Review sách
Review sách “TÔI NÓI GÌ KHI NÓI VỀ CHẠY BỘ” (Duc Thinh)
Tôi viết gì khi tôi viết về “Tôi nói gì khi tôi nói về chạy bộ”
Sau khi đọc xong “Những người đàn ông không có đàn bà” cộng thêm anh bạn có sẵn quyển “Tôi Nói Gì Khi Tôi Nói Về Chạy Bộ” nên mình đã đọc và review luôn quyển này của bác.
Điều đầu tiên mình thấy là quyển này cũng có phong cách như quyển kia, đọc từ từ thì thấy nó lờn lợt, nhưng càng đọc thì càng bị cuốn vào thứ văn chương thẳng thừng và chân thành của bác. Mọi thứ vẫn đậm chất Murakami, có nghĩa là từ từ, chậm rãi, các bạn đọc câu chữ của tôi hiểu thế nào thì hiểu, và tôi thì tôi viết như vậy đó, tôi thấy sao tôi nói vậy. Ai chê nhảm chê nhạt thì chê. Mình thì thích Murakami bởi vì văn chương của bác đạt 3 không: không lãng mạn hóa, không dài dòng vô ích, và không dạy đời người khác.
Murakami viết quyển sách này và coi nó như một quyển tự truyện về bản thân, cũng như về chạy bộ. Bạn mình có nhiều người đọc xong thì bảo bác viết nhạt, chả thấy việc chạy bộ nó có liên quan mật thiết với việc viết văn ra sao hay là không đề cập gì đến kỹ thuật chạy bộ cũng như viết lách. Nhưng theo cảm nhận cá nhân thì nếu Murakami viết tỉ mỉ bác ăn gì uống gì, chạy nhấc chân lên khỏi mặt đất khoảng bao nhiêu tấc thì…thôi thà đi ngủ) Văn của Murakami là văn…bình tĩnh) Ai hiểu gì thì hiểu, nhưng thế thái nhân tình nó như vậy. Đọc văn của Murakami, mình lại có cảm giác như đang đi giữa mấy con đường có lá me bay ở Sài Gòn trong một buổi chiều hơi oi ả. Hơi không liên quan…
Quay trở lại quyển sách. Trong mỗi chương sách là một chặng đường khác nhau của Murakami. Bác tả về việc chạy, những thứ diễn ra xung quanh, những suy nghĩ và diễn biến thể chất của bác. Theo mình thấy thì bản chất việc Murakami chạy bộ như thế nào, rèn luyện ý chí ra sao, đã là một việc cực kỳ liên quan đến viết văn rồi. Trên đời này có những người sinh ra đã có tài năng đặc biệt. Nhưng cũng có những người phải khổ công rèn luyện mới tỏa sáng. Việc chạy bộ của Murakami theo mình cũng là một dạng khổ công rèn luyện tính kỷ luật, sự tập trung, tinh thần không khuất phục rồi đem những giá trị đó vào việc viết văn. Murakami cũng nói, nhiều nhà văn sinh ra đã có sẵn tài năng, ý tưởng và câu chữ cứ tuôn trào. Thiên tài thì sự tuôn trào đó không bao giờ chấm dứt. Nhưng phần lớn thì đến một độ tuổi nào đó, suối nguồn này sẽ cạn. Murakami thì không muốn suối nguồn của mình bị cạn. Nên bác lấy cái cụ thể là chạy bộ để chinh phục cái trừu tượng là việc viết tiểu thuyết. Cũng như đọc văn của bác, cái bình thường sẽ khơi gợi cái lớn lao, cái nhàn nhạt nhưng nó là hiện thân của sự thật.
Sự cần cù chăm chỉ, và tính kỷ luật, thật ra là một loại tài năng, và còn kinh khủng hơn mà rất hiếm người có được.
Đọc xong sách của bác Murakami thì mình tự nhiên lại thấy… mỏi chân và đau lưng. Chạy bộ cái quái gì mà 20 mấy năm. Chạy bộ để làm gì để mà dính mưa dính nắng cũng như khói bụi, trong khi bây giờ thiên hạ chui cả vào phòng tập gym. Ai thích chạy bộ hay thích Murakami hoặc thích luôn cả chạy bộ và Murakami thì xin mời đọc.