Biến Động - Jared Diamond - Chương 1
Biến cố cá nhân – Những quỹ đạo – Ứng phó với biến cố – Những nhân tố liên quan đến hệ quả – Biến cố quốc gia
Năm 21 tuổi, tôi đã trải qua biến cố nghiêm trọng nhất trong nghề nghiệp. Tôi lớn lên ở Boston, con đầu của một cặp vợ chồng trí thức, bố tôi là giáo sư Đại học Harvard và mẹ tôi là một nhà ngôn ngữ học, một nghệ sĩ dương cầm và là giáo viên, họ đã khơi dậy trong tôi lòng ham hiểu biết. Tôi theo học một trường trung học nổi tiếng (Trường Roxbury Latin), rồi vào một trường cũng nổi tiếng (Harvard College). Tôi phát triển tốt ở trường, xuất sắc ở mọi khóa học, hoàn thành và công bố hai đề án nghiên cứu thực nghiệm khi còn học đại học và tốt nghiệp với thứ bậc cao trong lớp. Do ảnh hưởng từ người cha bác sĩ và những trải nghiệm vui vẻ và thành công trong việc nghiên cứu ở đại học, tôi quyết định lấy bằng tiến sĩ sinh lý học thực nghiệm. Để hoàn tất chương trình, tôi chuyển đến Đại học Cambridge ở Anh, thời đó là trường hàng đầu thế giới về ngành sinh lý học, vào tháng 9 năm 1958. Những điểm thu hút tôi chuyển đến Cambridge chính là cơ hội được sống xa nhà, được tiếp cận châu Âu và sử dụng sáu ngoại ngữ mà hồi đó tôi đã học qua sách vở.
Đối với tôi việc học ở Anh khó khăn hơn nhiều so với việc học ở trường Roxbury Latin và Harvard, hay cả với kinh nghiệm nghiên cứu ở đại học. Ở Đại học Cambridge, tôi được làm việc ở phòng nghiên cứu và văn phòng của giáo sư hướng dẫn mình, một nhà sinh lý học nổi tiếng chuẩn bị nghiên cứu về sự phát điện của loài cá chình điện. Ông muốn tôi đo đạc các chuyển động của các ion (ion sodium và potassium) qua các lớp màng phát điện của cá chình. Điều đó đòi hỏi tôi phải thiết kế một dụng cụ cần thiết. Nhưng đôi tay tôi vốn dĩ chưa bao giờ được cho là khéo léo, ngay cả hồi còn học trung học, tôi còn không thể một mình hoàn thành bài thực hành chế tạo một chiếc radio đơn giản. Dĩ nhiên tôi không biết làm sao để thiết kế một buồng nghiên cứu màng tế bào, thứ quan trọng để thực hiện một điều phức tạp xa vời liên quan đến điện.
Tôi đến Cambridge với sự đánh giá cao của giáo sư tư vấn của mình ở Đại học Harvard. Nhưng giờ đây đối với tôi cũng như đối với vị giáo sư hướng dẫn ở Cambridge, rõ ràng tôi là một nỗi thất vọng cho ông. Tôi tỏ ra vô dụng khi cộng tác với ông trong nghiên cứu. Ông chuyển tôi qua một phòng thí nghiệm riêng biệt, nơi tôi có thể tìm thấy một đề án nghiên cứu cho riêng mình.
Trong một nỗ lực tìm kiếm một đề án tốt hơn, phù hợp với khả năng hạn chế của tôi về công nghệ, tôi theo đuổi ý tưởng nghiên cứu sự vận chuyển sodium và nước bằng túi mật, một bộ phận đơn giản như cái bao. Công nghệ yêu cầu cũng chỉ sơ đẳng: chỉ treo một túi mật cá đổ đầy chất lỏng cứ 10 phút một lần trên một cái cân chính xác rồi cân lượng nước trong túi mật. Điều này ngay cả tôi cũng làm được! Túi mật cũng không quá quan trọng, nhưng nó lại thuộc về một lớp mô gọi là biểu mô gồm nhiều bộ phận quan trọng, như cật và ruột. Vào thời điểm năm 1959, ai cũng biết biểu mô vận chuyển ion và nước, cũng như túi mật, phát thành điện áp gắn liền với việc truyền ion điện tích. Nhưng bất kỳ lúc nào cố đo một điện áp chạy qua túi mật, tôi đều nhận được kết quả bằng không. Vào những ngày đó, điều này được xem là chứng cứ mạnh mẽ cho việc tôi không thành thạo đến cả công nghệ đơn giản đủ để dò ra một điện áp đi qua túi mật nếu quả đúng thế, hay vì lý do nào đó, tôi đã giết các mô liên kết khiến nó không hoạt động. Dù là trường hợp nào thì tôi đã ghi thêm một thất bại khác khi muốn trở thành một nhà sinh lý học thực nghiệm.
Sự thoái chí của tôi càng gia tăng khi vào tháng 6 năm 1959, tôi tham dự hội nghị đầu tiên của Hiệp hội Sinh lý học Quốc tế ở Cambridge. Hàng trăm nhà khoa học đến từ khắp nơi trên thế giới trình bày các nghiên cứu của họ, riêng tôi thì chẳng có gì nên cảm thấy hổ thẹn vì dẫu sao mình cũng từng luôn là người đứng đầu lớp, còn giờ đây chẳng là gì cả.
Tôi bắt đầu hình thành những mối hồ nghi mang tính triết học về việc tại sao lại theo đuổi một sự nghiệp khoa học. Tôi đọc tới đọc lui cuốn Walden nổi tiếng của Thoreau4, cảm thấy bị lay chuyển niềm tin vì thông điệp mà nó truyền đến mình: động cơ thật sự của việc theo đuổi khoa học là sự tự cao tự đại, muốn được các nhà khoa học khác công nhận. (Đúng, đó quả là động cơ lớn nhất của hầu hết các nhà khoa học!) Nhưng Thoreau giải trừ những động cơ như thế một cách thuyết phục, cho đó chỉ là sự khoe khoang rỗng tuếch. Thông điệp cốt lõi trong Walden là: ta phải tìm ra điều mình thực sự muốn trong cuộc đời này, và không để sự công nhận phù phiếm quyến rũ. Thoreau đã làm gia tăng những hồ nghi của tôi về việc có nên tiếp tục công việc nghiên cứu khoa học ở Cambridge. Nhưng rồi một thời khắc quyết định lại đến: năm thứ hai ở trường bắt đầu vào cuối mùa hè, và tôi phải đăng ký lại nếu muốn tiếp tục.
Vào cuối tháng 6, tôi dành một tháng nghỉ hè ở Phần Lan, một trải nghiệm tuyệt vời và sâu sắc mà tôi sẽ đề cập ở chương kế tiếp. Lần đầu ở Phần Lan, tôi mới cảm nhận được việc học một ngôn ngữ, một thứ tiếng Phần Lan tuy khó nhưng mỹ diệu, không phải từ sách vở mà chỉ qua lắng nghe và tiếp xúc với người dân. Tôi yêu thích nó. Quả là mãn nguyện và thắng lợi khi so với nỗi chán nản và thất bại trong nghiên cứu sinh lý học của tôi.
Vào những ngày cuối cùng kết thúc một tháng của mình ở Phần Lan, tôi nghiêm túc xem xét việc từ bỏ sự nghiệp nghiên cứu khoa học, hay đúng ra là ở bất kỳ lĩnh vực hàn lâm nào. Thay vào đó, tôi nghĩ đến chuyện qua Thụy Sĩ theo đuổi tình yêu dành cho ngôn ngữ đồng thời trở thành một thông dịch viên ở Liên Hợp Quốc. Điều đó đồng nghĩa với việc tôi quay lưng với cuộc đời nghiên cứu, tư duy sáng tạo và thứ danh tiếng hàn lâm mà tôi thường hình dung trong quá khứ, thứ mà người cha giáo sư của tôi là một tấm gương để noi theo. Nếu là một thông dịch viên, tôi sẽ không kiếm được nhiều tiền, nhưng ít nhất tôi vẫn có thể làm những gì mình yêu thích và tinh thông – có vẻ hồi đó tôi nghĩ thế.
Biến cố của tôi nảy sinh trong đầu khi tôi từ Phần Lan trở về và gặp gỡ cha mẹ tôi (chúng tôi chưa gặp nhau trong một năm) suốt một tuần ở Paris. Tôi kể với họ về những hồ nghi mang tính thực tiễn và triết học của mình về việc theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu và ý tưởng trở thành một thông dịch viên. Bố mẹ tôi ắt hẳn đã rất đau lòng khi chứng kiến nỗi hồ nghi và đau khổ của tôi. Tạ Ơn Trên, họ đã lắng nghe và cũng không khuyên tôi phải làm gì.
Biến cố này đã đi đến một giải pháp vào một buổi sáng khi tôi và bố mẹ ngồi cùng nhau trên một ghế đá công viên ở Paris thảo luận về vấn đề tôi có nên từ bỏ ngay hay tiếp tục nghiên cứu khoa học. Cuối cùng, không gây áp lực gì cả, bố tôi nhẹ nhàng đưa ra một đề xuất.
Vâng, ông thừa nhận là tôi có những nghi ngờ về một sự nghiệp nghiên cứu khoa học. Nhưng đây mới chỉ là năm đầu tiên ở Cambridge, và tôi chỉ mới nghiên cứu về túi mật được vài tháng. Không phải là quá sớm khi từ bỏ một sự nghiệp vốn đã được lên kế hoạch cho đời mình hay sao? Tại sao không trở lại Cambridge để cho nó một cơ hội khi vẫn còn nửa năm để giải quyết vấn đề nghiên cứu túi mật? Nếu vẫn không giải quyết được, tôi vẫn có thể bỏ học vào mùa xuân năm 1960; và tôi không phải đưa ra một quyết định lớn lao không thể đảo ngược.
Tôi cảm thấy gợi ý của bố tôi như tấm phao cứu sinh ném ra cho một người sắp chết đuối. Tôi có thể trì hoãn quyết định trọng đại này vì một lý do hợp lý (chỉ phải ráng thêm nửa năm học nữa), không có gì phải xấu hổ cả. Quyết định này không nhất thiết buộc tôi phải theo con đường nghiên cứu khoa học. Nửa năm sau tôi vẫn còn cơ hội chọn lựa để trở thành một thông dịch viên.
Thế là mọi chuyện đã được định đoạt. Tôi quay lại Cambridge để học năm thứ hai, tiếp tục nghiên cứu về túi mật. Hai thành viên trẻ trong khoa sinh lý học, những người mà tôi mãi mãi biết ơn, giúp tôi giải quyết những khó khăn về mặt công nghệ trong nghiên cứu đó. Đặc biệt, một người còn giúp tôi nhận ra rằng phương pháp đo đạc hiệu điện thế truyền qua túi mật là chính xác; túi mật đúng là phát ra điện thế mà tôi có thể đo được (gọi là điện thế khuếch tán và điện thế dòng chảy) dưới những điều kiện thích hợp. Chỉ có một điều là túi mật không phát điện thế khi truyền ion và nước vì một lý do ngoại lệ (độc đáo so với các biểu mô vận chuyển khác được biết đến ở thời điểm đó) là nó vận chuyển ion dương và ion âm ngang nhau, và do đó không vận chuyển điện tích tổng và không phát ra điện thế vận chuyển.
Kết quả về nghiên cứu túi mật của tôi bắt đầu làm các nhà sinh lý học khác quan tâm, đồng thời cũng làm tôi hưng phấn. Khi các thí nghiệm về túi mật thành công, những nghi ngờ mang tính triết học khái quát của tôi về sự phù phiếm của việc được các nhà khoa học khác công nhận cũng nhạt dần. Tôi ở lại Cambridge bốn năm, hoàn tất học vị tiến sĩ, rồi trở về Mỹ và có được một công việc ổn định ở các trường đại học để nghiên cứu, đồng thời giảng dạy bộ môn sinh lý học (đầu tiên ở Harvard, sau đó là Đại học California ở Los Angeles), và trở thành một nhà sinh lý học rất thành công.
Đó là biến cố nghề nghiệp quan trọng đầu tiên của tôi, một loại hình biến cố cá nhân phổ biến. Dĩ nhiên, đó không phải là biến cố cuối cùng trong đời. Sau đó, tôi còn gặp hai biến cố nhẹ hơn vào khoảng năm 1980 và 2000, liên quan đến những thay đổi hướng nghiên cứu của mình. Ngoài ra, tôi vẫn còn hai biến cố cá nhân nghiêm trọng về cuộc hôn nhân đầu tiên và (bảy năm rưỡi sau) về vụ li dị. Biến cố nghề nghiệp đầu tiên của tôi mang nét độc đáo bởi tính chất của nó: tôi không nghĩ từng có ai trong lịch sử thế giới lại đấu tranh với một quyết định về việc từ bỏ nghiên cứu sinh lý học về túi mật để chuyển sang làm thông dịch viên. Nhưng, như chúng ta sẽ thấy sau đây, những vấn đề khái quát mà biến cố năm 1959 của tôi gây ra hoàn toàn tiêu biểu cho các biến cố cá nhân nói chung.
Hầu như mọi độc giả của cuốn sách này đều đã hoặc sẽ kinh qua một lần biến động tạo ra một “biến cố” cá nhân như trải nghiệm của tôi vào năm 1959. Khi đang ở giữa biến cố, bạn sẽ chẳng có thời gian nghĩ đến những vấn đề trừu tượng của định nghĩa “biến cố”; bạn biết rằng mình đang trong một biến cố. Sau này, khi biến cố qua đi và khi có thời gian rảnh rỗi để ngẫm nghĩ, khi hồi tưởng về sự việc bạn có thể định nghĩa nó như là một tình huống trong đó bạn thấy mình phải đối mặt với một thách thức quan trọng tưởng chừng không thể vượt qua bằng những phương pháp ứng phó và giải quyết vấn đề thông thường. Bạn nỗ lực chiến đấu để tìm ra những phương pháp ứng phó mới mẻ.
Cũng như tôi, bạn sẽ đặt câu hỏi về căn tính, những giá trị cũng như quan điểm của bản thân bạn về thế giới.
Hiển nhiên, bạn từng chứng kiến các biến cố nảy sinh như thế nào ở những hình thái khác nhau, từ những nguyên nhân khác nhau, và tiếp theo là những quỹ đạo khác nhau của nó. Một số biến cố mang hình thái một cú sốc đơn lẻ không lường trước – như là cái chết bất ngờ của người mình yêu thương, bị sa thải mà không được báo trước, một tai nạn nghiêm trọng hay một thảm họa tự nhiên. Mất mát theo sau có thể kết tụ thành một biến cố không chỉ do những hậu quả thực tế của sự mất mát (bạn mất đi người hôn phối chẳng hạn), mà còn do nỗi đau từ tâm khảm, và nó đánh thẳng vào niềm tin của bạn về một thế giới công bằng. Điều này quả đúng với trường hợp người thân và bạn bè của những nạn nhân trong vụ hỏa hoạn Cocoanut Grove. Các biến cố khác thay vì mang hình thái một vấn đề lại dần hình thành cho đến khi bùng nổ – chẳng hạn như sự lụi tàn của một cuộc hôn nhân, căn bệnh mạn tính của một người hay của người mình yêu thương, hoặc những vấn đề liên quan đến tài chính hay sự nghiệp. Ngoài ra, còn có những biến cố phát triển có khuynh hướng bộc lộ ở thời điểm xảy ra những chuyển đổi nhất định trong đời như tuổi dậy thì, trung niên, hưu trí và tuổi già. Chẳng hạn, ở biến cố tuổi trung niên, bạn có thể cảm thấy rằng những năm tháng tươi đẹp nhất của mình đang dần qua, và bạn vật vã xác định những mục tiêu thỏa đáng ở phần đời còn lại của mình.
Đó là những loại hình biến cố cá nhân. Nằm trong số các nguyên nhân đặc thù phổ biến nhất là những vấn đề về mối quan hệ: một vụ li dị, một sự đổ vỡ trong mối quan hệ gần gũi, hoặc một mối bất đồng sâu xa dẫn đến việc bạn và người bạn đời đặt vấn đề về việc có nên tiếp tục mối quan hệ hay không. Việc li dị thường đẩy người ta đến chỗ tự vấn: Tôi đã làm gì sai? Tại sao anh ấy/cô ấy lại muốn rời bỏ tôi? Tại sao tôi lại có sự chọn lựa tồi tệ đến thế? Lần sau tôi sẽ làm gì khác đi nhỉ?
Liệu tôi còn có một lần sau nữa hay không? Nếu không thể thành công trong mối quan hệ với người gần gũi nhất và do tôi chọn lựa, thì liệu tôi có thể làm được điều gì cho tử tế không đây?
Ngoài những vấn đề về quan hệ thân quen, các nguyên nhân của biến cố cá nhân thường gặp khác là cái chết và bệnh tật của những người yêu thương và những giảm sút về sức khỏe, sự nghiệp hay an toàn tài chính. Còn có những biến cố khác liên quan đến tôn giáo: những tín đồ suốt đời tin vào một chân lý cảm thấy phiền muộn bởi nỗi hồ nghi, hay (ngược lại) một kẻ không có đức tin thấy mình bị lôi cuốn vì một tôn giáo. Nhưng dẫu nguyên nhân là gì đi nữa thì cũng có một điểm chung giữa các loại hình biến cố, đó là cảm giác về một điều gì đó quan trọng gây trục trặc trong tiếp cận với cuộc sống trong hiện tồn của một cá thể, và cá nhân đó phải tìm một phương cách tiếp cận mới mẻ.
Mối quan tâm của tôi về biến cố, cũng như của nhiều người khác, bắt nguồn từ những biến cố mà chính bản thân tôi trải nghiệm hay từ những gì tôi chứng kiến đã xảy đến cho bạn bè và người thân. Với tôi, động cơ cá nhân quen thuộc đó còn được thúc đẩy bởi công việc của vợ tôi, Marie, một nhà tâm lý học lâm sàng. Trong năm đầu của cuộc hôn nhân, Marie làm việc ở một trung tâm sức khỏe tinh thần cộng đồng, ở đó có một phòng khám chuyên về tâm lý trị liệu ngắn hạn dành cho những khách hàng gặp biến cố. Khách hàng đến đó hoặc gọi điện thoại khi ở tình trạng bị sự cố, do cảm thấy bị ức chế bởi một thách thức lớn lao không thể tự thân giải quyết. Khi cửa phòng khám bật mở hay chuông điện thoại reo ở phòng tiếp khách hàng, và người khách kế tiếp bước vào hoặc bắt đầu nói, thì chuyên gia tư vấn vẫn chưa biết trước loại vấn đề nào mà người khách đặc biệt đó đang phải đối mặt, nhưng chuyên gia biết một điều rằng người khách hàng, cũng như những người trước đó, hẳn đang ở một tình trạng khủng hoảng cá nhân sâu sắc, bị dồn nén bởi việc thừa nhận với chính mình là những phương cách họ lập ra để xử lý không còn hiệu quả nữa.
Tác động từ những đợt tư vấn ở các trung tâm sức khỏe đưa ra phương cách trị liệu khủng hoảng rất đa dạng. Ở những trường hợp bi đát nhất, một số khách hàng từng có ý định hoặc đã tự tử. Số khác không thể tìm ra phương cách ứng phó mới nào hợp lý: họ quay trở lại với những phương cách cũ và rồi có khả năng bị tê liệt bởi đau buồn, giận dữ hay thất vọng. Dù vậy, ở những trường hợp khả quan nhất, khách hàng tìm được một phương cách ứng phó mới mẻ và tốt hơn, và trỗi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết từ biến cố. Kết quả đó được phản ánh ở chữ viết Hán ngữ tương ứng với “biến cố,” đọc là “wei-ji” (nguy cơ) và gồm hai chữ: chữ Hán “wei” có nghĩa là “nguy hiểm” cộng thêm chữ “ji” nghĩa là “trường hợp quyết định, điểm cấp thiết, cơ hội.” Triết gia Đức Friedrich Nietzsche diễn tả một ý niệm tương tự bằng câu nói “Điều gì không giết được chúng ta sẽ làm chúng ta mạnh mẽ hơn.” Winston Churchill cũng có một câu tương ứng “Đừng bao giờ bỏ phí một biến cố tốt!”
Một quan sát thường xuyên của những chuyên gia giúp đỡ người khác trong một biến cố cá nhân cấp thời là một điều gì đó diễn ra trong phạm vi khoảng thời gian sáu tuần. Trong thời kỳ chuyển đổi ngắn ngủi đó, chúng ta sẽ nghi ngờ những đức tin mà mình yêu kính, và chúng ta dễ lĩnh hội thay đổi cá nhân hơn so với thời kỳ dài ổn định trước đó. Chúng ta không thể sống mãi như thế nếu không có một số phương sách ứng phó, dù có thể đau buồn, khổ não hay vẫn thất nghiệp hoặc giận dữ. Trong vòng khoảng sáu tuần, chúng ta bắt đầu tìm kiếm một phương sách ứng phó mới, thứ cuối cùng sẽ tỏ ra có hiệu quả, hoặc bám vào một phương sách không thích nghi mới, hoặc trở lại với những phương thức không thích nghi cũ.
Dĩ nhiên, những quan sát về biến cố cấp thời này không hàm ý rằng cuộc đời của chúng ta thích hợp với một hình mẫu quá giản đơn của: (1) tiếp nhận cú sốc, đặt đồng hồ báo thức trong 6 tuần; (2) thừa nhận thất bại của các phương pháp ứng phó trước đó; (3) tìm kiếm những phương pháp ứng phó mới, và (4) đồng hồ báo thức không hoạt động: hoặc từ bỏ và quay trở lại, hoặc thành công/biến cố được xử lý/ mãi hạnh phúc về sau. Không: thay vào đó thì nhiều thay đổi trong cuộc đời khai mở dần dần chứ không có một giai đoạn sắc nét. Chúng ta thành công trong việc xác định và giải quyết nhiều vấn nạn treo lơ lửng trên đầu và ngày càng lớn dần trước khi chúng có thể trở thành biến cố và chế ngự mình. Ngay cả những biến cố có giai đoạn cấp thời cũng có thể hòa lẫn vào một giai đoạn dài của việc từ từ tạo dựng lại. Điều này đặc biệt đúng với các biến cố ở tuổi trung niên, khi sự bùng nổ ban đầu của sự bất mãn và những vấn đề mơ hồ của một giải pháp có thể trở nên cấp thời, nhưng có thể phải mất nhiều năm để biến một giải pháp mới trở nên có hiệu quả. Một biến cố không nhất thiết phải giải quyết một lần là xong. Chẳng hạn, một cặp vợ chồng đã giải quyết một tranh cãi nghiêm trọng và tránh được việc li dị có thể không còn phù hợp với giải pháp ấy nữa và lại phải tiếp tục giải quyết cùng một vấn đề hay một thứ tương tự. Một số người giải quyết một loại biến cố có thể sau cùng lại gặp phải một vấn đề mới và lại đối mặt với một biến cố mới, như tôi chẳng hạn. Nhưng ngay cả những tiên báo này cũng không thay đổi được sự thật là nhiều người trong chúng ta cũng trải qua những biến cố với quá trình gần đúng những gì mà tôi mô tả.
Một nhà trị liệu giải quyết thế nào với một người gặp phải biến cố? Hiển nhiên, những phương pháp truyền thống của tâm lý trị liệu dài hạn, vốn thường tập trung vào những trải nghiệm thời thơ ấu để hiểu được căn nguyên của những vấn nạn hiện tại, giờ không còn phù hợp với một biến cố do việc trị liệu quá đỗi chậm chạp. Thay vào đó, việc điều trị biến cố tập trung vào chính biến cố tức thì. Các phương pháp điều trị đó ban đầu được bác sĩ tâm thần Erich Lindemann đưa ra ngay trong hậu quả tức thời của vụ hỏa hoạn Cocoanut Grove, khi các bệnh viện ở Boston không chỉ phải đối mặt với thách thức về y tế trong việc cứu chữa sinh mạng của hàng trăm người bị thương hoặc đang hấp hối, mà còn thách thức về mặt tâm lý trong việc xử lý những đau khổ và cảm giác tội lỗi của một số lượng đông đảo hơn những người sống sót, thân nhân và bạn bè của họ.
Những con người quẫn trí này tự vấn tại sao thế giới lại chấp nhận để một sự cố như vậy xảy ra, và tại sao họ vẫn còn sống trong khi người thân yêu của mình lại gánh chịu một cái chết thảm khốc do đám cháy, giẫm đạp hay ngạt khói. Chẳng hạn, một người chồng đã nhảy khỏi cửa sổ để được chết cùng người vợ mới qua đời bởi mặc cảm tội lỗi, dằn vặt bản thân vì đã dẫn người vợ đến Cocoanut Grove. Trong khi những bác sĩ phẫu thuật đang cứu chữa các nạn nhân bị bỏng, thì các nhà tâm lý trị liệu làm gì để chữa cho những nạn nhân bị sang chấn tâm lý từ vụ cháy? Đó là biến cố mà vụ hỏa hoạn Cocoanut Grove đặt ra cho ngành tâm lý trị liệu. Đám cháy chứng thực cho thời điểm khai sinh ngành trị liệu khủng hoảng.
Nhằm nỗ lực trợ giúp cho một lượng lớn người bị sang chấn tâm lý, Lindemann bắt đầu triển khai cách tiếp cận mà bây giờ được gọi theo thuật ngữ “trị liệu khủng hoảng,” và rồi cách này nhanh chóng lan rộng từ thảm họa Cocoanut Grove sang các dạng biến cố cấp thời mà tôi đã nêu ở trên. Nhiều thập niên qua đi kể từ năm 1942, các chuyên gia tâm lý trị liệu khác tiếp tục tìm ra những phương cách mà giờ đây được thực hành và giảng dạy ở nhiều dưỡng đường, như ở phòng khám nơi Marie làm việc. Nguyên tắc cơ bản của trị liệu khủng hoảng theo như chu kỳ là ngắn hạn, chỉ có khoảng sáu phiên điều trị rải đều ở mỗi tuần, kéo dài tiến trình thời gian tương ứng với một diễn trình biến cố cấp thời.
Thông thường, khi một người lần đầu tiên bị đẩy vào một tình trạng biến cố, họ cảm thấy bị ức chế bởi ý nghĩ mọi thứ trong đời mình đều chệch hướng. Vì thế, khi người đó còn cảm thấy như bị tê liệt thì thật khó để tiến hành thực hiện điều gì ngay lúc ấy. Vì thế, mục tiêu tức thời của nhà tâm lý trị liệu trong phiên điều trị đầu tiên – hoặc còn gọi là bước đầu nếu một người đang đối phó với một biến cố mà họ thừa nhận hay với sự giúp đỡ của bạn bè – là khắc phục được sự tê liệt đó bằng các biện pháp gọi là “dựng một hàng rào,” nghĩa là xác định những sự việc đặc biệt thực sự đi chệch hướng trong biến cố để người đó có thể nói ra, “Ở đây, bên trong hàng rào, là những vấn đề đặc biệt trong cuộc đời của tôi, mọi thứ khác bên ngoài đều bình thường và cũng ổn.” Một người trong biến cố thường cảm thấy khuây khỏa khi họ bắt đầu hiểu được vấn đề ấy và xây dựng một hàng rào quanh nó. Sau đó, nhà trị liệu có thể giúp đỡ khách hàng của mình tìm ra những phương cách khác nhau để ứng phó với vấn đề đặc biệt bên trong hàng rào. Từ đó, khách hàng sẽ tham gia vào một tiến trình thay đổi có chọn lọc, có thể thực hiện được, thay vì vẫn bị tê liệt bởi vẻ cần thiết bề ngoài của việc thay đổi toàn bộ, thứ vốn bất khả thi.
Bên cạnh vấn đề xây dựng một hàng rào được đề cập ở phiên điều trị đầu tiên, một vấn đề khác cũng thường được đặt ra: câu hỏi “Tại sao?” rút ngắn từ: “Tại sao hôm nay bạn quyết định tìm sự giúp đỡ từ trung tâm xử lý biến cố, và tại sao bây giờ bạn lại cảm nhận về một biến cố ngay bây giờ mà không phải sớm hơn trước đó, hay không một chút nào trước đó?” Trong trường hợp một biến cố nảy sinh từ một cú sốc bất ngờ, như vụ hỏa hoạn Cocoanut Grove, thì không cần đặt câu hỏi đó, vì câu trả lời hiển nhiên là do cú sốc từ đó mà ra. Nhưng câu trả lời sẽ không rõ ràng đối với một biến cố phát triển từ từ cho đến khi bùng nổ, hay với một biến cố lớn dần gắn với một giai đoạn đời người kéo dài như tuổi dậy thì hay tuổi trung niên.
Một ví dụ điển hình là một phụ nữ có thể nói rằng bà ta đến trung tâm xử lý biến cố vì chồng bà mới ngoại tình. Nhưng rồi rõ ra là bà ta đã biết chồng mình ngoại tình từ lâu rồi. Vậy tại sao đến hôm nay bà ta mới quyết định tìm sự giúp đỡ về vụ này mà không phải một tháng hay một năm trước? Sự thúc đẩy tức thời có thể là do một câu nói đơn giản bộc phát, nếu không thì một chi tiết của vụ ngoại tình mà khách hàng xem là “giọt nước tràn ly,” hay một sự kiện tưởng chừng vô hại nhắc bà ta nhớ đến một điều gì đó quan trọng trong quá khứ của mình. Thường thì khách hàng không ý thức về câu trả lời cho câu hỏi “Tại sao lại là bây giờ?” Nhưng nếu tìm thấy câu trả lời thì sẽ hữu ích cho khách hàng, hay cho cả chuyên gia trị liệu, hoặc cả hai, để hiểu rõ biến cố. Ở trường hợp biến cố trong sự nghiệp của tôi vào năm 1959, vốn đã hình thành trong suốt nửa năm, thì lý do tại sao tuần đầu tiên của tháng 8 năm 1959 trở thành “bây giờ” chính là việc cha mẹ tôi đến thăm, và việc cần phải kể cho họ rằng tôi có nên trở lại Phòng Thí nghiệm Sinh lý học ở Cambridge vào tuần tới để học tiếp năm hai hay không.
Dĩ nhiên, việc trị liệu khủng hoảng ngắn hạn không phải là liệu pháp duy nhất để ứng phó với biến cố cá nhân. Lý do tôi thảo luận về nó cũng không phải vì sự tương đồng nào giữa sáu lượt liệu trình điều trị biến cố giới hạn thời gian và tiến trình ứng phó với các biến cố quốc gia. Tiến trình sau không liên quan gì đến sáu thảo luận tầm quốc gia trong phạm vi một khung thời gian ngắn. Thay vào đó, tôi tập trung vào việc trị liệu khủng hoảng ngắn hạn vì đó là một chuyên ngành của các nhà trị liệu tâm lý có bề dày kinh nghiệm thực hành và chia sẻ những quan sát của họ với người khác. Họ đã bỏ nhiều thời gian thảo luận và công bố nghiên cứu của mình về những nhân tố tác động đến hệ quả qua sách báo. Tôi từng nghe Marie kể nhiều về những thảo luận này, hầu như hằng tuần trong suốt thời gian bà ấy công tác ở trung tâm trị liệu về biến cố. Tôi thấy những thảo luận đó hữu ích cho việc đề xuất những nhân tố có thể được khảo sát như những tác động khả dĩ vào hệ quả của các biến cố quốc gia.
Các nhà tâm lý trị liệu về biến cố xác định có ít nhất 12 nhân tố ít nhiều có khả năng khiến một cá nhân thành công trong việc xử lý một biến cố cá nhân (Bảng 1.1). Chúng ta hãy xem xét những nhân tố này, bắt đầu với ba hoặc bốn nhân tố chắc chắn là rất quan trọng ở thời điểm trước hoặc bắt đầu tiến trình trị liệu:
- Nhận biết một người đang gặp biến cố
Đây là nhân tố khiến người ta tìm đến trị liệu tâm lý biến cố. Nếu không có nhận thức đó, họ sẽ không đến trung tâm trị liệu, cũng như không thể tự đối mặt với biến cố. Chỉ cho đến khi một người thừa nhận: “Vâng, quả là tôi đang gặp một vấn đề” – và việc thừa nhận đó có thể phải mất một thời gian dài – thì mới có được tiến trình nhằm giải quyết vấn đề. Biến cố nghề nghiệp của tôi vào năm 1959 bắt đầu bằng nhận thức rằng mình đang thất bại trong nỗ lực trở thành một nhà khoa học thực nghiệm sau hơn 12 năm liên tục gặt hái thành quả ở nhà trường phổ thông.
Bảng 1.1. Những nhân tố liên quan đến hệ quả của biến cố cá nhân
– Nhận biết một người đang gặp biến cố
– Thừa nhận trách nhiệm cá nhân của người đó trong hành xử
– Dựng một hàng rào để phác họa những vấn đề cá nhân cần được xử lý
– Tìm giúp đỡ vật chất và tinh thần từ những cá nhân và nhóm khác
– Dùng những cá nhân khác như hình mẫu giải quyết vấn đề
– Sức mạnh bản ngã
– Đánh giá bản thân một cách trung thực
– Kinh nghiệm từ những biến cố cá nhân trước đó
– Kiên nhẫn
– Tính linh hoạt
– Những giá trị cốt lõi của cá nhân
– Thoát khỏi những câu thúc cá nhân
– Thừa nhận trách nhiệm cá nhân
Nhưng chỉ nhận biết việc “Tôi đang có vấn đề” cũng chưa đủ. Người ta thường nói tiếp, “Vâng, nhưng – vấn đề của tôi là do lỗi của người khác. Người khác hay những thế lực bên ngoài là những gì khiến đời tôi khốn khổ.” Những lời than thân trách phận như thế, và khuynh hướng vờ đóng vai trò nạn nhân là những lời bào chữa phổ biến nhất mà người ta thường đưa ra để tránh đề cập những vấn đề riêng tư. Vì lý do đó, chướng ngại thứ hai sau khi một người thừa nhận “Tôi có vấn đề” là việc nhận trách nhiệm giải quyết nó. “Vâng, có những thế lực bên ngoài và những người khác, nhưng họ không phải là tôi. Tôi không thể thay đổi những người khác. Tôi là người duy nhất có thể kiểm soát hoàn toàn các hành động của mình. Nếu tôi muốn những thế lực và con người khác thay đổi, thì chính tôi có trách nhiệm về nó bằng việc thay đổi hành vi và phản ứng của bản thân. Nếu tôi không tự làm điều gì đó thì những người khác sẽ không tự động thay đổi.”
- Dựng một hàng rào
Một khi người đó thừa nhận một biến cố, nhận trách nhiệm về việc đã cố gắng giải quyết nó, rồi mới đến trung tâm trị liệu, lượt trị liệu đầu tiên có thể tập trung vào bước “dựng một hàng rào,” đó là xác định và giới hạn vấn đề phải giải quyết. Nếu một người đang gặp biến cố không làm được điều đó, anh ta sẽ thấy bị sai lầm hoàn toàn và cảm thấy như bị liệt kháng. Do đó, vấn đề chủ yếu là: có điều gì từ chính bạn đã vận hành tốt và không cần phải thay đổi và điều gì bạn có thể giữ lấy? Bạn có thể và nên loại bỏ và thay thế những gì bằng những phương cách mới? Chúng ta có thể thấy rằng vấn đề thay đổi chọn lọc cũng là chìa khóa cho sự đánh giá lại từ toàn bộ các quốc gia gặp phải biến cố.
- Giúp đỡ từ người khác
Hầu hết chúng ta, những người vượt qua biến cố thành công, đều tìm thấy giá trị của sự hỗ trợ về vật chất lẫn tinh thần từ bạn bè cũng như từ các nhóm hỗ trợ xã hội như các nhóm hỗ trợ bệnh nhân ung thư, nghiện rượu hay ma túy. Những điển hình quen thuộc về hỗ trợ vật chất bao gồm việc cung cấp phòng ngủ trống tạm thời để giúp những người có cuộc hôn nhân đổ vỡ có thể chuyển đến; nói rõ ra, để bù đắp cho vấn đề bị giảm thiểu sinh hoạt tạm thời – giải quyết khả năng của một người đang gặp biến cố và cung cấp trợ giúp thực tiễn trong việc tìm kiếm thông tin, một công việc mới, bầu bạn và những sắp xếp trong việc chăm sóc con cái. Sự hỗ trợ tinh thần bao gồm việc lắng nghe, giúp làm rõ các vấn đề và trợ giúp những người tạm thời mất hi vọng và tự tin để lấy lại chúng. Đối với một khách hàng đang ở dưỡng đường trị liệu, việc “kêu gọi giúp đỡ” hiển nhiên là một trong những nhân tố đầu tiên phát sinh để xử lý biến cố: khách hàng đến trung tâm vì họ nhận thấy cần đến sự giúp đỡ. Đối với những người không đến trung tâm điều trị biến cố, việc họ kêu cầu giúp đỡ có thể đến sớm, muộn hay có thể là không bao giờ: một số người tự tạo thêm khó khăn khi cố giải quyết toàn bộ sự cố mà không viện đến sự giúp đỡ. Một ví dụ cá nhân của việc kêu cầu giúp đỡ nằm ngoài trung tâm trị liệu là lúc người vợ đầu làm tôi choáng váng khi (cuối cùng) nói với tôi rằng cô ấy muốn li dị, mấy ngày sau đó tôi gọi điện cho bốn người bạn thân nhất và trút hết nỗi niềm với họ. Tất cả bốn người đều thấu hiểu và cảm thông với tình trạng của tôi do có ba người đã li dị, còn người thứ tư thì cũng từng cố hàn gắn một cuộc hôn nhân đầy rắc rối. Tuy cuộc gọi tìm sự giúp đỡ của tôi không giúp ngăn được vụ li dị sẽ xảy đến, nhưng nó đã chứng tỏ là bước đầu trong một tiến trình dài tái soát xét mối quan hệ hôn nhân của mình, và cuối cùng cũng tìm được hạnh phúc với cuộc hôn nhân thứ nhì. Việc nói chuyện với bạn thân khiến tôi cảm thấy mình không phải là người duy nhất mắc sai lầm, và cuối cùng tôi cũng có được hạnh phúc như họ.
- Những người khác là hình mẫu
Liên hệ đến giá trị của những người khác như những nguồn giúp đỡ nghĩa là coi giá trị của họ như hình mẫu cho những phương cách ứng phó để lựa chọn. Ngoài ra, do hầu hết chúng ta, những người từng khắc phục một biến cố, đều nhận ra đây là một ưu thế lớn nếu bạn biết có ai đó đã khắc phục một biến cố tương tự và hình thành một hình mẫu về các kỹ năng ứng phó hiệu quả mà bạn có thể thử bắt chước. Về mặt lý tưởng, những hình mẫu đó chính là bạn bè hay những người mà bạn có thể chuyện trò, hoặc từ những người mà bạn có thể trực tiếp học hỏi cách họ xử lý một vấn đề tương tự của bạn. Nhưng hình mẫu cũng có thể là ai đó mà bạn không quen biết, hay ai đó có cuộc đời và phương cách ứng phó mà bạn hầu như chưa bao giờ đọc hoặc nghe nói đến. Chẳng hạn, dù ít độc giả của cuốn sách này quen biết Nelson Mandela, Eleanor Roosevelt hay Winston Churchill, nhưng tiểu sử và tự truyện của họ vẫn khơi dậy những ý tưởng và khát vọng cho những người khác để dùng chúng như những hình mẫu xử lý biến cố cá nhân.
- Sức mạnh bản ngã
Một nhân tố quan trọng để ứng phó với biến cố, và khác nhau giữa người này với người khác, là khả năng mà các nhà phân tâm học gọi là “sức mạnh bản ngã,” bao gồm sự tự tin nhưng rộng lớn hơn. Sức mạnh bản ngã nghĩa là có ý thức về bản thân, có ý thức về mục đích và chấp nhận bản sắc của mình với tư cách là một con người độc lập không lệ thuộc vào kẻ khác để được thừa nhận hay tồn tại. Sức mạnh bản ngã bao gồm khả năng chịu đựng những cảm xúc mạnh mẽ, giữ tập trung dưới áp lực căng thẳng, thể hiện ý chí tự do, nhận thức chân lý chính xác và đưa ra những quyết định đúng đắn. Những phẩm chất kết nối đó rất cần thiết để tìm ra các giải pháp mới và chế ngự nỗi sợ hãi làm liệt kháng thường phát sinh trong một biến cố. Sức mạnh bản ngã bắt đầu phát triển từ thời thơ ấu, đặc biệt khi cha mẹ chấp nhận bạn như một cá thể độc lập, không mong cầu bạn hoàn thành ước mơ của họ và cũng không mong cầu bạn trưởng thành hơn hay nhỏ bé hơn bạn trong thực tại. Nó cũng phát triển từ những bậc cha mẹ giúp bạn học cách chịu đựng sự thất vọng bằng cách không đáp ứng mọi thứ bạn muốn, và cũng không tước đoạt mọi thứ bạn muốn. Tất cả quá trình rèn luyện đó sẽ nhập vào sức mạnh bản ngã và giúp một người giải quyết biến cố.
- Đánh giá bản thân một cách trung thực
Điều này liên quan đến sức mạnh bản ngã nhưng đáng để đề cập riêng biệt. Đối với một cá nhân gặp biến cố, nền tảng để đưa ra những chọn lựa đúng đắn là một đánh giá trung thực, dù đau đớn, để tìm ra những ưu điểm và khuyết điểm của bản thân, những phần nào đang hoạt động và đang trục trặc. Chỉ khi đó bạn mới có thể thay đổi chọn lọc mà vẫn lưu giữ được sức mạnh nội tại trong khi vẫn thay thế những khuyết điểm của mình bằng những phương cách ứng phó mới. Trong khi tầm quan trọng của tính trung thực trong việc xử lý một biến cố xem ra có vẻ hiển nhiên, thì rõ ràng những lý do mà người ta thường không trung thực với bản thân lại nhiều vô số.
Vấn đề đánh giá bản thân một cách trung thực lại tạo ra một trong những đấu tranh chính trong biến cố nghề nghiệp của tôi vào năm 1959. Một mặt, tôi đã đánh giá quá cao khả năng của mình, mặt khác tôi lại đánh giá thấp nó. Về việc đánh giá cao, tình yêu của tôi đối với ngôn ngữ đã khiến tôi lầm lạc nghĩ rằng mình có những khả năng cần thiết để trở thành một thông dịch viên. Nhưng cuối cùng tôi cũng nhận ra tình yêu với ngôn ngữ tự nó không đủ để tôi trở thành một thông dịch viên thành công ngay tức thời. Lớn lên ở Mỹ, tôi chỉ bắt đầu học ngoại ngữ giao tiếp đầu tiên khi 11 tuổi. Trước năm 23 tuổi, tôi chưa từng sống ở một đất nước không-nói-tiếng-Anh và không thể giao tiếp lưu loát bằng bất kỳ ngoại ngữ nào. Do tôi học nói những ngôn ngữ khác tương đối muộn khi còn đi học, nên đến hôm nay những ngôn ngữ mà tôi nói giỏi nhất vẫn mang âm giọng Mỹ. Cuối cùng, đến gần 80 tuổi tôi mới có thể chuyển ngữ nhanh chóng giữa hai ngôn ngữ, ngoài tiếng Anh. Nhưng nếu là một thông dịch viên, tôi phải cạnh tranh với các thông dịch viên người Thụy Sĩ vốn đã giao tiếp trôi chảy, đúng ngữ điệu và dễ dàng chuyển giữa vài ngôn ngữ khi mới khoảng 8 tuổi. Rốt cuộc, tôi phải thừa nhận một điều: mình đã lầm lạc khi mơ mộng có thể cạnh tranh với người Thụy Sĩ trong cương vị một nhà ngữ học.
Một khía cạnh khác của việc đánh giá bản thân mà tôi từng trải nghiệm vào năm 1959, trong đó tôi đã đánh giá thấp thay vì đánh giá cao khả năng của mình, liên quan đến nghiên cứu khoa học. Do thiếu khả năng xử lý một nan đề về công nghệ, tôi đưa ra kết luận quá chung chung, cụ thể là cách đo lượng ion chạy qua màng của loài cá chình điện Nam Mỹ. Nhưng tôi vẫn hoàn toàn có khả năng đo lượng nước vận chuyển trong túi mật cá bằng phương pháp đơn giản là cân một túi mật. Ngay đến bây giờ, 60 năm sau đó, tôi vẫn chỉ áp dụng những công nghệ đơn giản nhất để làm khoa học. Tôi đã học hỏi để nhận ra những vấn đề khoa học quan trọng đều có thể trình bày bằng các công nghệ đơn giản. Tôi vẫn không thể bật chiếc tivi ở nhà bằng cái điều khiển từ xa có đến 47 nút bấm; tôi chỉ sử dụng được những chức năng đơn giản nhất của chiếc điện thoại iPhone mới mua, và hoàn toàn lệ thuộc vào người thư ký và vợ mình trong bất kỳ điều gì cần đến máy tính. Bất kỳ lúc nào tôi muốn tiến hành một đề án nghiên cứu đòi hỏi công nghệ phức tạp – phân tích dòng điện qua biểu mô, phân tích độ nhiễu của các kênh ion qua màng, phân tích thống kê phân bố các loài chim theo cặp – thì may sao tôi lại tìm được những đồng nghiệp lành nghề trong việc phân tích, đồng thời lại muốn cộng tác với tôi.
Do vậy, cuối cùng tôi đã học được việc đánh giá, một cách trung thực, những gì mình có khả năng hoặc không có khả năng thực hiện.
- Kinh nghiệm từ những biến cố cá nhân trước đó
Nếu bạn đã có kinh nghiệm ứng phó hiệu quả với một số biến cố khác nhau trong quá khứ, bạn sẽ tự tin mình có thể xử lý biến cố mới. Điều đó tương phản với ý tưởng bất lực, phát sinh từ những biến cố không kiểm soát được, thứ dù bạn có làm gì đi nữa cũng sẽ không thành công. Sự quan trọng của kinh nghiệm trước đó là lý do chính giải thích tại sao các biến cố lại gây tổn thương cho lớp thanh thiếu niên và lớp trẻ hơn là những người lớn tuổi. Nếu sự đổ vỡ của một mối quan hệ gần gũi có thể gây hủy hoại ở bất kỳ độ tuổi nào thì sự đổ vỡ của mối quan hệ đầu tiên của một người lại gây hủy hoại trầm trọng. Vào thời điểm của những đổ vỡ về sau thì bất kể nó đau đớn đến mức nào, người đó sẽ nhớ lại việc mình đã chịu đựng và vượt qua nỗi đau tương tự trước đó. Đó là một phần của lý do tại sao biến cố năm 1959 của tôi lại gây tổn thương quá đỗi: vì đó là biến cố cấp thời đầu tiên trong đời. Qua đối chiếu thì các biến cố nghề nghiệp sau này vào những năm 1980 và 2000 lại không gây tổn thương gì nhiều cho tôi. Sau cùng thì tôi cũng đã chuyển hướng sự nghiệp, từ sinh lý học biểu mô sang sinh lý học tiến hóa vào khoảng năm 1980, và từ ngành sinh lý học sang địa lý học sau năm 2000. Nhưng những quyết định đó không gây đau khổ do từ kinh nghiệm trước đó, tôi đi đến kết luận rằng vạn sự đều có thể trở nên ổn thỏa cả thôi.
- Kiên nhẫn
Một vấn đề khác là khả năng chịu đựng sự không chắc chắn, mơ hồ và thất bại trong những nỗ lực thay đổi ban đầu: nói ngắn gọn, đó là tính kiên nhẫn. Một người đang gặp biến cố thường không có khả năng tìm ra phương cách hiệu quả trong lần đầu tiên thử ứng phó với nó. Thay vào đó, có thể phải mất vài lần cố gắng, thử nhiều cách xem có thể xử lý được biến cố hay không, và chúng có tương hợp với tính cách của họ hay không cho đến khi tìm ra một giải pháp hiệu quả. Những người không thể chịu đựng sự không chắc chắn hay thất bại và sớm từ bỏ sự tìm kiếm thường ít có khả năng tìm được một phương cách ứng phó mới phù hợp. Đó là lý do khiến lời khuyên nhẹ nhàng của bố tôi ở ghế đá công viên tại Paris: “Tại sao con không dành thêm nửa năm cho việc lấy bằng tiến sĩ sinh lý học ở trường?” lại như một phao cứu sinh cho tôi. Bố đã khiến sự kiên nhẫn đối với tôi trông hợp lý; trước đó tôi chưa từng phát hiện ra điều này.
- Tính linh hoạt
Một nhân tố quan trọng đối với việc vượt qua biến cố thông qua thay đổi có chọn lọc liên quan đến ưu điểm của một tính cách linh hoạt hơn là cứng nhắc, cố chấp. “Tính cứng nhắc” nghĩa là niềm tin thâm căn cố đế rằng chỉ có một giải pháp duy nhất. Dĩ nhiên niềm tin đó là một vật cản cho việc tìm kiếm những phương cách khác và thay thế cách tiếp cận cũ đã thất bại bằng một tiếp cận mới hiệu quả hơn. Tính cứng nhắc hay cố chấp có thể là kết quả của một tiền sử bị xâm hại hoặc bị sang chấn tâm lý, hay của một sự dạy dỗ không cho trẻ quyền được thử nghiệm, tìm tòi hay đi chệch những chuẩn mực gia đình. Tính linh hoạt có thể xuất phát từ sự tự do được phép đưa ra những lựa chọn riêng tư khi trưởng thành.
Với tôi, việc học cách linh hoạt đến khá muộn, là kết quả của những chuyến thám hiểm hòn đảo nhiệt đới New Guinea khi ở tuổi 26, tôi lần đầu nghiên cứu loài chim vùng rừng mưa nhiệt đới. Ở New Guinea, những kế hoạch chi tiết hầu như không bao giờ được tiến hành như dự liệu. Máy bay, thuyền bè và phương tiện vận chuyển đường bộ thường hỏng hóc, gặp sự cố hay bị chìm; người dân địa phương và viên chức chính quyền không ứng xử như mong đợi và không thể sai phái tùy tiện; cầu cống và đường sá thì khó đi; núi non thì trên bản đồ không chỉ rõ; và vô số những điều trật chìa khác. Hầu như mọi người trong đoàn thám hiểm của tôi đều khởi đầu với việc làm điều X do tôi đặt ra, nhưng khi đến New Guinea, tìm ra điều X là điều bất khả, thế là phải linh hoạt: ứng biến một kế hoạch mới tại chỗ. Khi Marie và tôi có con, tôi nhận thấy kinh nghiệm của mình từ các chuyến đi nghiên cứu về loài chim ở New Guinea quả là hữu ích để chuẩn bị cho tư cách làm cha – vì trẻ con cũng khó lường, không thể sai bảo tùy tiện, và đòi hỏi sự linh hoạt từ phía các bậc cha mẹ.
- Những giá trị cốt lõi
Vấn đề gần cuối, cũng liên quan đến sức mạnh bản ngã, dính dáng đến thứ gọi là giá trị cốt lõi: chẳng hạn, những đức tin mà một người xem là quan trọng để định danh người đó, và làm nền tảng cho chuẩn mực đạo đức và quan điểm của người đó, như một tôn giáo và một kết ước với gia đình. Trong một biến cố, bạn phải vạch ra một lằn ranh trong việc chấp nhận thay đổi có chọn lọc: những giá trị cốt lõi nào bạn sẽ từ chối thay đổi vì bạn xem chúng là không thể thỏa hiệp? Ở điểm nào bạn tự nghĩ: “Ta thà chết còn hơn thay đổi NÓ”? Chẳng hạn, nhiều người xem những kết ước gia đình, tôn giáo và sự trung thực là không thể thỏa hiệp. Chúng ta có khuynh hướng ngưỡng mộ những người khước từ việc phản bội gia đình, nói dối, công khai bỏ đạo hay ăn cắp để thoát ra biến cố.
Nhưng các biến cố có thể sản sinh những vùng xám, ở đó các giá trị mà trước đó được xem là không thể thỏa hiệp sẽ đến lúc để tái cân nhắc. Lấy một ví dụ cụ thể, một người chồng hay người vợ đệ đơn xin li hôn, do đó quyết định phá vỡ kết ước gia đình với người bạn đời của mình. Những tù nhân trong trại tập trung của Đức Quốc xã thời kỳ Thế chiến II phải từ bỏ điều răn về mặt đạo đức “Ngươi không được ăn cắp”: khẩu phần thức ăn quá thiếu thốn đến nỗi họ không thể sống sót nếu không ăn cắp. Nhiều kẻ sống sót từ các trại tập trung đã bỏ đạo vì họ thấy điều ác ở trại không thể hòa giải với đức tin vào thần linh. Chẳng hạn nhà văn Ý gốc Do Thái Primo Levi, người sống sót từ trại tập trung Auschwitz, sau đó nói rằng, “Đối với tôi, trải nghiệm ở Auschwitz xem như quét sạch bất kỳ mọi di sản của nền giáo dục tôn giáo mà tôi từng lưu giữ. Nếu có Auschwitz, thì xem như Chúa không thể tồn tại. Tôi không tìm ra một giải pháp nào cho tình trạng khó xử đó.”
Vì thế, những giá trị cốt lõi khiến việc xử lý một biến cố hoặc dễ dàng hơn, hoặc khó khăn hơn. Một mặt, giá trị cốt lõi của một người có thể cung cấp sự gạn lọc, một nền tảng của sức mạnh và xác thực để từ đó họ dự kiến thay đổi những phần khác của bản thân; mặt khác, nếu cứ bám vào các giá trị cốt lõi ngay cả khi chúng tự bộc lộ sự sai lệch dưới những hoàn cảnh bị đổi thay thì điều đó lại ngăn họ xử lý biến cố.
- Thoát khỏi những câu thúc
Yếu tố còn lại là tự do chọn lựa xuất phát từ việc không bị ràng buộc bởi những vấn đề và trách nhiệm trên thực tế. Việc thử nghiệm những giải pháp mới đúng là khó hơn nếu bạn có trách nhiệm nặng nề với người khác (như con cái), hay nếu bạn phải chạy theo một công việc đòi hỏi cao, hoặc bạn thường phải đối mặt với những nguy hiểm về mặt thể chất. Dĩ nhiên điều này không có nghĩa rằng bạn không thể vượt qua một biến cố khi phải mang theo những gánh nặng đó, nhưng đúng là chúng áp đặt thêm những thách thức cho bạn. Vào năm 1959, tôi gặp may mắn là giữa xáo trộn tư tưởng trong việc phải biết rõ mình có còn muốn trở thành một nhà khoa học nghiên cứu hay không, tôi vẫn không phải đánh vật với bất kỳ câu thúc thực tế nào. Tôi giữ một chức danh trong Tổ chức Khoa học Quốc gia nên có tiền trả học phí và chi tiêu trong vài năm; Khoa Sinh lý học của Đại học Cambridge không dọa tống khứ tôi, cũng không đòi hỏi tôi phải thi đỗ; và không một ai gây áp lực để tôi phải từ bỏ nó – ngoại trừ chính tôi.
Đó là những nhân tố tác động đến những hậu quả của biến cố cá nhân mà các nhà tâm lý trị liệu kể lại cho tôi, hay do họ viết ra. Người ta nên kỳ vọng nhân tố nào được liệt kê trong Bảng 1.1 có thể áp dụng khi muốn tìm hiểu hậu quả của các biến cố quốc gia?
Một mặt, đương nhiên có thể thấy ngay rằng các quốc gia không phải là các cá nhân. Chúng ta thấy rằng các biến cố tầm quốc gia đặt ra vô số vấn đề – vấn đề lãnh đạo, đưa ra quyết định theo nhóm, thể chế quốc gia và nhiều thứ khác – vốn không phát sinh ở các biến cố cá nhân.
Mặt khác, cũng đương nhiên rằng những cơ chế ứng phó của cá nhân không hiện hữu trong sự tách biệt khỏi nền văn hóa quốc gia và những nhóm cộng đồng mà cá nhân trưởng thành và giờ đang sống cùng. Nền văn hóa rộng lớn hơn đó có những ảnh hưởng lớn lao lên những đặc điểm cá nhân, như hành vi, mục đích, nhận thức về chân lý và cách xử lý vấn đề. Từ đó, chúng ta kỳ vọng có một số mối quan hệ giữa cách thức cá nhân ứng phó với những vấn đề riêng tư và cách thức một quốc gia bao gồm nhiều cá nhân ứng phó với biến cố tầm quốc gia. Một trong những mối quan hệ này là các vai trò (của cả cá nhân lẫn quốc gia) đều thừa nhận trách nhiệm về những gì mình làm thay vì chỉ xem mình như một nạn nhân bất lực, thụ động; phân định biến cố; tìm kiếm sự giúp đỡ, và học hỏi từ các hình mẫu. Cũng hiển nhiên như những quy luật đơn giản đó, điều đáng buồn là cả cá nhân và quốc gia thường phớt lờ hay phủ nhận chúng.
Để đặt một bối cảnh cho những phương cách mà các quốc gia tiến hành hay không tiến hành cách ứng phó giống như cá nhân, chúng ta hãy xem xét thử nghiệm tưởng tượng sau đây. Nếu so sánh những cá nhân chọn ngẫu nhiên trên khắp thế giới, chúng ta sẽ thấy rằng họ khác biệt nhau bởi muôn ngàn lý do, có thể phân loại rộng rãi ở bình diện cá nhân, văn hóa, địa lý và di truyền. Chẳng hạn, so sánh phần trên trang phục của năm người vào một buổi chiều tháng 1: một người Eskimo truyền thống ở vùng Bắc Cực, hai người Mỹ bình thường trên đường phố Los Angeles của tôi, một chủ tịch ngân hàng Mỹ trong văn phòng của ông ta, và một người New Guinea ở vùng trũng trong rừng mưa nhiệt đới xứ New Guinea. Vì những lý do địa lý, người Eskimo sẽ choàng một áo parka có mũ trùm ấm, ba người Mỹ sẽ mặc sơ mi nhưng không choàng parka, và người New Guinea kia lại không mặc gì ở phần thân trên. Vì những lý do văn hóa, người chủ tịch ngân hàng có thể sẽ đeo cà vạt, nhưng hai người trên đường phố Los Angeles thì không. Vì những lý do cá nhân, hai người ở Los Angeles được chọn ngẫu nhiên có thể mặc áo có màu sắc khác nhau. Nếu vấn đề liên quan đến màu tóc thay vì phần trên trang phục, thì lại có sự tham gia của các lý do di truyền.
Bây giờ, hãy thử xem xét những khác biệt về những giá trị cốt lõi của năm người này. Dù có một số khác biệt giữa ba người Mỹ, họ vẫn có khả năng chia sẻ những giá trị cốt lõi nhiều hơn so với người Eskimo và New Guinea. Những chia sẻ giá trị cốt lõi đó chỉ là một điển hình của các đặc trưng văn hóa được chia sẻ rộng rãi giữa những thành viên trong cùng một xã hội, được tiếp thu khi một người lớn lên. Nhưng tính bình quân thì những đặc thù cá nhân lại có khác biệt giữa những cá nhân ở các xã hội khác nhau chỉ vì những lý do chỉ có thể giải thích một phần hoặc không một chút nào theo những khác biệt về địa lý. Nếu một trong hai người ở Los Angeles có cơ hội trở thành tổng thống Mỹ, những giá trị cốt lõi bắt nguồn từ văn hóa – chẳng hạn như giá trị về quyền và trách nhiệm cá nhân – sẽ có tác động mạnh mẽ đến chính sách quốc gia của nước Mỹ.
Quan điểm của thử nghiệm tưởng tượng này là chúng tôi kỳ vọng có một số mối quan hệ giữa các đặc trưng cá nhân và đặc trưng quốc gia do những cá nhân đều có chung một nền văn hóa quốc gia, và do các quyết định quốc gia phụ thuộc mật thiết vào quan điểm của các cá nhân trong quốc gia, đặc biệt là quan điểm của các lãnh đạo quốc gia có góp phần vào văn hóa quốc gia. Đối với những quốc gia được bàn đến trong cuốn sách này, quan điểm của các nhà lãnh đạo tỏ ra đặc biệt quan trọng đối với Chile, Indonesia và Đức.
Bảng 1.2 liệt kê mười hai nhân tố mà cuốn sách này sẽ thảo luận liên quan đến kết quả của các biến cố quốc gia. So sánh với Bảng 1.1, liệt kê các nhân tố được các nhà tâm lý trị liệu công nhận có liên quan đến kết quả của các biến cố cá nhân, cho thấy hầu hết các nhân tố trong một danh sách đều có sự tương đồng dễ nhận biết trong danh sách kia.
BẢNG 1.2. Những nhân tố liên quan đến hệ quả của biến cố quốc gia
1. Đồng thuận quốc gia trong một nước đang có biến cố
2. Thừa nhận trách nhiệm quốc gia để xử lý
3. Dựng một hàng rào để khoanh lại các vấn đề của quốc gia cần xử lý
4. Tìm kiếm giúp đỡ vật chất và tài chính từ các quốc gia khác
5. Dùng các quốc gia khác như hình mẫu về cách thức giải quyết các vấn đề
6. Căn tính quốc gia
7. Đánh giá quốc gia một cách trung thực
8. Kinh nghiệm lịch sử của các biến cố quốc gia trước đó
9. Đối phó với thất bại quốc gia
10. Tính linh hoạt quốc gia trong tình huống đặc biệt
11. Giá trị cốt lõi quốc gia
12. Thoát khỏi những ràng buộc địa chính trị
Về bảy trên mười hai nhân tố, những sự tương đồng là rõ ràng:
Nhân tố số 1. Cũng như cá nhân, các quốc gia đều thừa nhận hoặc chối bỏ thực tế rằng họ đang gặp biến cố. Nhưng việc một đất nước thừa nhận đòi hỏi phải có một số mức độ đồng thuận quốc gia, trong khi một cá nhân chỉ tự thừa nhận hay chối bỏ.
Nhân tố số 2. Các quốc gia và cá nhân thừa nhận trách nhiệm quốc gia và cá nhân để có hành động giải quyết vấn đề, hoặc chối bỏ trách nhiệm bằng cách ta thán, nguyền rủa kẻ khác và coi mình là nạn nhân.
Nhân tố số 3. Các quốc gia tạo những thay đổi trong thể chế và chính sách bằng việc “dựng hàng rào” để phân định thể chế/chính sách nào đòi hỏi phải thay đổi với những thứ được giữ lại không thay đổi. Cá nhân cũng “dựng hàng rào” tương tự để tiến hành thay đổi có chọn lọc ở một số đặc điểm cá nhân, và giữ lại những đặc điểm khác.
Nhân tố số 4. Quốc gia và cá nhân đều có thể nhận sự giúp đỡ vật chất và tài chính từ những quốc gia và cá nhân khác. Riêng cá nhân cũng có thể tiếp nhận sự giúp đỡ về mặt tình cảm.
Nhân tố số 5. Quốc gia có thể lấy hình mẫu thể chế chính sách từ các nước khác, cũng như cá nhân có thể sao chép các phương pháp ứng phó từ những cá nhân khác.
Nhân tố số 7. Quốc gia, cũng như cá nhân, đều thực hiện đánh giá trung thực hoặc không. Điều này đòi hỏi phải đạt đến một mức độ đồng thuận quốc gia đối với một nước, nhưng cá nhân thì tự thân thực hiện việc đánh giá hoặc không đánh giá.
Nhân tố số 8. Quốc gia có kinh nghiệm lịch sử, trong khi cá nhân có hồi ức riêng tư, về các biến cố trước đó của quốc gia hay cá nhân. Ở hai trường hợp sau, sự tương hợp giữa các nhân tố mang tính chung chung và ít cụ thể hơn.
Nhân tố số 9. Các quốc gia đối phó khác nhau trong cách họ xử lý thất bại và trong mong ước tìm ra những giải pháp khác cho một vấn đề nếu những giải pháp đưa ra đầu tiên bị thất bại. Chẳng hạn, hãy nghĩ đến những phản ứng quyết liệt khác nhau đối với thất bại quân sự của những phần nước Đức sau Thế chiến I, của nước Đức sau Thế chiến II, của Nhật Bản sau Thế chiến II và của nước Mỹ sau Chiến tranh Việt Nam. Các cá nhân cũng khác nhau trong cách chịu đựng thất bại hay thất bại ban đầu, và chúng ta thường xem đặc điểm cá nhân đó là “sự kiên nhẫn.”
Nhân tố số 12. Các quốc gia kinh qua những hạn chế khác nhau đối với tự do chọn lựa, đặc biệt vì những lý do về địa lý, sự thịnh vượng, và sức mạnh quân sự/chính trị. Những cá nhân cũng trải qua những hạn chế khác nhau về tự do chọn lựa, nhưng hoàn toàn vì những lý do khác, như trách nhiệm chăm sóc con cái, yêu cầu công việc và thu nhập cá nhân.
Cuối cùng, với ba nhân tố còn lại, nhân tố cá nhân được dùng như một ẩn dụ để đưa ra nhân tố mô tả các quốc gia:
Nhân tố số 6. Các nhà tâm lý học đã định nghĩa và viết nhiều về đặc điểm của cá nhân, gọi là “sức mạnh bản ngã.” Đặc điểm này chỉ áp dụng cho cá nhân, không thể nói về sức mạnh bản ngã quốc gia. Nhưng các quốc gia quả cũng có một đặc điểm quốc gia, gọi là căn tính quốc gia, mà chúng ta sẽ thấy xuất hiện thường xuyên để thảo luận, đóng một vai trò đối với quốc gia làm ta nhớ lại vai trò của sức mạnh bản ngã đối với cá nhân. Căn tính quốc gia có nghĩa là những đặc trưng ngôn ngữ, văn hóa và lịch sử tạo nên bản sắc riêng của quốc gia đó đối với các nước khác trên thế giới, đóng góp vào tinh thần tự hào dân tộc và các công dân trong đất nước đó xem họ như góp phần.
Nhân tố số 10. Một đặc điểm cá nhân mà các nhà tâm lý học định nghĩa và viết nhiều là đặc tính linh hoạt, và ngược lại là tính cứng nhắc cá nhân. Đây là một đặc điểm thấm đẫm trong tính cách cá nhân; nó không mang tính đặc thù-tình huống. Chẳng hạn, nếu một người kiên định không bao giờ vay tiền bạn bè, nhưng nếu hành xử linh hoạt, người đó không bị cho là có tính cách cứng nhắc. Thay vào đó, một tính cách cứng nhắc thể hiện qua các quy tắc ứng xử kiên định trong hầu hết mọi tình huống. Không rõ có quốc gia nào có sự cứng nhắc giống nhau về bản chất ở hầu hết mọi tình huống hay không. Chẳng hạn, nếu có ai thiên về việc gán cho Nhật Bản hay Đức là “cứng nhắc,” thì tại sao hai nước này lại linh hoạt một cách kỳ lạ ở một số giai đoạn về nhiều vấn đề quan trọng, như chúng ta sẽ lần lượt xem xét ở Chương 3 và Chương 6. Thay vào đó, không như tính linh hoạt cá nhân, sự linh hoạt quốc gia có thể mang tính đặc thù tình huống. Chúng ta sẽ trở lại vấn đề này ở phần Kết luận.
Nhân tố số 11. Cuối cùng, cá nhân có những giá trị cốt lõi, như sự trung thực, tham vọng, tôn giáo và những ràng buộc gia đình. Quốc gia cũng có cái gọi là giá trị cốt lõi quốc gia, một số chồng chéo với các giá trị cốt lõi cá nhân (tính trung thực và tôn giáo chẳng hạn). Giá trị cốt lõi quốc gia liên quan, nhưng không đồng nhất, với những căn tính quốc gia. Chẳng hạn ngôn ngữ của Shakespeare và Tennyson là một phần của căn tính quốc gia, nhưng Tennyson không phải là lý do tại sao nước Anh khước từ thương thảo với Hitler ngay cả trong thời khắc đen tối nhất vào tháng 5 năm 1940. Thay vào đó, sự khước từ thương thảo của nước Anh là do giá trị cốt lõi: “Chúng ta sẽ không bao giờ đầu hàng.”
Như tôi đã đề cập ở phần Dẫn nhập, biến cố quốc gia đưa ra thêm những vấn đề, vốn không nảy sinh hay chỉ tương tự như những biến cố cá nhân. Chúng là những vấn đề sau:
– vai trò cốt yếu của thể chế chính trị và kinh tế quốc gia;
– những câu hỏi về vai trò của người hoặc giới lãnh đạo quốc gia trong việc xử lý biến cố;
– những câu hỏi phổ quát hơn về việc đưa ra quyết định từ một nhóm người;
– liệu một biến cố quốc gia dẫn đến những thay đổi có chọn lọc thông qua giải pháp hòa bình hay bạo lực;
– liệu các dạng thay đổi quốc gia được giới thiệu đồng thời như là một phần của chương trình thống nhất, hay riêng biệt và ở những thời điểm khác nhau;
– vấn đề một biến cố quốc gia khởi phát do những điều kiện phát triển nội bộ trong nước hay do một cú sốc bên ngoài đến từ một nước khác; và
– vấn nạn của việc đạt được sự hòa giải (đặc biệt sau một biến cố liên quan đến một cuộc chiến hay vụ thảm sát) giữa các bên đối nghịch – hòa giải giữa các nhóm trong nước, hay giữa một nước với các nước láng giềng.
Để bắt đầu trình bày các vấn đề này, chương tiếp theo sẽ giới thiệu biến cố quốc gia đầu tiên trong số hai ví dụ điển hình của tôi, khởi phát đột ngột bởi một cuộc tấn công hay một cuộc tấn công đe dọa từ một quốc gia khác. Chúng ta sẽ thấy rằng Phần Lan, đất nước mà niềm mê đắm ngôn ngữ của nó đã đóng một vai trò lớn trong biến cố cá nhân của tôi vào năm 1959, minh họa nhiều nhân tố đã nêu đối với hậu quả của biến cố quốc gia.