Flow (Dòng Chảy) - Mihaly Csikszentmihalyi - Lời nói đầu
Quyển sách này được viết dành cho độc giả phổ thông, nhằm tóm lược nhiều thập kỷ nghiên cứu về những khía cạnh tích cực trong trải nghiệm của con người – niềm vui, sự sáng tạo và tiến trình hòa mình trọn vẹn vào cuộc sống – mà tôi gọi là trạng thái dòng chảy. Bước đi này có đôi chút mạo hiểm, vì ngay khi bước ra khỏi những quy chuẩn đặc thù của văn xuôi học thuật, người ta dễ trở nên cẩu thả hoặc sa vào sự nhiệt tình thái quá đối với một chủ đề như thế này. Tuy vậy, những nội dung sau đây không hề là một quyển sách phổ thông chỉ đưa ra các thủ thuật hay bí quyết của những người trong cuộc về cách có được hạnh phúc. Làm thế, là không khả thi trong bất kỳ trường hợp nào, khi mà một cuộc sống vui tươi, tốt đẹp là một tạo tác mang tính cá nhân, vốn không thể sao chép từ một công thức. Thay vào đó, quyển sách này nỗ lực trình bày những nguyên tắc chung, cùng với các ví dụ cụ thể về cách thức mà một số người đã sử dụng các nguyên tắc ấy, để biến đổi những cuộc đời nhàm chán và vô nghĩa trở thành cuộc sống tràn đầy niềm vui và sự thưởng thức. Sẽ chẳng có lời hứa hẹn nào về những lối đi tắt dễ dàng trong những trang sách này. Nhưng đối với những độc giả quan tâm đến những điều như vậy, sẽ vẫn có đủ thông tin cần thiết để giúp việc áp dụng lý thuyết vào thực hành trở nên khả thi.
Để quyển sách này thẳng thắn và thân thiện với người đọc nhất có thể, tôi đã tránh dùng các chú thích, các tài liệu tham khảo và những công cụ khác mà các học giả thường sử dụng trong lối viết học thuật của họ. Tôi cố gắng trình bày kết quả của các nghiên cứu tâm lý học và các ý tưởng bắt nguồn từ sự diễn giải những nghiên cứu ấy, theo cách mà bất kỳ độc giả có học vấn nào cũng có thể đánh giá và ứng dụng vào cuộc sống của riêng mình, bất kể nền tảng kiến thức chuyên môn của họ là gì.
Tuy nhiên, đối với những độc giả có đủ sự tò mò để tìm đọc các nguồn tài liệu học thuật mà những kết luận của tôi dựa vào, tôi đã bao gồm ở đây các ghi chú mở rộng, đặt ở cuối sách. Chúng không được gắn với các từ khóa tham chiếu cụ thể, mà gắn với số trang có chứa đoạn văn bản mà ở đó một vấn đề nhất định đã được bàn tới. Ví dụ như, hạnh phúc đã được đề cập tới ngay từ trang đầu tiên. Người đọc có hứng thú muốn biết các khẳng định của tôi dựa trên những tác phẩm hay tài liệu nào thì có thể giở sang phần chú thích bắt đầu từ trang 471 và bằng việc tìm kiếm trong phần tham chiếu, sẽ tìm thấy một sự dẫn giải từ góc nhìn của Aristotle về hạnh phúc cũng như những nghiên cứu hiện đại về chủ đề này, với các trích dẫn phù hợp. Các chú thích có thể được đọc như một phiên bản thứ hai, được nén lại hết mức và mang dáng dấp chuyên môn nhiều hơn so với văn bản gốc.
Phần mở đầu của bất kỳ quyển sách nào cũng là nơi thích hợp để bày tỏ sự tri ân tới tất cả những người đã tác động đến sự hình thành và quá trình hoàn thiện của quyển sách. Trong trường hợp của quyển sách này điều đó là bất khả, vì danh sách những cái tên nếu kể ra đầy đủ sẽ gần như dài bằng chính nội dung quyển sách. Tuy nhiên, tôi nợ một số ít người lời tri ân đặc biệt, những người mà tôi muốn nhân cơ hội này gửi lời cảm ơn đến họ. Trước hết, là Isabella, người vợ và cũng là người bạn tri kỷ đã giúp cuộc sống của tôi trở nên phong phú suốt hơn hai mươi lăm năm qua, là người sở hữu góc nhìn biên tập đã giúp thành hình nên quyển sách này. Mark và Christopher, các con của chúng tôi, tôi học hỏi được từ chúng có lẽ cũng nhiều như chúng học hỏi được từ tôi. Jacob Getzels, người từng và sẽ là cố vấn cho tôi trong tương lai. Với những người bạn và đồng nghiệp của mình, tôi muốn dành sự biết ơn đến Donald Campbell, Howard Gardner, Jean Hamilton, Philip Hefner, Hiroaki Imamura, David Kipper, Doug Kleiber, George Klein, Fausto Massimini, Elisabeth Noelle–Neumann, Jerome Singer, James Stigler và Brian Sutton–Smith – tất cả họ, bằng cách này hay cách khác, đã hết sức hào phóng với sự giúp đỡ, nguồn cảm hứng, hoặc sự khích lệ mà họ dành cho tôi.
Các cựu sinh viên và cộng tác viên của tôi, Ronald Graef, Robert Kubey, Reed Larson, Jean Nakamura, Kevin Rathunde, Rick Robinson, Ikuya Sato, Sam Whalen và Maria Wond đã có những đóng góp xuất sắc nhất cho việc nghiên cứu làm nền tảng cho các ý tưởng được triển khai trong những trang sách tiếp sau đây. John Brockman và Richard P. Kot đã mang những kỹ năng chuyên nghiệp của họ để hỗ trợ cho dự án này từ đầu chí cuối. Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là nguồn tài trợ hào phóng không thể thiếu được từ Quỹ Spencer trong thập kỷ vừa qua để thu thập và phân tích dữ liệu nghiên cứu. Tôi đặc biệt biết ơn cựu chủ tịch H. Thomas James, chủ tịch đương nhiệm Lawrence A. Cremin và phó chủ tịch Marion Falder của Quỹ. Dĩ nhiên, không một ai trong những người tôi vừa đề cập tới phải chịu trách nhiệm cho những gì chưa được rõ ràng, chắc chắn, nếu có trong quyển sách này – đó là công việc và trách nhiệm của riêng tôi.
Chicago, tháng Ba, năm 1990