Review sách
Review sách “KHI HƠI THỞ HÓA THINH KHÔNG” (Vương Hoàng Phụng)
Xuyên suốt cuốn sách là khát khao tìm ý nghĩa cuộc sống và sự tự khẳng định bản thân của Paul Kalanithi. Anh là một con người đã sống và làm việc hết mình, trọn vẹn trong khoảng thời gian ngắn ngủi của anh với cuộc đời.
Tác giả được sinh ra trong một gia đình tri thức cao, được lớn lên giữa thiên nhiên muôn màu, đó là nền tảng vững chắc để anh có thể theo đuổi khát vọng của mình. Ban đầu, anh tìm ý nghĩa cuộc sống từ văn học và triết học, nhưng những lý thuyết trừu tượng không thể thoả mãn được anh. Rồi anh tìm đến y học, sự hoạt động của não bộ, rồi trở thành một bác sĩ phẩu thuật thần kinh. Những trách nhiệm của một bác sĩ phẩu thuật thần kinh buộc anh phải chất vấn lại bản thân và tự phát triển những khả năng của mình. Bởi vì, bộ não là phần quan trọng nhất trong cơ thể của một người, và khi họ phải đối diện với một ca phẫu thuật não có nghĩa họ đang đứng trước những sự lựa chọn khó khăn nhất trong đời họ, và nó còn ảnh hưởng đến cả những người thân của họ. Điều đó bắt buộc một bác sĩ phẫu thuật thần kinh phải giỏi trong nhiều lĩnh vực, phải thuần thục những kỹ năng của đôi tay, trí não, cặp mắt…để có thể mổ trong nhiều giờ, thậm chí phải có cái nhìn sâu sắc cả về mặt đạo đức, ý nghĩa cuộc sống và cái chết để có thể đồng hành cùng bệnh nhân.
Paul đang trên đường gặt hái những thành công thì anh phát hiện mình bị ung thư phổi, đó cũng là một bản án tử hình treo dành cho anh. Ban đầu, anh chối bỏ nó, rồi anh chấp nhận và đối mặt. Khi anh chọn đối mặt với nó, cũng là lúc anh khám phá được điều gì là quan trọng với mình, anh khẳng định được nhân diện của mình, anh muốn làm gì và anh có thể làm gì. Chính cái chết đã giúp anh hiểu thế nào là ý nghĩa cuộc sống.
Từ cương vị một bác sĩ phẫu thuật – người giành giật sự sống từ tạo hoá, đến cương vị một bệnh nhân – người nằm dưới lưỡi hái tử thần, anh đã có cơ hội để trải nghiệm và thuấu hiểu hết tất cả những khái niệm trừu tượng của kiếp nhân sinh như tình yêu, lòng nhân ái, đạo đức, sự hy sinh, sợ hãi, sự hy vọng, thù hận, sự can đảm, tội lỗi…
Cuốn tự truyện này của anh sẽ không có ý nghĩa và sẽ không chạm đến trái tim người đọc nếu thiếu đi cái chết của anh. Nên mình nghĩ, đây là một cái chết tròn đầy. Và có vẻ, anh đã dùng cuộc đời và cái chết của mình để khẳng định rằng mục đích quan trọng nhất của đời người là đi tìm ý nghĩa cuộc sống, xác định bản thân mình trong cuộc sống đó, và cuối cùng là cống hiến những khả năng của mình cho cuộc sống.
Đây là một cuốn sách đáng đọc, không chỉ bởi những trải nghiệm phong phú của tác giả trong nhiều vai trò, vị trí khác nhau, những kiến thức sâu rộng của tác giả trong nhiều lĩnh vực, mà còn là những câu chữ gần gũi mượt mà. Mình cực kỳ cực kỳ cực kỳ thích cuốn này. Một cuốn sách mỏng nhưng mình phải dành rất nhiều thời gian để nghiền ngẫm nó.
“Tôi cảm thấy như thể những mạch đơn lẻ về sinh học, đạo đức, cuộc sống và cái chết cuối cùng đã bắt đầu đang quyện vào nhau, nếu không phải thành một hệ thống đạo đức hoàn hảo thì cũng là một thế giới quan rõ ràng mạch lạc, và tôi cảm nhận được vị trí của mình trong đó. Bác sĩ làm việc trong những lĩnh vực đòi hỏi trách nhiệm cao gặp gỡ bệnh nhân tại các khoảnh khắc cong vênh, những khoảnh khắc chân thật nhất, nơi sự sống và nhân diện bị đe doạ, nhiệm vụ của họ bao gồm việc hiểu được điều gì khiến cuộc đời của một bệnh nhân nào đó đáng sống, và có kế hoạch cứu giữ những điều đó nếu có thể – hoặc nếu không thể thì chấp nhận một cái chết bình an. Quyền lực đó đòi hỏi một trách nhiệm sâu sắc, đi kèm với tội lỗi và sự cáo buộc.”