Review sách
Review sách MUÔN KIẾP NHÂN SINH (Nguyễn Lan Hương)
Phần 1: Muôn kiếp nhân sinh – góc nhìn từ thể loại của tác phẩm
Hôm nay là ngày gần cuối năm. Nhưng tôi dành để review cuốn sách đã đọc từ đầu năm. Bài viết này thể hiện quan điểm cá nhân, thuần túy là học thuật của kẻ không chuyên. Tôi biết cuốn sách này được nhiều người tôn thờ theo nghĩa đen (nghĩa là đặt lên bàn thờ), nên tôi phải đọc đi đọc lại sách và nghiêm khắc xem xét từng ý kiến cá nhân trước khi chia sẻ…
Trong phần đề từ đầu tiên của cuốn sách có giới thiệu “Nguyên Phong là bút danh của bộ sách văn hóa tâm linh được dịch, viết phóng tác từ trải nghiệm, tiềm thức và quá trình nghiên cứu, khám phá các giá trị tinh thần Đông phương”. Đây là 1 câu văn sai về ngữ pháp: Nguyên Phong là bút danh của tác giả chứ không phải là bút danh của bộ sách. Tuy nhiên, nó cũng đã cung cấp cho chúng ta được biết thể loại của tác phẩm này là “phóng tác”.
Vậy như nào là “phóng tác”? Phóng tác là sáng tác lại trên cơ sở một tác phẩm đã có. Phóng tác là từ khóa có tính chất “bảo hiểm” vì nếu thiếu, bạn có thể trở thành đạo văn. Đã nói đến phóng tác thì người ta sẽ quan tâm đến tác phẩm gốc và tác phẩm đích.
- Tác phẩm gốc có thể thuộc đủ mọi thể loại: như văn học, kịch, báo chí…
- Nhưng tác phẩm đích chỉ có thể thuộc thể loại văn học nghệ thuật, tuyệt đối không dùng cho khoa học, nghiên cứu, triết học…
Ví dụ thế này cho dễ hiểu:
– Từ 1 tác phẩm báo chí bạn có thể phóng tác thành 1 truyện ngắn, tiểu thuyết…
– Nhưng từ 1 tác phẩm báo chí bạn không thể phóng tác sang 1 tác phẩm báo chí khác được.
Trở lại với cuốn sách Muôn kiếp nhân sinh được cho là phóng tác. Vậy tác phẩm gốc của nó ở đâu đến nay vẫn chưa có câu trả lời??? Cũng trong phần giới thiệu đầu cuốn sách ông Nguyễn Văn Phước có viết: “Tôi đã hiểu rộng hơn nghĩa phóng tác – là có thể viết theo tiềm thức của mình, bằng kiến thức và những chiêm nghiệm cuộc sống”. Đây là 1 cách hiểu hoàn toàn sai. Nếu bạn có giấc mơ siêu phàm, cộng với ty tỷ những trải nghiệm khác trong đời, hãy mạnh dạn tổng kết và viết thành sách mà không cần gắn mác “phóng tác” làm gì? Những điều khó chứng thực đó là những thứ dễ phiêu nhất, dễ tùy biến nhất mà không ai bắt bẻ ai.
Vấn đề là Muôn kiếp nhân sinh được/bị gắn mác “phóng tác” có lẽ do giấc mơ siêu phàm và trải nghiệm được viết ra lại không phải là của cụ Nguyên Phong?!
Tóm tắt để các bạn dễ hiểu thế này nhé. Mở đầu là cụ tham dự 1 hội thảo ở Đài Bắc, sau đó trò chuyện cùng rất nhiều VIP guest siêu cao thủ, thêm vài tình tiết nữa dẫn đến việc…vô tình quen Mr Thomas. Sau đó họ say goodbye. Vài năm sau cụ gặp lại Mr Thomas ở Mỹ, lần gặp gỡ thứ 3 thì Mr Thomas có chia sẻ về những trải nghiệm qua nhiều tiền kiếp của mình. Được anh Phước (Trí Việt) động viên, cụ chắp bút viết lại “câu chuyện thú vị này với độc giả Việt thông qua một cuốn sách” (dòng thứ 10 từ dưới lên, trang 63).
Tình cờ nhưng không bất ngờ, Mr Thomas đã đồng ý để cụ Phong viết lại câu chuyện của mình (bằng tiếng Việt) mà không quên dặn dò: “Theo tôi thì chúng ta nên thay đổi vài chi tiết trong đó…để có thể trở thành một cuốn sách sinh động…” Và thế là trong suốt phần sau của cuốn sách cụ Phong chuyển sang xưng tôi – đóng vai chủ thể – người kể chuyện, thay cho Mr Thomas, biến những câu chuyện phiêu linh của người khác như những trải nghiệm của chính mình?!
Vậy nên hoàn toàn có thể kết luận:
- Muôn kiếp nhân sinh không thể được coi là phóng tác, đây là 1 tác phẩm tùy bút, hoặc… có màu sắc tâm linh dựa trên trải nghiệm của tác giả và bạn của tác giả hòa trộn vào nhau. Trong đó đa phần sẽ là của chính tác giả thôi, câu chuyện của Mr Thomas không thể “hoàn nguyên” dưới góc nhìn của người khác.
- Hơn nữa, Mr Thomas – nhân vật mà tác giả đóng vai là một ẩn số X do đã bị đổi tên. Không ai biết Thomas là ai ngoài cụ Nguyên Phong. Nghĩa là cụ đã chặn hết mọi con đường kiểm chứng của bạn đọc.
- Muôn kiếp nhân sinh có tính chất văn học, văn hóa, giải trí nhiều hơn là triết học và tôn giáo vì cách tiếp cận vấn đề của tác giả khiến câu chuyện khiến cưỡng, duy cảm, và thiếu tin cậy hơn.
Phần 2: Muôn kiếp nhân sinh và câu trả lời chưa có sẵn
Muôn kiếp nhân sinh tóm lại nói về 3 điều là:
- Nhân quả
- Luân hồi
- Thành trụ hoại diệt (cách diễn đạt khác của sinh lão bệnh tử)
Đây là những lý thuyết không mới nên người đọc kỳ vọng tác giả sẽ đóng góp những luận giải mới để làm sáng tỏ vấn đề và tiệm cận chân lý – rất tiếc, cuốn sách này đã chưa làm được điều đó. Cuốn sách không có điểm gì sai, nó chỉ dở thôi các bạn ạ. Tôn giáo vốn đã hết sức mơ hồ nhưng Muôn kiếp nhân sinh lại diễn giải bằng lối kể chuyện khiến người đọc liên tưởng đến Tây du ký và Thần thoại Hy Lạp; kết hợp với những dẫn chứng người thật/người ẩn danh/người khuyết danh; cộng thêm các lập luận lấy khoa học, lịch sử làm tiền đề khiến cho tôi càng cảm thấy rối ren hơn.
=
Trước tiên về nhân quả, đồng ý là mọi suy nghĩ, hành động của vạn vật đều tạo ra “lực” và “phản lực” tác động. Lực đó vốn vô tính, tác giả lại chuyển thành hữu tính. Trong suốt quá trình hồi tưởng của nhân vật tôi là những câu chuyện được kể hết sức sơ sài, diễn biến như cổ tích, chỉ để làm rõ hai tuyến nhân vật tốt/xấu rạch ròi. Cuộc sống chưa bao giờ đơn giản như vậy. Ví dụ bạn cho tiền người ăn xin – đó là việc tốt hay xấu có đến ba vạn chín ngàn bài phân tích cũng không đi hết được vấn đề. Những gì chúng ta nhìn thấy và cho rằng, chỉ là cái đúng tương đối mà thôi. Trong khi đó, nhân quả theo cách hiểu của cụ là tuyệt đối công bằng, không sớm thì muộn cũng giải quyết được mọi vấn đề. Nếu không giải quyết được thì: một là kiếp trước bạn đã làm việc ác nên kiếp này phải chịu khổ, hai là kiếp này ráng chịu đi rồi kiếp sau sẽ được báo đáp. Từ đó mà sinh ra luân hồi. Con người cũng như sự vật vẫn kế thừa nhau và kế thừa trong nhau, nhưng tôi thích cách hiểu cho rằng đó là sự tích tụ vi diệu về lượng trước khi chuyển sang một trạng thái mới, chứ không phải tốt xấu, thiện ác theo cách nghĩ đầy định kiến của người đời. Thực ra, nếu một người bình thường giảng giải về nhân quả và luân hồi như vậy thì chúng ta hoan hỉ tiếp nhận, còn một nhà khoa học, một học giả thì tôi có quyền kỳ vọng nhiều hơn thế trong một cuốn sách best seller.
Muôn kiếp nhân sinh là chuỗi những chiêm nghiệm của tác giả. Ví dụ tác động của việc ăn thịt động vật. Hoặc cho rằng lòng tốt có thể chữa bệnh. Hoặc quan điểm phê phán xã hội hiện đại đang ở giai đoạn “hoại” trong thành trụ hoại diệt, khi chính cuốn sách Muôn kiếp nhân sinh là một sản phẩm được PR hoàn hảo thông qua internet, được phổ cập nhanh chóng qua các nền tảng social, được ấn bản dưới nhiều dạng media khác nhau…và đặc biệt là nhờ một xã hội thông tin đầy tiện ích mà cuốn sách trở nên phổ biến hơn. Một lần nữa không bàn đến đúng sai, tôi chỉ không tán thành cách nhìn nhận một chiều của tác giả.
Tác phẩm còn nhiều tình tiết sơ hở nhỏ nhặt khác như:
- Ông Kris với viên ngọc quý của mình giúp ông Thomas quay lại tiền kiếp 1 cách hết sức dễ dàng và rõ ràng như chơi 1 gameshow.
- Hay ông Kris không cần Thomas kể mà tự nhiên lại biết hết tiền kiếp của ông Thomas
- Hoặc sao hành trình nhớ lại tiền kiếp lúc nào cũng hoành tráng, vương quan quý tộc Pharaon… mà không mô tả kiếp làm động vật.
- Hoặc sao lại nghĩ rằng làm động vật là tủi nhục, đích đến là làm người, “bạn không phải là cá, sao biết cá không vui”…
Cái dở của cuốn sách này chính là những câu chuyện minh họa, minh chứng cho lý thuyết “giáo lý của đạo Phật vượt ra ngoài khả năng của ngôn ngữ, vượt ra ngoài nhận thức về mặt tri giác, vượt ra ngoài sự hiểu biết thông thường mà các giác quan đem lại” nhưng lại hết sức hoang đường, hời hợt, lỏng lẻo, thật khó để đem đến hình dung rộng lớn về muôn kiếp nhân sinh.
Có một lầm tưởng: tôn giáo, thần học là đứng trên những logic thông thường để rồi các bạn có thể “yêu không cần hiểu”. Nhưng chính kinh sách răn ta: “Đừng tin tưởng một điều gì vì phong văn… Đừng tin tưởng bất cứ một điều gì chỉ vin vào uy tín của thầy dạy các người. Chỉ tin tưởng cái gì mà chính người đã từng trải, kinh nghiệm và nhận là đúng, có lợi cho mình và cho kẻ khác”. (ANGUTTARA NIKAYA – kinh Tăng Chi Bộ)
Dành thời gian chứng minh 1 cuốn sách dở cũng là 1 việc vô cùng dở. Đó là lý do dù đọc xong đã lâu, giờ tôi đăng lần đầu. Hi vọng các bạn dù ở phe, phái, phía nào: công kích hay đồng ý thì chúng ta cũng cùng 1 mục tiêu đọc sách lành là để làm vui. Chúng ta chỉ khác nhau bởi tâm thế của người đọc sách và kiến thức nền mà thôi.