Bàn Cờ Lớn - Zbigniew Brzezinski - Chương 1.1
Bá quyền hiện hữu từ rất lâu trong thế giới con người. Nhưng việc Mỹ xuất hiện nhanh chóng, giữ uy quyền toàn cầu và cách nước này thực thi bá quyền là điểm khác biệt giữa thế lực toàn cầu hiện tại này so với trước đây. Chỉ trong vòng một thế kỷ, Mỹ đã tự biến chuyển – và cũng bị biến đổi theo cùng những động lực thúc đẩy từ bên ngoài – để từ một đất nước tương đối biệt lập ở Tây Bán cầu thành một cường quốc có phạm vi và tầm vóc quyền lực mà toàn bộ lịch sử thế giới chưa từng có.
CON ĐƯỜNG NGẮN TIẾN TỚI BÁ CHỦ TOÀN CẦU
Chiến tranh Mỹ-Tây Ban Nha năm 1898 là cuộc chinh phạt nước ngoài đầu tiên của Mỹ, đưa sức mạnh Mỹ đến tận Thái Bình Dương, vượt qua Hawaii đến Philippines. Sang đầu thế kỷ 20, giới chiến lược gia Mỹ bận rộn phát triển các học thuyết về quyền tối thượng của hải quân trên hai đại dương, và Hải quân Mỹ bắt đầu thách thức quan niệm Anh quốc “thống trị những ngọn sóng”. Các yêu sách về vị thế riêng của Mỹ ở tư cách là người bảo hộ duy nhất cho an ninh khu vực Tây Bán cầu – được tuyên bố vào đầu thế kỷ thông qua Học thuyết Monroe và sau đó được biện hộ bằng “vận mệnh an bài” dành cho nước Mỹ – thậm chí còn được tăng cường hơn nữa với việc xây dựng kênh đào Panama, tạo điều kiện cho sự thống trị hàng hải ở cả Đại Tây Dương và Thái Bình Dương trở nên dễ dàng hơn.
Cơ sở để Mỹ mở rộng tham vọng địa chính trị của mình là nhanh chóng công nghiệp hóa nền kinh tế đất nước. Vào thời điểm Thế chiến thứ nhất nổ ra, tăng trưởng kinh tế của Mỹ có lẽ đã chiếm khoảng 33% GNP toàn cầu, thay thế cường quốc công nghiệp hàng đầu thế giới bấy giờ là Vương quốc Anh. Tính năng động đáng chú ý này của cỗ máy kinh tế nhận trợ lực từ một nền tảng văn hóa chuộng thực nghiệm và phát kiến. Các thiết chế chính trị và nền kinh tế thị trường tự do của Mỹ tạo ra những cơ hội có một không hai cho giới phát minh đầy tham vọng và không ưa truyền thống, những đặc quyền lạc hậu hoặc những phân cấp xã hội cứng nhắc đã cản trở họ theo đuổi mơ ước cá nhân. Tóm lại, văn hóa quốc gia đặc biệt thích hợp cho sự tăng trưởng kinh tế, và bằng cách nhanh chóng thu hút đồng thời đồng hóa những người nước ngoài tài giỏi nhất, nền văn hóa này cũng góp phần phát triển sức mạnh quốc gia.
Thế chiến thứ nhất là cơ hội đầu tiên để Mỹ thực hiện kế hoạch quy mô lớn là đưa lực lượng quân đội tiến vào châu Âu. Một cường quốc tương đối biệt lập cho đến thời điểm này nhanh chóng vận chuyển hàng trăm ngàn binh lính băng qua Đại Tây Dương – một cuộc viễn chinh xuyên Đại Tây Dương chưa từng có về quy mô và phạm vi, báo hiệu sự xuất hiện của một đấu thủ hùng mạnh mới trên trường quốc tế. Quan trọng không kém, cuộc chiến cũng thúc đẩy nỗ lực ngoại giao trọng yếu đầu tiên của Mỹ nhằm áp đặt nguyên tắc Mỹ trong việc tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề liên quốc gia của châu Âu. Chương trình Mười bốn điểm (Fourteen Points) nổi tiếng của Woodrow Wilson cho thấy sự tiềm nhập chủ nghĩa lý tưởng Mỹ vào hệ quan điểm địa chính trị châu Âu, được củng cố nhờ có sức mạnh Mỹ. (Một thập kỷ rưỡi trước đó, Hoa Kỳ đóng vai trò chính trong việc dàn xếp cuộc xung đột Viễn Đông giữa Nga và Nhật Bản, do đó cũng khẳng định tầm ảnh hưởng quốc tế ngày càng tăng của chính mình.) Sự hòa trộn giữa chủ nghĩa lý tưởng và sức mạnh Mỹ, tự quá trình này được cảm nhận đầy đủ trên bức phông nền thế giới.
Tuy nhiên, nói đúng ra, Thế chiến thứ nhất chủ yếu vẫn là một cuộc chiến của châu Âu, không phải một cuộc chiến toàn cầu. Nhưng tính chất tự phá hủy của sự kiện lại đánh dấu bước khởi đầu cho quá trình suy yếu về chính trị, kinh tế và văn hóa mà châu Âu vốn chiếm ưu thế so với phần còn lại của thế giới. Khi cuộc chiến diễn ra, không một cường quốc châu Âu nào có khả năng giành chiến thắng tuyệt đối và kết cục là đều bị tác động mạnh mẽ từ sự tham gia của một cường quốc ngoài châu Âu đang ngày càng mạnh lên: đó là Mỹ. Để rồi châu Âu dần dần trở thành khách thể, chứ không phải chủ thể của “vở diễn” chính trị quyền toàn cầu.
Thế nhưng, vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ tuy trỗi dậy đột ngột nhưng lại không khiến nước này tham gia liên tục vào các vấn đề thế giới. Thay vào đó, Mỹ nhanh chóng lui vào trong tổ hợp chủ nghĩa biệt lập và chủ nghĩa lý tưởng mà nước này rất lấy làm hài lòng. Mặc dù đến giữa những năm 1920 và đầu những năm 1930, chủ nghĩa chuyên chế đang tập hợp sức mạnh ở châu Âu, cường quốc Mỹ – lúc bấy giờ đang có ở cả hai đại dương một hạm đội hùng mạnh vượt qua Hải quân Anh – vẫn giữ thế trung lập. Mỹ thích làm người ngoài cuộc đối với các hoạt động chính trị thế giới.
Nhất quán với khuynh hướng đó là khái niệm của người Mỹ về an ninh, dựa trên quan điểm xem Mỹ là một hòn đảo lục địa. Chiến lược của Mỹ tập trung vào việc bảo vệ bờ biển của Mỹ, chỉ bó hẹp trong phạm vi lãnh thổ quốc gia, do đó ít quan tâm đến các vấn đề quốc tế hoặc toàn cầu. Các đối thủ quốc tế then chốt vẫn là các cường quốc châu Âu và dần dần là Nhật Bản.
Kỷ nguyên châu Âu giữ ưu thế trên trường chính trị thế giới đã đi đến hồi kết trong Thế chiến thứ hai, cuộc chiến đầu tiên thực sự ở phạm vi toàn cầu. Diễn ra đồng thời ở cả ba lục địa, với Đại Tây Dương và Thái Bình Dương cũng bị tranh giành kịch liệt, phạm vi toàn cầu của nó thể hiện qua việc binh lính Anh và Nhật – lần lượt đại diện cho một hòn đảo Tây Âu xa xôi và một hòn đảo Đông Á cũng xa xôi không kém – giao chiến nơi biên giới Ấn Độ-Miến Điện cách quê hương mình hàng ngàn dặm. Châu Âu và châu Á trở thành một chiến trường duy nhất.
Nếu kết cục của cuộc chiến là một chiến thắng quyết định cho Đức Quốc xã, hẳn thế giới đã có một cường quốc châu Âu duy nhất với tầm ảnh hưởng lan khắp toàn cầu. (Còn chiến thắng của Nhật Bản ở Thái Bình Dương có thể giúp nó trở thành quốc gia thống trị Viễn Đông, nhưng có lẽ, Nhật Bản vẫn sẽ chỉ là bá chủ một khu vực.) Nhưng thay vào đó, thất bại của Đức lại được hai kẻ thắng cuộc ở ngoài châu Âu định đoạt: Hoa Kỳ và Liên Xô, những nước sẽ kế nhiệm vị thế bá chủ toàn cầu mà châu Âu chưa đạt được.
Năm mươi năm tiếp theo, thế giới chịu tác động của cuộc tranh đấu lưỡng cực giành quyền bá chủ toàn cầu giữa Hoa Kỳ và Liên Xô. Trên một vài phương diện, cuộc tranh giành này là sự ứng nghiệm cho những giả định được các nhà địa chính trị ưa chuộng nhất: cường quốc hàng hải hàng đầu thế giới, thống trị cả Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, đối đầu với cường quốc lục địa hàng đầu thế giới, bá vương vùng trung tâm lục địa Á-Âu (với khối Xô-Trung bao trùm một vùng diện tích làm liên tưởng đến lãnh thổ của Đế chế Mông Cổ). Khía cạnh địa chính trị không thể rõ ràng hơn được nữa: Bắc Mỹ với Á-Âu, cùng một thế giới đứng trước một dấu hỏi lớn. Kẻ chiến thắng sẽ thực sự thống trị toàn cầu. Không một ai có thể cản đường nữa, một khi đã nắm được trong tay chiến thắng cuối cùng.
Mỗi đối thủ đều tung ra cho thế giới thấy lời kêu gọi thấm đẫm tinh thần lạc quan lịch sử, cái lý giải cho những nỗ lực cần thiết trong quá trình củng cố niềm tin vào một chiến thắng tất yếu. Mỗi bên rõ ràng đều chi phối thế giới riêng của mình, không giống như những nước châu Âu đế quốc có tham vọng bá quyền toàn cầu, mà không ai trong số đó từng thành công trong việc khẳng định quyền thống trị hoàn toàn ngay trong lòng châu Âu. Mỗi nước sử dụng hệ lý tưởng của mình để củng cố tầm ảnh hưởng lên từng nước chư hầu và các nước triều cống, theo hướng làm liên tưởng đến thời kỳ chiến tranh tôn giáo.
Quan điểm địa chính trị toàn cầu kết hợp cùng tính phổ quát mặc định của những giáo điều xung đột nhau đến từ mọi phe đã khiến cuộc cạnh tranh diễn ra vô cùng khốc liệt. Nhưng một yếu tố khác – cũng mang ý nghĩa toàn cầu – đã làm cho cuộc đấu trở nên độc nhất vô nhị. Sự xuất hiện của vũ khí hạt nhân có nghĩa là một cuộc đối đầu cổ điển giữa hai đối thủ chủ chốt sẽ không chỉ là hủy diệt lẫn nhau mà còn có thể gây ra những hậu quả tang tóc cho nhân loại. Do đó, cường độ của cuộc xung đột phụ thuộc đồng thời vào khả năng tự kiềm chế phi thường của cả hai phe.
Trong lĩnh vực địa chính trị, cuộc xung đột được tiến hành phần lớn ở vùng ngoại vi của lục địa Á-Âu. Khối Xô-Trung chi phối phần lớn lục địa Á-Âu nhưng không kiểm soát được các vùng ngoại vi của nó. Bắc Mỹ lại thành công trong việc cố thủ ở cả bờ biển phía cực đông và cực tây của lục địa này. Sự phòng thủ của các thành lũy ở mỗi đầu lục địa này (điển hình ở “mặt trận” phía tây với cuộc phong tỏa Berlin và ở phía đông là Chiến tranh Triều Tiên), do đó, là thử nghiệm chiến lược đầu tiên của cái gọi là Chiến tranh Lạnh.
Ở giai đoạn cuối của chiến tranh Lạnh, một “mặt trận” phòng thủ thứ ba – ở phía nam – xuất hiện trên bản đồ lục địa Á-Âu (xem bản đồ ở trên). Cuộc xâm lược Afghanistan của Liên Xô thúc đẩy Hoa Kỳ đáp trả trên hai phương diện: hỗ trợ trực tiếp cho cuộc kháng chiến bản địa ở Afghanistan nhằm giữ chân quân đội Liên Xô, và cho quân đội Hoa Kỳ hiện diện trực tiếp với quy mô lớn ở Vịnh Ba Tư như một biện pháp ngăn chặn bất cứ kế hoạch nào nhằm tiến sâu xuống phía nam của thế lực chính trị hoặc quân sự Liên Xô. Nước Mỹ cam kết bảo vệ khu vực Vịnh Ba Tư, tương tự như những lợi ích an ninh ở Tây Âu và Đông Âu.
Việc Bắc Mỹ ngăn chặn thành công các nỗ lực của một liên minh Á-Âu để gây ảnh hưởng hợp pháp lên toàn bộ lãnh thổ Á-Âu – với cả hai bên đều ngăn chặn đến cùng cuộc xung đột quân sự trực tiếp vì e ngại chiến tranh hạt nhân – đồng nghĩa với việc kết cục của cuộc cạnh tranh cuối cùng được xác quyết thông qua các biện pháp phi quân sự. Sức sống chính trị, linh hoạt trong lý luận, sự năng động kinh tế và sức hút về mặt văn hóa là những thành tố quyết định.
Liên minh do Mỹ đứng đầu vẫn giữ được sự gắn kết, trong khi khối Xô-Trung tan rã trong vòng chưa đầy hai thập kỷ. Một phần là do sự linh hoạt hơn trong liên minh dân chủ của Mỹ, trái ngược với đặc tính phân cấp và giáo điều nhưng lại dễ tan vỡ của khối Xô-Trung. Liên minh Mỹ gắn kết bằng những giá trị chung, nhưng không có một định dạng giáo lý chính thức. Trong khi đó, khối Xô-Trung nhấn mạnh tính chính thống của giáo lý, xoay quanh chỉ một trung khu luận lý được mặc định là chính thống. Mặt khác, các nước chư hầu chính của Mỹ yếu hơn đáng kể so với Mỹ, trong khi Liên Xô không thể đối xử với Trung Quốc như một nước có địa vị thấp hơn. Kết quả, Mỹ chứng minh được tính năng động hơn nhiều về kinh tế lẫn công nghệ, trong khi Liên Xô dần trở nên trì trệ và không thể cạnh tranh hiệu quả cả trong tăng trưởng kinh tế và trong công nghệ quân sự. Đến lượt mình, suy thoái kinh tế dần dà làm tha hóa chủ nghĩa lý tưởng.
Trên thực tế, sức mạnh quân sự của Liên Xô và nỗi sợ hãi mà nó gây ra cho người phương Tây trong một thời gian dài đã che khuất sự bất cân xứng cốt lõi giữa hai đối thủ. Mỹ đơn giản là giàu có hơn, công nghệ tiên tiến hơn, nhạy bén và cách tân hơn về mặt quân sự, sáng tạo và hấp dẫn hơn về mặt xã hội. Những ràng buộc ý thức hệ cũng làm mất đi tiềm năng sáng tạo của Liên Xô, khiến cho hệ thống của họ ngày càng cứng nhắc, kinh tế ngày càng lãng phí và ít cạnh tranh về công nghệ. Chừng nào chiến tranh hủy diệt lẫn nhau không nổ ra, còn thì trong một cuộc tranh đua kéo dài, cán cân vẫn phải nghiêng về phía Mỹ.
Kết quả cuối cùng cũng chịu ảnh hưởng đáng kể của những cân nhắc và tiếp nhận về mặt văn hóa. Liên minh do Mỹ đứng đầu, nhìn chung, tiếp nhận tích cực nhiều thuộc tính văn hóa chính trị và xã hội của Mỹ. Hai đồng minh quan trọng nhất của Mỹ ở ngoại vi phía đông và phía tây lục địa Á-Âu, Đức và Nhật Bản, đều khôi phục sức mạnh kinh tế của mình với sự ngưỡng mộ dành cho những gì mang tính cách Mỹ. Mỹ được khắp nơi xem như đại diện cho tương lai, một xã hội đáng ngưỡng mộ và đáng để học hỏi theo.
Ngược lại, Nga bị hầu hết các chư hầu Trung Âu coi thường về văn hóa, thậm chí Trung Quốc, đồng minh phương Đông chủ chốt và ngày càng quyết đoán, còn nhìn nhận Nga dưới giác độ tệ hơn. Đối với các nước và vùng lãnh thổ Trung Âu, thế chủ quyết của Nga nghĩa là tách vùng đất ra khỏi những gì người Trung Âu coi là mái nhà triết học và văn hóa của họ: Tây Âu và truyền thống Kitô giáo. Tệ hơn thế, nó có nghĩa là chịu sự thống trị của một dân tộc mà người Trung Âu vốn cho là có nền văn hóa thấp kém (một định kiến có phần bất công).
Đối với Trung Quốc, họ cho rằng “Nga” có nghĩa là “vùng đất đói khổ” nên càng khinh miệt công khai hơn. Mặc dù ban đầu Trung Quốc chỉ lặng lẽ chống đối những tuyên bố về tính phổ quát của mẫu hình Xô Viết của Moscow, tuy nhiên, chỉ trong vòng một thập kỷ, sau cuộc Cách mạng của riêng mình, người Trung Quốc tự đặt ra một thách thức mang tính khẳng định đối với sự thao túng về mặt lý luận tư tưởng của Moscow, thậm chí bắt đầu công khai thể hiện sự khinh miệt đối với những người hàng xóm phía bắc (vốn dĩ bị coi là “Bắc địch”).
Cuối cùng, trong chính nội bộ Liên Xô, một nửa dân số không phải là người Nga dần dần cũng không chấp thuận sự chi phối của Moscow. Sự thức tỉnh chính trị từng bước của những người không phải người Nga có nghĩa là người Ukraine, Georgia, Armenia và Azeri bắt đầu xem cường quốc Liên Xô là một thiết chế thống trị đế quốc ngoại lai của một sắc dân không vượt trội hơn họ là bao về văn hóa. Ở Trung Á, khát vọng quốc gia có thể không mạnh, nhưng tinh thần các dân tộc ở đây được nung đúc thêm bởi nhận thức đang dần rõ ràng hơn về sự chuyển dịch ngả về phía Hồi giáo và sự phát triển của phong trào giải phóng dân tộc ở nhiều nơi trên thế giới.
Giống như rất nhiều đế chế trước đó, Liên Xô cuối cùng cũng sụp đổ và tan rã, không phải vì một thất bại quân sự trực tiếp mà là kết cục của một chuỗi những căng thẳng về kinh tế và xã hội. Tiến trình của nó đã khẳng định bằng một nhận xét khá hay của một học giả:
[C]ác đế chế vốn dĩ không ổn định về mặt chính trị vì các “đơn vị” thuộc địa hầu như luôn muốn được tự chủ hơn, và những tầng lớp đối lập trong các “đơn vị” này hầu như luôn hành động, khi có cơ hội, để giành quyền tự chủ nhiều hơn. Theo nghĩa này, các đế chế không sụp đổ, thay vào đó, chúng tan rã, thường rất chậm, mặc dù cũng có khi rất nhanh chóng.