Tôi Nói Gì Khi Nói Về Chạy Bộ - Haruki Murakami - Lời tựa
Có một câu ngạn ngữ sáng suốt nói thế này: Một kẻ trượng phu không bao giờ nhắc đến những người đàn bà y đã chia tay hay khoản tiền thuế y đã đóng. Thực ra, chuyện này là bịa đặt hoàn toàn. Tôi chỉ bịa ra đấy thôi! Xin lỗi! Nhưng nếu quả có một câu ngạn ngữ như thế, tôi nghĩ còn một điều kiện nữa để làm kẻ trượng phu là giữ kín chuyện y làm gì để luôn khỏe mạnh. Một kẻ trượng phu không nên nói mãi chuyện mình làm gì để duy trì sức khỏe. Ít nhất thì tôi nghĩ như vậy.
Như ai cũng biết, tôi không phải là một kẻ trượng phu, nên trước hết chắc tôi cũng không phải lo lắng về điều trên, dẫu thế tôi cũng có chút lưỡng lự khi viết cuốn sách này. Có lẽ nói vậy thì nghe giống như lẩn tránh, nhưng đây là một cuốn sách viết về chạy bộ, chứ không phải là một tiểu luận về việc làm sao cho khỏe mạnh. Ở đây tôi sẽ không cố đưa ra lời khuyên kiểu, “Thôi nào mọi người – cùng chạy bộ mỗi ngày cho khỏe mạnh đi!”. Thay vì vậy, đây là cuốn sách trong đó tôi tập hợp những suy nghĩ của mình về việc chạy bộ có ý nghĩa như thế nào đối với tôi trong tư cách một con người. Chỉ là một cuốn sách trong đó tôi suy ngẫm những thứ khác nhau và chuyển ý nghĩ thành lời.
Somerset Maugham từng viết rằng trong mỗi lần cạo râu đều có một triết lý. Tôi hoàn toàn tán thành. Một hành động dù thoạt nhìn có tầm thường đến thế nào, song cứ kiên trì làm đủ lâu thì nó sẽ trở thành một hành vi thâm trầm, thậm chí là thiền định. Vậy thì, với tư cách là một nhà văn, đồng thời với tư cách người chạy bộ, tôi không cho rằng viết và xuất bản một cuốn sách xoay quanh những ý nghĩ riêng tư về chạy bộ sẽ khiến tôi lạc quá xa khỏi lộ trình quen thuộc của mình. Có lẽ tôi chỉ là típ người quá tỉ mỉ, viết ra những ý nghĩ của mình, vậy nên tôi phải thực sự bắt bàn tay mình làm việc và viết những lời này. Nếu không, tôi sẽ không bao giờ hiểu được chạy bộ có ý nghĩa thế nào đối với tôi.
Có lần, khi đang nằm dài trong phòng một khách sạn ở Paris đọc tờ International Herald Tribune, tôi tình cờ đọc được một bài báo chuyên đề về marathon. Có mấy bài phỏng vấn một số người chạy marathon nổi tiếng, và người ta hỏi câu thần chú đặc biệt nào đi qua đầu họ mà có thể giúp họ hăng hái suốt cuộc đua. Một câu hỏi thú vị đây, tôi nghĩ. Tôi thấy rất ấn tượng về tất cả những thứ khác nhau mà những người này nghĩ đến trong khi họ chạy 26,2 dặm. Điều đó cho thấy một cuộc chạy marathon thực ra là một sự kiện gian khổ ra sao. Nếu ta không cứ tự nhẩm đi nhẩm lại một câu thần chú kiểu nào đó với mình, ta sẽ chẳng bao giờ tiếp tục nổi.
Một người chạy đã nhắc đến một câu thần chú mà anh trai ông, cũng là người chạy bộ, đã chỉ cho ông, câu ấy ông đã nghiền ngẫm từ khi bắt đầu chạy bộ. Nó là thế này: Đau đớn là không thể tránh khỏi. Đau khổ là tự nguyện. Giả dụ lúc đang chạy ta lại bắt đầu nghĩ, Trời ơi đau quá, mình không chịu đựng nổi nữa rồi. Cái phần đau là một thực tế không tránh khỏi, nhưng ta có chịu đựng nổi nữa hay không là tùy thuộc vào chính người chạy. Điều này gần như gói gọn được khía cạnh quan trọng nhất của chạy marathon.
Đã chừng mười năm rồi từ khi lần đầu tiên tôi có ý tưởng viết một cuốn sách về chạy bộ, nhưng năm tháng cứ trôi qua, tôi cứ thử hết cách tiếp cận này đến cách tiếp cận khác song chưa hề thực sự ngồi xuống viết ra. Trước hết, chạy bộ là một đề tài có phần nào mông lung, và tôi thấy nó khó hình dung cho ra đúng mình nên nói gì về nó.
Tuy vậy, đến một lúc nào đó, tôi cho là mình chỉ cần viết một cách trung thực những gì mình nghĩ và cảm nhận về chạy bộ, và trung thành với phong cách riêng của mình. Tôi cho đó là cách duy nhất để bắt đầu, thế là tôi khởi sự viết cuốn sách, từng chút một, vào mùa hè năm 2005, viết xong vào mùa thu năm 2006. Ngoài đôi chỗ trích dẫn từ các tác phẩm tôi đã viết trước kia, còn thì phần lớn cuốn sách ghi lại những ý nghĩ và cảm nhận của tôi trên thực tế. Có một điều tôi nhận ra: viết trung thực về chạy bộ và viết trung thực về mình gần như là một. Vậy nên tôi cho rằng nếu đọc cuốn sách này như một kiểu tự truyện tập trung vào hành động chạy bộ thì cũng được thôi.
Dù tôi không thể gọi bất cứ gì ở đây là triết học nhưng cuốn sách này cũng chứa đựng đôi chút cái có thể gọi là những bài học cuộc đời. Chúng có thể không đáng kể, nhưng đó là những bài học cá nhân mà tôi đã học được qua việc thực sự cho cơ thể mình vận động, và do vậy nhận ra rằng đau khổ là tự nguyện. Chúng có thể không phải những bài học ta có thể khái quát hóa, nhưng đấy là bởi cái được trình bày ở đây là tôi, kiểu người tôi như vậy.
THÁNG TÁM, 2007