Review sách
Review sách “CON ĐƯỜNG HỒI GIÁO” (Quynh Ng)
Khi đọc cuốn sách này, mình nhớ đến một câu:
“That’s the thing about books. They let you travel without moving your feet.”_ Jhumpa Lahiri
Đọc “Con đường hồi giáo”, mình quả thực đã được phiêu lưu đến các quốc gia Hồi giáo, giữa những tòa nhà nguy nga mọc lên trên sa mạc, đến những vùng đất mà xung đột là chuyện cơm bữa, con người ngày nào cũng sống với sự hoang mang; rồi ngược thời gian hàng ngàn năm để khám phá cội nguồn của tôn giáo. Để nhận ra rằng, hóa ra tôn giáo lại ảnh hưởng nhiều như vậy đến chính trị và số phận của một quốc gia. Một cuốn sách đã thật đã cho cái sự tò mò của một đứa như mình.
Mình tìm đọc “Con đường hồi giáo” sau khi đọc xong Ngàn mặt trời rực rỡ và Người đua diều của tác giả Khaled Hosseini. Những chi tiết tàn khốc của chiến tranh, của nạn phân biệt chủng tộc và trọng nam khinh nữ khiến cho mình cảm thấy mình cảm thấy có nhiều thứ muốn biết quá. Hóa ra trên thế giới này vẫn có một nơi mà phụ nữ đi ra đường phải có đàn ông đi kèm; hóa ra trong khi mình đi học đi làm coi như bình thường thì có những người đến quyền cơ bản đó cũng không.
Hành trình đi qua 13 nước, mỗi nước đều khiến mình hết ồ lại à vì đã quá, là vì một lúc biết được bao nhiêu chuyện hay ho, vì hóa ra có những thứ về vùng đất này trước đây đều là lầm tưởng.
Và đó là một Saudi kiêu kỳ với thánh địa Mecca, thánh địa cho những tín đồ Hồi giáo hành hương về tỏ lòng thành kính; một Saudi không dễ dàng để với tới.
Là Dubai xa hoa giàu có bậc nhất với những “chiếc máy rút vàng tự động” – một đất nước với 95% dân số là người ngoại quốc dẫn đến những người bản địa bối rối vội vã tìm đến chiếc để định hình danh tính cho quốc gia của mình.
Là Oman – quốc gia cả đời mình chưa nghe tên – đất nước đẹp như bước ra từ “truyện cổ tích của Andersen”, nơi “đàn ông có nhiệm vụ đi chợ” với những con người hiếu khách và hào phóng vô cùng.
Một Yemen đất nước đáng thương bao đời vẫn chống chọi với nghèo đói, với những tranh chấp chính trị, nơi trẻ con có thể dễ dàng chôm “khẩu AK của bố để thỏa mãn trí tò mò.”.
Đó là một Li Băng nơi cho ra đời bộ chữ cái nguyên thủy đầu tiên, với bề dày văn hóa Trung Đông nhưng người dân chưa khi nào được thảnh thơi bởi những người đứng đầu đến rồi lại đi, hy vọng rồi thất vọng. Để mà những người dân nơi đây “né tránh cả quá khứ lẫn tương lai”, đôi khi chỉ biết “quên đi để mà sống.”
Mình đã thực sự xúc động khi đọc đến chương về Syria, đất nước vẫn còn đang chìm trong khói lửa chiến tranh. Tuy nhiên giữa cái khói lửa ấy, những người Syria vẫn lạc quan, họ vẫn sống cuộc sống của mình. Vẫn có những “phiên tòa nhân dân” công bằng mà vẫn giữ được tình người. Lời của người cha nơi mà chị Phương Mai ở nhờ ngày hôm đó vẫn khiến tim mình thắt lại: “Cô có thể bảo lãnh cho gia đình tôi sang Hà Lan được không?” Hỏi một người xa lạ câu hỏi này, hẳn ông cũng đã tuyệt vọng lắm với cuộc chiến dai dẳng này.
……….
Và còn nhiều những câu chuyện nữa!
Thông tin được đưa ra trong sách, theo mình là vừa đủ. Vừa đủ để mình lại tiếp tục tò mò, vừa đủ để truyền cảm hứng cho mình để tiếp tục tìm hiểu thêm nữa. Vừa đủ cho một người không có một ý niệm gì về Trung Đông, về Hồi giáo như mình được trải nghiệm. Mình thích cái cách chị tiếp xúc với từng người, từng gia đình địa phương một để trải nghiệm một cách thực tế nhất cuộc sống. Mình cũng thích cách chị đan xen giữa cuộc hành trình của mình những phần chuyên sâu hơn một chút về tôn giáo, chính trị, lịch sử. Không tránh khỏi việc phải tra cứu thêm các thuật ngữ chị đưa vào, nhưng điều này không ảnh hưởng đến trải nghiệm đọc của mình, mà trái lại, càng khiến cho mình có được cảm nhận sâu sắc hơn.
“Trong cuốn sách này tôi xin được nhận là con chim. Hót váng lên một chặp. Có khi chối tai, chẳng giải quyết được việc gì. Nhưng ít nhất nó cũng có cố gắng hoàn thành sứ mệnh của mình. Đã là chim thì phải hót.”
Cảm ơn chị Phương Mai vì đã “hót váng lên”, vì điều đó đã truyền cảm hứng cho em thật nhiều. Sách thì đã gấp lại, nhưng tâm hồn thật sự đã được mở mang lên nhiều phần.