Sang Chấn Tâm Lý - Bessel Van Der Kolk - Lời mở đầu
Ai cũng có thể bị sang chấn tâm lý, kể cả tôi, bạn, người thân, bạn bè, đồng nghiệp của bạn,… Sang chấn không chỉ để lại những dấu vết trong tâm hồn, cảm xúc của chúng ta mà còn ảnh hưởng đến cả cơ thể, hệ thống miễn dịch.
Ngoài ra, sang chấn không chỉ ảnh hưởng đến những người trực tiếp chịu đựng nó mà còn ảnh hưởng đến những người xung quanh. Những người lính trở về từ chiến trường thường làm gia đình họ khiếp sợ vì sự nổi giận vô cớ, lạnh lùng, khép kín. Vợ của những người đàn ông bị rối loạn stress sau sang chấn (PTSD) thường có xu hướng bị trầm cảm. Con của những người mẹ trầm cảm có nguy cơ cảm thấy bấp bênh và sợ hãi nhiều điều khi lớn lên. Một đứa trẻ thường xuyên chứng kiến cảnh bạo lực trong gia đình hoặc bị cha mẹ bạo hành thì khi lớn lên trẻ sẽ khó tạo dựng những mối quan hệ bền vững, tin cậy.
Theo định nghĩa, sang chấn tâm lý thường rất khó chịu đựng và vượt qua. Phần lớn các nạn nhân bị cưỡng hiếp, những người lính, trẻ em từng bị lạm dụng tình dục thường rất đau khổ khi nhớ lại những ký ức kinh hoàng và luôn cố đẩy chúng ra khỏi tâm trí, cố tỏ vẻ như chuyện kinh khủng ấy chưa hề xảy ra và ráng tiếp tục sống. Phải gắng lắm họ mới có thể sống tiếp vì phải đeo mang ký ức hãi hùng cùng nỗi nhục nhã khi thấy mình thật yếu đuối và dễ bị tổn thương.
Dù tất cả chúng ta đều muốn vượt qua những nỗi đau nhưng phần não bộ dành cho việc duy trì sự sống của chúng ta (nằm sâu phía dưới phần não bộ lý trí) lại không giỏi phủ nhận cho lắm. Dù trải nghiệm thương đau đã xảy ra rất lâu thì bất kỳ dấu hiệu nguy hiểm nhỏ nào cũng có thể kích động những mạch não bộ bị tổn thương, khiến chúng tiết ra một lượng hormone của stress vô cùng lớn gây ra cảm giác vô cùng khó chịu, thúc đẩy những hành vi mất kiểm soát. Các phản ứng sau sang chấn này rất dữ dội và khó hiểu. Những người bị sang chấn thường mất kiểm soát bản thân và lo sợ rằng bệnh của mình vô phương cứu chữa.
Năm 14 tuổi, tôi bắt đầu ấp ủ mơ ước học ngành y. Người nhen nhóm ước mơ này trong tôi chính là người anh họ Michael. Tôi đã say sưa thức thâu đêm nghe anh giải thích về quá trình vận hành phức tạp của gan, cách gan thải những chất bã của cơ thể người và hấp thụ những chất hóa học để giúp cơ thể cân bằng. Cơ thể con người thật kỳ diệu!
Khi trở thành sinh viên y, dù nghiên cứu về giải phẫu, tim mạch hay nhi khoa, tôi đều khắc cốt ghi tâm rằng chìa khóa để chữa lành là hiểu được cách thức hoạt động của cơ thể con người. Khi bắt đầu kỳ thực tập tâm lý học, tôi đã sững sờ nhận ra các nhà tâm lý học vẫn còn hiểu biết quá ít về căn nguyên những vấn đề tâm lý của con người mà họ đang tìm cách chữa trị. Liệu một ngày nào đó chúng ta có thể am tường não bộ, tinh thần và tình yêu thương cũng như những cơ chế khác đã cấu thành nên cơ thể chúng ta hay không?
Sự ra đời của ba phân ngành khoa học mới gồm thần kinh học (neuroscience), tầm bệnh học phát triển (developmental psychopathology) và sinh học thần kinh học liên cá nhân (interpersonal neurobiology) – đã tạo nên sự bùng nổ kiến thức về những ảnh hưởng của sang chấn, lạm dụng và sự bỏ rơi đối với con người.
Hiện nay, chúng ta đã biết rằng sang chấn gây ra những thay đổi về sinh lý học trong cơ thể, những thứ giúp ta cảm nhận được mình đang sống. Những thay đổi này giải thích tại sao các cá nhân bị sang chấn trở nên nhạy cảm hơn đối với những hiểm họa ngay cả khi họ đang tham gia cuộc sống thường ngày. Chúng cũng giúp chúng ta hiểu được vì sao những người bị sang chấn thường liên tục lặp đi lặp lại những hành động nào đó. Chúng ta cũng đã biết những hành vi của người bị sang chấn không phải là hệ quả của việc sa sút về đạo đức, là dấu hiệu của việc mất lý trí hay nhân cách kém mà là do những thay đổi trong não bộ của họ.
Những kiến thức ngày càng sâu rộng về sang chấn giúp chúng ta tìm thấy những phương pháp làm dịu bớt hoặc thậm chí điều trị được sang chấn. Chúng ta đã phát triển những phương pháp tận dụng tính khả biến tự nhiên của não bộ để giúp những người bị sang chấn cảm thấy mình đang sống thật sự trong hiện tại và tiếp tục cuộc sống của mình. Có ba lộ trình điều trị cơ bản: 1) giải quyết từ ngọn, tức trò chuyện, kết nối lại với những người khác, cho phép bản thân nhận biết và hiểu điều gì đang xảy ra với mình trong lúc đang xử lý những ký ức đau thương, 2) dùng thuốc ngăn chặn những phản ứng không phù hợp hoặc dùng những công nghệ khác giúp thay đổi cách não bộ sắp xếp thông tin, 3) giải quyết từ gốc, nghĩa là cho phép cơ thể có những trải nghiệm sâu sắc và tự nhiên trái ngược với cảm giác bất lực buông xuôi, giận dữ hoặc suy sụp tinh thần do sang chấn.
Cách điều trị nào là tốt nhất cho từng bệnh nhân là câu hỏi mang tính thực nghiệm. Phần lớn bệnh nhân của tôi được điều trị bằng việc kết hợp nhiều phương pháp.
Tôi đã xác định sự nghiệp suốt đời của mình là điều trị cho những bệnh nhân bị sang chấn. Tôi đã thành lập Trung tâm Điều trị Sang chấn (Trauma Center) 30 năm trước. Các đồng nghiệp, tôi và các học trò của tôi đã cùng nhau chữa trị cho hàng ngàn bệnh nhân trẻ em và người lớn bị sang chấn. Họ là nạn nhân của bạo hành khi còn bé, thiên tai, chiến tranh, tai nạn, nạn buôn người, bị người thân hoặc người lạ hãm hiếp.
Ngoài nhiệm vụ chính là điều trị, chăm sóc những người bị sang chấn ở nhiều lứa tuổi, chúng tôi còn không ngừng nghiên cứu ảnh hưởng của stress do sang chấn đối với những đối tượng khác nhau, tìm kiếm phương pháp điều trị hiệu quả cho từng đối tượng.
Những thử thách chúng tôi cần vượt qua chính là trả lời được những câu hỏi như làm sao con người có thể kiểm soát được dư âm của sang chấn trong quá khứ và làm chủ được chính mình? Việc trò chuyện, thấu hiểu và kết nối giữa con người với nhau giúp ích rất nhiều, và các loại thuốc có thể xoa dịu hệ thống báo động. Nhưng chúng ta cũng sẽ thấy rằng, ta có thể biến đổi những ảnh hưởng sâu sắc của quá khứ bằng cách có những trải nghiệm thể chất đối lập trực tiếp với cảm giác bất lực, giận dữ và gục ngã có liên quan đến nỗi đau. Những trải nghiệm này có thể giúp bệnh nhân trở lại làm chủ được bản thân.
Tôi không đặc biệt yêu thích phương thức điều trị nào vì không có phương pháp nào có thể áp dụng cho tất cả bệnh nhân. Những phương pháp chữa trị được giới thiệu trong cuốn sách này đều đã được áp dụng thực tế trên bệnh nhân. Hiệu quả của mỗi phương pháp còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như bản chất của sang chấn, đặc điểm riêng của bệnh nhân.
Cuốn sách này vừa là tài liệu hướng dẫn vừa là lời động viên những ai đang bị sang chấn hãy dám đối mặt với vết thương của mình, tìm cách chữa trị hiệu quả và cam kết với bản thân sẽ chung tay cùng xã hội ngăn chặn những sang chấn.
– Tiến sĩ Y khoa Bessel Van Der Kolk