Đi Tìm Lẽ Sống - Viktor Emil Frankl - Lời giới thiệu cho lần ấn bản năm 1992
Cho đến nay, quyển sách này được phát hành gần 100 lần bằng tiếng Anh và đã được xuất bản dưới 21 ngôn ngữ. Chỉ riêng các bản tiếng Anh đã được bán hơn 3 triệu bản.
Những thông số trên hoàn toàn là sự thật, và có lẽ chúng là lí do tại sao các phóng viên của nhiều tờ báo ở Mỹ, nhất là các đài truyền hình Mỹ thường bắt đầu buổi phỏng vấn, sau khi đã liệt kê các con số thực tế, bằng lời ca tụng: “Thưa tiến sĩ Frankl, cuốn sách của ông luôn nằm trong danh sách những ấn phẩm được đông đảo độc giả đánh giá cao. Ông cảm thấy thế nào về thành công này?”. Lúc ấy tôi luôn trả lời rằng trước hết, tôi không hề xem tình trạng ăn khách của cuốn sách là một thành tựu hay thành công gì về phía bản thân tôi cho bằng đó là biểu hiện cho nỗi bất hạnh của thời đại: nếu hàng trăm ngàn người tìm kiếm một cuốn sách mà tiêu đề của nó hứa hẹn sẽ giải quyết vấn đề về ý nghĩa cuộc sống, thì đây chắc hẳn là một vấn đề gai góc với họ.
Hiển nhiên, ấn tượng của cuốn sách còn nhờ đến những yếu tố khác nữa. Phần hai nặng tính lý thuyết hơn, và có thể nói nó đã cô đọng thành bài học mà người đọc có thể rút ra từ phần đầu cuốn sách, phần tự thuật. Trong khi đó, phần một có tác dụng như những bằng chứng xác thực, là cơ sở thực tế cho các lý thuyết của tôi. Như vậy, cả hai phần đều giúp cho nhau có được tính thuyết phục.
Vào năm 1945, khi thực hiện tập sách này, trong đầu tôi chưa bao giờ có ý niệm rằng mình viết sách để trở thành người nổi tiếng hay đạt được thành công gì đó. Trong suốt 9 ngày liên tiếp, tôi đã trăn trở rất nhiều trước khi đi đến quyết định không tiết lộ tên người viết. Sự thật là, bản in đầu tiên bằng tiếng Đức đã không có tên tôi trên trang bìa, mặc dù vào phút cuối, trước khi sách được xuất bản, tôi đồng ý để tên mình trong trang tiêu đề theo lời khuyên của bạn bè. Trong tôi luôn đinh ninh một điều rằng một tác phẩm khuyết danh sẽ không thể nào đem lại tên tuổi cho tác giả. Mục đích của tôi đơn thuần chỉ là muốn chuyển tải đến độc giả một ví dụ cụ thể, cho thấy rằng trong mọi hoàn cảnh, cuộc sống bao giờ cũng chứa đựng một ý nghĩa nào đó, cho dù đó là hoàn cảnh khắc nghiệt nhất. Và tôi cho rằng nếu một quan điểm được minh họa từ những trải nghiệm khắc nghiệt như ở trại tập trung thì cuốn sách của tôi sẽ thêm tính thuyết phục. Vì vậy, tôi cảm thấy có trách nhiệm viết ra những gì mình đã trải qua, bởi vì tôi nghĩ rằng nó có thể giúp được những người đang trên bờ tuyệt vọng.
Và vì thế, điều khiến tôi cảm thấy kì lạ và chú ý là – trong số hàng chục cuốn sách mà tôi là tác giả thì chính cuốn này, cuốn sách mà tôi có ý định giữ kín tên tuổi lại đạt được thành công. Vì vậy, rất nhiều lần, tôi đã răn bảo các học trò của mình ở châu Âu và ở Mỹ rằng: “Đừng nhắm vào thành công – vì các em càng nhắm vào nó, và muốn đạt tới nó, thì các em càng dễ trượt qua nó. Vì thành công, cũng giống như hạnh phúc, không thể tìm kiếm mà có; nó phải tự sản sinh ra, và chỉ có thể xuất hiện khi một người cống hiến hết mình, hoặc sống vì người khác hơn là vì bản thân mình. Hạnh phúc sẽ đến, và thành công cũng sẽ xuất hiện: các em phải để nó diễn ra bằng cách đừng quan tâm đến nó. Tôi muốn các em lắng nghe những gì mà lương tâm các em ra lệnh phải làm và tiếp tục thực hiện hết mình. Và các em sẽ thấy rằng về lâu dài – tôi nhấn mạnh là về lâu dài – thành công sẽ đến với các em bởi vì các em đã quên nghĩ về nó!”.
Các độc giả có thể thắc mắc tại sao tôi không tìm cách thoát ly sau khi Hitler chiếm Áo. Hãy để tôi trả lời bằng cách kể lại câu chuyện sau. Ngay trước khi nước Mỹ tham chiến, tôi nhận được thư mời đến Lãnh sự quán Mỹ đặt tại Vienna để nhận giấy thị thực nhập cảnh đến Mỹ. Cha mẹ tôi rất vui mừng vì họ muốn tôi nhanh chóng rời khỏi nước Áo. Thế nhưng tôi bỗng nhiên do dự: Liệu tôi có thể để cha mẹ ở lại một mình đối mặt với số phận, và chẳng sớm thì muộn, họ cũng sẽ bị đưa đến trại tập trung, hoặc thậm chí bị đưa đến trại hủy diệt? Lẽ nào tôi là một người vô trách nhiệm? Liệu tôi có nên đi đến một vùng đất trù phú, có những điều kiện thuận lợi giúp tôi nuôi dưỡng đứa con tinh thần của mình – Liệu pháp ý nghĩa (logotherapy)? Hay tôi nên nhận lãnh trách nhiệm của một người con hiếu thuận đối với cha mẹ – những người đã không tiếc cả mạng sống của mình để bảo vệ tôi? Tôi đã đắn đo, trăn trở rất nhiều nhưng vẫn không thể đưa ra quyết định cuối cùng. Đây đúng là tình huống khó khăn như khi người ta chỉ được ước một lần.
Chính khi đó, tôi trông thấy một mẩu đá hoa nằm trên mặt bàn. Tôi hỏi cha, và ông giải thích rằng ông đã tìm thấy nó tại nơi mà những người theo Đảng Xã hội quốc gia đã thiêu cháy thánh đường lớn nhất của người Do Thái tại Vienna. Mẩu đá cha tôi mang về nhà là một phần của những phiến đá có khắc Mười điều răn của Chúa, trong đó có một ký tự tiếng Hebrew mạ vàng được khắc trên phiến đá; cha tôi nói rằng ký tự này đại diện cho một trong Mười điều răn. Tò mò, tôi hỏi ông: “Thưa cha, điều răn đó nói gì ạ?”. Ông trả lời: “Hãy tôn kính cha mẹ, để ngươi được sống lâu trên đất”. Vào lúc đó, tôi đã quyết định ở lại với cha mẹ của mình trên mảnh đất này, và tấm vé thị thực nhập cảnh sang Hoa Kỳ đã không có cơ hội được dùng đến.
VIKTOR E. FRANKL
Vienna – Áo, 1992