Review sách
Review sách “TRĂM NĂM CÔ ĐƠN” (Vũ Hoàng Anh)
Là trăm năm con người vò võ cuộn mình lại với sự trống trải của thời cuộc? Hay là trăm năm tình yêu mãnh liệt nhưng chẳng dũng cảm mà nói ra thành lời?
Những con người, những số phận đã được định sẵn trên tấm da thuộc của dòng họ Buendía như chẳng thể thoát khỏi số mệnh “trăm năm cô đơn”. Có người chấp thuận, lãnh cảm sống một đời với không chút cảm xúc vui buồn nào. Có người buông xuôi để mặc cho tình yêu cứ thế vuột mất với tất cả lí do “chính đáng” có thể nghĩ ra. Lại có kẻ gồng mình lên để đấu tranh, cho tình yêu, cho những phức cảm ham muốn bị ngăn trở bởi định kiến tồn tại ở mọi “xã hội văn minh” mà ta vẫn thường thấy. Kết cục nào cho những kẻ đó? Liệu trăm năm cô đơn có phải một lời nguyền chẳng thể hoá giải nổi không? Hay chính những con cháu Buendía đang đời đời kiếp kiếp giam hãm mình trong đó, với những nỗi sợ vô hình khiến họ chẳng dám mạnh mẽ mà nhìn sâu vào những cảm xúc rối bời trong lòng mình?
Bằng khả năng tưởng tượng độc đáo cùng tư duy rành mạch, Gabriel García Márquez đã kể cho người đọc câu chuyện sinh động và hấp dẫn trải qua 7 đời của dòng họ Buendía, với nỗi cô đơn cùng cực và những ham muốn phóng túng đến mức điên dại bộc phát ra bằng những cách thức khác nhau. Sự đan xen nhuần nhuyễn giữa huyền ảo và thực tế cùng những sự kiện, tên riêng chồng chéo của các nhân vật có lẽ là thách thức tuyệt vời cho sự đọc và tư duy của độc giả.
Với tình yêu, với sự phóng khoáng trong những ham muốn thể xác nhưng tâm hồn tràn ngập sự cô đơn, Gabriel García Márquez đã cho độc giả thấy tất cả những triết lý và những vô lý của cuộc đời. Những khát vọng tưởng chừng như chính nghĩa trong cuộc chiến tranh, của người lãnh đạo được tôn sùng, tất thảy cũng chỉ là những chết chóc, những máu me, những ảo tưởng về thời cuộc, về quyền lực sinh sát của một kẻ với trái tim trống rỗng. Hay chính kẻ đó vào trăm năm sau, lại bị sự tàn khốc của thời gian đánh gục, khi người đời chất vấn nhau về sự tồn tại của con người ấy, về giai thoại ấy như những lời ma mị của chính phủ đương thời.
Trăm năm, hay hơn cả trăm năm, là một sự hồi vọng, cho những huy hoàng, những tan vỡ, những hạnh phúc cùng đớn đau đi qua 43 kiếp người. Cảm ơn ba dịch giả Nguyễn Trung Đức, Phạm Đình Lợi và Nguyễn Quốc Dũng đã truyền tải lại ngòi bút phóng khoáng, trữ tình nhưng đầy sâu cay và châm biếm trong áng văn chương này của Gabriel García Márquez.
Đối với cá nhân tôi, Trăm năm cô đơn có vị trí danh dự trong danh sách các tác phẩm văn chương phải đọc trong đời. Bởi những quy luật, những triết lý sâu sắc, những bài học vô nghĩa tất thảy đều được gửi gắm nơi đây.