Review sách
Review sách “NỖI BUỒN CHIẾN TRANH” (Thao Vu)
Xin phép chia sẻ với mọi nguời tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh của nhà văn Bảo Ninh.
Tác phẩm về đề tài chiến tranh Việt Nam, được dịch và xuất bản tại 22 quốc gia trên thế giới và gặt hái không ít giải thưởng văn học cũng như sự công nhận của văn đàn quốc tế. Không chỉ dừng lại ở chuyện khắc họa hệ lụy, tính hủy diệt và bản chất vô nghĩa của chiến tranh, tác phẩm sở hữu tính thẩm mỹ văn học cao, thể hiện qua vốn từ phong phú, lối văn mô tả vừa hiện thực vừa lãng mạn, cũng như những suy tư lồng ghép về tình yêu, tình người.
Điều đầu tiên cần bàn là bố cục của tác phẩm. Không đi theo dòng thời gian tuyến tính cũng không có mốc thời gian rõ ràng, tác phẩm theo chân anh lính Kiên trong thời hậu chiến. Cuộc sống thường nhật ở thời hiện tại của anh được kể đan xen cùng những hồi ức về những sự kiện xảy ra trước và trong chiến tranh. Vì lẽ này, người đọc dễ bị rối và cảm thấy khó chịu. Dòng văn trôi tự do theo sự lạc lối và loay hoay của Kiên, dễ khiến người đọc đâm cáu. Tuy nhiên, khi đọc đến những trang cuối cùng thì mình mới vỡ lẽ thì ra đây là một sự sắp xếp hữu ý và tinh ý của Bảo Ninh. Sự lý giải hợp lý và dễ cảm thông, đồng thời cũng cho thấy nét tài tình của tác giả.
Cái hay thứ hai của tác phẩm này chính là vốn từ phong phú và cách sử dụng linh hoạt của Bảo Ninh. Hầu như mình không tìm thấy một đoạn văn nào mà từ vựng bị lặp lại, ông luôn có cách kết hợp từ để miêu tả rất đa dạng. Lời văn có khi trữ tình lãng mạn, có lúc trần trụi đau thương. Mình thoáng nghĩ, để mà dịch tác phẩm này sang một ngôn ngữ khác hẳn cũng là một nhiệm vụ khó nhằn.
Cuối cùng, mình muốn nói đến thông điệp phản chiến trong tác phẩm. Có rất nhiều cái tên được Kiên nhắc đến trong tác phẩm, ai cũng có một số phận và một bi kịch riêng. Người đọc sẽ khó mà nhớ tên, nhớ vì sao mà họ chết, tuy nhiên, việc tác giả chỉ ra nhiều bi kịch đến vậy, cốt chỉ để nói đến một nỗi buồn chung trong chiến tranh. Và cũng để nói rằng, sự hủy hoại của chiến tranh là không chừa một ai, dù bạn ở phía nào của chiến tuyến, dù bạn tham chiến hay chờ đợi ở hậu phương. Không lý tưởng hóa chiến tranh, Bảo Ninh cũng mô tả “ngày hòa bình” không trọn vẹn cho cả những người may mắn sống sót. Kiên trở về không còn là Kiên của ngày xưa, Phương – cô gái anh yêu cũng đã bị chiến tranh hủy hoại. Tình yêu đã khác và họ không còn có thể chung bước, như họ vẫn hình dung trước khi Kiên nhập ngũ. Kiên thừa nhận mình khổ sở hơn ở trong thời bình, khi anh cô đơn, lạc lõng và bị những hồi ức dằn vặt. Nỗi buồn của Kiên cũng cô đơn, vì có ai hiểu được những trải nghiệm của Kiên, để hiểu được nỗi buồn của anh đâu.
Một tác phẩm nên đọc, để có cái nhìn đúng đắn về chiến tranh, để suy tư chiêm nghiệm về tình yêu, tình người.