Tâm Lý Học Tội Phạm: Phac Họa Chân Dung Kẻ Phạm Tội - Diệp Hồng Vũ - Chương 1
- Home
- Tâm Lý Học Tội Phạm: Phac Họa Chân Dung Kẻ Phạm Tội - Diệp Hồng Vũ
- Chương 1 - Kẻ cuồng bom
Tháng 11 năm 1940, một quả bom tự chế được tìm thấy trên bệ cửa sổ của tòa nhà Consolidated Edison. Đây là nơi tọa lạc của công ty dịch vụ công cộng Con Edison – nhà cung cấp điện năng lớn nhất New York. Ghi chú đính kèm trên quả bom viết: “Lũ tội phạm Edison, món quà này dành tặng các người!” Ban quản lý công ty lập tức trình báo vụ việc với cảnh sát. Vì quả bom không phát nổ, phía cơ quan chức năng không thể tìm ra đầu mối hoặc động cơ phạm tội đáng giá. Mặc dù mục tiêu của kẻ đánh bom là công ty Edison, nhưng rất khó để xác định đối tượng tình nghi do công ty này mới đi vào hoạt động không lâu nhưng đã có quy mô lớn, dẫn đến hệ thống thông tin về nhân viên khá lỏng lẻo.
Thêm vào đó, công ty Edison vừa trải qua một cuộc sáp nhập nên nhân sự trong các chi nhánh rất lộn xộn. Việc tìm kiếm kẻ tình nghi không khác gì mò kim đáy bể. Quả bom không gây ra thiệt hại nên cũng không được giới cầm quyền quan tâm. Thế nhưng, một vật phát nổ tương tự đã được tìm thấy trên phố sau đó mười tháng, quả bom gắn kèm bộ đếm thời gian giả.
Tháng 12 năm 1941, thời điểm trận Trân Châu Cảng vừa kết thúc và Nhật Bản tổ chức tấn công căn cứ của Hạm đội Hải quân Thái Bình Dương Hoa Kỳ, cảnh sát nhận được một lá thư có nét chữ giống với dấu tích trong quả bom của vụ tấn công tòa nhà Edison một năm về trước. Nội dung lá thư là: “Tôi sẽ không chế tạo thêm bất kỳ quả bom nào trong thời chiến. Tôi cũng là một công dân yêu nước, việc trừng phạt Edison sẽ được hoãn lại, tuy nhiên chúng vẫn phải trả giá cho những hành vi đáng xấu hổ của mình.” Ở cuối lá thư, kẻ tấn công ký tên “F.P”. Trong khoảng vài năm sau đó, quả thật không có quả bom nào xuất hiện. Tuy nhiên, các cửa hàng, khách sạn của tập đoàn Edison tại New York đã nhận được tổng cộng 16 bức thư đe dọa. Kẻ đánh bom không có thêm hành động tấn công nào khác nên cảnh sát cho rằng hắn đã từ bỏ ý định trả thù hoặc chỉ đơn giản là biến mất.
Năm 1950, cảnh sát lại tìm thấy một quả bom xịt tại nhà ga Grand Central ở New York. Kết quả kiểm tra cho thấy vật phát nổ được chế tạo rất tinh vi, nhưng ngay từ đầu kẻ đánh bom không hề có ý định kích hoạt quả bom này.
Một thời gian ngắn sau đó, khi lực lượng chức năng vẫn đang trì trệ trong việc điều tra thì kẻ tấn công lại tiếp tục hành động. Một quả bom đã phát nổ tại Thư viện công cộng New York, may mắn thay, không có thiệt hại về người. Thời báo New York đã nhận được một bức thư từ kẻ đánh bom ngay sau đó, hắn tuyên bố “Sẽ tiếp tục có những vụ nổ vì công lý”.
Từ năm 1951 đến năm 1954, có tổng cộng 12 quả bom đã làm rúng động các địa điểm vòng quanh New York như nhà hát Radio City Music Hall, bến tàu điện ngầm và trung tâm hội nghị Rockefeller. Vụ nổ nghiêm trọng nhất xảy ra vào năm 1954, một quả bom được giấu trong rạp chiếu phim đã khiến 4 người bị thương. Năm 1955, cảnh sát tìm thấy 6 quả bom, trong đó có 2 quả không phát nổ. Tuy nhiên, sức công phá của những quả bom ngày càng lớn, nếu thực sự được kích hoạt thì chắc chắn sẽ gây ra thảm họa không thể lường được về người và của. Điều này cho thấy kẻ tấn công trở nên điên cuồng hơn khiến cư dân thành phố New York vô cùng hoang mang, lo sợ tới mức không dám ra khỏi nhà.
Thời gian này, các tòa soạn liên tục nhận được thư khủng bố của kẻ đánh bom, thậm chí là các cuộc gọi đe dọa. Mặc dù cảnh sát đã từng nghe giọng của hung thủ nhưng do âm thanh quá nhỏ nên không thể tiến hành xác nhận danh tính. Một trong những hành vi gây bất ngờ từ phía kẻ phạm tội là khi hắn gửi đến tòa soạn một lá thư tóm tắt tội ác của chính mình: “Tính đến nay, ta đã dùng đến 54 quả bom và gọi 4 cuộc điện thoại. Ta sẽ không dừng lại cho đến khi tập đoàn Edison phải chịu tội trước pháp luật.” Ngày 2 tháng 12 năm 1956, một vụ nổ đã xảy ra tại rạp chiếu phim Paramount Brooklyn khiến 6 người bị thương, 3 trong số đó bị thương rất nặng. Trước tình hình này, chủ biên của một tòa soạn đã gửi một lá thư ngỏ đến kẻ tấn công, mong hắn có thể đầu hàng, đồng thời hứa sẽ làm đại diện tiếng nói cho kẻ phạm tội để hắn có cơ hội lý giải động cơ của mình. Hai ngày sau, tòa soạn nhận được lời hồi đáp của kẻ đánh bom trứ danh. Trong thư, hắn cho biết mục tiêu mà hắn nhằm vào là ba chính trị gia có tiếng và đã bắt đầu có những bước hành động tiếp theo. Ngoài ra, hung thủ cũng liệt kê 14 quả bom đã được cài trong năm 1956, trong đó có nhiều vụ không hề bị cảnh sát phát hiện.
Một bức thư khác của kẻ cuồng bom tiết lộ về thân phận của hắn: “Tôi đã bị thương và phải chịu tật vĩnh viễn vì một tai nạn trong quá trình làm việc tại công ty Edison. Không có bất kỳ khoản bồi thường nào, giờ đây tôi cô đơn với gánh nặng bệnh tật và cuộc sống.” Cảnh sát vô cùng kinh ngạc trước kế hoạch trả thù của kẻ đánh bom bí ẩn. Đến thời điểm đó, hắn đã dành 16 năm để cài bom khắp New York, sở cảnh sát đã áp dụng mọi biện pháp điều tra nhưng kết quả thu được vẫn chỉ là con số không.
Cuối cùng, cơ quan chức năng đã phải nhờ đến sự giúp đỡ của Tiến sĩ James Brussel. Với tư cách là tiến sĩ tâm thần học, Brussel đã dành nhiều năm nghiên cứu về những tội phạm mắc bệnh tâm thần, ông cũng từng phục vụ quân ngũ trên cương vị trưởng khoa nghiên cứu tâm thần và rối loạn tâm lý tại Fort Dix trong Thế chiến thứ Hai. Vị tiến sĩ này có nhiều kinh nghiệm phân tích tâm lý tội phạm và từng hỗ trợ hoạt động phản gián của CIA.
Sau khi đọc kỹ hồ sơ vụ án, ông đưa ra phác thảo về tội phạm như sau: Kẻ đánh bom là nam giới, trong tất cả những vụ cài bom mà Brussel từng xử lý, hung thủ đều là đàn ông. Kẻ cuồng bom không được sinh ra ở Mỹ vì tiếng Anh trong các lá thư của hắn không phải là cách nói thông dụng, những từ ngữ trong thư cũng cho thấy hắn đã có tuổi. Kiểu viết chữ của hung thủ cho thấy hắn có thể là dân nhập cư đến từ các nước Bắc Âu, nét chữ ngay ngắn, chỉn chu cho thấy hắn có trình độ học vấn cao.
Từ cách viết thư, có thể nhận thấy hung thủ có mối quan hệ tốt với mẹ ruột và không ưa bố ruột. Hắn chưa kết hôn và hiện đang sống cùng một thành viên nữ có tuổi trong gia đình. Mẹ hắn đã mất, điều này khiến kẻ đánh bom vô cùng đau đớn nên đã chung sống cùng người thân là nữ giới để nhớ về tình mẫu tử.
Các bức thư của hắn đều sạch sẽ, gọn gàng nên hình ảnh về kẻ cuồng bom hiện lên là một người nghiêm túc, ăn mặc chỉnh tề, lịch sự. Để chế tạo ra những quả bom tinh vi, hắn phải là người giỏi kỹ thuật và có nhiều năm trong nghề, thậm chí rất tự mãn với tài năng của mình.
Kẻ tự xưng là F.P là một tên điên, hắn luôn cho rằng mình bị người khác hãm hại. Brussel phân tích, chứng hoang tưởng có thời gian ủ bệnh khá lâu nên phải tới năm 35 tuổi kẻ đánh bom mới bắt đầu phát bệnh. Tên tội phạm đã cài bom trong 16 năm, từ đó suy ra hắn vào khoảng 50 đến 60 tuổi. Tuy mắc bệnh tâm thần nhưng kẻ đánh bom là người gọn gàng, tỉ mỉ và khéo léo trong công việc của mình.
Như vậy, hình ảnh hung thủ hiện lên là một người đàn ông từ 50 đến 60 tuổi, tính tình hướng nội, tuy không giỏi giao tiếp nhưng hắn không hề lánh đời, cô lập bản thân. Kẻ đánh bom là một thợ máy giàu kinh nghiệm, nắm rõ công việc và có phần ngạo mạn. Đồng thời, hắn cũng là một kẻ mộ đạo, rất nhạy cảm với những lời phê bình của người khác, dễ ghi thù nhưng có khả năng kiềm chế cảm xúc, không bộc lộ sự giận dữ nhất thời mà giữ lại cho sau này. Hắn rất yêu mẹ và căm thù bố mình, chứng hoang tưởng khiến hắn luôn nghĩ rằng mình bị bức hại và khiến các vấn đề tâm thần ngày càng trầm trọng.
Động cơ của kẻ phạm tội có thể là do bị sa thải hoặc trừng phạt khiến hắn sinh lòng thù hận. Rất có thể, hắn đã hoặc đang là nhân viên của tập đoàn Edison. Vào lúc cảnh sát nhận được phác họa hung thủ của Brussel, một số phương tiện truyền thông cũng nhận được một lá thư đánh máy từ Kẻ cuồng bom. Nội dung trong đó cho biết hắn vào làm tại tập đoàn Edison vào ngày 5 tháng 9 năm 1931. Nhờ có thông tin này, cộng thêm chân dung kẻ phạm tội của Brussel, cảnh sát đã tiến hành kiểm tra hồ sơ nhân sự của công ty Edison năm 1931 và có được manh mối đáng giá đầu tiên.
Hồ sơ của George Metesky được đưa ra ánh sáng. Nghi phạm sinh năm 1904, gia đình có nguồn gốc từ người nhập cư Ba Lan. Khi còn làm việc cho tập đoàn Edison, hắn từng bị thương trong một tai nạn cháy nổ dẫn đến tổn hại phổi. Sau sự cố, Metesky vô cùng tức giận vì chỉ nhận được 180 đô la Mỹ tiền bồi thường, hắn nhiều lần viết thư khiếu nại, thậm chí từng tuyên bố sẽ trả thù tập đoàn Edison vì những “hành vi hèn nhát” của mình.
Qua điều tra, cảnh sát biết được một số lượng lớn người nhập cư Ba Lan sống ở Bridgeport, Connecticut và quận Westchester. Những lá thư của F.P được gửi từ một địa điểm nằm giữa Bridgeport và New York. Ngoài ra, Metesky chưa kết hôn, hiện đang sống cùng hai người chị gái. Hàng xóm của nghi phạm cho biết đối tượng luôn lịch sự, hòa nhã với láng giềng nhưng hiếm khi giao du với ai.
Nắm được tình hình, lực lượng chức năng lập tức mang theo lệnh truy nã, tổ chức bắt giữ Metesky tại Waterbury, gần Bridgeport.
Khi cảnh sát đến nơi, trời đã tối muộn. Gõ cửa nhà nghi phạm, một người đàn ông đeo kính, mặc đồ ngủ với bộ dạng hiền lành xuất hiện. Sau khi dò hỏi danh tính, đó chính là George Metesky. Cảnh sát yêu cầu đối tượng vào thay đồ để di chuyển tới đồn cảnh sát. Metesky trở vào trong, sau khi đi ra, hắn ăn vận chỉnh tề, đầy đủ sơ mi, cà vạt và áo vest cài cúc.
Lục soát ga ra, nhân viên điều tra tìm thấy máy tiện và đường ống dùng để chế tạo bom. Một chiếc máy đánh chữ cũng được tìm thấy trong phòng ngủ của Metesky, hắn đã sử dụng nó khi tạo ra bức thư nặc danh cuối cùng.
Tại đồn cảnh sát, Metesky nhanh chóng thừa nhận thân phận Kẻ cuồng bom. Hắn tiết lộ chữ ký dưới mỗi bức thư là ký hiệu viết tắt cho từ “fair play”, nghĩa là chơi công bằng.
Tòa án kết luận, Metesky mắc bệnh tâm thần nên không thể tiến hành xét xử, kẻ phạm tội được chuyển đến một bệnh viện nhà nước chuyên chăm sóc các tù nhân mắc bệnh tâm thần. Không lâu sau đó, Metesky chết vì lao phổi.
Về phần Brussel, cảnh sát vô cùng ấn tượng với những phân tích sắc bén và chính xác của ông. Vì vậy, họ đã mời Tiến sĩ Brussel và một số nhà tâm lý học khác thành lập Tổ phác họa tâm lý tội phạm để hỗ trợ phá án.
CHIA SẺ CỦA CHUYÊN GIA TÂM LÝ TỘI PHẠM
Thông thường, khi xảy ra một vụ án, cảnh sát sẽ đặt ra nhiều câu hỏi về động cơ thực sự của tội phạm nhằm làm rõ vụ việc. Ví dụ: Nếu hung thủ làm người khác bị thương, đối tượng bị tấn công là người quen của tội phạm hay người lạ? Cuộc tấn công được lên kế hoạch hay ngẫu nhiên? Hung khí là gì? Kẻ tấn công sử dụng phương pháp gây án nào? Đáp án cho những thông tin này là chìa khóa giúp cảnh sát truy tìm và bắt giữ tội phạm nhanh chóng hơn.
Động cơ, động lực là một trạng thái tâm lý, thúc đẩy con người hành động, hướng tới một mục tiêu nhất định. Động cơ phạm tội là nguyên nhân xuất phát từ nội tâm thôi thúc tội phạm gây ra tội ác. Nhìn chung, có thể suy ra động cơ phạm tội bằng cách phân tích hiện trường vụ án hoặc nói chuyện với hung thủ. Trong trường hợp của Metesky, Tiến sĩ James Brussel đã nhận ra động cơ của hắn từ những lá thư của Kẻ cuồng bom. Quả thật, hắn bị sa thải và nảy sinh thù hận, từ đó dẫn đến tâm lý phạm tội.