Những Tù Nhân Của Địa Lý - Tim Marshall - Lời tựa
Chúng ta đang sống trong một thời đại bất ổn khác thường, chuyện đó không có gì phải bàn cãi. Chúng ta được bảo rằng, thế giới chưa bao giờ bất định như bây giờ. Những phán đoán như vậy gợi nên những phản hồi thận trọng và thậm chí đa nghi hơn. Thế giới vốn dĩ vẫn luôn bất ổn, và tương lai vẫn luôn khó lường ngay chính từ định nghĩa của nó. Những mối lo âu hiện tại của chúng ta chắc chắn còn tệ hại hơn. Dù không nói đến điều gì khác, lễ kỷ niệm một trăm năm của sự kiện 1914 đủ để gợi nhắc chúng ta về điều đó.
Dù sao, chắc chắn những thay đổi căn bản đang diễn ra, và những thay đổi đó có ý nghĩa thực sự đối với tương lai của chúng ta và của con cái chúng ta, dù chúng ta đang sống ở đâu đi nữa. Những thay đổi về kinh tế, xã hội và nhân khẩu học, tất cả đều liên quan tới sự thay đổi nhanh chóng về công nghệ, đều có những hệ lụy toàn cầu, cho thấy sự khác biệt rõ giữa thời đại chúng ta đang sống với những thời đại trước. Hẳn đây là lý do vì sao chúng ta nói rất nhiều về “tình trạng bất định khác thường“ và tại sao việc bình luận về “địa chính trị” lại trở thành một ngành đang phát triển.
Tim Marshall có thừa tư cách, cả về cá nhân và chuyên môn, để đóng góp cho cuộc tranh luận này. Ông đã trực tiếp tham gia vào nhiều quá trình phát triển ấn tượng nhất trong vòng hai mươi lăm năm qua. Như ông nhắc chúng ta trong Lời giới thiệu, ông từng có mặt tại tiền tuyến ở Balkan, Afghanistan và Syria. Ông nhận ra rằng các quyết định và các sự kiện, những mâu thuẫn quốc tế và những cuộc nội chiến, chỉ có thể được thấu hiểu bằng cách xem xét đầy đủ những hy vọng, sợ hãi và định kiến do lịch sử hình thành và đến lượt chúng đã bị thúc ép như thế nào bởi môi trường vật lý xung quanh – tức là địa lý – môi trường mà trong đó các cá nhân, xã hội và quốc gia đã phát triển.
Kết quả là, cuốn sách này chứa đầy những kiến giải sâu sắc có liên quan trực tiếp đến an ninh và đời sống ổn định của chúng ta. Điều gì đã tác động đến hành động của Nga tại Ukraine? Phải chăng (người phương Tây) chúng ta đã không thể lường trước được điều đó? Nếu như vậy thì tại sao? Moscow sẽ còn đẩy sự việc đi xa tới đâu nữa đây? Rốt cuộc, liệu Trung Quốc đã cảm thấy an toàn hay chưa trong phạm vi đường biên giới đất liền mà họ cho là tự nhiên, và điều này sẽ gây ảnh hưởng ra sao đến Hoa Kỳ, đến đường lối tiếp cận quyền lực hàng hải của Bắc Kinh? Điều này có ý nghĩa gì đối với các quốc gia khác trong khu vực, bao gồm cả Ấn Độ và Nhật Bản? Trong hơn hai trăm năm, Hoa Kỳ đã hưởng lợi từ những hoàn cảnh địa chính trị và nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng ưu đãi. Giờ đây, họ có được nguồn tài nguyên dầu khí trái với thông lệ. Liệu điều này có ảnh hưởng đến chính sách toàn cầu của họ hay không? Hoa Kỳ có lực lượng và khả năng phục hồi phi thường, vậy tại sao người ta lại nói về sự suy yếu của Hoa Kỳ nhiều như vậy? Liệu sự chia rẽ sâu sắc và những cảm xúc mãnh liệt tại Bắc Phi, Trung Đông và Nam Á có là thứ bất trị, hay chúng ta vẫn có thể tìm thấy hy vọng nào đó cho tương lai? Cuối cùng, và có lẽ là điều quan trọng nhất đối với Vương quốc Anh, một trong những nền kinh tế lớn nhất và mang tính toàn cầu nhất: châu Âu phản ứng thế nào với sự bấp bênh, xung đột ở gần và cả ở xa? Như Tim đã chỉ ra, trong bảy mươi năm qua (và đặc biệt là từ năm 1991), châu Âu đã trở nên ấm êm với hòa bình và thịnh vượng. Phải chăng chúng ta đang đứng trước nguy cơ chấp nhận điều đó như một sự hiển nhiên? Liệu rồi đây chúng ta vẫn hiểu được những gì đang xảy ra xung quanh mình chăng?
Nếu bạn muốn suy nghĩ về những câu hỏi trên, hãy đọc cuốn sách này.
Sir John Scarlett KCMG OBE
Cục trưởng Cục Tình báo (MI6), 2004-2009