Review sách
Review sách ĐI TÌM LẼ SỐNG (Nguyễn Phan Hoàng Bảo)
Hiểu về ý nghĩa của nỗi đau
Tác giả Viktor Frankl là một nạn nhân sống sót trong sự kiện diệt chủng người Do Thái của Đức Quốc Xã. Sau khi sống sót và thoát khỏi trại tập trung, ông đã tổng hợp lại những trải nghiệm của bản thân trước đây khi sống như một người tù Do Thái và viết thành sách, thông qua đó truyền đạt lại cho những thế hệ sau về hành trình tìm kiếm ý nghĩa trong cuộc sống.
Nửa đầu quyển sách là kể. Frankl từ tốn kể lại những trải nghiệm của người tù Do Thái. Đầu tiên bị dồn lên chen chúc trên những tàu hoả chở người tù rồi đưa đến các trại tập trung. Viên sĩ quan sẽ nhìn và ngoắc tay qua trái hoặc phải, ai yếu đuối qua một bên và khoẻ mạnh sẽ qua một bên. Nhóm khoẻ mạnh sẽ đi lao động khổ sai còn người bệnh tật sẽ được cấp xà bông đưa vào “nhà tắm” nhưng thực chất là lò thiêu. Trong quá trình ở trại tập trung, sẽ có những người không chịu được cuộc sống khắc nghiệt ở đây mà chọn tự sát. Số khác bị tha hoá và trở nên tàn bạo; những sĩ quan phát xít thích điều này vì họ có thêm tay sai hành hạ người Do Thái… Bằng kỹ năng quan sát, tác giả mô tả chân thực đến đáng kinh ngạc cuộc sống trong trại tù, thông qua điệu bộ, cử chỉ của cả tù nhân và cai ngục. Điều đặc biệt là những mô tả của ông đặc tinh thần khách quan: ông viết như một chuyên viên lịch sử, một người đứng ngoài rìa của dòng thời gian nhìn vào bên trong tâm sự kiện mà mô tả; hiếm khi ông chèn cảm xúc cá nhân vào quá nhiều trừ những đoạn thích hợp. Điều này càng làm nổi bật những trải nghiệm của ông, khi những hình ảnh ông mô tả hiện lên rất sống động, chi tiết mà không quá uỷ mị, bi thương; không quá khô khan mà chủ yếu là độc giả tự đọc và đánh giá cuộc sống thời đó.
Nửa sau quyển sách là những bài học ông đã thu lại được. Từ những gì đã trải qua, Frankl dần rút ra được bản chất của ý nghĩa. Sẽ có rất nhiều giai đoạn trong đời khi con người ta mệt mỏi, đau khổ và cảm thấy bất lực trước tác động của cuộc sống. Song Frankl không đề cao chủ nghĩa hư vô (nihilism, cho rằng mọi thứ con người làm trong đời sống ngắn ngủi là vô thường, giống như con kiến đi kiếm ăn và chết cuộc đời vô nghĩa trong vũ trụ). Tác giả cho rằng, cuộc sống là hành trình con người đi tìm lẽ sống, hay ý nghĩa cho sự tồn tại của mình. Khi đối mặt với những tình huống khắc nghiệt, có thể khiến ta kiệt quệ về mặt thể chất (như khi ông bị bắt lao động khổ sai đến sốt run người và ngoài trời tuyết rơi rất lạnh, ông chỉ mặc áo tù mỏng và bàn chân trần đã be bét máu), ta không bao giờ nên để nỗi đau lấy đi những giá trị tinh thần của ta. Đây cũng là lý do vì sao những tù nhân trí thức có thể trạng yếu đuối lại có thể trụ lâu hơn những người sức vóc khoẻ mạnh hơn, vốn do tinh thần của họ kháng cự mạnh mẽ với đau khổ. Để duy trì sức mạnh tinh thần này, yếu tố quan trọng chính là động lực sống. Quá trình tìm ra động lực sống chính là quá trình thấu hiểu bản chất ý nghĩa của nỗi đau. Để giải thích cho lý thuyết này, mình xin trích một đoạn ngắn trong sách là một ví dụ tương đối cụ thể:
“Có lần, một bác sĩ đa khoa nhờ tôi tư vấn vì mắc chứng trầm cảm. Ông không thể vượt qua được nỗi đau mất vợ hai năm trước, bà ấy là người ông yêu thương nhất đời. Giờ thì tôi có thể làm gì giúp ông? Tôi nên nói điều gì? Và tôi đã không nói gì với ông ngoại trừ một câu hỏi: “Bác sĩ, điều gì sẽ xảy ra nếu như ông chết trước và vợ ông là người ở lại?” “Ồ,” – ông thốt lên, – “điều đó thật khủng khiếp đối với bà ấy; làm sao bà ấy có thể chịu đựng nổi!” Tôi đáp lời ông: “Ông thấy đó, bác sĩ, bà ấy không phải chịu nỗi đau đó vì ông đã là người gánh chịu thay cho bà – vì vậy, việc giờ đây ông phải sống và nhớ thương bà ấy là có ý nghĩa sâu sắc của nó.” Ông ấy không nói gì mà chỉ nắm lấy tay tôi và thanh thản rời khỏi văn phòng.”
ĐI TÌM LẼ SỐNG là một quyển sách hay và đáng đọc, đáng chiêm nghiệm. Sách được giáo sư Jordan Peterson của Đại học Toronto, Canada bình chọn là 1 trong 10 quyển sách nên đọc trong đời.