21 Bài Học Cho Thế Kỷ 21 - Yuval Noah Harari - Giới thiệu
Trong một thế giới ngập tràn những thông tin không chính đáng, sự sáng suốt là sức mạnh. Trên lý thuyết, bất cứ ai cũng có thể tham gia cuộc tranh luận về tương lai của loài người, nhưng thật khó để giữ một tầm nhìn sáng suốt. Thường thì chúng ta còn không nhận thấy có một cuộc tranh luận đang diễn ra và những câu hỏi mấu chốt của nó là gì. Hàng tỷ người trong chúng ta không đủ xa xỉ mà tìm hiểu bởi chúng ta còn nhiều việc cấp thiết hơn phải thực hiện: Ta phải đi làm, nuôi con hoặc chăm sóc cha mẹ già. Đáng tiếc là lịch sử không có chiết khấu hay giảm giá. Nếu tương lai của loài người được định đoạt lúc bạn vắng mặt, vì bạn đang mải lo chuyện ăn, chuyện mặc cho con mình, thì cả bạn và các con đều sẽ không được miễn trừ hậu quả. Điều này thật bất công; nhưng ai bảo lịch sử là công bằng kia chứ?
Là một nhà sử học, tôi không thể cho người khác cơm ăn hay áo mặc; nhưng tôi có thể thử mang lại một sự sáng tỏ nhất định, từ đó giúp tạo ra một sân chơi toàn cầu công bằng. Nếu điều này trao quyền cho thêm một nhóm người, dù nhỏ, giúp họ tham gia vào cuộc tranh luận về tương lai của giống loài mình, thì xem như tôi đã hoàn thành công việc.
Cuốn sách đầu tiên của tôi, Sapiens, nghiên cứu về quá khứ của loài người, xem xét tại sao một loài vượn tầm thường lại trở thành chúa tể của hành tinh Trái đất.
Homo Deus, cuốn sách thứ hai của tôi, khám phá tương lai lâu dài của sự sống, suy ngẫm về việc con người rốt cuộc có thể trở thành những vị thần như thế nào, và số phận sau cùng của trí tuệ và ý thức có thể là gì.
Trong cuốn sách này, tôi muốn xoáy ống kính vào vấn đề “ngay tại đây” và “ngay lúc này”. Tiêu điểm của tôi đặt ở các sự kiện hiện tại và tương lai gần nhất của các xã hội loài người. Điều gì đang xảy ra ngay lúc này? Những thách thức lớn nhất và những lựa chọn quan trọng nhất của ngày nay là gì? Ta cần chú ý đến điều gì? Ta nên dạy con cái ta những gì?
Dĩ nhiên, bảy tỷ người trên thế giới sẽ có bảy tỷ “chương trình nghị sự” (tức quan niệm về các vấn đề và mục tiêu tương lai) khác nhau; và như tôi đã nói ở trên, nghĩ về bức tranh tổng thể (hay tương lai của loài người) là một điều xa xỉ khá hiếm hoi. Một người mẹ đơn thân đang chật vật nuôi nấng hai đứa con trong một khu ổ chuột ở Mumbai phải tập trung vào việc lo bữa mai; những người tị nạn lênh đênh trên một con thuyền giữa Địa Trung Hải căng mắt nhìn về chân trời mà tìm kiếm bất cứ dấu hiệu nào của đất liền; một người hấp hối trong một bệnh viện đông đúc ở London gom hết sức tàn để hít thêm một hơi nữa, Họ đều có những vấn đề cấp bách hơn rất nhiều so với sự nóng lên toàn cầu hay cuộc khủng hoảng của nền dân chủ tự do. Không một quyển sách nào có thế giải quyết thấu đáo tất cả những điều đó và tôi không có bài học nào để dạy cho những người trong những hoàn cảnh như vậy. Tôi chỉ có thể hy vọng được học hỏi từ họ.
“Chương trình nghị sự” của tôi ở đây mang tính toàn cầu. Tôi nhìn vào nhũng động lực chính đang định hình các xã hội trên khắp thế giới và có khả năng ảnh hưởng đến tương lai của hành tinh chúng ta nói chung. Biến đổi khí hậu có thế nằm ngoài phạm vi quan tâm của những người đang ở giữa cơn sống chết, nhưng rốt cuộc nó có thể khiến những khu ổ chuột Mumbai không còn sinh sống được nữa, đẩy những làn sóng người tị nạn khống lồ mới qua Địa Trung Hải và dẫn đến một cuộc khủng hoảng toàn cầu về y tế.
Thực tế được đan dệt từ nhiều tình tiết, sự kiện, và cuốn sách này cố gắng bao quát các lĩnh vực khác nhau của trạng huống toàn cầu của chúng ta, dù không phải là toàn bộ. Không như Sapiens và Homo Deus, cuốn sách này không phải là một tự sự lịch sử mà là một bộ các bài học được tuyển lựa. Những bài học này không đúc rút thành những câu trả lời đơn giản. Chúng hướng đến việc khuyến khích đào sâu suy nghĩ và giúp độc giả tham gia vào một số cuộc đàm luận chính yếu trong thời đại của chúng ta.
Cuốn sách này được viết ra như một cuộc chuyện trò với công chúng. Nhiều chương được viết để trả lời các câu hỏi mà các độc giả, phóng viên và đồng nghiệp đã đặt cho tôi. Một số phần trong sách trước đó đã được xuất bản ở các dạng khác, nên tôi có cơ hội nhận được những ý kiến phản hồi và mài giũa các lập luận của mình. Một số phần tập trung vào công nghệ, một số vào chính trị, một số vào tôn giáo và số khác vào nghệ thuật. Có những chương tôn vinh trí khôn của con người và một số khác nhấn mạnh vai trò thiết yếu của sự ngu dốt của chính giống loài ấy. Nhưng câu hỏi bao trùm vẫn thế: điều gì đang xảy ra trên thế giới ngày nay và đâu là ý nghĩa sâu xa của các sự kiện đó?
Sự nối lên của (hiện tượng) Donald Trump nói lên điều gì? Ta có thể làm gì với vấn nạn “tin giả”? Tại sao nền dân chủ tự do lại lâm vào khủng hoảng? Chúa đã trở lại rồi chăng? Một cuộc Thế chiến mới đang đến? Nền văn minh nào thống trị thế giới: phương Tây, Trung Quốc hay Hồi giáo? Châu Âu có nên mở cửa cho người nhập cư? Chủ nghĩa dân tộc có thể giải quyết được các vấn đề về bất bình đẳng và biến đối khí hậu không? Ta nên làm gì với chủ nghĩa khủng bố?
Mặc dù cuốn sách này có cái nhìn mang tính toàn cầu, tôi cũng không phớt lờ góc độ cá nhân. Trái lại, tôi muốn nhấn mạnh những mối liên hệ giữa các cuộc cách mạng vĩ đại của thời đại chúng ta với đời sống nội tại của mỗi con người. Chẳng hạn, chủ nghĩa khủng bố vừa là một vấn đề chính trị toàn cầu, vừa là một cơ chế tâm lý học nội tại. Chủ nghĩa khủng bố hoạt động bằng cách nhấn một cái nút sợ hãi thẳm sâu trong tâm trí ta và cướp đi những tưởng tượng riêng tư của hàng triệu người. Tương tự, cuộc khủng hoảng của nền dân chủ tự do diễn ra không chỉ trong các nghị viện và các điểm bỏ phiếu mà còn trong các nơron và khớp thần kinh. Nói rằng sự riêng tư cũng thuộc chính trị thì nghe hơi sáo, nhưng trong một kỷ nguyên mà các nhà khoa học, các tập đoàn và các chính phủ đang nghiên cứu giải mã não người, thì điều hiển nhiên này lại càng đe dọa chúng ta hơn bao giờ hết. Do đó, cuốn sách này đưa ra những quan sát về cả hành vi của các cá nhân cũng như toàn xã hội.
Một thế giới toàn cầu đặt những áp lực chưa từng có lên hành vi và đạo đức cá nhân của chúng ta. Mỗi chúng ta bị vướng vào vô vàn những mạng lưới giăng mắc muôn nơi, một mặt hạn chế các hoạt động của chúng ta, mặt khác lại truyền đi những vùng vẫy, dù là khó thấy nhất, của chúng ta tới các điểm xa xôi. Những thói quen hằng ngày của chúng ta có thể tác động đến đời sống của những con người và động vật cách nửa vòng trái đất; một số hành động của cá nhân có thể bất ngờ trở thành tiêu điểm của cả thế giới, như cuộc tự thiêu của Mohamed Bouazizi ở Tunisia đã châm ngòi cho làn sóng cách mạng Mùa Xuân Ả Rập, như việc những người phụ nữ chia sẻ câu chuyện bị xâm hại tình dục của mình và nhóm lên phong trào #MeToo.
Chiều kích toàn cầu này của cuộc sống cá nhân đồng nghĩa với việc hé lộ những thiên kiến tôn giáo và chính trị của chúng ta, những đặc quyền chủng tộc và giới tính của chúng ta, và sự đồng lõa vô ý của chúng ta trong những áp đặt mang tính thể chế đã trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Nhưng liệu đấy có phải là một hành động táo bạo có tính thực tế? Làm sao tôi có thể tìm một chỗ đứng vững chắc về mặt đạo đức trong một thế giới vượt xa chân trời của mình, hoàn toàn vuột khỏi tầm kiểm soát của con người, một thế giới nghi ngờ mọi thánh thần và mọi ý thức hệ?
Cuốn sách này bắt đầu bằng việc khảo sát trạng huống chính trị và công nghệ hiện tại của chúng ta. Khi thế kỷ 20 khép lại, có vẻ những cuộc chiến ý thức hệ vĩ đại giữa chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa toàn trị và chủ nghĩa tự do đã đi đến hồi kết là chiến thắng giòn giã của chủ nghĩa tự do. Nền chính trị dân chủ, nhân quyền và chủ nghĩa tư bản thị trường tự do có vẻ đã được ấn định đế thống trị toàn thế giới. Nhưng như thường lệ, lịch sử đã có một bước ngoặt không ngờ; sau khi chủ nghĩa phát xít sụp đổ, giờ chủ nghĩa tự do đang lâm nguy. Vậy ta đang đi về đâu?
Câu hỏi này đặc biệt thấm thía bởi chủ nghĩa tự do đang mất dần sự tín nhiệm đúng lúc cuộc cách mạng kép trong công nghệ thông tin và công nghệ sinh học buộc chúng ta đối mặt với những thử thách lớn nhất mà loài người từng gặp phải. Cuộc hợp nhất của công nghệ thông tin và công nghệ sinh học có thể sẽ sớm đẩy hàng tỷ người ra khỏi thị trường lao động và làm suy yếu cả tự do lẫn công bằng. Các thuật toán Big Data có thể tạo ra những “nền độc tài số”, trong đó mọi quyền lực tập trung trong tay một nhóm tinh hoa cực nhỏ trong khi hầu hết những người khác phải gánh chịu, không phải sự bóc lột mà là một thứ tồi tệ hơn nhiều: sự vô dụng.
Tôi đã bàn về sự hợp nhất của công nghệ thông tin và công nghệ sinh học trong cuốn Homo Deus. Nhưng trong khi cuốn sách đó tập trung vào tương lai dài hạn với tầm nhìn hàng thế kỷ, thậm chí hàng thiên niên kỷ, thì cuốn sách này tập trung vào các cuộc khủng hoảng xã hội, kinh tế và chính trị sát sườn hơn. Mối quan tâm của tôi ở đây không nằm ở việc tạo ra sự sống vô cơ mà thiên về mối đe dọa đối với nhà nước phúc lợi và những tổ chức cụ thể như Liên minh châu Âu.
Cuốn sách này không cố bao quát mọi ảnh hưởng của các công nghệ mới. Cụ thể thì mặc dù công nghệ mang lại nhiều hứa hẹn tuyệt vời, dự định của tôi ở đây là chủ yếu nêu bật các mối đe dọa cũng như hiểm họa của nó. Những tập đoàn và các doanh nghiệp dẫn đầu cuộc cách mạng công nghệ đương nhiên đều tụng ca các sáng tạo của mình, nên các nhà xã hội học, triết học và sử học như tôi phải gióng hồi chuông cảnh báo và giải thích tất cả các cách mà mọi thứ có thể trở nên cực kỳ tồi tệ.
Sau khi phác ra các thử thách mà chúng ta đang đối mặt, trong phần hai của cuốn sách, tôi nghiên cứu một loạt cách ứng phó tiềm năng. Liệu các kỹ sư Facebook có thế dùng AI (trí tuệ nhân tạo) để tạo ra một cộng đồng toàn cầu bảo vệ tự do và công bằng của loài người không? Có lẽ câu trả lời là đảo ngược quá trình toàn cầu, hóa và tái trao quyền cho nhà nước? Có lẽ chúng ta cần quay ngược lại nhiều hơn nữa và tìm kiếm hy vọng cũng như trí tuệ từ cội nguồn của các truyền thống tôn giáo cổ xưa?
Trong phần ba của cuốn sách, chúng ta sẽ thấy rằng mặc dù các thách thức của công nghệ là chưa có tiền lệ và các mâu thuẫn chính trị là rất gắt gao, con người vẫn có thể nắm bắt thời cơ nếu chúng ta biết kiểm soát nỗi sợ và có các quan điểm khiêm nhường hơn. Phần này xem xét những gì có thể làm đối với hiểm họa của chủ nghĩa khủng bố, với mối đe dọa của chiến tranh toàn cầu và với những thiên kiến cũng như thù hằn đã châm ngòi cho những mâu thuẫn đó.
Phần bốn bàn về khái niệm “hậu-sự thật” và đặt câu hỏi: chúng ta vẫn có thể hiểu những sự phát triển trên toàn cầu và phân biệt sai trái với công lý đến mức độ nào? Liệu Homo sapiens có thể hiểu được thế giới mà nó đã tạo ra? Liệu có còn một ranh giới rõ ràng giữa thực tế và hư cấu?
Trong phần năm, và cũng là phần cuối, tôi thu thập những đầu mối khác nhau và có một cái nhìn tổng thể hơn về đời sống trong một thời đại nhiễu loạn, khi những câu chuyện cũ đã sụp đổ và chưa có câu chuyện mới nào xuất hiện để thay thế chúng. Chúng ta là ai? Chúng ta nên làm gì trong đời? Những loại kỹ năng nào là cần thiết? Với tất cả những gì chúng ta biết và không biết về khoa học, Chúa, chính trị và tôn giáo, chúng ta có thể nói gì về ý nghĩa cuộc đời ngày nay?
Điều này nghe có vẻ quá tham vọng, nhưng Homo sapiens không thể chờ được. Triết học, tôn giáo và khoa học đều đang cạn dần thời gian, Con người đã tranh luận về ý nghĩa cuộc sống hàng ngàn năm nay. Chúng ta không thể kéo dài cuộc tranh luận này mãi. Cuộc khủng hoảng sinh thái đang lấp ló, mối đe dọa của các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt đang ngày càng lớn, và sự trỗi dậy của các công nghệ đột phá mới sẽ không cho phép điều đó. Có lẽ quan trọng nhất là việc trí tuệ nhân tạo và công nghệ sinh học đang đem lại cho con người quyền năng tái định hình và tái thiết kế sự sống. Rất sớm thôi, ai đó sẽ phải quyết định sử dụng quyền năng này như thế nào, dựa trên một câu chuyện ngụ ý hay công khai nào đó về ý nghĩa cuộc sống. Các nhà triết học là những người rất kiên nhẫn, nhưng các kỹ sư thì thiếu kiên nhẫn hơn rất nhiều, và các nhà đầu tư là ít kiên nhẫn hơn cả. Nếu bạn không biết phải làm gì với quyền năng tái thiết kế sự sống thì các động lực thị trường sẽ không đợi cả ngàn năm để bạn đưa ra câu trả lời đâu. Bàn tay vô hình của thị trường sẽ áp đặt câu trả lời mù quáng của nó lên bạn. Trừ phi bạn vui vẻ phó thác tương lai của mình vào lòng từ bi của các bản báo cáo doanh thu quý, bạn cần có một ý kiến sáng suốt về ý nghĩa cuộc sống này.
Trong phần cuối chương I, tôi tự cho phép mình đưa ra một vài nhận định cá nhân, nói chuyện với tư cách một Homo sapiens với một Homo sapiens khác, ngay trước khi tấm màn nhung khép lại với giống loài chúng ta và một vở kịch hoàn toàn khác bắt đầu.
Trước khi bắt đầu hành trình tri thức này, tôi muốn làm rõ một điểm tối quan trọng. Trong phần lớn cuốn sách này, tôi bàn về những khiếm khuyết của thế giới quan tự do và hệ thống dân chủ. Tôi làm như vậy không phải vì tôi tin nền dân chủ là đặc biệt có vấn đề mà vì tôi nghĩ nó là mô hình chính trị linh hoạt nhất mà con người đã phát triển được để đối phó với những thách thức của thế giới hiện đại. Mặc dù nó có thế không phù hợp cho mọi xã hội trong mọi giai đoạn phát triển, nó đã chứng tỏ giá trị của mình trong một số xã hội và hoàn cảnh. Thế nên khi nghiên cứu những thử thách mới trước mắt, chúng ta cần phải hiểu những hạn chế của nền dân chủ tự do và khám phá xem chúng ta có thể điều chỉnh cũng như cải tiến các thể chế của nó như thế nào.
Thật không may, trong môi trường chính trị hiện tại, mọi suy nghĩ phản biện về chủ nghĩa tự do và dân chủ có thể bị nhiều phong trào phi tự do khác nhau lợi dụng, mục đích của họ là làm mất uy tín của nền dân chủ tự do hơn là tham gia một cuộc đàm luận mở về tương lai của loài người. Mặc dù họ rất vui khi tranh luận về các vấn đề của nền dân chủ tự do, họ gần như không chịu đựng được bất kỳ lời chỉ trích nào nhắm vào họ.
Do đó, với tư cách tác giả, tôi buộc phải đưa ra một lựa chọn khó khăn. Tôi có nên cởi mở nói rõ lòng mình và chấp nhận nguy cơ những lời nói của tôi có thể bị dùng ngoài văn cảnh? Hay tôi nên tự kiểm soát mình? Các chế độ phi tự do có một đặc điểm là họ làm cho quyền tự do ngôn luận trở nên khó khăn hơn ngay cả bên ngoài biên giới của họ. Chính vì sự lan rộng cúa những thể chế đó mà việc tư duy mang tính phản biện về tương lai của loài người đang ngày càng trở nên nguy hiểm.
Sau một hồi tự soi thấu bản thân, tôi đã chọn thảo luận tự do. Nếu không chỉ trích mô hình tự do, chúng ta không thế sửa chữa những khuyết điểm của nó hay tiến xa hơn nó. Nhưng làm ơn lưu ý rằng cuốn sách này chỉ có thể được viết ra khi con người vẫn còn được tương đối tự do nghĩ gì họ thích và thể hiện bản thân như họ muốn. Nếu bạn tôn trọng cuốn sách này, bạn cũng nên tôn trọng quyền tự do biểu đạt.