Review sách
Review sách “THIÊN NGA ĐEN” (Nguyễn Hòa)
THIÊN NGA ĐEN – ĐỪNG LẤY SUY LUẬN LÀM KẾT LUẬN
Trước đây người ta chỉ nhìn thấy những con thiên nga màu trắng.
Kết luận: Thiên nga thì màu trắng.
Trong tiếng Nhật cái con trông như con ngỗng nhưng bự hơn, cổ dài hơn, có màu trắng được gọi là 白鳥 (hakuchou), nghĩa là “con chim trắng.” Khi tôi dẫn một cô giáo người Nhật đi vườn thú của trại rắn Đồng Tâm, cô ấy lần đầu trông thấy những con thiên nga màu đen. Cô thốt lên: “Con gì thế này? Sao nó lại màu đen? Nó không phải là con Hakuchou rồi”
Khi người ta tin mọi con thiên nga đều trắng thì khi thấy những con thiên nga đen sẽ cho rằng đó không phải thiên nga!
Con gà tây cứ nhìn thấy người đàn ông đi vào chuồng, là y như rằng nó sẽ có thức ăn. Một ngày, 2 ngày, 1 tuần, 2 tuần…
Con gà tây kết luận: Người này đến để cho mình ăn.
Cứ như thế 1000 ngày.
Đến ngày thứ 1001, người đàn ông lại đi vào chuồng, con gà chạy ra đón, và nó bị túm lấy, vặn cổ cho bữa tiệc giáng sinh.
Trước đây, tôi rất thích những bài trắc nghiệm đoán tính cách, rất muốn biết mình thuộc về nhóm người nào? Gần đây cũng còn mê những quyển tâm lý học, kiểu như, bạn thuộc kiểu người chống đối, kiểu hoài nghi, kiểu nổi loạn hay kiểu ủng hộ? Đọc nghiến ngấu rồi đem “soi rọi” vào mình và mọi người, để lý giải, để đoán trước hành vi của tất cả.
Nhưng đọc Thiên Nga Đen xong thì toát mồ hôi hột, thấy mình u mê như đám người bị trói trong cái hang của Platon (Dụ ngôn hang động).
Con người bản năng là luôn đặt câu hỏi, muốn lý giải mọi thứ, muốn tỏ tường tương lai vì tự sâu xa là sợ những thứ mơ hồ, bất định. Nhưng khốn thay, sự thật là vũ trụ này, kể cả chính con người, đều cực kỳ bất định.
Hồi xưa thì bói toán, chiêm tinh, gần đây người ta thấy các môn ấy có vẻ “mê tín” quá nên thần số học, life coach đồ lên ngôi, vì nó khoa học hơn, “sành điệu” hơn. Nhưng chung quy cũng là đi thỏa mãn cái nhu cầu “tỏ tường đầu đuôi” cuộc đời chính mình của con người. Nhưng một khi bạn tự gán cho mình hoặc nhờ người khác gán cho một con số, một bản đồ, hoặc bạn tự nhận mình thuộc vào một nhóm người (hoài nghi, ủng hộ, nổi loạn gì đó) bạn khó tránh khỏi xu hướng thu thập những bằng chứng phục vụ cái “định mệnh”, cái đặc điểm được gán cho ấy, thậm chí bạn dần đi đến chỗ tạo ra những “bằng chứng” để củng cố niềm tin của mình. Từ quy nạp (tôi có các đặc điểm a, b, c, d nên tôi là người thuộc nhóm 1) bạn chuyển sang diễn dịch (vì tôi là người nhóm 1 nên tôi phải hành động theo a, b, c, d) mà bất chấp luôn sự thật là số bằng chứng cho thấy bạn không thuộc nhóm người đó cũng nhiều không kém. Bạn làm vậy có khác gì từ chỗ vì thấy rất nhiều con thiên nga trắng nên kết luận là mọi thiên nga đều trắng đến mức đặt tên nó là con bạch điểu, nhập nhằng giữa đặc điểm và định nghĩa, kết luận rằng đã là thiên nga thì phải trắng, và dứt khoát không chịu gọi con chim cùng loài màu đen là con thiên nga đen.