36. Bọn con trai bắt đầu để mắt đến tôi, và tôi rất thích như vậy. Chuyện đó khiến cha tôi nổi điên. Lần đầu tiên ông trông thấy tôi đang hôn tạm biệt một chàng trai ông đã gọi tôi là con điếm, lớn đến nỗi xung quanh hàng xóm đều nghe thấy. Mọi thứ bắt đầu trượt dốc từ đó. Mỗi lần tôi đi chơi với một tên con trai, cha tôi lại nói tôi sẽ phải xuống địa ngục. Ông ấy chưa bao giờ ngừng việc đó lại. Tôi nhận ra đằng nào mình cũng là đồ bỏ đi, vậy nên năm 15 tuổi tôi đã ngủ với một anh chàng. Đen đủi là tôi lại có thai. Lúc bố mẹ tôi phát hiện ra, họ như phát điên. Rồi tôi nói với họ là tôi muốn phá thai; lúc này thì họ gần như mất trí. Họ đã la mắng tôi về “tội lỗi” này hàng nghìn lần. Nếu tôi chưa phải xuống địa ngục ngay thì tội lỗi này chính là thứ sẽ mang tôi xuống đó. Cách duy nhất để tôi buộc họ phải ký vào giấy chấp nhận phá thai là dọa sẽ tự tử.
Tôi hỏi Sandy mọi chuyện tiếp diễn như thế nào sau khi phá thai. Cô ngồi phục xuống ghế với ánh mắt buồn bã khiến tim tôi nhói lên.
Nó giống như đang từ mặt đất rơi xuống chín tầng địa ngục. Mặc dù cha tôi khiến tôi cảm thấy tệ hại từ trước đó rồi, nhưng bây giờ tôi thậm chí còn cảm thấy mình không có quyền được tồn tại. Càng xấu hổ vì tội lỗi bao nhiêu, tôi càng ra sức sửa chữa. Tôi chỉ muốn quay ngược lại thời gian, có lại những yêu thương mà tôi từng có khi còn nhỏ. Nhưng họ không bao giờ bỏ lỡ cơ hội đào bới lên những tội lỗi của tôi. Giống như bản thu âm bị hỏng chỉ lặp đi lặp lại chuyện tôi đã bôi tro trát trấu vào mặt họ. Tôi không thể đổ lỗi cho họ. Bởi lẽ ra tôi không nên làm những chuyện ngu xuẩn đó. Họ đã có những kỳ vọng đạo đức cao ở tôi mà tôi không làm được. Giờ tôi chỉ muốn sửa chữa sai lầm vì đã khiến họ tổn thương nên tôi luôn làm mọi thứ mà họ muốn. Điều đó khiến chồng tôi khó chịu nên tôi và anh ấy đã có nhiều lần cãi nhau lớn vì chuyện này. Nhưng tôi rất bất lực, tôi chỉ muốn họ tha thứ cho tôi.
Khi lắng nghe người phụ nữ trẻ dễ thương này, điều khiến tôi đau lòng là những khổ đau mà cha mẹ đã gây ra cho cô và cái cách cô luôn phủ nhận trách nhiệm của họ đối với những đau khổ đó. Cô dường như thuyết phục tôi một cách tuyệt vọng rằng mọi điều xảy đến với cô đều là lỗi do cô. Việc tự đổ lỗi của Sandy được tạo nên từ những niềm tin tôn giáo bảo thủ của cha mẹ. Tôi biết công việc khó khăn của mình là giúp Sandy nhận ra một cách thực sự mức độ tàn nhẫn và ngược đãi về mặt cảm xúc mà cha mẹ đã làm với cô. Và đây chính là lúc cần phải phán xét về điều đó.
SUSAN: Cô biết không? Tôi cảm thấy phẫn nộ thay cho cô. Tôi nghĩ cha mẹ cô đã đối xử tệ hại với cô và họ đã lạm dụng tôn giáo để trừng phạt cô. Tôi không nghĩ cô đáng phải chịu đựng chuyện đó.
SANDY: Tôi đã phạm phải lỗi lầm không thể dung thứ.
SUSAN: Nghe này, cô khi đó chỉ là một đứa trẻ. Có thể cô đã gây ra vài lỗi lầm, nhưng cô không cần trả giá cho chúng suốt đời. Đến cả nhà thờ còn cho cô chuộc tội và tiếp tục sống. Nếu cha mẹ cô tốt như những gì cô nói, họ đã thể hiện tình thương với cô rồi.
SANDY: Họ đã cố gắng cứu rỗi linh hồn tôi. Nếu họ không yêu tôi nhiều đến thế, họ đã chẳng quan tâm đến tôi.
SUSAN: Hãy cùng nhìn từ một bối cảnh khác. Sẽ ra sao nếu cô không phá thai? Và cô có một cô con gái nhỏ. Con bé bây giờ chắc cũng khoảng 16 tuổi, đúng không?
Sandy gật đầu, cố nghĩ xem tôi sẽ nói gì tiếp theo.
SUSAN: Giả sử con bé mang thai ngoài ý muốn. Liệu cô có đối xử với con như những gì cha mẹ cô đã làm với cô không?
SANDY: Không, không bao giờ!
Sandy nhận ra ngụ ý trong câu trả lời của mình.
SUSAN: Cô sẽ yêu thương con bé nhiều hơn. Và cha mẹ cô lẽ ra cũng nên như vậy. Đó là thất bại của họ, không phải của cô.
Sandy đã dành một nửa cuộc đời để dựng lên bức tường bảo vệ kiên cố. Những bức tường như vậy vô cùng phổ biến trong những đứa trẻ có cha mẹ độc hại. Song thứ chiếm nhiều nhất, vật liệu chính tạo nên bức tường của Sandy, là những viên gạch cứng đầu mang tên “phủ nhận”.
Sức mạnh của phủ nhận
Phủ nhận là cách thức bảo vệ tâm lý cổ xưa nhất và cũng quyền năng nhất. Nó sử dụng thực tế giả tạo để giảm thiểu, thậm chí phủ nhận hoàn toàn ảnh hưởng của những trải nghiệm đau khổ hiển hiện trong cuộc sống. Nó còn khiến ta quên đi những gì cha mẹ đã làm và cho phép ta tiếp tục tôn thờ họ.
Cảm giác thanh thản đến từ việc phủ nhận thường chỉ là trạng thái tạm thời, còn cái giá phải trả cho nó lại quá đắt. Sự phủ nhận là thứ giúp đè nén áp lực cảm xúc trong ta: càng cố che đậy thì áp lực càng lớn. Sớm hay muộn, nó cũng đạt đến giới hạn và ta sẽ gặp phải những cơn địa chấn cảm xúc. Khi chuyện đó xảy ra, chúng ta phải đối mặt với những gì mình đã hết sức né tránh, và giờ đây ta phải đối mặt trong trạng thái cực kỳ căng thẳng. Nếu ta có thể xử lý sự phủ nhận này trước, ta có thể tránh được khủng hoảng bằng cách mở nắp van và để chúng tuôn ra dễ dàng.
Đáng tiếc là sự phủ nhận của riêng bạn không phải là sự phủ nhận duy nhất mà bạn phải đương đầu. Cha mẹ bạn cũng có hệ thống phủ nhận của riêng họ. Khi bạn nỗ lực xây dựng lại sự thật về quá khứ của mình, đặc biệt khi sự thật đó phản ánh một cách tồi tệ về cha mẹ, cha mẹ bạn có thể sẽ khăng khăng “đâu có tệ đến thế”, “mọi chuyện không phải như con nghĩ”, hay thậm chí là “chuyện đó chưa từng xảy ra.” Những lời tuyên bố đó có thể rút cạn mọi nỗ lực xây dựng lại lịch sử cá nhân của bạn, khiến bạn phải tự đặt câu hỏi về những ấn tượng và ký ức của bản thân. Họ khiến bạn mất tự tin trong việc nhận thức thực tế, khiến cho việc xây dựng lại lòng tự trọng trở nên khó khăn hơn.
Sự phủ nhận của Sandy lớn đến nỗi không những cô không nhìn ra thực tại của bản thân, mà còn không nhận thức được rằng có một thực tại khác cần khám phá. Tôi đồng cảm với nỗi đau của cô, song tôi buộc phải khiến cô xem xét đến khả năng rằng cô đã mang những hình ảnh lỗi về cha mẹ mình. Tôi cố gắng nói nhẹ nhàng nhất có thể:
Tôi tôn trọng việc cô yêu thương cha mẹ mình và việc cô tin họ là những người tốt. Tôi nghĩ rằng họ đã làm nhiều điều tốt đẹp cho cô trong quá trình trưởng thành. Nhưng chắc chắn có một phần nào đó trong cô biết hay cảm nhận được những bậc cha mẹ đầy tình thương sẽ không tấn công vào phẩm giá và lòng tự trọng của con mình một cách liên tục như vậy. Tôi không muốn chia cắt cô và cha mẹ hay với tôn giáo của cô. Cô không cần phải từ mặt họ hay ngừng đến nhà thờ. Tuy vậy phần lớn khả năng chấm dứt cơn trầm cảm của cô phụ thuộc vào việc từ bỏ ảo tưởng cho rằng cha mẹ cô là hoàn hảo. Họ tàn nhẫn với cô. Họ làm tổn thương cô. Dù cô có làm gì đi chăng nữa thì mọi sự cũng đã xảy ra rồi. Dù họ có thuyết giảng cỡ nào thì cũng không thay đổi được quá khứ. Cô không thấy rằng họ đã khiến cô gái nhạy cảm trong cô tổn thương sâu sắc đến mức nào sao? Và việc đó vô ích như thế nào sao?
“Phải”, Sandy nói không thành tiếng. Tôi hỏi rằng việc nghĩ đến nó có khiến cô sợ hãi không. Cô chỉ gật đầu, không nói nên lời về nỗi sợ hãi sâu thẳm trong mình. Dù vậy, việc cô đã không từ bỏ cũng đã rất can đảm rồi.
Hi vọng trong vô vọng
Sau hai tháng trị liệu, Sandy đã có một số tiến bộ song vẫn cố chấp tin tưởng vào hình tượng cha mẹ hoàn hảo của mình. Chỉ khi nào cô đập tan những ảo tưởng đó, cô mới dừng đổ lỗi cho bản thân về mọi điều bất hạnh trong đời. Tôi nói cô hãy mời cha mẹ cùng đến buổi trị liệu. Tôi hi vọng mình có thể khiến họ biết hành vi của mình ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc đời Sandy như thế nào; và mong muốn họ sẽ thừa nhận phần nào trách nhiệm, giúp cho Sandy dễ dàng hơn trong việc sửa chữa hình ảnh tiêu cực về bản thân.
Chúng tôi gần như không có thời gian làm quen trước khi cha của cô ấy thốt lên:
Cô không biết hồi nhỏ nó hư đốn thế nào đâu bác sĩ. Nó phát điên vì bọn con trai rồi còn liên tục quyến rũ chúng nó. Mọi rắc rối của nó ngày hôm nay đều bắt nguồn từ cái lần phá thai chết tiệt ấy.
Tôi có thể trông thấy đôi mắt ngấn nước của Sandy. Tôi vội vàng bênh vực:
Đó không phải là lý do khiến Sandy có nhiều vấn đề, và tôi không cần ông đọc danh sách tội lỗi của cô ấy. Chúng ta sẽ chẳng đi đến đâu nếu đó là tất cả những gì ông có thể làm ở đây.
Hoàn toàn vô ích. Suốt buổi trị liệu, cha mẹ của Sandy đều lần lượt tấn công con gái mình, mặc dù tôi đã ra sức khuyên bảo. Đó là một tiếng đồng hồ dài dằng dặc. Sau khi họ rời đi, Sandy lập tức thay mặt họ xin lỗi tôi:
Tôi biết là họ không tới đây vì tôi hôm nay, nhưng tôi hi vọng chị thích họ. Họ thực sự là những người tốt bụng, chỉ là hơi lo lắng khi ở đây thôi. Lẽ ra tôi không nên mời họ tới đây… Có thể nó khiến họ bực bội. Họ không quen lắm với những thứ như thế này. Nhưng họ thật lòng yêu thương tôi…hãy cho họ chút thời gian, rồi chị sẽ thấy.
Buổi trị liệu này và một vài bài tập tiếp theo với cha mẹ của Sandy đã chỉ ra một cách rõ ràng suy nghĩ của họ hạn hẹp như thế nào đối với bất cứ thứ gì thách thức quan điểm của họ về các vấn đề của Sandy. Không ai sẵn sàng thừa nhận trách nhiệm với những vấn đề đó. Và Sandy thì tiếp tục thần tượng họ.
“Họ chỉ đang cố giúp tôi mà thôi”
Với nhiều đứa trẻ trưởng thành lớn lên trong gia đình có cha mẹ độc hại, phủ nhận là một quá trình đơn giản và vô thức thúc đẩy các sự kiện và cảm xúc nằm ngoài nhận thức chủ động, vờ như những sự kiện đó chưa bao giờ xảy ra. Song với những người khác, ví dụ như Sandy, lại có cách tiếp cận tinh tế hơn: hợp lý hóa. Khi chúng ta hợp lý hóa một sự việc, ta sẽ dùng “những lý do tốt” để xua đi những cảm giác đau đớn và không thoải mái.
Dưới đây là một vài sự hợp lý hóa điển hình:
- Cha tôi chỉ la rầy tôi vì mẹ tôi cũng hay cằn nhằn với ông ấy.
- Mẹ tôi chỉ uống rượu vì bà cảm thấy cô đơn. Lẽ ra tôi nên ở nhà với bà nhiều hơn.
- Cha tôi có đánh tôi, nhưng ông không cố ý làm tôi đau, ông ấy chỉ muốn giúp tôi tiến bộ.
- Mẹ tôi không bao giờ để ý đến tôi vì bà đã quá bất hạnh.
- Tôi chẳng thể nào đổ lỗi cho cha vì đã quấy rối tôi, bởi đàn ông thì cần tình dục nhưng mẹ tôi chẳng bao giờ ngủ với ông ấy cả.
Những lời biện hộ trên có một điểm chung: chúng biến những điều không thể chấp nhận được thành có thể. Nhìn bề ngoài thì nó trông có vẻ hiệu quả, nhưng sâu bên trong bạn luôn hiểu rằng đâu mới là sự thật.
“Ông ấy chỉ làm vậy vì…”
Louise, một phụ nữ nhỏ bé tóc nâu nhạt đang trong độ tuổi trung niên, vừa ly hôn người chồng thứ ba. Chị đến trung tâm trị liệu vì con gái lớn của chị khăng khăng bắt chị đi, cô còn dọa sẽ cắt đứt quan hệ với Louise nếu chị không làm gì đó để kiểm soát cảm xúc hận thù trong mình.
Lần đầu tôi gặp Louise, hình ảnh cứng rắn và biểu cảm mím chặt môi của chị đã nói lên tất cả. Chị giống như một ngọn núi lửa chứa đầy giận dữ. Tôi hỏi chị về chuyện ly dị và chị nói những người đàn ông trong đời chị đều bỏ chị mà đi; người chồng hiện tại của chị chỉ là một ví dụ mới nhất:
Tôi luôn chọn sai người. Khi mới bắt đầu một mối quan hệ, cảm xúc thường rất hứng khởi, nhưng tôi biết nó sẽ không bao giờ kéo dài.
Tôi chăm chú lắng nghe khi Louise trình bày về chủ đề mọi đàn ông đều khốn nạn. Rồi chị bắt đầu so sánh những người đàn ông trong đời mình với cha của chị:
Chúa ơi, tại sao tôi không thể tìm được ai như cha mình? Ông ấy trông như một ngôi sao điện ảnh…ai cũng ngưỡng mộ ông. Ý tôi là ông ấy có sức quyến rũ thu hút mọi người về phía mình. Mẹ tôi hay bị ốm, nên ông thường đưa tôi ra ngoài…chỉ có ông và tôi. Đó là khoảng thời gian đẹp nhất của tôi. Ngoài cha tôi thì chẳng có ai làm như vậy cả.
Tôi hỏi Louise xem cha chị còn sống không và chị trở nên căng thẳng:
Tôi không biết. Một ngày kia ông bỗng nhiên biến mất. Tôi đoán lúc đó tôi khoảng mười tuổi. Mẹ tôi là một người chẳng ra gì nên ông mới bỏ đi. Không một lời nhắn hay một cuộc điện thoại, chẳng có gì hết. Lạy Chúa, tôi nhớ ông ấy. Khoảng một năm sau khi ông đi, tôi dám chắc là tôi có thể nghe thấy tiếng xe của ông về mỗi đêm…Tôi thật sự không thể đổ lỗi cho ông ấy. Cha tôi là một người tràn trề sức sống. Ai mà muốn chết dí một chỗ với một bà vợ bệnh tật và một đứa trẻ cơ chứ?
Louise đã dành cả cuộc đời để chờ đợi người cha lý tưởng của chị quay về. Không thể đối mặt với sự vô tình và thiếu trách nhiệm của cha, Louise đã sử dụng kỹ năng hợp lý hóa mở rộng để giữ hình ảnh thần thánh của ông trong mắt mình – mặc cho nỗi đau không thể diễn tả bởi hành vi của ông gây ra cho chị.
Sự hợp lý hóa cũng cho phép chị phủ nhận cơn thịnh nộ với người cha đã bỏ rơi chị. Đáng tiếc là cơn thịnh nộ ấy đã tìm được một lối thoát khác nhằm vào các mối quan hệ của cô với những người khác phái. Mỗi khi bắt đầu làm quen với một người đàn ông, mọi việc sẽ suôn sẻ một thời gian. Nhưng khi họ trở nên thân thiết hơn, nỗi sợ hãi bị bỏ rơi sẽ vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Nỗi sợ luôn luôn biến thành thù hận. Chị không thể nhìn ra khuôn mẫu chung là từng người đàn ông đều rời bỏ chị vì một lý do: càng thân thiết thì chị càng trở nên hận thù. Thay vào đó, chị khăng khăng rằng lòng hận thù của chị xuất phát từ việc những người đàn ông đó luôn rời bỏ chị trước.
Cơn giận ở nơi giận dữ được trao quyền
Khi còn học cao học, một trong những cuốn sách tâm lý của tôi cung cấp một chuỗi các bức hình minh họa sinh động cách người ta thay thế các cảm xúc – thường là giận dữ. Bức hình đầu tiên là một người đàn ông đang bị sếp la mắng. Hiển nhiên, việc lớn tiếng lại với sếp không hề an toàn cho anh ta, vì thế anh ta thay thế cơn giận dữ của mình bằng cách la mắng vợ khi về nhà. Bức hình thứ ba thể hiện cô vợ đang la mắng bọn trẻ. Và những đứa trẻ đá vào một con chó, rồi con chó đó lại đi cắn một con mèo khác. Điều khiến tôi ấn tượng về chuỗi bức ảnh này là, mặc dù trông nó có vẻ ngây ngô và buồn cười, song nó lại chính xác một cách đáng ngạc nhiên về cách chúng ta chuyển đổi những cảm xúc mạnh từ một người lẽ ra nên nhận nó tới một đối tượng dễ dàng hơn.
Quan điểm của Louise về đàn ông là một ví dụ hoàn hảo: “Đàn ông chỉ là những tên khốn hèn hạ…tất cả bọn họ. Chị chẳng thể tin ai được đâu. Họ lúc nào cũng động tay động chân với chị. Tôi phát ngán vì bị bọn đàn ông lợi dụng rồi.”
Cha của Louise đã bỏ rơi chị. Nếu thừa nhận sự thật này, chị sẽ phải từ bỏ những tưởng tượng ấp ủ và hình ảnh thần thánh về ông mà lẽ ra chúng nên sớm biến mất. Thay vào đó, chị chuyển nỗi giận dữ và ngờ vực từ cha mình sang những người đàn ông khác.
Vì không nhận thức được điều này, Louise liên tục lựa chọn những người đàn ông đối xử với cô theo cách khiến cô thất vọng và giận dữ. Miễn là cô có thể giải phóng cơn phẫn nộ vào đàn ông nói chung, cô sẽ không phải cảm thấy giận dữ cha mình.
Sandy, người chúng ta đã gặp ở đầu chương này, lại chuyển cơn giận và sự thất vọng mà cô cảm nhận về cha mẹ và cách đối xử của họ trong thời gian cô mang thai và phá thai sang chồng mình. Cô không cho phép bản thân tức giận với cha mẹ – điều đó đe dọa đến sự tôn thờ của cô đối với họ.
Trách gì người đã khuất
Cái chết không chấm dứt sự sùng bái đối với cha mẹ độc hại. Thực tế, nó còn trở nên mạnh mẽ hơn.
Nếu việc nhận thức được những mối nguy hại mà các bậc cha mẹ độc hại còn sống gây nên đã khó khăn, thì việc buộc tội cha mẹ khi họ đã mất còn khó khăn gấp bội. Có một nhất trí chung mạnh mẽ trong xã hội chống lại việc chỉ trích người đã khuất. Kết quả là, cái chết truyền đạt một kiểu hình ảnh thần thánh thậm chí cho cả những kẻ bạo hành tồi tệ nhất. Sự sùng bái đối với cha mẹ đã khuất gần như là tự động xảy ra.
Đáng tiếc rằng, mặc dù cha mẹ độc hại được bảo vệ bằng sự thiêng liêng của nấm mồ, nhưng người còn sống lại bị mắc kẹt với những di hài cảm xúc. “Trách gì người đã khuất” có thể là lòng trân trọng biết ơn, song nó thường ngăn cản việc tìm ra giải pháp thực tế cho các mâu thuẫn với người cha mẹ đã không còn.
“Con sẽ mãi là thất bại bé nhỏ của cha”
Valerie, một nhạc công chuyên nghiệp với dáng người mảnh khảnh đang ở độ tuổi cuối ba mươi được một người bạn chung giới thiệu đến tôi. Người bạn này lo lắng rằng sự thiếu tự tin của Valerie đang ngăn cản cô theo đuổi những cơ hội trong sự nghiệp ca hát của mình. Khoảng mười lăm phút trong buổi trị liệu đầu tiên, Valerie thừa nhận sự nghiệp của cô đang ở giai đoạn chông chênh:
Tôi chưa từng có một công việc ca hát nào khoảng một năm nay – thậm chí ở những quán bar chơi piano. Tôi đang làm việc tạm thời ở một văn phòng để trả tiền thuê nhà. Tôi không biết nữa. Chắc đó là mơ ước viển vông của tôi mà thôi. Hôm trước tôi mới đi ăn cùng bố mẹ mình, chúng tôi cùng nói về vấn đề mà tôi đang gặp phải, và rồi ba tôi nói: “Đừng lo. Con sẽ mãi là thất bại bé nhỏ của cha.” Tôi chắc là ông ấy không biết điều ông vừa nói ra gây tổn thương cho tôi đến mức nào, nhưng những lời đó như xé nát tim tôi.
Tôi nói với Valerie rằng bất cứ ai cũng sẽ cảm thấy đau đớn trong tình huống đó. Cha của cô thật nhẫn tâm và đã buông những lời nói xúc phạm. Cô trả lời:
Tôi nghĩ là chuyện đó không mới. Đời tôi giống như túi rác của gia đình. Tôi bị đổ lỗi vì tất cả mọi thứ. Nếu cha mẹ tôi có vấn đề, đó là lỗi của tôi. Cha tôi giống như cái máy thu âm bị hỏng. Dù vậy, khi tôi làm bất cứ thứ gì để làm ông vui, ông sẽ tỏa ra niềm tự hào rồi đi khoe khoang với bạn hữu của mình. Trời ạ, thật tốt khi được ông ấy công nhận, nhưng đôi lúc tôi thấy cảm xúc của mình lên xuống thất thường.
Valerie và tôi đã nói chuyện rất thân thiết trong các tuần tiếp theo. Cô chỉ mới bước đầu liên hệ cường độ cơn giận và nỗi buồn của mình với người cha.
Thế rồi ông ấy mất vì một cơn đột quỵ.
Đó là một cái chết bất ngờ – đột ngột và không báo trước, không ai có thể kịp chuẩn bị. Valerie bị ngợp bởi tội lỗi vì những cảm xúc giận dữ cô đã trút lên cha trong các buổi trị liệu.
Tôi ngồi trong nhà thờ trong khi cha tôi đang được ca tụng, và tôi nghe được nhiều lời tán dương cả cuộc đời ông đã sống một cách tuyệt vời như thế nào, rồi tôi cảm thấy mình thật bất hiếu khi cố đổ lỗi cho ông vì những vấn đề của bản thân. Tôi chỉ muốn chuộc lại nỗi đau tôi gây ra cho ông. Tôi liên tục nghĩ về việc tôi yêu ông nhiều và tôi đã luôn cư xử không ra gì với ông trước đó. Tôi không muốn nói thêm về những điều tồi tệ… điều đó chẳng còn quan trọng nữa.
Nỗi đau của Valerie có thể khiến cô đi chệch hướng một thời gian, song đến cuối cùng cô vẫn phải nhìn nhận rằng cái chết của cha cô không thể thay đổi thực tế về cách ông đã đối xử với cô suốt thời ấu thơ cho đến khi trưởng thành.
Cho tới nay, Valerie đã tham gia trị liệu gần sáu tháng. Tôi rất mừng khi nhìn thấy sự tự tin của cô tăng dần một cách vững chắc. Cô vẫn đang chật vật để đưa sự nghiệp ca hát của mình qua giai đoạn khởi đầu, nhưng lý do không phải là thiếu nỗ lực nữa.
Ngưng sùng bái một cách mù quáng
Cha mẹ thần thánh tạo ra luật lệ, đưa ra những phán xét, và gây ra nỗi đau. Khi bạn tôn thờ họ, dù còn sống hay đã mất, bạn đang đồng thuận với việc sống dưới sự chỉ đạo của họ. Bạn đang chấp nhận cảm xúc đau khổ như một phần của cuộc sống, thậm chí còn hợp lý hóa rằng chúng tốt cho bạn. Đã đến lúc dừng lại.
Khi bạn ngưng sùng bái các bậc cha mẹ độc hại một cách mù quáng, khi bạn tìm được can đảm để nhìn họ một cách thực tế, bạn có thể bắt đầu cân bằng quyền lực trong mối quan hệ với họ.