Review sách
Review sách “ĐƯỜNG XƯA MÂY TRẮNG” (Đặng Xuân Lương)
Với cá nhân tôi, “Đường xưa mây trắng” không phải một tác phẩm mà phần nội dung có thể khiến tôi bàng hoàng, ngỡ ngàng, hay kiểu “mặt trời chân lý chói qua tim”. Một phần là vì trước đây tôi đã được đọc khá nhiều các giai thoại về đức Phật, một phần là vì cách thầy Thích Nhất Hạnh nhìn nhận về đức Phật trong tác phẩm vốn tương đồng với quan điểm của tôi từ bao lâu nay. Tuy nhiên cảm xúc của một người mới khi đọc tác phẩm chắc chắn sẽ rất rất rất khác.
Hồi đầu năm nay, tôi có đưa con trai đi thăm quan chùa Ba Vàng, chiêm bái xá lợi đức Phật. Ở trên chính điện, khi đang kể cho cậu con trai nghe về cuộc đời đức Phật theo các bức bích họa cực đẹp được bố trí xung quanh đại điện, bỗng có một cô gái (xinh lắm) rụt rè cắt ngang lời tôi:
– Xin lỗi anh, em nghe thấy anh đang kể chuyện cho bé và em rất thích, anh có thể kể lại từ đầu cho em cùng nghe được không?
Tôi thiết nghĩ, đã đi chùa thì không nên vội vã, cũng vì cô gái trẻ kia đã khá dũng cảm khi dám ngỏ lời đề nghị như vậy với một người lạ nên đã vui vẻ kể lại từ đầu câu chuyện về cuộc đời đức Phật cho cô và con trai cùng nghe. Lúc đó tôi kể hăng say lắm, vừa kể vừa mô tả vừa phân tích các hình ảnh, nhân vật trên tranh, lược bỏ đi mọi thần tích huyền hoặc, mọi kỳ ảo hoang đường để nhìn nhận đức Phật như một người phàm. Một người phàm với tình yêu vĩ đại, với tư tưởng vĩ đại, một đời hoằng pháp không biết mệt mỏi. Tôi vẫn còn nhớ lúc kết thúc tôi đã nói thế này:
– Đức Phật đã từng nói “cả một đời hoằng pháp, ta không nói một câu nào”, bởi sao lại nói vậy, bởi vì bản thân ngài chính là hiện thân của chân lý rồi. Ngài đã dùng cả đời để minh chứng cho chân lý của mình. Học về phật giáo, tìm hiểu về phật giáo vốn không ở đâu xa, hãy nhìn vào chính cuộc đời của ngài. Tạm gạt qua một bên hàng ngàn cõi giới, hàng ngàn vị phật, hàng ngàn vị bồ tát, la hán, hàng ngàn thiên chúng vv… Vén tất cả các bức màn kỳ ảo lên để nhìn nhận đức Phật vốn là một người phàm tu hành giác ngộ. Vì vậy câu chuyện về đức Phật sẽ trở thành một câu chuyện rất truyền cảm hứng, khiến chúng ta tin “chúng ta là Phật chưa thành”. Đạo Phật vốn giản dị, gần gũi như thế.
Khi tôi nhìn lại, không phải chỉ có con trai và cô gái kia đang đứng sau tôi mà có thêm nhiều cô, chú cũng đang nghe chăm chú. Tôi thấy nét mặt họ bừng sáng, hoan hỷ. Có cô còn bảo tôi rằng: cô đi làm công quả cho nhà chùa 3-4 năm rồi mà hôm nay cô mới biết nội dung, ý nghĩa của các tranh tượng bày quanh đây. Cô gái trẻ thì tâm sự: trước đây em thấy đạo Phật phức tạp rối rắm lắm, đọc kinh sách rất khó hiểu, mẹ em đi làm công quả ở đây nên bắt em đi theo, hôm nay tự nhiên em được thấy đạo Phật rất rõ ràng và sáng tỏ, cứ như vừa vén mây mờ để thấy trời quang. Hôm đó tôi đã được nhận rất nhiều lời cảm ơn.
Tôi nghĩ rằng, những người mới, muốn tìm hiểu về đạo Phật, khi đọc “Đường xưa mây trắng” sẽ có cảm xúc y như những thính giả của tôi trên chùa Ba Vàng những ngày đầu xuân.
Tôi cảm thấy niềm hạnh phúc râm ran khó tả khi thưởng thức tác phẩm trong chánh niệm.
Trước khi bắt đầu đọc sách (thường là khi sáng sớm), tôi luôn tập thể dục nhẹ nhàng để cơ thể sảng khoái, không còn mỏi mệt, ngồi thiền để đưa tâm về trạng thái tĩnh lặng, sau đó ngồi xếp bằng ngay ngắn để đọc sách. Trong khi đọc, tôi luôn đọc chậm rãi, không đặt mục tiêu về số trang phải đọc hay nóng vội đặt ngón tay lên mép sách để sẵn sàng lật trang, không để ý đến những trang đã đọc, không để ý đến những trang chưa đọc (đây vốn là một cuốn sách rất dày), điện thoại cũng được tôi cất xa tầm tay. Khi đọc biết mình đang đọc, tĩnh lặng, chuyên tâm. Việc đọc sách vì vậy đem tới cho tôi niềm hạnh phúc khó tả.