Review sách
Review sách “SÚNG, VI TRÙNG VÀ THÉP” (Nguyen Bao Quoc)
Mấy ngàn năm trước Công nguyên (CN), người Bắc Trung Quốc nói ngôn ngữ Hán – Tạng bành trướng xuống Nam Trung Quốc và sau đó thống nhất Trung Hoa (thời Tần Thuỷ Hoàng). Người Nam Trung Quốc hệ Nam đảo di cư đến Đài Loan rồi bành trướng xuống Đông Nam Á từ Myanmar, Lào, Thái, Việt Nam, Campuchia, Phillipines đến Malaysia vượt Indonesia để đến được các đảo New Guinea và Polynesian Thái Bình Dương. Theo tác giả người Đông Nam Á da vàng, tóc thẳng ngày nay “là hậu duệ gần của những người anh em Nam Trung Quốc” (các tộc Bách Việt?). “Sức mạnh áp đảo đó của Trung Quốc khủng khiếp đến nỗi các dân tộc từng có mặt ở Đông Nam Á chẳng còn để lại dấu vết. Chỉ có ba nhóm săn bắn hái lượm còn sót lại – người Semang Neggito ở bán đảo Mã Lai, cư dân đảo Andaman và người Veddoid Neggito ở Sri Lanka da thẫm tóc xoăn như người New Guinea ngày nay”. Tại sao Trung Quốc làm được điều ấy ? Họ có dân số đông hơn, công cụ sản xuất và vũ khí tốt hơn, đóng tàu có khả năng vượt biển với kỹ năng hàng hải ưu việt hơn, và khỏe mạnh hơn khi cơ thể có ít nhiều kháng thể trước các bệnh truyền nhiễm đã trải qua.
Sau khi Columbus tìm ra Châu Mỹ (1492) người Châu Âu (Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Anh, Pháp, Hà Lan, Thụy Điển, Đan Mạch) đã vượt biển xâm chiếm Tân Lục địa đánh đuổi thổ dân Indian từ Bắc Mỹ cho tới gây chiến tranh với các đế quốc ở Nam Mỹ Inca (Peru), Aztec (Mexico), … Họ đến tận Châu Đại Dương xa xôi Australia, New Zealand, Hawai, New Guinea, … đánh đuổi thổ dân và xâm chiếm các lãnh thổ này. Tại sao lục địa Á Âu lại có khả năng đi xâm chiếm các lục địa khác mà không phải ngược lại ?
Để trả lời câu hỏi này, tác giả đã dẫn chúng ta ngược dòng lịch sử loài người trong khoảng 13.000 năm trở lại đây. Khi đó mọi lục địa đều cùng một xuất phát điểm là săn bắn hái lượm. Xã hội loài người đi từ săn bắn hái lượm bộ tộc sang thuần hoá cây dại, thú hoang dã để bước sang hình thái xã hội phong kiến chăn nuôi, trồng trọt. Tuy nhiên sự tiến hoá này xảy ra không đồng đều trên các châu lục. Trong khi lục địa Á Âu đã sớm bước sang hình thái chăn nuôi – trồng trọt từ nhiều ngàn năm trước, đầu thế kỷ 16 người Châu Âu đi xâm chiếm các lục địa khác phát hiện rằng người bản địa ở đó vẫn còn ở thời kỳ đồ đá, săn bắt hái lượm hoặc bộ lạc chăn nuôi.
Phải chăng người Châu Âu văn minh hơn, thông minh hơn nên đã chinh phục người Châu Phi, Châu Mỹ và Châu Úc bản địa ? Do họ thích nghi hơn theo thuyết Darwin ? Do họ có gen thông minh hơn theo thuyết Di truyền học ?
Tác giả lập luận rằng “Diễn trình lịch sử của mỗi dân tộc một khác, đấy là do những khác biệt giữa MÔI TRƯỜNG SỐNG của các dân tộc, chứ không phải do những khác biệt về SINH HỌC giữa bản thân các dân tộc đó”.
Từ nuôi trồng người Á-Âu định cư không phải lang thang (du cư) săn bắn, hái lượm. Định cư giúp con người sinh sôi nảy nở gia tăng dân số. Định cư giúp họ dễ dàng dự trữ lương thực. Với nguồn lương thực dự trữ dồi dào, xã hội chăn nuôi bắt đầu phát triển các tầng lớp không trực tiếp sản xuất: vua, quan, tu sĩ, binh lính, thợ thủ công (luyện kim, rèn súng, kiếm, …). Và hệ quả từ lương thực được sản xuất là vi trùng, chữ viết, công nghệ và chính phủ tập trung hoá.
Tiến trình lịch sử từ săn bắn, hái lượm đến thuần hoá thú hoang, cây trồng là điều kiện tiên quyết dẫn đến mặt tích cực : phát triển công nghệ : kim loại sắt, vũ khí bằng thép (gươm, giáo, dao găm, giáp sắt, súng hoả mai, pháo, …), vận chuyển (ngựa chiến, bò, lừa, sức nước, cối xay gió …), giao thông đường biển (tàu viễn dương, la bàn, kính lục phân, đại bác, …), tạo ra chữ viết, tổ chức hình thái xã hội phong kiến tiên tiến (đế quốc La Mã, Ottoman, Macedonia, Trung Hoa, Mông Cổ, …). Nhưng họ không tránh khỏi mặt tiêu cực của nó là bệnh truyền nhiễm từ virus lây bệnh từ thú hoang sang người.
Để đến được các lục địa khác, người Châu Âu và Á (Nam Đảo) đã nhờ kỹ thuật hàng hải tiên tiến đóng tàu vượt đại dương.
Cuộc đụng độ tại Cajamarca Peru là một ví dụ va chạm điển hình giữa xã hội phong kiến chăn nuôi – trồng trọt – sản xuất tiên tiến và bộ lạc săn bắn – hái lượm thô sơ. Cuộc chiến quá chênh lệch về tương quan lực lượng giữa 80 vạn người Inca Nam Mỹ và vỏn vẹn 168 bộ binh và kỵ binh Tây Ban Nha. Người Tây Ban Nha trang bị súng, áo giáp và gươm bằng thép, ngựa chiến, … trong khi người Inca sử dụng vũ khí thô sơ như dùi cui, gậy, rìu, … bằng đá, đồng hay gỗ. Kết quả là chưa đầy 200 lính Tây Ban Nha đã tung hoành ngang dọc truy sát và diệt 7 vạn người Nam Mỹ bản địa và bắt sống hoàng đế Inca chóng vánh.
Người Châu Âu khi đi chinh phục các châu lục khác đã mang kháng thể của virus đậu mùa, sởi, cúm, sốt phát ban, dịch hạch , … truyền, gây bệnh và giết hại cho các dân tộc khác “trinh nguyên” không có kháng thể từ những căn bệnh truyền nhiễm này. Có thể kể đến các bệnh dịch như trận dịch đậu mùa ở Mexico (1520) giết chết gần nửa dân số Aztec, Peru (1526) giết chết gần hết dân số Inca, trận dịch đậu mùa năm 1713 làm tuyệt chủng dân tộc San ở Nam Phi, người Anh đến Sydney mang đến một trận dịch làm chết hầu hết thổ dân Úc, … Vậy tại sao người Mỹ bản địa không mang hầu hết những mầm bệnh truyền nhiễm đáng sợ như người Châu Âu? Nguyên nhân chính là họ có rất ít thú để thuần hoá nên có rất ít vi trùng. Thứ hai, thời đó họ không sống định cư quần tụ theo làng mạc hay thành thị, môi trường để vi trùng sinh sôi nảy nở và lan truyền nhanh chóng. Do đó họ không có mạng lưới kết nối giao thương, con đường lan truyền hữu hiệu của vi trùng truyền nhiễm.
Người Châu Âu đã chinh phục các nền văn minh khác và truyền bá văn hoá Phương Tây đến khắp các châu lục Mỹ, Á, Phi, châu Đại Dương. Nếu đảo ngược lại số phận người Mỹ bản địa (Indian ở Bắc Mỹ, Aztec và Inca ở Nam Mỹ) hay Australia khi chính họ mới là những dân tộc xuất hiện ở Châu Âu thì chắc chắn họ sẽ nắm vai trò là kẻ chinh phục thế giới. Chính môi trường sống phong phú (dồi dào lương thực, thực phẩm) ở Châu Âu đã mang lại cho con người ở đó những điều kiện cần và đủ để chinh phục những dân tộc khác. Nghiên cứu thú vị này sẽ “giúp” người Phương Tây khiêm tốn hơn và thôi “tự sướng” với những học thuyết “người da trắng thượng đẳng”, “chủng tộc Aryan thượng đẳng” … Và thế giới ngày nay sẽ bình đẳng hơn giữa các dân tộc. Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận rằng nhờ người Âu đi chinh phục khắp nơi mà họ đã mang theo nhiều vật nuôi, cây trồng đến các lục địa khác không may mắn hưởng được cái yếu tố “địa lợi” này. Và họ đã phổ biến và “đồng bộ hoá” (synchronization) các giống cây trồng và vật nuôi giữa các châu lục. Nhờ đó ngày nay cà phê (xuất xứ từ Ethiopia), bột mỳ (Châu Âu), gạo (Trung Hoa, Tây Phi), bắp (Trung, Nam Mỹ), mía (New Guinea), heo và bò (Âu-Á và Bắc Phi), trâu (Đông Nam Á), dê & cừu (Tây và Trung Á), ngựa (Nga), … đã có mặt, nhân giống và “địa phương hóa” khắp nơi trên thế giới. Súng, vi trùng và thép là ba yếu tố chính đã định hình nên thế giới ngày nay. Nghiên cứu thú vị của Jared Diamond đã giúp ông đoạt giải Pulitzer năm 1998 cho tác phẩm đồ sộ này.