Review sách
Review sách 21 BÀI HỌC CHO THẾ KỶ 21 (Nguyễn Thành Tiến)
Tiếp nối sau sự thành công (và cả tranh cãi nữa) của Sapiens và Homo deus, Harari lại viết 1 cuốn sách mang đến những làn sóng trái chiều: 21 bài học cho thế kỷ 21!
Nội dung cuốn sách mới của Harari cũng là sự liền mạch với 2 tác phẩm trc đó, nếu như Sapiens đưa chúng ta về đồng cỏ châu Phi cách đây cả trăm nghìn năm, Homo deus mang chúng ta đến 1 tương lai vừa gần gũi vừa xa lạ ngay trên chính hành tinh chúng ta, thì cuốn sách này giúp ta nhìn nhận rõ hơn về thực tại, để có sự chuẩn bị tốt hơn, và giúp cái tương lai bất định có vẻ xa lạ kia thân thuộc thêm 1 chút!
Vì thế, nếu có ý định tìm đọc cuốn sách này, thì ít nhất hãy đọc 2 cuốn sách trước đó của Harari, để có đủ thông tin, dữ liệu và sự liên lạc trong từng ý tứ, từng câu chữ của tác giả.
Có thể nói cách viết và cách tư duy của Harari là thống nhất trong các tác phẩm của mình. Ông kiên định cho rằng diễn trình lịch sử sự sống cũng như lịch sử nhân loại không phải là 1 kết quả tất yếu, mà là kết quả của 1 loạt những lựa chọn ngẫu nhiên…. có nghĩa là nếu ta có thể quay ngược lại lịch sử và lựa chọn những cách khác, lịch sử sẽ rẽ sang nhánh khác – có thể rất rất khác so với thực tại (tất nhiên, chúng ta đã may mắn (hoặc không may) khi có được kết quả ngày hôm nay sau những lựa chọn của tổ tiên)…. đây là 1 tư duy – dù đúng hay sai – cũng rất đột phá, bởi nó đi ngược lại so với tất cả những người theo chủ nghĩa duy tâm, những kẻ sùng đạo, và đồng thời cũng trái ngược với những ng duy vật biện chứng, những môn đồ của Karl Marx!…. và khi anh chọn vị trí đứng của mình là 1 kẻ vô thần nhưng cũng tách biệt so với những người vô thần khác thì tiếng nói của anh gây tranh cãi là không phải bàn! Để diễn giải cách tư duy của Harari theo đúng cách của Harari, thì nếu ta coi những lựa chọn lịch sử là việc mở những cánh cửa, thì cánh cửa đến thiên đường với hoa thơm cỏ lạ được đặt ngay cạnh và cùng màu sắc, kích thước, thiết kế với cánh cửa dẫn đến địa ngục đầy dung nham sôi trào và quỷ dữ….
Trở lại với cuốn sách, Harari không cho chúng ta gợi ý về việc ta phải chọn cánh cửa nào, mà chỉ mô tả về những thứ có thể có đằng sau những cánh cửa ấy (bởi biết đâu, cánh cửa nào đó đã được mở rồi, và việc của chúng ta là lựa chọn đi tiếp đến đích đến sau cánh cửa hay tìm đường tắt sang cánh cửa khác)….ở cánh cửa hiện tại, có thể dẫn ta đến 1 tương lai nơi khủng hoảng việc làm nghiêm trọng đến nỗi hầu hết cư dân tương lai đều thuộc giai cấp Vô dụng. Nơi đó có những siêu nhân và những siêu trí tuệ nhân tạo, hậu quả của sự đứt gãy công nghệ không thể kiểm soát. Nơi đó còn là thảm họa của sự sụp đổ hệ sinh thái, là chủ nghĩa khủng bố, là khủng hoảng niềm tin….nghe có vẻ như toàn là chủ đề hot, và toàn những vấn đề to tát, nặng nề, u ám….đúng như vậy, nhưng với cách viết hài hước, dí dỏm, cùng với cách ví von siêu thông minh của mình Harari luôn khiến độc giả cảm thấy nhẹ bẫng khi tiêu hóa những kiến thức đao to búa lớn trong tác phẩm của mình!
Một ví dụ về sự ví von thông minh của Harari trong cuốn sách là khi ông nói về bản chất của chủ nghĩa khủng bố – vốn ko gây ra thiệt hại gì quá đáng kể về vật chất nếu so với tai nạn giao thông, nhưng lại luôn mang đến ám ảnh về tinh thần với người dân, giới truyền thông và chính khách (bởi vì các cuộc tấn công khủng bố luôn là đề tài được truyền thông săn đón, và chính sự săn đón của giới truyền thông thổi phồng quả bóng khủng bố kinh hãi trong lòng người dân, và buộc các chính trị gia phải lên tiếng và hành động). Harari đã viết: chủ nghĩa khủng bố giống như đồng xu trong 1 cái lọ rỗng, 1 đồng xu nhỏ trong 1 cái lọ rỗng to thì rất ồn ào – một cách ví von thật xuất chúng!!!
Tóm lại, nếu đã đọc Sapiens và Homo deus thì phải nên đọc cuốn sách này. Hay nếu muốn biết cần phải chuẩn bị gì cho tương lai, cho con cái, thì cũng nên đọc cuốn sách này để tham khảo! Dù đoạn giữa cuốn sách có phần khó hiểu (do chủ đề giàu tính triết lý, và cũng có thể do người dịch ko thoát ý), nhưng nhìn chung đây vẫn là cuốn sách hay và dễ đọc, và vì là sách của Harari, nên vẫn cho 5 sao!