Bố Con Cá Gai - Cho Chang-In - Chương 1.1
Bố thật là một tên ngốc.
Lúc này tôi đang ngắm nhìn ông bố ngốc của tôi.
Ngoài khung cửa sổ, mưa đang rơi. Tí tách tí tách. Mưa rơi từ sáng. Và bây giờ là buổi tối rồi.
Bố đang ngồi trên chiếc ghế gỗ ở sân sau của khu phòng bệnh trẻ em. Chiếc ghế ướt đẫm nước mưa. Có lẽ bố cũng ướt hết như chiếc ghế vậy.
Bố không có ô. Ô thì có thể mua ở tiệm tạp hóa lúc nào cũng được, vậy mà bố lại để bị ướt mưa làm tôi thấy thật buồn. Tại sao cứ mưa mãi mà chẳng chịu tạnh nhỉ?
Vào những ngày mưa, thậm chí đến cả cửa sổ bố cũng không cho tôi mở ra. Bố cứ lo tôi sẽ bị cảm. Nhưng bố thì lại dầm mưa ướt nhẹp thế kia. Nếu hỏi lý do thì chắc chắn bố sẽ nói như thế này, chắc như bắp luôn.
“Vì bố là người lớn, còn Daum là em bé mà.”
Tôi gật đầu ngay tắp lự. Nhưng không phải tôi ngốc đến mức có thể bị lừa bởi câu nói của bố đâu. Có lý nào mà giọt nước mưa lại như tên lửa, chỉ nhắm vào mỗi trẻ con thôi chứ.
Tôi biết hết. Về rất nhiều chuyện xảy ra trên thế gian này.
Tháng sau là bắt đầu kỳ nghỉ hè năm lớp Ba, nhưng tính từ sau khi trở thành học sinh tiểu học, gộp tất cả những ngày đến trường của tôi lại, có lẽ cũng không được nổi sáu tháng. Nhưng mọi người đều nói rằng tôi thông minh, đến độ có thể tự mình giải toán của các anh lớp Sáu mà chẳng cần ai giúp. Có lúc tôi thấy rất tự hào về bản thân. Tuy nhiên, chẳng có ai để mà khoe nên đôi khi tôi thấy thật ấm ức. Cùng lắm chỉ có bố, mà bố thì sẽ lại mỉm cười bảo rằng:
“Học không phải là điều quan trọng. Nếu nói cuộc sống có mười phần, thì việc học chỉ chiếm một phần nhỏ trong số đó thôi.”
Tôi rất muốn hỏi bố. Vậy thì chín phần còn lại trong cuộc sống là gì. Nhưng mãi không quyết tâm hỏi được. Bởi vì không hiểu sao tôi lại nghĩ rằng chính bản thân bố cũng không biết đâu. Nếu như bố biết được tất cả những điều quan trọng còn lại trong cuộc sống, thì hẳn bố sẽ không mang dáng vẻ mệt mỏi và đơn độc như bây giờ.
Có lẽ là bố buồn. Bố buồn bã và nhìn lên bầu trời xa thật xa kia, chịu ướt mưa như một tên ngốc. Mưa có lẽ chẳng thể xóa đi nỗi buồn cho bố đâu, nhưng bố vẫn ngồi lì dưới mưa chẳng hề nhúc nhích.
Bố đang lục lọi túi áo khoác. Tôi có thể đoán được bố đang tìm cái gì. Là thuốc lá. Có một lúc nào đó tôi đã từng thử ghi vào quyển vở những thứ tôi ghét trên đời này.
Tất cả có hai mươi lăm thứ, và thuốc lá đứng ở vị trí thứ mười ba.
Tôi yêu bố. Nhưng tôi ghét bố hút thuốc lá.
Mẹ luôn bực bội mỗi khi bố hút thuốc lá. Vì thế nên bố đã bỏ thuốc. Nhưng khi tôi nhập viện trở lại, bố lại hút thuốc lá. Hút thuốc hay bỏ thuốc, tất cả đều là việc của bố thôi, nhưng tôi vẫn thấy thật khó chịu.
Nói thế chứ tôi chẳng thể nổi giận giống như mẹ được. Bố từng nói rằng, vì người mình yêu thương thì phải biết chịu đựng cả những việc mà mình ghét. Bố là người mà tôi yêu thương nhất trên đời này, vì thế tôi nghĩ rằng mình phải chịu đựng món thuốc lá mà bố thích. Tất nhiên là ở bên cạnh tôi thì bố không bao giờ phả khói thuốc rồi.
Tôi nhớ đến quãng thời gian chúng tôi sống ở tầng thứ hai mươi của khu chung cư. Bố lúc nào cũng mở cửa kính thông ra ban công, đi ra đó và hút thuốc lá. Bởi vì mẹ cấm hút thuốc ở trong phòng khách mà. Hình ảnh bố đứng tựa vào lan can ban công hút thuốc lá làm tôi chẳng thích chút nào. Bởi tôi cứ cảm giác như từ phía dưới, sẽ có một bàn tay to lớn đột nhiên giơ lên, kéo vụt lấy chân bố ấy. Cảm tưởng như lan can có thể bị gãy bất cứ lúc nào.
Tôi không phải là kẻ hèn nhát đâu. Hèn nhát á? Các bác sĩ đều phải công nhận là tôi rất mạnh mẽ. Thực ra thì trong phòng bệnh, chẳng có đứa bé nào chịu tiêm và uống thuốc giỏi như tôi cả đâu nhé.
Nhưng hễ cứ từ trên cao nhìn xuống dưới thì tim tôi liền thắt lại nhỏ xíu chỉ bằng hạt đậu. Hình như tôi còn vô thức són tiểu nữa. Cả khi chơi xích đu, hay leo lên cầu trượt cũng vậy. Có một lần đến công viên Everland, lúc leo lên trò chơi có tên “Flash Pangpang”, tôi cứ tưởng như chết ngất tới nơi. Lúc đó tôi đã quyết tâm. Rằng sau này có thành người lớn rồi tôi cũng sẽ không đi máy bay đâu.
Bố từng hay đứng ở ban công và phả khói thuốc lá phì phì. Nhưng thực ra điều mà khi ấy tôi ghét, không phải là tầng thứ hai mươi cao tít, cũng không phải là thuốc lá. Mà chính là dáng vẻ đơn độc và mệt mỏi của bố, giống như bố đang dầm mưa bây giờ ấy.
Tôi không phải một đứa trẻ con. Nhưng bố ấy mà, bố thì rõ ràng là một cậu nhóc không sai tẹo nào.
Khi ở trước mặt tôi bố luôn hành động như thể bố là người dũng cảm nhất trên thế gian này vậy. Nhưng khi xoay lưng lại thì giống như bây giờ, dáng vẻ của bố làm tôi thấy thật đau lòng.
Tôi bị bệnh máu trắng.
Bố chưa bao giờ nói cho tôi biết tôi mắc bệnh gì. Sau này có lẽ cũng vậy.
Trong phòng bệnh của tôi chỉ toàn các bệnh nhân mắc bệnh máu trắng, hoặc bệnh nhân ung thư bạch cầu – anh em với bệnh máu trắng. Nên dù không muốn biết thì dần dần tôi cũng tự nhận ra thôi. Bệnh máu trắng là môt căn bệnh kinh khủng biết bao.
Tôi thuộc loại thấp bé. Suốt hai năm mắc bệnh máu trắng, trong khi bọn bạn cứ cao lớn vùn vụt thì tôi vẫn vậy. Bệnh máu trắng có lẽ đã đóng đinh ầm ầm vào cái cây chiều cao của tôi rồi. Hơn nữa, bệnh máu trắng còn giống như con mèo cáu kỉnh. Trong khi tôi chẳng khác nào chuột Jerry. Căn bệnh máu trắng chính là mèo Tom, dẫu chuột tôi có ra sức trốn chạy cỡ nào cũng bị rượt đuổi đến cùng.
Nhập viện rồi xuất viện, nhập viện rồi xuất viện…
Chuyện này đã tiếp diễn với tôi từ hai năm nay. Tuy tôi không thử đếm nhưng có lẽ cũng hơn mười lần rồi. Ngắn là một tuần lễ, dài thì cứ phải hai tháng. Và đến hôm nay thì tôi đã nhập viện được hơn một tháng rưỡi.
Từ lúc nãy tôi đã nói với bố là hãy xuất viện. Bố chẳng nhúc nhích. Nhập viện hay xuất viện thì cũng giống nhau cả thôi. Dù sao vẫn phải mau mau xuất viện. Rõ ràng là giờ đây bố đã nghèo rớt mùng tơi rồi. Bởi vì phòng Y vụ càng ngày càng gọi bố nhiều hơn. Chắc chắn là đã quá hạn đóng tiền viện phí. Và bố đang loay hoay không biết phải làm sao.
Bố đút hẳn hai tay vào túi áo khoác. Có vẻ như rốt cuộc thì bố cũng không tìm thấy thuốc lá. Bố đành nhìn lên bầu trời xa xăm như lúc trước. Bầu trời sầm sập những đám mây xám xịt đang sà xuống thấp. Giống hệt như nỗi buồn đang len lỏi trong lòng bố.
Tôi đúng là một đứa trẻ hư. Là đứa con trai hư làm cho bố đã buồn lại càng buồn thêm. Lẽ ra dù cho đau đớn và mệt mỏi đến đâu, tôi cũng không nên nói ra câu đó. Làm sao mà tôi lại là một đứa bé thiếu suy nghĩ như thế này chứ? Nhưng mà chẳng thể làm khác được. Nó cứ tự động vọt ra như khi bị chảy máu cam vậy. Tuy có lỗi với bố nhưng câu nói ấy thể hiện đúng suy nghĩ của tôi.
Bệnh máu trắng ấy mà, là bệnh mà chỉ cần sơ sẩy một chút thôi cũng có thể giết chết tôi ngay.
Thời gian qua tôi đã tận mắt chứng kiến những đứa trẻ bị chết. Có những đứa bé chết khi đang ngủ, cũng có cả những đứa bé đang la hét ầm ĩ thì đột nhiên tắt thở. Nếu như phải chết, giá như tôi được chết khi đang ngủ thì thật tốt biết mấy.
Không phải cứ bị bệnh máu trắng là chết. Nghe nói rằng nếu làm đúng những gì bệnh viện yêu cầu thì có thể đẩy lui được bệnh. Giống như chị Yeong Jae đã được chữa khỏi hoàn toàn và đang sống khỏe mạnh ấy. Nhưng dạo này tôi không tự tin chút nào. Như thể với sức mạnh của tôi thì chẳng thể thắng nổi thứ gì vậy.
Tôi thích cầu nguyện. Vì khi cầu nguyện thì thời gian trôi qua thật nhanh. Cả sự đau đớn bấy lâu cũng có thể quên đi được. Nhưng tôi không cầu nguyện cho bệnh đỡ đi như ngày xưa nữa.
“Chúa ơi, xin hãy mau đưa con lên thiên đường.”
Đó là điều mà tôi đang cầu nguyện ngày ngày.
Mục sư ở trường dòng của chúng tôi nói rằng trên thiên đường mọi con đường đều dát vàng, không có nỗi đau cũng chẳng buồn lo. Dù có con đường dát vàng hay không cũng không sao cả. chỉ cần là nơi không có đau đớn, nỗi buồn hay lo lắng thì tôi muốn được đến đó thật nhanh.
Giờ đây tôi đã chán ngán với bệnh tật lắm rồi. Có lẽ bố cũng vậy. Hơn nữa, tôi còn đang nghĩ cách đó có khi cũng tốt cho cả người bố nghèo rớt của tôi nữa. Nhưng nếu tôi lên thiên đường mất thì bố sẽ sống một mình như thế nào nhỉ? Liệu rằng bố có lại uống rượu suốt như khi mẹ ra đi hay không? Tôi thật sự rất lo lắng về điều đó.
***
“Bác sĩ ơi, phải đau thêm bao nhiêu nữa thì mới chết được ạ?”
Đó là câu nói đầu tiên phát ra từ miệng đứa trẻ đang nằm co ro, quay người sang bên để các bác sĩ chọc hút tủy xương.
Đứa trẻ chằng hề gào thét. Có vẻ như nó chẳng còn sức mà gào thét nữa. Toàn thân nó run lên bần bật. Ngay khi việc chọc dò tủy xương vừa bắt đầu, anh đã nghĩ mãi. Giá như chỉ cần nghe thấy tiếng kêu khóc của nó thôi cũng tốt biết mấy. Dù sao khi thấy những đứa trẻ khác oằn mình gào thét, kháng cự, chí ít lòng anh còn thoải mái hơn thế này. À không, thà rằng đứa trẻ cứ ngất đi còn hơn. Như vậy nó sẽ không cảm thấy đau đớn nữa, còn anh thì có thể nhỏ một giọt nước mắt trong số biết bao nhiêu giọt nước mắt đang dồn nén bấy lâu. Có vẻ như cuối cùng anh cũng được nghe giọng của đứa trẻ. Vậy nhưng anh lại vội vàng ném cái nhìn về phía cửa sổ. Không phải chỉ vì những giọt nước mắt đang chực tuôn trào. Mà anh muốn vờ như không nghe thấy tiếng nó. Ngay lúc ấy anh chỉ muốn đạp cửa, ra ngoài và chạy trốn khỏi đứa trẻ.
Bàn tay của vị bác sĩ nội trú đang lấy dịch tủy ngừng lại trong giây lát, có cảm giác ngay cả dòng chảy của thời gian cũng đột nhiên bị cắt đứt. Anh bối rối hướng ánh nhìn về phía trưởng khoa Min Yun Sik. Trưởng khoa Min đang lặng lẽ chăm chú quan sát mũi kim ghim sâu vào bên trong cơ thể đứa trẻ.
Đôi môi khô ráp, trắng bệch của đứa trẻ động đậy trở lại.
“Ước gì cháu không bị đau nữa.”
Để chọc dò tủy xương, phải đâm xuyên qua da thịt, xới vào khoảng giữa vùng xương mông hay còn được gọi là xương chậu. Đó là một sự tra tấn khủng khiếp và tàn nhẫn khiến đứa trẻ kêu thét thảm thiết, ngay cả người thân chứng kiến cảnh đó cũng không cầm nổi nước mắt. Sau khi tái nhập viện, đứa trẻ đã phải chịu đựng màn tra tấn đó cả thảy bốn lần. Nhưng cái sự thật rằng trong tương lai, không biết chuyện này sẽ còn tiếp diễn bao nhiêu lần nữa làm cho anh cảm thấy thật tối tăm và thê thảm.
Nếu như có thể chịu đựng được thay đứa trẻ, thật sự nếu như có thể làm được điều gì đó cho đứa trẻ… Thế nhưng anh chẳng thể làm được gì thay nó cả. Chứng kiến nỗi đau đớn của đứa trẻ mắc căn bệnh vô phương cứu chữa, anh thậm chí còn phẫn nộ và tuyệt vọng bởi việc mình là bố nó. Anh cảm thấy đắng cay, hổ thẹn thay cho cái tên gọi bố. Anh thậm chí chẳng thể nào yên lòng đón nhận ánh mắt của đứa trẻ này.
“Bố ơi, sao con lại bị đau thế này?”
Đứa trẻ đã không hề chống đối dù chỉ một lần. Cho dù vậy, anh đã phải đối diện với sự chống đối của nó không biết bao nhiêu lần. Đó là khi đứng trước khuôn mặt méo xệch đi vì đau đớn của nó, trước một vốc thuốc kháng ung thư, trước chỗ thức ăn tiệt trùng mà nó chẳng ăn được đến một nửa… Trưởng khoa Min vừa mân mê gọng kính trên sống mũi, vừa hắng giọng. Rồi sau đó, ông đặt tay lên vai đứa trẻ.
“Tiêm đau lắm đúng không? Cháu cố chịu đựng thêm một chút nữa thôi, sắp xong rồi.”
“Không phải chuyện tiêm đâu ạ. Thật đấy ạ. Bây giờ cháu chỉ cần không phải đau đớn nữa thôi. Đau đến mức này thì chết đi cũng được. Vì nếu chết đi thì cháu sẽ không còn thấy đau nữa ạ.”
Vẻ tuyệt vọng thoáng hiện lên trên gương mặt đứa trẻ. Đó là biểu hiện chỉ có thể thấy ở những người đã phải khổ sở vật lộn với sự sống. Đứa trẻ ấy vẫn chưa tròn mười tuổi. Nhưng với những gì nó đã trải qua, thì nó có quyền tuyệt vọng, và nó hoàn toàn có đủ tư cách.
Thời gian không công bằng với tất cả mọi người, không phải với ai hết đêm cũng là ngày. Với ai đó một đêm có thể dài hơn cả đời người.
Nếu vậy thì có lẽ đứa trẻ này đã sống một nghìn năm rồi không biết chừng. Một cây du oằn mình trong gió mưa, bóng tối, trận nóng dữ dội hay cơn lạnh khắc nghiệt suốt chiều dài nghìn năm đằng đẵng, biết đâu lại chính là dáng hình thật sự của đứa trẻ này thì sao. Biết đâu đứa trẻ đang muốn từ bỏ việc nuôi dưỡng cái gốc rễ của sự khổ đau thì sao.
“Đau là tín hiệu tốt đấy.”
Trưởng khoa Min mỉm cười, cúi xuống nhìn đứa trẻ rồi nói tiếp:
“Bởi vì những con vi rút gây bệnh trong người cháu đang bị tiêu diệt nên mới gào thét ầm ĩ lên ấy mà. Ừm… Cháu hãy thử liên hệ với phim hoạt hình mà xem. Để đánh đuổi bọn xấu xa hung ác thì phải tốn rất nhiều công sức đúng không nào. Nhưng nhân vật chính thì không bao giờ thua cả. Cháu cũng sẽ không chết đâu. Mà chỉ có bọn vi rút gây bệnh mới chết thôi. Vì thế nên cháu hãy cố gắng chịu đau thêm một chút nhé.”
Có vẻ như trưởng khoa Min đã tìm ra một câu trả lời thật thích hợp. Dù đứa trẻ có tin điều đó hay không.
Anh ngước nhìn bầu trời và lại từ tốn lục tìm trong túi quần. Không thấy thuốc lá đâu cả. Thật là vô lý, điều đó càng thổi bùng lên nỗi thất vọng, anh quay đầu nhìn về phòng bệnh của đứa trẻ.
Ở cửa sổ thoáng vụt qua một bóng người. Đó là đứa trẻ. Mới chỉ khoảng một tiếng đồng hồ kể từ lúc đứa trẻ được chuyển từ phòng sinh thiết tủy sống sang phòng bệnh và thiếp đi sau khi được tiêm thuốc giảm đau. Liệu có phải giờ đây ngay tác dụng của thuốc giảm đau cũng không thể trông đợi nữa hay không?
Anh đứng dậy khỏi chiếc ghế dài rồi bắt đầu bước đi. Vì không thể đi xa, anh chỉ dừng lại ở nơi mà ánh mắt đứa trẻ không thể chạm tới, và đứng tựa lưng ở bức tường khu phòng bệnh trẻ em. Ngọn đèn cao áp ở giữa khu phòng bệnh trẻ em và trung tâm ung thư đã được bật sáng. Những hàng mưa đều tăm tắp tuôn xối xả vào khoảng giữa những ánh đèn màu vàng chanh, như một cuộc tổng duyệt binh của các binh sĩ.
Bóng dáng một người phụ nữ đi ra khỏi trung tâm ung thư đập vào mắt anh.
Đó là người phụ nữ ở phòng 201, cùng khu phòng bệnh trẻ em với anh. Người phụ nữ nhỏ nhắn, có đôi mắt to này là mẹ của Seong Ho – cậu bé mới bắt đầu điều trị xạ trị ở tầng hầm của trung tâm ung thư từ hai ngày trước.
Ngay sau khi người phụ nữ vừa mới đẩy Seong Ho vào bên trong phòng xạ trị giống như một cái quan tài. Chắc hẳn là ở trong cái nơi giống như quan tài ấy, Seong Ho đang vừa gọi mẹ vừa khóc tu tu.
Người phụ nữ cúi đầu, uể oải từng bước chậm chạp đi về phía khu phòng bệnh trẻ em. Mưa vẫn rơi nặng hạt và cơ thể nhỏ bé của người phụ nữ ấy chắc sẽ chẳng mấy chốc mà ướt đẫm nước mưa, nhưng điều đó còn có ý nghĩa gì cơ chứ. Khi những ngày đi đi về về giữa khu phòng bệnh trẻ em và khu phòng bệnh ung thư càng thường xuyên hơn, thì dẫu có nắng chói chang hay mưa có như trút nước đi chăng nữa, với người phụ nữ ấy bầu trời cũng đã sớm thuộc về người khác.
Bầu trời đã thuộc về người khác. Với người phụ nữ, giờ chỉ còn lại những chuỗi ngày dài khi đã đánh mất đi bầu trời.
Cuộc sống của người mẹ mà ngay đến cả việc đi vào bóng râm, hay mở chiếc ô ra che nắng che mưa cũng trở nên thừa thãi và đáng xấu hổ.
Seong Ho cũng mắc chứng bệnh giống như đứa trẻ của anh. Bệnh bạch cầu cấp tính. Seong Ho đang trong quá trình điều trị giai đoạn đầu, còn đứa trẻ của anh thì đang tái nhập viện điều trị giai đoạn hai.
Anh nhìn về phía phòng bệnh của con. Dù đứa trẻ không thể nhìn về phía này, nhưng từ đây anh vẫn có thể nhìn thấy nó. Thế nhưng sau lần thoáng thấy bóng con, thì suốt từ nãy tới giờ anh không thấy đứa trẻ xuất hiện lại lần nào nữa.
Tấm lưng anh đang tựa vào bức tường bỗng trở nên trơn tuồn tuột. Anh lấy hai tay ôm lấy đầu, và gục đầu vào giữa hai chân.
Đúng như đứa trẻ nói, không biết nó còn phải chịu đựng đau đớn thêm bao nhiêu nữa thì chuyện này mới kết thúc. Và liệu có kết cục nào khác đang chờ đợi nó ngoài cái chết hay không.
Dạo này đột nhiên anh hay phải đối diện với một suy nghĩ. Cái suy nghĩ cứ quẩn quanh bám riết lấy anh như một lời thì thầm đầy cám dỗ.
Liệu rằng cách thật sự có thể giúp đứa trẻ, phải chăng là để nó được ra đi một cách bình an, chứ không phải đẩy nó vào sâu bên trong cuộc chiến không có hồi kết với bệnh tật này?
Hồi bằng tuổi đứa trẻ, anh cũng từng là con trai của một người bố.
Khi đó anh sống ở Sabuk, Gangwondo, mãi đến tầm tuổi của đứa trẻ bây giờ. Đó là nơi mà bầu trời, mặt đất và cả nước cũng đều một màu tăm tối. Mọi người đều bám trụ vào khoảng tăm tối hở ra giữa đất và trời để sống, bố cũng là một trong số đó.
Anh không nhớ rõ hôm đó là ngày bao nhiêu. Chỉ mang máng hình như là một buổi sớm tinh mơ. Dù không rõ ngày tháng, nhưng anh vẫn nhớ như in đó là nơi nào. Đó là nơi có những ngôi nhà gạch xếp, lợp mái ngói giống hệt nhau, dựa lưng vào sườn núi, như những chiếc bánh hoa cúc được nặn ra từ cùng một khuôn. Ngôi nhà của anh là ngôi nhà có dòng chữ “NA – 12” màu vàng choán lấy một nửa mái nhà.
Tiếng còi hụ rú lên inh ỏi làm anh choàng tỉnh giấc. Âm thanh còi hụ là tín hiệu của những người thợ mỏ đang nghỉ phiên trực báo động khi có tai nạn xảy ra ở ngõ cụt trong đường hầm. Khi tiếng còi hụ vang lên, ở trong căn nhà “NA – 12” ấy chỉ có anh và mẹ nghe thấy. Bố anh thì đang đi làm ca ba vào buổi đêm.
Sau hai ngày đêm tìm kiếm cứu hộ, bố anh là người duy nhất sống sót trong số năm người bị chôn vùi trong hầm mỏ. Nhưng một bên chân trái của ông đã vĩnh viễn nằm lại trong ngõ cụt của đường hầm. Thay vào đó, ông được lắp thêm một cái chân giả kêu lạch cạch, và những đứa trẻ đã lấy anh, con trai của bố anh, ra làm trò đùa.
“Cái chân giả, cái chân cao su, cái chân gớm ghiếc lạch cà lạch cạch.”
Bố anh được nhận số tiền tương ứng với tiền lương trong sáu tháng rồi bị thải khỏi việc hầm mỏ. Nhưng gia đình anh vẫn sống ở căn nhà “NA – 12”.
Hằng ngày, mẹ anh đều bắt chuyến tàu đầu tiên đến Jecheon rồi lại lên chuyến tàu cuối cùng quay trở về. Anh không nhớ những chuyến hàng rong của mẹ đã kéo dài bao lâu, ngoài việc vào một ngày nọ, mẹ đã lên chuyến tàu đầu tiên rồi mãi mãi không trở về.
Bố anh uống rượu từ lúc sáng sớm rồi cứ đến tối lại say khướt, bố khua cái chân giả kêu lạch cạch và tìm đến khu hầm mỏ. Mỗi lần như vậy bố lại dẫn theo anh. Mỗi ngày, anh đều phải chứng khiến cảnh bố mình khua cái chân giả về phía khuôn mặt trắng bệch của viên quản đốc hầm mỏ.
Thỉnh thoảng, cứ mờ mờ tối là anh lại trốn biệt vào một góc nào đó. Nhưng thể nào bố anh cũng tìm được anh rồi lại dẫn anh đi như thể lùa một con dê con vậy. Không biết tại làm sao ngày hôm đó anh lại trốn kỹ hơn những ngày khác. Mà cũng có thể là bố cố tình không tìm anh nữa. Dù sao thì từ sau ngày hôm đó, anh cũng không phải đến khu hầm mỏ nữa.
Bố anh đã đi đâu, làm gì, và như thế nào. Chẳng ai nói cho anh biết cả. Nhưng chuyện rằng hôm đó thay vì chiếc chân giả bố đã huơ con dao vào khuôn mặt trắng bệch của tay quản đốc, vì thế mà ông phải ăn cơm tù mọt gông, suốt một dạo cứ luẩn quẩn quanh nhà như một căn bệnh truyền nhiễm xui xẻo, và vì nó mà anh đã phải rời xa ngôi nhà thân thuộc để chuyển đến ở với một người bà con xa.
Phải ba năm sau, bố anh mới trở về.
Không biết chiếc chân giả của bố đi đâu mất, thay vào đó là một cái nạng gỗ. Gấu quần bên trái của bố được xắn lên nhiều lớp và cột chặt bởi một sợi dây chun quanh bắp đùi. Vì thế nên bất cứ ai cũng có thể nhận ra ngay là bố bị cụt một chân. Nhưng không phải ai cũng có thể đoán ra được bố đã từng ăn cơm tù. Bởi không giống như người mới đi tù về với mái đầu đinh cắt sát, đầu tóc bố rậm rạp như một đống rơm đã cháy thành tro. Có vẻ như bố đã đi lòng vòng đâu đó một thời gian mới quay trở lại.
Anh rời khỏi nhà của người họ hàng mình đang ở nhờ, và theo bố lên tàu.
Hai bố con anh đã ở một đêm trong quán trọ gần ga Jecheon. Bố nằm quay mặt vào tường, một mực né tránh anh. Trên trần nhà loang lổ màu nước đái chuột, lũ chuột nhắt chạy nháo nhác, còn bụng anh thì sôi òng ọc. Cuối cùng bố hỏi:
“Con đói bụng phải không?”
Anh vừa gật đầu, bố liền đứng dậy và ra khỏi phòng.
Khoảng ba mươi phút sau, bố quay trở lại, rồi lại khoảng ba mươi phút sau nữa, có hai bát mì đen được đưa tới phòng. Mì đen ngon hết sảy. Đến mức anh chỉ dám từ từ khua đũa vì tiếc khi nó cứ vơi dần.
Sau khi anh xơi sạch bát mì đen đầu tiên và cũng là cuối cùng trong cuộc đời, bố lấy ra từ trong túi áo một cái túi màu vàng rực rồi hỏi:
“Con ăn ngon chứ?”
“Vâng ạ.”
Bố dốc ra từ cái túi màu vàng một vốc thuốc viên to cỡ hạt kê rồi đặt vào lòng bàn tay anh. Và ông cũng đặt một nắm thuốc như thế trên tay mình.
“Ăn ngon rồi thì bây giờ hãy cùng uống thuốc tiêu hóa nào.”
Nhưng anh không thể làm theo lời bố. Anh thừa biết. Đó là thuốc chuột đặt lên trên một ít cơm nguội, ở một xó bếp trong căn nhà “NA – 12”. Cả những con chuột nằm ngửa bụng, oằn oại giãy chết trên sàn bếp nữa.
“Nào, cùng uống nào.”
Nghe bố nhắc lại, chẳng đặng đừng anh bảo:
“Bố, đây là thuốc chuột cơ mà.”
Suốt một lúc lâu, bố không nói một lời. Ông chỉ nhìn chằm chằm vào anh bằng đôi mắt trống rỗng mông lung. Anh nắm chặt vốc thuốc chuột trong tay. Mồ hôi túa ra từ lòng bàn tay khiến cho những viên thuốc nhỏ như hạt kê dần dần chảy vữa ra. Trên trần nhà, đám chuột vẫn đang chạy rầm rập.
“Con không thích uống sao?”
Anh thẳng thừng đáp lại bố:
“Bố, con không thích chết.”
Bố lấy vốc thuốc chuột khỏi tay anh, rồi lại nằm nghiêng quay mặt vào tường, và lại một đêm nữa trôi qua đầy mệt mỏi.
“Bố hết cách rồi. Làm gì thì làm, mày hãy tự sống bằng sức của mình đi.”
Đó là lời bố nói lúc dẫn anh đến cửa đồn cảnh sát ngay trước ga tàu. Cũng là lời cuối cùng.
Lúc đó anh không hiểu phải tự sống bằng sức của mình nghĩa là thế nào. Nhưng anh đã nghĩ rằng mình sẽ không sống như bố. Và còn một điều khôi hài nữa là cũng từ đó anh nghiến chặt răng thề sẽ không bao giờ ăn cái thể loại mì đen thêm một lần nào nữa.
Anh đã không thể hiểu được bố.
Anh cũng không hề muốn hiểu. À không, anh căm ghét bố. Mà không, ngay cả sự tồn tại của bố, anh cũng muốn xóa sạch khỏi ký ức. Vì cuộc sống vốn mệt mỏi đúng như lời bố nói, dù thế nào anh cũng phải tự vật lộn sống bằng chính sức của mình.
Suốt một thời gian dài, anh tưởng rằng mình đã quên được bố. Nhưng khi vợ anh báo tin cô đã mang thai, khuôn mặt bố lại hiện ra như thể giở lại trang đầu tiên của cuốn album ảnh cũ, và ý nghĩa của chữ bố hiện ra ngay khi anh cầm trên tay tấm ảnh đen trắng đã bị hỏng mất một góc.
Anh sẽ trở thành một người bố. Sự thật này với anh thật quá khó khăn. Ngày tháng trôi đi, anh vẫn ngượng nghịu và bối rối cho đến tận khi tên anh được gọi lên trong phòng chờ của khoa sản.
Giây phút đầu tiên được gặp đứa trẻ, khi ấy là cục máu đỏ hỏn được quấn trong cái tã, anh đã quyết định tạm biệt các thể loại cảm xúc như khó khăn hay ngượng nghịu. Bồi hồi và cảm kích, anh ôm đứa trẻ vào lòng. Anh đã trở thành bố. Anh chưa hề khát khao được làm bố. Nhưng anh có dự cảm rằng, rồi thì những lý do khiến anh phải sống hầu hết đều sẽ hướng cả về đứa trẻ.
Sợi dây gắn kết có tên gọi bố và con, đó thật là một mối giao cảm quá đỗi lạ kỳ.
Dường như cuộc chiến đấu với bệnh tật của đứa trẻ càng tiếp diễn, thì mối giao cảm ấy lại càng trở nên gắn bó. Bệnh tình của đứa trẻ lên xuống thất thường mỗi ngày. Nếu hôm nay có vẻ tốt thì ngày mai y như rằng sẽ lại xấu đi. Ngày nào tình trạng của đứa trẻ tốt thì cũng đồng nghĩa với việc anh có thể trải qua ngày ấy với tâm trạng nhẹ nhõm. Còn khi bệnh tình của đứa trẻ xấu đi, thì dù cho có việc gì đáng mừng chăng nữa, tất cả đều cũng sẽ trở nên vô nghĩa mà thôi.
Đứa trẻ đã trở thành tâm điểm trong cuộc sống của anh. Một hành tinh trong Hệ Mặt Trời thì luôn xoay quanh trung tâm hệ của nó, đó chính là cuộc sống của anh. Anh hiểu rõ rằng nếu mất đi đứa trẻ này thì anh sẽ mất đi lực hướng tâm và văng ra khỏi dòng đời. Như thể mất đi phần lớn những lý do để anh phải sống, đó sẽ là một cuộc sống mà anh không thể nào hòa nhập được, không thể cười nói, không thể hát ca.
Nhưng đứa trẻ đã hỏi anh. Rằng phải đau đớn như thế nào nữa mới chết được. Rằng đã đau đến mức này rồi thì chẳng phải chết đi có hơn không.
Sau khi rời khỏi phòng bệnh của đứa trẻ, anh đã không ngừng suy nghĩ.
Anh nghĩ liệu khoảng cách giữa người bố cầm nắm thuốc chuột trong tay, và anh, giờ đây chỉ có thể giương mắt nhìn nỗi đau đớn của đứa trẻ mắc bệnh vô phương cứu chữa, là bao xa. Giống như bóng lưng của người cha khi để lại anh trước đồn cảnh sát, rồi khập khiễng bước đi xa dần trên đôi chân thọt, chẳng phải anh cũng đang đứng quay lưng bỏ mặc đứa trẻ một mình trước cánh cửa dẫn tới cái chết hay sao.
Tối qua, khi đến thăm đứa trẻ, Yeong Jae đã ngập ngừng rồi nói, theo kinh nghiệm của cháu ấy mà…
“Trong thời gian chiến đấu với bệnh tật, điều mà cháu cảm thấy khó chịu đựng không phải là nỗi đau đớn thể xác. Mà là khi nhìn thấy dáng vẻ mệt mỏi của mẹ cháu khi ở bên cạnh chăm sóc cho cháu.”
Và cô bé còn nói thêm rằng có thể nhìn thấy sự mệt mỏi của mẹ mình ngày trước trên gương mặt anh lúc này.
Đứa trẻ gặp Yeong Jae khi nhập viện lần đầu tiên. Khi đó Yeong Jae là một nữ sinh cấp ba đang chiến đấu với chứng bệnh thiếu máu bất sản nghiêm trọng. Cô bé ấy dù mắc chứng bệnh nan y không thua kém gì bệnh máu trắng, nhưng chưa bao giờ đánh mất nụ cười, và giờ đây sau khi được chữa khỏi bệnh, cô đã trở thành một nữ sinh viên hoàn toàn khỏe mạnh. Từ khi đứa trẻ nhập viện trở lại, mỗi tuần cứ khoảng một đôi lần, cô bé lại đến thăm.
“Chúa không bao giờ đóng lại mọi cánh cửa. Nếu cánh cửa này khép lại, nhất định ở đâu đó sẽ có một cánh cửa khác được mở ra. Daum cuối cùng sẽ chiến thắng bệnh tật. Và sẽ sống thật tốt. Trải qua một cuộc thử thách khó khăn như thế này sẽ giúp em ấy tự hiểu ra rằng cuộc sống mà mình đã phải giành giật để có được mới thật là đáng quý biết bao. Vì thế, nếu như chú kiệt sức trước thì không được đâu.”
Quả đúng như lời Yeong Jae nói, anh đang kiệt sức. Dạo này anh có cảm giác mình cứ như đang rơi xuống địa ngục không đáy vậy.
Mỗi khi đứa trẻ oằn mình vì đau đớn anh lại đâm ra nghĩ ngợi. Rằng cuộc sống của họ chỉ nên dừng lại ở đây thôi có lẽ sẽ tốt hơn chăng. Rằng nếu như trên đời này có việc gì mà con người không đủ sức đương đầu, thì phải chăng anh và đứa trẻ đang ở trong tình cảnh ấy.
“Bố Daum ơi!”
Anh ngoái đầu về phía tiếng gọi. Người phụ nữ nhỏ nhắn ấy đang đứng đó, đôi mắt to khép lại rồi bừng mở. Có vẻ như cô không đi thẳng một mạch về phía khu phòng bệnh trẻ em.
Anh vừa khom người đứng dậy thì người phụ nữ liền hỏi như đã chờ đợi từ trước.
“Sao anh lại như thế này?”
Anh ngập ngừng chưa thể trả lời ngay, người phụ nữ lấy ra một chiếc khăn mùi xoa trong túi xách và chìa về phía anh. Có lẽ cả hai đều cần tới khăn mùi xoa, nhưng anh đã không từ chối. Anh nhìn chằm chằm chiếc khăn mùi xoa trong giây lát rồi hỏi:
“Seong Ho thế nào rồi chị?”
“Anh cầm lấy khăn lau nước mưa đi đã, không sao đâu ạ.”
Người phụ nữ khẽ nở nụ cười như thể đứa trẻ con đang giả bộ ngây thơ. Nhưng ngay tức thì, cô lại rũ vai xuống, rồi từ từ ngoảnh mặt đi. Nơi cô ngoái đầu nhìn chính là khu điều trị ung thư. Ở tầng hầm trong đó, đứa con của cô đang nằm trong một nơi giống như cái quan tài.
Bóng tối đậm đặc dần, và ngọn đèn đường ở giữa khu phòng bệnh trẻ em với khu điều trị ung thư càng thêm sáng tỏ. Những sợi mưa vẫn đang xối xả trút xuống với hình dạng y như lúc trước, xen giữa những tia ánh sáng màu vàng chanh.
“Tôi đã đánh nó vì nó cứ khăng khăng không muốn vào đó. Tôi đã đánh nó rồi gắng sức đẩy nó vào.”
Những giọt nước mắt lăn dài trên má người phụ nữ rồi ròng ròng chảy xuống. Người phụ nữ lặng lẽ khóc không thành tiếng. Những người cha, người mẹ phải chứng kiến cảnh đứa con bé bỏng của mình chiến đấu với bệnh tật ròng rã… tự khắc sẽ học được cách khóc trong lặng lẽ.
“Tôi đúng là một người mẹ tồi phải không?”
Anh ho khan khoảng ba bốn lần rồi đáp lại:
“Seong Ho chắc cũng hiểu lòng mẹ nó thôi.”
“Có thật là như thế không anh? Thật thế ạ?”
“Chị hãy cố lên. Mọi chuyện sẽ ổn cả thôi.”
Thật sự thì, không nhất thiết tất cả đều phải ổn. Nếu thế thì thật là khiên cưỡng. Một sự hy vọng hão huyền và tham lam quá đà. Chỉ cần đứa trẻ chiến thắng được bệnh tật, chỉ cần điều đó là đủ rồi. Và hơn ai hết người phụ nữ hiểu rằng, duy chỉ một điều ấy thôi cũng đã là tất cả đối với cô.
Người phụ nữ nhìn về phía khu điều trị ung thư rồi đột nhiên nói một cách hồ hởi:
“Đúng rồi. Chúng ta mà quỵ ngã trước thì không được. Bố của Daum cũng cố gắng lên nhé.”
Anh gật đầu rồi tiếp lời:
“Vậy chị về đi. Nhìn chị ướt mưa như thế này thật không hay chút nào.”