Đại Dương Đen - Đặng Hoàng Giang - Chương 2
(Bảo Anh, 23 tuổi, sinh viên ngành Thiết kế thời trang
Quỳ, 48 tuổi, nhân viên văn phòng, mẹ của Bảo Anh
Nhung, 23 tuổi, sinh viên ngành Truyền thông, bạn của Bảo Anh)
BẢO ANH
Buổi chiều hôm đó, phòng khách của hai mẹ con tôi đầy người. Mẹ tôi, bác tôi, con trai bác, rồi một chú hàng xóm, chú này cũng có con bị trầm cảm. Tôi ngồi ở ban công, căn hộ của chúng tôi ở tầng mười. Họ nhìn tôi, tôi nhìn ra ngoài trời, hút thuốc liên tục. Tôi hoàn toàn bế tắc và tuyệt vọng.
Mọi thứ đã bắt đầu đẹp đẽ làm sao. Khi sang Thụy Điển được một năm, đang buồn bã vì xa nhà, không có bạn và thời tiết âm u, thì tôi quen anh. Tôi về gia đình anh ở Iran, họ đưa tôi đi chơi mọi nơi như khách quý. Anh về Việt Nam chơi. Chúng tôi lên các kế hoạch cho tương lai. Anh sang Nhật trước, tôi sẽ theo sau, dự định là vậy. Nhưng tình yêu của chúng tôi không vượt qua được khoảng cách địa lý. Chúng tôi cãi nhau triền miên. Mùa đông Thụy Điển ảm đạm. Tôi thấy vô cùng cô đơn. Hai đứa ở cùng nhà tôi rất năng động, chúng có nhiều bạn, chúng làm trợ giảng, hướng dẫn các tour du học sinh quốc tế. Tôi không theo kịp. Tôi có cảm giác bị bỏ rơi, mà trước đó đã có lúc ba đứa chúng tôi rất gắn bó với nhau. Cảm giác bị bỏ rơi này, nó đã ám ảnh tôi từ hồi nhỏ. Ở cấp ba, đã có lúc tôi còn ghét cả cái Nhung, bạn thân của tôi, vì nó có nhiều bạn quá mà tôi chỉ có mỗi mình nó. Tôi trở nên xấu xí với hai đứa cùng nhà và tránh mặt chúng nó mỗi khi có thể. Tôi ngủ rất nhiều nhưng lúc nào cũng kiệt sức. Nhiều ngày, tôi vật vờ trên cái ban công phủ đầy tuyết. Tới mùa xuân, sau sinh nhật hai mươi tuổi vài tháng thì tôi suy sụp hoàn toàn. Tôi dừng học. Chuyến bay về Việt Nam của tôi dài vô tận. Tôi khóc suốt.
NHUNG
Hồi học phổ thông, cái Bảo Anh hay bị ám ảnh là nó không được ai quan tâm. Nó hay tự tách mình ra, ngồi một mình, tức tối, giận dữ vẽ những hình tăm tối, gạch xóa nhằng nhịt và lấy bút đâm lên giấy liên hồi. Rồi mỗi đứa đi du học một nơi, chúng tôi vẫn là bạn thân của nhau dù đã có hồi nó xa lánh tôi bởi tôi và cậu bạn trai trong nhóm ba người của chúng tôi trở thành một cặp, khiến nó có cảm giác là người thừa.
Hôm đó rơi đúng vào ngày tôi bay từ Mỹ về Việt Nam để nghỉ hè. Cả ngày, tôi có một linh cảm không tốt, một cảm giác bồn chồn. Cứ mỗi lần transit tôi lại kiểm tra tin nhắn mà không thấy Bảo Anh phản hồi. Về tới nhà, tôi vứt đồ đạc vào góc, chạy lên tầng hai, mượn SIM của chị để gọi cho nó. Cô Quỳ, mẹ Bảo Anh, nhấc máy và kể những gì mới xảy ra. Tôi cảm thấy hụt hẫng, mọi thứ không thật, như là tôi bị tách ra khỏi mặt đất, đang lơ lửng trên cao.
BẢO ANH
Về tới Việt Nam, tôi cố thủ trong phòng, mất phương hướng. Tôi khóc nhiều hơn, cãi vã với bạn trai nhiều hơn. Rồi anh ấy chặn tôi ở tất cả các kênh, dù trước đó tôi đã van xin, van xin mãi là đừng bỏ tôi mà đi. Với tôi, đó là sự trừng phạt lớn nhất, khủng khiếp nhất. Bị bỏ rơi, bị khước từ mà không thể làm gì được. Một sự bất lực tuyệt đối. Bây giờ, đã ba năm rồi, chúng tôi là bạn bình thường của nhau, sinh nhật tôi anh ấy gọi điện hỏi thăm, nhưng lúc đó thì tôi trở thành tận cùng của sự xấu xí, tôi nhắn tin khủng bố mẹ anh ấy, “Con bà là kẻ giết người!!!”
QUỲ
Đó là vừa qua đợt nghỉ lễ thì phải. Trước đó mấy tuần, nó đã bắt đầu uống thuốc chống trầm cảm, nhưng buổi chiều hôm đó là lúc kinh khủng nhất, nó lên cơn nặng nhất. Từ mấy hôm trước, nó đã cãi nhau với bạn trai và anh ta không trả lời tin nhắn nữa. Nó nhắn cho mẹ cậu ấy, em cậu ấy, lời lẽ rất xúc phạm. Năm ngoái, cậu ấy đã đưa nó về nhà chơi, và họ vô cùng quý nó. Bây giờ, họ chặn nó. Ngày hôm trước, cậu thông báo cho tôi là sẽ chặn nó, cậu xin lỗi là chưa sẵn sàng để có thể chịu trách nhiệm với một con người như Bảo Anh. Trước đó, tôi đã xin cậu đừng căng thẳng cho tới khi nó về tới nhà, có mẹ bên cạnh. Đến đêm, mất liên lạc, nó khóc lóc, đập phá, “Chiều mai không liên lạc lại được thì con sẽ chết.” Tôi cố gắng xoa dịu và hứa sẽ nói chuyện với cậu kia, nhưng tới sáng thì hóa ra cậu ấy cũng đã chặn tôi rồi.
Một ngày nặng nề bắt đầu. Tôi đã xin nghỉ làm cả tuần để ở nhà chăm con. Tôi thấy tim mình như ngừng đập, luôn cảm thấy vô cùng căng thẳng, vô cùng bất lực. Cả ngày nó giam mình trong phòng, trùm cái chăn qua đầu và khóc. Tôi vào thì nó bảo, “Mẹ đi ra đi, mẹ đừng hỏi nữa, mẹ nói nhiều quá.” Tôi rất cuống, rất sốc và không biết phải làm gì.
Bốn giờ chiều thì ông anh tôi và đứa cháu trai sang hỗ trợ. Rồi tôi gọi thêm anh bạn có con gái trạc tuổi nó và cũng bị trầm cảm tới. Bốn người ngồi trong phòng, thằng cháu thì ở chỗ gần cửa ra ban công. Bảo Anh ngồi ngoài ban công, hằm hè nhìn vào trong, ánh mắt hình viên đạn. Nó căm là tôi đã gọi mọi người tới, vì nó “có bị làm sao đâu”. Thằng cháu tôi cũng tâm lý, nó nói chuyện nhẹ nhàng một lúc thì Bảo Anh dịu lại. Khoảng năm giờ, nó vẫn ngồi hút thuốc, mọi người bắt đầu yên tâm.
BẢO ANH
Tôi vứt điếu thuốc xuống sàn, đứng lên và bắt đầu cố gắng nhoài người qua cái lan can cao tới ngực. Tôi thấy chân mình bị kéo lại, rồi một bàn tay bám lấy vai tôi, rồi một bàn tay khác cố gắng gỡ tay tôi khỏi cái lan can. Tôi thấy mình nằm dưới sàn. Tôi vật lộn với họ. Có nhiều tiếng huỳnh huỵch. Họ lôi tôi vào trong nhà. Tôi không nhớ nhiều, tất cả như trong sương mù. Kính của tôi đã văng đi đâu từ lâu, khiến mọi thứ cứ nhòe nhoẹt.
QUỲ
Bỗng nhiên nó bất ngờ lao ra ngoài. Tim tôi thót lại. Nó nhoài người ra ngoài lan can. Thằng cháu tôi gào lên, nhảy ra đu lên hông nó. Lúc đó nửa người nó đã ở bên ngoài. Anh tôi và anh bạn lao ra, chồm lên nó. Bốn người đánh vật với nhau. Tôi tê liệt trong vài tích tắc dài như vô tận, rồi chạy ra hành lang, đập cửa, “Hùng ơi, Hùng ơi, cứu chị với.” Hai anh hàng xóm chạy sang. Nó khỏe kinh khủng, tôi chưa bao giờ thấy nó như vậy. Mấy người đàn ông to khỏe thế mà không giữ nổi nó. Nó vùng vẫy, quẫy đạp.
Chân tay tôi run lẩy bẩy. Mọi người cuống hết lên. Ai đó gọi cho cấp cứu, họ bảo những trường hợp này không phải chuyện của họ mà là của bệnh viện tâm thần. Mãi sau thì xe của bệnh viện tâm thần tới, bốn anh thanh niên to cao xuất hiện. Trong lúc đợi xe tới thì mọi người vẫn vật lộn với nó. Nó giãy, nó đạp, nó giật đầu ra sau, đập côm cốp xuống sàn. Tôi cứ khóc, khóc suốt. Nó hai mươi tuổi, cao một mét bảy, nhiều con trai thích nó. Ôi, đứa con gái xinh đẹp của tôi, tình yêu của tôi.
Sau cả tiếng đồng hồ vật lộn thì nó đuối sức, xìu xuống. Mọi người trói tay nó lại. Nó nằm một đống giữa nhà, nhìn mọi người với ánh mắt căm thù. Tất cả ngồi thở dốc. Thấy ầm ĩ, an ninh khu phố kéo lên bấm chuông, tôi phải giải thích, xin lỗi, xấu hổ vô cùng. Tôi vốn là người lặng lẽ, không thích phiền người khác.
Bàn bạc qua lại, rồi mọi người quyết định đưa nó vào bệnh viện, đầu óc tôi thì tê liệt rồi. Bốn anh kia cưỡng chế nó ra cửa. Vẫn quần áo trong nhà, chân đất, nó ngoái lại, gào lên với tôi, “Tôi có bị làm sao đâu mà bà đưa tôi vào viện. Bà giống bà nội, đẩy bố tôi vào bệnh viện tâm thần!” Ngày xưa nó thăm bố trong trại cai nghiện và cứ bị ám ảnh mãi.
Cả đoàn đi hai xe theo sau. Lúc làm xong các thủ tục, bác sĩ tiêm một mũi an thần, thì đã quá nửa đêm. Thuốc ngấm, nó bắt đầu xỉu xuống. Tôi ngồi khóc ở hành lang, đau đớn và tuyệt vọng.
BẢO ANH
Đêm đầu tiên ở bệnh viện, tôi thức trắng luôn dù mệt rũ ra. Chưa bao giờ trong đời tôi trải qua cảm giác sợ hãi như vậy. Nằm trên giường nhưng tim tôi đập cuồng loạn. Bên ngoài, tiếng lạch cạch từ cái công trường bên cạnh cứ vọng vào, trong phòng thì đông, mọi người cứ im lặng nhìn tôi. Tôi thấy cô độc trong một thế giới đầy hiểm nguy, không có ai ở bên mình, bảo vệ mình. Cái sợ làm người tôi nhũn ra, tôi chỉ muốn nhắm mắt lại rồi mở mắt ra thì tất cả chỉ là một ác mộng.
Mấy hôm sau tôi ăn nhiều và ngủ li bì, bác hàng xóm vào thăm, tôi mở mắt ra nhìn rồi lại thiếp đi. Chưa bao giờ tôi ghét mẹ, nhưng lúc đó thì tôi căm hận mẹ. Mẹ bắt tôi ở trong đó. Tôi quỳ xuống, khóc, xin được về nhà mà mẹ không đổi ý. Sáng nào cũng có một tốp sinh viên thực tập đi vòng quanh một lượt, sáng nào ông bác sĩ cũng hất hàm về phía tôi, bình phẩm. “Chỉ vì một thằng đàn ông.” Ông ấy lắc đầu, “Không yêu thằng này thì yêu thằng khác!” Tôi đã phải nghe câu này rất nhiều lần rồi, nó thực sự làm tôi nổi điên hơn. Lần đầu tiên thấy tôi gào khóc vì cãi nhau với anh ấy, mẹ tát tôi, “Sao mà phải như vậy chỉ vì một thằng đàn ông?”
QUỲ
Cả bốn, năm hôm, tôi quanh quẩn trong bệnh viện, ngủ ngồi ngay bên cạnh Bảo Anh, chẳng tắm rửa gì cả. Cứ khoảng tảng sáng là các phòng bên có tiếng la hét, chửi bới om sòm, điên loạn. Bảo Anh run rẩy, nó quỳ xuống van xin, “Mẹ ơi, mẹ cho con ra, con không thể nào ở đây được nữa! Con không điên, con hứa về sẽ uống thuốc đầy đủ, con không phá phách, mẹ đừng bắt con ở đây.” Không rõ bác sĩ cho thuốc thế nào nhưng có hôm nó lên cơn co giật, môi tím lại, mắt cứ trợn ngược lên, tay chân co quắp lại. Tôi đau đớn quá. Đẻ con ra, tôi không nỡ để nó như vậy. Tôi ký giấy cam kết với bác sĩ để ra viện.
Những tuần sau, nó ngủ suốt ngày vì thuốc, người lúc nào cũng u uất, và thỉnh thoảng ban đêm vẫn lên cơn, la hét, đập phá, nhiều lúc đánh đấm tôi. Tôi khóa các cửa, giám sát cửa sổ hai tư trên hai tư, nhà hàng xóm mua thức ăn treo bên ngoài. Mùa hè năm đó trời vô cùng nóng, nhưng Bảo Anh không chịu được ở nhà, mà cũng không ngồi được trên xe buýt. Hai mẹ con đèo nhau xe máy, rồi đi bộ vô định trong phố cổ. Tôi nhìn nó thất thểu đằng trước. Nó cục cằn, gắt gỏng với người xung quanh, bất chấp, không còn quan tâm mình bị đánh giá thế nào nữa, khiến tôi rất xấu hổ.
NHUNG
Khi tôi gặp Bảo Anh, trên người nó vẫn còn nhiều vết thâm tím. Nó bảo hôm đó nó thấy mình bị trói gô lại giống một con vật. Trông nó khác hoàn toàn với những lần trước, tái mét, mệt mỏi, và bên trong là một nỗi buồn sâu thẳm. Cứ như là một nửa tâm hồn của nó không còn ở đây nữa, như một người bơ vơ, không biết mình đang ở đâu, đang làm gì. Tôi thương nó quá, vì nó vẫn cố làm cho tôi cảm thấy tự nhiên. Những ngày ở bệnh viện là một chấn thương tâm lý rất lớn với nó. Sau này, thỉnh thoảng nó lại nhắc là nó không sợ chết, nó chỉ sợ bị tống vào bệnh viện một lần nữa.
BẢO ANH
Tôi uống thuốc được vài tháng thì dừng vì nó làm cho tôi ăn rất nhiều và ngủ triền miên. Tôi lên gần mười cân và mặt nổi đầy mụn. Trong hai năm tiếp theo, tình hình tôi dần khá lên. Tôi gặp một chị người Nhật làm trị liệu tâm lý qua nghệ thuật. Chị ấy bị bố xâm hại tình dục hồi nhỏ, và giờ đây đi vòng quanh thế giới, vẽ chân dung những người có câu chuyện giống chị ấy. Chị ấy đã giúp tôi rất nhiều. Rồi tôi có anh bạn trai người Đức, anh ấy có một tuổi thơ bình yên, là người kiên nhẫn và có tâm lý vững vàng. Anh ấy đồng hành với tôi một năm trời. Cuối năm đó, chúng tôi đi du lịch châu Á cùng nhau. Trước khi về nước, anh ấy mua tặng tôi một bể cá. Tôi rất biết ơn anh ấy, tuy trong tranh luận thì anh ấy không bao giờ chịu thua. Anh ấy cũng vẫn còn trẻ mà.
QUỲ
Thuốc làm cho Bảo Anh đóng mình, không nói chuyện với ai, không gặp ai, chỉ nằm triền miên trên giường, không đánh răng, tắm rửa luôn, mẹ gọi thì dậy ăn, xong lại nằm, hành xử ngây ngô như một đứa trẻ. Tôi sợ quá phải dừng lại.
Gặp được cậu người Đức, tôi như chết đuối vớ được cọc. Hai đứa quen nhau trên Tinder, rồi cậu ấy chuyển hẳn vào ở cùng hai mẹ con. Ban đêm, khi Bảo Anh lên cơn thì chúng tôi hợp tác, tôi đi khóa cửa, cậu ấy ôm nó. Nhiều lần, Bảo Anh đánh cậu ấy, cào cấu xước hết cả cổ, mặt, rồi tát bôm bốp. Nhiều đêm, nó mở cửa phòng, chạy ra, “Mẹ ơi, bố gọi con, bố đang đợi ở dưới, bố bảo con nhảy xuống để đi theo bố.” Bảo Anh hay mơ về bố, nó thắc mắc, “Có phải là do ban ngày con hay nói xấu về bố không mẹ?” Ngoài miệng thì trách móc, nhưng bên trong thì nó khao khát kết nối với bố. Thế là cậu người Đức lại chạy theo, vật lộn.
Tôi thấy may mắn quá, và cũng thấy quá khổ, quá thương cho cậu ấy. Một năm trời như thế. Nó có nợ gì con mình đâu mà tận tụy với con mình như vậy. Cậu ấy cho tôi niềm tin là trên đời này còn rất nhiều người tốt. Bệnh này phải có niềm tin mới trị được, không có niềm tin thì khó lắm.
Từ ngày có cậu ấy, tâm tính của Bảo Anh có thay đổi, mềm mỏng hơn, kiểm soát được bản thân tốt hơn. Lúc đi, cậu ấy nói đã chạm ngưỡng chịu đựng rồi, đã tới lúc cậu ấy cũng cần bác sĩ tâm lý. Tôi đã để ý, bệnh trầm cảm như là lây lan, người thân chăm sóc người trầm cảm cũng bị ảnh hưởng tâm lý. Sau chuyến du lịch cùng nhau, Bảo Anh ổn định hơn, các cơn nhẹ đi, rồi nó dần quên anh bạn trai cũ kia. Nó đăng ký vào một trung tâm học thiết kế thời trang. Được học đúng sở trường, được sáng tạo, nó rất vui, rất thích. Giờ Bảo Anh sắp ra trường và đã được một số nơi mời vào làm.
BẢO ANH
Từ đầu năm nay, nó dần dần quay trở lại, từng tí, từng tí một. Covid, cách ly, rồi quan hệ với bạn trai hiện nay của tôi trục trặc. Chúng tôi hầu như không gặp được nhau, chỉ cãi nhau trên mạng, và tôi lại có nỗi sợ anh ấy sắp bỏ đi. Tôi thấy rõ là mình lại đang chìm dần, chìm dần xuống. Qua mùa hè thì tôi mất kiên nhẫn, tôi không chịu được nữa, chỉ muốn buông, muốn mọi sự chấm dứt. Nghĩ lại những khoảnh khắc vô cùng đau đớn mà tôi đã trải qua cách đây ba năm, sự quay vòng của trạng thái thịnh nộ như mất trí và những lúc bình thường, tôi kinh hãi. Sau mỗi một cơn thì hôm sau tôi kiệt quệ, mặt mũi sưng húp lên, người bạc nhược. Cho nên là, không hẳn tôi muốn chết, nhưng chắc chắn là tôi không muốn sống. Tôi muốn dừng lại sự giận dữ và đau đớn bên trong mình. Tôi không còn có hy vọng là một lúc nào đó tôi sẽ cảm thấy niềm vui trọn vẹn quay lại. Sẽ không bao giờ có gì tốt đẹp xảy ra với tôi nữa.
Chết khó quá, nên tôi ước mình không được sinh ra. Tôi ước có thể quay ngược lại thời gian và dừng lại được hôn nhân của bố mẹ. Tôi đã quá mệt, nhiều hôm tôi không đủ sức để mặc quần áo và đi ra ngoài, thậm chí không có sức để tắm. Mà tôi không thể không ra ngoài, không thể không tiếp tục học, vì tôi không muốn tụt lại. Mà không muốn tụt lại thì chỉ có thể chạy tiếp, hoặc là dừng hết. Dừng hết, thoát ra ngoài.
Tôi rất sợ mình giống một đứa bạn, bố nó chính là người đã có mặt trong cái buổi chiều mà tôi bị đưa vào bệnh viện ý. Nó bị trầm cảm sáu, bảy năm rồi, giờ não bộ của nó đã hỏng rồi, nó đã tụt lại nhiều năm so với xã hội. Không đi học, đi làm được nữa, chỉ được mẹ đưa đi hết chùa này đến chùa kia, thiền viện này thiền viện nọ. Gia đình nó cũng đã kiệt sức rồi. Hồi trước, nó học chuyên Ams, vẽ đẹp, làm người mẫu, học thời trang, khiến tôi vô cùng ghen tị. Đang du học thì nó phát điên, bố mẹ phải sang đón về. Bây giờ nó giao tiếp như một đứa trẻ. Nhìn vào nó, tôi sợ lắm. Sợ, vì mình không biến đi đâu được, mình vẫn phải ở đây, mà ở đây thì vẫn phải tiếp tục. Nhưng tiếp tục thì mệt vô cùng. Như chịu một lời nguyển, mỗi ngày với tôi là một cuộc vật lộn bất tận. Tôi ngoi lên, rồi tôi chìm xuống. Sức tôi đuối rồi.
NHUNG
Đầu năm nay, tôi trở về Việt Nam vì Covid, và tuần nào cũng gặp Bảo Anh một, hai lần. Có những lúc nó rất vui vẻ, trong đầu đầy các ý tưởng, những dự định công việc. Những lúc khác, nó lại nói là ai cũng muốn bỏ rơi nó, nó không có giá trị gì, không đáng được yêu thương, được quan tâm.
BẢO ANH
Tôi có cảm giác là mẹ mệt lắm rồi, mẹ như buông xuôi, thôi, việc của con, con tự giải quyết. Tôi hiểu chứ. Mẹ hay ai thì cũng có giới hạn thôi. Nên là bây giờ tôi không nói gì với mẹ nữa, tôi chỉ biết khóc thôi. Khi có ý định làm chuyện đó, cách đây hai tháng, tôi chỉ nói trước với Nhung và với anh bạn trai, mẹ không biết gì. <Khóc rất lâu>
Tôi chọn ngày sinh nhật bố là ngày đó. Trước đó một tuần, tôi vẫn tham gia tổ chức một triển lãm ở nơi tôi thực tập, công việc khiến tôi khuây khỏa chút ít. Nhưng những lúc cười đùa với bọn bạn, ý định đó vẫn ở trong đầu tôi, lúc mạnh lúc yếu, lúc rõ lúc mờ. Hai ngày trước hôm đó, tôi tự nhắc nhở mình để lấy quyết tâm. Buổi sáng hôm đó tôi tự nhủ, that’s the day. Triển lãm đã khai mạc rồi, tôi đã xong việc ở phòng tranh. Tôi vẫn đến trường, nhưng không chuẩn bị bài vở gì cả, từ khi ra quyết định thì tôi đã không chạm tới sách vở rồi. Việc ra quyết định không đem lại cho tôi cảm giác nhẹ nhõm hay được giải phóng, bởi tôi vẫn đang sống, và vẫn đang có cảm giác bị tụt lại.
NHUNG
Bảo Anh nói, thứ Tư tuần sau tao sẽ thử. Tao không muốn sống nữa, tao thấy chả còn lý do gì để sống cả. Từ trước nó đã hay nói, I just wanna die. Thanh niên thì hay nói vậy, câu cửa miệng, nhưng thường chúng vừa nói vừa cười cười. Cái Bảo Anh nói câu đó với một âm điệu khác. Tao sẽ làm chuyện đó vào thứ Tư tuần sau, nó bảo. Chúng tôi toàn nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh. I wanna try it again. Rồi nó nói thêm, “Nhưng tao không biết sẽ làm như thế nào.” Tức là nó đã nghĩ cụ thể tới thời điểm làm chuyện đó và cách làm chuyện đó. Nó không phải chỉ là một ý nghĩ viển vông trong đầu nữa.
Tôi bảo, “Ê, đừng có đùa, thứ Tư tao qua chơi đấy, chúng mình đi xem phim nhé, rồi đi ăn kem.”
Nó chỉ thở dài.
Cuối tuần, chúng tôi cùng dự sinh nhật một người bạn. Quanh bàn tiệc, tám cô gái ngoài hai mươi rực rỡ trong váy đầm, ly rượu vang trắng trên tay. Tôi tin chắc người ngoài nhìn vào Bảo Anh sẽ không nhận ra điều gì. Tôi chỉ thấy nó hơi ít nói hơn bình thường và hay kiểm tra tin nhắn. Tôi lại dặn nó, “Mai tao bận, nhưng thứ Tư tao qua đấy nhé, chúng mình sẽ đi chơi.” Tôi đã cẩn thận ghi vào trong lịch.
BẢO ANH
Lớp tan, tôi về nhà. Tôi xuống hiệu thuốc dưới chân chung cư để hỏi thuốc ngủ nhưng họ không bán. Lên lại trên nhà, tôi thấy hồi hộp. Tôi hơi chần chừ. Lúc đó là cuối giờ chiều, trời âm u và hơi có mưa. Tôi lấy lại quyết tâm bằng cách nhắn tin tấn công anh bạn trai. <Khóc rất lâu>
Tôi ghét bố! Ghét kinh khủng. Bố đã bỏ rơi tôi. Chưa bao giờ tôi có cảm giác được bảo vệ. Bố đã để cho tất cả mọi người trong nhà nói tôi là một thứ bỏ đi, là một thất bại so với những người khác. Rằng tất cả mọi thứ tôi làm đều sai, đều có vấn đề. Chỉ có một lần duy nhất bố đứng ra bảo vệ tôi. Hồi cấp một, một mùa hè tôi cùng bà nội vào Sài Gòn chơi với bố và gia đình bác. Khi ở Hà Nội thì bà bình thường, nhưng cứ ở trong đó thì bà luôn mang tôi, và chỉ tôi thôi, ra quở trách. Cứ vào trong đó là bà thay đổi thái độ. Chúng tôi đi nghỉ mát, và hôm ấy bố là người duy nhất nhìn ra điều đó. Bố xốc tôi vào thang máy trong lúc bà vẫn đang cằn nhằn, làm tôi rơi cả dép. <Mỉm cười trong nước mắt>
Cái hôm mọi người đưa bố từ bệnh viện về nhà thì bác tôi mắng tôi xối xả là tại sao tôi không đi cùng, rằng tôi ích kỷ, không biết thương bố. Nhưng làm sao mà tôi có thể nói là tôi không muốn đi cùng vì bố chả quan tâm gì tới tôi, rằng bố nói chuyện với tất cả mọi người ở đó, trừ tôi. Rằng tôi cứ đứng ở góc phòng bệnh như một người thừa, không ai để ý tới cả. Cho tới khi bố mất thì tôi vẫn không biết được bố có yêu mình không. <Khóc>
Giờ bố chết rồi, tôi nói giận sao được nữa! Giờ, tôi đã hiểu ra thì bố chết rồi! Hiểu ra là hồi bé bố cũng đau khổ. Tất cả là do ông, ông là một người bố tồi. Bố căm ghét ông nội vì ông ngoại tình. Bố xông vào phòng họp của ông, cắm con dao lên trên bàn. Còn ông nội đã từng đi thử ADN xem bố có phải con mình không. Bà rất tức giận về chuyện đó. Tôi muốn quay ngược thời gian để dừng cả hôn nhân của ông bà lại. Không có bố thì không có tôi.
QUỲ
Bố Bảo Anh từng là một đứa trẻ cô đơn, phải sống với ông bà vì bố mẹ đi công tác suốt. Lúc tôi kết hôn với anh ấy thì anh ấy đã nghiện rượu rồi. Hôm tôi đẻ Bảo Anh thì anh ấy say, ngủ quên, chiều hôm sau mới vào bệnh viện. Sau này, nhiều hôm anh ấy cũng quên đón con ở trường. Tôi chắc là anh ấy cũng bị trầm cảm, nhưng hồi đó mình chả hiểu gì về chuyện đó, chỉ nghĩ anh ấy hư hỏng, bất mãn với bố mẹ, anh ấy chống đối, phá phách. Thời điểm đấy tôi còn quá trẻ, tôi cứ thắc mắc, sao vì chuyện bố mẹ mà anh phá vỡ gia đình mình, phá vỡ bản thân mình. Giờ thì tôi hiểu anh ấy đập phá là do không kiểm soát được cảm xúc, chứ không phải do hư hỏng. Người bình thường thì đã không làm thế. Chúng tôi chia tay nhau, anh ấy vào Nam sống với vợ mới, Bảo Anh chỉ gặp bố vào tháng hè mà hai bố con cũng không gần gũi, khi gặp thì nó sợ hơn là thân thiết. Mỗi lần đi sinh nhật bạn bè về, nó rất buồn. Các bạn có bố tặng quà, có bố quan tâm, ôm hôn. Nó cảm thấy tủi thân, nó thèm được như vậy. Tôi nghĩ đó là lý do Bảo Anh lụy tình với con trai và không chịu được việc người kia bỏ đi. Khi Bảo Anh lớp chín, mười bốn tuổi, thì anh ấy chết.
BẢO ANH
Tôi gọi cho bạn trai và nói rằng anh ấy là đồ độc ác, rằng tôi chỉ nhận được phần thừa thãi từ cuộc sống của anh ấy. Tôi biết là tới một lúc nào đó anh ấy sẽ mất kiểm soát, sẽ tấn công lại tôi, và điều đó sẽ khiến tôi bị kích động. Khi nghe thấy câu, “Quan hệ này không ổn,” thì nỗi sợ bị bỏ rơi trong tôi lại trào lên. Tôi thấy người mình xỉu xuống, chân tay bủn rủn và có gì thúc mạnh vào tim. Những điều đẹp đẽ mà chúng tôi đã có với nhau trong quá khứ chạy loang loáng qua đầu, tôi sẽ không bao giờ có chúng nữa. Tôi không thể chấp nhận điều này. Cơn điên bắt đầu nuốt chửng tôi. Trong tôi là một lỗ hổng, tôi bị rơi vào đó, nó ở bên trong tôi nhưng tôi lại rơi vào nó, rơi mãi, rơi mãi, vì nó không có đáy.
Tôi lấy một con dao và bắt đầu cứa dứt khoát dọc cổ tay. Ba phân. Năm phân. Màu đỏ sẫm bắt đầu túa ra dọc cánh tay rất trắng của tôi. Bảy phân. Tôi thấy những đám mỡ trắng trắng. Mười phân. “Tôi căm thù anh?” Tôi vừa khóc vừa gào vào điện thoại, “Chết rồi tôi vẫn sẽ căm thù anh!”
Tôi lê lết dưới sàn, cứ giơ cánh tay ra đằng trước. Máu chảy ra nhiều, nhưng rồi nó tự cầm lại. Tôi không chết được. Tôi gọi cho Nhung. Rồi cả mẹ tôi, mẹ Nhung và dì tôi cũng có mặt. Tất cả kéo nhau tới trạm y tế, mẹ nói là tôi bị tai nạn. Họ vừa khâu cho tôi vừa nói, “Phải cẩn thận chứ, phải cẩn thận chứ! Suýt vào gân rồi, may mà không phải đi viện nối gân nhé.” Đầu óc vẫn còn mụ mị, tôi gắt um lên, “Thôi, chị cứ làm đi, đừng nói nhiều nữa.” Tôi chỉ mong nhanh về nhà, tôi rất sợ phải vào bệnh viện như lần trước. Hồi đó người ta cứ hỏi tôi, “Tại sao lại làm như thế? Tại sao lại làm như thế?” Làm sao mà tôi biết được là tại sao tôi lại làm như thế??? Giống như đang ốm mà cứ bị hỏi, tại sao lại ốm, tại sao lại sốt. Tôi thấy thương cho những người nông thôn nằm đó, họ phải chịu đựng cách người ta đối xử trong đó.
NHUNG
Buổi chiều trước cái ngày mà tôi lên lịch đi chơi với nó, điện thoại của tôi rung chuông. Trong máy, Bảo Anh khóc thảm thiết, “It didnt work.! I need help…” May là lúc đó tôi đang ở gần nhà nó, nên tôi chạy ngay sang. Cửa nhà nó mở, nhưng nó không ở trên sofa phòng khách như mọi lần. Căn hộ âm u, vắng lặng. Tôi chạy vào trong phòng ngủ. Nó mặc áo phông, quần đùi, nằm trên sàn đầy máu, khóc thút thít. Tôi quỳ xuống, “Mày có làm sao không? Thế bây giờ tao gọi cho bệnh viện nhé.” Nó mếu máo, “Đừng… Bọn họ sẽ bắt tao đi đấy. Tao không muốn quay lại chỗ đó nữa đâu.” Tim đập thình thịch, tôi lấy điện thoại ra, loay hoay google, Tôi bị mất nhiều máu, tôi phải làm sao? và Làm gì với một vết cắt sâu? Tôi không muốn làm cái gì sai khiến Bảo Anh bị trầm trọng hơn. Tôi kiếm một cái khăn, “Bây giờ tao sẽ ấp nó lên tay mày nhé, sẽ hơi đau đấy,” rồi áp vào tay nó. Nó rống lên đau đớn.
Tôi gọi điện cho mọi người, rồi nói với nó, “Mẹ mày và dì mày đang tới đây, có thể mọi người sẽ nói những điều mà mày không thích, nhưng họ đang cố giúp mày, đừng nghĩ là họ đang đối xử tệ với mày nhé. Hãy cố ở bên tao nhé.” Tôi biết người trầm cảm cần được nghe gì, muốn được đối xử như thế nào. Hồi cấp hai tôi cũng đã có thời kỳ rất tệ mà chẳng có ai giúp, tôi cũng đã từng rạch tay mà không ai trong nhà biết. Cho nên bây giờ tôi cho Bảo Anh điều mà hồi đó tôi không có được. Bảo Anh không cần nghe những điều như là người khác còn có nhiều vấn đề hơn, mình còn có mẹ chăm sóc, mình phải mạnh mẽ lên, sẽ còn nhiều khó khăn trước mắt, cuộc đời nào chả có bất công, rồi nhìn người này đã đạt được cái này, người kia đã làm được cái kia. Bảo Anh biết tất cả những cái đó, nó không ngớ ngẩn, nhưng khi bị nhắc như vậy, nó càng cảm thấy thất bại, nó là gánh nặng cho mọi người.
Lúc ở trạm xá, mẹ Bảo Anh lộ rõ sự mệt mỏi. Nó không biết mình phải làm gì nữa. Bảo Anh thì cáu kỉnh và ê chề như một người vừa trải qua thất bại một lần nữa. Nó chọn tôi là người ở lại với nó lúc người ta khâu vết thương, trong khi mọi người phải ra hết ngoài.
QUỲ
Sau khi sinh Bảo Anh, tôi bị stress nặng, tôi đoán là trầm cảm sau sinh. Bố Bảo Anh thì chẳng khi nào ở nhà, trong túi thỉnh thoảng lại có phiếu mát xa. Tôi chỉ có một mình, người thân ở xa hết. Buổi tối, con khóc cả đêm, bố nó trùm chăn qua đầu, “Khóc gì mà khóc kinh thế.” Tôi nghĩ, thôi, mình tự giải thoát đi. Lúc Bảo Anh được chín tháng, tôi nhảy từ tầng hai xuống. Tôi bị chấn thương cột sống, nằm viện một tháng, chạy vật lý trị liệu đến ba tháng sau mà đi lại vẫn tập tễnh. Bây giờ tôi vẫn bị ảnh hưởng, lưng vẫn đau.
Nên lúc vào bệnh viện, tôi gặp mấy cô bị trầm cảm sau sinh thì thấy thương lắm. Có cô bảo, “Em cũng không hiểu sao nữa chị ạ, em chỉ muốn đâm đầu vào ô tô chết thôi. Chồng em rất là thương, rất là quan tâm, tối anh ấy bế con, dỗ cho nó ngủ, nhưng mỗi khi nghe tiếng con khóc là em lại lên cơn điên muốn đập nó chết.” Bệnh này khổ lắm, mà không phải ai cũng hiểu.
Hôm đó, Bảo Anh phải khâu tám mũi. Mà mãi nó mới chịu tới phòng khám để khâu vết thương. Nó cứ la lên, “Con không đi đâu, mẹ lại cho con đi bệnh viện tâm thần chứ gì?” Cuối cùng mọi người ra hết ngoài, mình cái Nhung ở lại dỗ Bảo Anh. Tôi rất may mắn là có Nhung, nó rất tốt, rất chín chắn và thương yêu bạn thật sự. Tôi hay hỏi ý kiến nó trong cách cư xử với Bảo Anh. Gia đình Nhung cũng coi Bảo Anh như con cháu trong nhà, nên nó thấy ấm cúng, gần gũi. Sau này, Bảo Anh kể cho tôi, lúc rạch tay là nó muốn chết thật sự, nhưng đau quá nên nó cầu cứu bạn.
BẢO ANH
Hồi nhỏ, khi đến nhà bác chơi, tôi rất ghen tị khi thấy các chị được ôm hôn, vuốt ve. Tôi làm mọi thứ để cũng được như vậy, nhưng sau thì nhận ra mình sẽ không bao giờ là một phần trong gia đình ấy được. Tôi nhớ mình rất thèm cảm giác được yêu thương, nhưng bố thì toàn say xỉn và bố mẹ thì hay cãi nhau. <Khóc> Tôi nghĩ vấn đề lớn nhất của tôi là tôi vẫn đi tìm một hình tượng người bố. Mẹ bảo là tôi lụy tình. Tôi muốn có được cảm giác là đàn ông cần tôi, tôi có giá trị với họ.
Tôi không muốn bị phụ thuộc vào người khác như vậy, không muốn là nô lệ của cảm xúc như vậy, nhưng tôi không khác đi được. Lúc bình thường, tôi đi học, gặp bạn ở cà phê, và tự nhủ, chia tay thì đâu có sao, mình sẽ bắt đầu lại. Nhưng khi bạn trai nói là sẽ bỏ tôi thì tôi lại lên cơn. Lúc đó tôi như một con người khác, mất kiểm soát, cay nghiệt và độc hại. Tôi cũng không hiểu nổi bản thân nữa. Tôi có đang giả vờ không? Nhiều khi đứng trong nhà tắm hay trên xe buýt tôi cũng bị hồi hộp, rồi khóc. Mọi người bảo tôi xinh đẹp, tôi được học hành, tôi còn trẻ, còn có tương lai ở phía trước, vậy mà sao tôi lại tiêu cực như vậy. Làm sao mà tôi trả lời được? Nhiều lúc tôi thấy mệt mỏi thay mọi người. Giờ đây tôi là một cái của nợ cho người xung quanh. Tôi không dám liên lạc với Nhung nữa. Tôi rất bế tắc. Tôi phải làm gì đây?
Hôm đó, từ trạm xá về, mẹ gội đầu, sấy tóc cho tôi. Nhung ở lại qua đêm. Lần này, tôi thấy bi quan hơn ba năm trước, vì tôi ý thức được là nó có thể quay lại. Tôi có lựa chọn nào đây? Tôi sợ thuốc, sợ bệnh viện, sợ bác sĩ tâm thần. Tôi cũng đã thử trị liệu tâm lý, trả tới hai triệu một buổi. Sau ba buổi, mất sáu triệu, thì tôi bỏ. Tôi không muốn đặt thêm gánh nặng tài chính lên mẹ, điều đó sẽ khiến tôi cảm thấy tệ hơn. <Sụt sịt> Trầm cảm là bệnh của người giàu.
Hôm sau tôi vẫn đi học, cổ tay băng bó. Nhưng có một cái gì đó đã khác đi. Tôi sợ chính mình. Vốn sợ đau, tôi không bao giờ nghĩ là mình có thể làm được điều như thế với bản thân. Tôi lo là trong tương lai mình lại có thể hành động như vậy.
QUỲ
Trước kia, tôi căng thẳng, trách móc, phán xét nó, “Chỉ vì một thằng đàn ông mà đối xử với mẹ thế à. Mẹ đã nuôi con bao nhiêu năm.” Thế là cơn của nó càng nặng lên. Sau này, tôi tìm hiểu, đọc tài liệu nọ kia, và bắt đầu học cách dần kiểm soát bản thân, bình tĩnh, kiên nhẫn hơn với con. Nhưng vẫn có những tích tắc tôi động lòng. Nhà người ta có nhiều con mà không sao, mình có một đứa mà nó sống dở chết dở như vậy. Đã có lúc tôi nghĩ, sống thế này thì sống làm gì nữa, thôi, một liều thuốc, cả hai mẹ con cùng đi luôn cho xong. Đó là quãng thời gian tôi mất ngủ triền miên, sút cân dữ dội, và luôn có cảm giác bất an, đặc biệt vào buổi tối, khi nó hay lên cơn.
Đã nghe nhiều bạn bè tôi kể con họ bị trầm cảm, nhưng thú thực chưa bao giờ tôi nghĩ là bệnh có thể rơi vào con mình. Nhưng thực ra từ hồi cấp ba nó đã có những dấu hiệu rồi, Tự ti, sợ cô yêu quý các bạn khác hơn, cô độc vì không có bạn. Hồi đó mình lại bảo, úi xời, chuyện trẻ con. Mình không hiểu được đó là những lúc con trẻ đã kêu cứu rồi.
Cái bệnh này kỳ lạ, đến nỗi hồi đầu tôi còn nghi, hay là nó giả vờ, nó muốn gây chú ý. Chiều đi đám cưới còn vui vẻ, tối nó đã đòi nhảy từ ban công. Có khi vài phút trước đang vui, sau đã nằm rúc vào chăn khóc. Nó cứ ôm chặt tôi, bảo, mẹ ơi con đau lắm mẹ ạ, con đau lắm, như ai bóp nghẹt trong tim vậy. Sau mỗi cơn thì nó lại nói, con xin lỗi mẹ, con làm mẹ khổ, con không kiểm soát được. Tôi không biết giúp con bằng cách nào ngoài bằng yêu thương và chăm sóc nó. Kiên nhẫn, không thúc ép, không sốt ruột, không dạy dỗ, khuyên nhủ cái gì cả. Mình chỉ ở bên cạnh, nắm tay nó, chờ đợi.
Trong cuộc chiến này, nếu đơn độc thì mình sẽ không thể nào vượt qua được. Người Việt mình thì hay xấu hổ. Nhiều phụ huynh cứ bảo, không, con tôi chẳng làm sao cả. Tôi thì khác, tôi chả giấu ai hết. Thời gian đầu, tôi phải chạy theo từng người để xin lỗi họ và giải thích về tình trạng của con, vì nó nói những câu rất hỗn. Dần dần bạn bè nó cũng hiểu, chứ lúc đầu chúng nó xa rời con bé hết. Ở tiệm tóc hay cửa hàng quần áo, tôi luôn nói riêng với nhân viên để họ đối xử với nó bình thường, vui vẻ, không coi thường hay phản ứng lại cái cục cằn của nó. Tôi nghe lời khuyên của cái Nhung, quan tâm tới Bảo Anh nhưng không để nó ăn vạ, bắt nạt, không chăm bẵm nó như một đứa trẻ. Tôi vẫn cố gắng giữ một cuộc sống riêng, tôi tập Zumba, chèo thuyền, tôi đi chơi với chúng bạn thời phổ thông. Bạn bè tôi vô cùng tốt, họ hay rủ Bảo Anh tham gia các hoạt động xã hội để nó thấy mình có ích, có đóng góp cho cộng đồng. Mọi người trong công ty của tôi cũng rất thông cảm, không ai kỳ thị. Anh trai tôi lúc đầu còn hay nói, “Con tôi mà thế thì tôi đã đánh nó tan xác,” nhưng khi hiểu ra thì trở nên mềm mỏng và rất thương nó. Kể cả cô giúp việc ở nhà cũng tinh ý và nhẹ nhàng. Chỉ có tình yêu thương mới có thể làm nhẹ bệnh cho Bảo Anh.
Đến giờ thì tôi nghĩ mình đã nỗ lực hết sức rồi. Tôi luôn nói với mọi người là mình chuẩn bị tinh thần cho trường hợp xấu nhất. Điều gì xảy ra thì đó cũng là ý trời rồi, mình không cưỡng lại được.