Review sách
Review sách “KAFKA BÊN BỜ BIỂN” (Nguyễn Bảo Uyên)
Đây là một cuốn tiểu thuyết siêu thực như phong cách vốn có trong các tác phẩm của Haruki Murakami. Kafka bên bờ biển là một cuộc hành trình có đủ thứ: siêu thực, kì ảo, thần thoại, chiêm bao, âm nhạc, tâm lý học, triết học,… Xuyên dọc cuốn sách dài hơn 500 trang này là hai tuyến câu chuyện kể song song của hai nhân vật: cậu thanh niên Kafka Tamura và cụ già Nataka.
Tuyến truyện kể đầu tiên được kể ở ngôi thứ nhất, về chàng thanh niên Kafka Tamura (cái tên Kafka cũng là do cậu bịa ra) quyết định bỏ nhà ra đi vào đúng dịp sinh nhật 15 tuổi của mình. Nhất định phải vào thời điểm đó, không sớm hơn, không muộn hơn. Cậu ra đi để thoát khỏi cuộc sống hiện tại, để trốn tránh cái lời nguyền được cha cậu gá lên người cậu. Nhưng cậu không thể trốn tránh được số phận của mình. Những gì phải đến thì sẽ phải đến, bằng cách này hay cách khác.
Tuyến truyện thứ hai kể từ ngôi kể thứ ba về ông già Nataka “không được sáng dạ cho lắm”. Ông đã từng là một đứa trẻ thông minh, thành tích học tập tốt nhưng một vụ tai nạn kì bí đã khiến ông trở nên ngơ ngẩn. Cả tuyến truyện thứ hai này đầy màu sắc kì bí hệt như cái tai nạn ấy, từ việc ông già có khả năng nói chuyện với mèo cho tới hàng loạt những sự kiện không theo logic thông thường như: cơn mưa cá, mưa đỉa, ông Đại tá tự nhận mình không phải là người mà là một-khái-niệm-trừu-tượng, gái điếm trích dẫn Bergson, phiến đá cửa vào,…
Cuộc hành trình của 2 nhân vật chính cuối cùng cũng giao nhau cả trên bình diện hiện thực lẫn siêu hình. Tất cả những sự kiện kì lạ bí ẩn, những nút thắt được giải thích bằng một cách cũng bí ẩn không kém. Cái kết có giải thích được hết tất cả những vấn đề ông đặt ra trong tác phẩm không lại tùy thuộc ở người đọc. Như chính tác giả đã trả lời cho câu hỏi “bí quyết để hiểu tác phẩm này” là “nằm ở chỗ đọc nhiều lần.
Vấn đề mà tác giả đặt ra trong cuốn tiểu thuyết này là gì? Đó là lựa chọn dấn thân, trải nghiệm và tha thứ trong cuộc đời đầy chất bi kịch sử thi của chàng trai chỉ mới 15 tuổi, là vấn đề truy tìm và vật lộn với cái bản ngã của mình. Đó là vấn đề về sự không hoàn hảo của thế giới: con người luôn mải miết đi tìm một nửa còn thiếu bởi thượng đế đã bổ đôi mỗi người chia ra rạch ròi thành nam và nữ (trong cuốn Bữa tiệc của Plato), cái bóng mờ nhạt chỉ còn có một nửa của Nataka và Miss Saeki, hay bản Sonata cung Rê trưởng của Schubert, tất cả đều không hoàn hảo.
Cái tài của Haruki Murakami là ông có thể đan cài rất nhiều vấn đề vào trong tiểu thuyết của mình. Ông khiến cho người đọc hình dung được cái không khí nước Nhật ảm đạm ở thời điểm thế chiến thứ 2, mặc dù bối cảnh là ở thời hiện đại. Ông cũng khiến cho độc giả cảm thấy thư giãn bằng những bản nhạc cổ điển, hay thậm chí là cảm thấy mơ hồ hình dung đến các vấn đề phân tâm học, triết học hiện sinh. Các nhân vật trong Kafka bên bờ biển đều có một cách tư duy đi sâu vào bản chất. Kể cả cách nói chuyện kì lạ của ông già thiểu năng Nataka hay đến cả nhân vật lái xe tải Hoshino vốn ít học. Thế giới mà Haruki xây dựng lên ngoài yếu tố kì ảo, nó là cả sự lộn xộn khó lòng giải thích, người đọc bị ném vào đó, chấp nhận và tự cảm nhận. “Tâm trí lão thích ứng ngay với cái thực tại mới ấy, chấp nhận nó, không hề tự hỏi tại sao nó lại ở đấy”, đây chính là lời trích dẫn phù hợp nhất để hướng dẫn người đọc tiếp cận tác phẩm.