Sang Chấn Tâm Lý - Bessel Van Der Kolk - Chương 1
- Home
- Sang Chấn Tâm Lý - Bessel Van Der Kolk
- Chương 1 - Những bài học từ cựu chiến binh Mỹ tham chiến tại Việt Nam
“Tôi đã trở thành tôi như ngày hôm nay từ tuổi mười hai, vào một ngày lạnh lẽo, ảm đạm mùa đông năm 1975… Thời đó lâu lắm rồi, nhưng tôi biết những gì người ta nói về quá khứ đều là sai lầm. Bây giờ nhìn lại, tôi nhận ra tôi vẫn đang nhòm vào cái lối nhỏ hoang vắng đó suốt hai mươi sáu năm qua.”
– Khaled Hosseini, The Kite Runner (Người đua diều)
“Một số mảnh đời trôi qua như đã được định trước; còn đường đời của tôi lắm lúc dừng rồi lại chạy. Đó là hệ quả của nỗi đau. Nó làm gián đoạn câu chuyện… Nó chỉ đơn thuần xảy đến mà thôi, và rồi cuộc sống lại tiếp diễn. Không ai có thể chuẩn bị cho bạn để đối mặt với nó cả.”
– Jessica Stern, Denial: A Memoir of Terror (Sự phủ nhận: Một ký sự hãi hùng)
Năm 1989, vào ngày đầu tiên tôi làm việc với vai trò bác sĩ tâm thần tại Bộ Cựu chiến binh (Veteran Administration – VA) tại Boston (Mỹ), khi tôi đang treo bức tranh chép yêu thích của danh họa Breughe “The Blind Leading the Blind” (Người mù dắt người mù) lên tường trong phòng làm việc thì nghe có tiếng ồn ào ở phía cuối hành lang. Lát sau, một người đàn ông to lớn mặc bộ quần áo xộc xệch, hoen ố, tay cắp tờ tạp chí Soldier of Fortune (Chiến binh may mắn), mặt mày cau có, người đầy mùi rượu xuất hiện. Tôi mời ông ngồi xuống và hỏi ông cần giúp gì.
Ông kể rằng mình tên Tom, hiện là luật sư, 10 năm trước từng là lính thủy quân lục chiến tham chiến tại Việt Nam. Cha của Tom từng phục vụ trong quân đội trong Thế chiến thứ hai và luôn kỳ vọng Tom sẽ tiếp nối con đường binh nghiệp của gia đình. Sau khi tốt nghiệp trung học vào năm 1965, Tom gia nhập lực lượng thủy quân lục chiến. Ông rất tự tin tòng quân vì thấy mình khỏe mạnh, thông minh và có tố chất lãnh đạo. Sau đợt huấn luyện cơ bản, ông trở thành thành viên của một đội ngũ sẵn sàng được điều động. Tại chiến trường Việt Nam, ông nhanh chóng lên chức trung đội trưởng, chỉ huy tám lính thủy quân lục chiến khác.
Tháng 2/1969, khi kết thúc nhiệm vụ của mình, Tom được giải ngũ danh dự. Ông bay từ Đà Nẵng về Boston, được bố mẹ chào đón tại sân bay.
Quay lại Mỹ, ông chỉ muốn bỏ những năm tháng tại Việt Nam lại sau lưng và bắt đầu viết trang đời mới. Ông theo học và tốt nghiệp trường luật, trở thành luật sư, kết hôn với cô người yêu thời trung học và có hai con trai. Chính những bức thư thấm đẫm yêu thương mà cố gửi cho ông trong thời gian ông tham chiến tại Việt Nam đã giúp ông trụ vững nơi chiến trường ác liệt. Công việc luật sư của ông rất thuận lợi. Gia đình ông êm ấm. Tóm lại, dường như ông có cuộc sống bình thường, ổn định mà nhiều người mơ ước, nhưng tất cả thực ra chỉ là lớp vỏ bề ngoài che giấu sự bất ổn thường trực bên trong Tom.
Tom nói rằng ông cảm thấy tâm hồn mình đã chết từ lâu, mình không hề bình thường và chỉ đang cố tỏ ra bình thường với hy vọng rằng điều này sẽ giúp ông được trở lại là chính mình như trước khi đến chiến trường Việt Nam. Ông thường xuyên gặp ác mộng với những ký ức rõ mồn một về những ngày tháng dữ dội tại Việt Nam.
Khi đã làm chồng, Tom cảm thấy thật khó yêu thương vợ một cách chân thành. Khi đã làm cha, Tom luôn sợ hãi mình sẽ trở nên giống bố mình, tức là thường nổi giận, ít trò chuyện cùng con cái; đôi khi ông còn chê bai chúng không bằng một góc những đồng đội đã khuất của mình.
Cuối buổi nói chuyện, tôi hỏi kỹ Tom về những cơn ác mộng ông thường gặp. Ông bảo hay mơ thấy hình ảnh trận phục kích năm nào khi ông mới ở Việt Nam được ba tháng. Giấc mơ ấy tái hiện một buổi chiều xa xưa, khi mặt trời sắp lặn, Tom dẫn đầu đội của mình hành quân ngang qua một cánh đồng lúa, đột nhiên một làn đạn bay ra tới tấp khiến cả đội của Tom ngã gục trong tích tắc, người chết, người trọng thương. Tom đứng như trời trồng, khiếp sợ, tuyệt vọng. Hình ảnh ám ảnh ông nhất chính là chiếc gáy máu me của Alex – người đồng đội, người bạn vô cùng thân thiết. Tom vừa khóc vừa kể về Alex: “Anh ấy là người bạn thực sự duy nhất tôi có”. Alex vốn ở Massachusetts (Mỹ). Tom gặp Alex ngay trong ngày đầu ông đến Việt Nam và hai người lập tức thành bạn. Họ đã có nhiều cuộc trò chuyện tâm đầu ý hợp, từng cùng đọc cho nhau nghe những bức thư nhận được từ quê nhà. Thế nên, trực tiếp chứng kiến Alex chết là điều rất khủng khiếp với Tom. Sau đó, trực thăng đến đưa Tom đi khỏi cánh đồng lúa.
Những đêm sau trận phục kích đó, Tom liên tục mơ thấy hình ảnh các đồng đội ngã xuống nước, nghe rõ mồn một tiếng họ gào thét đau đớn. Trước trận phục kích này, Tom là một người bạn trung thành và nhiệt tình, một người tha thiết yếu sự sống, có nhiều ước mơ, mối quan tâm và sở thích. Vậy mà chỉ một khoảnh khắc dữ dội, bị thương trên đồng lúa, Tom gần như hoàn toàn biến thành người khác. Bất kỳ tiếng động, mùi hương, hay hình ảnh nào, ví dụ như pháo hoa, cũng có thể khiến Tom xúc động mạnh, hãi hùng nhớ đến trận phục kích năm nào, rồi nổi điên với những người xung quanh, thậm chí có thể đánh ai đó.
Hay có lần đang vui chơi cùng gia đình tại khu vườn của chị gái, đột nhiên ông phát điên vì tiếng ồn ào, cây cối rậm rạp trong vườn, cái nóng mùa hè… khiến ông nhớ đến những ngày tháng ở Việt Nam.
Hay khi ở nhà, lúc hai đứa con trai nhỏ nô đùa ồn ào, ông thường cảm thấy khó chịu vô cùng phải lập tức bỏ ra khỏi nhà ngay để không tức điên đến mức đánh đập vợ con. Ông chỉ lấy lại được chút bình tĩnh khi uống say mèm hay phóng bạt mạng trên chiếc mô-tô Harley-Davidson.
Đêm xuống, ông không thể ngủ tròn giấc bởi những cơn ác mộng về trận phục kích năm xưa hay khi hình ảnh những đứa trẻ gục chết lũ lượt ùa về. Những Cơn ác mộng này khủng khiếp đến mức khiến ông sợ đi ngủ nên ông thường thức đêm uống rượu, đến lúc mệt quá thì thiếp đi trên ghế sofa. Hai ngày cuối tuần, Tom thường tự nhốt mình suốt trong văn phòng làm việc để uống rượu và ngắm những tấm hình xưa.
Tôi có vốn kiến thức kha khá về ác mộng vì từng làm việc trong phòng nghiên cứu giấc ngủ, quan sát chu kỳ ngủ và mơ của con người và từng tham gia viết những đề tài nghiên cứu khoa học về ác mộng. Tôi kê đơn cho Tom một loại thuốc có tác dụng giảm các cơn ác mộng và nếu có thì chúng cũng sẽ bớt phần dữ dội. Tôi hẹn Tom hai tuần sau tái khám.
Hai tuần sau, Tom quay lại, tôi vội hỏi ngay rằng thuốc có hiệu nghiệm không. Tom nói ông không uống thuốc. Tôi nén giận, hỏi lý do, Tom nói: “Tôi nhận ra rằng nếu uống thuốc và những cơn ác mộng biến mất, tức là tôi đã bỏ rơi các đồng đội đã khuất của mình. Tôi phải là một đài tưởng niệm sống cho họ”.
Tôi sững sờ. Chính sự trung thành của Tom đối với những đồng đội đã mất đang ngăn ông không thể sống cuộc sống của chính mình, cũng như bố của Tom vậy. Những trải nghiệm của hai bố con Tom trên chiến trường đã khiến họ thấy phần đời còn lại của mình không còn quan trọng nữa.
Chuyện đó đã xảy ra như thế nào và chúng ta có thể làm gì để cải thiện?
Câu chuyện của Tom khiến tôi nhận thấy mình muốn dành cả phần đời còn lại để khám phá những bí ẩn của nỗi đau. Vì sao những trải nghiệm đau thương, đáng sợ lại khiến người ta dính chặt với quá khứ đến vậy? Điều gì đã xảy ra trong tâm trí và não bộ khiến họ mãi bị mắc kẹt ở nơi nào đó mà họ luôn tuyệt vọng cầu mong được thoát khỏi?
Việc Tom thấy mình cần phải sống như một minh chứng sống cho những người đồng đội của mình cho tôi thấy rằng ông ấy đang hứng chịu một căn bệnh phức tạp hơn rất nhiều so với việc mang trong mình những kỷ niệm đau thương hay bị rối loạn hóa học trong não bộ – hay những mạch thần kinh kiểm soát nỗi sợ hãi trong não bộ bị thay đổi.
Dù Tom là cựu chiến binh đầu tiên tôi gặp trong nghề trị liệu tâm lý, nhưng nhiều chi tiết trong chuyện đời của ông rất quen thuộc với tôi. Tôi lớn lên tại Hà Lan sau chiến tranh, hay chơi đùa trong những tòa nhà từng bị bom dột nát. Bố tôi công khai chống phát xít Đức nên bị đày vào trại tập trung. Bố chưa bao giờ kể tôi nghe những ký ức chiến tranh của ông. Từ bé, tôi đã nhiều lần sững sờ chứng kiến bố bất thình lình nổi trận lôi đình. Những lúc ấy, tôi thường tự hỏi vì sao một người bố từng nhẹ nhàng bước xuống nhà mỗi sáng để cầu nguyện và đọc Kinh Thánh lại có thể nóng tính đến đáng sợ như vậy? Vì sao một người đã dành cả đời đấu tranh cho công lý xã hội lại cuồng nộ đến thế?
Tôi cũng đã chứng kiến những trận lôi đình khó hiểu ở chú mình – người từng bị quân Nhật bắt tại Đông Ấn Hà Lan (nay là Indonesia) và bị đày làm nô lệ khổ sai ở Myanmar. Chú cũng rất ít khi nói về những ký ức này.
Mẹ tôi thì lại có những tổn thương từ thời thơ ấu mà tôi không hiểu rõ. Mỗi khi tôi hỏi bà rằng ngày bé của bà như thế nào, bà thường ngất xỉu, rồi sau đó, khi tỉnh lại, bà đổ lỗi cho tôi vì đã làm bà đau khổ.
Trong lúc nghe Tom kể chuyện đời ông, tôi tự hỏi liệu chú và cha tôi cũng có những cơn ác mộng và hồi tưởng quá khứ như vậy không? Liệu họ cũng có cảm thấy bị chia rẽ với những người thân yêu và không thể tìm được niềm vui nào trong cuộc sống không? Và vết thương nào thời thơ ấu đang ám ảnh dai dẳng mẹ tôi?
Tại Bộ Cựu chiến binh, tôi gặp nhiều cựu chiến binh sẵn sàng nổi cáu đấm tay đùng đùng đến nứt tường hay hung hăng đòi đánh người chỉ vì không hài lòng chuyện nhỏ nhặt nào đó. Tôi vừa sợ hãi vừa tò mò về những cơn thịnh nộ này.
Hai đứa con trai nhỏ của tôi cũng hay nổi cơn tam bành khi bị bố mẹ ép ăn rau hay bảo chúng mang tất vào cho ấm chân. Những lúc đó, tôi thấy rất bình thường vì tin rằng khi được giáo dục tốt, lũ trẻ sẽ học được cách làm chủ những nỗi bực bội. Nhưng với những người cựu chiến binh mang nỗi ám ảnh sau chiến tranh kia thì tôi không chắc mình có thể giúp họ lấy lại được kỹ năng tự kiềm chế cảm xúc và hành vi hay không.
Tôi đến thư viện y học, cố tìm các sách về chứng loạn thần kinh hậu chiến tranh, choáng váng, căng thẳng thần kinh do chiến đấu… Thật ngạc nhiên là thư viện ở Bộ Cựu chiến binh không hề có cuốn sách nào liên quan chủ đề này! Vậy là hai năm kể từ khi người lính Mỹ cuối cùng rời khỏi Việt Nam, vẫn chưa có ai nghiên cứu về thương tổn thần kinh hậu chiến tranh.
Thật may là cuối cùng tôi tìm được cuốn The Traumatic Neuroses of War (Chấn thương thần kinh do chiến tranh) tại thư viện Countway Trường Y Harvard của bác sĩ tâm thần Abram Kardiner được xuất bản năm 1941. Cuốn sách ghi lại những gì tác giả quan sát được từ những cựu chiến binh sau Thế chiến thứ nhất và được xuất bản trong sự mong chờ của rất nhiều binh lính bị cú sốc do đạn trái phá, những người dự đoán mình sẽ tử nạn trong Thế chiến thứ hai.
Tác giả Kardiner tường thuật lại những hiện tượng tương tự như tôi đang gặp phải: Sau chiến tranh, những bệnh nhân của ông chìm trong cảm giác vô vọng, họ trở nên xa cách, lãnh đạm dù trước kia họ giao tiếp rất tốt với mọi người. Căn bệnh mà Kardiner từng gọi là “loạn thần kinh sang chấn” (traumatic neuroses) ngày nay được biết đến dưới cái tên “rối loạn stress sau sang chấn” (PostTraumatic Stress Disorder PTSD).
Kardiner ghi nhận rằng những người mắc triệu chứng này trở nên luôn cảnh giác và nhạy cảm với những mối đe dọa. Tôi đặc biệt chú ý phần kết luận của ông: “Hạch nhân (hạt nhân của những người có các triệu chứng tâm lý thần kinh là sự rối loạn về mặt cơ thể và chức năng thần kinh”. Nói cách khác, stress sau sang chấn không phải “do bệnh nhân tưởng tượng ra” như ta từng nghĩ mà có một nền tảng sinh lý. Ngay vào thời ấy, Kardiner đã hiểu rằng nguồn gốc của những triệu chứng này là phản ứng của toàn bộ cơ thể bệnh nhân khi trải qua sang chấn ban đầu.
Tôi cảm thấy an tâm khi mô tả của Kardiner minh chứng cho những quan sát của tôi, nhưng ông ấy không hướng dẫn tới cách giúp đỡ các cựu chiến binh mắc hội chứng sang chấn. Việc thiếu thốn tài liệu trong lĩnh vực này quả thật gây nhiều khó khăn cho công việc của tôi. Nhưng rồi tôi nhớ lại lời người thầy Elvin Semrad của mình: “Chúng ta chỉ có duy nhất một cuốn sách giáo khoa thực sự, đó là những bệnh nhân! Chúng ta chỉ nên tin vào những gì mình khám phá được từ họ, và từ kinh nghiệm của chính bản thân”. Thầy cũng cảnh báo rằng điều này nghe thật đơn giản nhưng vô cùng khó thực hiện vì con người là bậc thầy mơ mộng và che đậy sự thật. Thầy từng nói rằng: “Nguồn gốc lớn nhất của những nỗi đau của chúng ta đó là những lời nói dối chúng ta tự rỉ tai mình”.
Làm việc tại Bộ Cựu chiến binh, tôi sớm nhận ra rằng đối mặt với sự thật khiến người ta đau đớn đến đường nào. Điều này đúng với các bệnh nhân và với cả tôi.
Chúng ta không thực sự muốn biết những người lính đã phải trải qua những gì khi đang chiến đấu.
Chúng ta không thực sự muốn biết trong xã hội của ta có bao nhiêu trẻ em đã bị lạm dụng và quấy rối tình dục.
Chúng ta không thực sự muốn biết trong xã hội của ta có bao nhiêu người đã bạo hành vợ hoặc chồng mình.
Chúng ta chỉ muốn tin rằng xã hội ta đang sống vô cùng tốt đẹp, ai cũng cư xử văn minh, gia đình là nơi nương tựa an toàn nhất. Chúng ta muốn tin rằng tội ác chỉ xảy ra ở những nơi hẻo lánh, xa xôi nào đó chứ không phải ngay tại đất nước của chúng ta.
Khó khăn lắm chúng ta mới có thể chứng kiến những nỗi đau thương hoặc thừa nhận những bi kịch nào đó.
Người bình thường đã như vậy thì có gì khó hiểu khi những người bị tổn thương tâm lý không thể chịu đựng được những ký ức xa xưa, thường dùng thuốc gây nghiện, rượu bia, hay tự làm tổn thương bản thân để tìm quên?
Tom và những người bạn cựu chiến binh của ông chính là những người thầy đầu tiên của tôi trong công cuộc tìm hiểu vì sao có nhiều mảnh đời tan vỡ sau những trải nghiệm khốc liệt, và tìm cách giúp họ được “tái sinh”.
SANG CHẤN VÀ ĐÁNH MẤT CHÍNH MÌNH
Tôi bắt đầu nghiên cứu đầu tiên của mình về sang chấn tại Bộ Cựu chiến binh bằng việc hỏi những người cựu chiến binh các câu hỏi mang tính hệ thống về những gì đã xảy ra với họ ở Việt Nam.
Tôi muốn biết điều gì đã đẩy họ đến bước đường cùng, vì sao một số người bị suy nhược trong khi một số khác vẫn có thể tiếp tục sống bình thường sau trải nghiệm ấy. Phần lớn những người đàn ông tôi phỏng vấn cho biết họ đã chuẩn bị tâm lý sẵn sàng khi đầu quân, họ ngày càng gần gũi nhau hơn qua những khóa huấn luyện khắc nghiệt, họ cho nhau xem hình chụp gia đình và bạn gái, họ chịu đựng những thói xấu của nhau, chia sẻ quần áo với nhau, thậm chí có thể kể nhau nghe những bí mật đen tối nhất hoặc xả thân vì những bằng hữu tốt nhất.
Với Tom, những ký ức sau trận phục kích trên cánh đồng còn tồi tệ hơn cả chính trận phục kích đó. Phải tận vài tháng sau khi gặp tôi lần đầu, Tom mới đủ dũng khí vượt qua mặc cảm và nhục nhã để kể cho tôi nghe điều này: Chỉ một ngày sau trận mai phục ấy, Tom đã phát điên nên tìm đến một ngôi làng gần đó, giết chết trẻ em, bắn chết một người nông dân vô tội, và hãm hiếp một phụ nữ Việt Nam. Trả thù xong, Tom nghĩ việc quay trở về Mỹ đã không còn ý nghĩa gì nữa.
Giờ đây, khi đã làm chồng, làm sao ông có thể đối diện với vợ và nói với cô ấy rằng mình đã hãm hiếp dã man một phụ nữ vô tội năm nào? Khi trông theo con trai chập chững những bước đi đầu đời, làm sao Tom không khỏi nghĩ về đứa trẻ mình đã sát hại năm ấy? Tom đã phải rất dũng cảm và rất tin tưởng tôi mới có thể tiết lộ đoạn quá khứ đen tối này. Có lẽ, Tom đã tìm thấy ở tối hình ảnh người bạn thân Alex.
Cái chết của Alex đã khiến phần lương thiện, đáng kính và đáng tin cậy trong Tom cũng chết theo. Những người bị sang chấn từ sự việc nào đó do chính họ hay người khác gây ra thường khó có thể xây dựng những mối quan hệ thân mật. Sau khi trải nghiệm điều kinh khủng nào đó, làm sao bạn có thể tin tưởng chính bản thân hay người khác một lần nữa? Làm sao bạn có thể ân ái với ai đó khi từng bị hãm hiếp tàn bạo?
Một trong những điều khó khăn nhất của những người bị sang chấn đó là đối mặt với nỗi hổ thẹn về cách hành xử của mình khi bị sang chấn, dù đó là hành động họ bị sai khiến (ví dụ một người lính được giao nhiệm vụ giết ai đó) hay chủ động làm (ví dụ một đứa bé bị xâm hại tình dục cố gắng làm nguôi giận kẻ đã xâm hại mình).
Sarah Haley là một trong những người đầu tiên ghi chép lại hiện tượng này. Trong một bài báo mang tính thúc đẩy to lớn trong việc hình thành chẩn đoán PTSD có tên When the Patient Reports Atrocities” (Khi bệnh nhân tường thuật lại những hành động hung tợn), cô đề cập đến việc nhiều người lính cảm thấy rất khó khăn, thậm chí gần như là không thể kể lại hay lắng nghe về những hành động dã man mà họ và những người lính khác từng làm trong chiến tranh. Trong những hoàn cảnh cụ thể nào đó, những người bị sang chấn vừa cảm thấy rất khó khăn khi phải chứng kiến hành động dã man của ai đó, vừa phải chịu đựng nỗi mặc cảm vì mình đã làm hoặc đã không làm gì đó trong những hoàn cảnh ấy vì đã quá sợ hãi, phụ thuộc, kích động hay giận dữ.
Vài năm sau, tôi bắt gặp hiện tượng tương tự ở những nạn nhân bị lạm dụng tình dục khi còn bé: Hầu hết họ cảm thấy nhục nhã vì đã cố gắng sống và giữ mối quan hệ với kẻ đã lạm dụng tình dục mình. Điều này đặc biệt đúng nếu hung thủ là người mà đứa trẻ rất gần gũi và phụ thuộc vào như cha, chú, ông. Nạn nhân thường bối rối, không rõ mình có thực sự là nạn nhân hay đã tự nguyện tham gia vào cuộc tiếp xúc thể xác nọ. Họ hoang mang giữa tình yêu và nỗi sợ, giữa đau đớn và khoái cảm. Chúng ta sẽ quay lại tình huống khó xử này trong những trang tiếp theo.
VÔ CẢM
Có lẽ triệu chứng tệ nhất của Tom là bị vô cảm. Ông thật lòng muốn yêu thương gia đình nhưng trái tim ông như thể đã hóa đá, khiến ông cứ muốn xa cách họ. Sự vô cảm này khiến ông thường chỉ cảm thấy tức giận hoặc xấu hổ về bản thân. Nhiều lần soi gương cạo râu, ông không thể nhận ra chính mình.
Khi tranh luận trước tòa, ông lắng nghe và quan sát chính bản thân mình, rồi tự hỏi sao mình lại có thể đưa ra những lập luận vững chắc như vậy. Khi thắng kiện, ông giả vờ hài lòng. Khi thua kiện, ông tỏ ra như thể mình đã đoán trước được điều này và tự bỏ cuộc trước khi nó xảy ra. Dù là một luật sư tài năng nhưng ông vẫn luôn cảm thấy như đang trôi nổi lơ lửng giữa không gian vô định.
Ông kể rằng thứ duy nhất kéo ông ra khỏi cảm giác vô định này là sự tập trung toàn tâm toàn ý vào một vụ kiện cụ thể nào đó. Tom phải biện hộ cho một tên cướp khỏi án giết người. Trong suốt thời gian theo đuổi vụ kiện, ông hoàn toàn bị hút vào việc phải tìm ra một chiến thuật để thắng kiện. Nhiều đêm ông thức trắng, vắt óc nghĩ suy trăm mưu nghìn kế, như thể đang chuẩn bị cho một trận đánh lớn. Ông cảm thấy tràn trề sức sống, chẳng bận tâm điều gì ngoài vụ kiện, đầu óc không còn chỗ cho những cơn ác mộng.
Ấy vậy mà ngay sau khi thắng kiện, ông như thể mất đi toàn bộ năng lượng và động lực. Những cơn ác mộng trở về. Ông lại bất thần nổi những cơn cuồng nộ, dữ dội đến mức phải rồ mô-tô đi thuê nhà nghỉ vì nếu tiếp tục ở nhà thì ông có thể sẽ hành hung vợ con. Nhưng khi ở một mình, Tom vẫn bị bóng ma quá khứ đeo bám, hành hạ, thế nên ông lao vào uống rượu, dùng ma túy, làm việc điên cuồng… Khi lật tờ tạp chí Soldier of Fortune (Chiến binh may mắn), Tom mơ mộng việc trở thành một tay đánh thuê, tham gia vào các cuộc chiến tranh chấp lãnh thổ ở châu Phi.
Khi tinh thần phần nào ổn định trở lại, ông rời nhà nghỉ, leo lên mô-tô, phóng bạt mạng về nhà.
TẢI SẮP XẾP NHẬN THỨC
Tôi bắt đầu một nghiên cứu tại Bộ Cựu chiến binh bằng việc tìm hiểu những cơn ác mộng, nhưng cuối cùng, tôi lại khám phá ra cách sang chấn đã làm thay đổi nhận thức và trí tưởng tượng của con người như thế nào.
Người đầu tiên đăng ký tham gia nghiên cứu về ác mộng của tôi là Bill – một cựu lính cứu thương từng chứng kiến nhiều sự kiện khốc liệt tại Việt Nam mười năm về trước. Sau khi giải ngũ, ông theo học ở một trường dòng đào tạo thần học, và đã được chỉ định giáo xứ đầu tiên của mình trong một nhà thờ thuộc Giáo đoàn ở ngoại ô thành phố Boston. Ông kết hôn với một y tá.
Cuộc sống và công việc của Bill đều bình thường cho đến khi vợ chồng ông có con đầu lòng. Vào ngày đầu tiên vợ đi làm lại sau sinh, ông phải ở nhà chăm sóc con thơ một mình, khi đứa bé gào khóc dữ dội, những ký ức khủng khiếp về những đứa trẻ đang thoi thóp ở Việt Nam năm nào ùa về tâm trí ông, khiến ông sốc nặng.
Bill phải gọi điện thoại bảo vợ về nhà gấp để thay ông chăm sóc con, còn ông hoảng loạn lao đến Bộ Cựu chiến binh. Ông nói với các bác sĩ rằng ông liên tục nghe thấy tiếng trẻ con gào khóc và trông thấy những khuôn mặt trẻ thơ cháy xém hay đầy máu me. Những đồng nghiệp của tôi nghĩ rằng Bill “bị tâm thần”, vì sách vở thời ấy nói rằng ảo giác âm thanh và hình ảnh là những triệu chứng của bệnh tâm thần phân liệt thể paranoid. Bill có triệu chứng này có thể vì cảm giác vợ đã không còn dành toàn bộ tình yêu cho mình từ khi có con.
Hôm ấy, khi tôi đến thì thấy các bác sĩ lo lắng vây quanh Bill, chuẩn bị tiêm cho ông một liều thuốc chống loạn thần cường độ mạnh rồi đưa ông vào khu cách ly. Họ miêu tả những triệu chứng của Bill cho tôi nghe và hỏi ý kiến của tôi. Tôi thấy chẩn đoán “bị tâm thần” dường như có gì đó không ổn.
Tôi hỏi Bill xem tôi có thể nói chuyện với ông không, ông đồng ý. Sau khi lắng nghe câu chuyện của ông, tôi bất giác diễn giải lời của vị bác sĩ thần kinh và tâm lý người Áo Sigmund Freud, người sáng lập trường phái Phân tâm học, từng nói về sang chấn vào năm 1895, tôi nói với Bill: “Tôi nghĩ anh đang bị những ký ức dày vò”.
Tôi nói với Bill rằng tôi sẽ cố gắng giúp ông. Sau khi kể cho ông ít thuốc giúp ổn định cảm xúc, tôi hỏi ông có muốn quay lại sau vài ngày nữa để tham gia nghiên cứu về những cơn ác mộng của tôi không. Ông đồng ý.
Một phần của nghiên cứu này là bài trắc nghiệm Rorschach rất độc đáo mà người tham gia hầu như không thể nói dối: nhìn vào bức hình một vết mực và cho biết họ liên tưởng điều gì. Bài kiểm tra này giúp ta biết được cách tâm trí của ai đó vận hành, tức là cách họ xây dựng hình ảnh trong tâm trí từ một kích thích vô nghĩa là một vết mực.
Con người là sinh vật tự tạo ra ý nghĩa, nghĩa là khi nhìn thấy vết mực, ta sẽ có xu hướng liên tưởng đến một hình ảnh hay một câu chuyện nào đó, tương tự như ta nằm trên bãi cỏ, ngắm mây trời và tưởng tượng đủ thứ hình thù.
Bài trắc nghiệm gồm hai bức hình vết mực, một bức trắng đen và một bức có màu vốn sẽ gây ra cảm giác sốc màu. Khi Bill trông thấy tấm hình có màu, ông kinh hãi thốt lên: “Đây là đứa trẻ bị nổ tung mà tôi từng thấy khi ở Việt Nam. Ở giữa hình chính là máu, là da thịt bị cháy xém”. Bill thở gấp gáp, trán lấm tấm mồ hôi, càng lúc càng hoảng loạn. Rõ ràng Bill đang nhìn thấy hình ảnh ông bất lực ôm trên tay một em bé đang thoi thóp cách đây mười năm, đang ngửi thấy những mùi vị chiến tranh, đang có những cảm xúc mãnh liệt giống y như ngày ấy. Bill đang sống lại cơn đau tâm lý năm xưa chỉ vì trông thấy một vết mực.
Những biểu hiện của Bill giúp tôi nhận ra rõ hơn những nỗi đau đớn thường xuyên ám ảnh các cựu chiến binh như thế nào và hiểu rằng nhất định phải tìm ra cách giúp họ quay lại cuộc sống bình thường. Họ không biết khi nào những ký ức khủng khiếp lại sống dậy và khi nào chúng mới vĩnh viễn ngủ yên.
Tôi đã dành nhiều năm tìm hiểu về cách hiệu quả nhất để đối phó với những hồi tưởng. Bill chính là một trong những người thầy quan trọng nhất của tôi trong hành trình nghiên cứu cam go ấy.
Khi cho thêm 21 cựu chiến binh xem bức hình vết mực có màu, 16 người có cùng phản ứng như nhau, họ hoảng loạn mô tả lại những hình ảnh đau thương trong chiến tranh: “Đây là lục phủ ngũ tạng của Jim bạn tôi khi bị vỏ bom xé toạc bụng”, “Đây là cái cổ bị bắn nát của Danny bạn tôi khi chúng tôi đang cùng ăn trưa”. Không ai trong số 16 người này liên tưởng đến hình người nhảy múa, con bướm, người ngồi xe mô-tô, những thứ vốn là liên tưởng của người bình thường.
Đáng lo hơn, 5 người còn lại không biểu lộ cảm xúc gì trên mặt, họ nói: “Đây chẳng là gì cả”, “Chỉ là một vết mực thôi”. Tất nhiên họ đúng, nhưng phản ứng bình thường của con người đối với những kích thích mơ hồ là dùng trí tưởng tượng của mình để “khoác” ý nghĩa cho những đối tượng kích thích ấy. Nghĩa là, nếu nhìn vết mực, một người bình thường sẽ lập tức tưởng tượng về hình thù gì đó, một con bướm chẳng hạn. Vì thế, 5 người thấy vết mực chỉ là vết mực là những người rất không bình thường.
Kết quả bài trắc nghiệm Rorschach giúp ta biết những người chịu sang chấn có xu hướng áp đặt nỗi đau của họ lên mọi thứ xung quanh và rất khó giải nghĩa được những sự vật hiện tượng xảy ra quanh họ.
Chúng ta cũng biết được rằng sang chấn có ảnh hưởng đến trí tưởng tượng, khiến nó trở nên nghèo nàn, mất tính linh hoạt. Não bộ của 5 người nhìn vết mực chỉ thấy vết mực tức là họ đã mất khả năng tưởng tượng, vui đùa. Nhưng 16 người nhìn vết mực ra những hình ảnh trong quá khứ thì chứng tỏ rằng tâm lý họ không còn tính linh hoạt, họ đơn giản chỉ đang tua đi tua lại một cuộn phim cũ.
Trí tưởng tượng vô cùng quan trọng đối với chất lượng cuộc sống của chúng ta vì nó cho phép chúng ta tạm rời khỏi công việc hằng ngày để mơ mộng đến những điều khiến cuộc sống ta thú vị, phong phú và nhiều màu sắc hơn, đi du lịch đến những nơi tuyệt đẹp, thưởng thức các món ăn ngon, có được tình yêu lãng mạn.
Trí tưởng tượng giúp ta mường tượng ra những khả năng mới, vốn là động lực thiết yếu để ta biến những ước mơ thành sự thật. Nó khơi nguồn sáng tạo, làm khuây khỏa cơn buồn chán, xoa dịu nỗi đau, nâng cao khoái lạc và thắt chặt những mối quan hệ thân mật nhất của chúng ta.
Khi con người liên tục và miễn cưỡng bị lôi trở về quá khứ, trở về thời điểm cuối cùng họ cảm thấy mình có đóng góp tích cực cùng những xúc cảm sâu sắc, họ không còn trí tưởng tượng, tâm trí không còn linh hoạt nữa. Không có trí tưởng tượng đồng nghĩa với không có ước mơ, không có cơ hội để hình dung ra một tương lai tươi sáng hơn, không còn nơi để về hay ao ước đến.
Bài trắc nghiệm Rorschach cũng cho chúng ta thấy những người bị sang chấn nhìn cuộc đời qua các lăng kính khác với những người khác. Với nhiều người, một người đàn ông đang đi trên đường có thể chỉ là ông ta đang tản bộ hóng mát, nhưng một cô gái từng bị hãm hiếp thì có thể nghĩ rằng ông ta sắp sấn đến sàm sỡ mình, thế nên cô bắt đầu hoảng loạn.
Một giáo viên nghiêm khắc có thể chỉ là đáng sợ đối với những đứa trẻ bình thường, nhưng với một đứa trẻ hay bị bố dượng đánh đập thì người giáo viên đó có thể là hiện thân của người tra tấn, từ đó trẻ có thể hoảng loạn, nổi cáu, hoặc sợ hãi đến mức co rúm vào một góc.
MẮC KẸT TRONG NỖI ĐAU
Phòng khám của chúng tôi lúc nào cũng đông nghẹt các cựu chiến binh ở chiến trường Việt Nam đang muốn được trợ giúp về mặt sức khỏe tâm thần. Song, vì đội ngũ bác sĩ có trình độ quá ít ỏi nên các bệnh nhân thường phải nằm trong danh sách chờ, dù ngày ngày họ vẫn đang tự làm khổ mình và người thân. Khi thấy ngày càng nhiều cựu chiến binh tự tử, bị bắt giữ vì ẩu đả lúc say xỉn, tôi đã xin phép tổ chức các nhóm sinh hoạt ngay tại phòng khám dành cho các cựu chiến binh trẻ để trợ giúp họ tạm thời trong khi chờ đợi được chữa trị “thật sự”.
Tại buổi gặp mặt đầu tiên của nhóm các cựu thủy quân lục chiến, một người thẳng thừng tuyên bố: “Tôi không muốn nói về cuộc chiến”. Tôi trả lời rằng các thành viên có thể thảo luận bất cứ điều gì họ muốn. Mọi người im lặng suốt ba mươi phút, cuối cùng, một cựu chiến binh bắt đầu kể về tai nạn máy bay trực thăng của mình. Thật ngạc nhiên, nghe xong chuyện, những người còn lại liền sôi nổi kể về những trải nghiệm đau thương của họ.
Vào những tuần sau đó, các thành viên đều đến sinh hoạt đều đặn vì tìm thấy sự cộng hưởng và vơi bớt cảm giác sợ hãi, trống rỗng. Tại nhóm, họ cảm nhận được tình bằng hữu như thể khi còn chinh chiến. Với họ, nhóm này như một đơn vị chiến đấu và khẳng khẳng muốn tôi trở thành một phần của đơn vị này, vì thế, vào sinh nhật tôi, họ tặng tôi một bộ đồng phục của thuyền trưởng hải quân. Hành động này của họ gửi đến tối tín hiệu: hoặc là tham gia đơn vị hoặc đi chỗ khác chơi và chúng ta chẳng có quan hệ gì với nhau. Sau những trải nghiệm chiến tranh đau thương, họ đã phân con người thành hai nhóm rạch ròi: quen biết và không quen biết. Họ không tin tưởng những người chưa từng cùng họ trải nghiệm giai đoạn đau thương vì cho rằng những người này không tài nào hiểu được những gì họ đã gặp, đã cảm thấy. Điều đáng buồn là trong số những người họ không tin tưởng có cả vợ chồng, con cái, đồng nghiệp.
Sau đó, tôi tổ chức nhóm những cựu chiến binh trên 70 tuổi, tức đáng tuổi bố tôi, thuộc đội quân dưới quyền chỉ huy của đại tướng George S. Patton. Chúng tôi thường gặp vào 8 giờ sáng thứ Hai. Ở Boston, mùa đông thường có bão tuyết, giao thông công cộng tê liệt, vậy mà không cựu chiến binh nào vắng mặt, có người còn đi bộ cả quãng đường xa. Vào Giáng sinh, họ tặng tôi một chiếc đồng hồ đeo tay hiệu GI đời 1940 như một “dấu hiệu” tôi là người thuộc nhóm của họ.
Khi sinh hoạt nhóm, tôi kêu gọi họ nói về những khó khăn họ đang gặp hằng ngày nếu có, như quan hệ vợ chồng, con cái, ứng phó với sếp, chán nản trong công việc, uống nhiều rượu… Phản ứng thường thấy là họ phản đối gay gắt chủ đề này và chỉ thích kể chuyện đã giết một kẻ địch thế nào hay trực thăng của họ bị bắn rơi ra sao. Dù những sự kiện đó đã xảy ra cách đây 10 năm hay hơn 40 năm thì với họ, chúng vẫn mới nguyên như ngày nào, là toàn bộ ý nghĩa cuộc sống của họ, là thứ duy nhất có thể khiến họ “sống lại”, hào hứng, sôi nổi, tươi tỉnh, xúc động mạnh khi nhớ về.
CHẨN ĐOÁN STRESS SAU SANG CHẤN
Trong những ngày đầu làm việc ở Bộ Cựu chiến binh, tối và các đồng nghiệp đã liệt các cựu chiến binh vào tất cả các loại chẩn đoán: nghiện rượu, lạm dụng chất gây nghiện, trầm cảm, rối loạn khí sắc, tâm thần phân liệt – và thử mọi phương pháp điều trị đã được học trường lớp, nhưng chẳng mấy hiệu nghiệm. Các loại thuốc mạnh mà chúng tôi kể cho họ thường khiến họ mụ mị đến mức gần như chẳng làm được gì. Khi chúng tôi khuyến khích họ kể chi tiết ký ức đau thương đã trải qua, họ chỉ càng đau đớn thêm chứ chẳng thấy khá hơn. Nhiều bệnh nhân bỏ chúng tôi vì nghĩ chúng tôi đã chẳng giúp được gì mà còn làm cho mọi thứ tồi tệ hơn.
Năm 1980 đánh dấu một bước ngoặt trong việc điều trị cho các cựu chiến binh: Một nhóm các cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam, với sự trợ giúp của các nhà phân tâm học ở New York, Chaim Shatan và Robert J. Lifton, đã vận động thành công Hiệp hội Tâm thần Mỹ (American Psychiatric Association) đưa ra một chẩn đoán mới: rối loạn stress sau sang chấn (PTSD – Post-Traumatic Stress Disorder), mô tả một nhóm các triệu chứng phổ biến, ở mức độ cao hơn hoặc thấp hơn, cho tất cả cựu chiến binh. Với một khung khái niệm vững chắc, PTSD đã khiến chúng tôi thay đổi rõ rệt hiểu biết về các bệnh nhân. PTSD cũng đã mở lối cho nhiều nghiên cứu và nỗ lực tìm kiếm phương pháp điều trị hiệu quả.
Lấy cảm hứng từ những tiềm năng của chẩn đoán mới này, tôi đề xuất với Bộ Cựu chiến binh một nghiên cứu sinh học về những ký ức sang chấn. Liệu ký ức của những người bị PTSD có khác với những người khác? Với hầu hết mọi người, ký ức của một sự kiện khó chịu nào đó cuối cùng sẽ biến mất hoặc biến thành một điều lành mạnh hơn. Nhưng hầu hết bệnh nhân của chúng tôi không thể xem những gì họ đã trải qua thật sự đã xảy ra cách đây rất lâu.
Dòng đầu tiên của thư từ chối như sau: “PTSD chưa bao giờ được ghi nhận là có liên quan đến sứ mệnh của Bộ Cựu chiến binh”. Kể từ đó, tất nhiên nhiệm vụ của Bộ Cựu chiến binh chủ yếu là chẩn đoán PTSD và tổn thương não bộ. Các nguồn lực chính đều đổ vào tìm “phương pháp điều trị dựa trên bằng chứng” cho các cựu chiến binh bị tổn thương. Vì không muốn tiếp tục làm việc trong một tổ chức có quan điểm thực tế quá khác biệt so với chính mình nên tôi đã nộp đơn từ chức. Năm 1982, tôi đảm nhiệm một vị trí tại Trung tâm Sức khỏe Tâm thần Massachusetts (MMHC – Massachusetts Mental Health Center).
Trách nhiệm mới của tôi là giảng dạy một lĩnh vực nghiên cứu còn non trẻ: tâm thần dược học, cách sử dụng thuốc nhằm làm thuyên giảm bệnh lý tâm thần. Hầu như ngày nào tôi cũng phải đối mặt với những vấn đề mà tôi nghĩ mình đã để lại phía sau khi rời khỏi Bộ Cựu chiến binh. Kinh nghiệm làm việc với những cựu chiến binh khiến tôi nhạy cảm với ảnh hưởng của sang chấn đến mức giờ đây tôi có cái nhìn rất khác mỗi khi lắng nghe những bệnh nhân bị trầm cảm hoặc sợ hãi kể chuyện bị xâm hại tình dục hoặc phải hứng chịu bạo lực gia đình. Tôi rất ngỡ ngàng khi gặp rất nhiều nữ bệnh nhân kể rằng mình từng bị xâm hại tình dục khi còn nhỏ bởi chính người ruột thịt.
Điều này thật khó hiểu vì những sách giáo khoa về tâm thần học lúc bấy giờ đều ghi nhận rằng loạn luân rất hiếm xảy ra ở Hoa Kỳ, chỉ 1 trường hợp trên 1 triệu phụ nữ°. Lúc bấy giờ ở Hoa Kỳ chỉ có khoảng 100 triệu phụ nữ, tôi tự hỏi làm sao mà có đến gần một nửa trong số 47 nữ bệnh nhân của tôi lại gặp đúng vấn đề này?
Hơn nữa, sách giáo khoa nói rằng: “Rất ít người cho rằng loạn luân giữa bố và con gái là nguồn gốc của những bệnh lý tâm thần nghiêm trọng trong tương lai”. Trong khi đó, những bệnh nhân của tôi từng bị xâm hại tình dục khi còn bé khó tránh khỏi “bệnh lý tâm thần trong tương lai” vì hiện giờ, họ vô cùng trầm cảm, hoang mang và thường có những hành vi kỳ lạ tự xâm hại bản thân như tự lấy dao lam của người. Sách giáo khoa thậm chí còn tán đồng nạn loạn luân khi giải thích rằng “Những hành vi như thế làm giảm khả năng mắc chứng rối loạn tâm thần của bệnh nhân và cho phép bệnh nhân điều chỉnh bản thân hòa hợp với thế giới bên ngoài tốt hơn”. Trong khi trên thực tế, loạn luân có ảnh hưởng tồi tệ đến sức khỏe và tâm lý của phụ nữ.
Trên nhiều phương diện, các bệnh nhân này không khác những cựu chiến binh trước kia của tôi ở Bộ Cựu chiến binh. Họ cũng có những cơn ác mộng và hồi tưởng. Họ thi thoảng nổi cơn thịnh nộ hay chẳng có cảm xúc gì. Hầu hết họ cảm thấy khó gặp gỡ những người khác và gặp rắc rối khi duy trì những mối quan hệ có ý nghĩa.
Giờ thì chúng ta đã biết rằng chiến tranh không phải là tai họa duy nhất tàn phá cuộc đời của con người mà còn có bạo lực, hiếp dâm. Ước tính khoảng 1 số binh lính chinh chiến trên chiến trường sẽ gặp phải những vấn đề hậu sang chấn nghiêm trọng, phần lớn cư dân Mỹ đều trải qua bạo lực tại một thời điểm nào đó trong cuộc đời, và những báo cáo chính xác hơn cho thấy hàng triệu phụ nữ ở Mỹ là nạn nhân của hiếp dâm, hơn một nửa trong số đó là bé gái dưới 15 tuổi.
Đối với nhiều người, chiến tranh bắt đầu từ trong chính tổ ấm: Hằng năm có khoảng 3 triệu trẻ em Mỹ là nạn nhân của lạm dụng trẻ em và bị bỏ rơi. Một triệu trong số đó là những trường hợp đặc biệt nghiêm trọng và đủ bằng chứng buộc các dịch vụ bảo vệ trẻ em hay tòa án phải can thiệp”. Nói cách khác, cứ 1 người lính xả thân trên mặt trận thì có đến 10 trẻ em bị đe dọa trong chính ngôi nhà của mình. Điều này vô cùng bị thương vì trẻ em sẽ rất khó lớn lên và phục hồi nếu nguồn gốc nỗi sợ hãi và nỗi đau của các em không phải do quân thù trên chiến trường gây ra mà do chính những người chăm sóc, nuôi dưỡng các em mang lại.
MỘT HIỂU BIẾT MỚI
Trong ba năm tiếp xúc và điều trị cho Tom, tôi đã học được rất nhiều kiến thức về tác động và biểu hiện của sang chấn, những cách giúp người bị sang chấn tìm đường quay lại với cuộc sống đời thường.
Từ những năm 1990, các công cụ chụp não đã giúp chúng ta thấy những gì thực sự xảy ra bên trong bộ não của những người bị sang chấn, từ đó, ta hiểu những tổn hại do sang chấn gây ra và xây dựng được những phương thức chữa trị mới.
Chúng ta cũng đã bắt đầu hiểu những trải nghiệm, đè nén, dằn vặt ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào, về những cảm giác sâu thẳm nhất của chúng ta và mối quan hệ của chúng ta với thực tế vật chất – và rằng chúng ta là ai. Chúng ta biết sang chấn không chỉ là một sự kiện xảy ra trong quá khứ mà còn là dấu ấn của trải nghiệm để lại trong tâm trí, não và cả cơ thể ta. Dấu ấn này gây những hệ quả lâu dài lên cách cơ thể ta cố tìm cách sống sót trong hiện tại.
Sang chấn tâm lý dẫn đến việc thay đổi kết cấu nền tảng của cách thức mà tinh thần và não bộ xử lý nhận thức. Nó thay đổi việc chúng ta suy nghĩ như thế nào và về cái gì, thay đổi cả khả năng suy nghĩ của chúng ta.
Chúng tôi nhận thấy cần giúp đỡ những nạn nhân của sang chấn tâm lý để họ diễn tả được bằng lời những gì đã xảy ra với họ. Nhưng bấy nhiêu đó vẫn chưa đủ để chữa lành cho họ. Việc kể lại câu chuyện không phải luôn luôn giúp thay đổi những phản ứng của cơ thể và hormone đang trong tình trạng gia tăng cảnh giác, chuẩn bị tinh thần cho việc sắp sửa bị xâm hại hay tấn công bất cứ lúc nào. Để có được những thay đổi thực sự, cơ thể của người bị sang chấn cần hiểu rõ rằng nguy hiểm đã qua đi và họ phải học cách sống trong hiện tại.
Khi cố gắng thấu hiểu về sang chấn tâm lý, tôi đã có một cái nhìn khác về trí óc con người và quá trình chữa lành của nó.