Review sách
Review sách “HÃY CHĂM SÓC MẸ” (Tuyet Son)
Câu chuyện là một hồi chuông thức tỉnh về sự hữu hạn của thời gian và sự vô thường của cuộc sống.
Quyển truyện này do một tác giả người Hàn Quốc viết, trước đây mình không thường đọc sách hay truyện do tác giả người Hàn viết, tuy nhiên khi thấy quyển sách cũng như tựa đề này mình thấy rất tò mò và muốn mua để đọc thử. Đặc biệt hơn nữa, vì đây là sách của Nhã Nam nên mình rất thích, sách lúc nào cũng được thiết kế một cách rất tỷ mỹ và chu đáo, bìa sách rất bắt mắt và thu hút mình, hơn nữa, những bìa sách của Nhã Nam rất liên quan đến những nội dung trong quyển sách mà Nhã Nam xuất bản.
Cuốn sách xoay quanh câu chuyện về cuộc hành trình của những người con, người chồng đi tìm lại người mẹ (người mẹ tên là Park So-nyo) đã bị thất lạc trong đám đông khi đang trên chuyến đi thăm con ở ga tàu Seul, Hàn Quốc. Bà bị thất lạc khi đi cùng chồng bà trên ga tàu, thay vì lên tàu cùng ông thì bà đã bị bỏ lại phía sau trong khi ông không hề hay biết. Sau sự kiện không ai mong đợi ấy, một cuộc hành trình tìm kiếm người mẹ bị thất lạc bắt đầu. Từ việc tạo ra và phát hành tờ rơi trong khắp khu vực lân cận ga tàu Seul, đến việc tìm viện trợ từ cảnh sát, những người dân gần đó, những người con đã phải tất bật ngược xui để đi tìm người mẹ của mình. Sự việc xảy ra với họ quá bất ngờ, họ không thể tin vào những gì mình vừa trải qua, những cảm xúc lo lắng, sợ hãi lẫn lộn với nhau ngày qua ngày.
Quyển truyện này đã làm mình rơi nước mắt, mình không thể ngừng đọc, từng con chữ, từng lời văn, từng cách mà tác giả mô tả nội tâm của từng nhân vật thật sự quá xuất sắc và ấn tượng. Mình rất thích tác giả mô tả diễn biến nội tâm của từng nhân vật từ người con trai cả Hong-Chol, cô con gái Chi-hon và người chồng của bà. Khi bà mẹ bị thất lạc một cách không có lý do, tất cả mọi người đều tìm đủ mọi cách để đi tìm nhưng sau một khoảng thời gian khá dài vẫn không tìm được bóng dáng của người mẹ, trong suốt quá trình ấy, họ chỉ nghe thấy những người trên đường phố kể lại việc họ đã từng gặp một bà già, mang đôi lép lê màu xanh và đang bị thương ở chân đi vòng quanh trên khắp con đường trong thành phố.
Hình ảnh người mẹ đi lang thang ngoài phố, trong tay chẳng có thứ gì, lại đang mang bệnh, mình không thể tưởng tượng được cảm giác đau thương và tim muốn nổ tung là như thế nào. Bà đang bị thương và trên phố thì không ai biết bà là ai, bà cũng không biết mình phải đi về đâu.
“Bà cụ đi đôi dép lê màu xanh, vì đi lại nhiều nên chỗ gần ngón chân cái bị thương sâu hoắm đến mức gần như nhìn thấy cả xương. Vết thương đã bị nhiễm trùng và tái nhiễm trùng rất tệ, dường như chẳng thể làm gì được nữa.”
Mình thật sự cảm động và thấy rất enjoy quyển truyện này vì sau khi người mẹ bị thất lạc, diễn biến nội tâm tâm lý của người anh cả Hyong-chol, người em gái Chi-hon và người chồng của bà, những kí ức trong quá khứ ùa về với từng người.
Người anh trai cả nhớ về những thời gian ở bên mẹ, những mơ ước của bà muốn anh trở thành công tố viên, bà luôn muốn anh học hành chăm chỉ và có thể chạm đến ước mơ ấy không xa, những lần ba chuẩn bị đồ ăn cho anh và thương anh nhiều nhất trong tất cả các người con, luôn quan tâm và chăm sóc anh hơn hết.
“Mẹ đã rất chiều chuộng anh trong khoảng thời gian bố không có ở nhà. Mẹ cho anh đi chiếc xe đạp của bố, mẹ đưa cho anh cái chiếu bố anh nằm ngủ, đắp cho anh cái chăn bố anh đã đắp. Mẹ còn xới cơm cho anh vào cái bát to mà xưa nay chỉ có bố dùng. Bát canh đầu tiên múc ra mẹ luôn đặt trước mặt anh, nếu thấy đứa em định ăn, mẹ sẽ mắng: “Anh còn chưa cầm đũa đâu đấy”. Khi người bán hoa quả với chiếc thùng cao su đựng đầy nho đi qua nhà, mẹ xúc nửa bát vừng đang phơi ngoài sân cho họ để đổi lấy mấy chùm nho rồi mang cất đi cho anh, bảo với lũ em rằng: ” Cái này chỉ cho anh các con thôi”.
Cô con gái Chi-hon thì nhớ lại quảng thời gian bên mẹ nhưng lúc nào cũng vô tâm và cọc cằn, không thật sự quan tâm đến mẹ, chưa từng để ý đến cảm nhận của bà, thậm chí đến nổi bà có tiền sử bệnh về tai biếng mạch máu não mà cô cũng không hề hay biết. Có những việc tưởng chừng như rất nhỏ và vụn vặt, nhưng cô lại hành động nông nổi với chính mẹ mình, khiến cho mẹ cô vô cùng buồn và thất vọng.
“Chẳng phải con đã đưa tiền cho mẹ rồi à. Người nhà quê thật khó chịu, con chó không đáng thương hay sao? Làm sao nó sống được trong cái chuồng chật hẹp ấy được, như là khi trời nắng nóng thế này?”
“Cô chỉ quan tâm đến con chó chứ quan tâm gì đến mẹ cô! Cô nghĩ mẹ cô là kiểu người đối xử tệ với con chó thế cơ à? Cô không cần phải dạy tôi phải làm gì. Tôi nuôi chó theo cách của tôi.”
“Con không phải là con của ngày xưa nữa, con đã trở thành một con người quá lạnh lùng.”
Cả ngay người chồng mà bà đã chung sống suốt 50 năm cũng không hề quan tâm bà một cách trọn vẹn. Những lúc bà đau ốm, ông cũng để tâm đến và rồi khi bà biến mất mới thật sự hối hận. Ông lúc nào cũng sống hết sức vội vã mà không một lần dừng lại để hỏi thăm vợ mình.
“Cũng đến tận bây giờ ông mới nhận ra rằng, ngay cả khi vợ ông bị bệnh tiêu chảy, không ăn uống gì được trong mấy ngày liền, ông cũng không mang nổi cho bà một cốc nước ấm”.
Cách miêu tả nội tâm nhân vật rất sâu sắc, mình đã rơi nước mắt khi mô tả từng khoảnh khắc trong kí ức ùa về với từng nhân vật.
Bài học mình rút ra được trong quyển sách này: Hãy bên cạnh, chăm sóc cha mẹ mình cho thật tốt, quan tâm và chia sẻ những nỗi niềm cùng họ. Đừng để đánh mất đi những gì gần gũi xung quanh mình rồi mới kịp nhận ra giá trị của những điều đó. Cha mẹ thì ngày càng già đi, thân thể ngày càng yếu đi, chúng ta ngày càng bận rộn và rồi cũng quên đi sự tồn tại của đấng sinh thành. Vì lao lực mưu sinh mà ta đánh mất đi lòng yêu thương và sự cảm thông đối với cha mẹ mình, hãy kiên nhẫn nhiều hơn với đấng sinh thành, hãy phụng dưỡng và làm những gì có thể để khiến họ hạnh phúc.
Con cái rồi ai cũng có con đường riêng của mình khi trưởng thành, rồi cũng rời xa vòng tay của cha mẹ, tuy nhiên điều đó không có nghĩa là chúng ta sẽ rời xa và cắt đứt tất cả những mối liên hệ vốn có, luôn có một sợi dây vô hình luôn kết nối với đấng sinh thành, hãy bên cạnh họ không quá gần cũng không quá xa, yêu thương họ hết lòng vì cuối cùng nhà vẫn là nơi chúng ta sẽ trở về và chỉ có gia đình mới là nơi có thể giúp chúng ta tìm được sự bình yên trong tâm hồn và cảm nhận được sự yêu thương vô điều kiện.
Mong rằng chúng ta sẽ chăm sóc cha, mẹ của chúng ta nhiều hơn. Vì chúng ta chỉ có một người cha, một người mẹ mà thôi.