Review sách
Review sách DEEP WORK – Làm ra làm, chơi ra chơi (Cáo Biển Non Xanh)
Trong một lần rong chơi trên trang Tâm lý học tội phạm, mình bắt gặp bài review cuốn Deep Work, người review bảo rằng đã đọc cuốn đó 5 lần. Chưa đọc xong review, mình đã lên diễn đàn ebook tìm và tải được cuốn Deep Work về. Mình đọc cuốn này trong 3 ngày, đúng theo tinh thần “deep work” (làm việc chuyên tâm), tức là ngừng hẳn những cuốn khác, buổi tối tắt máy tính sớm, bật chế độ máy bay cho ĐT và chỉ đọc 1 mình cuốn Deep Work. Cuốn sách này đem đến cho mình 2 kết quả, 1 tốt 1 xấu. Kết quả tốt là mình đã được chỉ cách để tập trung hơn nữa trong những việc mình làm, còn kết quả xấu là chắc vì chăm chú đọc Kindle suốt mấy ngày nên hình như mắt bị tăng độ (mà mình bỏ đeo kiếng 4 tháng rồi).
Mình cho rằng cuốn sách này sẽ tác động đến mỗi người đọc theo 1 cách khác nhau. Trong khi đọc lần thứ nhất, mình hiểu được vì sao tác giả bài review trên tamlyhoctoipham lại đọc nó tận 5 lần. Bản thân mình chắc chắn sẽ đọc thêm 1 hoặc vài lần nữa cho đến khi thấy đủ. Đây là sách phi hư cấu, sách kỹ năng sống nên không có cốt truyện để tóm tắt, do đó mình sẽ lần lượt nêu lên những gì còn nhớ và lĩnh hội được sau khi đọc.
“Sự hài lòng khi được bộc lộ bản thân thông qua năng lực thủ công là thứ giúp con người trở nên bình yên, dễ chịu”.
“Ý nghĩa được thể hiện qua những nỗ lực trong kỹ năng và giá trị nội hàm của nghề thủ công – chứ không phải từ thành quả của công việc đó… Bạn không cần một công việc hiếm có; thay vì vậy, bạn cần một hướng tiếp cận hiếm có với công việc của mình”.
Một trong những điều mình nhớ kỹ về cuốn này là tác giả Cal Newport đã lấy những người lao động chân tay ra làm thí dụ về “làm việc chuyên tâm”. Mình nhớ kỹ vì mình cũng là người lao động chân tay, và mình đã có nhiều phần chuyên tâm trước khi đọc cuốn Deep Work. Hai thí dụ rõ rệt nhất trong sách là về người thợ rèn kiếm và người chủ nông trại. Đồng ý rằng họ làm việc vì tiền, để kiếm sống, sự chuyên tâm của họ là để công việc hiệu quả và đem lại lợi nhuận, nhưng mình rất yêu thích “dòng chảy” (flow) trong tâm trí họ khi làm việc. Khi đạt được trạng thái flow này, bộ não sẽ toàn tâm toàn ý tập trung cho việc đang làm (với mình là vẽ tranh hoặc làm bếp), và những yếu tố quấy nhiễu bên ngoài sẽ trở nên vô nghĩa.
Trong 1 bài viết khác về tâm lý, mình nhớ loáng thoáng từng đọc rằng khi lái xe trên quãng đường quá quen thuộc, con người sẽ tiến vào trạng thái zoombie (xác sống), chúng ta điều khiển xe 1 cách tự động trong khi mải nghĩ ngợi hàng triệu chuyện khác. Mình nghĩ trạng thái zoombie và dòng chảy flow là KHÁC NHAU. Từ lúc đọc xong cuốn Deep Work, mình đã áp dụng sự tập trung sâu vào việc lái xe (kể cả xe đạp) chứ không để bản thân là zoombie nữa, và nhận thấy sự thay đổi rõ rệt. Cùng 1 quãng đường 20km nhưng mình rút ngắn thời gian xuống còn 40 phút (ít hơn lúc trước 10 phút). Có thể vì mình đạp nhiều nên quen và thể lực đã tốt hơn, nhưng mình cho rằng vì áp dụng tinh thần “deep work” vào chuyện đạp xe nên đã đi được quãng đường dài trong thời gian ngắn hơn.
“… khả năng chuyển đổi một cách nhanh chóng tâm trí từ làm việc hời hợt sang làm việc chuyên tâm không phải tự nhiên mà có. Nếu không thực hành thường xuyên, quá trình chuyển đổi này có thể rút cạn nguồn năng lượng hữu hạn của bạn”.
Lẽ ra phải nói ý này ở đầu bài viết nhưng giờ mình mới nói: Trong sách dịch “deep work” là “làm việc sâu”, nhưng mình không thích dịch kiểu đó nên tự sửa lại trong review này là “làm việc chuyên tâm”. Nói vui và lạc đề 1 chút, hồi xưa khi đọc cụm từ “deepen our love”, mình nghĩ ngợi lâu lắc và dịch thành “làm cho tình cảm chúng ta thêm mặn nồng” hahaha. Trở lại đoạn trích trên, tác giả Cal Newport cũng hiểu rằng sống trong thời buổi hiện đại với mật độ dân cư đông đúc, bị quá nhiều các thiết bị kỹ thuật số vây quanh, liên tục bị quấy nhiễu bởi âm thanh ánh sáng cường độ cao… thì khó lòng tìm nơi chốn và thời điểm thích hợp để deep work. Do đó, anh đã nghiên cứu và đưa ra giải pháp là chuyển đổi giữa những quãng thời gian làm việc chuyên tâm và làm việc vớ vẩn (!), trong sách gọi là “làm việc hời hợt”. Các giải pháp này đại ý như sau:
1. Cân đối các quãng thời gian trong ngày, tự tạo cho mình những lúc có thể hoàn toàn tập trung vào 1 việc gì đó, không để bị quấy nhiễu bởi Internet hoặc tiếng ting ting của tin nhắn. Trong trường hợp của mình, để có thể đọc + viết nhiều, nhất là khi viết, mình sẽ offline máy tính, chỉ dùng ĐT để tra cứu thông tin cần thiết. Khi hoàn toàn không cần đến ĐT, mình sẽ để nó ở phòng khác. Đây cũng là lý do mà khi mình làm bếp làm bánh thì toàn để ĐT ở phòng khác, do đó đã nhiều lần bỏ lỡ các cuộc gọi nhận hàng Tiki!
2. Ngoài việc tự tạo thời gian chuyên tâm thì cũng cần tạo không gian chuyên tâm, thí dụ như vào phòng treo tấm bảng “Xin đừng làm phiền” hoặc dặn người nhà nếu không có gì quan trọng thì đừng réo gọi. Tác giả của Harry Potter đã thuê hẳn 1 phòng khách sạn hạng sang (nghìn đô/ ngày) để viết tập cuối của bộ truyện phù thủy đình đám này, và bà đã hoàn thành nó cách xuất sắc, xứng với số tiền bỏ ra thuê phòng khách sạn.
“Bằng cách tận dụng sự thay đổi căn bản môi trường thông thường, cùng với việc đầu tư tiền bạc hoặc nỗ lực đáng kể nhằm hỗ trợ làm việc chuyên tâm, bạn sẽ nâng tầm quan trọng của nhiệm vụ lên. Sự nâng tầm này sẽ giúp làm giảm bản năng trì hoãn trong tâm trí và tạo ra động lực cũng như năng lượng làm việc”.
Trong và sau khi đọc cuốn DEEP WORK, mình mơ hồ cảm nhận rằng dường như chân lý không chỉ là một mà là số nhiều, và chúng có liên quan đến nhau. Người thực lòng theo đuổi chân lý có thể tiếp cận từ nhiều hướng, và nếu hữu duyên gặp được thì lối sống sẽ có nhiều thay đổi, cuộc đời sẽ có nhiều bước ngoặt lớn (turning point), và tiến bộ trên con đường tu dưỡng bản thân. Năm ngoái, mình biết đến và thực hành tinh thần Phật tử, sau đó thì tình cờ đọc được và thực hiện lối sống tối giản, giờ thì đến làm việc chuyên tâm. Có lẽ nào năng lượng tích cực phát ra đã thu hút năng lượng đáp lại từ vũ trụ chăng.
Có ý kiến cho rằng cuốn “Deep Work – Làm ra làm, chơi ra chơi” khá là dông dài lan man, riêng mình thấy nó cũng giống những cuốn sách nghiên cứu khác, khó mà viết ào ào vào trọng tâm vấn đề liền được. Phải có kiểu mở bài thân bài kết luận, nêu các nghiên cứu đã dẫn đến kết luận, như vậy mới có sức thuyết phục người đọc. DEEP WORK là quyển sách cần đọc chuyên tâm (không thôi 1 là không hiểu gì, 2 là sẽ ngủ gục), đọc nhiều lần, mỗi lần đều nắm bắt ý chính ý hay, bổ sung, củng cố và hoàn thiện những thông tin đã đi vào não, như vậy thì việc đọc cuốn này mới hiệu quả. Mình thật sự thích quyển sách này và sẽ giới thiệu cho nhiều người.
Sea, 22-7-22