Flow (Dòng Chảy) - Mihaly Csikszentmihalyi - Chương 8
- Home
- Flow (Dòng Chảy) - Mihaly Csikszentmihalyi
- Chương 8 - Thưởng thức sự cô độc và mối quan hệ với người khác
Các nghiên cứu về dòng chảy đã tái chứng minh nhiều lần rằng, hơn bất cứ điều gì khác, chất lượng cuộc sống phụ thuộc vào hai yếu tố: cách chúng ta trải nghiệm công việc và cách chúng ta trải nghiệm mối quan hệ với người khác. Thông tin chi tiết nhất cho biết chúng ta là ai với tư cách cá nhân đến từ những người chúng ta giao tiếp và từ cách chúng ta hoàn thành công việc. Bản ngã của chúng ta phần lớn được xác định bởi những gì xảy ra trong hai bối cảnh đó, như Freud đã nhận ra trong giả định của ông rằng “tình yêu và công việc” là nguồn cơn của hạnh phúc. Chương vừa rồi đã xem xét một số tiềm năng của công việc; còn ở chương này, chúng ta sẽ khám phá mối quan hệ với gia đình và bạn bè, để xác định làm thế nào chúng có thể trở thành nguồn trải nghiệm mang tính thưởng thức.
Việc chúng ta có tương tác tốt với người khác hay không sẽ tạo ra một sự khác biệt lớn đối với chất lượng của trải nghiệm. Chúng ta được lập trình về mặt sinh học để tìm kiếm người khác như là những đối tượng quan trọng nhất trên đời. Bởi vì họ có thể làm cho cuộc sống trở nên rất thú vị và viên mãn hoặc hoàn toàn đau khổ, nên cách chúng ta quản lý các mối quan hệ với họ tạo ra một sự khác biệt to lớn đối với hạnh phúc của chính chúng ta. Nếu chúng ta học được cách làm cho mối quan hệ của chúng ta với những người khác giống như trải nghiệm dòng chảy hơn, thì chất lượng cuộc sống của chúng ta sẽ được cải thiện rất nhiều.
Mặt khác, chúng ta cũng coi trọng sự riêng tư và thường muốn được ở một mình. Tuy nhiên, nếu việc đó diễn ra thường xuyên, chúng ta bắt đầu suy sụp. Đặc trưng của những người rơi vào tình huống này là cảm thấy cô đơn, cảm thấy rằng không có thách thức nào, không có gì để làm. Đối với một số người, sự cô độc dẫn đến các triệu chứng mất phương hướng của sự thiếu hụt cảm giác kích thích ở một dạng ôn hòa hơn. Tuy nhiên, trừ khi người ta học cách chịu đựng và thậm chí thưởng thức việc ở một mình, bằng không rất khó để hoàn thành bất kỳ nhiệm vụ nào đòi hỏi sự tập trung. Vì lý do này, điều cần thiết là tìm cách kiểm soát ý thức ngay cả khi chúng ta bị bỏ lại với chính mình.
SỰ MÂU THUẪN GIỮA Ở MỘT MÌNH VỚI Ở CÙNG NGƯỜI KHÁC
Trong số những điều khiến chúng ta sợ hãi, nỗi sợ bị bỏ rơi ngoài dòng chảy tương tác của con người chắc chắn là một trong những điều tồi tệ nhất. Không có gì phải bàn cãi về việc chúng ta là những động vật mang tính xã hội; chỉ ở trong mối tương quan với những người khác, chúng ta mới cảm thấy đủ đầy, viên mãn. Trong nhiều nền văn hóa tiên phong, sự cô độc được cho là không thể chịu đựng được đến nỗi người ta luôn nỗ lực thật nhiều để không bao giờ cô đơn; chỉ có phù thủy và pháp sư cảm thấy thoải mái khi dành thời gian ở một mình. Trong nhiều xã hội loài người khác nhau, – thổ dân Úc, nông dân Amish, học viện quân sự West Point – hình phạt nặng nhất mà cộng đồng có thể đưa ra là sự tẩy chay. Người bị tẩy chay dần dần suy sụp và sớm bắt đầu nghi ngờ chính sự tồn tại của mình. Trong một số xã hội, kết cục cuối cùng của việc bị tẩy chay là cái chết: người bị bỏ lại một mình chấp nhận thực tế rằng anh ta đã chết, vì không còn ai chú ý đến anh nữa; từng chút một, anh ngừng chăm sóc cơ thể mình và cuối cùng qua đời. Thành ngữ tiếng La-tinh nói về việc “đang sống” là inter hominem esse, có nghĩa đen là “ở giữa con người”; trong khi đó, “chết” là inter hominem esse desinere, nghĩa là “không còn ở giữa con người”. Bên cạnh tử hình, thì lưu vong khỏi thành phố là hình phạt nặng nhất đối với một công dân La Mã; bất kể nhà cửa điền địa của anh ta xa xỉ đến đâu, nếu bị trục xuất khỏi cộng đồng của thành La Mã, anh ta sẽ trở thành một người vô hình. Số phận cay đắng tương tự cũng xảy ra với người New York đương đại bất cứ khi nào vì một lý do nào đó họ phải rời khỏi thành phố của mình.
Mật độ liên lạc giữa con người mà các thành phố lớn có thể cung cấp giống như một kiểu an ủi nhẹ nhàng; người dân ở trung tâm lớn như vậy yêu thích việc đó ngay cả khi sự tương tác mà nó mang lại có thể khó chịu và nguy hiểm. Các đám đông tập trung dọc theo Đại lộ số Năm có thể bao gồm nhiều kẻ buôn lậu và những kẻ lập dị; dẫu vậy, họ cảm thấy rất thú vị và yên tâm. Mọi người đều cảm thấy sống động hơn khi được bao quanh bởi những người khác.
Các cuộc điều tra khoa học xã hội đã nhất trí kết luận rằng mọi người tuyên bố họ hạnh phúc nhất khi ở với bạn bè và gia đình, hoặc trong sự bầu bạn với người khác. Khi họ được yêu cầu liệt kê các hoạt động thú vị giúp cải thiện tâm trạng của họ suốt cả ngày, loại sự kiện thường được nhắc đến nhất là “ở cùng với những người hạnh phúc”, “có ai đó tỏ ra thích thú với những gì tôi nói”, và “được để ý như một người hấp dẫn về mặt giới tính”. Một trong những triệu chứng chính khiến người ta phiền muộn và khổ sở sống bên lề chính là họ hiếm khi thuật lại được có những sự kiện như vậy xảy ra với họ. Một mạng lưới xã hội hỗ trợ cũng giúp giảm bớt căng thẳng: một căn bệnh hoặc một bất hạnh nào đó ít có khả năng khiến một người suy sụp nếu người đó có thể dựa vào sự hỗ trợ về mặt cảm xúc của người khác.
Không nghi ngờ gì việc chúng ta được lập trình để tìm kiếm sự bầu bạn của đồng loại. Có thể các nhà di truyền học hành vi sớm hay muộn sẽ tìm thấy trong nhiễm sắc thể của chúng ta những chỉ dẫn hóa học khiến chúng ta cảm thấy rất khó chịu mỗi khi ở một mình. Có nhiều lý do tại sao trong quá trình tiến hóa những chỉ dẫn như vậy nên được thêm vào gen của chúng ta. Các loài động vật phát triển một lợi thế cạnh tranh với các loài khác thông qua sự hợp tác, sẽ sống tốt hơn nhiều nếu chúng liên tục ở trong tầm nhìn của nhau. Chẳng hạn, khỉ đầu chó, loài vốn cần sự giúp đỡ từ đồng loại để bảo vệ mình trước những con báo và linh cẩu lang thang trên thảo nguyên, có cơ hội đạt đến tuổi trưởng thành khá mong manh nếu chúng rời khỏi bầy của mình. Các điều kiện tương tự cũng phải được chọn bởi tính tập thể giống như một đặc điểm sinh tồn tuyệt đối giữa tổ tiên chúng ta. Tất nhiên, khi sự thích nghi của con người bắt đầu phụ thuộc ngày càng nhiều vào văn hóa, thì những lý do bổ sung để gắn bó với nhau trở nên quan trọng. Chẳng hạn, con người càng phụ thuộc vào sự sống dựa trên kiến thức thay vì bản năng, thì họ càng được hưởng lợi từ việc chia sẻ việc học tập lẫn nhau; một cá nhân đơn độc dưới những điều kiện như vậy sẽ trở thành một kẻ ngu dốt (idiot), vốn có nghĩa ban đầu trong tiếng Hy Lạp là một “người khép kín” – một người không thể học hỏi từ những người khác.
Đồng thời, nghịch lý thay, có một học thức truyền thống lâu đời cảnh báo chúng ta rằng “tha nhân là Hỏa ngục”. Hiền triết Ấn Độ giáo và ẩn sĩ Kitô giáo tìm kiếm sự bình yên khỏi đám đông điên cuồng. Và khi chúng tôi xem xét những trải nghiệm tiêu cực nhất trong cuộc sống của những người bình thường, chúng tôi nhận thấy một khía cạnh nổi bật khác của tập tính cộng đồng: những sự kiện đau đớn nhất cũng là những sự kiện liên quan đến các mối quan hệ. Những người chủ thiếu công bằng và những khách hàng thô lỗ khiến chúng ta không vui trong công việc. Ở nhà, một người phối ngẫu vô tâm, một đứa con bạc bẽo và những anh chị em dâu rể ưa tọc mạch chính là nguồn gốc chính của sự buồn phiền. Làm thế nào có thể hòa giải một thực tế rằng mối quan hệ giữa người với người tạo ra cả những khoảng thời gian tốt đẹp nhất lẫn tồi tệ nhất?
Mâu thuẫn hiển nhiên này thực sự không khó giải quyết. Giống như bất cứ điều gì thực sự quan trọng khác, các mối quan hệ làm cho chúng ta vô cùng hạnh phúc khi chúng tốt đẹp và rất gây ra phiền muộn khi chúng gặp trục trặc. Con người là khía cạnh linh hoạt nhất, dễ thay đổi nhất của môi trường mà chúng ta phải đương đầu. Cùng một người có thể làm cho buổi sáng của bạn tuyệt vời và đến buổi tối lại đau khổ. Bởi vì chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào tình cảm và sự chấp thuận của người khác, chúng ta cực kỳ dễ bị tổn thương bởi cách người khác đối xử với chúng ta.
Do đó, một người học cách hòa đồng với những người khác sẽ tạo ra một sự thay đổi tích cực to lớn về chất lượng cuộc sống nói chung. Thực tế này được biết đến với những người viết và những người đọc những cuốn sách có tiêu đề như How to Win Friends and Influence People (Đắc nhân tâm). Những nhà điều hành doanh nghiệp mong muốn giao tiếp tốt hơn để họ có thể trở thành những nhà quản lý hiệu quả hơn và những người mới gia nhập một tổ chức, hội nhóm nào đó đọc những cuốn sách về nghi thức xã giao để được chấp nhận và ngưỡng mộ. Phần lớn mối quan tâm này phản ánh một mong muốn thúc đẩy bên ngoài, đó là thao túng người khác. Nhưng mọi người không được coi là quan trọng chỉ vì họ có thể giúp biến mục tiêu của chúng ta thành hiện thực; khi người ta được đối xử với sự quý trọng bởi chính những điều tốt đẹp của họ, họ sẽ là nguồn hạnh phúc trọn vẹn nhất.
Chính sự linh hoạt của các mối quan hệ giúp cho việc chuyển đổi các tương tác khó chịu thành các mối quan hệ có thể chấp nhận được hoặc thậm chí thú vị, là khả dĩ. Cách chúng ta định nghĩa và diễn giải một tình huống xã hội tạo ra sự khác biệt lớn trong cách mọi người đối xử với nhau cũng như việc họ cảm thấy thế nào trong khi thực hiện nó. Chẳng hạn, khi con trai Mark của chúng tôi mười hai tuổi, trong một buổi chiều đi bộ từ trường về nhà, nó đã đi đường tắt qua một công viên khá vắng vẻ. Ở giữa công viên, thằng bé bất ngờ bị ba thanh niên cao lớn từ khu ổ chuột lân cận chặn đường. “Không được cử động, hoặc anh ta sẽ bắn mày”, một trong số chúng nói, hất đầu về phía gã thanh niên thứ ba, người đã cho tay vào túi. Ba người bọn họ đã lấy đi mọi thứ mà Mark có – một ít tiền và một chiếc đồng hồ Timex cũ mòn. “Bây giờ hãy đi tiếp. Cấm chạy và không được quay đầu lại.”
Thế là, Mark bắt đầu tiếp tục đi về nhà và cả ba đi theo hướng khác. Tuy nhiên, đi được vài bước, Mark quay lại và cố gắng bắt kịp họ. “Nghe này”, cậu nhóc gọi, “tôi muốn nói chuyện với anh”. “Đi đi”, họ hét lại. Nhưng thằng bé đã bắt kịp bộ ba và hỏi liệu họ có thể cân nhắc đưa lại cho nó chiếc đồng hồ mà họ đã lấy không. Thằng bé giải thích rằng cái đồng hồ rất rẻ và không có giá trị với bất kỳ ai trừ cậu: “Anh biết không, bố mẹ đã tặng nó cho tôi vào ngày sinh nhật của tôi”. Ba gã thanh niên rất tức giận, nhưng cuối cùng chúng đã quyết định bỏ phiếu về việc có nên trả lại đồng hồ hay không. Cuộc bỏ phiếu diễn ra với tỉ lệ hai phiếu ủng hộ việc trả lại, vì vậy Mark tự hào bước về nhà không sứt mẻ gì, với chiếc đồng hồ cũ trong túi. Tất nhiên, bố mẹ cậu mất nhiều thời gian hơn để hoàn hồn sau khi nghe kể về trải nghiệm ấy.
Từ quan điểm của người lớn, Mark thật sự khờ dại khi mạo hiểm mạng sống của mình vì một chiếc đồng hồ cũ, bất kể nó có giá trị như thế nào về mặt tình cảm. Nhưng câu chuyện này minh họa một điểm khái quát quan trọng rằng: một tình huống xã hội có khả năng được biến đổi bằng cách xác định lại các vai trò của nó. Bằng cách không đảm nhận vai trò “nạn nhân” của vụ cướp, vốn đã bị áp đặt lên mình và bằng cách không đối xử với những kẻ tấn công mình như những “kẻ cướp”, mà là những người hiểu lý lẽ có thể sẽ đồng cảm với tình cảm gắn bó của đứa con trai với gia đình, Mark đã có thể thay đổi cuộc chạm trán từ thế bị cướp sang vị thế tham gia, ít nhất là ở một mức độ nào đó, vào một quyết định dân chủ có lý lẽ. Trong trường hợp này, thành công của Mark chủ yếu phụ thuộc vào may mắn: những tên cướp có thể đã say xỉn, hoặc mất lý trí và khi đó thằng bé có thể bị tổn thương nghiêm trọng. Nhưng quan điểm vẫn vững chắc: quan hệ của con người có thể dễ uốn nắn và nếu một người có các kỹ năng phù hợp thì vai trò của họ có thể được biến đổi.
Nhưng trước khi xem xét sâu hơn cách mà các mối quan hệ có thể được định hình lại để cung cấp trải nghiệm tối ưu, cần phải đi một vòng qua các vùng đất của sự cô độc. Chỉ sau khi hiểu rõ hơn một chút việc ở một mình ảnh hưởng đến tâm trí như thế nào, chúng ta mới có thể thấy rõ hơn lý do tại sao sự đồng hành là không thể thiếu để con người hạnh phúc. Người trưởng thành trung bình dành khoảng một phần ba thời gian hoạt động của mình ở một mình, nhưng chúng ta biết rất ít về lát cắt khổng lồ này trong cuộc đời mình, ngoại trừ việc chúng ta thực sự không thích nó.
NỖI ĐAU CỦA SỰ CÔ ĐƠN
Hầu hết mọi người đều cảm thấy một cảm giác gần như không thể chịu đựng được của sự trống rỗng khi họ ở một mình, đặc biệt là khi không có gì cụ thể để làm. Thanh thiếu niên, người lớn và người già đều thuật lại rằng những trải nghiệm tồi tệ nhất của họ đều đã diễn ra trong sự cô độc. Hầu như mọi hoạt động đều trở nên thú vị hơn khi có người khác ở xung quanh và ít thú vị hơn khi ta làm điều đó một mình. Mọi người sẽ hạnh phúc, tỉnh táo và vui vẻ hơn nếu những người khác có mặt, so sánh với việc họ cảm thấy đơn độc ra sao khi một mình làm việc trên dây chuyền lắp ráp hay xem tivi. Nhưng điều kiện gây buồn chán nhất không phải là làm việc hay xem tivi một mình; những kiểu tâm trạng tồi tệ nhất được thuật lại khi một người ở một mình và không có gì cần được làm. Với những đối tượng trong nghiên cứu của chúng tôi, những người sống một mình và không đi lễ nhà thờ, thì sáng chủ nhật là khoảng thời gian buồn chán nhất trong tuần, bởi vì khi không có sự đòi hỏi phải tập trung, họ không thể quyết định mình nên làm gì. Phần còn lại của tuần, năng lượng tinh thần được định hướng bởi các nhịp sống bên ngoài: công việc, mua sắm, chương trình tivi yêu thích, v.v.. Nhưng làm gì vào sáng chủ nhật sau khi ăn xong bữa sáng và lướt qua một lượt mấy tờ báo? Đối với nhiều người, sự thiếu cấu trúc của khoảng thời gian này mang tính tàn phá. Thông thường, khoảng đến buổi trưa thì một quyết định được đưa ra: Tôi sẽ cắt cỏ, đi thăm họ hàng hoặc xem bóng đá. Từ đó, một cảm giác về mục đích quay trở lại và sự chú ý được tập trung vào mục tiêu tiếp theo.
Tại sao cô độc là một trải nghiệm tiêu cực đến vậy? Câu trả lời mấu chốt là việc giữ trật tự trong tâm trí từ bên trong là rất khó. Chúng ta cần các mục tiêu bên ngoài, những kích thích bên ngoài, phản hồi bên ngoài để điều hướng sự chú ý. Và khi thiếu đầu vào bên ngoài, sự chú ý bắt đầu lang thang và những suy nghĩ trở nên hỗn loạn, dẫn đến tình trạng chúng ta gọi là “entropy tâm thần”, trong chương hai.
Khi bị bỏ lại một mình, một thiếu niên điển hình bắt đầu tự hỏi: “Bạn gái mình đang làm gì lúc này? Mình có đang nổi mụn? Mình sẽ hoàn thành bài tập toán đúng hạn chứ? Mấy gã đánh lộn với mình hôm qua có truy lùng mình không?”. Nói cách khác, không có gì để làm, tâm trí không thể ngăn những suy nghĩ tiêu cực từ cánh gà bước lên sân khấu. Và trừ khi người ta học cách kiểm soát ý thức, tình huống tương tự cũng sẽ xuất hiện với người trưởng thành. Những lo lắng về đời sống tình cảm, sức khỏe, những khoản đầu tư, gia đình và công việc của chúng ta luôn lởn vởn ở ngoại vi của sự chú ý, chờ đợi cho đến khi không có gì cấp bách đòi hỏi sự tập trung. Ngay khi tâm trí đã sẵn sàng để thư giãn, đến liền! – những vấn đề tiềm ẩn đang chực chờ trong cánh gà liền nhảy ra nắm quyền kiểm soát.
Chính vì lý do này mà truyền hình đã tỏ ra là một ân huệ đối với rất nhiều người. Mặc dù xem tivi không phải là một trải nghiệm tích cực – nhìn chung mọi người thuật lại rằng họ cảm thấy thụ động, yếu đuối, khá cáu kỉnh và buồn bã khi xem tivi – thì ít nhất màn hình nhấp nháy kia cũng mang lại một trật tự nhất định cho ý thức. Các cốt truyện có thể dự đoán, các nhân vật quen thuộc và thậm chí các quảng cáo rườm rà đều cung cấp một mô hình kích thích mang tính trấn an. Màn hình mời gọi sự chú ý đến với nó như một khía cạnh bị hạn chế, có thể quản lý được của môi trường. Trong khi tương tác với truyền hình, tâm trí được bảo vệ khỏi những lo lắng cá nhân. Thông tin truyền qua màn hình giữ cho những mối bận tâm phiền muộn nằm ngoài tâm trí. Tất nhiên, tránh suy sụp bằng cách này là khá hoang phí, bởi người ta phải bỏ ra rất nhiều sự chú ý mà không nhận được gì từ đó.
Những cách quyết liệt hơn để đối phó với nỗi sợ hãi sự cô độc bao gồm thường xuyên sử dụng chất kích thích, hoặc trông cậy vào các hành vi mang tính ám ảnh, có thể từ việc dọn dẹp nhà cửa không ngừng đến hành vi tình dục cưỡng ép. Trong khi dưới ảnh hưởng của hóa chất, bản thân được giải thoát khỏi trách nhiệm điều hướng năng lượng tinh thần của mình; thì chúng ta có thể ngồi lại và xem xét các mô hình suy nghĩ mà các chất kích thích cung cấp – bất cứ điều gì xảy ra đều vượt khỏi tầm tay chúng ta. Và giống như truyền hình, chất kích thích giữ cho tâm trí khỏi phải đối mặt với những suy nghĩ muộn phiền. Trong khi rượu và các loại thuốc có khả năng tạo ra trải nghiệm tối ưu, thì chúng lại thường hoạt động ở mức độ phức tạp rất thấp. Trừ khi được sử dụng trong các bối cảnh theo lễ nghi khéo léo như đã được thực hiện trong nhiều xã hội truyền thống, thì những gì chất kích thích làm được thực tế là giảm nhận thức của chúng ta về cả những gì có thể đạt được và những gì chúng ta, với tư cách cá nhân, có khả năng đạt được, cho đến khi hai điều đó cân bằng. Đây là một trạng thái dễ chịu của các vấn đề, nhưng nó chỉ là một mô phỏng sai lệch về sự thưởng thức vốn đến từ việc tăng cơ hội cho các hành động và năng lực hành động.
Một số người sẽ kịch liệt phản đối mô tả về cách mà chất kích thích ảnh hưởng đến tâm trí này. Rốt cuộc, trong một phần tư thế kỷ qua, chúng ta đã được cho biết, với sự tự tin ngày càng tăng, rằng các loại chất kích thích đang “mở rộng ý thức” và sử dụng chúng giúp tăng cường khả năng sáng tạo. Nhưng bằng chứng đã cho thấy rằng trong khi các loại hóa chất làm thay đổi nội dung và sự tổ chức của ý thức, chúng lại không mở rộng hoặc tăng khả năng tự kiểm soát chức năng của nó. Mà để hoàn thành bất cứ điều gì sáng tạo, người ta phải đạt được sự kiểm soát như thế. Do đó, trong khi các chất kích thích tác động đến tâm thần, cung cấp nhiều trải nghiệm tinh thần hơn so với những gì chúng ta có thể gặp trong điều kiện cảm giác bình thường, thì chúng làm như vậy mà không thêm vào cho chúng ta khả năng thiết lập trật tự cho chúng một cách hiệu quả.
Nhiều nghệ sĩ đương đại trải nghiệm thuốc gây ảo giác với hy vọng tạo ra các tác phẩm có tính ám ảnh huyền diệu như những câu thơ trong Kubla Khan (Hốt Tất Liệt) của Samuel Coleridge, vốn được cho là đã được sáng tác dưới ảnh hưởng của cồn thuốc phiện. Tuy nhiên, sớm hay muộn, họ cũng nhận ra rằng sự cấu thành của bất kỳ tác phẩm nghệ thuật nào cũng đòi hỏi một đầu óc tỉnh táo. Công việc được thực hiện dưới ảnh hưởng của chất kích thích sẽ thiếu sự phức tạp mà chúng ta mong đợi từ tác phẩm nghệ thuật chất lượng tốt – vốn nhắm đến sự rõ ràng và tự do. Một ý thức thay đổi về phương diện hóa học có thể đưa ra những hình ảnh, suy nghĩ và cảm xúc khác thường mà sau này, khi sự tỉnh táo trở lại, người nghệ sĩ có thể sử dụng. Điều nguy hiểm là khi trở nên phụ thuộc vào hóa chất để làm khuôn mẫu cho tâm trí, anh ta có nguy cơ đánh mất khả năng tự kiểm soát nó.
Phần lớn những gì thuộc về bản năng giới tính cũng chỉ là một cách áp đặt một trật tự bên ngoài vào suy nghĩ của chúng ta, một cách “giết thời gian” mà không phải đối mặt với những hiểm nguy của sự cô độc. Không có gì đáng ngạc nhiên, xem tivi và quan hệ tình dục có thể trở thành những hoạt động có thể hoán đổi cho nhau. Các tập quán của các hình thức khiêu dâm và tình dục giải thể nhân cách được xây dựng dựa trên sự thu hút được lập trình di truyền về các hình tượng và hoạt động liên quan đến sinh sản. Chúng tập trung sự chú ý một cách bản năng và mang lại khoái lạc và khi làm vậy chúng giúp loại trừ những nội dung không mong muốn khỏi tâm trí. Điều mà chúng không làm được chính là phát triển bất kỳ tập quán của sự chú ý nào mà có thể dẫn đến sự phức tạp cấp độ cao hơn cho ý thức.
Lập luận tương tự cũng đúng với những gì thoạt nhìn có vẻ trái ngược với khoái cảm: hành vi bạo dâm, hoạt động mạo hiểm, đánh bạc. Những cách thức này, cách mà mọi người tìm kiếm sự tổn thương hoặc sự sợ hãi, tự chúng không đòi hỏi nhiều kỹ năng, nhưng chúng giúp người ta đạt được cảm giác của một trải nghiệm rõ ràng trực tiếp. Nỗi đau thậm chí còn tốt hơn sự hỗn loạn thấm vào một tâm trí không tập trung. Việc làm tổn thương chính mình, cho dù là về thể chất hay tinh thần, đảm bảo cho sự chú ý có thể tập trung vào thứ gì đó, mặc dù đau đớn nhưng ít nhất đó là thứ có thể kiểm soát được, bởi chúng ta chính là người gây ra nó.
Mức sát hạch tối đa cho khả năng kiểm soát chất lượng trải nghiệm chính là những gì người ta làm trong cô độc, khi không có yêu cầu bên ngoài nào để đưa ra cấu trúc cho sự chú ý. Tham gia vào một công việc, tận hưởng giây phút quây quần cùng bạn bè hay giải trí trong rạp hát hoặc tại một buổi hòa nhạc là tương đối dễ dàng. Nhưng điều gì xảy ra khi chúng ta bị bỏ lại với chính mình? Một mình, khi bóng tối của tâm hồn bất ngờ giáng xuống, chúng ta có bị ép buộc vào những nỗ lực điên cuồng để đánh lạc hướng tâm trí khỏi sự xuất hiện của nó hay không? Hay chúng ta có thể tham gia vào các hoạt động không những thú vị mà còn giúp cho cái tôi phát triển?
Lấp đầy thời gian rảnh với các hoạt động đòi hỏi sự tập trung, giúp tăng cường những kỹ năng, hoặc dẫn đến sự phát triển của cái tôi, không giống như giết thời gian bằng cách xem tivi hoặc dùng chất kích thích. Mặc dù cả hai chiến lược này có thể được coi là những cách khác nhau để đối phó với cùng một mối đe dọa của sự hỗn loạn như một sự phòng thủ chống lại sự lo lắng thuộc về bản thể học, thì chiến lược đầu tiên dẫn đến sự tăng trưởng, trong khi chiến lược sau chỉ đơn thuần là giữ cho tâm trí không bị rối loạn. Một người hiếm khi buồn chán, không liên tục cần một môi trường bên ngoài thuận lợi để thưởng thức những khoảnh khắc, chính là đã vượt qua bài kiểm tra để đạt được một cuộc sống sáng tạo.
Học cách sử dụng thời gian ở một mình, thay vì trốn thoát khỏi nó, là việc đặc biệt quan trọng trong những năm đầu đời của chúng ta. Các thanh thiếu niên không thể chịu đựng sự cô độc, về sau thường tự loại mình ra khỏi việc thực hiện những nhiệm vụ của người lớn, những nhiệm vụ đòi hỏi sự chuẩn bị tinh thần nghiêm túc. Một kịch bản điển hình quen thuộc với nhiều bậc cha mẹ thường là một thiếu niên đi học về, quăng sách vở trong phòng ngủ và sau khi lấy thức ăn nhẹ từ tủ lạnh, lập tức lấy điện thoại để liên lạc với bạn bè. Nếu không có việc gì đặc biệt, cậu sẽ bật nhạc sôi động hoặc xem tivi. Nếu có bất kỳ khả năng nào cậu muốn mở một cuốn sách để đọc thì quyết tâm ấy cũng chẳng hứa hẹn kéo dài. Học tập có nghĩa là tập trung vào các mẫu thông tin khó nhằn và sớm hay muộn ngay cả tâm trí kỷ luật nhất cũng trôi tuột khỏi các khuôn mẫu khắc nghiệt trên trang giấy để theo đuổi những suy nghĩ dễ chịu hơn. Nhưng thật khó để triệu tập những suy nghĩ dễ chịu theo ý muốn. Thay vào đó, tâm trí của một người thường bị bao vây bởi những vị khách thường xuyên: những bóng ma mờ ảo xâm nhập vào tâm trí không có cấu trúc. Cậu thiếu niên bắt đầu lo lắng về ngoại hình, sự nổi tiếng và cơ hội của mình trong cuộc sống. Để đẩy lùi những cuộc xâm nhập này, cậu phải tìm một thứ khác để chiếm cứ ý thức của mình. Việc học hành sẽ không làm được điều đó, vì học hành quá khó. Các cô cậu tuổi vị thành niên sẵn sàng làm hầu hết mọi thứ để giải thoát tâm trí của mình khỏi tình huống này, với điều kiện là nó không mất quá nhiều năng lượng tinh thần. Giải pháp thông thường là quay trở lại nhịp sống quen thuộc của âm nhạc, tivi hoặc bè bạn để giết thời gian.
Với mỗi thập kỷ trôi qua, nền văn hóa của chúng ta lại trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào công nghệ thông tin. Để tồn tại trong một môi trường như vậy, người ta phải làm quen với các ngôn ngữ biểu tượng trừu tượng. Một vài thế hệ trước, một người không biết đọc, biết viết vẫn có thể tìm được một công việc mang lại thu nhập tốt và địa vị vừa phải. Một nông dân, một thợ rèn, một tiểu thương có thể học các kỹ năng cần thiết cho nghề nghiệp của mình với mức độ từ như một người học việc đến như những chuyên gia lão luyện và có thể làm thật tốt mà không cần làm chủ các hệ thống biểu tượng. Ngày nay, ngay cả những công việc đơn giản nhất cũng dựa vào những hướng dẫn bằng văn bản và những nghề nghiệp phức tạp hơn đòi hỏi kiến thức chuyên môn mà người ta phải học một cách vất vả – một mình.
Những thanh thiếu niên chưa bao giờ học cách kiểm soát ý thức của mình, sẽ lớn lên trở thành những người lớn thiếu “tính kỷ luật”. Họ thiếu những kỹ năng phức tạp giúp họ sống sót trong một môi trường cạnh tranh, nhiều thông tin. Và điều quan trọng hơn nữa, họ không bao giờ học được cách thưởng thức cuộc sống. Họ không hình thành được thói quen tìm kiếm những thách thức giúp bộc lộ những tiềm năng phát triển.
Nhưng những năm tháng niên thiếu không phải là thời điểm duy nhất mang tính quyết định để học cách khai thác các cơ hội của sự cô độc. Thật không may, quá nhiều người lớn cảm thấy rằng một khi họ đã đạt đến độ tuổi hai mươi hoặc ba mươi hoặc chắc chắn nhất là bốn mươi, thì họ có quyền thư giãn trong bất kỳ nề nếp thuộc lệ thường nào mà họ đã thiết lập. Họ đã trả những món nợ của mình, họ đã học được những thủ thuật cần thiết để sống sót và từ giờ họ có thể tiến lên trên một hành trình được kiểm soát. Được trang bị sự kỷ luật nội tâm gần như ở mức tối thiểu, những người như vậy chắc chắn đã tích lũy entropy với mỗi một năm trôi qua. Sự thất vọng về nghề nghiệp, sự đi xuống của sức khỏe thể chất, những va vấp đời thường và mũi tên của số phận đã xây nên một khối thông tin tiêu cực ngày càng đe dọa sự bình yên trong tâm trí họ. Làm thế nào để người ta thoát khỏi những vấn đề này? Nếu một người không biết cách kiểm soát sự chú ý trong cô độc, chắc chắn anh ta sẽ chuyển sang các giải pháp ngoại tại dễ dàng hơn: chất kích thích, các kiểu giải trí, sự kích động – bất cứ điều gì che mờ hoặc làm xao nhãng tâm trí.
Nhưng những phản ứng như vậy mang tính thoái lui, chúng không dẫn ta tiến về phía trước. Cách để phát triển trong khi thưởng thức cuộc sống là tạo ra một hình thức trật tự cao hơn từ entropy, vốn là một trạng thái sống không thể tránh khỏi. Điều này có nghĩa là nhìn nhận từng thử thách mới không phải với tư cách là thứ cần đàn áp hay né tránh mà là cơ hội để học hỏi và cải thiện kỹ năng. Chẳng hạn, khi sức mạnh thể chất đi xuống theo tuổi tác, điều đó có nghĩa là người đó sẽ sẵn sàng chuyển năng lượng của họ từ sự làm chủ thế giới bên ngoài sang khám phá sâu hơn về thực tại bên trong. Điều đó có nghĩa là cuối cùng người ta cũng có thể đọc Proust, chơi cờ, trồng hoa lan, giúp đỡ hàng xóm và suy tư về Chúa – nếu đây là những điều mà người đó quyết định là đáng để theo đuổi. Nhưng sẽ thật khó để hoàn thành bất kỳ việc nào trong số đó trừ khi trước đó người đó hình thành thói quen sử dụng sự cô độc để đạt được lợi thế. Tốt nhất là phát triển thói quen này từ sớm, nhưng cũng không bao giờ là quá muộn để làm vậy. Trong các chương trước, chúng ta đã xem xét một số cách mà cơ thể và tâm trí có thể khiến trạng thái dòng chảy xảy ra. Khi ai đó có thể xui khiến các hoạt động đó theo ý muốn, bất kể những gì đang xảy ra bên ngoài, thì người đó đã học được cách định hình chất lượng cuộc sống.
THUẦN HÓA SỰ CÔ ĐƠN
Mọi quy tắc đều có ngoại lệ của nó và mặc dù hầu hết mọi người sợ sự cô độc, vẫn có một số cá nhân lựa chọn sống một mình. “Bất cứ ai thích thú với sự cô độc”, câu nói cổ xưa mà Francis Bacon đã lặp lại, “thì đó hoặc là một con thú hoang hoặc là một vị thần”. Người ta không nhất thiết phải là một vị thần, nhưng đúng là để tận hưởng được việc ở một mình, một cá nhân phải xây dựng thói quen tinh thần của riêng mình, để anh ta có thể đạt được trải nghiệm dòng chảy mà không cần sự hỗ trợ của đời sống văn minh – không cần người khác, không cần việc làm, tivi, nhà hát, nhà hàng hoặc thư viện – để giúp anh điều hướng được sự chú ý. Một ví dụ thú vị về kiểu người này là một người phụ nữ tên Dorothy, sống trên một hòn đảo nhỏ ở khu vực vắng vẻ thuộc vùng rừng hồ ở phía bắc bang Minnesota, dọc biên giới Canada. Xuất thân là một y tá ở một thành phố lớn, Dorothy chuyển đến nơi hoang dã này sau khi chồng bà qua đời và những đứa con của họ đã trưởng thành. Trong ba tháng hè, những ngư dân chèo thuyền ngang qua hồ của bà sẽ dừng lại ở đảo để chuyện trò đôi chút, nhưng trong mùa đông dài, bà hoàn toàn cô đơn trong nhiều tháng trời. Dorothy đã phải treo những tấm màn dày nặng nề trên cửa sổ căn nhà gỗ của mình, bởi vì bà đã quá mệt mỏi khi mỗi sáng thức dậy phải nhìn thấy lũ sói, khi chúng cứ tì mũi vào cửa sổ, nhìn bà bằng ánh mắt đói khát.
Giống như những người sống một mình ở nơi hoang dã khác, Dorothy đã cố gắng cá nhân hóa môi trường xung quanh của mình đến một mức độ phi thường. Có bồn hoa, thần lùn giữ vườn, những dụng cụ cũ kỹ nằm khắp nơi. Hầu hết cây cối đều có treo những tấm bảng, trên đó chứa đầy những bài vè, những câu chuyện cười xưa cũ, hoặc tranh vẽ vui nhộn chỉ vào những căn lều hay khu nhà phụ. Đối với một du khách thành thị, hòn đảo là hình ảnh thu nhỏ của lối nghệ thuật sến sẩm. Nhưng nhờ vào sự rộng mở về khiếu thẩm mỹ của Dorothy, những đồ “đồng nát” này đã tạo ra một môi trường thân thuộc, nơi tâm trí của bà có thể thư giãn. Giữa thiên nhiên hoang sơ, bà đã bày ra phong cách độc đáo của riêng mình, một nền văn minh của riêng mình. Bên trong, những món đồ yêu thích của Dorothy gợi nhắc lại những mục tiêu của bà. Bà đã đóng dấu sở thích của mình lên trên sự hỗn loạn.
Quan trọng hơn cấu trúc không gian có lẽ là cấu trúc thời gian. Dorothy có những thói quen nghiêm ngặt mỗi ngày suốt cả năm: thức giấc lúc năm giờ sáng, kiểm tra đàn gà để lấy trứng, vắt sữa dê, chẻ một ít củi, làm bữa sáng, giặt đồ, may vá, câu cá, v.v. Giống như những thực dân Anh, những người cạo râu và ăn vận chỉnh tề mỗi tối trong các tiền đồn cô đơn của họ, Dorothy cũng đã học được rằng để giữ quyền kiểm soát trong một môi trường xa lạ, người ta phải áp đặt trật tự của chính mình lên nơi hoang dã. Những buổi tối dài được trải qua bằng việc đọc và viết. Sách về mọi chủ đề có thể hình dung ra được xếp dọc theo bức tường trong hai căn nhà gỗ nhỏ của bà. Hồi ấy, thỉnh thoảng bà cũng có những chuyến đi để bổ sung cho tủ sách và mùa hè thì những ngư dân ghé qua cũng giới thiệu cho bà một số loại nữa. Dorothy có vẻ thích mọi người, nhưng bà ấy thích làm chủ thế giới của riêng mình hơn nữa.
Người ta có thể vượt qua sự cô độc, nhưng chỉ khi người ta tìm ra cách xếp đặt trật tự cho sự chú ý để ngăn chặn trạng thái entropy phá hủy tâm trí. Susan Butcher, người gây giống và huấn luyện chó, người đã đi xe trượt tuyết ở Bắc cực liên tục mười một ngày không nghỉ trong khi chạy trốn các cuộc tấn công của nai sừng tấm và chó sói, nhiều năm trước đã chuyển từ Massachusetts đến sống tại một căn nhà gỗ cách ngôi làng gần nhất thuộc Manley, Alaska đến hai mươi lăm dặm (với dân số là sáu mươi hai người). Trước khi kết hôn, cô sống một mình, với hàng trăm chú chó husky. Cô không có thời gian để cảm thấy cô đơn, việc đi săn tìm thức ăn và chăm sóc những chú chó của mình – những sinh vật đòi hỏi sự chú ý của cô mười sáu giờ một ngày, bảy ngày một tuần – đã ngăn chặn điều đó. Cô biết tên từng con chó và cả tên bố mẹ, ông bà của chúng. Cô biết rõ tính khí, sở thích, thói quen ăn uống và sức khỏe hiện tại của chúng. Susan tuyên bố cô thà sống theo cách này hơn là làm bất cứ điều gì khác. Các thói quen mà cô xây dựng đòi hỏi rằng ý thức của cô phải tập trung vào các nhiệm vụ có thể quản lý mọi lúc – và do đó biến cuộc sống thành một trải nghiệm dòng chảy liên tục.
Một người bạn thích vượt đại dương một mình trên một chiếc thuyền buồm đã từng kể một giai thoại minh họa về độ dài mà các tàu tuần dương đơn độc đôi khi phải đi nhằm giữ cho tâm trí của họ tập trung. Tiếp cận quần đảo Azores tại một giao điểm phía Đông của Đại Tây Dương, cách bờ biển Bồ Đào Nha khoảng tám trăm dặm và sau nhiều ngày không nhìn thấy một cánh buồm, anh nhìn thấy một chiếc thuyền nhỏ đang đi theo hướng ngược lại. Đó là một cơ hội thú vị để chào hỏi một người bạn “đồng đạo” đi biển, vậy là hai chiếc thuyền được đặt lộ trình để gặp nhau giữa biển, chiếc này nằm cạnh chiếc kia. Người đàn ông trên chiếc thuyền kia đang cọ rửa sàn tàu của mình, một phần sàn tàu bị phủ bởi một chất màu vàng có mùi hôi. “Anh làm sao mà thuyền bẩn vậy?”. “Chà, anh thấy đấy”, anh ta nhún vai, “chỉ là một mớ trứng thối”. Bạn tôi thừa nhận rằng anh không rõ phải có bao nhiêu quả trứng thối mới vấy bẩn được cả một con thuyền giữa đại dương. “Ừ thì”, người đàn ông kia nói, “tủ lạnh bị hỏng, nên mấy cái trứng hư rồi. Mà đã không có gió trong nhiều ngày và tôi bắt đầu thấy chán. Vậy nên tôi nghĩ là thay vì ném chỗ trứng đi, tôi sẽ đập chúng lên boong để tôi có thể dọn sạch chúng. Tôi để chúng khô đi một chút để việc lau dọn khó hơn, nhưng tôi đã không lường trước chúng bốc mùi kinh khủng như vậy”. Dưới những điều kiện thông thường, những thủy thủ độc hành có rất nhiều việc chiếm giữ tâm trí họ. Sự sống còn của họ phụ thuộc vào việc luôn cảnh giác với những điều kiện trên thuyền và trên biển. Chính sự tập trung liên tục vào một mục tiêu có thể thực hiện được đã khiến cho việc đi thuyền mang tính thưởng thức đến thế. Nhưng khi trạng thái lặng gió bắt đầu, họ có thể phải làm bất cứ việc gì để có thể tìm được bất kỳ thử thách nào.
Việc đối phó với sự cô đơn bằng cách để những nghi thức không cần thiết nhưng bắt buộc phải có định hình cho tâm trí có khác gì với việc dùng chất kích thích hoặc xem tivi liên tục không? Có thể lập luận rằng Dorothy và các ẩn sĩ khác đang trốn thoát khỏi “thực tế” một cách hiệu quả giống như những người nghiện. Trong cả hai trường hợp, entropy tâm thần được tránh khỏi bằng cách đưa tâm trí ra khỏi những suy nghĩ và cảm giác khó chịu. Tuy nhiên, cách thức một người nào đó đối phó với sự cô độc tạo nên mọi sự khác biệt. Nếu ở một mình được nhìn nhận như là cơ hội để hoàn thành các mục tiêu không thể đạt được trong sự bè bạn với người khác, thì thay vì cảm thấy cô đơn, người ta sẽ thích sự cô độc và có thể học các kỹ năng mới trong quá trình này. Ngược lại, nếu cô độc được coi là điều kiện cần tránh bằng mọi giá thay vì là một thách thức, người đó sẽ hoảng loạn và sẽ cầu đến những cách đánh lạc hướng mà không thể dẫn đến những mức độ phức tạp cao hơn. Nuôi chó và lái xe trượt tuyết qua các khu rừng giá rét có vẻ trông như một nỗ lực khá nguyên thủy so với những trò vui cuốn hút của các tay chơi hay người nghiện côcain. Tuy nhiên, về mặt tổ chức tinh thần thì cái trước phức tạp hơn nhiều so với cái sau. Những lối sống được xây dựng dựa trên niềm vui chỉ tồn tại trong sự cộng sinh với những nền văn hóa phức tạp dựa trên sự chăm chỉ và sự thưởng thức. Nhưng khi văn hóa không còn có thể hay không còn sẵn sàng hỗ trợ những người theo chủ nghĩa khoái lạc, những người nghiện niềm vui, thiếu kỹ năng, kỷ luật và vì vậy không thể tự chống đỡ lấy mình, sẽ thấy bản thân lạc lõng và bất lực.
Điều này không có nghĩa là cách duy nhất để đạt được sự kiểm soát đối với ý thức là chuyển đến sống ở Alaska và săn nai sừng tấm. Người ta có thể làm chủ các hoạt động dòng chảy trong hầu hết môi trường. Một số ít sẽ cần sống ở nơi hoang dã, hoặc dành thời gian dài một mình lênh đênh trên biển. Còn phần đông mọi người sẽ thích được bao quanh bởi sự hối hả và nhộn nhịp của sự tương tác giữa con người. Tuy nhiên, sự cô độc là một vấn đề phải đối mặt dù người ta sống ở phía Nam Manhattan hay phía Bắc Alaska. Trừ khi người ta học cách thưởng thức sự cô độc, bằng không phần lớn cuộc sống sẽ trôi qua một cách tuyệt vọng trong việc lảng tránh những ảnh hưởng tồi tệ của nó.
DÒNG CHẢY VÀ GIA ĐÌNH
Một số trải nghiệm mãnh liệt và ý nghĩa nhất trong cuộc sống của mọi người đến từ những mối quan hệ gia đình. Nhiều người thành công sẽ tán thành tuyên bố này của Lee Iacocca: “Tôi đã có một sự nghiệp tuyệt vời và thành công. Nhưng đặt cạnh gia đình tôi, điều đó thực sự không có gì quan trọng cả”.
Trong suốt chiều dài lịch sử, con người đã được sinh ra và đã dành cả cuộc đời của họ trong các nhóm thân tộc. Các gia đình rất đa dạng về quy mô và thành phần, nhưng ở mọi nơi, các cá nhân đều cảm thấy sự thân mật đặc biệt với người thân, những người mà họ tương tác thường xuyên hơn so với những người bên ngoài gia đình. Các nhà xã hội học cho rằng lòng trung thành thuộc thân tộc này tỉ lệ thuận với số lượng gen mà hai người bất kỳ có chung với nhau: ví dụ, anh chị em một nhà sẽ có một nửa trong bộ gen của họ là giống nhau, trong khi hai anh em họ thì chỉ có một phần tư. Trong kịch bản này, trung bình anh chị em ruột sẽ giúp đỡ nhau nhiều gấp đôi so với anh em họ. Do đó, những cảm xúc đặc biệt mà chúng ta dành cho người thân của mình chỉ đơn giản là một cơ chế được thiết kế để đảm bảo rằng loại gen của dòng họ mình được bảo tồn và nhân rộng.
Có những lý do sinh học mạnh mẽ nhất định cho việc chúng ta có một sự gắn bó đặc biệt với người thân. Không một loài động vật có vú có quá trình trưởng thành chậm nào có thể sống sót nếu không có cơ chế tích hợp khiến hầu hết con trưởng thành cảm thấy có trách nhiệm với con non và con non cảm thấy phụ thuộc vào con lớn; vì lý do đó, sự ràng buộc của trẻ sơ sinh với những người chăm sóc chúng và ngược lại, đặc biệt mạnh mẽ. Nhưng các kiểu mối quan hệ thực tế mà gia đình hỗ trợ được lại đa dạng một cách đáng kinh ngạc với các nền văn hóa khác nhau, vào từng thời đại khác nhau.
Ví dụ, cho dù hôn nhân là đa thê hay một vợ một chồng, là phụ hệ hay mẫu hệ, đều có một sức ảnh hưởng khá mạnh mẽ đến những kiểu trải nghiệm hàng ngày của chồng, vợ và con cái với nhau. Vì vậy, ít có những nét đặc trưng rõ ràng của cấu trúc gia đình, chẳng hạn như các kiểu mô hình thừa kế. Tại nhiều những lãnh địa nhỏ của một nước Đức bị chia cắt cho đến khoảng một thế kỷ trước, mỗi lãnh địa điều có luật thừa kế dựa trên chế độ con trưởng, nơi mà người con trai cả được hưởng mọi tài sản của gia đình, hoặc dựa trên một sự phân chia đồng đều tài sản cho tất cả những người con. Phương pháp chuyển quyền tài sản nào trong số đó được áp dụng có vẻ hoàn toàn mang tính ngẫu nhiên, tuy vậy sự lựa chọn vẫn dính líu mật thiết với yếu tố kinh tế. (Chế độ con trưởng đã dẫn đến sự tập trung tư bản vào các địa phận sử dụng phương pháp này, từ đó dẫn đến công nghiệp hóa; trong khi chia sẻ bình đẳng dẫn đến sự phân mảnh tài sản và công nghiệp kém phát triển). Liên quan trực tiếp hơn đến vấn đề chúng ta đang nói, mối quan hệ anh chị em ruột trong một nền văn hóa áp dụng chế độ con trưởng hẳn phải khác biệt về mặt bản chất so với chế độ mà trong đó lợi ích kinh tế bình đẳng được tích lũy cho mọi đứa con trong nhà. Tình cảm anh chị em dành cho nhau, những gì họ mong đợi từ nhau, quyền và trách nhiệm qua lại của họ, gắn liền ở mức độ đáng kể với sự thiết lập đặc thù của hệ thống gia đình. Như ví dụ này chứng minh, trong khi lập trình di truyền có thể khiến chúng ta gắn bó với các thành viên trong gia đình, bối cảnh văn hóa sẽ quyết định rất nhiều tới sức mạnh và định hướng của sự gắn bó đó.
Bởi vì gia đình là môi trường xã hội đầu tiên và quan trọng nhất của chúng ta, chất lượng cuộc sống phụ thuộc rất lớn vào mức độ thành công của mỗi người trong việc làm cho sự tương tác với người thân của họ trở nên thú vị. Bởi cho dù mối quan hệ sinh học và văn hóa có mạnh mẽ như thế nào giữa các thành viên trong gia đình, thì chúng ta biết rõ rằng có sự muôn màu muôn vẻ trong cách mọi người cảm nhận về người thân của mình. Một số gia đình ấm áp và mang tính hỗ trợ, một số mang tính thách thức và đòi hỏi, một số khác đe dọa cái tôi của các thành viên trong gia đình mọi lúc, và còn có những gia đình là sự chán chường không thể chịu đựng nổi. Tần suất xuất hiện tội giết người là cao hơn nhiều giữa các thành viên trong gia đình so với giữa những người không có họ hàng. Lạm dụng trẻ em và quấy rối tình dục loạn luân, từng có thời được cho là sự lệch chuẩn hiếm xảy ra, dường như đang xảy ra thường xuyên hơn nhiều so với bất kỳ ai có thể ngờ tới. Theo lời của John Fletcher, “những người có sức mạnh lớn nhất để làm tổn thương chúng ta là những người chúng ta yêu thương”. Rõ ràng là gia đình có thể khiến người ta vô cùng hạnh phúc, cũng có thể là một gánh nặng không thể chịu đựng được. Là cái nào sẽ phụ thuộc rất lớn vào việc các thành viên trong gia đình đầu tư bao nhiêu năng lượng tinh thần vào các mối quan hệ tương hỗ, cũng như vào những mục tiêu của nhau.
Mọi mối quan hệ đòi hỏi phải tái định hướng sự chú ý, tái định vị các mục tiêu. Khi hai người bắt đầu qua lại với nhau, họ phải chấp nhận một số ràng buộc nhất định mà khi một mình họ không có: lịch trình phải được dung hòa, kế hoạch phải được điều chỉnh. Ngay cả một điều gì đó đơn giản như một cuộc hẹn ăn tối cũng gánh vác một sự thỏa hiệp về thời gian, địa điểm, loại thức ăn, v.v.. Ở một mức độ nào đó, cặp đôi sẽ phải phản ứng bằng những cảm xúc tương đồng nhau với những kích thích mà họ gặp phải – mối quan hệ có thể sẽ không kéo dài nếu chàng trai yêu thích một bộ phim mà cô gái ghét và ngược lại. Khi hai con người lựa chọn tập trung sự chú ý vào nhau, cả hai sẽ phải thay đổi thói quen của mình; kết quả là mô hình ý thức của họ cũng sẽ phải thay đổi. Kết hôn đòi hỏi một sự định hướng lại triệt để và vĩnh viễn các thói quen của sự chú ý. Khi một đứa trẻ được thêm vào đời sống của cặp đôi, cả hai người làm cha mẹ phải điều chỉnh lại lần nữa để đáp ứng nhu cầu của đứa trẻ: thời gian ngủ của họ phải thay đổi, họ sẽ ra ngoài ít hơn, người vợ có thể từ bỏ công việc của mình, họ có thể phải bắt đầu tiết kiệm tiền cho việc học hành tương lai của đứa trẻ.
Tất cả điều này có thể rất khó khăn và cũng có thể gây nản lòng. Nếu người ta không sẵn sàng điều chỉnh các mục tiêu cá nhân khi bắt đầu một mối quan hệ, thì rất nhiều điều xảy ra trong mối quan hệ ấy sau đó sẽ tạo ra sự rối loạn trong ý thức của người đó, bởi vì các kiểu tương tác mới sẽ mâu thuẫn với các kiểu kỳ vọng cũ. Một anh chàng chưa vợ có thể có trong danh sách ưu tiên của mình việc lái một chiếc xe thể thao bóng bẩy và dành vài tuần mỗi mùa đông ở vùng biển Ca-ri-bê. Sau đó anh quyết định lấy vợ và sinh con. Tuy nhiên, khi anh thực hiện những mục tiêu sau, anh phát hiện ra chúng không tương thích với những mục tiêu trước. Anh không thể có đủ khả năng tài chính cho một chiếc Maserati nữa và Bahamas thì nằm ngoài tầm với. Trừ khi anh xem xét lại các mục tiêu cũ, bằng không anh sẽ thất vọng, tạo ra cảm giác xung đột nội tâm được gọi là entropy tâm thần. Và nếu anh thay đổi mục tiêu, cái tôi của anh cũng sẽ thay đổi theo như một hệ quả tất yếu – bởi cái tôi là tổng thể và là sự tổ chức của các mục tiêu. Theo kiểu này, việc bước vào bất kỳ mối quan hệ nào cũng đòi hỏi một sự chuyển đổi của cái tôi.
Cho đến vài thập kỷ trước, các gia đình có xu hướng sống chung với nhau vì cha mẹ và con cái buộc phải tiếp tục mối quan hệ bởi những lý do ngoại tại. Nếu tình trạng ly hôn hiếm khi xảy ra trong quá khứ, thì đó không phải là vì chồng vợ yêu nhau nhiều hơn trong thời xưa, mà vì người chồng cần ai đó nấu ăn và trông coi nhà cửa, người vợ cần có người mang thức ăn về, còn con thì cần cả bố mẹ, để ăn, ngủ và bắt đầu cuộc đời mình. Những “giá trị gia đình” mà người lớn ra sức khắc sâu vào lớp trẻ là một sự phản ánh của nhu cầu đơn giản này, thậm chí khi nó được che đậy bằng những cái cớ của tôn giáo và đạo đức. Tất nhiên, một khi các giá trị gia đình được dạy là một điều quan trọng, thì mọi người học cách coi trọng chúng và chúng đã giúp các gia đình khỏi cảnh tan rã. Tuy nhiên, rất thường xuyên, các quy tắc đạo đức được coi là một sự áp đặt bên ngoài, một ràng buộc bên ngoài mà theo đó các ông chồng, bà vợ và con cái phát bực lên. Trong những trường hợp như vậy, gia đình có thể vẫn còn nguyên vẹn bề ngoài, nhưng bên trong nó đã bị rạn nứt bởi những xung đột và thù ghét. Sự “đổ vỡ” ngày nay của gia đình là kết quả của sự biến mất chậm rãi những lý do ngoại tại để người ta duy trì trạng thái hôn nhân. Sự gia tăng của tỉ lệ ly hôn có lẽ đã chịu ảnh hưởng nhiều bởi những thay đổi trong thị trường lao động, vốn đã tăng cơ hội việc làm của phụ nữ và bởi sự phổ biến của các thiết bị gia dụng tiết kiệm sức lao động, hơn là bởi sự suy giảm tình yêu hay bản chất đạo đức.
Nhưng những lý do bên ngoài không phải là điều duy nhất khiến người ta duy trì hôn nhân và sống cùng nhau như một gia đình. Có những cơ hội tuyệt vời để có được niềm vui và sự phát triển bản thân mà chỉ có thể được trải nghiệm trong cuộc sống gia đình và những phần thưởng nội tại này hiện nay không hề ít đi so với chúng từng có trong quá khứ; trên thực tế, ngày nay những phần thưởng này còn dễ dàng có được hơn nhiều so với bất kỳ thời kỳ nào trước đây. Nếu như xu hướng của các gia đình truyền thống – ở bên nhau chủ yếu vì sự tiện lợi – bị suy yếu, thì số lượng những gia đình bền vững bởi vì các thành viên yêu thích những thành viên khác sẽ tăng lên. Tất nhiên, bởi vì các lực tác động bên ngoài vẫn mạnh hơn nhiều so với bên trong, nên hiệu ứng tổng thể có thể là một sự phân mảnh sâu sắc hơn của đời sống gia đình trong tương lai không xa. Nhưng những gia đình bền vững sẽ có một vị thế tốt hơn để giúp các thành viên của họ phát triển một cái tôi tốt đẹp hơn so với những gia đình ở bên nhau trái với ý muốn của các thành viên.
Đã có những cuộc tranh cãi bất tận về việc con người có theo bản tính tự nhiên mà lăng nhăng, đa thê, hay thiên về một vợ một chồng; và liệu về mặt tiến hóa văn hóa thì đời sống một vợ một chồng có phải là hình thức cao nhất của tổ chức gia đình hay không. Việc nhận ra rằng những câu hỏi này chỉ liên quan đến các điều kiện bên ngoài định hình nên các mối quan hệ hôn nhân là rất quan trọng. Và theo đó, điểm quan trọng dường như là các cuộc hôn nhân đảm nhận vai trò là hình thức đảm bảo sự sống còn hiệu quả nhất. Ngay cả các thành viên của cùng một loài động vật cũng sẽ thay đổi mô hình quan hệ của chúng để thích nghi tốt nhất trong một môi trường nhất định. Ví dụ, những con hồng tước đầm lầy trống (Cistothorus palustris) là loài đa thê sống ở Washington, nơi các đầm lầy có chất lượng khác nhau và con mái bị thu hút bởi một vài con trống có lãnh thổ trù phú, khiến những con kém may mắn hơn phải chịu cuộc sống độc thân. Những con chim cùng họ chim hồng tước lại có đời sống “một vợ một chồng” ở Georgia, không phải bởi vì bang đó là một phần của Vành đai Kinh thánh, mà phần nhiều là vì những đầm lầy ở đây đều có lượng thức ăn và chỗ trú tương đương nhau và vì vậy mỗi con trống đều như nhau, đều có thể thu hút một con mái đến xây một tổ ấm thoải mái.
Hình thức mà gia đình của loài người đảm nhận là một sự phản ứng với các loại áp lực môi trường tương tự như vậy. Xét về những lý do bên ngoài, chúng ta chọn chế độ một vợ một chồng vì trong các xã hội công nghệ dựa trên nền kinh tế tiền bạc, thời gian đã chứng minh đây là một sự sắp xếp hợp lý hơn. Nhưng vấn đề chúng ta phải đối mặt với tư cách cá nhân không phải là liệu con người có cố nhiên sống đời một vợ một chồng hay không, mà là chúng ta có muốn theo lối sống một vợ một chồng hay không. Và khi trả lời câu hỏi đó, chúng ta cần cân nhắc tất cả các hệ quả từ sự lựa chọn của chúng ta.
Người ta thường coi hôn nhân là sự kết thúc của tự do và một số người còn coi vợ hoặc chồng của họ là một “xiềng xích”. Quan niệm về cuộc sống gia đình thường bao hàm những ràng buộc, những trách nhiệm can thiệp vào mục tiêu và tự do hành động của một người. Mặc dù điều này là đúng, đặc biệt với những cuộc hôn nhân vì lợi ích, nhưng điều mà chúng ta có xu hướng quên mất chính là các quy tắc và nghĩa vụ này không khác nhau về nguyên tắc so với các quy tắc ràng buộc hành vi trong một trò chơi. Giống như tất cả các quy tắc, chúng loại trừ một loạt các khả năng để chúng ta có thể tập trung hoàn toàn vào một nhóm các lựa chọn đã được chọn.
Cicero đã từng viết rằng để được tự do hoàn toàn, người ta phải trở thành nô lệ cho một bộ luật. Nói cách khác, chấp nhận những hạn chế là một sự giải phóng. Ví dụ, bằng cách quyết định đầu tư năng lượng tinh thần vào một cuộc hôn nhân một vợ một chồng, bất chấp mọi vấn đề, mọi trở ngại, hoặc các lựa chọn hấp dẫn hơn có thể đến sau đó, người ta sẽ thoát khỏi áp lực liên tục cố gắng tối đa hóa sự đền đáp về mặt cảm xúc. Cam kết với những đòi hỏi của một cuộc hôn nhân kiểu cũ và cam kết một cách tự nguyện thay vì bị ép buộc bởi truyền thống, người ta sẽ không còn cần thiết lo lắng liệu mình có lựa chọn đúng hay không, hay liệu đâu đó còn có sự lựa chọn tốt hơn chăng. Kết quả là rất nhiều năng lượng được rảnh rang để đầu tư cho cuộc sống thay vì dành để tự hỏi sống như thế nào.
Nếu ai đó quyết định chấp nhận hình thức gia đình truyền thống, cảm thấy trọn vẹn với một cuộc hôn nhân một vợ một chồng và với sự gắn bó mật thiết với con cái, họ hàng và với cộng đồng, thì việc quan trọng là cân nhắc trước làm thế nào để đời sống gia đình có thể biến thành một hoạt động dòng chảy. Bởi vì nếu không như vậy, sự nhàm chán và thất vọng hiển nhiên sẽ xảy đến và sau đó mối quan hệ có thể sẽ tan vỡ, trừ khi có những yếu tố bên ngoài đủ mạnh để chống đỡ.
Để cung cấp trải nghiệm dòng chảy, gia đình phải có một mục tiêu cho sự tồn tại của mình. Những lý do bên ngoài là không đủ: “mọi người khác đều đã kết hôn”, “có con là điều tự nhiên”, hay “sống hai người thì tiết kiệm hơn là một”. Những thái độ này có thể khuyến khích một người bắt đầu một gia đình và thậm chí có thể đủ mạnh để duy trì gia đình đó, nhưng chúng không thể làm cho cuộc sống gia đình mang tính thưởng thức. Những mục tiêu rõ ràng là cần thiết cho việc tập trung năng lượng tinh thần của cha mẹ và con cái vào các nhiệm vụ chung.
Một số trong những mục tiêu ấy có thể rất chung chung và mang tính dài hạn, chẳng hạn như lên kế hoạch cho một lối sống cụ thể – xây một ngôi nhà lý tưởng, cung cấp sự giáo dục tốt nhất có thể cho con cái, hoặc thực hành một lối sống tu tập giữa xã hội thế tục hiện đại. Để những mục tiêu như vậy dẫn đến các tương tác mà sẽ giúp tăng sự phức tạp của các thành viên, gia đình phải mang cả tính biệt hóa (differentiated) lẫn tính tích hợp (integrated). Biệt hóa có nghĩa là mỗi người được khuyến khích phát triển những đặc điểm riêng biệt của mình, tối đa hóa các kỹ năng cá nhân, đặt ra các mục tiêu riêng. Ngược lại, sự tích hợp đảm bảo rằng những gì xảy ra với một người sẽ ảnh hưởng đến tất cả những người khác. Nếu một đứa trẻ tự hào về những thành tích bé đạt được ở trường, những người còn lại trong gia đình sẽ chú ý và cũng sẽ tự hào về bé. Nếu người mẹ mệt mỏi và chán nản, gia đình sẽ cố gắng giúp đỡ và cổ vũ cô. Trong một gia đình có sự tích hợp, mục tiêu của mỗi người đều quan trọng đối với tất cả những người khác.
Ngoài các mục tiêu dài hạn, nhất thiết phải có một nguồn cung cấp liên tục các mục tiêu ngắn hạn. Chúng có thể bao gồm các nhiệm vụ đơn giản như mua một chiếc ghế sofa mới, đi dã ngoại, lên kế hoạch cho một kỳ nghỉ hoặc chơi trò chơi Scrabble cùng nhau vào chiều Chủ nhật. Trừ khi có những mục tiêu mà cả gia đình sẵn sàng chia sẻ, bằng không các thành viên trong nhà gần như không thể ở bên nhau, chứ đừng nói đến việc cùng tham gia vào một hoạt động chung thú vị. Một lần nữa, sự biệt hóa và tích hợp rất quan trọng: các mục tiêu chung nên phản ánh được mục tiêu của từng thành viên càng nhiều càng tốt. Nếu Rick muốn đi xem một cuộc đua xe đạp và Erica muốn đi đến thủy cung, thì mọi người nên xem cuộc đua vào một ngày cuối tuần và sau đó đi tham quan thủy cung vào cuối tuần sau. Cái hay của kiểu sắp xếp như vậy là Erica có khả năng sẽ thích một số điểm nào đó của môn đua xe đạp và Rick thực sự có thể hiểu được giá trị của việc ngắm nhìn lũ cá, mặc dù cả hai có thể không khám phá được nhiều với những định kiến của mình.
Như với bất kỳ hoạt động dòng chảy nào khác, các hoạt động gia đình cũng nên cung cấp thông tin phản hồi rõ ràng. Trong trường hợp này, vấn đề chỉ đơn giản là giữ các kênh giao tiếp được thông suốt. Nếu một người chồng không biết điều gì đang khiến vợ mình phiền muộn và ngược lại, thì không có cơ hội để giảm những sự căng thẳng không thể tránh khỏi phát sinh. Trong bối cảnh này, cần thiết nhấn mạnh rằng, giống như đối với trải nghiệm cá nhân, entropy là trạng thái cơ bản của cuộc sống tập thể. Trừ khi các đối tác trong mối quan hệ đầu tư năng lượng tinh thần vào mối quan hệ đó, bằng không xung đột là không thể tránh khỏi, đơn giản là vì mỗi cá nhân đều có những mục tiêu bất đồng ở một mức độ nhất định với những thành viên khác trong gia đình. Nếu không có đường truyền tốt, các sai biệt sẽ được khuếch đại, cho đến khi mối quan hệ tan vỡ.
Phản hồi cũng rất quan trọng để xác định liệu các mục tiêu gia đình có đang đạt được. Vợ chồng tôi từng nghĩ rằng đưa con đến sở thú vào Chủ nhật sau mỗi vài tháng là một hoạt động giáo dục tuyệt vời và là một hoạt động mà tất cả chúng tôi đều có thể tận hưởng. Nhưng khi đứa con lớn nhất của chúng tôi tròn mười tuổi, chúng tôi đã dừng hoạt động đó lại, vì con trai tôi trở nên cực kỳ đau khổ với ý nghĩ về những con vật bị nhốt trong không gian hạn chế. Có một thực tế của cuộc sống là sớm muộn gì những đứa trẻ trong nhà cũng sẽ bày tỏ quan điểm rằng các hoạt động chung của gia đình là trò “ngu ngốc”. Tới thời điểm này, việc ép buộc chúng làm mọi việc cùng nhau có xu hướng phản tác dụng. Vậy là hầu hết các bậc cha mẹ cứ thế bỏ cuộc và để mặc con mình cho nền văn hóa đồng đẳng. Khó khăn càng lớn thành quả càng nhiều, chiến lược là phải tìm ra một tập hợp các hoạt động mới mà có thể liên tục giữ các thành viên trong gia đình tham gia.
Việc cân bằng các thách thức và kỹ năng là một yếu tố cần thiết khác để thưởng thức các mối quan hệ xã hội nói chung và cuộc sống gia đình nói riêng, cũng giống như đối với bất kỳ hoạt động dòng chảy nào khác. Khi một người đàn ông và một người phụ nữ lần đầu tiên bị thu hút lẫn nhau, cơ hội hành động thường đủ rõ ràng. Kể từ buổi bình minh của nhân loại, thử thách cơ bản nhất đối với những chàng trai là “tôi có thể chiếm lấy cô ấy không?” và đối với những thiếu nữ là “tôi có thể nắm bắt được anh ta không?”. Thông thường và tùy thuộc vào trình độ kỹ năng của đối tác, một loạt những thách thức phức tạp hơn cũng được nhận thấy: tìm hiểu xem người kia thực sự là kiểu người nào, cô ấy thích phim gì, anh ấy nghĩ gì về Nam Phi và liệu cuộc gặp gỡ có khả năng phát triển thành mối quan hệ có ý nghĩa hay không. Kế đó sẽ có những điều thú vị để làm cùng nhau, những nơi có thể ghé thăm, những bữa tiệc có thể cùng tham dự và sau đó chuyện trò về chúng, vân vân.
Qua thời gian, người ta hiểu rõ hơn về người kia và những thách thức rõ ràng đã cạn kiệt. Tất cả những bước mở đường thông thường đã được thử; phản ứng của đối phương đã trở nên dễ đoán. Cuộc chơi của bản năng giới tính đã đánh mất sự hứng thú ban đầu của nó. Tại thời điểm này, mối quan hệ có nguy cơ trở thành một lệ thường nhàm chán có thể được duy trì chỉ bởi những lợi ích song phương, mà không có khả năng mang lại thêm sự thưởng thức, hoặc tạo ra sự tăng trưởng mới cho sự phức tạp. Cách duy nhất để khôi phục trải nghiệm dòng chảy cho một mối quan hệ là tìm ra những thách thức mới trong đó.
Việc này có thể bao gồm các bước đơn giản như thay đổi thói quen ăn, ngủ hoặc mua sắm. Chúng có thể liên quan đến việc thử thảo luận về các chủ đề mới cho cuộc trò chuyện, thăm những địa điểm mới, kết thêm bạn mới. Hơn bất cứ điều gì khác, chúng liên quan đến việc chú ý đến sự phức tạp của đối phương, tìm hiểu cô ấy ở mức độ sâu hơn mức đòi hỏi ở những ngày đầu của mối quan hệ, ủng hộ anh ấy bằng sự thông cảm và lòng trắc ẩn khi trải qua những thay đổi không thể tránh khỏi mà năm tháng mang lại. Một mối quan hệ phức tạp sớm muộn cũng phải đối mặt với câu hỏi lớn: liệu hai đối tác có sẵn sàng thực hiện cam kết trọn đời hay không. Vào thời điểm đó, một loạt các thử thách mới sẽ tự mình hiện thân: cùng nhau xây dựng một gia đình, tham gia vào các vấn đề cộng đồng rộng hơn khi những đứa con lớn lên, làm việc cùng nhau. Tất nhiên, những điều này không thể xảy ra nếu không có sự đầu tư dồi dào về năng lượng và thời gian; nhưng sự thu về bằng hình thức chất lượng của trải nghiệm thường vô cùng đáng giá.
Nhu cầu tương tự về việc liên tục tăng các thách thức và kỹ năng cũng áp dụng cho mối quan hệ với con cái. Trong giai đoạn con còn sơ sinh và tuổi ấu thơ, hầu hết các bậc cha mẹ đều tận hưởng quá trình dần nở rộ trong sự phát triển của con mình: nụ cười đầu tiên, từ đầu tiên con nói được, vài bước đi đầu tiên, những nét vẽ nguệch ngoạc đầu tiên. Mỗi bước nhảy nhỏ nhặt nhất trong các kỹ năng của trẻ trở thành một thử thách vui vẻ mới, mà cha mẹ sẽ đáp ứng bằng cách làm phong phú thêm các cơ hội để trẻ hành động. Từ cái nôi đến tường cũi, rồi đến sân chơi, đến trường mẫu giáo, cha mẹ liên tục điều chỉnh sự cân bằng của các thách thức và kỹ năng giữa trẻ và môi trường của chúng. Nhưng đến chớm tuổi thiếu niên, nhiều bạn trẻ vướng vào vô số vấn đề phải xử lý. Điều mà hầu hết các bậc cha mẹ làm vào thời điểm đó là lịch sự phớt lờ cuộc sống của con cái họ, giả vờ rằng mọi thứ đều ổn, hy vọng hão huyền rằng mọi thứ sẽ đâu vào đấy.
Thanh thiếu niên là những sinh vật trưởng thành về mặt sinh lý, đủ trưởng thành để sinh sản hữu tính; trong hầu hết các xã hội (và ở xã hội chúng ta cũng vậy, cách đây độ chừng một thế kỷ) họ được coi là đã sẵn sàng cho những trách nhiệm của người lớn và sự công nhận phù hợp. Tuy nhiên, bởi vì tổ chức xã hội hiện tại của chúng ta không cung cấp một cách tương xứng những thách thức cho các kỹ năng mà thanh thiếu niên có, nên họ phải khám phá các cơ hội hành động nằm ngoài phạm vi cho phép của người lớn. Hết sức thường xuyên, lối thoát mà họ tìm thấy là trong việc phá hoại các công trình văn hóa, phạm pháp, sử dụng chất kích thích và tình dục giải trí. Trong điều kiện hiện tại, rất khó để cha mẹ bù đắp được cho sự nghèo nàn của các cơ hội có trong văn hóa nói chung. Về mặt này, các gia đình ở khu ngoại ô giàu có nhất hầu như cũng không khá hơn so với các gia đình sống trong khu ổ chuột. Một đứa trẻ mười lăm tuổi khỏe mạnh, thông minh, tràn đầy sức sống có thể làm gì tại khu ngoại ô điển hình của chúng ta chứ? Nếu bạn xem xét câu hỏi đó, bạn hẳn sẽ đi đến kết luận rằng những gì sẵn có hoặc là quá giả tạo, hoặc quá đơn giản, hoặc không đủ thú vị để thu hút trí tưởng tượng của một thanh thiếu niên. Không có gì đáng ngạc nhiên khi các môn thể thao là rất quan trọng tại các trường học ở ngoại ô; bởi so với các lựa chọn thay thế khác, chúng cung cấp một số cơ hội cụ thể nhất để rèn luyện và thể hiện các kỹ năng của một người.
Nhưng có một số bước mà các gia đình có thể thực hiện để giảm nhẹ bớt một phần sự nghèo nàn của những cơ hội này. Thời xưa, những chàng trai trẻ rời nhà một thời gian với tư cách một người học việc và đi đến những thị trấn xa xôi để tiếp xúc với những thách thức mới. Ngày nay một điều tương tự cũng tồn tại ở Mỹ đối với các thanh thiếu niên: rời khỏi nhà để học đại học. Vấn đề vẫn còn tồn tại với thời kỳ dậy thì, khoảng năm năm từ mười hai đến mười bảy tuổi: Những thách thức có ý nghĩa nào có thể tìm thấy dành cho những người trẻ ở độ tuổi đó? Tình huống sẽ thuận lợi hơn nếu chính cha mẹ tham gia vào các hoạt động phức tạp và dễ hiểu tại nhà. Nếu cha mẹ thích chơi nhạc, nấu ăn, đọc sách, làm vườn, làm mộc hoặc sửa chữa động cơ, thì nhiều khả năng con cái họ sẽ tìm thấy những hoạt động tương tự mang tính thách thức và đầu tư đủ sự chú ý vào các hoạt động đó để bắt đầu tận hưởng được việc làm một việc gì đó mà sẽ giúp chúng phát triển. Nếu cha mẹ nói nhiều hơn về lý tưởng và ước mơ của họ, ngay cả khi những điều đó đã trở thành vỡ mộng, thì những đứa con cũng có thể phát triển hoài bão cần thiết để thoát ra khỏi sự tự mãn của bản thân ở hiện tại. Nếu không có việc gì khác để làm, thì thảo luận về công việc hoặc về những suy nghĩ và sự kiện trong ngày và cư xử với lũ trẻ như người trưởng thành, như những người bạn, cũng sẽ giúp chúng trong quá trình xã hội hóa, trở thành những người trưởng thành có suy nghĩ chín chắn. Nhưng nếu người cha dành toàn bộ thời gian rảnh rỗi ở nhà để sống một cuộc đời vô vị trước tivi với một ly rượu trong tay, con cái sẽ hiển nhiên cho rằng người lớn là những người nhàm chán không biết làm gì để vui vẻ và chúng sẽ tìm đến các nhóm đồng đẳng để tìm kiếm niềm vui thú.
Trong các cộng đồng người nghèo, các băng đảng thanh thiếu niên cung cấp nhiều thách thức thật sự cho các cậu chàng mới lớn. Các trận ẩu đả, hành động ra vẻ can đảm và các màn trình diễn mang tính nghi lễ như diễu hành băng đảng bằng xe máy là những gì tương hợp giữa kỹ năng của thanh thiếu niên với những cơ hội cụ thể. Ở những vùng ngoại ô giàu có, ngay cả những đấu trường hành động này cũng không sẵn có cho các thanh thiếu niên. Hầu hết các hoạt động, bao gồm cả trường lớp, giải trí và việc làm, đều nằm dưới sự kiểm soát của người lớn và chỉ để lại rất ít không gian cho óc sáng kiến của các em. Không có bất kỳ đầu ra có ý nghĩa nào cho kỹ năng và sự sáng tạo của mình, thanh thiếu niên có thể chuyển sang tiệc tùng thừa mứa, đua xe tốc độ, buôn chuyện ác ý, hoặc dùng chất kích thích và nội quan ái kỷ (narcissistic introspection) để chứng minh với bản thân là họ vẫn đang sống. Có ý thức lẫn không ý thức, nhiều cô gái trẻ cảm thấy rằng mang thai là điều duy nhất thật sự trưởng thành mà họ có thể làm, bất chấp những nguy cơ và hậu quả muộn phiền của việc đó. Làm thế nào để tái cấu trúc lại một môi trường như vậy – để làm cho nó mang đủ tính thách thức cần thiết – chắc chắn là một trong những nhiệm vụ cấp bách nhất mà phụ huynh của các thanh thiếu niên phải đối mặt. Việc chỉ đơn giản bảo những đứa con tuổi mới lớn này hãy cải thiện bản thân và làm điều gì đó hữu ích hầu như là vô giá trị. Điều giúp ích được cho chúng là những tấm gương và những cơ hội rõ ràng. Nếu những điều này không có sẵn, người ta không thể trách những người trẻ tự mình tìm kiếm giải pháp.
Một số căng thẳng của cuộc sống tuổi vị thành niên có thể được xoa dịu nếu gia đình cung cấp được cảm giác của sự chấp nhận, khả năng kiểm soát và tự tin cho các em. Một mối quan hệ đa chiều như thế này là mối quan hệ trong đó mọi người tin tưởng lẫn nhau và cảm thấy hoàn toàn được chấp nhận. Người ta không phải liên tục bận tâm về việc được yêu mến, trở nên nổi tiếng hay sống theo kỳ vọng của người khác. Như những câu nói phổ biến, “Tình yêu nghĩa là không bao giờ phải nói ‘Tôi xin lỗi’”, “Gia đình là nơi bạn luôn được chào đón”. Việc được đảm bảo về giá trị trong mắt của người thân cung cấp cho người ta sức mạnh để nắm lấy cơ hội; sự tuân phục quá mức thường được gây ra bởi nỗi sợ bị phủ nhận. Sẽ dễ dàng hơn nhiều cho ai đó cố gắng phát triển tiềm năng của mình nếu người đó biết rằng bất kể chuyện gì xảy ra, họ cũng có một căn cứ cảm xúc an toàn trong gia đình.
Sự chấp nhận vô điều kiện đặc biệt quan trọng đối với trẻ em. Nếu cha mẹ đe dọa sẽ lấy lại tình yêu của họ dành cho một đứa trẻ nếu nó không đủ tốt, thì bản năng vui đùa của đứa trẻ sẽ chậm rãi bị thay thế bởi sự lo lắng kinh niên. Ngược lại, nếu đứa trẻ cảm thấy rằng cha mẹ mình cam kết vô điều kiện với sự an vui của mình, thì nó có thể thư giãn và khám phá thế giới mà không sợ hãi; bằng không, nó còn phải phân bổ năng lượng tinh thần để bảo vệ chính mình và vì thế làm suy giảm nguồn năng lượng mà nó có thể tự do sử dụng. An toàn cảm xúc đầu đời có thể là một trong những điều kiện giúp phát triển tính cách có mục đích tự thân ở trẻ em. Không có điều này, thật khó để buông cái tôi ra đủ lâu để trải nghiệm dòng chảy.
Tất nhiên, tình yêu không có sự ràng buộc không có nghĩa là các mối quan hệ không nên có tiêu chuẩn, hay không có hình phạt cho việc phá vỡ các quy tắc. Khi không có rủi ro đi kèm với việc vi phạm các quy tắc, thì quy tắc trở thành vô nghĩa và khi không có các quy tắc ý nghĩa, một hoạt động không thể mang tính thưởng thức. Trẻ em phải biết rằng cha mẹ mong đợi một số điều nhất định từ chúng và rằng sẽ có hậu quả cụ thể xảy ra nếu chúng không tuân theo. Nhưng lũ trẻ cũng cần nhận ra rằng bất kể điều gì xảy ra, sự quan tâm của cha mẹ dành cho chúng là không phải nghi ngờ.
Khi một gia đình có một mục đích chung và các kênh giao tiếp thông suốt, khi nó cung cấp sự mở rộng dần dần các cơ hội hành động trong một môi trường tin cậy, thì cuộc sống trong gia đình sẽ trở thành một hoạt động dòng chảy thú vị. Các thành viên của gia đình sẽ tự nhiên tập trung sự chú ý của họ vào mối quan hệ nhóm và ở một mức độ nhất định, họ quên đi cái tôi cá nhân, những mục tiêu khác biệt của họ, để trải nghiệm niềm vui của việc thuộc về một hệ thống phức tạp hơn, một hệ thống kết nối những ý thức riêng biệt vào một mục tiêu thống nhất.
Một trong những ảo tưởng cơ bản nhất của thời đại chúng ta là đời sống gia đình có thể tự phát triển một cách tự nhiên và chiến lược tốt nhất để đối phó với nó là thư giãn và để nó tự vận hành. Cánh đàn ông đặc biệt thích tự an ủi với ý niệm này. Họ biết để thành công trong công việc phải vất vả thế nào và họ phải dồn bao nhiêu nỗ lực vào sự nghiệp. Vì vậy, ở nhà họ chỉ muốn thư giãn và họ cảm thấy rằng bất kỳ đòi hỏi nghiêm túc nào từ gia đình đều là không thích đáng. Họ thường có một niềm tin gần như mê tín vào sự toàn vẹn của gia đình. Chỉ khi quá muộn – khi người vợ trở thành người mượn rượu giải sầu, khi những đứa con trở nên xa cách, lạnh lùng – nhiều người mới thức tỉnh trước sự thật rằng gia đình, giống bất kỳ tổ chức chung nào khác, đòi hỏi một sự đầu tư liên tục năng lượng tinh thần để đảm bảo sự tồn tại của nó.
Để chơi kèn trompet giỏi, người nhạc sĩ không thể để quá vài ngày trôi qua mà không luyện tập. Một vận động viên không chạy bộ thường xuyên sẽ sớm bị mất dáng và sẽ không còn thích chạy bộ nữa. Bất kỳ nhà quản lý nào cũng biết rằng công ty của anh ta sẽ bắt đầu sụp đổ nếu sự chú ý của anh ta đi lang thang. Trong mỗi trường hợp, không có sự tập trung, một hoạt động phức tạp sẽ sụp đổ, rơi vào hỗn loạn. Lý nào gia đình lại là trường hợp khác biệt? Sự chấp nhận vô điều kiện, sự tin tưởng tuyệt đối mà các thành viên trong gia đình dành cho nhau, chỉ có ý nghĩa khi nó đi kèm với một sự đầu tư hào phóng của sự chú ý. Nếu không, nó chỉ là một cử chỉ vô nghĩa, một kiểu đạo đức giả không hề sai biệt với sự bỏ mặc.
THƯỞNG THỨC TÌNH BẠN
“Sự cô đơn tồi tệ nhất”, Francis Bacon đã viết, “là thiếu thốn tình bạn chân thành”. So với các mối quan hệ gia đình, tình bạn dễ thưởng thức hơn rất nhiều. Chúng ta có thể chọn bạn bè – và ta thường làm như vậy – trên cơ sở những mối quan tâm chung và những mục tiêu bổ khuyết nhau. Chúng ta không cần phải thay đổi bản thân để ở bên bạn bè; họ củng cố ý thức về cái tôi của chúng ta, thay vì cố gắng biến đổi nó. Trong khi ở nhà có rất nhiều việc nhàm chán mà chúng ta phải chấp nhận, như đổ rác và quét lá, thì với bạn bè chúng ta có thể tập trung vào những điều thú vị.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi trong các nghiên cứu của chúng tôi về chất lượng trải nghiệm hằng ngày, đã chứng minh được hết lần này đến lần khác rằng mọi người thuật lại những tâm trạng tích cực nhất về tổng thể khi họ ở cùng bạn bè. Điều này không chỉ đúng với thanh thiếu niên, bởi những người thành niên cũng vui vẻ khi ở cạnh bạn bè hơn với bất kỳ ai khác, bao gồm vợ hoặc chồng của họ. Ngay cả những người đã về hưu cũng vui vẻ hơn khi ở bên bạn bè so với khi họ ở cùng bạn đời hoặc gia đình của mình.
Bởi vì một tình bạn thường bao gồm các mục tiêu chung và các hoạt động chung, nên nó mang tính thưởng thức “một cách tự nhiên”. Nhưng giống như bất kỳ hoạt động nào khác, mối quan hệ này có thể có nhiều hình thức khác nhau, từ mang tính hủy hoại đến sự phức tạp cao độ. Khi một tình bạn là một cách thức chủ yếu để xác thực cho ý thức về cái tôi bất an của một người, nó sẽ mang lại niềm vui, nhưng nó sẽ không mang tính thưởng thức – trong việc thúc đẩy sự trưởng thành. Chẳng hạn, kiểu tổ chức “những người bạn rượu”, vốn rất phổ biến trong các cộng đồng nhỏ trên toàn thế giới, là một cách dễ chịu để những người đàn ông trưởng thành kết thân với những người mà họ đã quen biết từ nhỏ. Trong bầu không khí tự nhiên của quán rượu, quán ăn nhẹ, quán bia, hay phòng trà, họ đánh bay một ngày bằng việc chơi bài, ném phi tiêu, trong khi tranh cãi và trêu chọc nhau. Trong lúc đó, mọi người đều cảm thấy sự tồn tại của mình được xác thực bằng sự chú ý qua lại mà mọi người đặt vào những ý tưởng và phong thái riêng của nhau. Kiểu tương tác này ngăn chặn sự mất tổ chức mà nỗi cô độc đã mang đến cho tâm trí thụ động, nhưng không kích thích được nhiều cho sự tăng trưởng. Nó giống như một hình thức xem truyền hình tập thể và mặc dù nó phức tạp hơn ở chỗ nó đòi hỏi phải có sự tham gia, thì các hành động và lời nói trong hoạt động này có xu hướng cứng nhắc theo kịch bản và rất dễ đoán.
Sự xã hội hóa loại này bắt chước các mối quan hệ bè bạn, nhưng nó cung cấp ít lợi ích thực tế. Mọi người thỉnh thoảng có được niềm vui khi trải qua thời gian chuyện trò thường ngày, nhưng nhiều người trở nên quá phụ thuộc vào “sự cố định” hằng ngày của các mối quan hệ hời hợt. Điều này đặc biệt đúng đối với những cá nhân không thể chịu đựng được sự cô độc và những người có ít sự hỗ trợ về mặt cảm xúc ở nhà.
Thanh thiếu niên không có mối quan hệ gia đình gắn bó có thể trở nên quá phụ thuộc vào nhóm đồng đẳng của mình, đến mức họ sẽ làm bất cứ điều gì để được nhóm chấp nhận. Khoảng hai mươi năm trước, tại một trường trung học phổ thông ở Tucson, Arizona, toàn bộ học sinh trong một lớp học cuối cấp đều biết chuyện một học sinh thuộc lớp trước, đã bỏ học – kẻ có mối quan hệ “bạn bè” với các học sinh nhỏ tuổi hơn – đã giết các bạn học của mình và chôn xác họ ở sa mạc. Họ biết chuyện này hàng tháng trời, vậy nhưng không ai trong số đó tố cáo tội ác này với các nhà chức trách, những người phát hiện ra vụ việc một cách tình cờ. Những học sinh này, tất cả những đứa trẻ trung lưu vùng ngoại ô tốt đẹp ấy, khai nhận rằng chúng không thể tiết lộ các vụ giết người vì sợ bị bạn bè của mình tẩy chay. Nếu những thanh thiếu niên ở Tucson có sự gắn bó với một gia đình ấm áp, hoặc có sự liên kết chặt chẽ với những người lớn khác trong cộng đồng, thì sự tẩy chay của bạn bè đồng trang lứa sẽ không phải là điều không thể chịu đựng được. Nhưng dường như chỉ có nhóm đồng đẳng đứng chắn giữa họ và sự cô độc. Thật không may, đây không phải là một câu chuyện bất thường; thỉnh thoảng những câu chuyện tương tự như vậy vẫn xuất hiện trên các phương tiện truyền thông.
Dù sao thì, nếu những người trẻ cảm thấy được chấp nhận và được quan tâm trong gia đình, thì sự phụ thuộc vào nhóm đồng đẳng sẽ giảm đi và họ có thể học cách kiểm soát các mối quan hệ của mình với bạn bè đồng trang lứa. Christopher, mười lăm tuổi, là một cậu bé trầm lặng, tương đối nhút nhát, đeo kính và có ít bạn bè, cậu cảm thấy gần gũi với bố mẹ đủ để tâm sự rằng cậu đã chán ngấy cảnh bị ra rìa trong mọi trò vui ở trường và đã quyết định phải trở nên nổi tiếng hơn. Để làm vậy, Chris vạch ra một chiến lược được lên kế hoạch cẩn thận: cậu mua kính áp tròng, chỉ mặc những bộ quần áo hợp mốt, tìm hiểu về những bản nhạc mới nhất và những sở thích thịnh hành của tuổi thanh thiếu niên, cậu còn nhuộm tóc vàng nữa. “Tôi muốn xem liệu tôi có thể thay đổi tính cách của mình không”, cậu ấy nói và dành nhiều ngày đứng trước gương để luyện tập một thái độ thoải mái và một nụ cười ngây ngốc.
Cách tiếp cận có phương pháp này, được hỗ trợ bởi sự hợp tác của bố mẹ, đã có hiệu quả. Đến cuối năm, cậu được mời tham gia vào các nhóm nổi bật nhất ở trường và năm sau, cậu giành được vai Conrad Birdie trong vở nhạc kịch của trường. Bởi vì cậu ấy hóa thân xuất sắc vào vai ngôi sao nhạc rock ấy, cậu trở thành thần tượng trong lòng các nữ sinh trung học, những người dán cả ảnh của cậu vào tủ khóa. Cuốn kỷ yếu cuối cấp cho thấy cậu đã tham gia vào tất cả các kiểu mạo hiểm để thành công, chẳng hạn như giành được một giải thưởng trong cuộc thi “Những đôi chân quyến rũ”. Cậu thực sự đã thành công trong việc thay đổi cá tính bên ngoài của mình và giành được quyền kiểm soát cách mà bạn bè nhìn nhận cậu. Đồng thời, tổ chức bên trong của cái tôi của cậu vẫn như cũ: cậu vẫn là một thanh niên nhạy cảm, rộng lượng, một người không hề coi nhẹ bạn bè mình chỉ vì đã học được cách kiểm soát dư luận từ phía họ, hay cậu cũng không quá đề cao bản thân vì đã thành công trong việc đó.
Một trong những lý do khiến Chris có thể trở nên nổi tiếng trong khi nhiều người khác thì không, là vì cậu đã tiếp cận mục tiêu của mình với cùng một sự kỷ luật không lệ thuộc mà một vận động viên sẽ sử dụng trong một đội bóng, hoặc một nhà khoa học sẽ áp dụng vào một thí nghiệm. Cậu không bị áp đảo bởi nhiệm vụ, cậu đã chọn những thử thách thực tế mà mình có thể tự làm chủ. Nói cách khác, cậu đã biến con quái vật mơ hồ, đáng sợ của sự nổi tiếng thành một hoạt động dòng chảy khả thi mà cậu có thể tận hưởng được trong khi nó mang lại cho cậu cảm giác của lòng kiêu hãnh và sự tự hào. Sự bầu bạn với bạn bè đồng trang lứa, giống như mọi hoạt động khác, có thể được trải nghiệm ở nhiều cấp độ khác nhau: ở cấp độ phức tạp thấp nhất nó là một cách dễ chịu để tạm thời đẩy lùi sự hỗn loạn; ở mức độ cao nhất nó cung cấp một cảm giác mạnh mẽ của sự thưởng thức và phát triển.
Tuy nhiên, trong bối cảnh của tình bạn thân thiết, những trải nghiệm mãnh liệt nhất sẽ xảy ra. Đây là những mối quan hệ mà Aristotle đã viết: “Bởi không có bạn bè, không ai sẽ chọn sống tiếp cả, cho dù anh ta có tất cả mọi thứ khác”. Để thưởng thức mối quan hệ một đối một như vậy, đòi hỏi sự có mặt của các điều kiện tương tự như trong các hoạt động dòng chảy khác. Không chỉ cần có các mục tiêu chung và cung cấp phản hồi qua lại, những điều mà các tương tác trong quán rượu hoặc tại các bữa tiệc cocktail cung cấp, mà còn phải tìm ra những thách thức mới trong sự đồng hành cùng nhau. Việc này rốt cuộc có thể chỉ đơn giản là tìm hiểu nhiều hơn và nhiều hơn nữa về bạn bè, khám phá những khía cạnh mới về cá tính độc đáo của người đó và tiết lộ nhiều hơn về cá tính của chính mình trong quá trình này. Có rất ít thứ có thể thú vị như là chia sẻ một cách không è dè những xúc cảm thầm kín và suy nghĩ của mình cho người khác. Mặc dù việc này nghe có vẻ bình thường, nhưng trên thực tế nó đòi hỏi sự chú ý được tập trung, sự cởi mở và nhạy cảm. Trong thực tiễn, mức độ đầu tư năng lượng tinh thần như thế này vào một tình bạn, không may, là rất hiếm. Rất ít người sẵn sàng cam kết năng lượng hoặc thời gian cho nó.
Tình bạn cho phép chúng ta thể hiện những phần của con người mình mà chúng ta hiếm khi có cơ hội thể hiện ra ở nơi nào khác. Một cách để mô tả các kỹ năng mà mỗi người có được chính là chia chúng thành hai loại: công cụ và biểu cảm. Kỹ năng mang tính công cụ là những thứ chúng ta học để có thể đối phó hiệu quả với môi trường. Chúng là những công cụ sinh tồn cơ bản, như sự khéo léo của thợ săn hoặc sự lành nghề của thợ thủ công, hay công cụ trí tuệ, như đọc, viết và kiến thức chuyên môn của chuyên gia trong xã hội công nghệ của chúng ta. Những người không học cách tìm ra dòng chảy trong hầu hết những việc họ đảm nhận nói chung sẽ trải qua những nhiệm vụ mang tính công cụ như một tác động từ bên ngoài – bởi vì chúng không phản ánh lựa chọn của chính họ mà lại đòi hỏi một sự áp đặt từ bên ngoài. Ở một lập trường khác, kỹ năng mang tính biểu cảm đề cập đến các hành động cố gắng thể hiện những kinh nghiệm chủ quan của chúng ta ra bên ngoài. Hát một bài hát phản ánh cảm giác của chúng ta, chuyển tâm trạng của chúng ta thành một điệu nhảy, vẽ một bức tranh thể hiện cảm xúc hay kể một câu chuyện cười mà chúng ta thích và chơi bowling, nếu đó là điều khiến chúng ta cảm thấy vui, là những hình thức thể hiện theo hướng này. Khi tham gia vào một hoạt động biểu cảm, ta cảm thấy được liên kết với con người chân thật của mình. Một người chỉ sống bằng những hành động mang tính công cụ mà không trải nghiệm trạng thái dòng chảy tự phát của tính biểu cảm thì cuối cùng trở thành người không khác biệt mấy với một người máy được người ngoài hành tinh lập trình để bắt chước hành vi của con người.
Trong cuộc sống bình thường, có rất ít cơ hội để trải nghiệm cảm giác trọn vẹn mà tính biểu cảm mang lại. Trong công việc, người ta phải cư xử theo những kỳ vọng về vai trò của mình, làm một thợ máy lành nghề, một thẩm phán sáng suốt, một nhân viên phục vụ lịch thiệp. Ở nhà, ta có thể phải là một người mẹ chu đáo hoặc một đứa con trai lễ phép. Và ở giữa hai môi trường đó, trên xe buýt hoặc tàu điện ngầm, người ta phải trưng ra một khuôn mặt vô cảm với thế giới. Chỉ khi ở bên cạnh bạn bè hầu hết mọi người mới cảm thấy họ có thể thả lỏng và là chính mình. Bởi vì chúng ta lựa chọn bạn bè, những người cùng chia sẻ cùng những mục tiêu cơ bản như mình, nên đây là những người mà ta có thể cùng ca hát, nhảy múa, chia sẻ những câu chuyện cười hoặc cùng chơi bowling. Chính trong sự bầu bạn với bạn bè mà chúng ta có thể trải nghiệm rõ ràng nhất sự tự do của cái tôi và biết được chúng ta thật sự là ai. Lý tưởng về một cuộc hôn nhân hiện đại là có một người bạn đời giống như một người bạn. Ở thời đại trước, khi các cuộc hôn nhân được sắp xếp vì lợi ích qua lại giữa các gia đình, điều này được coi là không thể. Nhưng bây giờ có ít áp lực bên ngoài đối với chuyện kết hôn hơn, nên nhiều người xác nhận rằng bạn thân nhất của họ chính là người bạn đời.
Tình bạn không mang tính thưởng thức trừ khi chúng ta chấp nhận những thách thức về mặt biểu cảm của nó. Nếu ai đó chỉ giữ quanh mình những “người bạn” chỉ đơn giản tái xác nhận lại tính cách công khai của anh ta, những người chẳng bao giờ hỏi về ước mơ và khát khao của anh, chẳng bao giờ khuyến khích anh thử một cách sống khác, nghĩa là anh đã lỡ mất những cơ hội mà tình bạn ban tặng. Một người bạn thật sự là người mà đôi khi chúng ta có thể phát điên với họ, là người không kỳ vọng chúng ta luôn luôn giống như mong đợi. Đó là người chia sẻ mục tiêu của chúng ta về việc tự phát triển bản thân và do đó sẵn sàng chia sẻ những rủi ro mà bất kỳ sự gia tăng về độ phức tạp nào mang lại.
Trong khi gia đình chủ yếu cung cấp sự bảo vệ về mặt cảm xúc, tình bạn thường liên quan đến sự mới lạ bí ẩn. Khi được hỏi về những kỷ niệm ấm áp nhất của mình, mọi người thường đến nhớ những ngày lễ và kỳ nghỉ trải qua cùng người thân. Bạn bè được đề cập thường xuyên hơn trong bối cảnh của sự phấn khích, khám phá và phiêu lưu.
Thật không may, ngày nay rất ít người có thể duy trì tình bạn đến tuổi trưởng thành. Chúng ta quá di động, quá chuyên biệt và chật hẹp trong những mối bận tâm nghề nghiệp nên không thể nuôi dưỡng những mối quan hệ lâu dài. Nếu có thể giữ gia đình trọn vẹn chúng ta đã may mắn rồi, đừng nói đến việc bảo tồn một vòng tròn bè bạn. Chúng ta ngạc nhiên không ngừng khi nghe những người thành đạt, đặc biệt là đàn ông – quản lý của những công ty lớn, những luật sư và bác sĩ đại tài – nói về việc cuộc đời họ đã thành ra cô đơn và lẻ loi như thế nào. Trong sự sầu khổ, họ nhớ về những bạn bè thân thiết họ từng có thời trung học, phổ thông, đôi khi có cả thời đại học. Tất cả những người bạn đó đã bị bỏ lại phía sau và ngay cả bây giờ họ có gặp lại nhau, giữa họ có lẽ có rất ít điểm chung, ngoại trừ một vài ký ức buồn vui lẫn lộn.
Cũng giống như với gia đình, người ta tin rằng tình bạn diễn ra tự nhiên và nếu tình bạn đổ vỡ, người ta chẳng thể làm gì ngoài việc cảm thấy tiếc. Ở tuổi thanh thiếu niên, khi có rất nhiều sở thích được chia sẻ với người khác và người ta có rất nhiều thời gian rảnh để đầu tư vào một mối quan hệ, việc kết bạn có vẻ như là một quá trình tự phát. Nhưng sau đó tình bạn hiếm khi diễn ra tình cờ: người ta phải vun đắp chúng một cách chăm chỉ tương tự như nuôi dưỡng một công việc hoặc một gia đình.
CỘNG ĐỒNG RỘNG LỚN HƠN
Mỗi người là một phần của gia đình hoặc một tình bạn trong chừng mực anh ta đầu tư năng lượng tinh thần vào các mục tiêu chung với những người khác. Với cùng một cơ chế đó, người ta có thể thuộc về các hệ thống liên cá nhân lớn hơn bằng cách gắn mình với những nguyện vọng của một cộng đồng, một nhóm dân tộc, một đảng chính trị hoặc một quốc gia. Một số cá nhân, như Mahatma Gandhi hoặc Mẹ Teresa, đầu tư tất cả năng lượng tinh thần của họ vào những gì họ coi là mục tiêu của toàn nhân loại.
Trong ngôn ngữ của người Hy Lạp cổ đại, “chính trị” đề cập đến bất cứ điều gì liên quan đến mọi người trong các vấn đề vượt ra ngoài phúc lợi cá nhân và gia đình. Theo nghĩa rộng này, chính trị có thể là một trong những hoạt động thú vị và phức tạp nhất dành cho cá nhân, bởi phạm vi xã hội mà người ta dấn thân vào càng lớn thì nó càng bộc lộ nhiều thử thách hơn. Một người có thể đối phó với các vấn đề rất phức tạp của sự cô độc, của gia đình và bạn bè có thể tập trung được rất nhiều sự chú ý. Nhưng cố gắng tối ưu hóa các mục tiêu của các cá nhân không có quan hệ gì với nhau sẽ bao gồm những sự phức tạp về một trật tự cường độ cao hơn.
Thật không may, nhiều người dấn thân vào lĩnh vực cộng đồng lại không hành động ở mức độ phức tạp cao. Các chính trị gia có xu hướng tìm kiếm quyền lực, các nhà hảo tâm nổi tiếng và những người ra vẻ thánh nhân thường tìm cách chứng minh họ đạo đức như thế nào. Những mục tiêu này không quá khó để đạt được, miễn là người ta đầu tư đủ năng lượng vào chúng. Thách thức lớn hơn là không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân mà còn giúp đỡ người khác trong quá trình này. Sẽ có nhiều khó khăn hơn, nhưng cũng thành tựu được nhiều hơn, nếu các chính trị gia thật sự cải thiện các điều kiện xã hội, nếu những nhà hảo tâm giúp đỡ những hoàn cảnh thiếu thốn và nếu những người tu tập cung cấp một hình mẫu vững chắc hơn về cuộc sống cho người khác.
Nếu chỉ quan tâm đến những kết quả về vật chất, chúng ta có thể xem các chính trị gia ích kỷ là những kẻ khôn ngoan, bởi họ cố gắng đạt được sự giàu có và quyền lực cho chính họ. Nhưng nếu chúng ta chấp nhận thực tế rằng trải nghiệm tối ưu mới là thứ mang lại giá trị thực sự cho cuộc sống, thì chúng ta phải kết luận rằng các chính trị gia đấu tranh để thực thi lợi ích chung mới là thực sự thông minh hơn, bởi vì họ đang chấp nhận những thách thức cao hơn và do đó có cơ hội tốt hơn để trải nghiệm sự thưởng thức thực sự.
Bất kỳ sự tham gia nào vào lĩnh vực cộng đồng đều có thể mang tính thưởng thức, miễn là người ta cấu trúc nó theo những tham số của trải nghiệm dòng chảy. Không quan trọng việc bạn bắt đầu làm việc với các nhóm Hướng đạo sinh hay tham gia một nhóm tìm hiểu những cuốn sách vĩ đại, hoặc cố gắng bảo vệ môi trường hay hỗ trợ công đoàn địa phương. Điều quan trọng là đặt mục tiêu, tập trung năng lượng tinh thần, chú ý đến phản hồi và đảm bảo thử thách đó phù hợp với kỹ năng của mình. Sớm hay muộn sự tương tác sẽ bắt đầu ngân nga và trải nghiệm dòng chảy sẽ theo cùng.
Tất nhiên, với thực tế là năng lượng tinh thần có giới hạn, người ta không thể hy vọng rằng mọi người đều có thể tham gia vào các mục tiêu chung của cộng đồng. Một số người phải dành tất cả sự chú ý của họ chỉ để tồn tại trong một môi trường thù địch. Những người khác quá gắn bó với một chuỗi các thử thách nhất định – chẳng hạn với nghệ thuật hay toán học – đến nỗi họ không thể chịu đựng được việc chuyển bất kỳ sự chú ý nào ra khỏi nó. Nhưng cuộc sống sẽ thực sự khắc nghiệt nếu một số người không thích đầu tư năng lượng tinh thần vào những mối quan tâm chung, từ đó tạo ra sức mạnh tổng hợp trong hệ thống xã hội.
Khái niệm về dòng chảy không chỉ hữu ích trong việc giúp các cá nhân cải thiện chất lượng cuộc sống mà còn trong việc chỉ ra cách mà hành động cộng đồng nên được định hướng. Có lẽ hiệu ứng mạnh mẽ nhất mà lý thuyết dòng chảy có thể có trong khu vực công là cung cấp một bản kế hoạch chi tiết về cách thức mà các tổ chức có thể được cải tổ để chúng dễ dàng dẫn đến trải nghiệm tối ưu hơn. Trong vài thế kỷ qua, tính duy lý kinh tế đã thành công đến mức chúng ta đã đi đến việc hiển nhiên cho rằng điểm cốt yếu của bất kỳ nỗ lực nào của con người đều được đo lường bằng tiền bạc. Nhưng tiếp cận cuộc sống chỉ riêng bằng góc nhìn kinh tế là cực kỳ vô lý; điểm mấu chốt thực sự nằm ở chất lượng và sự phức tạp của trải nghiệm.
Một cộng đồng không nên được đánh giá tốt bởi vì những tiến bộ về công nghệ, hay ngập ngụa trong sự giàu có về vật chất, một cộng đồng được coi là tốt nếu nó cho mọi người cơ hội để tận hưởng nhiều nhất có thể những khía cạnh của cuộc đời họ trong khi cho phép họ phát triển tiềm năng của mình trong sự theo đuổi những thử thách lớn lao hơn. Tương tự, giá trị của một ngôi trường không phụ thuộc vào uy tín của nó, hay khả năng của nó trong việc đào tạo sinh viên có khả năng đối phó với những đòi hỏi thiết yếu của cuộc đời, đúng hơn là, giá trị nằm ở mức độ hưởng thụ việc học cả đời mà ngôi trường có thể truyền tải được. Một nhà máy thành công không nhất thiết là nhà máy kiếm được nhiều tiền nhất, mà là nhà máy có trách nhiệm nhất trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống cho công nhân và khách hàng của mình. Và chức năng thực sự của chính trị không phải là làm cho mọi người trở nên giàu có, an toàn hay quyền lực hơn, mà là để cho càng nhiều người càng tốt có thể thưởng thức một cuộc sống có độ phức tạp tăng dần.
Nhưng sẽ không có sự thay đổi mang tính xã hội nào xảy đến trừ khi ý thức của các cá nhân được thay đổi trước tiên. Khi một chàng trai trẻ hỏi Carlyle rằng anh ta nên cải cách thế giới bằng cách nào, Carlyle đã trả lời, “cải cách bản thân anh. Theo cách đó, sẽ bớt đi một kẻ bất lương trên đời”. Lời khuyên vẫn còn nguyên hiệu lực. Những người cố gắng làm cho cuộc sống tốt hơn dành cho mọi người mà không học cách kiểm soát cuộc sống của chính họ trước tiên thường sẽ khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.