Hài Hước Một Chút Thế Giới Sẽ Khác Đi - Lưu Chấn Hồng - Chương 1.1
- Home
- Hài Hước Một Chút Thế Giới Sẽ Khác Đi - Lưu Chấn Hồng
- Chương 1.1 - Top 10 nguyên tắc hài hước của người thành công
HÀI HƯỚC MỘT CHÚT, THÀNH CÔNG SẼ Ở GẦN BẠN HƠN
Hài hước là một nhân tố có tính hài kịch đặc biệt, đồng thời cũng là sự thể hiện hoặc tái hiện nhân tố hài kịch trong đời sống và nghệ thuật. Nó thông qua các thủ pháp như so sánh, khoa trương, tượng trưng, ngụ ý, điệp âm… vận dụng những ngôn từ thông minh, thú vị để tiết lộ, phê bình hay giễu cợt một cách hàm súc những sự vật, hiện tượng không hợp lí, những mâu thuẫn trong đời sống xã hội, khiến người ta phủ định sự vật hay hiện tượng đó trong những tiếng cười thoải mái, nhẹ nhàng. Nhưng hài hước không phải là muốn nói thế nào thì nói, cũng không phải là một tấc đến giời, mà cần phải thấu hiểu các nguyên tắc cơ bản.
1. CÓ MỘT TÂM LÍ LÀNH MẠNH, LẠC QUAN, TÍCH CỰC
Sức khỏe bắt đầu từ sự hài hước. Hài hước là một biểu hiện tâm trạng đặc biệt, nó là công cụ để con người thích nghi với môi trường, là một trong những phương pháp để con người giảm bớt áp lực tinh thần khi đối diện với khó khăn.
Hài hước bắt nguồn từ một tâm lí tốt và tính cách lạc quan, có thể giúp con người giảm bớt tâm trạng tiêu cực, giải tỏa những đau buồn, phiền não.
Một người hài hước khi giao thiệp sẽ dễ dàng nhận được sự tin tưởng và yêu mến của mọi người hơn. Ngoài ra, một người hài hước cũng có thể phát hiện được “nhân tố có tính kịch” trong một hoàn cảnh không như ý, từ đó khiến cho tâm lí của bản thân được cân bằng.
Một nhà văn người Đức từng nói: “Điều khiến cho người ta bật cười, là sự khôi hài; điều khiến người ta suy nghĩ một lát mới bật cười, là sự hài hước.” Bởi vậy, muốn học sự hài hước, thì trước tiên cần có một tâm lí lành mạnh, lạc quan và tích cực.
Abraham Lincoln – Tổng thống thứ 16 của Mĩ, suốt cuộc đời đã luôn vấp phải những gian khổ và trắc trở. Xuất thân bần hàn, năm lên 9 tuổi thì mẹ qua đời, đến tận năm 15 tuổi Lincoln mới được đi học.
Năm 24 tuổi, Lincoln hợp tác buôn bán với người khác, nhưng vì không biết kinh doanh nên thất bại, vì vậy ông phải gánh lấy món nợ suốt 15 năm ròng. Năm 25 tuổi, mối tình đầu của ông – bà Anne – qua đời vì bệnh tật, điều này khiến Lincoln vô cùng đau khổ, sau đó thường xuyên bị rơi vào trạng thái trầm uất. Năm 32 tuổi, ông kết hôn với tiểu thư Mary Todd, nhưng vì tính tình nóng nảy của vợ mà ông thường xuyên không về nhà. Năm 35 tuổi, ông bắt đầu thi tuyển công chức, nhưng lần nào cũng thất bại. Năm 52 tuổi, cuối cùng ông cũng được bầu làm Tổng thống Mĩ, đúng năm đó thì nội chiến Nam – Bắc Mĩ nổ ra.
Trong cuộc nội chiến này, tuy rằng về số lượng quân nhân lẫn trang thiết bị của quân đội miền Bắc đều vượt trội hơn quân đội miền Nam, nhưng lại liên tiếp gặp thất bại trên chiến trường. Cuộc nội chiến vốn dự đoán chỉ diễn ra trong hai năm thì trên thực tế đã kéo dài ròng rã suốt bốn năm trời khiến Lincoln chịu nhiều khổ cực.
Vậy mà Lincoln đã dùng nụ cười để hóa giải tất cả những bất hạnh trong đời một cách tích cực. Nhưng bất hạnh cuối cùng đã xảy ra khi ông 56 tuổi, chiến tranh Nam – Bắc Mĩ kết thúc, cuộc bầu cử Tổng thống Mĩ một lần nữa được tổ chức, khi đi xem kịch tại Kịch viện Ford, ông đã bị người ta ám sát.
Thực ra, Lincoln vốn là một người không giỏi ăn nói, môi trường sống của ông cũng vô cùng tẻ nhạt. Để cuộc sống của mình luôn tràn ngập ánh mặt trời, và cũng là để giảm bớt những phiền muộn, ông đã tích cực học cách hài hước.
Mỗi tối trước khi đi ngủ, Lincoln đều đọc một vài mẩu truyện cười, thói quen này duy trì cho tới tận khi ông trở thành chủ nhân của Nhà Trắng.
Ngoài ra, Lincoln luôn rất sẵn lòng chia sẻ truyện cười với người khác, ông thích nhất là kể những câu chuyện vui mà bản thân được nghe trong những năm tháng sinh sống và lớn lên ở nông trại. Người ta thường nghe thấy ông mở đầu rằng: “Lời anh nói khiến tôi nhớ lại một truyện cười.”
Mỗi khi kể truyện cười, gương mặt Lincoln bừng sáng, ánh mắt lấp lánh, giọng nói bất giác như cao hơn, có lúc ông không kiềm chế được bản thân, bật cười to lên rồi khoa chân múa tay. Lâu dần, Lincoln không chỉ tự rèn luyện bản lĩnh hài hước của mình, mà còn trở thành một cao thủ kể truyện cười.
Khi phải vượt qua nhiều khó khăn hoạn nạn mà Lincoln vẫn luôn giữ được nụ cười trên môi, đó cũng là một biểu hiện của tâm lí tích cực.
Hài hước có thể giúp nâng cao khả năng “miễn dịch” của con người. Một người hài hước sẽ có tính cách lạc quan và cái nhìn tích cực về hạnh phúc trong cuộc sống. Mặt khác, thường cũng chỉ những người có thái độ sống tích cực mới có sự hài hước, bởi vậy, hài hước và tâm lí tích cực không thể tách rời khỏi nhau. Người hài hước đa phần đều là những người lạc quan, tích cực, đồng thời cũng là những người ấm áp, dịu dàng, họ luôn giữ thái độ vui vẻ với người khác, ít khi tuyệt vọng về cuộc sống.
Thẩm Tùng Văn – một tác gia lớn của Trung Quốc luôn tạo cho người khác có ấn tượng rằng ông là một người nho nhã, lịch sự – trong thời kì Cách mạng Văn hóa đã bị bè phái tạo phản phạt quét nhà vệ sinh nữ.
Sau này, Thẩm Tùng Văn nói với Hoàng Vĩnh Ngọc rằng đây thực ra là sự tin tưởng của bè phái tạo phản dành cho ông: “Họ biết tuy rằng về mặt chính trị tôi không đáng tin, nhưng mặt đạo đức lại cực kì đáng tin tưởng”.
Các tác phẩm của Thẩm Tùng Văn đều rất hay, nhưng chính tâm lí lạc quan và sự bình thản được thể hiện qua tính hài hước dù sống trong hoàn cảnh khó khăn của ông mới là thứ khiến cho người ta càng khâm phục hơn nữa.
Hài hước không những khiến tư duy bản thân trở nên nhạy bén hơn, nụ cười luôn nở trên môi, mà còn khiến người khác trở nên cởi mở hơn, thân thiện với ta hơn. Ngoài ra, hài hước có thể giúp con người nâng cao khả năng giao tiếp, có thêm nhiều mối quan hệ tốt đẹp.
Trong sự hài hước có thể biểu lộ sự ôn hòa thiện ý, cởi mở, nhưng cũng có thể bộc lộ sự đả kích sắc bén. Chỉ cần thông qua đó có thể thấy được trí tuệ cũng như thái độ sống tích cực của một người. Giúp con người có thêm sức mạnh từ những tiếng cười thì “hài hước” một chút có gì là xấu?
Chỉ khi sống trong tâm lí lạc quan, tích cực thì con người mới có thể sống tốt và hưởng thụ cuộc sống. Bởi vậy những người hài hước thường khỏe mạnh hơn người khác.
Tướng quân Tôn Nghị – người được mệnh danh là “Cây tùng trẻ mãi” của quân đội Trung Quốc là một người vô cùng hài hước. Trên quãng đường trường chinh dài dằng dặc, với tư cách là Tham mưu trưởng, lẽ ra ông được cưỡi ngựa, nhưng cố vấn quân sự Lí Đức lại lấy lí do “Tôn Nghị là quân trắng (1)” để hủy tư cách được cưỡi ngựa của ông.
(1) Quân trắng: Chỉ quân đội phản cách mạng của giai cấp tư sản.
Trước sự kì thị này, Tôn Nghị chỉ mỉm cười: “Không có bốn chân, tôi vẫn còn hai chân mà!”. Ông sẵn sàng đứng trên đôi chân của mình để đi hết quãng đường trường chinh.
Mỗi khi có người nhắc tới quá khứ không vui, Tướng quân Tôn Nghị thường đùa rằng: “Tôi phải cảm ơn Lí Đức, ông ấy đã giúp tôi rèn luyện đôi chân, đặt nền móng cho một sức khỏe tốt.”
Chính nhờ sự rộng lượng và hài hước đó mà Tướng quân Tôn Nghị khỏe mạnh, trường thọ và luôn luôn vui vẻ.
Những người hài hước đều là những người sống tích cực, lạc quan, phóng khoáng, tâm tính khoan dung, ôn hòa, hơn nữa còn tràn đầy niềm tin vào cuộc sống và tự tin vào bản thân.
Những người hài hước đều là những người có tâm lí lành mạnh, còn những người tâm lí không lành mạnh thì không thể hài hước được.
Triết gia người Đức – Kant sống tới 80 tuổi, ông cho rằng hài hước có tác dụng rất lớn trong việc giúp con người sống khỏe mạnh và trường thọ. Ông từng nói rằng: “Nếu không biết đến sự hài hước thì cuộc sống của con người quả thực quá khổ sở”. Ông luôn giữ tâm trạng lạc quan và hài hước cho tới tận những năm tháng cuối đời.
Trong cuộc sống, thêm một phút hài hước là thêm một phút niềm vui; trong các mối quan hệ xã hội, thêm một chút hài hước là thêm một chút thân thiện; bất cứ nơi nào có sự hài hước thì đều có không khí hài hòa, vui vẻ.
Bởi vậy, chỉ cần bạn có thái độ tích cực, lạc quan với cuộc sống thì sự hài hước sẽ luôn ở bên bạn.
2. NHÌN NHẬN THẾ GIỚI TỪ GÓC ĐỘ THÚ VỊ
Trong cuộc sống, không phải mọi người đều có khiếu hài hước, để hài hước cũng cần có những điều kiện nhất định. “Sự hài hước” – nói một cách đơn giản là kể chuyện cười. Từ góc độ này, muốn học sự hài hước thì cần phải học cách nhìn nhận thế giới từ những góc độ thú vị.
Cuộc đời mỗi người, hoặc sẽ trôi qua một cách bình yên, hoặc sẽ nhiều sóng gió, có vui và cũng có buồn. Quan trọng là chúng ta nhìn nhận và đối mặt với cuộc đời bằng thái độ nào.
Tìm một hồ nước đẹp, câu lấy vài con cá, nhớ lại những được và mất trong đời; uống một bình rượu ngon, kết thêm vài người bạn, mỉm cười nhìn đời người được mất. Không vui cũng là sống, mà vui cũng là sống, vậy thì chúng ta hãy vui vẻ lên một chút, học cách điều tiết tâm trạng của bản thân! Lúc buồn ta nên tự tìm niềm vui cho mình, để cuộc sống bình yên được thêm phần thú vị.
Trắc trở hay thất bại là chuyện thường gặp trên đường đời, nếu không biết nâng cao khả năng chịu đựng áp lực thì những lo lắng và căng thẳng ấy chắc chắn sẽ khiến chúng ta mệt mỏi. Nhưng nếu nghiêm túc nhìn nhận lại vấn đề từ góc độ khác, có thể bạn sẽ phát hiện ra đó không phải là một khó khăn.
Bởi vậy, có những lúc chúng ta cần phải nhìn cuộc sống bằng con mắt lạc quan, và cũng chỉ khi lạc quan thì mới có được sự hài hước. Một người luôn cảm thấy chán ghét vạn vật trên thế giới, không có hứng thú với bất cứ việc gì thì chắc chắn không thể là người hài hước.
Xưa có ông lão tên là Tái Ông sinh sống ở vùng biên giới phía bắc Trung Quốc. Ông là một người rất lạc quan và hài hước.
Một hôm, con ngựa nhà Tái Ông không hiểu vì sao mà lạc đường không thấy quay về. Hàng xóm biết chuyện đều tới chia buồn với ông. Nhưng Tái Ông lại chẳng thấy buồn, ngược lại còn an ủi mọi người: “Mất ngựa đương nhiên là việc xấu, nhưng ai biết được, có khi nó mang lại điều gì khác tốt đẹp hơn ấy chứ!”.
Không ngờ vài tháng sau, con ngựa lạc đường ấy lại quay về và dẫn theo một con ngựa khác. Đó là một con tuấn mã rất đẹp của người Hồ. Thấy vậy, hàng xóm đều tới chúc mừng nhà ông. Ông lão không có vẻ gì vui mừng, nói: “Biết đâu việc này lại chẳng mang đến tai họa gì.”
Con trai của Tái Ông rất thích con tuấn mã mới, ngày nào cũng cưỡi nó đi dạo chơi mà không biết chán. Một hôm, cậu con trai vì hứng chí quá nên bất cẩn ngã từ trên lưng ngựa xuống, gẫy mất một chân, trở thành người tàn tật suốt đời. Những người hàng xóm tốt bụng nghe tin lại tới hỏi han, an ủi, nhưng Tái Ông hoàn toàn không tỏ ra bi thương, ông vẫn nói câu cũ: “Ai biết nó có mang lại điều gì tốt đẹp hơn không.”
Một năm nữa trôi qua, người Hồ đưa quân sang xâm lược, tình hình biên cương vô cùng căng thẳng, những thanh niên trai tráng đều bị gọi nhập ngũ, mười người thì có tới tám, chín người chết trên chiến trường. Nhưng con trai Tái Ông do chân bị tàn phế nên được miễn quân dịch, vì thế bố con ông thoát được kiếp nạn sinh li tử biệt.
Sau đó, người đời tổng kết câu chuyện này thành câu thành ngữ “Tái Ông thất mã” với ngụ ý rằng: Việc tốt hay xấu trên thế gian này đều không phải là tuyệt đối, trong điều kiện nhất định, việc xấu có thể mang tới kết quả tốt. Bởi vậy, hãy nhìn nhận thế giới qua một đôi mắt tràn đầy sự lạc quan, tin tưởng.
Có một anh thanh niên, sau khi đi thử xe máy mới thì bị tai nạn và trở thành tàn phế, anh nói đùa với những người tới thăm: “Chà, ngày trước tôi cứ nghĩ, một ngày mình có một cái xe máy mới thì tốt. Bây giờ tôi có một chiếc xe thật, hơn nữa đúng là có trong một ngày”. Mọi người nghe anh nói đều bật cười vui vẻ.
Đối với anh thanh niên này, bị tai nạn xe là một sự thực không thể thay đổi, nhưng anh không nhìn sự việc đó một cách quá nặng nề, mà sử dụng sức mạnh của sự hài hước để làm giảm bớt nỗi đau khổ của bản thân, đồng thời mang lại cho những người xung quanh sự vui vẻ, lạc quan.
Nhìn cuộc đời dưới một lăng kính mới mẻ sẽ khiến chúng ta có cái nhìn vui vẻ hơn, đó là điều mà chỉ những người hài hước mới làm được. Người hài hước thường tỏ ra vô cùng cởi mở, với bất cứ sự việc gì cũng luôn giữ thái độ tích cực, lạc quan.
Hài hước có tác dụng rất tích cực, nó vừa giúp tâm lí chúng ta giữ được sự cân bằng, ổn định, lại vừa có thể giải tỏa những nút thắt tâm lí, phát huy vai trò giảm thiểu lo lắng, bất an, là một “liều thuốc phòng ngự” giúp cho tinh thần luôn được khỏe mạnh.
Hài hước luôn khiến cuộc sống trở nên thú vị hơn. Nó là ánh sáng của trí tuệ, là một phẩm chất tốt đẹp của tư duy chứ không phải là biểu hiện của sự lẻo mồm lẻo mép, cũng không phải là những trò đùa dung tục. Hài hước có thể giúp ta hiểu hơn về cuộc đời, tìm ra điểm sáng trong cuộc sống, mang lại cho con người niềm vui và hạnh phúc.
Triết gia nổi tiếng Socrates là một người vô cùng hài hước. Trước những sai lầm của người khác, ông không bao giờ chọn cách chỉ trích, mà chọn sử dụng một phương pháp khác – hài hước.
Vợ Socrates là một người tính tình nóng nảy, thường xuyên làm người chồng nổi tiếng của mình mất mặt trước đông đảo mọi người.
Có một lần, khi Socrates đang cùng học trò thảo luận về mấy vấn đề học thuật thì không biết vì sao đột nhiên vợ ông xông vào quát tháo, khiến cả lớp học kinh ngạc. Sau đó, bà còn xách một thùng nước lạnh dội vào người Socrates, khiến ông ướt như chuột lột.
Khi các học sinh đang tỏ ra vô cùng ngượng ngùng, bối rối thì Socrates hiền hòa cười nói: “Ta biết ngay sau khi có sấm là trời mưa mà.”
Chỉ một câu nói hài hước ấy của ông đã khiến cơn tam bành của bà vợ lập tức tan biến, mọi người cùng bật cười vui vẻ. Điều khiến chúng ta khâm phục hơn nữa, đó là tố chất văn hóa cao siêu, nghệ thuật tu dưỡng và cả tấm lòng rộng lượng của bậc thầy trí tuệ này.
Từ đó có thể thấy một người hài hước sẽ biết nhìn thế giới từ góc độ thú vị, giống như Socrates. Hay nói cách khác, một người muốn có sự hài hước thì nên nhìn nhận thế giới từ góc độ khác thú vị hơn.
Bởi vậy, xét trên một phương diện nào đó thì hài hước có thể giúp chúng ta giảm nhẹ áp lực tâm lí, thoát khỏi khó khăn, chiến thắng phiền não, phấn chấn tinh thần; từ đó khiến cho mọi người càng thêm yêu mến, tin tưởng bạn, các mối quan hệ cũng trở nên hài hòa hơn, tình cảm được thắt chặt hơn.
Hài hước không có nghĩa là đùa cợt, nó sâu sắc hơn đùa cợt rất nhiều; hài hước không có nghĩa là chọc cười, nó có ý nghĩa hơn việc chọc cười rất nhiều; hài hước cũng không phải là mồm mép, dung tục, chớt nhả, mà là một phẩm chất và năng lực, và cũng là một môn nghệ thuật.
Engels cho rằng, hài hước là biểu hiện của trí tuệ, tu dưỡng và đạo đức. Có một nhà văn còn nói, linh hồn của hài hước chính là sự chân thành và trang nghiêm.
Có lẽ bạn sẽ không khó để nhận thấy một người có lòng dạ hẹp hòi, chi li tinh toán, thủ đoạn độc ác, đê tiện bỉ ổi thì sẽ rất khó có được sự hài hước.
Bởi vì hài hước có mối quan hệ mật thiết với sự thành thực, lương tri, đạo đức và chân lí, còn sự giả dối, bất nghĩa, vô nhân tính thì không thể đi cùng với sự hài hước.
Trong cuộc sống hay công việc thường ngày, nếu mỗi người biết hài hước hơn một chút thì sẽ có được tâm trạng thoải mái hơn một chút.
Vậy chúng ta hãy cố gắng luôn giữ một tâm lí khỏe mạnh để chào đón ngày mới, nhìn nhận thế giới bằng đôi mắt lạc quan, như thế, bạn sẽ phát hiện ra mình có một cuộc sống tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn.
3. TRÍ NHỚ VÀ KHẢ NĂNG PHẢN ỨNG TỐT
Sự hài hước luôn tồn tại trong mọi ngóc ngách của cuộc sống. “Hài hước” lại có thể chia thành hai loại: tầng nông và tầng sâu.
“Tầng nông” để chỉ sự hài hước được thể hiện qua biểu cảm, ngôn ngữ cơ thể, thêm vào đó là lời nói, có thể khiến người ta bật cười, qua đó đạt mục đích chọc cười người khác.
Còn “tầng sâu” thì để chỉ sự hài hước thông qua việc chọn một thời điểm thích hợp để bày tỏ quan điểm về thế giới và suy nghĩ về sự vật, mà cách biểu đạt suy nghĩ và quan điểm này lại vận dụng những hiện tượng tưởng chừng rất đơn giản và bình thường trong cuộc sống, dùng cách nói bình thường nhưng hàm chứa chân lí để chọc cười người khác. Hay nói cách khác, đó là những câu nói nghe qua tưởng chừng hoang đường nhưng trong đó lại hàm chứa đạo lí hay một sự tổng kết đúng đắn, phản chiếu ánh sáng của trí tuệ. Và điều này cần phải được xây dựng trên cơ sở một nền móng kiến thức phong phú.
Hài hước ở tầng nông cần có đầu óc thông minh, phản ứng nhanh nhạy, trí nhớ tốt.
Hài hước ở tầng sâu thì ngoài những nhân tố kể trên, còn cần có một tư duy nhạy bén và khả năng lí giải vấn đề. Có thể nói đây là điều mà không phải ai cũng đạt tới được.
Thâm thúy khó lường, sự hài hước ở tầng sâu có lẽ sẽ không mang lại không khí náo nhiệt như sự hài hước ở tầng nông, mà thường chỉ khiến bạn mỉm cười nhẹ nhàng, nhưng như thế không có nghĩa là nó làm giảm bớt sự tán thành và khâm phục mà người khác dành cho bạn. Có thể người khác không nói ra, nhưng hình ảnh của bạn trong lòng họ sẽ dần dần được nâng cao.
Hài hước khác với chọc cười. Chọc cười là thông qua những ngôn ngữ, hành vi khác người hay khác thường để giành được tiếng cười của mọi người, nhưng nó thiếu những ý nghĩa sâu xa mà hài hước mang lại.
Trước khi Chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra không lâu, người ủng hộ chủ nghĩa nữ quyền ở Mĩ – Nancy Witcher Astor có một cuộc phỏng vấn thủ tướng Anh – Churchill, Churchill cũng rất nhiệt tình đón tiếp cô.
Trong lúc trò chuyện, Astor thảo luận tới vấn đề quyền lực của phụ nữ và khẩn thiết hi vọng Churchill giúp cô trở thành nữ nghị sĩ đầu tiên bước chân vào Hạ viện. Churchill chế giễu suy nghĩ này của cô, và cũng không đồng ý với một số quan điểm của nhà nữ quyền này, khiến cô nổi giận.
Cô nói: “Nếu tôi là vợ ngài, tôi sẽ cho thuốc độc vào li cà phê của ngài.”
Churchill dịu dàng tiếp lời: “Nếu tôi là chồng cô, tôi sẽ uống nó mà không hề do dự.”
Nếu trong lúc trò chuyện, bạn nắm bắt được kĩ năng hài hước thì sẽ khéo léo đối phó được với các tình huống khó xử, điều tiết cuộc sống, thậm chí là thay đổi cả cuộc đời mình, khiến cho cuộc sống tràn đầy sự lạc quan.
Người hài hước thường nhanh trí trong việc hóa giải những tình huống khó khăn, nguy hiểm bằng những cách sáng tạo và chu toàn. Thường những người có EQ cao sẽ giỏi vận dụng sự hài hước để đối phó với tình huống nguy cấp.
Một hôm, Goethe – nhà thơ người Đức đi tản bộ trong công viên. Trên con đường nhỏ chỉ vừa cho một người đi, ông thấy một nhà phê bình luôn có những bài phê bình rất gay gắt đối với tác phẩm của ông đang bước tới.
Nhà phê bình này cao giọng nói: “Tôi chưa bao giờ nhường đường cho kẻ ngốc.”
“Còn tôi thì ngược lại!”, – Goethe bình tĩnh nói và mỉm cười bước sang một bên.
Cách xử sự thông minh này của Goethe còn được truyền tụng rộng rãi đến mãi sau này. Chiến thuật hài hước mà ông vận dụng cũng giống như nguyên lí lấy nhu khắc cương trong Thái cực quyền của Trung Quốc.
Trong mắt người đời, hài hước chẳng qua chỉ là một công cụ gây cười. Nhưng nếu bạn thực sự cho rằng như vậy thì bạn đã nhầm to.
Trong sự hài hước còn bao hàm cả trí tuệ, qua đó có thể nhận ra khả năng phản ứng của một người nhanh hay chậm, bởi vậy nó không những có thể chọc cười người khác, mà còn có rất nhiều tác dụng khác nữa.
Trong quá trình giao tiếp, hài hước không những có thể giải tỏa áp lực cho cả đôi bên mà còn có thể thể hiện nhân cách, sự cởi mở, khoáng đạt, đồng thời thể hiện trí tuệ, tài năng cũng như sức hút của con người.
Nếu gặp phải một sự việc ngoài ý muốn hoặc một vấn đề khó trả lời trực tiếp, thì chúng ta có thể thông qua sự hài hước để thoát khỏi sự bối rối, tạo cho mình một con đường lui.
Quý ông nọ đang dùng cơm trong nhà hàng thì đột nhiên phát hiện ra trong tô canh có một con ruồi. Ông bèn gọi người phục vụ tới, lạnh lùng hỏi: “Xin hỏi, cái thứ này đang làm gì trong tô canh của tôi?”.
Trong tình huống này, cho dù người phục vụ có giải thích hay xin lỗi thế nào đi nữa thì cũng sẽ phải nhận lời phê bình gay gắt, thậm chí là khiến cho thực khách thêm phẫn nộ. Nhưng cuối cùng, sự hài hước đã cứu anh ta một bàn thua, khiến không khí trở nên bớt căng thẳng.
Anh ta cúi xuống, quan sát rất lâu rồi trả lời: “Thưa ngài, nó đang bơi ngửa!” Các thực khách trong quán ăn lập tức bật cười.
Một vị khách đến dùng bữa ở một khách sạn nổi tiếng, gọi món tôm hùm. Nhưng ông phát hiện ra con tôm hùm trong đĩa chỉ có một cái càng. Ông bèn hỏi người phục vụ, người phục vụ lập tức gọi ông chủ tới.
Ông chủ tỏ ra vô cùng biết lỗi và giải thích: “Xin lỗi quý khách, thực ra tôm hùm là một loài động vật rất tàn nhẫn. Có thể khi đánh nhau với đồng loại, con tôm hùm của ngài đã bị cắn mất một bên càng.”
Vị khách cũng khéo léo trả lời: “Vậy thì phiền ông đổi cho tôi con tôm đã chiến thắng.”
Ở đây, cả ông chủ và vị khách đều dùng cách nói rất hóm hỉnh để uyển chuyển giải quyết mâu thuẫn giữa đôi bên. Phương thức này không hề giễu cợt, phê phán hay làm tổn thương tới lòng tự trọng của người khác mà vẫn bảo vệ được danh dự cho nhà hàng cũng như lợi ích của khách hàng.
Còn sự hài hước của ông chủ cũng có mối quan hệ mật thiết với khả năng phản ứng của ông. Bạn thử nghĩ xem, nếu ông không có khả năng phản ứng tốt thì liệu có thể đối phó được với tình huống khó xử này không?
Trong sự hài hước cũng bao hàm trí tuệ của mỗi người, khi người khác nói bạn thật hài hước, thực ra là họ đang khen ngợi sự thông minh của bạn, bởi một người không thông minh thì sẽ khó lòng thể hiện được sự hài hước.
Hài hước cần có một khả năng ứng biến nhanh nhạy, thích hợp với thời điểm thì mới có thể khiến người ta bật cười. Hài hước còn cần tới trí tuệ, dùng lời lẽ uyển chuyển để biểu đạt một thông tin, bởi vậy, ít nhiều nó cũng mang chút châm chọc.
Chỉ khi nhanh chóng nắm bắt được bản chất của sự vật, rồi dùng sự so sánh thích hợp, ngôn ngữ vừa phải để biểu đạt thì mới mang lại cho người khác cảm giác thoải mái, nhẹ nhàng.
Đương nhiên, khi thể hiện sự hài hước, bạn nên đặc biệt chú ý: Nguyên tắc quan trọng là tuyệt đối không được qua loa đại khái, các vấn đề khác nhau cần có cách xử lí không giống nhau, khi xử lí vấn đề phải có sự linh hoạt, hài hước nhưng không dung tục, như thế hài hước mới thực sự mang lại “dinh dưỡng” cho đời sống tinh thần của con người.
Một hướng dẫn viên du lịch đang giảng giải về những điều cần chú ý khi đi du lịch. Lúc bắt đầu, anh ta đã nói trước là chỉ nói hai câu, nhưng chẳng hiểu sao lại nói suốt mười phút đồng hồ, một vị khách nửa đùa nửa thật nói: “Anh chỉ nói hai câu mà sao lâu thế?”.
Các du khách khác đều bật cười, người hướng dẫn viên rất bối rối, nhưng lập tức nói: “Câu mở đầu và câu kết thúc, ở giữa không tính, vậy chẳng phải là hai câu sao?” Câu trả lời hài hước và nhanh trí ấy đã giúp anh thoát khỏi sự bối rối, các du khách cũng cười vui vẻ.
Có một hướng dẫn viên du lịch khác cùng khách Âu Mĩ đi ăn cơm, vị khách đó có vẻ rất hứng thú với việc dùng đũa của người bản địa, bèn muốn người hướng dẫn làm mẫu.
Trong lúc làm mẫu, do bất cẩn nên người hướng dẫn làm một chiếc cốc rơi xuống đất vỡ tan, khiến tất cả thực khách xung quanh giật mình. Không khí trong quán ăn lập tức trở nên yên lặng, các vị khách đều quay sang nhìn anh.
Lúc này, anh nhún vai nói: “Như thế gọi là hoa nở dưới đất, vàng ngọc đầy nhà”. Sự hài hước của anh khiến cách du khách lại náo nhiệt trở lại, quán ăn lập tức ồn ào hẳn lên.
Bởi vậy trong cuộc sống, chúng ta nên học cách củng cố trí nhớ thêm sâu sắc, nâng cao khả năng quan sát sự vật, hiện tượng, bồi dưỡng sự nhanh nhạy để nâng cao khiếu hài hước.
4. LÙI MỘT BƯỚC ĐỂ TIẾN HAI BƯỚC, BIẾT NHƯỜNG NHỊN NGƯỜI KHÁC
Khi nói về lí do thành công, người ta thường nhấn mạnh tinh thần tích cực tiến thủ. Nhưng có những lúc, chỉ biết lao về phía trước chưa chắc đã là phương pháp tốt nhất; thực ra, lùi một bước để tiến hai bước cũng là một sách lược trong cuộc sống.
Đương nhiên chúng ta nên cổ vũ tinh thần quyết không từ bỏ mục tiêu đã đề ra, bởi trên thực tế, thực sự nó đã khiến rất nhiều người đạt được thành công.
Nhưng trong thế giới phức tạp và không ngừng thay đổi này, đương nhiên chúng ta không thể sử dụng cùng một sách lược để đối phó với mọi tình huống, đôi khi chúng ta cũng phải biết nhún mình, nhường nhịn người khác. Trong cuộc sống, trường hợp như vậy không phải là hiếm.
Ví dụ, giữa một khu chợ đông đúc, anh A vô tình giẫm phải chân anh B, anh B bèn nhắc nhở: “Này, anh đang tự làm đau chân mình đấy à?” Anh A nói: “Xin lỗi, chân tôi không có mắt. Ha ha, hay là anh giẫm lại tôi một cái đi!” Như thế, chỉ đôi câu nói đã giúp hai người tránh được một cuộc cãi vã không đáng có.
Thực ra, trong cuộc sống hàng ngày, thêm một chút hài hước, bớt vài phần nguyên tắc là chúng ta đã có thêm rất nhiều niềm vui và lòng yêu đời. Trong công việc, thêm một phần hài hước, bớt vài phần cứng nhắc là chúng ta có thể giảm bớt áp lực, nâng cao nhiệt tình với công việc. Trong giao tiếp, thêm một chút hài hước, bớt vài phần khắc nghiệt là chúng ta đã có thể biến mâu thuẫn thành mối quan hệ hòa hảo, tăng cường sự thấu hiểu, thông cảm giữa người với người.
Hai người A và B vì một nguyên nhân rất nhỏ trong công việc mà cãi nhau. A chất vấn B: “Vì sao anh vô lí thế hả?” B nói: “Tôi vốn không có lí thì nói lí gì với anh?” A nghe thế bật cười, thế là mọi giận hờn đều tan biến.
Có những lúc, nếu cứ giữ thái độ căng thẳng kéo dài chưa chắc đã mang lại kết quả tốt. Cho dù là trong việc gì cũng đều nên biết nhường nhịn, bởi nhường nhịn đôi khi sẽ mang lại cho chúng ta những thu hoạch không ngờ.
Có một ông lão bị một chàng trai trẻ đụng phải trên xe bus, ông lão không những không trách cứ mà còn hài hước nói: “Tại tôi đứng không đúng chỗ phải không?” Chỉ một câu nói hài hước đã khiến không khí căng thẳng trong phút chốc bị nhấn chìm bởi tiếng cười của mọi người.
Trên thực tế, trong nhiều trường hợp, cùng một câu nói nhưng nếu nói bằng giọng điệu hài hước có thể khiến cả đôi bên vui vẻ; cùng một câu chuyện nhưng nếu xử lí khéo léo, mềm mỏng một chút có thể khiến tâm trạng thoải mái hơn. Hài hước cần sự độ lượng, mà độ lượng thì cần một tấm lòng rộng mở, rộng mở thì khí huyết lưu thông, khí huyết lưu thông thì tâm trạng vui vẻ, đó là một phản ứng dây chuyền rất tốt. Như Triệu Phác Sơ từng nói: “Mặt trời mọc ở biển Đông, lặn ở núi Tây, buồn cũng là một ngày, vui cũng là một ngày; gặp chuyện gì cũng không tính toán nhỏ nhen thì con người sống mới thoải mái, trong lòng mới vui vẻ được…”. Đã như thế thì tại sao chúng ta không làm một người hài hước có tâm trạng vui vẻ nhỉ?
Trong xã hội có rất nhiều người thường chờ đợi sự khoan dung của người khác. Thực ra, khoan dung không chỉ mang lại lợi ích cho người được khoan dung, mà bản thân người khoan dung cũng tự giải phóng cho bản thân. Một trái tim khoan dung độ lượng có thể rút gần khoảng cách giữa người với người. Đó cũng là điều kiện cần có để trở thành một người hài hước.
Trong cuộc đời mình, Balzac đã viết vô số tác phẩm nhưng thường đều là kết thúc trong bi kịch. Một đêm, ông đang ngủ say thì kẻ trộm đột nhập vào phòng ông, lục lọi bàn sách.
Balzac bị đánh thức bởi tiếng động, nhưng ông không hét lên mà lặng lẽ ngồi dậy, thắp đèn, bình tĩnh cười nói: “Chàng trai, đừng lục nữa. Ban ngày tôi còn chẳng tìm được tiền trong ngăn kéo, bây giờ tối thế này, cậu tìm làm sao được.”
Sự hài hước thể hiện sự chân thành, rộng lượng và tâm địa hiền lành lương thiện của con người, đồng thời đó cũng là một hành động văn minh được con người sáng tạo ra để ứng phó với những tình huống khó khăn trong cuộc sống. Nó giống như một cây cầu kéo gần khoảng cách giữa người với người cũng như lấp đầy khoảng trống giữa những tâm hồn. Ngoài ra, nó còn có vai trò tích cực trong việc thúc đẩy mối quan hệ giao tiếp, là động lực không thể thiếu giúp con người vươn lên đến đỉnh cao của sự nghiệp.
Muốn hình thành một không khí văn hóa xã hội hài hước, cho dù là đối với cá nhân hay xã hội cũng đều phải có sự tự do tương đối. Nếu thiếu nền móng này thì sự hài hước sẽ như cái cây không có rễ. Bởi vậy, hài hước cũng phải thấu tình đạt lí.
Có một lần, rất nhiều người được mời tới nhà một người nổi tiếng trong giới thượng lưu dùng bữa. Nhà người đó rất giàu có, trong phòng khách bày đầy các món đồ mĩ nghệ tinh xảo, món nào cũng rất đáng giá.
Ăn trưa xong, mấy vị khách vừa nói chuyện vừa đi ra ngoài cửa. Lúc này, chủ nhân đột nhiên đi tới trước một vị khách đang chuẩn bị ra về: “Tôi rất vui vì ngài thích các món đồ của tôi”, sau đó thò tay vào túi áo người khách kia, lấy ra một món đồ rất đáng tiền và nói tiếp, “Tôi nhận ra ngài thích món đồ này, hơn nữa còn muốn ngắm nó dưới ánh nắng.”
Tên trộm ăn mặc đường hoàng kia giật mình, chột dạ nhìn xung quanh xem có ai phát hiện ra hành vi của mình không. Còn những người ngồi trong phòng khách tuy rằng tận mắt chứng kiến cảnh tượng này, nhưng mọi người cũng phối hợp với chủ nhân, giả bộ như không nhận thấy hành vi ăn trộm.
Để vở kịch giống thật hơn, chủ nhân cùng gã trộm bị bắt quả tang còn đứng dưới ánh nắng để ngắm nghía món đồ. Sau đó chủ nhân cầm món đồ trong tay, đi vào phòng và đặt lại vị trí cũ. Còn tên trộm kia đành lặng lẽ lên xe ra về, từ đó không bao giờ còn cơ hội tham dự những bữa tiệc trong giới thượng lưu nữa.
Vị chủ nhân này đã tha cho tên trộm đi và giữ lại thể diện cho hắn, bởi vậy tất cả mọi người có mặt ở đó đều khâm phục ông vô cùng. Ông chính là một cao thủ trong nghệ thuật giao tiếp.
Lùi, thể hiện sự khoan dung. Nếu nói rằng mặt biển vì rộng nên bao la, mặt đất vì rộng nên tràn đầy sức sống, bầu trời vì rộng nên bát ngát, vậy thì con người cũng nên vì rộng lượng mà trở nên cao thượng, bởi những người có phẩm chất cao thượng đều được hoan nghênh và được mọi người tôn kính.
“Lùi vài bước” có thể thúc đẩy tình cảm giữa người với người, đồng thời khiến các mối hợp tác trở nên thuận lợi hơn. Chỉ cần bạn chịu “lùi” thì bạn sẽ dễ dàng bước lên chiếc thang của xã hội, trèo ngày càng cao hơn.
Hài hước là ngôn ngữ của bậc trí giả, hoặc là bạn lựa chọn thái độ mỉm cười và suy nghĩ vấn đề trên góc độ khác, hoặc là lựa chọn lùi lại một bước để khoảng không gian tiếp theo được rộng mở hơn.