Sổ Tay Nhà Thôi Miên 1 - Cao Minh - Một
Trên màn hình máy quay, một cô gái trẻ đang ngồi trên ghế sô pha dài, vẻ mặt đôi chút bất an. Còn cộng sự của tôi thờ ơ ngồi phía sau cô ấy không xa, lật giở tập tài liệu.
Sau khi điều chỉnh góc máy, tôi quay lại chiếc ghế to rộng ngay chính diện cô gái, hơi nghiêng người về phía trước, nhìn chăm chú vào mắt cô ấy, bình tĩnh nói: “Thả lỏng, như lúc ban đầu tôi nói với cô vậy, thả lỏng.”
Cô ấy nghe lời, từ từ dựa về sau, cơ thể dần thả lỏng.
“… Rất tốt… Từ từ nhắm mắt lại, thử tưởng tượng cô đang ở trong một hành lang uốn khúc xoay tròn xuống dưới…”
Cô ấy nhắm mắt lại, chậm rãi thở ra một hơi.
“Đúng rồi, rất tốt, cô đi theo các bậc thang xuống dưới, nếu cẩn thận lắng nghe, cô sẽ nghe thấy một số âm thanh quen thuộc…”
Tôi thấy hai vai cô ấy bắt đầu thả lỏng.
“… Đó là âm thanh cô quen thuộc…” Tôi cố gắng nói chậm, hạ thấp âm lượng. “… Điểm cuối cầu thang là một cánh cửa gỗ, từ từ mở ra… từ từ… mở cửa ra… cô sẽ quay lại giấc mơ đêm qua…”
Cô ấy càng lúc càng thả lỏng, dần ngả người về sau.
“Ba…”
Cô ấy chầm chậm gục đầu, mái tóc xoăn dài xõa xuống, gần như che kín gương mặt xinh đẹp nhưng mệt mỏi.
“Hai…”
Hơi thở của cô ấy bắt đầu chậm lại, đều đều.
“Một…”
Mấy giây sau, cô ấy bắt đầu phát ra tiếng than thở nhè nhẹ.
Tôi: “Cô nhìn thấy gì?”
Một tháng trước, sau khi đọc hết ghi chép của bác sĩ tâm lý, tôi cảm thấy như đang đọc truyện ma.
Khoảng một năm trước, cô gái trẻ trung xinh đẹp này thường xuyên bị tiếng kêu gào thảm thiết trong giấc mơ dọa kinh hãi, phải giật mình tỉnh dậy giữa đêm. Sau khi tỉnh giấc, âm thanh kêu gào lập tức biến mất. Tình trạng đó chỉ xảy ra khi cô ấy ngủ một mình. Nghe nói âm thanh thảm thiết vô cùng. Cô ấy sợ phát khiếp, tìm đủ mọi cách – nhờ sư thầy hành lễ, kiếm đạo sĩ vẽ bùa, đặt kéo dưới gối, thậm chí thắp hương, bái Phật, nhưng đều vô dụng. Cô ấy còn chuyển nhà mấy lần. Nhưng cứ đêm đến, mỗi khi cô ấy ngủ một mình, âm thanh kêu gào thảm thiết lại vang lên, không thể xua tan. Âm thanh đáng sợ đó ép cô ấy gần như phát điên, thậm chí vì vậy mà sinh ra ảo giác, cứ đêm đến lại nhìn thấy một phụ nữ trung niên dẫn theo cậu bé mười mấy tuổi đứng ở góc nhà, mặt quay vào tường, chỉ cô ấy mới nhìn thấy.
Cô ấy tìm tới phòng khám tâm lý nhờ giúp đỡ.
Vài tháng sau, tình trạng của cô ấy gần như chẳng có chuyển biến tích cực nào, bác sĩ tâm lý không biết phải làm sao đành giới thiệu đến chỗ tôi.
“Nghe nói thôi miên sẽ hữu dụng với tôi. Lúc đưa tôi tập hồ sơ ghi chép, cô ấy đã nói vậy. Tôi chú ý tới các vết sắc tố xung quanh mắt cô ấy, đôi mắt như bị bao trùm bởi một lớp sương mù.
Hôm sau, tôi đưa tập hồ sơ cho cộng sự: “Hôm qua mới nhận được, đọc chẳng khác nào truyện ma. Nhận không?”
Cộng sự cau mày chăm chú đọc. Một lúc lâu sau, anh ấy ngẩng lên hỏi tôi: “Vừa nãy anh nói gì?”
“Giống truyện ma”
Anh ấy không lên tiếng, khóe miệng hiện lên ý cười gian xảo.
Tôi biết, biểu cảm đó nghĩa là vụ này chúng tôi có thể nhận.
Tôi: “Cô có nhìn thấy gì không?”
Cô gái trẻ: “… Đường phố… một con phố…”
Tôi: “Con phố như thế nào?”
Cô gái trẻ: “… Dơ bẩn… rất nhỏ hẹp…”
Tôi: “Là nơi cô quen thuộc?”
Cô gái trẻ: “Tôi… tôi không biết…”
Tôi: “Vậy là nơi xa lạ sao?”
Cô gái trẻ: “Không… không phải…”
Tôi và cộng sự liếc nhìn nhau, tôi tiếp tục hỏi: “Có thể nói tôi biết cô nhìn thấy gì không?”
Cô gái trẻ: “Nước thải… rác… còn có người…”
Tôi: “Trông như thế nào?”
Cô gái trẻ: “… Là… những người ăn mặc rất rách rưới…”
Tôi: “Cô quen biết họ sao?”
Cô gái trẻ: “Không biết… có thể… tôi không biết…”
Tôi: “Họ biết cô không?”
Cô gái trẻ: “Biết. Tôi nhận ra lần này cô ấy không hề do dự.
Tôi: “Trong số họ có người đang nhìn cô không?”
Cô gái trẻ: “Có.”
Tôi: “Những ai?”
Cô gái trẻ: “… Ai cũng nhìn…”
Tôi: “Cô biết vì sao họ lại nhìn cô không?”
Cô gái trẻ: “Tôi… không biết.”
Cộng sự ngồi thẳng lưng dậy, yên lặng dựng lại cổ áo, sau đó giơ ngón tay lên xuống ra dấu. Tôi hiểu ý.
Tôi: “Vì cách ăn mặc của cô sao?”
Cô gái trẻ ngập ngừng một lúc: “… Đúng vậy.”
Tôi: “Cô mặc gì?”
Cô gái trẻ: “Tôi… tôi mặc một bộ… một bộ… quần áo rách rưới… đây không phải quần áo của tôi…”
Tôi: “Vậy quần áo của ai?”
Cô gái trẻ: “Là… quần áo của mẹ.”
Tôi: “Vì sao cô lại mặc đồ của mẹ?”
Cô gái trẻ: “Mẹ bắt tôi mặc.” Lúc cô ấy diễn đạt câu này không hề do dự hay ngập ngừng gì.
Tôi: “Vì sao bà ấy lại bắt cô mặc đồ của mình?”
Cô gái trẻ: “Bởi vì… không còn quần áo nào khác…”
Tôi đột nhiên nghĩ tới một vấn đề, liền hỏi: “Cô mấy tuổi?”
Cô gái trẻ: “Sáu tuổi.
Cộng sự ngồi phía sau cô gái giơ ngón cái lên với tôi, bĩu môi gật đầu.
Qua thời gian tiếp xúc trước đó, tôi đã nắm được khái quát tình hình cuộc sống của cô gái trẻ này.
Cô ấy người miền Nam, một mình sống ở miền Bắc. Mức sống hiện tại rất cao, việc ăn mặc không cần lo lắng. Công việc mức lương ổn định, thu nhập hậu hĩnh vượt xa những người cùng tuổi. Về tình cảm cá nhân, hiện tại cô ấy vẫn độc thân, chưa kết hôn, cũng chưa có bạn trai. Tôi và cộng sự sau khi quan sát đã thử phân tích, đều cho rằng cô ấy đang nói dối. Có thể cô ấy đã từng ly dị hoặc có chuyện riêng tư không thể giải bày, bởi lúc trả lời câu hỏi này dường như cô ấy muốn lẩn tránh vấn đề. Mỗi khi chúng tôi hỏi về tiếng kêu gào lúc nửa đêm, cô ấy đều rất hoảng sợ, còn run lẩy bẩy nữa.
Đó không phải giả vờ mà là phản ứng chân thực.
Sau khi thảo luận với cộng sự, chúng tôi quyết định “ra tay” từ các giấc mơ của cô ấy. Chúng tôi muốn biết trước khi cô ấy giật mình tỉnh giấc, rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì. Trước mắt chỉ có thể lấy được câu trả lời từ giấc mơ của cô ấy (cô ấy không nhớ chút gì về các giấc mơ của mình). Hôm nay lúc mới đến cô ấy kể, đêm qua tiếng gào thét thê thảm kia lại khiến cô ấy kinh sợ tỉnh giấc, sau đó cô ấy trả lại tôi máy quay lần gặp trước tôi đã đưa. Tôi yêu cầu cô ấy mỗi đêm trước khi đi ngủ phải đặt máy quay đối diện giường, quay lại tất cả.
Cô ấy đã làm theo.
Nhưng không dám xem.
Chúng tôi đã xem rồi.
Đoạn phim mấu chốt nhất lại không hề dài.
Hơn một tiếng đồng hồ đầu tiên cô ấy ngủ, rất yên ắng. Bất ngờ cô ấy bắt đầu trở mình liên tục, vặn vẹo, động tác càng lúc càng mạnh mẽ, rồi giãy dụa kịch liệt. Vài phút sau, cô ấy ngồi bật dậy, cả gương mặt méo mỏ dị thường… Chúng tôi đều thấy, tiếng kêu gào thảm thiết khiến cô ấy kinh sợ bừng tỉnh là của chính cô ấy.
Tôi tiếp tục hỏi: “Nhà cô ở ngay trên con phố này sao?”
Giọng cô gái trẻ nhỏ tới mức như đang lẩm bẩm: “… Đúng vậy…”
Tôi: “Cô có thể dẫn tôi đến đó không?”
Cô gái trẻ: “Không được… đi… đừng đi, mẹ… sẽ… sẽ… đánh tôi…”
Tôi: “Vì sao?”
Cô gái trẻ: “Vì… vì… bố bảo mẹ làm vậy…”
Tôi: “Sao bố cô lại đối xử với cô như vậy?”
Cô gái trẻ: “Ông ta… không phải bố tôi… là bố của em trai…”
Tôi đã nghe ra ý của cô ấy: “Ông ấy và mẹ cô thường xuyên đánh cô sao?”
Cô gái trẻ: “… Đúng vậy… Họ… đều ghét tôi…”
Tôi: “Ngoài bị đánh, cô có từng chịu những tổn thương nào khác không?”
Cô gái trẻ: “Họ… không được… đừng, đừng!”
Tôi biết cô ấy sắp tỉnh lại rồi, nếu cảnh tượng đó có thể khiến cô ấy tỉnh giấc, nó cũng sẽ đánh thức cô ấy dậy khi đang thôi miên, thế là tôi tăng âm lượng, kiên định nói với cô ấy: “Khi tôi đếm đến ba, cô sẽ tỉnh dậy.”
“Một”
Hai tay cô ấy bắt đầu căng cứng, chầm chậm ôm trước ngực.
“Hai” Cơ thể cô ấy co giật mạnh mẽ.
“Ba!”
Cô ấy ngồi bật thẳng dậy, hai mắt trợn trừng ngơ ngẩn nhìn tôi.
Xem ra tôi đã nắm bắt vừa kịp thời gian.
Gương mặt cô ấy giàn giụa nước mắt.
“Anh cảm thấy tình trạng của cô ấy chỉ là do tuổi thơ bị ngược đãi thôi sao?” Cộng sự thấp giọng hỏi tôi.
Tôi quay lại nhìn cô gái trẻ đang ngồi trong căn phòng khác, cô ấy co người lại trên một góc ghế sô pha, ôm trong tay cốc nước nóng, ngồi đờ đẫn. Tiếng nhạc nhẹ nhàng êm ái đã giúp cô ấy bình tĩnh hơn.
Tôi nghĩ ngợi một chút, lắc đầu.
“Ừm… So với tưởng tượng thì phức tạp hơn một chút.” Cộng sự cau mày xoa cằm như đang suy nghĩ: “Nhưng tôi cho rằng… màn sương đã được vén lên, hôm nay có lẽ sẽ hé lộ chân tướng”
Tôi không lên tiếng, đợi anh ấy nói tiếp. Thế mạnh của tôi là đưa bệnh nhân vào trạng thái bị thôi miên, đồng thời gợi mở dẫn dắt câu chuyện, còn cộng sự lại thạo việc trò chuyện lúc bệnh nhân tỉnh táo và phân tích suy luận. Tuy thỉnh thoảng phân tích của anh ấy hơi trực giác hóa thái quá, tới mức có lúc hoàn toàn chẳng bị bó hẹp gì cả, nhưng tôi buộc phải thừa nhận, nói là trực giác không bằng nói anh ấy nhạy bén, nắm bắt từng chi tiết. Đây là điểm tôi thua kém xa.
Anh ấy nhíu mắt lại, ngẩng đầu lên: “Tới lượt tôi ra tay rồi.”
Chúng tôi dẫn cô gái trẻ rời khỏi phòng thôi miên sang phòng đọc sách. Nói chuyện ở phòng đọc sách là điều khiến tôi luôn chú ý ngay từ những ngày đầu mới cộng tác.
“Trong không khí của phòng đọc sách, người bị hỏi sẽ cảm thấy tôn trọng người hỏi, hơn nữa phòng đọc sách ít nhiều cũng có tính riêng tư, dễ khiến người ta mở rộng lòng mình.”
Anh ấy đã nói vậy.
Nhưng tôi cảm thấy nguyên nhân thực sự là vì anh ấy thích cảm giác quyền uy.
Cô gái trẻ: “Vừa rồi tôi đã nói những gì?”
Cộng sự: “Đợi mọi chuyện kết thúc, chúng tôi sẽ cho cô xem lại đoạn phim vừa rồi.”
Cô gái trẻ: “Ừm… Thôi, cứ kệ đi”
Cộng sự: “Được rồi, tiếp theo tôi sẽ hỏi cô một số câu hỏi, cô có thể lựa chọn trả lời hoặc không, quyền quyết định thuộc về cô, OK?”
Cô gái trẻ gật đầu.
Cộng sự: “Hoàn cảnh gia đình cô không tốt lắm phải không?”
Cô gái trẻ: “Ừm.”
Cộng sự: “Vì vậy cô mới một mình đến đây sinh sống?”
Cô gái trẻ: “Ừm.”
Cộng sự: “Vất vả không?”
Cô gái trẻ: “Cũng tạm ổn… tôi quen rồi.”
Cộng sự: “Sau khi chất lượng giấc ngủ đi xuống, công việc của cô có bị ảnh hưởng lớn không?” Anh ấy cẩn thận tránh sử dụng những từ ngữ sẽ khiến cô ấy phản ứng mạnh.
Cô gái trẻ: “Ừm… cũng ổn…”
Cộng sự: “Vậy có thể cho tôi biết cô làm nghề gì không? Chúng tôi chỉ biết cô làm mảng tài chính.”
Ánh mắt cô gái trẻ bắt đầu bất định: “Tôi thường thì…”
Cộng sự: “Ngành ngân hàng?”
Cô gái trẻ: “Cũng gần như vậy.”
Cộng sự: “Cô có thường xuyên tiếp xúc với các khách hàng lớn không?”
Cô gái trẻ gật đầu.
Cộng sự: “Áp lực rất lớn?”
Cô gái trẻ thở dài: “Khá lớn.”
Cộng sự: “Về vấn đề tình cảm, tôi có thể hỏi thêm một số điều không?”
Cô gái trẻ: “Ví dụ?”
Cộng sự: “Ví dụ bạn trai cũ của cô.”
Cô gái trẻ nghĩ ngợi, lắc đầu: “Tôi không muốn nhắc đến anh ta.”
Cộng sự: “Được, vậy tôi không hỏi chuyện này nữa.”
Tiếp theo, anh ấy hỏi một số câu hỏi chẳng mấy liên quan. Ví dụ: Có sở thích thói quen gì không? Quan hệ với gia đình có khăng khít không? Thích nhất màu gì? Cảm thấy tự hào nhất về điều gì? Cô gái trẻ tuy trả lời phần lớn các câu hỏi, nhưng tôi có thể nhìn ra, có một số vấn đề cô ấy đã nói dối.
Biểu cảm của cộng sự trước sau vẫn vui vẻ, không hề thay đổi.
Cuối buổi trò chuyện, cộng sự giả vờ nhìn đồng hồ: “Ừm, đến đây thôi, chúng ta sẽ phân tích sau, tuần sau nhé! Tuần sau vẫn thời gian này?”
Cô gái trẻ gật đầu.
Sau khi tiễn cô ấy, chúng tôi quay trở lại phòng đọc sách.
Tôi: “Anh nói hôm nay sẽ lộ chân tướng mà?”
Anh ấy ngồi xuống ghế, cúi đầu đọc ghi chép: “Ừm.”
Tôi: “Ừm cái gì? Câu trả lời đâu?”
Anh ấy ngẩng lên nhìn tôi: “Chúng ta thảo luận một chút đi, có vài chi tiết nhỏ tôi không thể khẳng định một trăm phần trăm được.”
Tôi ngồi xuống chếch chếch: “Bắt đầu đi”
Cộng sự: “Anh không cần đếm ngược à?”
Tôi: “Cút, nói chuyện nghiêm túc.”
Cộng sự cười cười: “Liên quan tới tuổi thơ cô ấy từng bị ngược đãi, có thể khẳng định rồi, trước khi thôi miên chúng ta cũng đã suy đoán như vậy?”
Tôi: “Đúng, chúng ta đã phân tích từ tính cách, ăn mặc, cử chỉ lẫn biểu cảm của cô ấy, cô ấy hẳn là kiểu người hay kìm nén, sự kìm nén vốn hơi méo mó, đa phần do hoàn cảnh lúc còn nhỏ hoặc ký ức đau khổ từng phải chịu đựng”
Cộng sự: “Ừm, chi tiết tuổi thơ bị ngược đãi rất quan trọng. Nếu thiếu yếu tố này, rất nhiều suy luận của tôi sẽ không hình thành.”
Tôi: “Anh muốn nói tới khiếm khuyết tâm lý?”
Cộng sự: “Ừ, khiếm khuyết tâm lý từ hồi còn nhỏ sẽ bị khuếch đại lên sau khi trưởng thành, mức độ cụ thể tỷ lệ thuận với mức độ khiếm khuyết. Vấn đề của cô gái này khá nghiêm trọng. Thông thường bố luôn là người khác giới đầu tiên để nương tựa trong suốt cuộc đời người phụ nữ, nhưng cô ấy không được như vậy.”
Tôi mơ hồ nhận ra ý cộng sự muốn ám chỉ, nhưng thực chất là gì tôi lại chưa hiểu rõ, tôi lưỡng lự gật đầu.
Cộng sự: “Nếu vậy, cô ấy sẽ tìm cách bù đắp phần khiếm khuyết…”
Tôi: “Ý anh là cô ấy sẽ có xu hướng tìm đối tượng yêu đương lớn hơn mình rất nhiều tuổi?”
Cộng sự: “Đúng vậy. Nhưng cô ấy lại kiên quyết không chịu thừa nhận mình có bạn trai, còn từ chối trả lời về bạn trai cũ… Theo tôi, cô ấy… không có bạn trai cũ.”
Tôi nghĩ ngợi: “Có khả năng, rồi sao nữa?”
Cộng sự: “Thái độ úp mở như vậy, chắc hẳn cô ấy đang có bạn trai, tuổi tác cũng lớn hơn rất nhiều, thậm chí có thể gấp đôi, và còn là một người đàn ông đã có gia đình.”
Tôi: “Sao anh biết?”
Cộng sự: “Tạm gác vấn đề này sang một bên đã, lát nữa tôi sẽ nói rõ sau. Chúng ta tiếp tục nói về tuổi thơ của cô ấy trước đi.”
Tôi: “Không thành vấn đề, tiếp tục.”
Cộng sự: “Lúc nãy khi giấc mơ được tái hiện, cô ấy sợ hãi chính tiếng kêu gào của mình nên mới tỉnh dậy. Nhưng phần nào trong giấc mơ có thể khiến cô ấy đáng sợ như vậy?”
Tôi cẩn thận nhớ lại: “Ờ… sau cùng… cô ấy liên tục nói ‘Đừng’… là lúc này sao?”
Cộng sự: “Anh không cảm thấy có vấn đề à? Hình như giấc mơ của cô ấy đã nhảy qua một vài chuyện nào đó.”
Tôi: “Ý anh là lúc nhỏ cô ấy từng bị bố xâm hại? Tuy cô ấy có phản ứng cảm xúc quá khích ở một vài phương diện, nhưng cũng không chứng tỏ cô ấy từng bị xâm hại tình dục, tôi không nghĩ vấn đề của cô ấy xuất phát từ…”
Cộng sự: “Không, không, tôi không có ý đó. Ban đầu cô ấy liên tục nhấn mạnh quần áo của mình rất rách rưới, còn nói rõ là do mẹ cô ấy gây ra. Tiếp theo cô ấy nhắc đến việc bố dượng bắt mẹ cô ấy đối xử tệ với cô ấy. Bố mẹ đẻ thường chẳng bao giờ đối xử như vậy với con cái mình, phải không? Vậy vì sao mẹ cô ấy lại làm thế, chỉ có một nguyên nhân…”
Tôi: “Ừm… Tôi nghĩ xem… áp lực?”
Cộng sự: “Đúng, áp lực cuộc sống. Có lẽ mẹ cô ấy vì nguyên nhân nào đó nên không thể đi làm… do bệnh tật chẳng hạn, lại không được họ hàng hỗ trợ, toàn bộ sinh hoạt phí của gia đình đều dựa vào người đàn ông kia, bởi vậy mẹ cô ấy mới bất đắc dĩ phải nghe theo.”
Tôi: “Hiểu rồi…”
Cộng sự: “Hơn nữa, sau khi nói chuyện, tôi có thể chắc chắn hoàn cảnh gia đình cô ấy hồi nhỏ không tốt lắm, thậm chí còn túng thiếu. Bởi vậy cô ấy rất xem trọng chuyện tiền bạc, đối với cô ấy, có tiền là có cảm giác an toàn. Tâm lý này xuất phát từ ký ức méo mó khi mẹ cô ấy phải nhất nhất nghe theo bố dượng vì mất năng lực kinh tế, biến cô ấy trở thành người bị hại trực tiếp.”
Tôi: “Ừm… căn cứ vào giấc mơ, cô ấy có một nỗi sợ hãi khác thường với nghèo khó.”
Cộng sự: “Còn vài chi tiết nhỏ nữa hướng tới một vấn đề khác. Lúc nãy tôi hỏi, cô ấy nói mình thích chơi đàn dương cầm, nghe đâu chơi rất tốt. Gia cảnh cô ấy vậy, chắc chắn không thể học đàn từ nhỏ, có lẽ sau khi sống một mình mới học. Cô ấy mới hơn hai mươi tuổi, tìm được công việc thu nhập tốt đã là khá lắm rồi, sao còn biết đến thú tiêu khiển giải trí mất nhiều thời gian như vậy chứ?”
Tôi gật đầu: “Có lý, muốn học chơi đàn dương cầm phải mất rất nhiều thời gian, công sức. Cộng sự: “Tôi nghĩ anh đã nhìn ra vấn đề rồi đấy, ban đầu cô ấy chỉ mập mờ nói làm nghề tài chính, nhưng khi tôi cố ý dẫn dắt về ngành ngân hàng, quả nhiên cô ấy cũng nương theo để tiếp tục câu chuyện. Thật á? Trẻ vậy đã làm ngân hàng? Còn tiếp xúc với khách hàng lớn? Sao vậy được?” Tôi: “Ý anh là… kinh tế của cô ấy từ… bạn trai?”
Cộng sự gật đầu: “Người đàn ông đã có vợ.”
Tôi nghĩ ngợi hồi lâu, giải thích này quả thực rất hợp lý.
Cộng sự: “Được rồi, giờ thử sắp xếp lại một chút. Trước tiên, gần như có thể khẳng định, cô ấy được một người đàn ông giàu có đã có gia đình bao nuôi. Người đàn ông này lớn hơn cô ấy rất nhiều tuổi, cũng là người đàn ông đầu tiên của cô ấy. Vì luôn cho rằng trải nghiệm khổ sở thời thơ ấu là do mẹ mình thiếu năng lực kinh tế nên cô ấy tin tiền bạc có thể mang đến sự ổn định. Hơn nữa do ngày nhỏ thiếu thốn tình cảm của bố, người đàn ông đầu tiên lại bù đắp được thiếu thốn này, nên cô ấy đã nảy sinh tình cảm sâu đậm với người đàn ông kia. Tôi đoán cô ấy cũng ý thức được hoàn cảnh của mình bây giờ rất giống mẹ ngày xưa, mất hết quyền chủ động trong tình cảm và cuộc sống… Có thể nhận ra điểm này khi trong mơ cô ấy mặc lại quần áo cũ của mẹ, thực ra đây cũng là một kiểu ẩn ý… Cô ấy biết như vậy không tốt, nhưng dù trên phương diện tiền bạc hay tình cảm, cô ấy đều ỷ lại vào người đàn ông kia… Đúng vậy, cứ lặp đi lặp lại… Chìm sâu vào đó, chẳng thể tự thoát ra.”
Tôi: “Có lẽ cô ấy cũng từng định kết thúc mối quan hệ này để bình thường hóa lại cuộc sống. Nhưng cô ấy đã quá dựa dẫm rồi nên chẳng nỡ từ bỏ, bởi thế lúc thôi miên cô ấy không ngừng nhấn mạnh tình cảnh bi thảm thời thơ ấu. Cô ấy sợ sẽ mất đi những thứ mình luôn mong muốn có được: sự giàu có sung túc và tình cảm của người bố. Vì thế…”
“Vì thế.” Cộng sự cao giọng nói: “Mỗi khi có suy nghĩ muốn kết thúc cuộc sống hiện tại, cô ấy đều ôn lại thời thơ ấu khổ sở để cảnh cáo bản thân. Tôi đoán Không được cô ấy nói trong mơ muốn ám chỉ điều này.”
Tôi gật gật đầu: “Ừm, không được quay về quá khứ… Nhưng vì thế mà phản ứng kịch liệt vậy sao? Tiếng gào thét khiến cô ấy sợ hãi tỉnh giấc quả thực rất thảm thiết.”
Cộng sự nghĩ ngợi: “Đừng quên cô ấy là người sống nội tâm, dạng kìm nén. Anh nhớ chứ, chỉ khi nào ngủ một mình cô ấy mới vậy. Tôi nghĩ không phải cô ấy kêu gào thảm thiết vì sợ những trải nghiệm bi thảm trong quá khứ đâu, do ức chế quá lâu mới phát tiết ra thì đúng hơn.”
Tôi xem xét lại lần nữa: “Đúng vậy… Anh nói không sai chút nào…”
Cộng sự: “Tính cách này khiến bác sĩ điều trị tâm lý cho cô ấy gặp thất bại, cô ấy che giấu quá nhiều chuyện. Nếu không thôi miên, e là đến giờ hai chúng ta vẫn nghĩ mãi chưa ra…”
Tôi: “Dừng, khoan vội kết luận đã, còn một việc nữa: ảo giác của cô ấy. Ảo giác nhất định có một ý nghĩa nào đó, đúng chứ? Anh cũng vừa nói bạn trai cô ấy là người đàn ông đã có gia đình, sao biết được?”
Cộng sự cười giảo hoạt: “Thực ra hai vấn đề này là một.”
Tôi sững người một lúc, dần hiểu ra.
Cộng sự: “Miêu tả của cô ấy về ảo giác anh còn nhớ chứ? Một người phụ nữ trung niên, dẫn theo cậu con trai mười mấy tuổi, đêm khuya xuất hiện trong một góc nhà, mặt quay vào tường… Nói vậy nghĩa là cô ấy chưa từng nhìn thấy gương mặt của hai mẹ con trong ảo giác. Tin rằng cô ấy cũng chưa từng có gan bước đến nhìn cho rõ. Vậy sao cô ấy chắc chắn được tuổi tác của hai người họ. Hơn nữa, ai trong hoàn cảnh như thế còn chú ý tới vấn đề tuổi tác? Tôi cho rằng ảo giác đó xuất phát từ miêu tả của người đàn ông kia, hoặc có thể cô ấy từng nhìn qua ảnh họ hay gặp trong một tình huống nào đó chẳng hạn.”
Tôi: “Ý anh là ảo giác của cô ấy xuất phát từ…”
Cộng sự: “Chính xác mà nói là từ áp lực. Bản chất cô ấy không phải loại phụ nữ xấu, nhưng tất cả những việc cô ấy đã làm… vì vậy…”
Nói đến đây, hai chúng tôi đều yên lặng.
Một lúc lâu sau, tôi hỏi anh ấy: “Chắc chắn rồi chứ?”
Anh ấy nhìn ra ngoài cửa sổ như đang suy nghĩ điều gì đó rồi gật đầu: “Có thể khẳng định luôn. Anh là nhà thôi miên, tôi là nhà phân tích tâm lý. Chúng ta dựa vào khả năng của mình để kiếm cơm mà.”
Tôi: “Ừm.”
Một tuần sau, gặp lại cô gái trẻ, tôi khéo léo nói rõ vấn đề với cô ấy. Quả nhiên, phản ứng của cô ấy như những gì cộng sự đã liệu, không phản bác hay thể hiện cảm xúc mạnh mẽ, chỉ lặng lẽ nghe hết, cảm ơn tôi, rồi rời đi.
Tôi quay về phòng đọc sách, thấy cộng sự đang đứng bên cửa sổ nhìn theo bóng lưng cô ấy xa xa.
Tôi: “Anh nói xem cô ấy về có khóc không?”
Cộng sự: “Có lẽ đến sân để xe đã khóc rồi.”
“Đại khái… thế… vẫn may, không phải truyện ma, ít nhất cô ấy không cần lo lắng điều này nữa.” Tôi cố ý dùng ngữ khí nhẹ nhàng.
Cộng sự không cười, quay lại bên bàn, cầm một tập hồ sơ lên, lật ra xem, vẫn dáng vẻ rất thờ ơ. Một lúc sau anh ấy vẫn chẳng buồn ngẩng lên, chỉ nói: “Có lẽ cô ấy cảm thấy sợ vì ngay từ đầu đã biết rõ tất cả mọi chuyện rồi.”