Năm Centimet Trên Giây - Shinkai Makoto - Chuyện thứ nhất (2)
Khoảng thời gian từ lúc gặp đến lúc chia tay Akari – tương ứng với khoảng thời gian ba năm từ lớp Bốn đến lớp Sáu – chúng tôi học cùng nhau và tìm thấy ở nhau nhiều điểm tương đồng. Ba tôi và ba Akari đều thường xuyên phải chuyển chỗ ở vì công việc, đồng nghĩa với việc chúng tôi liên tục chuyển trường. Năm lớp Ba, tôi chuyển từ Nagano đến học tại một trường tiểu học ở Tokyo. Lên lớp Bốn thì Akari từ Shizuoka chuyển đến và học cùng lớp tôi. Tôi còn nhớ như in cái ngày Akari bước vào lớp, em đứng im như phỗng trên bục giảng, khuôn mặt đầy vẻ lo âu, mình mặc chiếc váy màu hồng nhạt, hai tay đan vào nhau, mái tóc dài buông xõa. Nắng vàng mùa xuân lọt qua cửa sổ, rọi tới vai em, chia người Akari thành hai mảng, mảng dưới là ánh sáng, mảng trên khuất trong bóng râm. Đôi má ửng hồng vì run rẩy, môi mím chặt và mắt mở to dõi vào một điểm nào đó trong không trung. Nhìn em, tôi nghĩ đến mình của một năm về trước, chắc hẳn nét mặt cũng căng thẳng và lo sợ thế kia. Tự nhiên tôi thấy mình đồng cảm và muốn được làm bạn với Akari. Vì thế tôi chủ động bắt chuyện. Hai đứa thân nhau từ ấy.
Akari là người duy nhất để tôi có thể chia sẻ những vấn đề “nghiêm túc” như: bạn học nào lớn lên ở Setagaya trông đều có vẻ chững chạc hơn tuổi, không khí nhà ga luôn luôn ngột ngạt vì lượng người đổ về quá tải, hay nước máy có mùi vị khó chịu… Cả hai chúng tôi đều gầy và “bé hạt tiêu” vì hồi nhỏ hay ốm vặt, đều thích ngồi trong thư viện hơn là chạy nhảy ngoài sân chơi và luôn khổ sở trước môn thể dục. So với việc túm năm tụm ba, tôi và Akari lại thích rủ rỉ riêng với ai đó hoặc ngồi một mình đọc sách hơn. Dạo ấy ba tôi làm việc ở ngân hàng, gia đình tôi sống trong căn hộ do họ phân cho. Gia đình Akari cũng sống ở căn hộ của công ty nào đó, cơ bản là đi chung một chặng đường về, cứ thế, hai đứa tự nhiên kè kè bên nhau suốt, bất kể giờ nghỉ hay khi tan trường.
Kết quả là chúng tôi trở thành tâm điểm để đám bạn cùng lớp gán ghép. Giờ nghĩ lại mới thấy lời nói và cả hành động của các bạn ấy cũng chỉ là trò đùa nghịch trẻ con, nhưng hồi đó tôi không biết phải làm thế nào. Mỗi lần bị đem ra làm trò cười, tôi có cảm giác tổn thương và bứt rứt vô cùng. Nhưng chính điều đó lại khiến tôi và Akari cần nhau hơn, gần nhau hơn.
Tôi nhớ có chuyện thế này. Một hôm, trong giờ nghỉ trưa, tôi vừa từ nhà vệ sinh quay về lớp học thì thấy Akari đứng một mình trên bục giảng. Trên bảng đen (đặt vào thời nay thì đó chỉ là trò đùa rất bình thường), có vẽ một chiếc ô đôi tình nhân, bên dưới đề tên tôi và Akari. Các bạn trong lớp vừa xì xào bàn tán, vừa nhìn chằm chằm vào Akari. Chắc là vì muốn chấm dứt trò đùa, Akari mới bước lên bục giảng định lau hình vẽ đi, nhưng đến lúc đứng trước đông người, em xấu hổ quá nên ngừng lại giữa chừng. Chứng kiến cảnh đó, tôi giận sôi gan, không nói không rằng hùng hổ vào lớp, vơ giẻ xóa lấy xóa để những nét vẽ nguệch ngoạc. Rồi chính bản thân cũng không hiểu tại sao, tôi kéo tay Akari rời khỏi lớp học. Còn nghe rõ sau lưng tiếng bàn tán ồn ào rộ lên, nhưng mặc kệ, chúng tôi tiếp tục chạy. Ngay tôi cũng không tin được là mình có thể hành động dũng cảm đến thế. Tôi nhớ như in cảm giác váng vất vì tiếp xúc với bàn tay mềm mại của Akari, và lần đầu tiên không còn thấy sợ bất cứ điều gì, dù biết phía trước là vô vàn chông gai đang chờ đợi. Chuyển trường, thi cử, những vùng đất mới, những người xa lạ… nhưng tôi tin rằng chỉ cần có Akari ở bên, tôi sẽ đủ sức vượt qua mọi thử thách.
Tình cảm của chúng tôi bấy giờ còn quá non thơ để mà gọi là “tình yêu”, nhưng rõ ràng tôi mến Akari, và cũng nhận thấy cảm xúc tương tự từ phía em. Qua cái nắm tay thật chặt, qua cả bước chạy nhịp nhàng phối hợp, tôi càng thêm đoan chắc. Chỉ cần bên nhau thế này, tôi tin phía trước chẳng còn gì đáng sợ.
Ý nghĩ đó theo tôi suốt ba năm học cùng Akari, mỗi ngày một son sắt. Chúng tôi quyết định sẽ thi cùng một trường cấp II dân lập, hơi xa nhà một chút, và cần cù học nhóm, thành ra lại được nhiều thời gian bên nhau. Nhận thấy mình sống hướng nội, chỉ thích khép kín trong thế giới nhỏ bé của riêng hai người, rồi có những cảm xúc “trưởng thành” hơn các bạn đồng trang lứa, chúng tôi quyết định coi tất cả những trạng thái này là bước đệm cho tháng ngày sắp tới ở cấp II. Chúng tôi sẽ để lại sau lưng mái trường cấp I với nhiều điều chưa kịp quen thân, đồng thời bắt đầu một hành trình mới với những người bạn mới, thế giới ở đó chắc chắn rộng lớn hơn rất nhiều. Tôi hi vọng, lên cấp II, tình cảm còn mong manh mơ hồ giữa hai đứa sẽ được định hình rõ nét, và chờ đến ngày chúng tôi đủ tự tin để bộc lộ tình cảm ấy thành lời. Khoảng cách giữa chúng tôi với môi trường xung quanh, rồi khoảng cách giữa tôi và Akari, sẽ ngày càng thu ngắn. Bằng cách liên tục nỗ lực và nỗ lực hơn nữa, chúng tôi sẽ tìm được tự do cho mình.
Bây giờ ngẫm lại thì hình như lúc đó hai đứa đều có dự cảm không lành về một tương lai thiếu vắng nhau, nên cố sức lấp đầy bằng việc trao đổi kiến thức. Tình cảm thương mến dành cho nhau, ước muốn được ở mãi bên nhau là có thật, nhưng có lẽ sau bao lần chuyển trường, chúng tôi bị ám ảnh bởi sự chia xa và hiểu được rằng, nguyện ước đó sẽ khó thành hiện thực. Vì sợ một ngày kia không còn ở bên nhau nữa, nên tranh thủ trao gửi được gì thì trao gửi.
Quả thật, tôi và Akari không có cơ hội học cùng trường cấp II. Một tối mùa đông năm lớp Sáu, em gọi điện báo tin cho tôi.
Hiếm khi chúng tôi nói chuyện qua điện thoại, càng bất thường khi nó là cuộc gọi lúc tối muộn (hồi ấy 9 giờ tối đã được coi là muộn). Mẹ trao ống nghe cho tôi và nói, “Điện thoại của Akari”. Ngay lập tức, tôi linh cảm có điều không hay.
“Takaki à, tớ xin lỗi,” giọng Akari lí nhí qua điện thoại. Tiếp theo là điều tôi không bao giờ muốn nghe, thậm chí không thể tin là sự thật.
“Tớ không học cùng cấp II với cậu được rồi,” Akari nói. Ba em lại chuyển công tác, kì nghỉ xuân này cả nhà em sẽ chuyển đến sống ở một thị trấn nhỏ vùng Bắc Kanto. Giọng em run run như sắp khóc nấc lên. Tôi không hiểu gì hết. Toàn thân nóng bừng như có lửa đốt, nhưng đầu thì đóng băng lạnh buốt. Tôi không biết Akari đang nói gì, càng không hiểu vì sao em phải nói với tôi những chuyện như thế.
“Ơ… thế còn trường cấp II Nishi? Họ đã nhận cậu rồi cơ mà,” tôi lắp bắp mãi mới thốt ra được một câu.
“Tớ đang làm thủ tục để vào trường công lập ở Tochigi… Xin lỗi nhé.”
Tiếng xe cộ chạy ngoài đường dội vào ống nghe, nghĩa là Akari đang gọi cho tôi từ bốt điện thoại công cộng. Dù đang ở trong phòng riêng, tôi vẫn thấy hơi lạnh từ nơi ấy lan tới tận những ngón tay mình. Tôi ngồi bệt xuống, tay ôm đầu gối. Không biết phải trả lời thế nào, tôi suy nghĩ rất lung để tìm ra điều nên nói.
“Không, Akari không cần xin lỗi… Nhưng…”
“Tớ đã cố thuyết phục ba cho ở lại nhà cô Katsuhika, nhưng ba nói tớ còn nhỏ quá nên… không được…”
Akari cố nén cơn nức nở, tôi bỗng thấy mình không muốn nghe thêm gì nữa và, trong một phút mất bình tĩnh, tôi gắt lên với em.
“Tớ biết rồi!” Tôi cắt ngang không để Akari nói hết câu, ở đầu dây bên kia dường như em đang nín thở. Nhưng điều đó không ngăn được tôi tiếp tục.
“Thế là đủ…” Giọng tôi gay gắt. “Quá đủ rồi…” Khi lặp lại, tôi cố hết sức không để nước mắt tuôn rơi. Tại sao? Tại sao lúc nào mọi chuyện cũng trở nên tồi tệ như thế?
Mười mấy giây trôi qua, tôi nghe Akari thì thào rất khẽ giữa tiếng nấc, “Tớ xin lỗi…” Tôi vẫn ngồi đó, ống nghe ấn mạnh vào vành tai đau nhói, nhưng không dám buông tay, cũng không thể cúp máy. Dù biết lời vừa nói ra đã làm Akari tổn thương nặng nề, nhưng tôi chẳng làm gì hơn được. Ngày ấy, tôi vẫn chưa biết cách điều chỉnh những cảm xúc bột phát trong lòng. Cuộc điện thoại cuối cùng với Akari kết thúc không mấy vui vẻ, tôi vẫn ngồi im, tay ôm đầu gối.
Những ngày tiếp theo, tôi sống trong u ám. Cảm thấy có lỗi vì không nói được lời an ủi tốt đẹp nào với Akari, chắc hẳn em còn buồn hơn tôi rất nhiều. Hai đứa đón lễ tốt nghiệp cũng với tâm trạng thấp thỏm bất an. Tôi chia tay Akari khi mối quan hệ của chúng tôi chưa thực sự trở lại bình thường.
Ngay sau lễ tốt nghiệp, Akari dịu dàng bắt chuyện với tôi, “Takaki à, thế là chúng ta phải chia tay ở đây…” Tôi nhớ lúc ấy mình chỉ im lặng, mắt nhìn xuống, không nói không rằng. Từ trước tới giờ tôi đâu làm được gì cho Akari, chỉ toàn dựa dẫm vào em. Tôi từng có niềm tin mãnh liệt, rằng chỉ cần Akari ở bên, sớm thôi, tôi sẽ trở thành một người đàn ông bản lĩnh, kiên cường để che chở cho em. Nhưng đến giờ nhìn lại, tôi vẫn chỉ là một cậu nhóc yếu đuối, luôn bị một thế lực vô hình nào đó khống chế và không giữ nổi bình tĩnh. Cứ cho là một cô bé mới mười hai tuổi Akari không có quyền lựa chọn đi, nhưng chúng tôi cũng không đáng phải xa nhau thế này. Tuyệt đối không…
Học kì mới đã bắt đầu và dù muốn dù không, tôi vẫn phải đối mặt với những ngày sắp tới. Tôi phải một mình đến trường, ngôi trường dự định học cùng Akari, từng bước một làm quen với bạn mới và quyết tâm vào được câu lạc bộ bóng đá. Tuy bận hơn hồi cấp I, nhưng tôi thích tình trạng bù đầu bù cổ thế này. Việc ở một mình không còn làm tôi thoải mái như trước đây, ngược lại càng khiến tôi khổ sở và bế tắc. Bằng mọi cách, tôi muốn tạo dựng những khoảnh khắc bên bạn bè, tối học xong chui vào chăn ngủ luôn, sáng dậy sớm, hăng hái tham gia luyện tập cùng câu lạc bộ.
Tôi tin chắc rằng ở vùng đất kia Akari cũng đang bận rộn. Tôi chỉ có một ước mong duy nhất là em sẽ dần lãng quên tôi trong môi trường mới của mình. Bởi ngày chia tay, tôi chỉ đem lại cho em những kỉ niệm buồn. Đã đến lúc tôi phải xóa đi những kí ức về Akari và may thay, hai chúng tôi đều có kinh nghiệm tìm quên quá khứ nhờ những lần chuyển trường.
Thế rồi, vào một ngày hè oi ả, tôi nhận được thư của Akari, lá thư hồng phấn mỏng manh nằm trong hòm thư của khu chung cư. Lúc nhận ra nét chữ của Akari, cảm xúc đầu tiên xâm chiếm hồn tôi không phải vui sướng, mà là sững sờ.
“Tại sao lại đúng vào lúc này?” Khi mà suốt nửa năm qua tôi đã cố gắng hòa mình vào môi trường không có Akari. Vậy mà, vừa nhận được lá thư, bao nỗi cô đơn vì thiếu vắng em sống dậy trong tôi.
Ra là thế. Đã cố gắng bao nhiêu để quên một người nhưng rốt cuộc trái tim tôi vẫn chỉ hướng về người ấy. Tôi có thêm rất nhiều bạn mới, nhưng mỗi lần thêm bạn, tôi lại càng nhận ra rằng Akari quan trọng với tôi đến nhường nào. Tôi nhốt mình trong phòng, đọc đi đọc lại lá thư của Akari. Tôi còn kẹp vào sách và len lén xem lại trong giờ học. Từng câu từng chữ vẫn in đậm trong tâm trí tôi.
“Thân gửi Toono Takaki…”
Đó là dòng mở đầu của lá thư. Nét chữ ngay ngắn, đầy hoài niệm.
“Lâu lắm rồi nhỉ! Cậu có khỏe không? Mùa hè trên này nóng khủng khiếp, nhưng chắc chắn là dễ chịu hơn so với Tokyo. Chẳng hiểu sao nghĩ lại, tớ thấy thích mùa hè oi ả năm nào ở Tokyo hơn. Nhớ lắm con đường nhựa tưởng chừng đang chảy nhão ra dưới chân mình, nhớ những tòa cao ốc như sắp bốc hơi vì nóng, nhớ cái điều hòa mát lạnh như kem trên tàu điện hoặc những khu mua sắm…”
Câu chữ em dùng nghe chững chạc hơn nhưng kèm theo đó là những hình minh họa nhỏ xíu, đáng yêu (ông mặt trời, chú ve con, những tòa cao ốc…) Tôi có thể mường tượng trong đầu hình ảnh Akari đang lớn dần, từng chút một. Lá thư rất ngắn nhưng ghi lại đủ thứ chuyện về cuộc sống mới của em, từ chuyện em đi học mỗi ngày trên chiếc tàu điện bốn toa đến nỗ lực tham gia câu lạc bộ bóng rổ với mong muốn rèn luyện sức khỏe. À, cả chuyện cắt tóc ngắn đến ngang tai nữa chứ… Những mẩu chuyện be bé thế thôi không ngờ cũng làm trái tim tôi bồi hồi. Trong thư, không có dòng nào nói rằng em cảm thấy buồn vì không còn được gặp được tôi mỗi ngày và tôi có thể cảm nhận được rằng cuộc sống mới của em đang rất tốt đẹp, em cũng dần thích nghi với nó. Nhưng tôi dám chắc rằng em vẫn nhớ tôi, muốn được trò chuyện cùng tôi và trên hết, em sầu muộn. Nếu không, vì sao em lại viết thư cho tôi? Những cảm xúc đó của Akari cũng chính là cảm xúc tôi đang có lúc này.
Kể từ đó, tôi và Akari viết thư cho nhau mỗi tháng một lần. Nhờ việc viết thư, tôi thấy cuộc sống của mình dễ thở hơn trước. Chẳng hạn, một giờ học chán ngắt, tôi có thể cảm nhận rõ ràng là nó chán. Từ ngày giã biệt Akari, tôi chỉ đơn giản cho rằng đó-là-điều-hiển-nhiên nhưng giờ đây tôi đã hiểu biết thế nào là nỗi nhọc nhằn khi tập bóng, biết khó chịu trước những trò bắt nạt vô lí của mấy đứa khóa trên. Kì lạ thay, cũng vì biết suy nghĩ tích cực hơn nên dù có nhiều lúc rất đau khổ, tôi vẫn dễ dàng chịu đựng hơn và có thể vượt qua được. Chúng tôi không kêu ca phàn nàn trong thư về cuộc sống hàng ngày, nhưng việc nhận ra rằng trên thế giới vẫn còn ai đó hiểu mình giúp chúng tôi sống mạnh mẽ hơn.
Mùa hè đầu tiên của lớp Bảy trôi qua, mùa thu cũng chóng qua rồi lại sang đông. Tôi bước sang tuổi mười ba và chỉ trong vòng mấy tháng đã cao thêm bảy centimet, cơ thể bắt đầu có da có thịt, không hay bị cảm cúm như trước nữa. Đặc biệt, tôi có cảm giác khoảng cách giữa mình với thế giới đã gần lại. Chắc hẳn Akari cũng thế, em cũng mười ba rồi. Mỗi lần nhìn các bạn nữ xúng xính trong bộ đồng phục, tôi lại tự hỏi ngoại hình Akari có thay đổi nhiều không? Trong thư, Akari viết muốn được cùng tôi ngắm hoa anh đào như thời tiểu học. Và rằng, gần nhà em có một cây anh đào rất lớn. “Vào mùa xuân, chắc những cánh hoa ấy cũng rơi xuống với vận tốc năm centimet trên giây nhỉ?” Em viết.
Học kì một năm lớp Tám, tôi có quyết định chuyển trường lần nữa. Gia đình tôi sẽ chuyển đi vào kì nghỉ xuân, điểm đến lần này là Kagoshima thuộc Kyushu. Chính xác là một hòn đảo tách biệt với Kyushu. Bay từ sân bay Haneda đến Kagoshima phải mất hai tiếng đồng hồ. Thậm chí, tôi đã nghĩ nó chẳng khác gì nơi tận cùng thế giới. Nhưng thời ấy tôi đã quá quen với những biến động trong cuộc sống của mình nên không lấy làm ngạc nhiên. Vấn đề là khoảng cách địa lí với Akari. Từ khi lên cấp II chúng tôi vẫn chưa gặp lại nhau, mà thực ra chúng tôi đâu ở cách xa nhau quá. Từ Tokyo đến thị trấn vùng Bắc Kanto nơi Akari đang sống chỉ mất ba tiếng đồng hồ ngồi tàu điện. Thử nghĩ mà xem, chúng tôi hoàn toàn có thể gặp nhau vào dịp cuối tuần. Nhưng nếu tôi chuyển đến vùng cực Nam của đất nước, cơ hội gặp được Akari gần như bằng không.
Chính vì vậy trong lá thư tiếp theo gửi Akari, tôi nói muốn gặp em một lần trước khi chuyển đi. Tôi thử gợi ý về thời gian và địa điểm gặp nhau. Ngay lập tức tôi nhận được hồi âm. Cả hai đều đang chuẩn bị thi cuối kì, Akari còn phải tham gia các khóa tập cùng câu lạc bộ, tôi thì phải thu xếp để chuyển nhà nên thời gian thích hợp nhất cho cả hai là vào buổi tối, sau giờ học trên trường, và tất nhiên là khi chúng tôi đã thi xong. Sau khi tra bảng giờ tàu, tôi quyết định hẹn gặp Akari lúc 7 giờ tối ở ga gần nhà em. Hôm đó, tôi sẽ bỏ một buổi tập cùng câu lạc bộ, học xong đi ngay thì chắc chắn kịp giờ hẹn. Trò chuyện cùng Akari khoảng hai tiếng và vẫn bắt được chuyến tàu cuối ngày để quay về Tokyo. Chỉ cần về được nhà trong ngày thì tôi có thể viện ra bất kì lí do gì để ba mẹ yên tâm. Tôi sẽ phải đổi tàu nhiều lần, qua các tuyến Odakyu, Saikyo, sau đó là Utsunomiya, Ryomo, tất cả đều đi bằng tàu thường nên giá vé cả đi cả về rơi vào khoảng 3500 yên. Đối với tôi mà nói, số tiền đó không phải là nhỏ nhưng khao khát được gặp Akari lớn hơn tất thảy.
Vẫn còn hai tuần nữa mới đến ngày hẹn nên tôi dành thời gian để viết cho Akari một bức thư thật dài. Có lẽ đó là bức thư tình đầu tiên trong đời. Tôi miêu tả tương lai mình mơ ước, kể về những cuốn sách hay những ca khúc yêu thích, và đặc biệt về vị trí quan trọng của Akari trong trái tim tôi. Nhiều người có thể cho thế là trẻ con, tầm phào, nhưng tôi đã cố gắng hết sức gửi vào đó những lời lẽ chân thành nhất. Tôi không còn nhớ rõ nội dung chi tiết của lá thư, chỉ nhớ mình đã viết đầy tám trang giấy. Bởi vì thực sự có quá nhiều điều tôi muốn chia sẻ cùng Akari, và tôi có linh cảm chỉ cần Akari đọc lá thư này, tôi sẽ có thêm động lực để vượt qua khó khăn trong những ngày sắp tới ở Kagoshima. Đó là những điều tôi muốn em hiểu về tôi.
Trong những ngày viết lá thư, tôi nằm mơ thấy Akari không biết bao nhiêu lần.
Trong mơ, tôi biến thành một con chim nhỏ lanh lợi dang rộng đôi cánh, vút bay trên bầu trời đêm thành phố giăng đầy dây điện. Chim băng qua những tòa nhà cao sừng sững. Nghĩ đến việc sắp được gặp những người quan trọng nhất trên đời, một cảm giác phấn khích chạy dọc sống lưng, thân hình bé bỏng ấy lao đi vùn vụt, nhanh gấp trăm nghìn lần so với tốc độ chạy trên mặt đất. Chẳng mấy chốc, thành phố đã ở lại phía sau, đèn đường chỉ còn là những đốm bé xíu như sao sa, và ánh sáng từ những toa tàu trông chằng chịt như mạng lưới động mạch tĩnh mạch chạy xuyên màn đêm.
Chim nhỏ bay xuyên mây, bắt gặp tầng khí quyển đang phát sáng kì ảo dưới ánh trăng. Ánh sáng xanh trong suốt ấy rọi vào những đám mây, làm viền mây sáng lên dịu nhẹ. Tôi có cảm giác mình đang bay lạc đến một hành tinh xa xôi nào khác. Cơ thể bao bọc trong lớp lông vũ run lên vì hạnh phúc, bởi giờ đây tôi có thể thỏa sức bay đến bất cứ nơi đâu.
Bay gần đến đích, trong tôi trào dâng niềm tự hào, phấn khích. Chim nhỏ nhanh chóng tiếp đất, phóng tầm mắt nhìn ra xung quanh. Đây chính là nơi em sống, là những cánh đồng trải dài đến tận chân trời, là những mái nhà thấp thoáng ẩn mình sau rừng cây.
Một luồng sáng bất ngờ xẹt qua. Đó là ánh đèn từ xe lửa. Chắc hẳn “tôi” đang ngồi trên chuyến tàu đó. Mắt tôi kiếm tìm người con gái đang chờ đợi mình trong sân ga. Cô gái có mái tóc ngắn đến mang tai, lặng lẽ ngồi trên chiếc ghế dài, gần đó là cây anh đào cổ thụ. Mùa này anh đào còn chưa ra hoa, nhưng tôi có thể cảm nhận luồng sinh khí đang nảy nở bên trong lớp vỏ cây xù xì, khô cứng. Cuối cùng cô gái cũng nhận ra sự có mặt của tôi, em ngước nhìn lên. Mình sắp gặp được nhau rồi. Sắp thật rồi…