Review sách
Review sách CHÚ BÉ MANG PYJAMA SỌC (Vương Hoàng Phụng)
Cuốn sách kể về chiến tranh dưới góc nhìn của Bruno, một cậu bé chín tuổi, con của một sĩ quan cấp cao trong quân đội phát xít Đức, khoảng năm 1943.
Câu chuyện bắt đầu khi Bruno bị buộc phải rời Berlin, để chuyển đến Ao Tuýt. Cậu nhớ nhà ở Berlin đầy tiện nghi, nhớ phố xá, nhớ bạn bè, nhớ ông bà. Cậu không hiểu tại sao cậu phải chuyển đến đây, hay tại sao ở đây lại có nhiều lính như vậy, hay tại sao lại có hàng rào kẽm gai ngăn cách ngôi nhà của cậu và những gian trại, hay những người mặc pyjama sọc bên kia là ai, hay tại sao những người lính thì đối xử tệ với họ…bao nhiêu câu hỏi trong đầu cậu nhưng những người lớn thì không ai có thể giải thích cho cậu. Cậu mang tâm trạng bất bình, buồn chán và cô đơn.
Rồi trong một chuyến thám hiểm, cậu kết bạn với Shmel, một cậu bé Do Thái bằng tuổi cậu ở phía bên kia hàng rào. Qua những lần trò chuyện, chúng trở nên thân thiết dù chưa hề chơi chung một trò chơi. Một tình bạn đẹp, không phân biệt giai cấp, chủng tộc. Chúng ước có thể nhìn nhau mà không có hàng rào ngăn cách, điều ước mới đơn giản làm sao, nhưng rồi chỉ có cái chết mới có thể biến điều ước ấy thành hiện thực.
Trại huỷ diệt Auschwitz, cuộc thảm sát người Do Thái, phòng hơi ngạt…những tội ác của phát xít Đức, được miêu tả một cách ngây thơ qua góc nhìn của hai đứa trẻ, không máu me, không đau đớn nhưng vẫn xót xa, và đầy thương tâm.
Có ý kiến phản bác rằng, mùi chết chóc có thể bay xa hàng trăm dặm và khiến người dân nghi ngờ thì tại sao một cậu bé 9 tuổi ở ngay trong trại mà không biết chuyện gì xảy ra xung quanh. Hay xung quanh trại là hàng rào điện, một cậu bé Do Thái không thể nào đến gần, nên việc hai cậu bé có thể kết bạn trong hoàn cảnh ấy thật vô lí. Nhưng cần gì có lí chứ?! Chẳng phải chiến tranh đã cướp mất tuổi thơ của những đứa trẻ, dù ở phía bên này hay bên kia hàng rào sao?! Và chẳng phải cái tình bạn vô lí như chuyện thần tiên kia giúp chúng ta biết hy vọng vào một tương lai không còn phân biệt chủng tộc, giai cấp hay sao?!