Tâm Lý Học Tội Phạm: Phac Họa Chân Dung Kẻ Phạm Tội - Diệp Hồng Vũ - Lời nói đầu
- Home
- Tâm Lý Học Tội Phạm: Phac Họa Chân Dung Kẻ Phạm Tội - Diệp Hồng Vũ
- Lời nói đầu - Sát nhân ác quỷ Henry Lee Lucas
Một người đàn ông đang tận hưởng chuyến đi dạo của mình tại núi Wopsononock ở Altoona thì bỗng vấp phải vật lạ. Cúi đầu nhìn kỹ, anh ta hoảng hốt phát hiện vật ngáng đường mình lại là một xác chết. Quá sợ hãi, người đàn ông này lập tức báo cảnh sát.
Cảnh sát địa phương nhanh chóng có mặt tại hiện trường, kết quả khảo sát sơ bộ cho thấy thi thể bị cắt xẻ nghiêm trọng. Phần thi thể bị nhân chứng va vào vẫn còn tương đối nguyên vẹn. Người chết có dấu hiệu bị đánh, hai mắt bầm tím, xương cằm dưới đứt lìa. Tình trạng khuôn mặt nạn nhân chỉ có thể miêu tả bằng hai từ “thê thảm”.
Không chần chừ, cảnh sát vùng Altoona bắt tay vào điều tra án mạng, nhưng không thể tìm ra manh mối khiến vụ án rơi vào bế tắc. Để có thể nhanh chóng bắt được kẻ thủ ác, họ đã cầu cứu FBI. Chuyên gia lập hồ sơ tội phạm của FBI, John Douglas đã tới trước để hỗ trợ.
Sau khi nghiên cứu tình tiết vụ án, ảnh chụp hiện trường và báo cáo pháp y, Douglas đã phác họa được hồ sơ tâm lý cơ bản của hung thủ bao gồm độ tuổi, giới tính, trình độ học vấn và một số manh mối khác. Dựa theo những phán đoán của Douglas, cảnh sát địa phương đã tiến hành tìm kiếm và bắt giữ hai đối tượng tình nghi. Sau khi trải qua quá trình thẩm vấn nghiêm ngặt, quả thật một trong hai đối tượng chính là kẻ phạm tội.
Làm thế nào mà John Douglas có thể phân tích được tuổi tác và trình độ học vấn của hung thủ? Rốt cuộc thủ phạm là ai? Vì sao hắn lại xuống tay tàn nhẫn như vậy? Chắc hẳn đây là những thắc mắc mà ai cũng có. Thông qua cuốn sách này, chúng ta sẽ cùng đi tìm đáp án cho những câu hỏi trên.
Thực chất, phương pháp này của Douglas chính là phác họa hồ sơ tâm lý tội phạm, ngày nay được biết đến với cái tên “hồ sơ tội phạm” hoặc “nghiên cứu hành vi”. Tổ khoa học hành vi thuộc Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) được thành lập vào năm 1972 là đơn vị đầu tiên áp dụng kỹ thuật phân tích tâm lý tội phạm này. Trong quá trình phá án, các điệp vụ của FBI đã tìm hiểu quy luật hành vi và quy luật tâm lý của tội phạm trong quá trình giao tiếp với hung thủ. Sau này, các mật vụ FBI đã đề xuất thành lập một dự án có tính chiến lược và hệ thống để nghiên cứu chủ đề tâm lý và hành vi tội phạm, qua đó có một cái nhìn sâu sắc hơn về bối cảnh trưởng thành, phân tích hiện trường vụ án và các đặc điểm của nạn nhân để nắm bắt được phần lớn nội tâm, hành động và quy luật sinh hoạt của kẻ phạm tội.
Trong quá trình nghiên cứu, FBI còn sử dụng nhiều dữ liệu từ các nhà chức trách, ví dụ như báo cáo điều tra của cảnh sát, biên bản thẩm vấn, lịch sử phạm tội,.. Những tài liệu này sẽ xác định phương hướng trinh sát, đồng thời thông qua hiện trường vụ án để phân tích hành vi, đoán biết đặc trưng tâm lý tội phạm. Tiếp theo đó, dựa vào những đặc điểm được suy đoán để xây dựng hình ảnh nghi phạm, bối cảnh gia đình và tính cách. Đây chính là “phác họa hồ sơ tâm lý tội phạm”. Về sau, kỹ thuật phác họa tâm lý dần dần được áp dụng vào nhiều vụ án khác nhau.
Phương pháp này được biết đến rộng rãi hơn nhờ phim điện ảnh nổi tiếng thế giới “Sự im lặng của bầy cừu”. Đoàn làm phim đã nhận được nhiều sự giúp đỡ từ FBI và được phép thực hiện một số cảnh phim tại chính trung tâm huấn luyện của Tổ khoa học hành vi. Ngoài ra, một số nhân viên của FBI cũng tham gia đóng những vai nhỏ trong phim. Sau thành công của “Sự im lặng của bầy cừu”, nhiều khán giả đã hiểu nhầm cũng như thần thánh hóa khả năng phác họa tâm lý và phân tích hành vi, cho rằng điều đó có thể giúp phá án tuyệt đối.
Trên thực tế, tuy trực giác và kinh nghiệm rất quan trọng, nhưng mấu chốt vẫn là thu thập và đối chiếu số liệu. Một trong những thành viên sáng lập của Tổ khoa học hành vi John Douglas từng chia sẻ, trong quá trình điều tra, cảnh sát cần thẩm vấn tất cả những người có liên quan, đồng thời đi sâu vào tìm hiểu từng người, bởi như vậy mới có thể thu thập được thông tin tâm lý có giá trị.
Tám chương của cuốn sách sẽ sử dụng những vụ án có thật để dẫn người đọc theo bước các chuyên gia lập hồ sơ tội phạm, trả lời cho câu hỏi làm thế nào để phân tích được tâm lý và hành vi tội phạm, giúp chính quyền bắt được hung thủ. Ngoài ra, cuốn sách cũng giới thiệu cho độc giả quá trình phát triển, các kỹ năng và kiến thức lập hồ sơ tội phạm. Nhờ đó, độc giả sẽ có cái nhìn sâu sắc, rõ ràng hơn về bộ môn tâm lý tội phạm và trở thành những cao thủ phá án đích thực.