Bàn Cờ Lớn - Zbigniew Brzezinski - Dẫn nhập
Kể từ khi các lục địa bắt đầu những tương tác chính trị vào khoảng năm trăm năm trước, liên lục địa Á-Âu luôn là trung tâm quyền lực thế giới. Theo những phương thức khác nhau, vào những giai đoạn khác nhau, các dân tộc cư trú tại lục địa Á-Âu – dù phần lớn ở rìa cực Tây Âu – xâm chiếm và thống trị những khu vực khác trên thế giới, khi mà mỗi quốc gia Á-Âu riêng lẻ này đạt được vị thế đặc biệt và thụ hưởng những đặc quyền của “cái ghế” cường quốc hàng đầu.
Thập kỷ cuối của thế kỷ 20 đã chứng kiến một cuộc chuyển dịch kiến tạo liên quan đến một chuỗi sự vụ ngoại giao trên thế giới. Lần đầu tiên một thế lực nằm ngoài lục địa Á-Âu trỗi dậy, trở thành trọng tài chính không chỉ nắm quyền quyết định các mối quan hệ quyền lực trong phạm vi Á-Âu mà còn là cường quốc tối cao trên thế giới. Sự thất bại và sụp đổ của Liên bang Xô Viết là bước cuối cùng để Hoa Kỳ, thế lực ở Tây Bán cầu, nhanh chóng nổi lên để thay thế, thực sự trở thành cường quốc toàn cầu đầu tiên và duy nhất.
Tuy nhiên, lục địa Á-Âu vẫn duy trì vai trò quan trọng của nó về mặt địa chính trị. Không chỉ khu vực ở rìa phía Tây – châu Âu – vốn vẫn là nơi có nhiều cường quốc chính trị và kinh tế của thế giới, mà còn tính cả phần phía đông của nó – châu Á – mà gần đây đã trở thành một trung tâm phát triển kinh tế năng động trọng yếu, có tầm ảnh hưởng chính trị ngày càng gia tăng. Do đó, vấn đề làm thế nào để một nước có phạm vi quan hệ toàn cầu như Mỹ xử sự trong các mối quan hệ quyền lực Á-Âu phức tạp – và đặc biệt liệu nó có ngăn chặn được sự xuất hiện của một cường quốc Á-Âu thù địch và vượt trội hơn không – vẫn là trọng tâm đối với việc thực hiện thế chi phối toàn thế giới của Mỹ.
Thế nên, cùng với việc tập trung cho các chiều kích quyền lực mới khác (công nghệ, truyền thông, thông tin, cũng như thương mại và tài chính), chính sách đối ngoại của Mỹ vẫn phải duy trì sự quan tâm đến khía cạnh địa chính trị và phải tác động sao cho thiết lập được thế cân bằng lục địa hằng định ở lục địa Á-Âu, với Hoa Kỳ là nước “cầm trịch”.
Lục địa Á-Âu trở thành bàn cờ liên tục diễn ra cuộc tranh giành vị thế thống lĩnh thế giới, và cuộc đấu tranh đó liên quan đến địa chiến lược – sự kiểm soát những lợi ích địa chính trị mang tính chiến lược. Đáng chú ý là vào năm 1940, hai kẻ khao khát quyền lực toàn cầu, Adolf Hider và Joseph Stalin, đã dứt khoát đồng ý (trong cuộc đàm phán bí mật tháng 11 năm đó) rằng không tính Mỹ vào lục địa Á-Âu. Mỗi bên đều nhận thấy rằng sự tiềm nhập quyền lực Mỹ vào khu vực Á-Âu sẽ ngăn cản tham vọng thống trị thế giới của mình. Họ có chung giả định rằng lục địa Á-Âu là trung tâm của thế giới và họ, và người nào kiểm soát được lục địa Á-Âu sẽ kiểm soát toàn thế giới. Nửa thế kỷ sau, vấn đề này đã được xác định lại: vị thế ưu việt của Mỹ trong khu vực Á-Âu có kéo dài không, và kết cục của nó sẽ là gì?
Mục tiêu tối thượng trong các chính sách của Mỹ nên ôn hòa và có tầm nhìn: nhằm thành hình được một cộng đồng quốc tế hợp tác thực sự, phù hợp với các xu hướng dài hạn và với những lợi ích cơ bản của nhân loại. Nhưng trong lúc đó, bắt buộc không được để xuất hiện một đối thủ thuộc lục địa Á-Âu nào, có khả năng thống trị khu vực Á-Âu và do đó cũng thách thức Mỹ. Vì lẽ đó, thiết lập công thức địa chiến lược toàn diện và hoàn chỉnh cho khu vực Á-Âu là mục đích của cuốn sách này.
Zbigniew Brzezinski
Washington D.C.
Tháng 4 năm 1997