Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ - Khaled Hosseini - Chương 1.1
Lần đầu tiên nghe thấy từ harami, Mariam mới năm tuổi.
Đó là một ngày thứ Năm. Chắc là thế rồi, vì Mariam nhớ hôm đó mình rất bồn chồn và lo lắng, mà cô bé chỉ như vậy vào thứ Năm, ngày bố Jalil đến kolba* thăm cô. Trước đó, trong lúc chờ đợi đến khoảnh khắc khi cuối cùng cô cũng được nhìn thấy bố vẫy tay băng qua cánh đồng cỏ rập rờn cao ngang gối, Mariam bắc ghế để lấy bộ đồ trà Trung Hoa của mẹ xuống. Bộ đồ uống trà này là di vật duy nhất mà mẹ Mariam, Nana, được thừa hưởng từ người mẹ đã qua đời khi Nana mới tròn hai tuổi. Nana yêu quý từng chiếc tách sứ màu xanh trắng, đường cong duyên dáng của vòi ấm, những con chim sẻ, những bông cúc vẽ bằng tay và cả con rồng, biểu tượng xua đuổi cái ác, trên chiếc bát đựng đường.
Rồi chiếc bát đựng đường đó đã trượt khỏi tay Mariam, rơi xuống sàn gỗ của kolba và vỡ tan.
Khi Nana nhìn thấy chiếc bát, mặt bà đỏ bừng, môi trên run rẩy, còn đôi mắt, cả con mắt nhìn kém và con mắt còn tinh, nhìn Mariam trừng trừng. Nana trông tức giận đến mức Mariam sợ rằng jinn* sẽ lại nhập vào người bà lần nữa. Nhưng jinn không xuất hiện, lần đó thì không. Thay vì vậy, Nana chộp lấy cả hai cổ tay Mariam kéo lại gần mình, và cô bé nghe thấy từng lời mẹ nói qua hàm răng nghiến kèn kẹt: “Mày là đồ harami hậu đậu. Phần thưởng cho những gì tao phải chịu đựng là thế này đây. Một harami vụng về, làm vỡ vật gia bảo.”
Lúc đó Mariam không hiểu. Cô bé không biết harami – con hoang – nghĩa là gì. Cô bé cũng chưa đủ lớn để nhận thức được sự bất công, để hiểu rằng chính những kẻ tạo ra harami mới có lỗi chứ không phải harami, người chỉ có mỗi một tội là đã được sinh ra. Nhưng qua cách nói của mẹ Nana, Mariam đã đoán ra harami là thứ gì đó xấu xa và đáng kinh tởm, giống như lũ côn trùng, như những con gián luôn bị mẹ Nana vừa nguyền rủa vừa quét cho chạy tán loạn ra khỏi kolba.
Khi Mariam lớn hơn một chút, cô bé đã hiểu ra. Chính cái cách mẹ Nana thốt ra từ đó – không phải nói ra mà là phun nó vào mặt Mariam – khiến cô bé cảm nhận được đầy đủ sự đau đớn của harami. Và rồi cô bé cũng hiểu được mẹ Nana muốn nói gì, rằng harami là một thứ không được mong muốn; rằng cô, Mariam, là một con người không được pháp luật công nhận và sẽ chẳng bao giờ được biết đến những thứ người khác có một cách danh chính ngôn thuận, như sự yêu thương, gia đình, tổ ấm hay được mọi người chào đón.
Bố Jalil không bao giờ gọi Mariam bằng cái tên đó. Ông nói cô bé là bông hoa nhỏ của ông. Ông thích đặt cô vào lòng và kể chuyện cho cô nghe, như có lần, ông kể rằng Herat, thành phố nơi Mariam được sinh ra vào năm 1959, từng một thời là chiếc nôi của nền văn hóa Ba Tư, là quê hương của nhiều nhà văn, họa sĩ và các vị Sufi*.
“Ở đó, hễ duỗi chân ra là con không thể không đạp phải mông của một nhà thơ,” Jalil cười lớn.
Bố Jalil còn kể cho cô bé nghe về Gauhar Shad, một hoàng hậu sống ở thế kỷ mười lăm đã cho xây dựng nhiều tháp thờ nổi tiếng, coi đó như những vần thơ ca tụng đầy yêu thương mà bà dành cho Herat. Ông miêu tả những cánh đồng lúa mì xanh tươi của Herat, những vườn cây trái, những vườn nho trĩu quả và cả những khu chợ mái vòm nhộn nhịp trong thành phố.
“Ở đó có một cây hồ trăn,” một hôm Jalil nói, “và được chôn dưới đó, Mariam thân yêu ạ, chính là thi thể của nhà thơ vĩ đại Jami.” Ông cúi xuống thủ thỉ, “Jami sống cách đây năm trăm năm. Thật đấy. Bố đã đưa con đến đó một lần, tới chỗ cái cây ấy. Hồi đó con còn bé lắm. Con không nhớ được đâu.”
Đúng thế. Mariam không nhớ gì thật. Và mặc dù đã sống mười lăm năm đầu đời ngay gần Herat, cô chưa bao giờ nhìn thấy cái cây được nghe kể ấy. Mariam chưa từng được thấy ngọn tháp nổi tiếng nào từ khoảng cách gần, chưa từng được hái quả từ những khu vườn sai trĩu và cũng chưa từng lang thang trên những cánh đồng lúa mì xanh mướt của Herat. Nhưng mỗi khi bố Jalil kể những câu chuyện như thế, Mariam luôn lắng nghe một cách say sưa. Cô bé thán phục Jalil vì ông có vốn hiểu biết thật bao la và phong phú tuyệt vời. Cô muốn run lên vì tự hào khi có một người bố hiểu biết đến vậy.
“Những lời dối trá mới hay ho làm sao chứ!” Nana nói sau khi Jalil đi khỏi. “Một kẻ giàu có nói những lời dối trá mê ly. Ông ta chưa bao giờ đưa con đến cái cây nào hết. Đừng có để ông ta mê hoặc. Ông ta, ông bố đáng kính của con đấy, đã phản bội chúng ta. Ông ta đã xua đuổi chúng ta. Ông ta đã xua đuổi chúng ta ra khỏi ngôi nhà rộng lớn sang trọng của ông ta như thể chúng ta chả là cái thá gì với ông ta hết. Làm thế ông ta sung sướng lắm.”
Mariam thường ngoan ngoãn lắng nghe những lời ấy. Cô bé không bao giờ dám nói với mẹ Nana rằng cô không thích bà nói về bố Jalil như vậy. Sự thật là khi ở bên bố Jalil, Mariam không cảm thấy mình giống một harami chút nào. Thứ Năm hằng tuần, khi bố Jalil đến thăm cô một hoặc hai tiếng, mang cho cô những nụ cười, những món quà và cả sự trìu mến, Mariam lại cảm thấy mình xứng đáng được hưởng tất cả vẻ đẹp và sự hào phóng mà cuộc sống trao tặng. Và, vì vậy, Mariam yêu quý bố Jalil.
—★—
Ngay cả khi cô bé phải chia sẻ ông với người khác.
Jalil có ba bà vợ và chín người con, chín người con hợp pháp, tất cả đều xa lạ đối với Mariam. Jalil là một trong những người giàu có nhất ở Herat. Ông sở hữu một rạp chiếu phim, và mặc dù chưa từng thấy nó, nhưng vì đã được nghe ông kể lại sau khi Mariam cứ năn nỉ mãi nên cô bé biết rằng mặt tiền của rạp được ốp gạch sành màu xanh đồng, rằng rạp có lô riêng ở tầng trên và trần nhà được trang trí họa tiết kiểu mắt cáo. Những cánh cửa xoay hai chiều dẫn đến một hành lang lát gạch, ở đó có treo áp phích quảng cáo những bộ phim Hindu lồng trong khung kính. Một hôm, Jalil kể rằng, cứ thứ Ba hằng tuần, trẻ con đến xem phim được phát kem miễn phí ở quầy bán đồ ăn.
Nana cười thầm khi nghe Jalil kể. Đợi đến khi ông đã đi khỏi, bà mới cười khẩy mà nói, “Con cái nhà người lạ thì được cho kem. Con thì được cái gì hả Mariam? Những câu chuyện về kem.”
Ngoài rạp chiếu phim, Jalil còn sở hữu đất ở Karokh, đất ở Farah, ba cửa hàng bán thảm, một cửa hàng quần áo và một chiếc Buick Roadmaster màu đen mẫu 1956. Ông là một trong những người có nhiều mối quan hệ nhất ở Herat, ông là bạn bè với thị trưởng và tỉnh trưởng. Ông có một đầu bếp, một lái xe và ba quản gia.
Nana từng là một trong số những quản gia đó. Cho đến khi bụng bà bắt đầu to dần.
Nana kể, khi chuyện ấy bị lộ, sự sôi sục của gia đình Jalil khiến cả Herat nghẹt thở. Họ hàng đằng vợ ông thề sẽ có đổ máu. Các bà vợ yêu cầu ông phải đuổi Nana ra khỏi nhà. Người bố của Nana, một thợ đẽo đá thấp hèn ở làng Gul Daman gần đó, đã tuyên bố từ con. Cảm thấy nhục nhã, ông gói ghém đồ đạc và bắt xe bus đến Iran, kể từ đó không ai gặp lại hay nghe nói gì về ông nữa.
Một buổi sáng sớm, khi đang cho gà ăn bên ngoài kolba, Nana nói, “Đôi khi mẹ ước sao ông ngoại con có đủ dũng khí để mài sắc một trong những con dao của ông ấy rồi làm cái việc vì danh dự dó. Như thế mọi chuyện đối với mẹ có thể đã tốt hơn.” Bà tung thêm một nắm hạt vào trong chuồng gà rồi ngừng tay và quay lại nhìn Mariam, “Cũng có thể tốt hơn cho cả con nữa. Con sẽ không phải chịu nỗi đau đớn khi biết mình thực sự là cái gì. Nhưng ông bố của ta là một kẻ hèn nhát. Ông không có dil, dũng khí, để làm điều đó.”
Jalil cũng vậy, Nana nói, ông ta cũng không có dil để làm cái việc danh dự ấy. Để đương đầu với gia đình mình, với các bà vợ cùng họ hàng của họ và để chịu trách nhiệm với những gì ông ta đã làm. Thay vào đó, đằng sau những cánh cửa đóng kín, ông ta đã nhanh chóng bày ra một kế hoạch nhằm cứu vớt thể diện của mình. Ngày hôm sau, ông ta buộc cô gái gói ghém số đồ đạc ít ỏi của mình ở khu nhà ở dành cho gia nhân và đuổi cô đi.
“Con có biết ông ta đã nói gì với các bà vợ để bào chữa cho mình không? Rằng mẹ đã quyến rũ ông ta. Rằng đó là lỗi của mẹ. Didi? Con thấy chưa? Đó là thân phận của người phụ nữ trên cõi đời này.”
Nana đặt bát thức ăn cho gà xuống. Bà đưa ngón tay nâng chiếc cằm bé nhỏ của Mariam lên.
“Nhìn mẹ này, Mariam.”
Mariam miễn cưỡng làm theo.
Nana nói, “Hãy nhớ lấy điều này và nhớ cho kỹ, con gái ạ: Giống như chiếc kim la bàn luôn chỉ hướng Bắc, ngón tay buộc tội của người đàn ông luôn trỏ vào người phụ nữ. Luôn luôn. Con hãy nhớ lấy điều ấy, Mariam.”
—★—
“Đối với Jalil và những bà vợ của ông ta, mẹ chỉ là một cây dâu dại. Một cây ngải. Và con cũng thế. Thậm chí khi đó con chưa được sinh ra nữa.”
“Cây ngải là gì hả mẹ?” Mariam hỏi.
“Một thứ cỏ dại,” Nana nói. “Một thứ mà ta nhổ lên để rồi quăng đi.”
Trong lòng Mariam cảm thấy không đồng tình. Bố Jalil chưa bao giờ đối xử với cô như một thứ cỏ dại. Chưa bao giờ. Nhưng Mariam nghĩ tốt hơn hết là nên giấu kín sự phản kháng này trong lòng thôi.
“Nhưng khác loài cỏ dại, mẹ được người ta mang đi trồng lại, con thấy đấy, được cho thức ăn và nước uống. Vì con đấy. Đó là những gì Jalil đã thỏa thuận với gia đình ông ta.”
Nana nói bà đã từ chối sống ở Herat.
“Để làm gì? Để xem ông ta ngày ngày đưa các bà vợ kinchini* của mình đi dạo phố ư?”
Bà nói rằng bà cũng không muốn sống trong ngôi nhà bỏ không của bố mình ở làng Gul Daman, trên một sườn đồi cách Herat hai cây số về phía Bắc. Bà muốn sống ở một nơi nào đó tách biệt để hàng xóm không nhìn chằm chằm vào cái bụng của bà mà chỉ trỏ, châm chọc, hay tệ hơn cả, làm tổn thương bà bằng lòng tốt giả tạo.
“Và hãy tin mẹ,” Nana nói, “bố con thấy nhẹ nhõm lắm khi mẹ đi khuất mắt ông ta. Ông ta cảm thấy rất sung sướng.”
Chính Muhsin, người con trai cả của Jalil với Khadija, bà vợ đầu tiên, đã gợi ý về khu đất hoang. Nó nằm ở rìa ngoài Gul Daman. Để đến được đó, người ta phải băng qua một con đường mòn dốc ngược, rẽ nhánh từ con đường chính nối Herat và Gul Daman. Dọc hai bên đường, cỏ dại mọc cao đến đầu gối và lốm đốm những bông hoa màu vàng xen lẫn trắng. Con đường trườn lên ngọn đồi và dẫn tới một cánh đồng bằng phẳng, với những cây bạch dương vút cao và đám cây dại mọc thành từng bụi. Từ trên cao đó, nhìn bên trái người ta có thể thấy mấy đầu cánh quạt gỉ sét của chiếc cối xay gió làng Gul Daman, còn bên phải là toàn cảnh Herat trải rộng phía dưới. Cuối đường mòn là một con suối rộng, đầy cá hồi, bắt nguồn từ rặng núi Safid-koh bao quanh Gul Daman. Hai trăm mét ngược lên phía đầu nguồn là một cụm liễu rủ quây thành vòng tròn. Ở ngay giữa, khuất trong bóng liễu, là khu đất trống.
Jalil đã đến đó xem qua. Nana kể rằng khi quay trở lại, ông ta trông giống như một tên coi ngục khoe khoang về những bức tường sạch sẽ và sàn nhà sáng bóng trong cái nhà tù của mình.
“Và thế là bố con xây cho chúng ta cái ổ chuột này.”
—★—
Năm mười lăm tuổi, Nana thiếu chút nữa thì đã kết hôn. Vị hôn phu là một anh chàng bán chim két đuôi dài, dân vùng Shindand. Mariam được nghe câu chuyện này từ chính Nana. Và dù mẹ không kể chi tiết nhưng Mariam có thể thấy từ đôi mắt buồn và tiếc nuối của bà một niềm hạnh phúc. Có lẽ những ngày chuẩn bị cho lễ cưới đó là khoảng thời gian duy nhất trong đời mẹ Nana cảm nhận được niềm hạnh phúc thực thụ.
Khi Nana kể chuyện, Mariam ngồi trong lòng mẹ và hình dung ra bà trong chiếc váy cưới vừa vặn. Cô bé mường tượng cảnh mẹ mình ngồi trên lưng ngựa, mỉm cười bẽn lẽn sau chiếc mạng che mặt của bộ lễ phục màu xanh, lòng bàn tay được sơn đỏ bằng cây lá móng, tóc tết thành bím nhỏ phủ nhũ bạc, những bím tóc được kết lại với nhau bằng nhựa cây. Cô bé thấy các nhạc công đang thổi sáo shahnai và gõ trống dohol, còn đám trẻ trên phố thì la hét và chạy đuổi nhau.
Thế rồi, một tuần trước ngày cưới, jinn đã nhập vào người Nana. Mariam không cần nghe kể lại cũng có thể hình dung ra được. Cô bé đã từng nhiều lần chứng kiến tận mắt cảnh mẹ đột ngột ngã xuống, cơ thể mẹ trở nên cứng đờ, mắt trợn lên, tay chân co giật như thể có thứ gì đang bóp nghẹt bà từ bên trong, miệng bà sủi bọt trắng và đôi khi còn thấy cả máu đỏ tươi. Rồi bà rơi vào trạng thái vô thức, mất phương hướng đến kinh sợ và miệng lầm bầm những thứ không rõ ràng.
Khi tin đó lan đến Shindand, gia đình anh chàng bán chim đã hủy bỏ đám cưới.
“Họ đã được một phen sợ chết khiếp,” Nana chốt lại.
Chiếc váy cưới được cất đi. Từ đó về sau, không có người nào đến cầu hôn nữa.
Trên khu đất hoang, Jalil cùng hai cậu con trai là Farhad và Muhsin dựng lên một kolba nhỏ, nơi Mariam sống suốt mười lăm năm đầu đời. Kolba được làm bằng gạch phơi khô, trát bùn và cỏ khô. Trong nhà có hai cái giường, một bàn gỗ, hai ghế tựa, một cửa sổ và vài chiếc giá được gắn vào tường, ở đó Nana để những chiếc bình được làm bằng đất nung và bộ đồ trà sứ Trung Hoa yêu thích của bà. Jalil cũng đặt một chiếc lò sưởi mới bằng gang dùng cho mùa đông và chất vài chồng củi sau kolba. Ông đặt thêm một lò đất ở bên ngoài để làm bánh mì và một cái chuồng gà có hàng rào xung quanh. Ông mua một vài con cừu và xây máng ăn cho chúng. Ông sai Farhad và Muhsin đào một cái hố sâu khoảng một trăm mét sau rặng liễu và xây nhà xí phía trên đó.
Nana nói Jalil lẽ ra có thể thuê người dựng kolba nhưng ông ta đã không làm điều đó.
“Đấy là ông ta muốn hành xác để sám hối đấy.”
—★—
Nana kể lại rằng ngày Mariam chào đời, không có ai đến giúp đỡ. Đó là một ngày mùa xuân ẩm ướt và u ám năm 1959, năm thứ hai mươi sáu trong bốn mươi năm cai trị bình lặng của đức vua Zahir Shah. Bà nói rằng Jalil không buồn mời bác sĩ hay thậm chí một bà đỡ đến, cho dù ông ta biết rằng jinn có thể nhập vào người bà và khiến bà ngất đột ngột trong khi đang đau đẻ. Nana nằm một mình trên sàn kolba, bên cạnh là một con dao, mồ hôi đầm đìa toàn thân.
“Khi những cơn đau hành hạ, mẹ phải cắn vào gối và la hét cho đến khi lạc cả giọng. Vậy mà vẫn chẳng có ai đến để lau mồ hôi trên mặt mẹ hay rót cho mẹ một cốc nước. Và con, Mariam bé bỏng, con cũng chẳng vội gì. Con đã để cho mẹ nằm trên sàn nhà cứng lạnh gần hai ngày liền. Mẹ không ăn, không ngủ, tất cả những gì mẹ làm được là cố rặn và cầu nguyện để con sớm chui ra.”
“Ôi, con xin lỗi mẹ.”
“Mẹ phải tự cắt dây nhau nối mẹ con ta. Đó là lý do mẹ cần tới con dao.”
“Con xin lỗi.”
Đến đây, Nana lần nào cũng từ từ nở một nụ cười nặng nhọc mà Mariam không bao giờ hiểu được là sự buộc tội ngần ngại hay sự tha thứ miễn cưỡng của mẹ. Mariam bé nhỏ không hề nghĩ đến sự phi lý khi phải cầu xin sự tha thứ cho cái cách mình có mặt trên cõi đời này.
Nhưng khi Mariam lên mười thì cô bé bắt đầu băn khoăn tự hỏi về chuyện đó và không còn tin vào câu chuyện mẹ kể về cái ngày mình chào đời nữa. Cô tin vào câu chuyện của bố Jalil, rằng mặc dù đang ở xa nhưng ông vẫn thu xếp để Nana được đưa đến bệnh viện ở Herat, nơi bà được các bác sĩ chăm sóc cẩn thận. Bà đã được nằm trên một chiếc giường tốt, sạch sẽ, trong một căn phòng sáng sủa. Jalil lắc đầu buồn bã khi Mariam kể cho ông nghe về con dao.
Mariam cũng trở nên hoài nghi về việc cô bé đã khiến mẹ phải chịu đau đớn trong suốt hai ngày trời.
“Người ta nói với bố là mẹ con mất chưa đến một tiếng đồng hồ,” Jalil nói. “Con là một bé gái ngoan, Mariam thân yêu. Ngay từ khi chào đời con đã là một đứa con ngoan ngoãn.”
“Ông ta thậm chí còn không có mặt ở đó!” Nana nhổ nước bọt. “Lúc đó ông ta còn đang mải cưỡi ngựa cùng mấy người bạn quý hóa ở Takht-e-safar.”
Nana kể rằng khi người ta báo cho Jalil biết là ông ta vừa có thêm một đứa con gái, ông ta chỉ nhún vai, tiếp tục chải bờm ngựa và ở lại Takht-e-safar thêm hai tuần nữa.
“Sự thật là ông ta thậm chí còn không thèm ẵm con cho đến khi con đầy tháng. Mà lúc đó ông ta cũng chỉ cúi xuống nhìn con có một lần, nhận xét về khuôn mặt dài của con và bế trả con cho mẹ.”
Về sau Mariam cũng không còn tin chuyện này. Đúng thế, bố Jalil thú nhận, ông đã cưỡi ngựa ở Takht-e-safar, nhưng khi được báo tin, ông không hề nhún vai. Ông vội nhảy lên lưng ngựa quay trở về Herat. Ông đã tung cô trên tay, vuốt ve đôi lông mày như hai bông tuyết của cô và còn hát ru cho cô ngủ nữa. Mariam không nghĩ bố Jalil nói mặt cô dài, mặc dù quả là nó dài thật.
Nana nói bà chính là người đặt cho cô bé cái tên Mariam bởi vì đó là tên bà ngoại của cô, còn Jalil lại khẳng định chính ông chọn cái tên này: bởi vì Mariam, hoa huệ, là một loài hoa rất đáng yêu.
“Đó là loài hoa bố yêu thích phải không ạ?” Mariam hỏi.
“Ừ, một trong những loài bố yêu thích,” ông nói và mỉm cười.
—★—
Một trong những ký ức đầu tiên của Mariam là tiếng cọt kẹt của bánh sắt chiếc xe cút kít lăn trên đá. Chiếc xe cút kít mỗi tháng đến một lần, mang theo gạo, bột mì, chè, đường, dầu ăn, xà phòng, thuốc đánh răng. Nó được đẩy tới bởi hai người anh em cùng cha khác mẹ với Mariam, thường thì là Muhsin và Ramin, đôi khi lại là Ramin và Farhad. Leo lên con đường đất, lăn qua đá và sỏi, vòng qua hố đất và bụi cây, hai anh em thay nhau đẩy cho tới khi họ đến được bờ suối. Tại đó, mọi thứ được dỡ ra và khuân sang bờ bên kia. Chiếc xe sau đó cũng được mang sang và chất lại các thứ như cũ. Tiếp theo đó lại là hai trăm mét đẩy xe, lần này thì băng qua đám cỏ cao rậm rì và vòng qua vô số bụi cây. Ếch nhái nhảy vọt ra tránh đường họ đi. Hai anh em phải vung tay để xua lũ muỗi bu đầy trên khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi của họ.
“Bố có nhiều người làm,” Mariam nói. “Bố có thể cử một người tới.”
“Đó là ông ta muốn hành xác để sám hối đấy,” Nana trả lời.
Âm thanh của chiếc xe kéo Mariam và Nana ra bên ngoài. Có lẽ Mariam sẽ nhớ mãi hình ảnh của mẹ Nana trong Ngày Phân phát*: một phụ nữ cao gầy, chân trần, đứng tựa ở lối ra vào, con mắt kém của bà nheo lại thành một khe hẹp, hai cánh tay khoanh trước ngực đầy vẻ ngang ngược và khinh khỉnh. Mái tóc cắt ngắn của bà ngập trong ánh nắng, để trần và không chải chuốt. Bà mặc một chiếc áo xám không vừa lắm. Trong túi áo đầy những viên đá cỡ bằng hạt óc chó.
Các cậu con trai ngồi bên bờ suối đợi đến khi Mariam và Nana chuyển hết đồ tiếp tế vào trong kolba. Họ biết rằng tốt hơn hết là đừng lại gần quá ba mươi mét, mặc dù Nana nhắm không trúng lắm và hầu hết các viên đá đều rơi trước khi gặp được mục tiêu. Nana vừa gào thét về phía các cậu con trai vừa mang các túi gạo vào trong và gọi họ bằng những cái tên mà Mariam không thể nào hiểu được. Bà chửi rủa mẹ của họ, vẻ mặt toát lên sự căm thù. Đám con trai không bao giờ trả đũa sự sỉ nhục đó.
Mariam cảm thấy thương bọn họ. Cô bé xót xa nghĩ rằng chân tay họ hẳn đã mệt rã rời vì phải đẩy cái xe rất nặng đó. Cô mong sao được phép mang cho họ một chút nước. Nhưng cô đã không nói gì, và nếu họ có vẫy tay với cô thì cô cũng không vẫy lại. Một lần, để làm vui lòng mẹ Nana, Mariam thậm chí còn la mắng Muhsin, nói với anh ta rằng anh ta có cái miệng giống như đuôi thằn lằn, để rồi sau đó lại cảm thấy tội lỗi, hổ thẹn và sợ rằng họ có thể sẽ nói lại với bố Jalil. Nhưng Nana thì cười rũ rượi, những chiếc răng cửa xỉn màu của bà chìa hết cả ra ngoài khiến Mariam nghĩ rằng bà có thể sẽ ngất đi mất. Bà nhìn Mariam khi cô bé mắng Muhsin xong và nói, “Con là một đứa con gái ngoan.”
Khi chiếc xe đã trống trơn, hai cậu con trai sợ sệt quay trở lại và đẩy nó đi. Mariam vẫn đứng dõi mắt theo khi họ đi khuất vào trong đám cỏ cao và những cây dại nở hoa.
“Lại đây con ơi.”
“Vâng ạ.”
“Bọn chúng cười nhạo con đấy. Thật đấy, mẹ nghe thấy.”
“Con đang đến đây.”
“Con không tin mẹ à?”
“Con đây ạ.”
“Con biết mẹ yêu con phải không, Mariam bé bỏng của mẹ.”
—★—
Các buổi sáng, họ bị đánh thức bởi tiếng kêu be be của đàn cừu vọng lại đằng xa và những tiếng sáo cao vút của mấy người chăn cừu làng Gul Daman đang dẫn đàn gia súc đi ăn ở bãi cỏ bên sườn đồi. Mariam và mẹ Nana vắt sữa dê, cho gà ăn và nhặt trứng. Hai mẹ con cùng làm bánh. Nana dạy cô bé cách nhào bột, nhóm lò đất nung và trát những miếng bột bánh đã cán dẹt vào thành trong của lò. Nana cũng dạy cô khâu vá, nấu cơm và làm nhiều món khác nhau: shalqam hầm củ cải, rau bi na nấu sabzi, súp lơ nấu với gừng.
Nana không hề giấu giếm sự khó chịu đối với những người viếng thăm, mà thực ra là đối với tất cả mọi người, nhưng bà cũng có một vài ngoại lệ. Vì thế nên trưởng làng Gul Daman, arbab của làng, Habib Khan, một người đàn ông để râu, bụng bự, thường đến thăm khoảng một tháng một lần, theo sau là người giúp việc mang theo một con gà, đôi khi là một hũ gạo kichiri hoặc một rổ trứng nhuộm màu cho Mariam.
Cũng có một bà già béo ục ịch mà Nana gọi là Bibi jo*, vợ góa của một thợ khắc đá, vốn là bạn của bố Nana. Đi cùng Bibi jo luôn có một trong sáu cô con dâu của bà và một hoặc hai đứa cháu nội. Bà lê bước ì ạch và thở hổn hển trên đường băng qua khu đất trống, sau đó xoa xuýt hông mình rồi từ từ ngồi xuống cái ghế mà Nana kéo ra cho bà, không quên buông ra một tiếng thở dài đau đớn. Bibi jo cũng luôn mang theo cho Mariam cái gì đó, khi là một gói kẹo dishlemeh, khi là một giỏ quả mộc qua. Còn với Nana, đầu tiên bà luôn phàn nàn về tình trạng sức khỏe ngày càng kém đi của mình và sau đó tán gẫu đủ thứ chuyện ở Herat và Gul Daman một cách thật dài dòng và đầy hứng thú, trong khi cô con dâu im lặng ngồi sau lưng bà nhẫn nại lắng nghe.
Nhưng người mà Mariam yêu quý nhất, tất nhiên là không kể bố Jalil, là Giáo sĩ Faizullah, một người giảng kinh Koran già, akhund* của làng. Ông từ làng Gul Daman tạt qua một hoặc hai lần mỗi tuần để dạy cho Mariam năm bài kinh cầu namaz hằng ngày và kèm cô bé học thuộc kinh Koran, cũng y như hồi xưa ông dạy cho Nana khi bà còn nhỏ. Chính Giáo sĩ Faizullah là người dạy cho Mariam biết đọc, là người đã kiên nhẫn nhìn qua vai cô bé khi môi cô lẩm nhẩm đọc và ngón tay trỏ ngập ngừng dưới mỗi chữ, ấn xuống cho đến khi gốc móng tay chuyển thành màu trắng, như thể cô bé đang cố vắt ra ngữ nghĩa của những ký hiệu kia vậy. Chính Giáo sĩ Faizullah là người đã cầm tay cô nắn chiếc bút chì theo nét hất lên của từng chữ alef, nét lượn của từng chữ beh và ba dấu chấm của mỗi chữ seh*.
Ông là một ông già gầy hốc hác, lưng còng, nụ cười móm mém và bộ râu trắng dài tới tận rốn. Thường thì ông tới kolba một mình, nhưng cũng có khi ông đi cùng cậu con trai có bộ tóc hoe hoe đỏ tên là Hamza, lớn hơn Mariam vài tuổi. Khi Giáo sĩ Faizullah tới kolba, Mariam hôn lên tay ông – mà cứ có cảm tưởng như đang hôn nhúm cành que được bao phủ bằng một lớp da mỏng – còn ông thì hôn lên trán cô bé trước khi họ ngồi xuống để bắt đầu bài học. Sau đó hai thầy trò ra ngồi bên ngoài kolba ăn hạt thông và uống nước chè xanh, ngắm nhìn những chú chim chào mào bay vút từ cây nọ sang cây kia. Thỉnh thoảng họ đi dạo giữa những đám lá khô màu đỏ đồng và những bụi tổng quán sủi, bước dọc theo bờ suối về hướng các đỉnh núi. Giáo sĩ Faizullah lần tràng hạt tashbeh trong khi họ đi dạo và bằng giọng nói run run của mình, ông kể cho Mariam tất cả những câu chuyện mà ông đã gặp khi còn trai trẻ, như chuyện ông tìm thấy con rắn hai đầu ở Iran, bên chiếc cầu Ba mươi ba Cửa Tò vò nổi tiếng ở thành phố Isfahan hoặc chuyện quả dưa hấu mà ông đã bổ ở bên ngoài Thánh đường Màu xanh ở Mazar và rồi tìm thấy những hạt dưa có chữ Allah ở nửa này và Akbar* ở nửa kia.
Giáo sĩ Faizullah thú nhận với Mariam rằng đôi khi ông không hiểu nghĩa của các chữ trong kinh Koran. Nhưng ông thích những âm thanh quyến rũ của từng tiếng Ả rập khi chúng bật ra từ miệng mình. Ông nói chúng làm ông thanh thản, xoa dịu trái tim ông.
“Chúng cũng sẽ làm con cảm thấy thanh thản, Mariam yêu quý,” ông nói. “Con có thể gọi chúng đến mỗi khi con thấy cần, và chúng sẽ không làm con thất vọng. Lời của Thượng đế sẽ không bao giờ phản bội con, con gái ạ.”
Giáo sĩ Faizullah kể chuyện và nghe Mariam kể chuyện. Khi cô bé cất tiếng, ông luôn lắng nghe một cách chăm chú. Ông chậm rãi gật đầu và mỉm cười với vẻ biết ơn, như thể ông vừa được ban một đặc ân nào đó. Mariam có thể dễ dàng nói với Giáo sĩ Faizullah nhiều thứ mà cô bé không dám nói với mẹ Nana.
Một ngày nọ, khi họ đang đi dạo, Mariam nói với ông rằng cô bé ước gì mình được phép đến trường.
“Ý con là một ngôi trường thật cơ, thưa akhund. Kiểu như trong một lớp học. Giống như những người con khác của bố con ấy.”
Giáo sĩ Faizullah dừng lại.
Tuần trước đó, Bibi jo đã nói cho Mariam nghe rằng hai con gái của Jalil là Saideh và Naheed đã tới theo học trường nữ sinh Mehri ở Herat. Kể từ đó, ý nghĩ về các lớp học, thầy cô giáo, quyển vở có dòng kẻ, những cột số và cái bút viết được những chấm đen to, đậm cứ chạy nhảy trong đầu Mariam. Cô bé tưởng tượng mình ở trong một lớp học với các cô bé khác trạc tuổi mình. Mariam khao khát được đặt cái thước kẻ trên trang giấy và kẻ những đường thẳng trông có vẻ rất trang trọng.
“Có phải đó là điều con muốn?” Giáo sĩ Faizullah hỏi, nhìn cô bé với đôi mắt dịu dàng và long lanh nước, đôi tay chắp sau tấm lưng còng, bóng của chiếc khăn ông đội trên đầu đổ dài trên mảnh đất có những cây mao lương hoa vàng mọc tua tủa.
“Vâng ạ.”
“Và con muốn ta xin phép mẹ con.”
Mariam mỉm cười. Cô bé nghĩ, ngoại trừ bố Jalil ra thì không ai trên thế giới có thể hiểu cô hơn là thầy giáo già của mình.
“Thế thì ta còn có thể làm gì được nào? Thượng đế, bằng sự thông thái của Người, đã mang đến cho mỗi chúng ta những điểm yếu khác nhau, và điểm yếu nhất trong vô số những điểm yếu của ta là ta không có sức mạnh để từ chối con, Mariam yêu quý,” ông nói, gõ nhẹ lên má cô bé bằng một ngón tay bị viêm khớp của mình.
Nhưng sau đó, khi ông đề cập chuyện này với Nana, bà bỏ con dao đang dùng để cắt hành xuống và hỏi, “Để làm gì chứ?”
“Nếu cô bé muốn học, thì hãy để cho cháu học, con yêu quý. Hãy để cho cô bé được giáo dục.”
“Học? Học cái gì chứ, thưa Giáo sĩ?” Nana đáp lại đầy gay gắt. “Có gì để học ở đó cơ chứ?”
Bà quất ánh mắt về phía Mariam.
Mariam nhìn xuống hai tay mình.
“Có lý gì trường học dạy dỗ một đứa con gái như mày chứ? Chẳng khác nào chiếu sáng một cái ống nhổ. Và mày sẽ chẳng học được gì có giá trị từ những cái trường đó. Chỉ có một điều duy nhất, một điều duy nhất mà những người đàn bà như tao và mày cần có trong cuộc sống thì họ lại không dạy điều đó ở trường. Nhìn tao này.”
“Con không nên nói như thế với nó, con gái ạ,” Giáo sĩ Faizullah nói.
“Nhìn mẹ đây.”
Mariam vâng lời.
“Chỉ cần một kỹ năng. Và đó là: tahamul. Chịu đựng.”
“Chịu đựng gì hả mẹ?”
“Ồ, con không cần phải băn khoăn về chuyện đó,” Nana nói. “Sẽ không thiếu một thứ gì hết.”
Rồi bà tiếp tục nói về chuyện bị các bà vợ của Jalil gọi là con gái của người thợ đẽo đá xấu xí và thấp hèn như thế nào, chuyện họ bắt bà phải giặt quần áo ngoài trời lạnh cho đến lúc mặt tê cóng và các đầu ngón tay tím tái cả lại ra sao.
“Đó là số phận của chúng ta, Mariam ạ. Những người phụ nữ như chúng ta. Chúng ta phải chịu đựng. Đó là tất cả những gì chúng ta có. Con có hiểu không? Không những thế, chúng sẽ cười nhạo con ở trường. Chúng sẽ làm như thế đấy. Chúng sẽ gọi con là harami. Chúng sẽ nói những điều tồi tệ nhất về con. Mẹ không chấp nhận điều đó.”
Mariam gật đầu.
“Và không được nói về chuyện đi học nữa. Con là tất cả những gì mẹ có. Mẹ sẽ không đánh mất con vào tay bọn họ. Hãy nhìn mẹ đây. Không được nói về chuyện trường học nữa nghe chưa?”
“Thôi nào. Hãy có lý một chút. Nếu con bé muốn…” Giáo sĩ Faizullah bắt đầu nói.
“Và ông nữa, thưa akhund, với tất cả lòng kính trọng của mình, tôi nghĩ rằng ông lẽ ra nên nhận thấy tốt hơn cả là đừng khuyến khích những ý nghĩ ngu ngốc này của con bé. Nếu ông thực sự quan tâm đến nó thì hãy làm cho nó thấy rằng nó thuộc về nơi này, ở nhà với người mẹ của nó. Chẳng có gì ngoài kia dành cho nó. Không gì hết ngoại trừ sự ruồng bỏ và sự đau đớn. Tôi biết mà, thưa akhund. Tôi biết.”
—★—
Mariam thích có người đến thăm kolba. Vị arbab của làng và những món quà của ông, Bibi jo với cái hông đau và những câu chuyện phiếm không bao giờ hết, và tất nhiên cả Giáo sĩ Faizullah nữa. Nhưng không có ai, không ai mà Mariam khao khát được gặp hơn bố Jalil.
Cứ tới đêm thứ Ba, Mariam lại bắt đầu lo lắng. Cô bé ngủ không ngon giấc vì lo lắng rằng bố Jalil có thể bận công việc mà không thể đến vào ngày thứ Năm và rằng mình sẽ phải đợi cả một tuần nữa mới được gặp bố. Thứ Tư nào cũng vậy, cô bé cứ đi đi lại lại quanh kolba, tung thóc vào trong chuồng gà một cách vô thức. Cô bé cứ đi mà chẳng biết đang đi đâu, bứt cánh hoa, đập lũ muỗi bám vào cánh tay. Cuối cùng, vào ngày thứ Năm, tất cả những gì cô bé có thể làm là ngồi dựa lưng vào tường, dán mắt vào con suối và chờ đợi. Nếu bố Jalil đến muộn thì một nỗi sợ hãi khủng khiếp sẽ gặm nhấm Mariam. Đầu gối cô bé bắt đầu run run và cô sẽ phải kiếm chỗ nào đấy để nằm xuống.
Rồi mẹ Nana gọi, “Này, ông ta đến rồi đây này, ông bố vinh quang của mày đây.”
Mariam nhảy cẫng lên khi nhìn thấy bố mình đang nhảy qua những tảng đá giữa lòng suối, nụ cười rạng rỡ và cánh tay vẫy vẫy thật yêu thương. Mariam biết rằng mẹ Nana đang nhìn mình, đang xem xét phản ứng của mình, thế nên cô bé luôn phải cố gắng để giữ mình đứng ở đằng sau bậu cửa, để chờ đợi và nhìn ông từ từ tiến về phía mình, để không chạy lại với ông. Cô tự ngăn mình lại, kiên nhẫn nhìn ông bước qua đám cỏ cao, cái áo vest vắt qua vai và cơn gió nhẹ nâng chiếc cà vạt màu đỏ.
Khi bố Jalil đi vào khu đất trống, ông vứt áo vest lên cái lò đất và dang rộng vòng tay. Ban đầu Mariam còn đi, sau đó thì cô bé chạy tới chỗ ông, ông đỡ dưới hai cánh tay cô bé và tung cô lên cao. Mariam kêu ré lên.
Lơ lửng trên không, Mariam có thể nhìn thấy khuôn mặt bố Jalil ngửa lên ngay phía dưới mình, cái miệng cười rộng và lệch của ông, chỏm tóc trước trán, chiếc cằm chẻ – một cái túi tuyệt hảo cho ngón tay út của cô – và hàm răng của ông, hàm răng trắng nhất trong một thành phố toàn người sâu răng. Cô bé thích hàng ria tỉa gọn của bố, thích việc bất kể thời tiết như thế nào thì mỗi lần đến thăm cô, bố luôn mặc áo vest – màu nâu đậm, màu yêu thích của ông, với một chiếc khăn tay trắng gấp hình tam giác đặt trong túi áo ngực – và cả chiếc khuy măng séc nữa, thêm một chiếc cà vạt, thường là màu đỏ và ông hay thắt lỏng. Mariam cũng có thể nhìn thấy hình ảnh của chính mình phản chiếu trong đôi mắt nâu của bố Jalil: mái tóc tung bay, gương mặt rạng ngời đầy phấn khích, cả bầu trời cao ở phía sau.
Mẹ Nana nói rằng một ngày nào đó có thể ông sẽ đón lỡ và cô, Mariam, sẽ trượt qua các ngón tay của ông, rơi xuống đất và bị gãy xương. Nhưng Mariam không tin là bố Jalil sẽ đánh rơi mình. Cô bé tin mình sẽ luôn an toàn rơi vào đôi bàn tay sạch sẽ với các móng tay cắt gọn của bố.
Họ ngồi bên ngoài kolba, trong bóng râm và Nana rót trà cho hai bố con. Jalil và bà chào nhau bằng một nụ cười khó nhọc và một cái gật đầu. Ông không bao giờ nhắc tới chuyện Nana ném đá hay những lời nguyền rủa của bà.
Bất chấp những lời nguyền rủa mà Nana dành cho Jalil khi ông không có mặt ở đó, Nana trở nên nhẹ nhàng và lễ độ hơn mỗi khi ông tới. Tóc bà luôn được gội sạch sẽ. Bà đánh răng và đeo chiếc hijab* đẹp nhất của mình để đón tiếp ông. Bà ngồi yên lặng trên chiếc ghế đối diện với ông, hai bàn tay gập lại đặt trong lòng. Bà không nhìn thẳng vào ông và không bao giờ nói những lời thô tục lúc ông đang ở cạnh. Khi cười, bà đưa tay lên miệng để che đi chiếc răng xấu xí của mình.
Nana hỏi thăm về chuyện làm ăn và cả những bà vợ của Jalil. Khi bà nói với ông rằng bà nghe Bibi jo nói người vợ trẻ nhất của ông, Nargis, sắp sinh đứa thứ ba, Jalil cười lịch sự và gật đầu.
“Ồ, ông hẳn phải rất hạnh phúc,” Nana nói. “Giờ ông có bao nhiêu đứa con rồi? Mười có phải không, mashallah*? Mười nhỉ?”
Jalil nói rằng đúng, mười đứa.
“Mười một, nếu ông tính cả Mariam, tất nhiên rồi.”
Sau đó, khi Jalil đã về nhà, Mariam và Nana đã nói qua nói lại về việc này. Mariam nói rằng bà đã nói bẫy ông.
Sau khi uống trà với Nana, Mariam và Jalil luôn đi câu cá ở suối. Ông chỉ cho cô bé cách thả câu, cách kéo cá hồi lên. Ông dạy cô cách moi ruột cá, rửa sạch và cách chỉ dùng một nhát mà lạng thịt của con cá ra khỏi xương. Ông vẽ tranh cho cô trong khi họ ngồi đợi cá cắn câu, chỉ cho cô cách vẽ con voi bằng một nét mà không phải nhấc bút ra khỏi giấy. Ông dạy cho cô những câu ca. Rồi họ hát cùng nhau:
Lili lili chiếc chậu tắm của chim,
Để trên bờ đất,
Con cá tuế ngồi trên vành uống nước,
Trượt xuống dưới chìm mất.
Jalil mang theo những bài báo cắt ra từ báo của Herat, tờ Iitifaq-i Islam, và đọc cho Mariam nghe. Ông là sợi dây liên kết của Mariam, là bằng chứng cho thấy sự tồn tại của một thế giới rộng lớn bên ngoài kolba, ngoài Gul Daman và cả Herat nữa, một thế giới của các vị tổng thống có những cái tên không thể phát âm nổi, những con tàu, những viện bảo tàng và môn bóng đá, những tên lửa bay vòng quanh trái đất rồi đáp xuống mặt trăng, và cứ thứ Năm hằng tuần, Jalil lại mang theo một góc thế giới đó tới kolba.
Ông là người kể cho Mariam biết vào mùa hè năm 1973, khi Mariam mười bốn tuổi, vua Zahir Shah, người trị vì Kabul suốt bốn mươi năm, đã bị truất ngôi trong một cuộc đảo chính không đổ máu.
“Người anh họ Daoud Khan của ông ấy làm chuyện đó khi nhà vua đang ở Ý chữa bệnh. Con vẫn nhớ Daoud Khan phải không? Bố đã kể với con về ông ấy rồi đấy. Ông ấy là thủ tướng ở Kabul khi con được sinh ra. Dù sao đi nữa Afghanistan không còn là đất nước quân chủ chuyên chế nữa Mariam ạ. Con thấy đấy, giờ đây ta là một nước dân chủ và Daoud Khan là tổng thống. Có tin đồn rằng những người cộng sản ở Kabul đã giúp ông ấy lên nắm chính quyền. Không phải bản thân ông ấy là cộng sản con nhé, nhưng những người đó đã giúp ông ấy. Dù gì đi nữa thì đó cũng chỉ là tin đồn.”
Mariam hỏi bố thế nào là một người cộng sản và Jalil bắt đầu giải thích nhưng Mariam hầu như chẳng nghe ông nói.
“Con đang nghe đấy chứ?”
“Dạ, có ạ.”
Ông thấy cô bé đang mải nhìn cái chỗ phình ra trong túi áo khoác của mình. “À. Tất nhiên rồi. Ừ. Của con đây. Không vẽ vời nữa.”
Ông rút từ túi áo ra một chiếc hộp nhỏ và đưa cho cô. Thỉnh thoảng ông làm điều này, mang cho cô những món quà nhỏ. Có lúc là một chiếc vòng cổ bằng đá carneline, khi khác lại là chuỗi hạt đá màu xanh da trời. Hôm ấy, Mariam mở hộp ra thì thấy một mặt dây chuyền hình chiếc lá, treo trên đó là những đồng xu nhỏ khắc hình trăng sao.
“Đeo thử đi con, Mariam thân yêu.”
Mariam đeo chiếc vòng vào. “Bố thấy thế nào?”
Jalil cười rạng rỡ, “Bố nghĩ con trông giống một nữ hoàng.”
Sau khi ông đi rồi, Nana thấy mặt dây chuyền trên cổ Mariam.
“Thứ trang sức của dân du mục,” bà nói. “Mẹ đã từng thấy bọn chúng làm ra nó như thế nào. Chúng nung chảy những đồng xu mà người ta ném vào mặt chúng rồi làm thành đồ trang sức. Để xem, lần sau ông ta, ông bố quý hóa của con, sẽ mang vàng đến cho con đấy. Cứ chờ mà xem.”
Đến lúc Jalil phải về, Mariam luôn luôn đứng ở cửa dõi theo khi ông rời khu đất trống, ỉu xìu khi nghĩ tới một tuần sừng sững phía trước như một chướng ngại vật khổng lồ không thể dịch chuyển, chắn giữa cô và lần thăm tới của bố. Mariam luôn luôn nín thở khi nhìn bố ra về. Cô bé nín thở và trong đầu đếm từng giây. Cô tự nhủ rằng cứ mỗi giây cô nhịn thở là Thượng đế sẽ ban cho cô thêm một ngày nữa được ở bên bố Jalil.
Buổi tối, Mariam nằm trên giường mà thắc mắc không biết nhà của bố ở Herat như thế nào. Cô tự hỏi không biết ở cùng với bố, được gặp ông hằng ngày thì sẽ ra sao. Cô tưởng tượng ra cảnh tự tay mang khăn tắm cho bố khi ông cạo râu, nói cho bố biết khi ông cạo bậm vào da. Cô sẽ pha trà cho bố. Cô sẽ khâu lại từng chiếc cúc bị khuyết. Họ sẽ đi dạo cùng nhau ở Herat, ở khu chợ mái vòm nơi bố Jalil nói cô có thể tìm thấy bất cứ thứ gì cô muốn. Họ sẽ đi bằng xe ô tô của ông, rồi mọi người sẽ chỉ trỏ mà nói, “Đó là Jalil Khan và con gái của ông ấy đấy.” Bố sẽ chỉ cho cô xem cái cây huyền thoại có thi thể một nhà thơ được chôn ở dưới.
Mariam quyết định, một ngày không xa, cô sẽ kể cho bố Jalil những điều này. Và khi nghe thấy, khi nhận ra cô đã nhớ ông nhiều như thế nào lúc ông ra về, chắc chắn ông sẽ đưa cô đi theo. Bố sẽ đưa cô đến Herat, đến sống trong nhà của ông như những đứa con khác.
—★—
“Con biết mình muốn gì rồi,” Mariam nói với Jalil.
Đó là mùa xuân năm 1974, năm Mariam bước sang tuổi mười lăm. Ba người bọn họ ngồi bên ngoài kolba, trên những chiếc ghế gấp xếp thành hình tam giác dưới bóng liễu rủ.
“Sinh nhật con… Con biết mình muốn thứ gì rồi.”
“Con muốn gì nào?” Jalil nói và mỉm cười khích lệ.
Hai tuần trước đó, trước sự phấn khích của Mariam, Jalil đã tiết lộ rằng có một bộ phim Mỹ đang được trình chiếu ở rạp của ông. Đó là một thể loại phim đặc biệt mà ông gọi là phim hoạt hình. Cả bộ phim là một chuỗi hình vẽ, ông nói, hàng nghìn hình, để khi chúng được làm thành phim và được chiếu trên màn ảnh, ta sẽ có cảm giác là những hình vẽ đó đang chuyển động. Ông bảo rằng bộ phim kể về một người làm đồ chơi đã già mà không có con, sống đơn độc và khao khát một đứa con trai. Vì vậy ông ấy đẽo một chú rối, một cậu bé mà bằng một phép màu kỳ diệu đã trở thành người. Mariam bảo bố kể nữa và Jalil nói rằng ông già và chú rối của mình đã trải qua mọi cuộc phiêu lưu và đến một chỗ gọi là Đảo Niềm Vui, nơi những cậu bé hư đều bị biến thành con lừa. Vào cuối phim, họ, chú rối và cha chú, thậm chí còn bị nuốt vào bụng cá voi. Mariam sau đó đã kể lại từ đầu đến cuối bộ phim cho Giáo sĩ Faizullah nghe.
“Con muốn bố đưa con đến rạp chiếu phim của bố,” Mariam nói. “Con muốn xem bộ phim hoạt hình đấy. Con muốn xem chú bé người rối.”
Khi nói ra điều này, Mariam cảm nhận được sự thay đổi trong bầu không khí. Bố mẹ cô ngọ nguậy trên ghế. Mariam có thể cảm thấy họ vội nhìn nhau.
“Đó không phải là ý kiến hay đâu,” Nana nói. Giọng bà bình tĩnh, ngữ điệu lịch sự và kiềm chế như bà vẫn dùng khi có mặt Jalil, nhưng Maria có thể thấy ánh mắt nghiêm khắc và kết tội.
Jalil cựa người trên ghế. Ông ho và hắng giọng.
“Con biết không,” ông nói, “chất lượng hình ảnh của phim không được tốt. Âm thanh cũng thế. Và gần đây máy chiếu không hoạt động được. Có lẽ mẹ con đúng đấy. Có lẽ con có thể nghĩ đến một món quà khác, Mariam yêu quý của bố ạ.”
“Aneh,” Nana nói. “Con thấy chưa? Bố con cũng nghĩ thế.”
—★—
Nhưng sau đó, ở bên bờ suối, Mariam nói, “Hãy đưa con đi.”
“Bố bảo con này,” Jalil nói. “Bố sẽ cho người đến đón con và đưa con đi. Bố sẽ dặn họ lấy cho con một chỗ ngồi tốt và tất cả số kẹo mà con muốn.”
“Không, con muốn bố đưa con đi.”
“Mariam à…”
“Và con muốn bố mời các anh chị em của con nữa. Con muốn gặp họ. Con muốn tất cả chúng con sẽ cùng đi. Đó là điều con muốn.”
Jalil thở dài. Ông nhìn ra chỗ khác, về hướng dãy núi.
Mariam nhớ bố đã từng kể rằng trên màn ảnh, khuôn mặt của con người trông to như một ngôi nhà, và khi một chiếc xe hơi đâm vào đâu đó thì ta sẽ cảm thấy như các thanh kim loại đang xoắn vào xương ta. Cô bé tưởng tượng mình đang ngồi ở hàng ghế riêng trên ban công rạp chiếu phim, liếm láp que kem bên cạnh các anh chị em mình và cả bố Jalil nữa. “Đó là điều con muốn,” cô nói.
Jalil nhìn Mariam với ánh mắt đau khổ.
“Ngày mai. Vào buổi trưa. Bố sẽ gặp con ở ngay chỗ này nhé. Được chứ? Ngày mai nhé?”
“Con lại đây,” ông nói. Ông ngồi xuống, kéo cô về phía mình và ôm cô lâu thật lâu.
—★—
Lúc đầu, Nana đi đi lại lại quanh kolba, siết chặt bàn tay rồi lại mở ra.
“Tại sao Thượng đế không ban cho tao đứa con gái nào khác mà lại ban cho tao một đứa vô ơn như mày? Tao đã chịu đựng mọi điều vì mày! Sao mày dám! Sao mày dám rời bỏ tao như thế này, mày đúng là một đứa harami bất hiếu.”
Rồi bà nhạo báng.
“Mày mới ngu ngốc làm sao! Mày nghĩ là mày quan trọng với ông ta à, mày được đón chào trong ngôi nhà đó à? Mày nghĩ rằng đối với ông ta, mày là con gái của ông ta à? Rằng ông ta sẽ đưa mày vào ngôi nhà của mình à? Để tao nói cho mày biết. Trái tim của người đàn ông là một thứ xấu xa, xấu xa, Mariam. Nó không giống như tấm lòng của người mẹ. Trái tim của bọn họ sẽ không rỉ máu, sẽ không căng ra để ôm ấp con. Mẹ là người duy nhất yêu thương con. Mẹ là tất cả những gì con có trên thế gian này, Mariam ạ, và khi mẹ chết đi con sẽ chẳng có gì cả. Con sẽ chẳng có gì cả. Con cũng chẳng là gì hết!”
Sau đó bà chuyển sang đe dọa.
“Mẹ sẽ chết nếu con đi. Jinn sẽ xuất hiện và mẹ sẽ lại bị đau. Con sẽ thấy, mẹ sẽ cắn lưỡi mà chết. Đừng rời bỏ mẹ, Mariam bé bỏng. Con hãy ở lại. Mẹ sẽ chết nếu con đi.”
Mariam không nói gì.
“Con biết là mẹ yêu con mà, Mariam bé bỏng.”
Mariam nói cô sẽ đi dạo.
Cô sợ nếu ở lại, có thể mình sẽ nói những lời đau lòng: rằng cô biết jinn là một trò dối trá, rằng bố Jalil đã kể cho cô biết mẹ mắc một căn bệnh có thể dùng thuốc chữa được. Cô có thể sẽ hỏi mẹ tại sao lại không chịu đến gặp bác sĩ của bố trong khi ông ấy đã nài nỉ bà đi, tại sao mẹ lại không uống những viên thuốc ông mua cho. Nếu Mariam có thể nói cho rõ ràng, chắc cô sẽ nói với mẹ Nana rằng cô mệt mỏi khi phải làm một công cụ, mệt mỏi vì bị lừa dối, bị lạm dụng. Rằng cô chán ngấy với việc mẹ bóp méo sự thật về cuộc đời của họ và biến cô, Mariam, thành một trong những thứ để bà than phiền về thế giới này.
Cô có thể đã nói với bà rằng, Mẹ à, mẹ đang sợ. Mẹ sợ rằng con có thể tìm thấy hạnh phúc mà mẹ chẳng bao giờ có được. Và mẹ không muốn con được hạnh phúc. Mẹ không muốn con có một cuộc sống tốt đẹp. Mẹ mới chính là người có trái tim xấu xa.
—★—
Có một nơi ở rìa khu đất trống mà Mariam rất thích đến. Lúc này cô đang ngồi ở đó, trên thảm cỏ khô ấm áp. Từ đây, cô có thể nhìn thấy Herat trải rộng phía dưới như bàn cờ của một đứa trẻ: Vườn Thiếu nữ ở phía Bắc thành phố, chợ Char-suq và những phế tích thành lũy cổ của Alexander Đại đế về phía Nam. Rồi cả những ngọn tháp ở xa, giống như những ngón tay bụi bặm của người khổng lồ và những con đường mà Mariam tưởng tượng là chật cứng người, xe ngựa và những con la. Cô nhìn đàn chim nhạn đang sà xuống chao liệng trên đầu. Cô cảm thấy ghen tị với chúng. Chúng đã được tới Herat. Chúng đã từng bay qua các nhà thờ, các khu chợ trong thành phố. Có khi chúng đã từng đậu trên tường nhà bố Jalil, trên những bậc thềm rạp chiếu phim của ông.
Cô nhặt mười viên đá cuội và xếp chúng theo hàng dọc thành ba cột. Thỉnh thoảng cô chơi trộm trò này khi mẹ Nana không để ý. Cô xếp bốn viên thành hàng đầu tiên, tương ứng với số con của Khadija, ba cho con của Afsoon và ba trong cột thứ ba cho con của Nargis. Rồi cô thêm một cột thứ tư. Viên đá thứ mười một đơn độc.
—★—
Sáng hôm sau, Mariam mặc chiếc váy màu kem dài tới gối, quần cô tông và chiếc hijab màu xanh lá cây choàng qua tóc. Cô đắn đo một chút về chiếc hijab vì màu xanh của nó không hợp với chiếc váy nhưng vẫn phải dùng thôi vì chiếc màu trắng đã bị lũ nhậy nhấm thủng lỗ chỗ rồi.
Cô kiểm tra đồng hồ. Đó là chiếc đồng hồ dây cót cũ có kim làm bằng gỗ, những con số màu đen trên mặt màu xanh bạc hà, món quà của Giáo sĩ Faizullah. Chín giờ rồi. Cô tự hỏi không biết mẹ Nana đang ở đâu. Cô nghĩ đến việc đi ra ngoài tìm bà, nhưng cô lại sợ phải đối mặt với mẹ, sợ ánh mắt buồn phiền của mẹ. Mẹ Nana sẽ buộc tội cô là bất hiếu, sẽ nhạo báng những ước muốn dớ dẩn của cô.
Mariam ngồi xuống. Cô cố gắng giết thời gian bằng cách vẽ đi vẽ lại con voi bằng một nét như bố Jalil đã dạy. Cô bắt đầu cảm thấy tê chân do ngồi lâu nhưng không dám nằm xuống vì sợ chiếc váy bị nhăn.
Cuối cùng, khi kim đồng hồ chỉ mười một rưỡi, Mariam bỏ mười một viên sỏi vào túi và đi ra ngoài. Trên đường tới suối, cô nhìn thấy mẹ Nana đang ngồi trên một chiếc ghế dưới bóng cây liễu rủ. Mariam không chắc bà có nhìn thấy cô hay không.
Ở bờ suối, Mariam đợi đúng chỗ họ đã hẹn ngày hôm trước. Trên bầu trời, một vài đám mây xám hình bông hoa lơ đãng trôi qua. Bố Jalil đã dạy cô rằng những đám mây xám có màu như vậy bởi chúng dày đến mức phần trên đỉnh hấp thụ ánh sáng mặt trời và chiếu cái bóng của chính mình xuống khắp phần đáy. Đó là cái con thấy đấy, Mariam bé bỏng à, ông nói, bóng tối ở dưới đáy của nó.
Một quãng thời gian nữa trôi qua.
Mariam quay trở lại kolba. Lần này cô vòng qua rìa phía Tây của khu đất trống để không phải đi qua chỗ mẹ Nana. Cô xem lại đồng hồ. Đã gần một giờ rồi.
Bố là doanh nhân, Mariam nghĩ. Hẳn bố đang bận việc gì đó.
Cô quay trở lại con suối và đợi một lúc lâu hơn. Một bầy chim két liệng vòng tròn trên đầu cô rồi nhào xuống đám cỏ đây đó. Cô thấy một con sâu bướm đang bò trên gốc một cây kế non.
Cô đợi đến khi hai chân đã tê cứng. Lần này cô không quay trở lại kolba nữa. Cô xắn ống quần lên tới đầu gối rồi lội qua suối, và lần đầu tiên trong đời cô đi xuống đồi, hướng về Herat.
—★—
Mẹ Nana cũng lại nói sai về Herat. Không ai chỉ trỏ. Không ai cười nhạo. Mariam bước đi trên những đại lộ náo nhiệt và đông đúc với những hàng bách thẳng tắp, bước giữa dòng người đi bộ, đi xe đạp và những chiếc gari* được la kéo, và không ai ném đá vào cô. Không ai gọi cô là harami. Thậm chí hầu như không ai để ý đến cô. Thật ngạc nhiên và kỳ diệu, ở đây cô là một người bình thường.
Cô đứng một lúc bên bồn nước hình ô van ở giữa một công viên lớn, chằng chịt những con đường rải sỏi bắt chéo nhau. Cô mân mê một cách thích thú những con ngựa xinh đẹp làm bằng cẩm thạch đứng quanh mép bồn đang nhìn chằm chằm xuống nước bằng những con mắt trắng đục. Cô chú ý đến mấy cậu bé trai đang thả thuyền giấy. Cô nhìn thấy hoa ở khắp mọi nơi, hoa tuy líp, hoa huệ tây, dã yến thảo, những cánh hoa rạng rỡ trong ánh mặt trời. Mọi người đi bộ dọc trên đường, ngồi trên ghế đá và nhâm nhi tách trà.
Mariam hầu như không thể tin được là cô đang ở đây. Trái tim cô đập liên hồi vì phấn khích. Cô ước gì Giáo sĩ Faizullah có thể thấy cô lúc này. Ông sẽ thấy cô mới gan dạ làm sao. Thật dũng cảm biết bao! Cô đã chọn cho mình một cuộc sống mới đang chờ đợi cô ở thành phố này, một cuộc sống với bố, với các anh chị em, một cuộc sống nơi cô sẽ trao đi và được nhận lại tình yêu thương, nơi không có sự chờ đợi, e dè hay hổ thẹn.
Cô tung tăng bước trở lại con đường lớn gần công viên. Cô đi qua những người bán hàng rong già nua, khuôn mặt nhăn nheo đang ngồi dưới bóng cây tiêu huyền, bình thản nhìn cô từ phía sau những tháp trái sê ri và đụn nho. Những cậu bé chân trần chạy đuổi theo ô tô và xe bus, tay huơ huơ mấy túi quả mộc qua. Mariam đứng ở góc đường quan sát dòng người qua lại mà không thể hiểu tại sao họ có thể thờ ơ như vậy trước những điều kỳ diệu ở xung quanh.
Sau một lúc, cô lấy hết dũng khí hỏi thăm một người đàn ông đứng tuổi sở hữu chiếc gari có la kéo, xem ông ấy có biết Jalil, chủ rạp phim, sống ở đâu không. Ông già có hai má phúng phính và mặc chiếc chapan* bảy sắc cầu vồng. “Cháu không sống ở Herat có phải không?” ông nói vẻ thân thiện. “Mọi người đều biết Jalil Khan sống ở đâu.”
“Ông có thể chỉ cho cháu được không?”
Ông già bóc một chiếc kẹo bơ cứng bọc trong giấy và nói, “Cháu đi một mình à?”
“Vâng ạ.”
“Trèo lên đây. Ông sẽ đưa cháu đi.”
“Cháu không thể trả tiền cho ông. Cháu không có tiền.”
Ông đưa cho cô bé chiếc kẹo. Ông nói rằng ông không có khách đã hai tiếng rồi và đằng nào cũng đang định về nhà. Nhà Jalil trên đường ông đi về.
Mariam trèo lên chiếc gari. Họ ngồi im lặng cạnh nhau. Trên đường tới đó, Mariam nhìn thấy những cửa hàng bán thảo dược và nhiều dãy kệ hàng nơi khách hàng mua cam và lê, sách, khăn choàng, thậm chí cả chim ưng nữa. Trẻ con chơi bi trong những vòng tròn vẽ dưới đất. Bên ngoài các tiệm trà, trên bục gỗ có trải thảm, cánh đàn ông vừa uống trà vừa hút tẩu thuốc.
Ông già cho xe rẽ vào một con đường rộng nằm giữa hai hàng cây vân sam. Được nửa đường thì ông cho ngựa dừng lại.
“Ở kia kìa. Có vẻ cháu gặp may rồi, dokhtar jo*. Xe của ông ấy kìa.
Mariam nhảy xuống. Ông già mỉm cười và đánh xe đi tiếp.
—★—
Mariam chưa từng được chạm vào xe hơi. Cô bé lướt tay quanh cái mui xe của Jalil, một chiếc xe hơi màu đen, bóng nhoáng, với những vành xe sáng choang nơi Mariam có thể nhìn thấy được hình ảnh của mình bị dẹt đi và kéo rộng ra. Ghế xe được làm bằng da màu trắng. Đằng sau bánh lái, Mariam nhìn thấy những bảng điều khiển ốp kính gắn kim đồng hồ bên trong.
Trong một thoáng, Mariam nghe thấy giọng nói của mẹ Nana vang lên trong đầu, nhạo báng và dập tắt những hy vọng âm ỉ, le lói trong cô. Đôi chân run run, Mariam tiến tới cửa trước của ngôi nhà. Cô đặt tay lên tường. Những bức tường nhà bố Jalil mới cao làm sao, mới ẩn tàng nhiều bất trắc làm sao. Cô phải nghển cổ mới thấy được những ngọn cây bách nhô ra từ phía bên kia. Những ngọn cây đung đưa trong gió và cô tưởng tượng thấy chúng đang gật đầu đón chào cô. Mariam phải cố trấn tĩnh lại khi đột nhiên cảm thấy mình mất hết can đảm.
Một cô gái trẻ đi chân trần ra mở cửa. Chị ta có một hình xăm ở dưới môi dưới.
“Em đến gặp Jalil Khan. Em là Mariam. Con gái của ông ấy.”
Gương mặt cô gái thoáng một chút bối rối. Rồi chị nhanh chóng nhớ ra. Chị hơi mỉm cười và có phần hồ hởi. “Đợi ở đây nhé,” chị nói nhanh.
Cánh cửa đóng lại.
Vài phút trôi qua. Rồi một người đàn ông ra mở cửa. Ông ta dáng người cao, vai vuông vức, đôi mắt ngái ngủ và gương mặt điềm tĩnh.
“Tôi là tài xế của Jalil Khan,” ông ta nói, giọng khá tử tế.
“Là gì của ông ấy cơ ạ?”
“Là lái xe của ông ấy. Jalil Khan không có ở đây.”
“Cháu nhìn thấy xe của ông ấy,” Mariam nói.
“Ông ấy đi vắng vì bận việc gấp.”
“Khi nào thì ông ấy về ạ?”
“Ông ấy không nói.”
Mariam nói cô sẽ đợi.
Ông ta đóng cổng lại. Mariam ngồi xuống, thu gối vào sát ngực. Trời sắp tối rồi và cô dần cảm thấy ngày càng đói. Cô ăn chiếc kẹo bơ cứng của người đánh xe gari. Một lát sau, người lái xe lại xuất hiện.
“Cháu phải về nhà đi,” ông ta nói. “Không đầy tiếng nữa thôi là trời tối rồi.”
“Cháu quen với bóng tối rồi.”
“Trời cũng sẽ lạnh đấy. Bác lái xe đưa cháu về nhà nhé? Bác sẽ bảo với ông ấy là cháu đã đến đây.”
Mariam nhìn ông chăm chăm.
“Thế thì bác sẽ đưa cháu đến khách sạn. Ở đó cháu có thể ngủ thoải mái. Sáng mai chúng ta sẽ xem xem có thể làm gì.”
“Cho cháu vào trong nhà đi.”
“Bác đã được lệnh không được làm thế. Nghe này, không ai biết được khi nào ông ấy sẽ về. Có thể mất nhiều ngày đấy.”
Mariam khoanh tay.
Người lái xe thở dài và nhìn cô bé với ánh mắt hơi trách móc.
Những năm sau đó, nhiều lần Mariam đã suy nghĩ không biết cuộc đời của cô sẽ như thế nào nếu cô để người lái xe đưa quay trở về kolba. Nhưng cô đã từ chối. Cô ở cả đêm bên ngoài nhà của Jalil. Cô nhìn màn đêm buông xuống, ngắm bóng tối dần nhấn chìm những dãy nhà xung quanh. Cô gái có hình xăm mang cho cô một ít bánh mì và một đĩa cơm nhưng Mariam nói cô không muốn ăn. Cô gái đặt đồ ăn xuống cạnh Mariam. Thỉnh thoảng, Mariam nghe thấy tiếng bước chân trên phố, tiếng những cánh cửa mở ra, tiếng chào nhau khe khẽ. Đèn điện được bật lên và những ô cửa sổ tỏa ánh sáng nhàn nhạt. Mấy con chó cất tiếng sủa. Khi không thể chịu nổi cái đói nữa, Mariam ăn đĩa cơm và cái bánh mì. Rồi cô nghe thấy tiếng dế kêu ngoài vườn. Trên đầu, mây trôi che khuất ánh trăng lay lắt.
Đến sáng, Mariam bị lay dậy. Mariam nhận ra đêm qua, ai đó đã đắp cho cô một cái chăn.
Người lái xe đang lay vai cô.
“Thế này là đủ rồi. Cháu làm loạn hết lên rồi đấy. Rối tung hết cả. Đã đến lúc phải đi rồi.”
Mariam ngồi dậy, dụi dụi mắt. Lưng và cổ cô đều đau nhức. “Cháu sẽ đợi ông ấy.”
“Nhìn ta đây này,” ông ta nói. “Jalil Khan nói rằng ta phải đưa cháu quay về bây giờ. Ngay bây giờ. Cháu có hiểu không? Chính Jalil Khan nói như vậy.”
Người đàn ông mở cánh cửa khách phía sau dẫn vào trong xe. “Bia, đi nào,” ông ta nói nhẹ nhàng.
“Cháu muốn gặp ông ấy,” Mariam nói. Nước mắt cô giàn giụa.
Người lái xe thở dài. “Để ta đưa cháu về nhà. Đi nào, dokhtar jo.”
Mariam đứng lên đi về phía ông. Nhưng rồi, đến phút chót, cô đổi hướng và chạy về phía cổng trước. Cô cảm thấy những ngón tay của người lái xe đang lóng ngóng tóm lấy vai cô. Cô đẩy ông ta ra và lao qua cánh cổng đang mở.
Chỉ trong vài giây, Mariam đã ở trong vườn nhà Jalil, mắt dán chặt vào một khu nhà kính có cây cối bên trong, cả những cây nho quấn quanh dàn gỗ, một cái hồ cá bằng đá xám, cây ăn quả và những bụi hoa tươi sáng có mặt khắp mọi nơi. Ánh mắt cô lướt qua tất cả những thứ này trước khi bắt gặp một khuôn mặt ở cửa sổ trên tầng. Gương mặt đó chỉ xuất hiện trong một giây nhưng thế cũng đủ rồi. Đủ để Mariam nhìn thấy đôi mắt mở to và cái miệng há hốc. Rồi nó biến mất. Một bàn tay hiện ra và vội vàng kéo dây. Rèm cửa sập xuống.
Sau đó, có một đôi tay xốc nách và nhấc cô lên khỏi mặt đất. Chân Mariam giãy giụa. Những viên sỏi rơi ra khỏi túi áo. Mariam tiếp tục giãy giụa và kêu khóc trong lúc cô được mang ra ô tô và được đặt xuống chiếc ghế sau bọc da lạnh lẽo.
—★—
Người lái xe vừa lái vừa nói với giọng an ủi. Mariam không nghe ông nói. Trên suốt chặng đường, cô lăn lộn trên ghế sau và khóc. Đó là giọt nước mắt của sự đau đớn, của nỗi căm giận, của những ảo tưởng bị tan vỡ. Nhưng hơn hết, đó là những giọt nước mắt của nỗi hổ thẹn sâu sắc bởi cô đã ngu ngốc làm sao khi đã toàn tâm toàn ý vì Jalil, khi đã phải đắn đo mặc chiếc váy gì, đắn đo về chiếc hijab không hợp màu, rồi còn phải đi bộ cả chặng đường để đến đây, kiên quyết không rời đi, ngủ trên đường như một con chó lạc. Và cô thấy hổ thẹn vì đã không đếm xỉa đến ánh mắt buồn khổ và đôi mắt sưng húp của mẹ. Mẹ Nana đã cảnh báo cô, và tới giờ bà đã hoàn toàn đúng.
Mariam không ngừng nghĩ đến khuôn mặt của ông bên cửa sổ trên tầng. Ông để cô ngủ ngoài đường. Trên đường phố. Mariam nằm xuống mà khóc. Cô không ngồi lên, không muốn bị nhìn thấy. Cô tưởng tượng ra cảnh sáng nay cả Herat đã thấy cô tự làm nhục bản thân như thế nào. Cô ước gì Giáo sĩ Faizullah đang ở đây để cô có thể dụi đầu vào lòng ông và để ông xoa dịu nỗi đau này.
Được một lúc, con đường trở nên gập ghềnh hơn và mũi xe cứ chĩa dần lên. Họ đang trên con đường dốc ngược nằm giữa Herat và Gul Daman.
Cô sẽ nói gì với mẹ Nana đây, Mariam tự hỏi mình. Cô sẽ xin lỗi mẹ như thế nào? Thậm chí làm sao mà cô có thể đối diện với mẹ bây giờ?
Chiếc xe dừng lại và người lái xe giúp cô bước ra ngoài. “Ta sẽ dẫn cháu về nhà,” ông nói.
Cô để ông đưa sang đường và đi lên con đường mòn. Ven đường có những cây kim ngân mọc và cả cỏ sữa đang vươn mình. Ong kêu vo vo trên những bông hoa dại sáng lấp loáng. Người lái xe cầm tay cô và giúp cô qua suối. Rồi ông để cô tự đi và nói về chuyện đợt gió kéo dài một trăm hai mươi ngày nổi tiếng của Herat sắp bắt đầu thổi, suốt từ giữa sáng cho đến tối, và chuyện những con ruồi cát sẽ bước vào bữa tiệc ăn uống điên cuồng, và rồi đột nhiên ông đứng sững lại trước mặt cô, cố gắng che mắt cô và vừa đẩy cô quay ngược lại con đường vừa nói, “Quay trở lại! Không! Đừng nhìn. Quay lại. Quay trở lại!”
Nhưng không còn kịp nữa rồi. Mariam đã nhìn thấy. Một cơn gió mạnh chợt thổi rẽ tấm rèm bằng những cành liễu rủ và Mariam nhìn thấy thứ đang hiển hiện dưới gốc cây: chiếc ghế có lưng tựa bị đổ lật ngược. Sợi dây thừng thõng xuống từ một cành cây cao. Mẹ Nana đang treo lủng lẳng ở đầu dây.