Review sách
Review sách “ĐẠI DƯƠNG ĐEN” (An An)
Hôm nay, tôi đã đọc trọn vẹn cuốn sách Đại Dương Đen của TS Đặng Hoàng Giang, và nó đã khiến cho tôi bật khóc vì nhìn thấy chính bản thân mình trong đó.
Những câu chuyện ngắn của các bệnh nhân mắc chứng trầm cảm đã mở ra một thế giới hoàn toàn khác biệt so với cái thế giới mà chúng ta đang sống hàng ngày.
Một bà mẹ đau khổ vì thất bại trong hôn nhân, và mất đi đứa con gái yêu quý.
Một người phụ nữ sinh ra trong một gia đình bố mẹ là cán bộ với đầy đủ vật chất mà thiếu vắng tình yêu thương của cha mẹ.
Một cô gái bị mẹ bỏ rơi, sống cùng bố và bị lạm dụng bởi người anh trong gia đình mà không có ai trợ giúp.
Một người cha tuổi đã cao kiệt quệ vì phải đồng hành cùng con chống chọi với căn bệnh trầm cảm.
Những nhân vật hoàn toàn có thực này chính là những người sống quanh chúng ta. Họ luôn thể hiện ra bên ngoài với tâm thái rất ổn, nhưng bên trong họ là sự trống vắng, nỗi lo sợ, hoảng loạn, bất an, là hố đen của vô vàn tiêu cực.
Chúng ta thường không coi bệnh tâm lý là bệnh, thậm chí phủ nhận và dè bỉu nó, cho rằng đó là sự bất thường, là chứng thần kinh. Thực tế bệnh tâm lý nó cũng như những chứng bệnh khác trên cơ thể. Thậm chí đôi lúc nó còn nguy hiểm hơn bệnh lý thông thường, bởi chỉ cần 1 tiếng nói xúi giục ở bên trong cất lên, người bệnh có thể tự kết liễu đời mình mà không ai hiểu nguyên nhân tại sao.
Là một người đã từng trải qua, và vẫn đang phải tự chữa lành cho chính mình, tôi có sự thấu cảm sâu sắc với những người mang chứng bệnh trầm cảm, rối loạn lo âu. Họ thực sự không hề biết rằng họ mắc bệnh, cho tới khi họ nhận thức được những suy nghĩ tiêu cực bên trong đã phá hoại nhiều năm trong cuộc đời của họ.
Đa số những người mắc chứng bệnh trầm cảm đều xuất phát từ việc thiếu thốn tình yêu thương, hoặc những biến cố lớn trong cuộc đời.
Xã hội của chúng ta cho rằng trầm cảm là yếu đuối, là thất bại, là sự hèn kém của một con người. Vì vậy, cho dù chúng ta mắc bệnh cũng không dám nhìn nhận nó một cách đúng đắn.
Chúng ta thường nghe câu: “Diễn, làm quá lên. Có gì phải phải như thế?”
Thực sự, những bệnh nhân trầm cảm họ không hề muốn bản thân mình bị như vậy, hàng ngày họ phải vật lộn giằng co với chính tâm trí của mình. Chắc chắn họ đều là những đứa trẻ bị mắc kẹt vì tổn thương trong quá khứ. Họ không hề sống mà chỉ tồn tại theo ý của người khác.
Dấu hiệu của trầm cảm thì vô vàn, nhưng đa số họ sẽ mắc chứng mất ngủ kéo dài, luôn trong trạng thái lo âu, luôn có suy nghĩ tiêu cực, có nhiều hành động tự làm đau mình và thường xuyên có mong muốn chấm dứt cuộc sống.
Họ cần lắm sự thông cảm, và giúp đỡ của những người bên cạnh. Vì vậy, đừng buông lời khinh miệt với những người nói với bạn rằng: “Tôi thấy mình không ổn, tôi muốn c.hế.t”
Xin làm ơn đừng nói rằng: “Rảnh quá mới suy nghĩ lung tung, thử bận tối mặt đi xem nào?”. Bởi khi tôi có những dấu hiệu của trầm cảm là lúc cuộc sống của tôi cực kỳ bận rộn, và nhiều áp lực.
Họ không phải đang làm quá lên để diễn kịch đâu, mà họ đang cầu cứu sự giúp đỡ.Hãy bao dung và lắng nghe họ.
“Đại dương đen” là câu chuyện của chính tôi, và cũng là của nhiều bệnh nhân trầm cảm khác. Đến tận bây giờ tôi mới dám nói ra những gì mà bản thân mình đã trải qua.
Nếu như người thân bên cạnh bạn, hay chính bạn đang cảm thấy mình bất ổn hãy thử đọc Đại Dương Đen để thấu hiểu những trạng thái tâm lý của một người mắc trầm cảm. Ở đây, bạn sẽ nhìn rõ đại dương của nỗi buồn sâu thẳm nơi mà ánh sáng của niềm vui, hạnh phúc không thể soi tỏa. Để bạn biết mình cần phải làm gì để thoát ra khỏi đó, đừng dại dột mà chấm dứt cuộc sống này.