Review sách
Review sách “NHỮNG KẺ XUẤT CHÚNG” (Nguyen Nguyen Lan Anh)
Một cuốn sách khá hay về bản chất của các thiên tài, mình đọc trong trạng thái bị cuốn hút tới mức đọc xong rồi lại muốn đọc thêm lượt nữa để chắc chắn là mình không bỏ sót một vấn đề nào mà tác giả đề cập đến.
1. Tác giả dẫn dắt vấn đề khá hay từ hiệu ứng Matthew
“VÌ PHÀM AI ĐÃ CÓ, THÌ ĐƯỢC CHO THÊM VÀ SẼ CÓ DƯ THỪA; CÒN AI KHÔNG CÓ, THÌ NGAY CÁI ĐANG CÓ, CŨNG SẼ BỊ LẤY ĐI. “–> Mình ngẫm ra điều này đúng với bản thân và một số người. Nghe thì có vẻ duy tâm và khó hiểu nhưng thật ra nó lại dễ hiểu như thế này: Khi bạn có xu hướng nổi bật về vấn đề gì đó, bạn gần như có một điểm xuất phát tốt hơn những người còn lại, và gần như bạn có ý thức về việc phát triển nó và cơ hội cứ thế thêm vào mà nó không mất đi, cơ hội tích lũy cơ hội khiến bạn trở nên thực sự mạnh hơn những người bạn có cùng vạch xuất phát.
“Thành công chính là kết quả của cái mà các nhà xã hội học gọi tên là “ưu thế tích tụ”. Một tuyển thủ khúc côn cầu chuyên nghiệp khởi đầu tốt hơn chút xíu so với những bạn bè đồng lứa. Và khác biệt nhỏ nhoi ấy dẫn tới một cơ hội làm cho khác biệt đó lớn hơn một chút, và mũi nhọn ấy quay trở lại dẫn tới cơ hội khác, thứ khiến cho khác biệt nhỏ bé ban đầu tiếp tục lớn hơn − và cứ thế cứ thế cho tới khi cầu thủ khúc côn cầu ấy trở thành một kẻ xuất chúng thực thụ. Nhưng anh ta không hề khởi đầu như một kẻ xuất chúng. Anh ta khởi đầu chỉ khá hơn một chút.”
2. Qui tắc 10000 giờ
Điều này mới thật sự là điều gây bất ngờ cho mình, đập tan mọi khái niệm cho rằng “tài năng là thiên bẩm” nghĩa là tài năng hầu hết là do trời phú, tác giả cho rằng “Kết quả của những nghiên cứu đã chứng minh: mười nghìn giờ đồng hồ luyện tập là đòi hỏi bắt buộc để đạt được cấp độ tinh thông và khả năng trở thành một chuyên gia đẳng cấp thế giới − trong bất cứ lĩnh vực nào,”Tác giả lấy dẫn chứng từ nghiên cứu của một nhóm chơi nhạc phân loại và phỏng vấn họ về số giờ mà họ luyện tập. Các ví dụ Mozza, Bilgate tới ban nhạc lừng danh The Beatles, thành công chính là tài năng cộng với sự chuẩn bị và các nhà tâm lý học càng xem xét kĩ lưỡng hơn sự nghiệp của các nhân tài thiên bẩm bao nhiêu, thì vai trò của tài năng bẩm sinh dường như càng nhỏ bé hơn và vai trò của sự chuẩn bị dường như to lớn hơn bấy nhiêu.
3. Mối phiền phức với các thiên tài
“BIẾT VỀ CHỈ SỐ IQ CỦA MỘT CẬU BÉ CŨNG CHẲNG GIÚP ÍCH GÌ MẤY NẾU BẠN PHẢI ĐỐI MẶT VỚI CẢ MỘT NHÓM NHỮNG CẬU BÉ THÔNG MINH.” Nếu trí thông minh chỉ giữ vai trò quan trọng đến một điểm nút nào đó, vậy thì vượt qua điểm nút ấy, những thứ khác − những thứ không liên quan gì đến trí thông minh − sẽ phải bắt đầu thể hiện vai trò nhiều hơn. Thứ kỹ năng chuyên biệt cho phép bạn có thể biện hộ cho mình thoát khỏi tội sát nhân, hoặc thuyết phục giáo viên chuyển bạn từ lớp học buổi sáng xuống buổi chiều chính là thứ mà nhà tâm lý học Robert Sternberg gọi là “trí thông minh thực tiễn” (practical intelligence).
Đối với Sternberg, trí thông minh thực tiễn bao gồm các thứ như “biết nói điều gì với ai, biết khi nào thì nói, và nói ra sao để đạt được hiệu quả tối đa.” Nó mang tính quy trình: tự biết làm một điều gì đó như thế nào mà không cần thiết phải hiểu xem tại sao bạn lại biết hoặc đủ khả năng giải thích điều đó. Đó không phải là sự hiểu biết vì mục đích kiến thức mà là nắm được bản chất sự việc. Sự hiểu biết khiến bạn có thể nắm bắt được chính xác yêu cầu tình huống và cách thức đạt được thứ mình muốn. Tóm lại đó là thứ trí thông minh tách rời khỏi năng lực phân tích được đo lường bằng chỉ số IQ.
Nói theo thuật ngữ kỹ thuật thì, trí thông minh nói chung và trí thông minh thực tiễn “trực giao” với nhau: sự tồn tại của cái này không bao gồm cái còn lại. Bạn có thể sở hữu trí thông minh phân tích dồi dào nhưng lại có rất ít trí thông minh thực tiễn, hoặc rất nhiều trí thông minh thực tiễn nhưng lại chẳng có mấy trí thông minh phân tích − hoặc, trong những trường hợp may mắn như ai đó kiểu Robert Oppenheimer − bạn thừa thãi cả hai loại trí thông minh.—-> Thật ra thì nghe về các loại hình thông minh thì mình đã nghe nhiều nhưng đọc chương này xong mình càng hiểu thêm rằng để đạt được thành công thì có được một loại hình thông minh nào đó một cách xuất sắc vẫn chưa bao giờ là đủ.
4. Phần 2 nói về di sản
Mình đặc biệt ấn tượng bởi những phân tích này, nó sâu sắc và thấu đáo ngoài sức tưởng tượng đặc biệt là chương phân tích về đặc điểm các nền văn hóa có nhiều vụ máy bay rơi. Thế giới của họ − nền văn hóa, thế hệ và lịch sử gia đình họ đem lại cho họ những cơ hội to lớn nhất.
5. Chương cuối
Bằng cách phân tích cuộc đời của mẹ đẻ mình tác giả cho chúng ta thấy các yếu tố mà tác giả phân tích hòa quyện trong thành công cuộc đời của con người cụ thể như thế nào.
Sau khi đọc cuốn này mình lại tìm đọc thêm một số tác phẩm của Malcolm Gladwell, hi vọng nó cũng ấn tượng và sắc bén như cuốn sách này. (Mình chủ yếu trích dẫn luôn những nội dung trong sách, hay đó cũng là những đoạn ấn tượng mình đã bôi đậm trong sách trong quá trình đọc, đấy cũng là cách tóm lược nội dung của mình để sau này nếu muốn có thể tìm đọc lại, hi vọng nó không làm cho ai đó cảm thấy khó chịu.)