Review sách
Review sách “TRÀ HOA NỮ” (Ngọc Trâm)
“Những con người khốn khổ! Nếu thương yêu họ là một sai lầm, thì ít ra chúng ta có thể thương xót họ. Các bạn thương xót người mù không bao giờ thấy được ánh sáng của ban ngày, những người điếc không bao giờ nghe thấy âm thanh của tạo vật, người câm không bao giờ cất lên được những tiếng nói của tâm hồn. Nhưng vin vào một cớ e ngại giả tạo, bạn không chịu thương xót cho sự đui mù của trái tim, sự điếc lác của tâm hồn, sự câm lặng lương tâm. Và đã làm cho người phụ nữ bị đày đọa không thể thấy được con đường lương thiện, không thể nghe được tiếng gọi của Chúa và nói lên ngôn ngữ thuần khiết của tình yêu và đức tin”.
Những ngôn từ cao quý ấy được viết nên bởi một chàng trai, một nhà nghệ sĩ của cái đẹp, một nhà văn hào hoa lãng mạn với trái tim đầy cao thượng và vị tha khi chàng bước vào độ tuổi 24. Đó là độ tuổi mà ta ít nhiều đã phải trải qua những biến cố về tâm hồn, những vướng bận về đời sống nhưng vẫn tuyệt vời và kì diệu làm sao, chàng trai Alexandre Dumas có thể phát hiện ra cái đẹp ở những người mà thiên hạ nghi kị, đồn đoán với muôn vàn xấu xa, hạ tiện. Tác phẩm thể hiện trọn vẹn những suy nghĩ, chiêm nghiệm, những triết lý sâu xa nhất về đời về người và về những vấn đề cơ bản nhất của nhân loại: vấn đề thân phận và tình yêu.
“Trà hoa nữ” nếu được ví với một bản nhạc thì sẽ là bản nhạc bi ai và thổn thức nhất, nếu là một bức tranh thì sẽ là bức tranh lộng lẫy và thống khổ nhất còn khi đúng như nguyên bản của nó là một tác phẩm văn chương thì là một sản phẩm của cái đẹp đã “vượt qua mọi bờ cõi và giới hạn”, “vượt qua quy luật băng hoại thời gian” , trường cửu và bất diệt.
Đặt trong bối cảnh khi tác giả hóa thân thành nhân vật “tôi” đã mua thành công một quyển sách – tựa là Manon Lescaut trong buổi đấu giá căn phòng của người kỹ nữ nức tiếng xa hoa và tai tiếng xứ Paris – Marguerite Gautier và cũng chính nhờ quyển sách này đã dẫn đến mối quan hệ thân tình với chàng luật sư Armand Duval – tình nhân của người kỹ nữ quá cố. Từ đây, tác giả dường như từng bước từng bước tiến gần hơn đến cuộc đời Marguerite Gautier và cuộc tình của họ. Một mối tình không thêm thắt quá nhiều tình tiết cao trào, gây cấn, kích động về lí trí nhưng đó mối tình giữa nàng kỹ nữ- chàng tư sản với tất cả sự run rẩy của các cung bậc xúc cảm nồng nhiệt chân thành và tuyệt vọng nhất. Nàng Marguerite Gautier có một nhan sắc tuyệt vời, đẹp đến mê người, nàng sống trong sự xa hoa, tiêu pha vô độ vào những đêm tiệc tùng, thác loạn, những vở kịch, xem hát mà bất cứ một người đàn bà sang trọng nào cũng muốn có được nhưng xót xa thay, nàng lại như trốn vào đấy để vượt thoát khỏi sự đau khổ của những đòn giáng số mệnh, những định kiến áp đặt với thân phận kỹ nữ. Nhưng khi đứng trước tình yêu vị tha, thành tâm của Armand Duval, nàng trở lại trong sáng, ngây thơ như một nữ đồng trinh thánh thiện, nàng ngụp lặn trong tình yêu, trong hạnh phúc một cách nồng nhiệt, đắm say, tận hưởng, tận hiến như một đứa trẻ bao ngày đói khát và cũng như một người tiên cảm trước được cuộc đời họ không có ngày mai. Có vô số những tình nhân yêu Marguerite ngây dại, sẵn sàng phá sản vì nàng nhưng chỉ duy nhất có một Armand là tình nhân của tâm hồn nàng, là mối tình đầu cũng như cuối cùng của đời người con gái ấy.
Và tình yêu hiện hữu choáng ngợp trong tim, nàng đáp trả lại bằng tất cả sự hy sinh, nàng thể hiện một cách toàn vẹn ý nghĩa của biệt danh “Trà hoa nữ”, sự cao quý của hoa trà tức là đức khiêm cung, tận hiến và sự tuyệt vời. Bỏ đi những thú vui sa đọa, nàng muốn cuộc đời mãi gắn bó với chàng luật sư trẻ tại nơi thôn quê đằm thắm bình yên, bỏ đi những lợi ích bản thân, nàng sẵn sàng bán tất thảy mọi thứ để trọn vẹn với mối tình, và thậm chí cuối cùng nàng đã hy sinh chính tình yêu đời mình để đổi lấy hạnh phúc của em gái Armand, đổi lấy sự danh giá của dòng tộc chàng khi đứng trước những luân lý của cha Armand. Phải chăng tình yêu nơi nàng không đủ lớn để vượt qua mọi rào cản? Không, tình yêu nơi nàng quá đỗi chân thành lớn lao, nó vượt qua mọi sự vị kỷ tầm thường thoát khỏi mọi ràng buộc, giáo điều hà khắc, cứu chuộc lỗi lầm đời người kỹ nữ và mang lại hạnh phúc nơi người khác.
Cuối cùng, người con gái ấy ra đi giữa sa mạc của trái tim, sự cô quạnh của tâm hồn và chẳng ai bên cạnh, nàng đã đánh đổi quá nhiều và cũng đã tha thứ cho cuộc đời rất nhiều. Phải chăng chính cái chết của thân phận con người, sự khép lại của số mệnh cũng đã mở ra một sự bất tử, vĩnh hằng cho thân phận tình yêu mà nàng để lại cho tình nhân Armand, và cho cả cuộc sống?
Chúng ta sinh ra, là ai dù với hạng người nào cũng luôn luôn bình đẳng về sự tồn tại giữa cuộc đời. Có lí lẽ nào minh chứng rằng chỉ khi ta đày đọa những con người khốn khổ ấy thì ta mới tìm được cách sống tốt? Có nhà lập thuyết nào khẳng định tuyệt đối được rằng những cô gái buôn phấn bán hương chỉ chất chứa những tội lỗi trong tim? Vậy vì sao chúng ta cứ mải mê bám lấy những định kiến vô nghĩa giả tạo và cũng như tác giả viết “ Tại sao chúng ta cứ cứng đầu bám lấy những luận điệu của thế giới này, cái thế giới tự tỏ ra cứng rắn để người ta tưởng nó giàu nghị lực? Tại sao chúng ta lại đồng ý với nó để xua đuổi những tâm hồn đang rỉ máu vì những vết thương do tội lỗi của quá khứ gây nên, những tâm hồn chỉ chờ một bàn tay thân ái đến băng bó, giúp họ lấy lại được sự an lành của trái tim?”.
Qua những chiêm nghiệm đầy chua xót khi Marguerite Gautie tự nói về chính mình và đó cũng là những suy ngẫm của Alexandre về số phận người kỹ nữ: “ Người ta làm hao mòn dần trái tim người ta, thân xác người ta, sắc đẹp người ta. Người ta bị ghê sợ như một con thú dữ, khinh bỉ như một tên cùng khốn. Người ta luôn luôn bị bao vây bởi những kẻ đến đòi hỏi nhiều hơn là ban phát” khơi dậy trong ta bao mối ngậm ngùi về thân phận con người luôn bị dày xéo, đày đọa, bị áp bức, tổn thương. Hình ảnh nàng Marguerite cầu xin một cái hôn phước lành nơi cha chàng Armand cũng như một lời cầu mong bản thân được công nhận, được thương yêu được đối xử như một người con thân thuộc.
Tôi chạnh lòng nghĩ đến những câu nói của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “ Sống giữa đời này chỉ có thân phận và tình yêu. Thân phận thì hữu hạn. Tình yêu thì vô cùng. Chúng ta làm thế nào nuôi dưỡng tình yêu để cứu chuộc thân phận trên cây thập giá đời”. Và người con gái trong trắng mãi mang nét đẹp thanh xuân thuần khiết đã thực hiện điều đó một cách lương thiện, nhiệt tâm và tuyệt vời nhất.
Philippe Jaccottet từng viết “ Tôi đã già đi từ đầu đến cuối bài thơ”, câu nói ấy không chỉ dành cho những tác phẩm thơ ca bất hủ mà còn dành cho những tác phẩm văn chương đích thực. Và dường như tôi cũng có cùng cảm tưởng với Philippe Jaccottet khi đọc tác phẩm “Trà hoa nữ”. Gấp sách lại, tôi dường như thấy mình đã đi qua một đời người rất dài với bao thổn thức tâm can, bao chiêm nghiệm suy tư đầy đắng cay thống khổ, tuyệt vọng và cả hạnh phúc, niềm tin vào nhân phẩm con người.
Alexandre Dumas đã sống và viết đúng như những quan niệm của ông về cuộc đời: “Tôi không phải là sứ giả của tà dâm phóng đãng. Nhưng tôi luôn luôn sẽ là tiếng vang cho sự đau khổ cao quý, bất cứ ở đâu, khi tôi nghe được tiếng hô nguyện cầu”, ông đã khơi được mối nhiệt hứng, niềm cảm thương với những thân phận nhỏ bé tầm thường và khái quát nên những vấn đề nhân bản lớn lao, đầy ý vị nhân sinh sâu sắc.
Cuối cùng, mỗi chúng ta “ hãy để lại trên những ngả đường chúng ta đi lòng khoan hồng cho những kẻ mà dục vọng cõi đời đã làm hư hỏng. Và có thể họ sẽ may mắn được cứu thoát bởi một hy vọng thiêng liêng”.
Cảm ơn vì bạn đã đọc.
(Mình xin phép không gọi tác giả là Alexandre Dumas con, không đặt trong mối quan hệ với người cha Alexadre Dumas – một nhà văn kiệt xuất, vì mình muốn thể hiện tất cả sự ngưỡng mộ, kính trọng đối với lòng cao thượng, vị tha, trái tim lãng mạn hào hoa và tài năng xuất chúng của chính tên tuổi ông) .