Review sách
Review sách “KHUYẾN HỌC” (Tran Tue Linh)
Một quyển sách mà bất cứ thanh niên nào cũng nên đọc một lần. Tựa đề quyển sách là Khuyến học, hiểu đơn giản là khuyến khích học tập, nhưng, học tập ở đây là học cái gì, học như thế nào và học để làm gì?
“Kiếm kế sinh nhai cũng là học vấn. Lập sổ sách thu chi trong buôn bán cũng là học vấn. Nắm bắt thời cuộc cũng là học vấn. Nếu chỉ đơn thuần đọc vào là sách Tây, sách Tàu, sách Nhật thì không thể coi là có học vấn.
Tựa đề của cuốn sách này là Khuyến học, nhưng không có nghĩa khuyên các bạn chỉ có đọc sách.
Đề cập tinh thần cơ bản của con người, đề cập mục đích thực thụ của học vấn là chủ đích chính mà tôi muốn nói với các bạn.”
Fukuzawa Yukichi khẳng định tinh thần chủ đạo và mục đích hướng tới của cuốn sách ngay từ những phần đầu tiên. Ông nêu rõ những đức tính cần có của một con người độc lập hay cao hơn nữa là đức tính của một quốc dân, song song với đó là truy tìm gốc rễ, bản chất thực sự của học vấn.
Fukuzawa Yukichi rất khôn khéo khi bắt đầu bằng vấn đề bình đẳng để dẫn dắt người đọc đến với lợi ích của việc học: “Vốn dĩ mọi người sinh ra đều bình đẳng, nếu có khác biệt là do học vấn”. Cái hay của việc này là ở chỗ, vào thời điểm mà ông viết quyển sách, người dân Nhật vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tư tưởng đẳng cấp. Dù nhà nước đã xóa bỏ chế độ đẳng cấp, nhưng với hàng trăm năm chấp nhận và cam chịu, muốn bỏ chế độ này khỏi tư tưởng không phải là điều dễ dàng. Và Fukuzawa Yukichi đã nhằm đúng vào điểm đó để bắt đầu.
Con người muốn có cuộc sống tốt đẹp hơn nhất định phải học. Không phải ai sinh ra cũng ở mãi một vị trí định sẵn, hành trình học tập sẽ xây dựng nên vị trí của mỗi người. Tác giả đã mở ra cho người dân Nhật một ánh sáng của hy vọng: phải học, nhất định phải học, rồi đời ta sẽ khác.
Đừng nhầm tưởng ông đang cổ súy cho lối học lý thuyết, lối học cắm đầu vào khoa cử, ngay ở trên, mình đã dẫn lại lời ông nói về việc học, đại ý là học gì cũng được, miễn là chúng ta cố gắng trau dồi học vấn của bản thân. Tức là, không quan trọng bạn chọn con đường nào, sự khác biệt giữa bạn và người khác chính là bạn có đang học và sẵn sàng học hay không thôi.
Có học vấn, tương lai của mỗi người sẽ khác. Thay đổi của cá nhân cũng sẽ dẫn đến sự thay đổi của một đất nước.
Không phải tự nhiên mà nước Nhật trở nên cường thịnh, đó là sự cố gắng của toàn thể quốc dân Nhật. Không phải tự nhiên mà Nhật Bản có thể lột xác sau cuộc Duy tân Minh Trị, đó là tinh thần sẵn sàng học hỏi, dám thay đổi của chính phủ và người dân Nhật.
Những tư tưởng về cá nhân trong một nước làm mình nhớ đến những dòng thơ của Nguyễn Khoa Điềm
“Mai này con ta lớn lên
Con sẽ mang đất nước đi xa
Đến những tháng ngày mơ mộng
Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó san sẻ
Phải biết hoá thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời…”
Là công dân của một nước, mỗi người ngoài trách nhiệm với bản thân thì còn có nghĩa vụ với quốc gia. Tác giả không khuyến khích sự tin tưởng mù quáng vào chính phủ mà muốn khơi dậy lòng tự tôn dân tộc trong mỗi cá nhân, khích lệ sự thấu hiểu bản chất của mối quan hệ nhà nước – công dân. Ở Khuyến học, bạn có thể tìm thấy những cách xử trí tưởng chừng gàn dở nhưng lại thấm đẫm lòng yêu nước lòng nàn và… đúng đắn. Tại sao lại như vậy, hãy thử tìm hiểu sâu hơn qua những lập luận và dẫn chứng của tác giả nhé.
Quay lại với chuyện học, phải thừa nhận rằng chúng ta đang sống, được tạo những điều kiện tốt nhất để học tập, phải biết ơn và tự lấy làm hổ thẹn khi không nỗ lực trau dồi bản thân.
“Các bạn, hãy đọc nhiều, suy nghĩ khách quan mọi sự vật, nuôi dưỡng tri thức, tìm kiếm sự thực tại thực địa. Cái mà vừa mới tin ngày hôm qua thì hôm nay phải hoài nghi suy xét lại coi có còn đúng hay không và tìm cách giải quyết vào ngày hôm sau.
Vì lẽ đó, các bạn phải học tập.”
Ở Khuyến học, bạn tìm thấy những tinh thần cơ bản mà một con người tự trọng nên có. Cuốn sách nói về chuyện học nhưng lại lồng ghép những câu chuyện nhân sinh sâu sắc, mà ở đó, mỗi người có thể tìm thấy động lực để tiếp tục phấn đấu cải thiện bản thân.
Khuyến học được viết trong giai đoạn từ 1872 đến 1876. Một quyển sách tưởng cũ nhưng giá trị thật sự không hề cũ chút nào. Đây là một quyển sách cần nhiều thời gian để ngấm và hiểu. Xin viết lại đôi dòng sau lần đọc đầu tiên và chắc chắn sẽ còn những lần thứ hai, thứ ba, thứ n.