Review sách
Review sách “ĐÈN KHÔNG HẮT BÓNG” (Ula Thuy)
Còn nhớ khi mình đọc Đồi gió hú là khoảng 18 -19 tuổi. Tác phẩm đó đã ám ảnh mình mãi đến sau này vì cái mênh mang cô độc, những khao khát không bao giờ được thoả mãn, những tin yêu không có cơ hội chớm nở. Cái ác, hận thù, sự tuyệt vọng mênh mông cả một ngọn đồi. Sau này có nhiều dịp đi qua những ngọn đồi nhỏ chỉ có một ngôi nhà nằm trên đỉnh, mình vẫn không thôi liên tưởng và ớn lạnh khi nghĩ đến đó có thể là một Đồi gió hú. Rồi mình có đọc Rừng Na Uy, cái cảm giác buồn buồn, mờ mịt, bế tắc cũng lại làm mình rờn rợn một thời gian. Mình đã nghĩ rằng mình sẽ không đọc những tác phẩm như vậy nữa. Vậy mà vừa rồi mình lại bị Đèn không hắt bóng cuốn hút. Mình cũng bâng khuâng mất mấy tuần vì cái kết đột ngột, không rõ ràng của truyện, cũng như kết thúc của cuộc đời Naoe. Nỗi đau của Naoe không đến dồn dập mà từ từ, nhẹ nhàng nhưng cường độ mỗi lúc lại mạnh hơn nên đã “lừa” được mình đọc hết tác phẩm. Và đến khi đã “thấm” rồi thì lại không thể dừng lại được nữa.
Đọc xong cả cuốn truyện mình không dám chắc rằng mình hiểu bác sĩ Naoe và mình tin có nhiều người có cùng cảm giác đó. Tác giả không miêu tả nội tâm nhân vật nam chính này mà cho độc giả cảm nhận qua diễn biến câu chuyện và lời nhận xét của những nhân vật phụ. Ban đầu mình rất ngưỡng mộ Naoe vì sự tài giỏi về chuyên môn, sự thấu hiểu sâu sắc về cuộc sống cùng sự tận tâm đối với công việc cũng như bệnh nhân. Nửa đầu câu chuyện, Naoe hiện ra như một người hoàn hảo, trừ việc anh đối xử với Noriko. Có lẽ như thế nên mình hiểu vì sao Noriko yêu và thần tượng Naoe đến vậy.
Nửa sau câu chuyện, cuộc đời cá nhân của Naoe dần dần lộ ra, mình cảm thấy ghê tởm vị bác sĩ này. Anh có đủ thói hư tật xấu với rượu, thuốc, ma tuý và quan hệ với mọi người đàn bà vây quanh mình. Chỉ đến khi anh chết những sự thật mới được vén lên. Bác sĩ vô cùng tài năng Naoe là kẻ đáng thương hơn tất thảy. Là bác sĩ nhưng anh lại mắc căn bệnh ung thư xương mà y học cũng bó tay. Anh đã làm việc đến những ngày cuối cùng để cống hiến, để tìm quên mà không cần một ai thấu hiểu, không cần bất cứ sự ghi nhận nào. Còn gì đau đớn, bất lực hơn khi mình chữa bệnh cho người khác lại không chữa được bệnh cho chính mình. Còn gì đau khổ hơn khi biết rõ ngày mình chết với những đau đớn về thể xác ngày một nhiều hơn. Anh còn trẻ, anh có tài, anh còn biết bao ước mơ hoài bão chưa thực hiện, vậy mà anh đã biết rõ ngày anh phải dừng lại. Anh đã sống truỵ lạc là để giúp quên đi những đớn đau cả ở thể xác và tâm hồn. Anh đã chọn cái chết là một hồ nước sâu, lạnh lẽo với rất nhiều rễ cây để không bao giờ cái xác có thể nổi lên được. Cái chết vô cùng cô độc và ám ảnh.
Đọc xong mình cứ bâng khuâng về cảm giác đau đớn, bất lực mà Naoe phải chịu, bâng khuâng về cái chết mà anh chọn. Sự phù du của kiếp người cũng khiến mình hoang mang. Mình bâng khuâng không biết anh có yêu Noriko hay không và có lẽ chính Noriko cũng không biết Naoe có yêu cô hay không. Mình đã tìm đọc review của tác phẩm này để tìm câu trả lời, nhưng người nói có, người nói không. Ở lá thư Naoe thú thật với Noriko về bệnh tình của mình, anh chỉ nói rằng cô là người bạn cuối cùng tiễn đưa anh. Đọc xong đoạn đó, lần đầu tiên mình muốn được nhìn tận mắt bản tiếng Nhật để xem tác giả có dịch nhầm chữ “người yêu” thành chữ “bạn” hay không. Mình đã tìm hiểu và biết rằng dịch giả đã dịch đúng. Mất một thời gian vẫn cứ luẩn quẩn trong câu chuyện này, mình có lẽ đã có câu trả lời cho riêng mình, Naoe không yêu Noriko. Vì Noriko là cô gái quá đơn giản, chỉ biết chạy theo yêu và phục vụ Naoe bất kể anh có hắt hủi mình như thế nào. Một người con gái có thể để Naoe yêu có lẽ cần là một người sâu sắc để thấu hiểu được anh, bàn luận và chia sẻ được với anh.
Ánh mắt lúc Naoe nhìn bác sĩ Kobashi trìu mến lần cuối cứ ám ảnh mình mãi. Naoe thật đáng thương.