Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ - Khaled Hosseini - Chương 1.2
Họ chôn Nana ở một góc nghĩa địa làng Gul Daman.
Mariam đứng bên cạnh Bibi jo cùng với những người đàn bà khác trong khi Giáo sĩ Faizullah đọc lời cầu nguyện bên huyệt còn cánh đàn ông hạ thi thể được bọc vải liệm của Nana xuống đất. Rồi Jalil đi với Mariam về kolba. Ở đó, trước sự chứng kiến của những dân làng đi cùng, ông ta trình diễn một màn kịch hết sức lâm ly về sự quan tâm chăm sóc đối với Mariam. Ông ta thu nhặt một số đồ đạc của cô, bỏ vào trong một chiếc va li. Ông ta ngồi cạnh giường, nơi cô nằm, và quạt cho cô. Ông ta xoa trán cho cô, và, với vẻ mặt thiểu não, ông ta hỏi liệu cô có cần bất cứ thứ gì không? bất cứ thứ gì? – ông ta đã hỏi như thế, hai lần.
“Con muốn Giáo sĩ Faizullah,” Mariam nói.
“Tất nhiên là được rồi. Ông ấy đang ở ngoài kia. Để bố tìm ông ấy cho con.”
Khi bóng dáng mảnh khảnh, còng còng của Giáo sĩ Faizullah xuất hiện ở ngưỡng cửa kolba, Mariam bật khóc lần đầu tiên trong ngày hôm đó.
“Ôi, Mariam yêu quý.”
Giáo sĩ ngồi xuống cạnh cô và đưa hai tay ôm lấy khuôn mặt cô. “Cứ khóc đi con, Mariam yêu quý. Khóc đi. Không có gì phải hổ thẹn. Nhưng con hãy nhớ, con gái ta ạ, rằng kinh Koran đã dạy, ‘Đức Cao Cả, bàn tay Người là Vương quốc, và Người có quyền lực đối với vạn vật, Người tạo ra cái chết và sự sống, và Người có thể làm điều đó với mọi người chúng ta.’ Kinh Koran nói đúng, con gái ạ. Trong mỗi thử thách và mỗi sự đau khổ mà Người đặt lên vai chúng ta, Thượng đế đều có lý do của mình.”
Nhưng Mariam không thể tìm thấy sự an ủi trong những lời về Thượng đế. Không phải trong ngày hôm ấy. Không phải sau đó. Tất cả những gì cô có thể nghe thấy là lời mẹ Nana, Mẹ sẽ chết nếu con đi. Mẹ sẽ chết. Và tất cả những gì mà cô có thể làm là khóc, khóc và khóc, để những giọt nước mắt của mình rơi xuống làn da đồi mồi mỏng dính trên đôi tay Giáo sĩ Faizullah.
—★—
Trên chuyến xe quay trở lại nhà mình, Jalil ngồi ở ghế sau cùng Mariam, tay ông ta quàng qua vai cô.
“Con có thể ở với bố, Mariam thân yêu,” ông nói. “Bố đã yêu cầu người ta dọn dẹp phòng cho con. Phòng đó ở trên tầng. Bố nghĩ con sẽ thích nó. Từ trên phòng con có thể nhìn thấy khu vườn.”
Lần đầu tiên Mariam có thể nghe thấy những lời ông ta nói bằng đôi tai của mẹ Nana. Bây giờ thì cô có thể nghe thấy một cách rõ ràng sự giả tạo luôn ẩn chứa trong đó, những lời không thành thật, sự dối trá trơ trẽn. Cô không sao nhìn ông ta được.
Khi xe dừng lại trước cổng nhà Jalil, người lái xe mở cửa cho họ và mang va li của Mariam vào nhà. Jalil đỡ cô vào, hai bàn tay ôm lấy vai cô, dẫn cô đi qua cũng những cánh cổng mà hai ngày trước đây, Mariam đã phải ngủ bên ngoài, trên lề đường, để đợi ông ta. Hai ngày trước đây – khi Mariam không thể nghĩ ra được trên đời này lại có bất kỳ điều gì mà cô mong muốn hơn là được đi cùng với Jalil trong khu vườn này – dường như đã thuộc về một đời sống khác. Tại sao cuộc đời cô có thể đảo ngược một cách nhanh chóng đến như vậy, Mariam tự hỏi bản thân mình. Cô nhìn chằm chặp xuống đất, xuống hai bàn chân mình, xuống lối đi lát đá xám. Cô cảm nhận thấy sự có mặt của nhiều người trong khu vườn, đang thì thầm, đang bước tránh sang bên khi cô và Jalil đi qua. Cô cảm nhận thấy những ánh mắt từ các cửa sổ tầng trên đang đè nặng lên mình.
Cả khi ở trong nhà cũng thế, Mariam cứ cúi gằm mặt xuống đất. Cô bước đi trên một tấm thảm màu hạt dẻ với các hoa văn hình bát giác màu xanh và vàng lặp đi lặp lại, loáng thoáng nhìn thấy những chiếc đế tượng bằng cẩm thạch, nửa dưới của những chiếc bình, những mép sờn của các tấm thảm màu sắc sặc sỡ treo trên các bức tường. Cầu thang nơi cô và Jalil đi rộng rãi và được phủ bằng những tấm thảm cùng loại, đóng đinh vào mỗi bậc cầu thang. Tới đầu cầu thang, Jalil dẫn cô rẽ sang bên trái, theo một hành lang dài trải thảm. Ông dừng lại trước một cánh cửa, mở nó ra và đưa cô vào trong.
“Các em gái Niloufar và Atieh của con thỉnh thoảng chơi ở đây,” Jalil nói, “nhưng thường thì chúng ta để dành phòng này cho khách. Bố nghĩ con sẽ cảm thấy thoải mái ở đây. Căn phòng đẹp, phải thế không?”
Trong phòng có một cái giường trải tấm chăn màu xanh in hoa được dệt chặt theo kiểu tổ ong. Rèm cửa đồng màu với tấm chăn, được kéo sang một bên để lộ ra khu vườn phía dưới. Bên cạnh giường là một cái tủ ba ngăn với một bình hoa đặt ở trên. Dọc quanh tường là những chiếc giá, trên đó đặt những bức ảnh đóng khung chụp những người mà Mariam không biết. Trong một cái giá, Mariam thấy một bộ sưu tập những con búp bê gỗ giống nhau, được sắp xếp theo thứ tự kích thước giảm dần.
Jalil thấy cô đang nhìn chúng. “Đó là búp bê Matryoshka. Bố mua chúng ở Moskva. Con có thể chơi với chúng nếu con muốn. Sẽ không ai để ý đâu.”
Mariam ngồi xuống giường.
“Con có muốn gì không?” Jalil hỏi.
Mariam nằm xuống. Nhắm mắt lại. Sau một chốc, cô nghe thấy tiếng Jalil khẽ đóng cánh cửa.
—★—
Ngoại trừ khi phải dùng nhà tắm ở dưới sảnh, còn lại Mariam ở lì trong phòng. Cô gái có hình xăm, người đã mở cửa cho cô bữa trước, mang thức ăn đến cho cô trong một cái khay: kebab thịt cừu, sabzi, xúp aush. Hầu như Mariam không đụng đến thứ gì. Jalil ghé qua vài lần trong ngày, ngồi trên giường cạnh cô và hỏi xem cô có ổn không.
“Con có thể ăn ở dưới nhà với chúng ta,” ông ta nói, nhưng giọng không chắc chắn lắm. Ông ta đồng ý một cách hơi quá nhiệt tình khi Mariam nói cô muốn ăn một mình hơn.
Từ cửa sổ, Mariam dửng dưng nhìn những gì mà cô đã từng tò mò và mong muốn được nhìn thấy nhất trong cuộc đời mình: những việc xảy ra trong đời sống thường nhật của Jalil. Những người phục vụ hối hả vào ra qua cổng trước. Một người làm vườn không ngơi tay cắt tỉa các bụi cây và tưới cây trong nhà kính. Những chiếc xe có mui dài, bóng láng đỗ ở trên phố. Từ trong đó chui ra những người đàn ông mặc com lê, chapan và đội mũ da cừu, những người đàn bà choàng hijab, những đứa trẻ con đầu tóc chải gọn gàng. Và khi Mariam nhìn thấy Jalil bắt tay những người lạ kia, khi cô nhìn thấy ông đặt tay trước ngực và cúi đầu chào các bà vợ của họ thì cô hiểu rằng mẹ Nana đã nói đúng. Cô không thuộc về nơi này.
Nhưng mình thuộc về đâu? Mình phải làm gì bây giờ?
Mẹ là tất cả những gì con có trên thế gian này, Mariam ạ, và khi mẹ chết đi con sẽ chẳng có gì cả. Con sẽ chẳng có gì cả. Con cũng chẳng là gì hết!
Giống như những cơn gió thổi qua rặng liễu xung quanh kolba, từng đợt bóng tối mơ hồ cứ ào qua Mariam.
Trong ngày thứ hai Mariam ở nhà Jalil, có một đứa bé gái bước vào phòng cô.
“Em phải lấy cái này,” nó nói.
Mariam ngồi dậy khoanh chân trên giường, kéo tấm chăn vào lòng.
Cô bé vội vã băng qua phòng và mở cửa tủ quần áo. Nó lấy ra một cái hộp vuông màu xám.
“Chị có biết đây là cái gì không?” nó hỏi. Nó mở chiếc hộp. “Nó là cái máy hát. Máy. Hát. Nó quay đĩa. Chơi nhạc ấy. Một cái máy hát.”
“Em là Niloufar. Em tám tuổi.”
Đứa bé gái mỉm cười. Nó có điệu cười của Jalil và cái cằm chẻ của ông. “Sao chị biết?”
Mariam nhún vai. Cô không bảo với nó rằng có lần cô đã lấy tên nó để đặt cho một viên sỏi.
“Chị có muốn nghe một bài hát không?”
Mariam lại nhún vai.
Niloufar cắm điện cho cái máy hát. Nó lấy ra một cái đĩa hát nhỏ từ cái túi da bên dưới nắp hộp. Nó bỏ đĩa vào và hạ thấp kim máy hát. Bản nhạc bắt đầu nổi lên.
Em sẽ lấy cánh hoa làm giấy,
Và viết cho anh bức thư ngọt ngào nhất,
Anh là quốc vương của trái tim em,
Là quốc vương của trái tim em.
“Chị có biết bài này không?”
“Không.”
“Nó ở trong một bộ phim của Iran đấy. Em đã xem phim đó ở rạp của bố em. Này, chị có muốn xem cái này không?”
Trước khi Mariam kịp trả lời, Niloufar đã chống tay và trán xuống dưới sàn. Nó đẩy chân lên và sau đó trồng cây chuối, đầu cắm xuống.
“Chị làm được không?” nó hỏi một cách khó khăn.
“Không.”
Niloufar hạ chân xuống và kéo áo lại. “Em có thể dạy chị,” nó nói, rẽ tóc ra khỏi vầng trán đỏ ửng. “Thế chị sẽ ở đây trong bao lâu?”
“Chị không biết.”
“Mẹ em nói chị không phải là chị thật của em như chị nói.”
“Chị chưa bao giờ nói thế cả,” Mariam nói dối.
“Mẹ em bảo chị đã nói thế. Em không quan tâm. Ý em là, em không quan tâm có phải chị đã nói thế không, hay là chị có phải chị em thật không. Em không quan tâm.”
Mariam nằm xuống. “Chị thấy mệt.”
“Mẹ em nói jinn đã làm cho mẹ chị treo cổ tự tử.”
“Em có thể thôi được rồi,” Mariam nói và xoay lưng lại. “Ý chị là cái đĩa hát ấy.”
Ngày hôm đó, Bibi jo cũng đến thăm cô. Khi bà đến thì trời đang mưa. Bà hạ tấm thân phục phịch xuống chiếc ghế bên cạnh giường và nhăn mặt vì đau.
“Cơn mưa nó hành hạ cái hông của ta, Mariam yêu quý ạ. Thật là quái ác. Ta mong rằng… Ôi, lại đây nào, con gái bé bỏng. Lại đây với Bibi jo. Đừng khóc. Thế, được rồi. Con thật tội nghiệp. Thật tội nghiệp.”
Đêm đó, Mariam trằn trọc mãi mà không ngủ được. Cô nằm trên giường nhìn lên bầu trời, lắng nghe tiếng bước chân ở phía dưới, những âm thanh bị nghẹn lại bởi các bức tường và từng làn nước mưa tạt vào cửa sổ. Đang lơ mơ ngủ thì cô choàng tỉnh dậy bởi tiếng la hét. Âm thanh vọng từ dưới cầu thang, chói tai và giận dữ. Mariam không nghe rõ được tiếng nào. Có ai đó đóng sầm cánh cửa.
Buổi sáng ngày hôm sau, Giáo sĩ Faizullah đến thăm cô. Khi nhìn thấy người bạn của mình ở trước cửa, thấy chòm râu bạc và nụ cười móm mém hiền hậu của ông, Mariam lại có cảm giác nước mắt chực trào ra ở khóe mắt. Cô vung chân qua giường chạy ào tới. Cô hôn tay ông như vẫn thường làm và ông hôn lên trán cô. Cô kéo ghế cho ông ngồi.
Ông chỉ cho cô cuốn kinh Koran mà ông mang theo và mở nó ra. “Ta thấy là không có lý gì mà bỏ qua bài học của chúng ta, phải không?”
“Ông biết là con không cần đến những bài học này nữa mà, thưa Giáo sĩ. Ông đã dạy con tất cả những surrah* và ayat* trong kinh Koran từ mấy năm rồi.”
Ông mỉm cười giơ cánh tay lên làm điệu bộ đầu hàng. “Thế thì ta đành thú nhận vậy. Ta đã lấy cớ thôi. Nhưng ta không tìm được lý do nào tốt hơn để tới thăm con.”
“Ông không cần phải có lý do đâu ạ. Đối với ông thì không cần.”
“Con thật tốt khi nói những lời đó, Mariam yêu quý ạ”
Ông đưa cho cô quyển kinh Koran. Và như ông đã dạy, cô hôn nó ba lần, cứ sau mỗi lần hôn cô lại chạm nó vào trán, rồi đưa trả lại ông.
“Con thế nào, con gái của ta?”
“Con cứ…” Mariam cất tiếng. Cô phải dừng lại, cảm thấy như có một khối đá chèn trong cổ họng. “Con cứ nghĩ mãi về những điều mẹ con đã nói trước khi con bỏ đi. Mẹ…”
“Không, không, không.” Giáo sĩ Faizullah đặt bàn tay lên đầu gối cô. “Mẹ của con, mong đức Allah tha thứ cho bà ấy, là một phụ nữ rắc rối và bất hạnh, Mariam yêu quý ạ. Bà ấy đã làm một điều tồi tệ đối với bản thân mình. Với bản thân bà ấy, với con và với cả đức Allah nữa. Người sẽ tha thứ cho bà ấy, vì Người tha thứ cho tất cả, nhưng Allah rất buồn lòng bởi việc bà ấy đã làm. Người không đồng tình với việc lấy đi một mạng sống, dù là mạng sống của người khác hay là của chính bản thân, bởi vì Người nói rằng cuộc sống là thiêng liêng. Con biết đấy…” Ông kéo ghế lại gần hơn, nắm bàn tay Mariam trong hai tay mình. “Con biết đấy, ta biết mẹ con từ trước khi con ra đời, từ khi mẹ con còn là một cô bé, và ta có thể nói với con ngay từ hồi đó mẹ con đã bất hạnh rồi. Ta e rằng cội rễ cho những việc bà ấy làm đã nảy nở từ rất lâu. Điều ta muốn nói đó là chuyện đó không phải do lỗi của con. Nó không phải do lỗi của con, con gái ạ.”
“Lẽ ra con không nên rời bỏ mẹ. Lẽ ra con…”
“Đừng nghĩ như thế nữa. Những ý nghĩ đó là không tốt, Mariam ạ. Con nghe ta nói không? Không tốt. Chúng sẽ hủy hoại con. Đó không phải lỗi của con. Đó không phải lỗi của con. Hoàn toàn không.”
Mariam gật đầu, nhưng dù mong muốn đến tuyệt vọng thì cô cũng không thể ép mình nghe theo những lời nói của ông.
—★—
Vào một buổi chiều của tuần lễ tiếp theo, có tiếng gõ cửa và một người phụ nữ dáng người dong dỏng bước vào. Bà có làn da trắng, mái tóc hung đỏ và móng tay để dài.
“Tôi là Afsoon, mẹ của Niloufar,” bà nói. “Cháu tắm rửa rồi xuống nhà dưới nhé.”
Mariam nói rằng cô muốn được ở trong phòng hơn.
“Không, na fahmidi, cháu không hiểu rồi. Cháu phải xuống. Chúng ta có chuyện muốn nói với cháu. Đó là chuyện quan trọng.”
—★—
Jalil và các bà vợ của ông ta ngồi đối diện Mariam, phía bên kia cái bàn dài màu nâu thẫm. Ở giữa họ, chính giữa của chiếc bàn, là một bình pha lê cắm hoa cúc vạn thọ và một bình nước đang tỏa hơi nước lên thành. Người đàn bà tóc đỏ, người đã tự giới thiệu là mẹ của Niloufar, tên là Afsoon, ngồi bên phải Jalil. Hai người khác, Khadija và Nargis, ngồi bên trái. Mỗi bà vợ đều mang một cái khăn đen mỏng, họ không đội nó trên đầu mà buộc hờ quanh cổ như là một thứ phụ trang, vốn dĩ không thể tưởng tượng được rằng họ lại mặc đồ đen để để tang cho Nana nên Mariam cho một trong số bọn họ, mà cũng có thể là Jalil, đã gợi ý điều đó ngay trước khi họ gọi cô xuống.
Afsoon rót nước từ cái bình và đặt một cốc trước mặt Mariam, trên cái khay vải kẻ ô vuông. “Mới mùa xuân mà trời đã ấm rồi,” bà nói. Bà làm điệu bộ quạt tay.
“Cháu có cảm thấy thoải mái khi ở đây không?” Nargis hỏi, bà có cái cằm nhỏ và mái tóc màu đen lượn sóng. “Chúng ta hy vọng cháu cảm thấy thoải mái. Sự… thử thách này… hẳn là rất nặng nề đối với cháu. Rất khó khăn.”
Hai người kia gật đầu. Mariam thấy những hàng mi được tỉa tót của họ, những cái cười khẽ và thương cảm họ dành cho cô. Có tiếng ong ong khó chịu trong đầu cô. Cổ họng cô khô cháy. Cô uống một chút nước.
Qua ô cửa sổ rộng phía sau Jalil, Mariam có thể nhìn thấy một hàng táo đang trổ hoa. Sát bức tường cạnh cửa sổ có một cái tủ gỗ tối màu. Trong đấy có một cái đồng hồ, một bức ảnh đóng khung chụp Jalil và ba đứa con trai đang nâng một con cá. Ánh nắng chiếu lấp lánh trên vẩy cá. Jalil và mấy đứa con trai đang cười toe toét.
“Ừm,” Afsoon bắt đầu. “Tôi… thế này, chúng tôi… gọi cháu xuống đây bởi vì chúng tôi có một vài tin tức rất tốt lành cho cháu.”
Mariam ngước lên.
Cô bắt gặp cái liếc mắt của những người đàn bà về phía Jalil, lúc này đang ngồi thõng người trên ghế nhìn đờ đẫn vào cái bình nước trên bàn. Sau đó Khadija, bà vợ có vẻ lớn tuổi nhất, quay sang nhìn Mariam chằm chằm, và Mariam có cảm giác rằng ngay cả cái nhiệm vụ này nữa cũng đã được họ bàn bạc trước, phân công nhau trước khi gọi cô.
“Cháu có một người tới cầu hôn,” Khadija nói.
Mariam rụng rời. “Một gì ạ?” cô nói qua đôi môi đã đột nhiên tê cứng.
“Một khastegar. Một người cầu hôn. Tên anh ta là Rasheed,” Khadija tiếp tục. “Anh ta là bạn của một người làm ăn quen với bố cháu. Anh ta là người Pashtun, sinh ra ở Kandahar, nhưng sống ở Kabul, ở quận Deh-Mazang và có một căn nhà hai tầng ở đó.”
Afsoon gật đầu. “Và anh ta cũng nói tiếng Farsi như chúng ta, như cháu. Bởi vậy cháu sẽ không phải học nói tiếng Pashto.”
Ngực Mariam thắt lại. Căn phòng nghiêng ngả, đất sụt xuống dưới chân cô.
“Anh ta là thợ đóng giày,” bây giờ thì là Khadija nói. “Nhưng không phải cái kiểu moochi làm giày bình thường bên lề phố đâu, không, không phải thé. Anh ta có cửa hiệu riêng, và là một trong những người đóng giày đắt hàng nhất ở Kabul. Anh ta làm giày cho các nhà ngoại giao, các thành viên của gia đình tổng thống – cho những người thuộc tầng lớp đó. Cháu thấy đấy, anh ta sẽ không khó khăn gì trong việc chu cấp cho cháu.”
Mariam dán chặt mắt vào Jalil, trái tim cô lộn nhào trong lồng ngực. “Có phải thế không? Những điều bà ấy nói có phải thật không?”
Nhưng Jalil không nhìn cô. Ông ta tiếp tục cắn môi chăm chăm nhìn cái bình nước.
“Anh ta thì lớn tuổi hơn cháu một chút,” Afsoon nói xen vào. “Nhưng anh ta không thể nhiều hơn… bốn mươi. Cùng lắm là bốn mươi lăm. Có phải thế không, Nargis?”
“Đúng thế. Nhưng tôi còn thấy các cô gái chín tuổi được gả cho những người đàn ông lớn hơn hôn phu của cháu hai mươi tuổi cơ, Mariam ạ. Tất cả chúng ta đều đã gặp những trường hợp đó. Cháu thì sao nhỉ, mười lăm à? Tuổi đó với con gái là thích hợp để lấy chồng rồi.” Những người khác hăng hái gật đầu phụ họa. Nhưng Mariam không thể thoát khỏi ý nghĩ rằng không ai đả động gì đến những người chị em cùng cha khác mẹ của cô, Saideh và Naheed, những người cũng cùng độ tuổi với cô, đều đang học tại trường Mehri ở Herat và đều đang có dự định theo học trường Đại học Kabul. Mười lăm hiển nhiên không phải là cái tuổi thích hợp để họ cưới chồng.
“Còn gì nữa nào,” Nargis tiếp tục, “anh ta cũng có những mất mát lớn trong cuộc sống. Chúng tôi được biết là vợ anh ta đã chết khi sinh con mười năm trước đây. Và sau đó, cách đây ba năm, đứa con trai của anh ta chết đuối trong một cái hồ.”
“Chuyện đó thật buồn, đúng thế. Anh ta đã tìm vợ suốt mấy năm, nhưng chưa kiếm được nơi nào phù hợp.”
“Con không muốn,” Mariam nói. Cô nhìn Jalil. “Con không muốn chuyện này. Đừng bắt con làm thế.” Cô ghét cái tiếng sụt sịt, cái giọng van nài của mình nhưng không thể không làm vậy.
“Hãy cư xử đúng mực nào, Mariam,” một trong các bà vợ nói.
Mariam không còn quan tâm ai đang nói nữa. Cô quay sang nhìn chằm chặp vào Jalil, đợi cho ông ta cất tiếng, để nói rằng không có gì trong số những điều này là thật.
“Cháu không thể sống cả đời ở đây được.”
“Cháu không muốn có một gia đình của riêng mình à?”
“Đúng thế. Một căn nhà, những đứa trẻ của riêng cháu?”
“Cháu phải tiến bước chứ.”
“Đúng ra thì sẽ tốt hơn nếu cháu lấy chồng ở đây, một người Tajik, nhưng Rasheed rất khỏe mạnh, và anh ta cũng quan tâm tới cháu. Anh ta có nhà và có công việc. Tất cả vấn đề là ở đó, có phải không nào? Còn Kabul thì là một thành phố xinh đẹp và sôi động. Có thể cháu sẽ không có cơ hội như thế này lần thứ hai đâu.”
Mariam lại hướng về phía các bà vợ.
“Cháu sẽ sống với Giáo sĩ Faizullah,” cô nói. “Ông ấy sẽ cho cháu ở cùng. Cháu biết ông ấy sẽ làm thế.”
“Như thế thật không tốt,” Khadija nói. “Ông ấy già và quá…” Bà cố tìm một từ thích hợp và Mariam hiểu điều bà thực sự muốn nói là ông ấy ở quá gần đây. Cô biết ý họ muốn gì. Cháu có thể sẽ không có cơ hội tốt như thế này lần nữa đâu. Và cả họ cũng thế. Họ cảm thấy xấu hổ nhục nhã bởi việc cô ra đời, và đây là cơ hội để họ xóa bỏ, một lần cho mãi mãi, cái dấu vết cuối cùng của vụ tai tiếng ầm ĩ mà chồng họ gây ra. Cô đang bị người ta tống đi bởi vì cô là hiện thân biết đi đứng và hít thở của nỗi hổ thẹn của họ.
“Ông ấy quá già và yếu,” cuối cùng thì Khadija nói. “Và cháu sẽ làm gì một khi ông ấy qua đời? Cháu sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình ông ấy.”
Giống như cháu đang là gánh nặng đối với bọn ta. Mariam hầu như có thể nhìn thấy những ẩn ngữ không được nói ra từ miệng Khadija, giống như hơi thở đọng thành sương trong một ngày lạnh giá.
Mariam hình dung mình đang ở Kabul, một thành phố lớn, xa lạ và đông đúc, thành phố mà có lần Jalil đã nói với cô là nó nằm cách Herat sáu trăm rưỡi cây số về hướng Đông. Sáu trăm rưỡi cây số. Nơi xa nhất mà cô từng đi tới là hai cây số đi bộ từ kolba tới nhà Jalil. Cô tưởng tượng cảnh mình sẽ sống ở đó, ở Kabul, ở đầu kia của cái khoảng cách không thể tưởng tượng ra đó, sống trong ngôi nhà của một người lạ, chịu đựng tính khí và những yêu cầu, đòi hỏi của ông ta. Cô sẽ phải dọn dẹp, nấu ăn, giặt quần áo cho người đàn ông đó, Rasheed. Và còn nhiều công việc lặt vặt khác nữa – mẹ Nana đã nói cho cô biết những gì các ông chồng thường làm đối với các bà vợ của mình. Chỉ riêng những suy nghĩ về việc ân ái vợ chồng, mà cô tưởng tượng như những hành động hư hỏng và gây đau đớn, cũng đã làm cho cô cảm thấy vô cùng sợ hãi và mồ hôi toát ra khắp người.
Cô lại quay về phía Jalil. “Hãy nói với họ đi. Nói với họ rằng bố không cho phép họ làm thế đi.”
“Thực ra thì bố cháu đã trả lời với Rasheed rồi,” Afsoon nói. “Rasheed đang ở đây, tại Herat; anh ta đã vượt qua bao nhiêu dặm đường từ Kabul tới đây. Nikka* sẽ diễn ra sáng ngày mai, và rồi sẽ có một chuyến xe bus đi Kabul vào buổi trưa.”
“Nói với họ đi!” Mariam gào lên.
Đám đàn bà bây giờ cũng đều im lặng. Mariam cảm thấy họ cũng đang quan sát ông ta. Chờ đợi. Một sự im lặng bao trùm khắp căn phòng. Jalil vẫn ngồi xoay chiếc nhẫn cưới ở ngón tay, khuôn mặt tối sầm và bất lực. Từ bên trong tủ, tiếng đồng hồ vẫn tích tắc đều đều.
“Jalil yêu quý?” cuối cùng thì một bà lên tiếng.
Mắt Jalil nhướng lên chậm rãi, gặp ánh mắt của Mariam, chần chừ trong giây lát, rồi lại cụp xuống. Miệng ông ta mở ra, nhưng tất cả những gì thoát ra từ đó chỉ là một tiếng rên đau đớn.
“Hãy nói gì đi,” Mariam nói.
Rồi thì Jalil nói, với một giọng yếu ớt và buồn tẻ. “Trời ạ, Mariam, đừng làm thế với bố,” ông ta nói như thể chính ông ta mới là người phải chịu trận.
Và, sau khi ông ta nói vậy, Mariam cảm thấy sự căng thẳng trong căn phòng đã biến mất.
Khi các bà vợ của Jalil bắt đầu một đợt trấn an mới – hoạt náo hơn – dành cho cô, Mariam nhìn xuống bàn. Mắt cô lần theo nét tròn trịa của chân bàn, đường cong hình sin ở các góc bàn, ánh sáng mờ mờ phản chiếu từ mặt bàn màu nâu thẫm. Cô nhận ra rằng mỗi khi cô thở ra, trên mặt bàn sẽ đọng lại một lớp sương mỏng, rồi cô biến mất khỏi cái bàn của bố mình.
Afsoon đưa Mariam lên phòng của cô trên lầu. Khi bà đóng cửa, cô nghe thấy tiếng chìa khóa lách cách quay trong ổ.
—★—
Sáng hôm sau, Afsoon đưa cho Mariam một chiếc váy có ống tay dài màu xanh đậm để mặc bên ngoài chiếc quần vải cô tông màu trắng, một cái hijab màu xanh lá cây và một đôi xăng đan.
Cô được đưa tới căn phòng có cái bàn dài màu nâu, chỉ khác bây giờ ở giữa bàn có một bát kẹo quả hạnh bọc đường, một quyển kinh Koran, một tấm mạng che mặt màu xanh lá cây và một cái gương. Hai người đàn ông Mariam chưa từng gặp bao giờ – có lẽ là những người làm chứng, cô nghĩ thế – và một giáo sĩ mà cô không quen đã ngồi ở đó từ trước.
Jalil dắt cô đến một cái ghế. Ông ta mặc bộ com lê màu nâu nhạt và đeo cà vạt đỏ. Tóc ông ta mới gội. Và khi kéo ghế cho cô, ông ta cố gắng mỉm cười khích lệ. Lần này thì Khadija và Afsoon ngồi cùng phía bàn với cô.
Vị giáo sĩ ra hiệu về phía tấm mạng và Nargis gài nó lên đầu Mariam trước khi bà ngồi xuống. Mariam nhìn xuống hai bàn tay mình.
“Có thể gọi anh ta vào được rồi,” Jalil nói với một ai đó.
Mariam ngửi thấy, trước khi nhìn thấy ông ta. Mùi thuốc lá và nước hoa Cologne nồng nặc, không thoang thoảng như mùi của Jalil. Cái mùi hương đó xộc đầy vào mũi cô. Qua tấm mạng, từ khóe mắt của mình, Mariam nhìn thấy một người đàn ông cao lớn, bụng to và bờ vai rộng đang cúi khom ở lối ra vào. Thân hình to lớn của ông ta làm cô há hốc miệng kinh ngạc, và cô phải cụp mắt xuống, trái tim đập loạn nhịp. Cô cảm thấy ông ta ngập ngừng một chút ở lối đi. Rồi ông ta chậm rãi bước những bước nặng nề ngang qua căn phòng. Bát kẹo trên bàn leng keng theo nhịp bước chân của ông ta. Với một tiếng “ừm” lớn trong cổ họng, ông ta thả người xuống chiếc ghế bên cạnh cô. Ông ta thở thành tiếng.
Vị giáo sĩ chào họ. Ông nói đây sẽ không phải là một nikka theo nghi lễ truyền thống.
“Tôi được biết rằng agha* Rasheed đã có vé cho chuyến xe bus sắp xuất phát tới Kabul. Vì vậy, để tiết kiệm thời gian, chúng ta sẽ bỏ qua một số nghi lễ truyền thống để cho mọi việc có thể tiến hành nhanh chóng.”
Vị giáo sĩ nói một vài câu ban phước, giảng vài câu về sự quan trọng của hôn nhân. Ông hỏi Jalil liệu ông có lý do nào để phản đối cuộc hôn nhân này không và Jalil lắc đầu. Sau đó vị giáo sĩ hỏi Rasheed xem ông ta có thực sự mong muốn được kết hôn với Mariam không. Rasheed trả lời, “Có.” Giọng nói khàn đục của ông ta gợi cho Mariam nhớ đến âm thanh của những chiếc lá khô mùa thu nát vụn dưới gót chân.
“Và con, Mariam thân mến, con có chấp nhận người đàn ông này làm chồng mình không?”
Mariam im lặng. Có những tiếng hắng giọng.
“Cô ấy chấp nhận,” một giọng phụ nữ vang lên từ phía cuối bàn.
“Thực ra,” vị giáo sĩ nói, “cô ấy phải tự mình trả lời. Và cô ấy nên đợi tôi hỏi ba lần. Vấn đề là anh ấy cầu hôn cô ấy, chứ không phải ngược lại.”
Ông hỏi lại câu hỏi đó hai lần nữa. Khi Mariam không trả lời, ông lại hỏi thêm một lần, lần này có vẻ thúc bách hơn. Mariam có thể cảm thấy Jalil đang nhấp nhổm trên chiếc ghế bên cạnh cô, có thể cảm thấy những cẳng chân vắt chéo vào nhau rồi duỗi ra bên dưới chiếc bàn. Lại có nhiều tiếng hắng giọng hơn. Một bàn tay nhỏ nhắn, trắng trẻo vươn ra búng một vết bụi ra khỏi mặt bàn.
“Mariam,” Jalil thì thầm.
“Có,” cô run run nói.
Một cái gương được luồn vào phía dưới mạng. Trong gương, Mariam nhìn thấy khuôn mặt của mình trước tiên, đôi lông mày không cong và không sắc nét, mái tóc bẹp dí, đôi mắt xanh buồn rầu và nằm sát nhau đến nỗi ai đó có thể nhầm là cô bị lác. Làn da thô và điểm những vết lốm đốm xám xịt. Cô nghĩ trán cô quá rộng, cằm quá hẹp và môi thì quá mỏng. Ấn tượng chung là một khuôn mặt dài, khuôn mặt hình lưỡi cày hơi giống kiểu mặt chó săn. Ấy thế nhưng Mariam nhận thấy rằng, thật kỳ lạ làm sao, tất cả những nét không đáng nhớ đó tạo nên một khuôn mặt không xinh đẹp, tuy nhiên chẳng hiểu sao lại rất ưa nhìn.
Trong gương, Mariam thoáng nhìn thấy Rasheed lần đầu tiên: khuôn mặt to, vuông, hồng hào; cái mũi khoằm; đôi má ửng đỏ toát lên một sự vui sướng kín đáo; đôi mắt đỏ ngầu, mọng nước; hàm răng ken dày, hai chiếc răng cửa chìa ra ngoài như cái mái hiên; đường viền mái tóc thấp xuống dưới trán đến không tưởng tượng được, chỉ cách khoảng hai đốt tay phía trên đám lông mày rậm rạp; mảng tóc muối tiêu thô dày.
Ánh mắt của họ gặp nhau một thoáng trên mặt gương rồi lại lướt đi.
Đây là gương mặt người chồng của mình, Mariam nghĩ.
Họ đeo cho nhau đôi nhẫn cưới mỏng bằng vàng được Rasheed rút ra từ túi áo khoác. Móng tay của ông ta màu vàng xỉn, giống như phần bên trong của một quả táo thối, một số móng cong vồng lên. Hai bàn tay của Mariam run lên khi cô cố đút chiếc nhẫn vào ngón tay ông ta và Rasheed đã phải giúp cô. Nhẫn của cô hơi chật một chút, nhưng Rasheed không gặp khó khăn gì để ấn nó qua các đốt ngón tay cô.
“Được rồi,” ông ta nói.
“Một chiếc nhẫn đẹp,” một trong số những bà vợ nói. “Trông nó thật tuyệt, Mariam ạ.”
“Tất cả những gì còn phải làm bây giờ là ký vào bản hôn thú,” vị giáo sĩ nói.
Mariam viết tên mình – chữ meem, chữ reh, chữ yah, rồi lại chữ meem* – mọi con mắt đều chăm chú dõi theo tay cô. Lần thứ hai khi Mariam ký tên mình vào một tờ giấy, hai mươi bảy năm sau đó, cũng có mặt một vị giáo sĩ.
“Bây giờ thì các con đã thành vợ chồng,” vị giáo sĩ tuyên bố. “Tabreek. Xin chúc mừng.”
—★—
Rasheed đợi trong một chiếc xe bus màu sắc sặc sỡ. Mariam không thể nhìn thấy ông ta từ phía đuôi xe – nơi cô đang đứng với Jalil, mà chỉ thấy khói từ điếu thuốc của ông ta cuộn lên từ cửa sổ để mở. Xung quanh họ, mọi người đang bắt tay nhau và nói lời từ biệt. Họ hôn lên những cuốn kinh Koran và chuyển cho nhau. Những đứa trẻ đi chân đất nhấp nhô giữa các hành khách, khuôn mặt của chúng bị che khuất sau những khay kẹo cao su và thuốc lá.
Jalil thì đang mải nói với cô rằng Kabul rất đẹp, rằng vị hoàng đế Babur của vương triều Moghul đã yêu cầu chôn cất thi hài của mình ở đó. Mariam biết rằng tiếp theo ông sẽ nói về những khu vườn ở Kabul, những cửa hiệu, cây cối và không khí ở đấy, và rồi chẳng bao lâu nữa cô sẽ ngồi trên xe và ông ta sẽ bước bên cạnh xe, vẫy tay một cách vui vẻ, nhẹ nhàng, thanh thản.
Cô không cho phép mình chấp nhận điều đó.
“Tôi đã từng tôn thờ ông,” cô nói.
Jalil im bặt giữa chừng. Ông ta khoanh tay rồi lại duỗi ra. Một đôi vợ chồng trẻ người Hindu đi ngang qua, người vợ ẵm một đứa bé, còn người chồng kéo theo một cái va li. Jalil dường như thầm cám ơn sự chen ngang đó. Cặp vợ chồng nói xin lỗi và ông ta cười lại một cách lịch sự.
“Vào mỗi ngày thứ Năm, tôi ngồi đó hằng giờ để chờ đợi ông. Tôi đã lo lắng đến phát ốm rằng ông sẽ không tới.”
“Đường dài đấy con ạ. Con nên ăn một chút gì đó.” Ông ta nói sẽ mua cho cô một ít bánh mì và pho mát dê.
“Lúc nào tôi cũng nghĩ tới ông. Tôi thường cầu nguyện rằng ông sẽ sống lâu trăm tuổi. Tôi đã không biết. Tôi đã không biết rằng ông xấu hổ vì tôi.”
Jalil nhìn xuống đất, và, giống như một đứa trẻ to xác, ông ta đào đất bằng mũi giày.
“Ông đã cảm thấy xấu hổ vì tôi.”
“Bố sẽ tới thăm con,” ông ta lẩm bẩm. “Bố sẽ tới Kabul gặp con. Chúng ta sẽ…”
“Không. Không,” cô nói. “Đừng tới. Tôi sẽ không gặp ông đâu. Ông đừng tới. Tôi không muốn nghe gì về ông hết. Không bao giờ. Không bao giờ.”
Ông nhìn cô đầy đau khổ.
“Giữa chúng ta tới đây là hết. Hãy nói lời từ biệt đi.”
“Đừng bỏ đi như thế,” ông ta nói giọng yếu ớt.
“Ông thậm chí còn nhẫn tâm không cho tôi thời gian chào tạm biệt Giáo sĩ Faizullah nữa.”
Cô quay người và đi vòng qua phía bên kia xe. Cô có thể nghe tiếng ông ta đi theo cô. Khi cô với tay lên cánh cửa xe, cô nghe thấy ông ta nói phía sau mình.
“Mariam thân yêu.”
Cô trèo lên bậc xe, và mặc dù từ khóe mắt, cô có thể nhìn thấy Jalil đang bước song song với cô nhưng cô không nhìn ra ngoài cửa sổ. Cô bước xuống phía cuối xe, nơi Rasheed đang ngồi với chiếc va li của cô kẹp giữa hai chân. Cô đã không quay lại để nhìn thấy hai bàn tay của Jalil ép vào cửa kính, khi những đốt ngón tay của ông cứ gõ nhẹ, gõ nhẹ lên đó. Khi chiếc xe bus chồm lên phía trước, cô không quay lại nhìn ông đang chạy theo nó. Và khi chiếc xe đã chạy xa, cô không quay trở lại nhìn bóng ông đang khuất dần, nhìn ông đang biến mất vào trong đám khói bụi.
Rasheed đang chiếm hai chiếc ghế giữa và gần cửa sổ, đặt bàn tay thô kệch của mình lên tay cô.
“Được rồi, cô gái. Nào. Nào,” ông nói. Ông ta nhìn xéo ra ngoài cửa sổ trong khi nói, như thể đang nhìn thấy một cái gì đó thú vị hơn.
—★—
Chập tối ngày hôm sau thì họ tới nhà của Rasheed.
“Chúng ta đang ở Deh-Mazang,” ông nói. Họ đang đứng trên lề đường. Ông xách va li của cô ở một tay còn tay kia mở khóa chiếc cổng gỗ. “Ở phía Tây Nam thành phố. Vườn thú cũng gần đây, cả trường đại học nữa.”
Mariam gật đầu. Cô nhận ra rằng phải rất chăm chú lắng nghe mỗi khi ông ta nói thì mới có thể hiểu được lời ông ta. Cô không quen với phương ngữ Kabul trong tiếng Farsi của ông ta và cái giọng Pashto ẩn dưới đó, thứ ngôn ngữ mẹ đẻ của ông ta ở Kandahar. Trái lại, ông ta dường như không có khó khăn gì để hiểu thứ tiếng Farsi ở Herat của cô.
Mariam vội ngó quanh con đường nhỏ không lát đá chạy qua nhà Rasheed. Nhà cửa trên con đường này nằm sát nhau và có tường chung cộng với khoảng sân nhỏ có tường bao quanh ở phía trước xen giữa chúng với con đường. Hầu hết đều là nhà mái bằng, lát bằng gạch nung, một số trát bùn có màu bụi bặm như màu rặng núi bao quanh thành phố. Các rãnh nước ngăn giữa con đường với vỉa hè ở cả hai phía mang theo dòng nước đục ngầu. Mariam nhìn thấy từng ụ rác chi chít ruồi bâu bừa bãi đây đó trên phố. Nhà Rasheed có hai tầng. Mariam có thể thấy rằng ngôi nhà trước kia từng được sơn xanh.
Khi Rasheed mở cổng trước, Mariam thấy mình đang ở trong một khoảng sân bỏ hoang với những đám cỏ vàng úa mọc um tùm trên những ô đất nhỏ. Mariam nhìn thấy một cái nhà xí ở bên phải hông nhà, bên trái là một cái giếng bơm tay, một hàng cây non đã chết. Gần giếng là phòng để dụng cụ và có một cái xe đạp dựa vào tường.
“Bố em nói là em thích câu cá,” Rasheed nói trong khi họ đi qua sân để vào nhà. Nhà không có sân sau, Mariam thấy thế. “Có mấy thung lũng về phía Bắc. Sông rất nhiều cá. Có thể hôm nào đó tôi sẽ đưa em tới đấy.”
Ông ta mở cửa trước và để cô đi vào nhà.
Nhà Rasheed nhỏ hơn nhiều so với nhà Jalil, nhưng nếu so với kolba của Mariam và Nana thì nó là cả một lâu đài. Có một cái sảnh, một phòng khách ở dưới lầu và một phòng bếp, tại đây ông ta chỉ cho cô xoong chảo, một cái nồi áp suất và một cái bếp dầu hỏa. Phòng khách có một chiếc trường kỷ bọc da màu hồ trăn. Nó có một vết rách ở bên thành được vá lại một cách vụng về. Các bức tường trống không. Có một cái bàn, hai cái ghế mây, hai cái ghế gấp và ở góc nhà có một cái lò gang đen.
Mariam đứng ở giữa phòng khách ngó quanh. Ở kolba, cô có thể chạm đầu ngón tay mình vào trần nhà. Cô có thể nằm trên giường mà vẫn nói được lúc này là mấy giờ bằng cách nhìn vào bóng nắng chiếu qua cửa sổ. Cô biết mở cánh cửa rộng đến chừng nào thì bản lề sẽ kêu kẽo kẹt. Cô biết từng vết xước và chỗ nứt trên cả ba mươi tấm ván sàn. Giờ đây tất cả những thứ quen thuộc đó đã mất đi. Mẹ Nana đã chết, còn cô thì ở đây, trong một thành phố xa lạ, tách biệt với cuộc sống mà cô từng biết giữa những thung lũng và trùng điệp núi non đỉnh cao tuyết phủ và những vùng đất đai cằn cỗi mênh mông. Cô ở trong nhà một người lạ, với tất cả những căn phòng không chút quen thuộc, sặc mùi thuốc lá, với những tủ bếp lạ lẫm chất đầy xoong chảo, với những chiếc rèm cửa nặng nề màu xanh đậm và cái trần nhà mà cô biết mình không thể với tới được. Cái không gian đó làm cho Mariam cảm thấy nghẹt thở. Nỗi thương nhớ khôn nguôi cào xé tâm can cô, về mẹ Nana, về Giáo sĩ Faizullah, về cuộc sống trước kia của cô.
Rồi Mariam òa khóc.
“Sao lại khóc thế?” Rasheed cáu kỉnh hỏi. Ông ta thò tay vào trong túi quần, duỗi các ngón tay của Mariam ra, và đặt vào lòng bàn tay cô một chiếc khăn mùi soa. Rồi ông ta châm một điếu thuốc và dựa lưng vào tường. Ông ta quan sát trong lúc Mariam thấm chiếc khăn tay lên mắt.
“Xong chưa?”
Mariam gật đầu.
“Chắc chứ?”
“Vâng.”
Ông ta nắm khuỷu tay cô dẫn tới cửa sổ phòng khách.
“Cái cửa sổ này nhìn ra hướng Bắc,” ông ta nói, gõ gõ vào mặt kính bằng móng tay trỏ vẹo vọ. “Thẳng ngay phía trước chúng ta kia là núi Asmai. Thấy không? Bên trái là núi Ali Abad. Trường đại học nằm ở chân núi đó. Đằng sau chúng ta, về hướng Đông, em không nhìn thấy được từ đây đâu, là núi Shir Darwaza. Hằng ngày, vào buổi trưa người ta sẽ bắn một phát đại bác từ đấy. Thôi không khóc nữa nào. Tôi bảo rồi.”
Mariam chấm nhẹ lên mắt.
“Tôi không chịu được thứ đó,” ông ta nói, vẻ cau có, “tiếng khóc của phụ nữ. Tôi xin lỗi. Tôi không kiên nhẫn được.”
“Em muốn về nhà,” Mariam nói.
Rasheed thở dài bực bội. Một làn hơi thở nồng nặc mùi thuốc đập vào mặt Mariam. “Tôi sẽ không để bụng chuyện này. Lần này thôi.”
Ông ta lại nắm lấy khuỷu tay cô dẫn lên trên tầng.
Có một hành lang nhỏ sáng mờ mờ và hai phòng ngủ. Cánh cửa căn phòng lớn hơn hé mở. Qua đó, Mariam có thể nhìn thấy nó, cũng như hầu hết các phòng khác trong căn nhà, ít đồ đạc: một cái giường ở trong góc với một cái chăn màu nâu và một cái gối, một tủ tường và một bàn trang điểm. Các bức tường trống không ngoại trừ có một tấm gương nhỏ. Rasheed đóng cửa lại.
“Đấy là phòng tôi.”
Ông ta nói rằng cô có thể ở phòng của khách. “Tôi hy vọng em không phiền. Tôi quen ngủ một mình rồi.”
Mariam không nói với ông ta rằng cô cảm thấy nhẹ nhõm đến nhường nào, ít nhất là trong chuyện này.
Căn phòng dành cho Mariam nhỏ hơn nhiều so với căn phòng mà cô đã ở tại nhà của Jalil. Có một cái giường, một bàn trang điểm cũ màu nâu và một cái tủ tường nhỏ. Cửa sổ nhìn ra sân, dưới kia là đường phố. Rasheed đặt va li của cô vào một góc.
Mariam ngồi xuống giường.
“Em không nhận ra à,” ông ta nói. Ông ta đang đứng trên ngưỡng cửa, khom người một chút cho vừa vặn. “Nhìn lên bậu cửa sổ mà xem. Em có biết chúng là gì không? Tôi đã để ở đấy trước khi lên đường tới Herat.”
Chỉ tới lúc này Mariam mới nhìn thấy một cái giỏ đặt trên bậu cửa sổ. Những bông hoa huệ trắng vươn ra từ hai bên.
“Em thích không? Chúng làm em vui chứ?”
“Vâng.”
“Thế thì em có thể cám ơn tôi được rồi.”
“Cám ơn. Em xin lỗi. Tashakor.”
“Em đang run. Có lẽ là tôi làm em sợ chăng? Có phải tôi làm em sợ không? Em sợ tôi à?”
Mariam không nhìn ông ta, nhưng cô có thể cảm thấy vẻ vui sướng ngấm ngầm sau những câu hỏi đó, như một sự bỡn cợt. Cô lập tức lắc đầu và chợt nhận ra rằng đó chính là lời nói dối đầu tiên trong cuộc hôn nhân của họ.
“Không à? Thế thì tốt rồi. Tốt cho em. Ừm, bây giờ đây đã là nhà em rồi. Em rồi sẽ thấy thích ở đây. Rồi em sẽ thấy. Tôi đã nói với em là ở đây chúng ta có điện chưa nhỉ? Trong tất cả các buổi tối và hầu hết buổi ngày?”
Rồi ông ta rời khỏi phòng. Đến ngưỡng cửa, ông ta dừng lại, rít một hơi dài, đưa mắt theo làn khói thuốc. Mariam tưởng ông ta sắp sửa nói điều gì đó. Nhưng không. Rasheed đóng cửa lại, bỏ cô một mình với chiếc va li và những bông hoa.
—★—
Trong những ngày đầu, Mariam hầu như không rời phòng mình. Cô bị đánh thức từ tờ mờ sáng bởi tiếng gọi cầu kinh azan* từ phía xa xa, cầu nguyện xong cô lại bò trở lại giường. Cô vẫn nằm trên giường khi nghe tiếng Rasheed rửa ráy trong nhà tắm và khi ông ta bước vào phòng để xem cô thế nào trước khi tới cửa hàng. Từ trên cửa sổ phòng mình, cô nhìn thấy chồng ở ngoài sân, đang xếp hộp cơm trưa vào chiếc túi phía sau xe đạp rồi dắt xe ngang qua sân ra đường. Cô dõi theo chồng đạp xe đi cho đến khi bóng dáng của ông ta với đôi vai u dày khuất sau khúc cua cuối đường.
Hầu như ngày nào cũng vậy, Mariam nằm lì trên giường cảm nhận nỗi chơi vơi và cô độc. Cũng có lúc cô xuống bếp, sờ tay lên mặt bàn bếp dinh dính dầu mỡ, chạm vào những rèm cửa bằng nhựa vinyl in hoa ám mùi đồ ăn khét lẹt. Cô nhìn lướt qua những ngăn kéo xộc xệch, thấy đủ loại thìa và dao mỗi thứ một kiểu, một cái chảo và những chiếc bay bằng gỗ sứt mẻ, những đồ vật này đây rồi sẽ gắn bó với cuộc sống thường nhật mới của cô và tất cả chúng đều gợi lại trong cô cái tai ương đã giáng xuống cuộc đời mình, khiến cô cảm thấy mình chơ vơ, bất ổn, như thể một kẻ xâm phạm đời sống của người khác vậy.
Ở kolba, cô luôn cảm thấy thèm ăn. Ở đây, không mấy khi cô có cảm giác ấy. Đôi khi cô mang một đĩa cơm thừa và một mẩu vụn bánh mì tới ngồi bên cửa sổ trong phòng khách. Từ đó, cô có thể nhìn thấy mái những ngôi nhà một tầng ở dưới đường. Cô cũng có thể thấy trong các sân nhà là những người phụ nữ vừa giặt quần áo vừa xua lũ trẻ nghịch ngợm ra chỗ khác, bầy gà đang bới đất, thấy nào xẻng nào thuổng, cả những con bò được cột vào gốc cây.
Cô nhớ cồn cào những đêm hè cùng mẹ Nana ngủ trên cái mái phẳng của kolba, ngắm nhìn ánh trăng rọi sáng cả vùng Gul Daman, những buổi đêm nóng đến nỗi áo của họ dính vào ngực như thể chiếc lá ướt dính vào cửa sổ. Cô nhớ những buổi chiều mùa đông ngồi đọc sách trong kolba cùng Giáo sĩ Faizullah, nhớ tiếng leng keng của nhũ băng rơi từ trên cây xuống mái nhà, nhớ tiếng quạ kêu vẳng ra từ giữa những cành cây trĩu xuống vì tuyết.
Cô đơn trong căn nhà hiu quạnh, Mariam cứ bước đi không dừng, từ bếp tới phòng khách, leo lên trên phòng mình rồi lại đi xuống. Cuối cùng, cô quay trở lại phòng, cầu nguyện hoặc ngồi yên trên giường, nhớ mẹ và cảm thấy mệt mỏi.
Khi mặt trời đã trườn về hướng Tây thì nỗi lo lắng trong Mariam thực sự trỗi dậy. Hai hàm răng cô va vào nhau lách cách khi nghĩ về buổi đêm, nghĩ tới lúc Rasheed có thể cuối cùng cũng quyết định sẽ làm chuyện đó với cô, cái chuyện mà những ông chồng làm với các bà vợ của họ. Cô nằm trên giường, rối bời vì lo lắng, trong khi chồng cô ăn tối một mình ở nhà dưới.
Ông ta luôn dừng lại ở cửa phòng cô và thò đầu vào.
“Cô hẳn chưa thể ngủ đâu. Mới có bảy giờ thôi. Cô còn thức không? Trả lời tôi đi nào. Nào, nói đi chứ.”
Ông ta sẽ tiếp tục dồn ép cho đến khi từ trong bóng tối, Mariam lên tiếng, “Em đây.”
Ông ta thả người ngồi xuống lối ra vào. Từ trên giường, Mariam có thể nhìn thấy thân hình to lớn của ông ta, đôi chân dài và khói thuốc xoáy vòng quanh cái mũi khoằm, đầu điếu thuốc màu hổ phách sáng bừng lên rồi lịm đi.
Ông ta kể cho cô nghe về ngày làm việc của mình, về đôi giày ông ta làm riêng theo yêu cầu của ông Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, người mà Rasheed nói chỉ mua giày ở cửa hàng của ông ta thôi, về đơn đặt hàng xăng đan từ vợ chồng một nhà ngoại giao Ba Lan. Ông ta cũng kể cho cô nghe bao nhiêu điều mê tín mà người ta quan niệm về giày: đặt giày ở trên giường thì sẽ gọi thần chết tới nhà, cãi lộn thể nào cũng xảy ra nếu xỏ giày chân trái trước.
“Ngoại trừ khi người ta vô ý làm điều đó vào ngày thứ Sáu,” ông ta nói. “Và em có biết người ta thường cho rằng sẽ là một điềm xấu nếu ta buộc hai chiếc giày lại với nhau và treo lên đinh?”
Bản thân Rasheed không tin những điều này. Theo ý ông ta, những thứ mê tín phần lớn là trò bận tâm của đàn bà.
Ông ta kể lại với cô đủ thứ chuyện ông ta đã nghe được trên phố, như chuyện tổng thống Mỹ Richard Nixon đã phải từ chức sau một vụ xì căng đan như thế nào.
Mariam, chưa bao giờ được nghe về tổng thống Nixon hay về cái vụ xì căng đan khiến ông ta bị mất chức, không hề đáp lại. Cô chờ đợi trong lo lắng cho đến khi Rasheed thôi không nói nữa, dụi tắt điếu thuốc và bước ra. Chỉ khi nào nghe tiếng ông ta bước ngoài hành lang, tiếng cửa phòng ông ta mở ra rồi đóng lại, cô mới thấy nhẹ nhõm.
Rồi một đêm, ông ta dụi điếu thuốc và thay vì nói lời chúc ngủ ngon thì lại dựa mình vào lối ra vào.
“Cô định sẽ không bao giờ mở cái đó ra à?” ông ta nói và hất đầu về phía cái va li của cô. Ông ta khoanh tay trước ngực. “Tôi đã nghĩ chắc cô cần ít thời gian. Nhưng như thế này thì thật nực cười. Đã hơn một tuần rồi mà… Xem nào, thế thì bắt đầu từ buổi sáng ngày mai, tôi muốn cô xử sự như một người vợ. Fahmidi? Cô rõ rồi chứ?”
Răng Mariam bắt đầu va vào nhau lập cập.
“Tôi cần một câu trả lời.”
“Vâng.”
“Tốt,” ông ta nói. “Cô đã nghĩ cái gì chứ? Cô tưởng đây là khách sạn à? Và tôi là thằng quản lý khách sạn hay sao? Nào… ồ, ồ. La illah u ilillah*. Tôi đã nói về chuyện khóc lóc như thế nào? Mariam. Tôi đã nói với cô về chuyện khóc lóc như thế nào rồi?”
Sáng hôm sau, sau khi Rasheed đi làm, Mariam dỡ quần áo của mình ra cất vào trong tủ. Cô kéo một xô nước từ dưới giếng lên rồi dùng giẻ lau cửa sổ phòng mình và phòng khách tầng dưới. Cô lau sàn, quét đám mạng nhện đang rung rinh trên góc trần nhà. Cô mở cửa sổ cho không khí bên ngoài tràn vào trong nhà.
Cô đong ba bát đậu lăng rồi ngâm trong nồi, cô tìm thấy một con dao và gọt vài củ cà rốt với khoai tây, sau đó cũng bỏ chúng vào ngâm. Cô tìm thùng bột mì, thấy nó nằm tít trong một cái tủ, sau một dãy lọ gia vị bụi bặm, và bắt đầu làm bột, cô nhào bột theo cách mẹ Nana đã chỉ, ấn bột xuống bằng gan bàn tay, cuộn mép bên ngoài vào trong, lật miếng bột và lại tiếp tục ấn dẹp nó xuống. Sau khi làm bột xong, cô bọc nó vào trong một miếng vải ẩm, choàng hijab và đi ra ngoài, tới lò nướng công cộng.
Rasheed đã chỉ cho cô chỗ nướng bánh, ở dưới phố, qua một lần rẽ trái rồi ngay sau đấy rẽ phải, nhưng tất cả những gì Mariam phải làm là đi theo đám phụ nữ và trẻ con cũng đi về phía đó. Những đứa trẻ mà Mariam nhìn thấy đang chạy đuổi theo sau hoặc vượt lên trước mẹ của chúng, đều mặc những chiếc áo vá chằng vá đụp. Chúng mặc những chiếc quần trông quá rộng hoặc là quá chật và đi những đôi dép với quai buộc bằng giẻ cứ đập lên đập xuống. Chúng lấy que lăn những cái lốp xe đạp cũ đã bỏ đi.
Những bà mẹ đi thành từng nhóm ba hoặc bốn người, người mặc burqa*, người thì không. Mariam có thể nghe thấy tiếng trò chuyện rôm rả, tiếng cười sảng khoái của họ. Trong lúc cúi gằm mặt mà đi, cô có thể nghe được vài câu nói đùa của họ, dường như luôn dính dáng đến những đứa con ốm yếu hay những ông chồng lười biếng, vô ơn.
Cứ như là cơm tự nó chín trong nồi ấy.
Wallah o billah, chẳng có lấy một phút nghỉ ngơi nào cả!
Và lão ấy nói với tôi, tôi thề đây là sự thật, lão ấy đã nói với tôi…
Cuộc trò chuyện không dứt này, tuy giọng điệu đều đều nhưng vui vẻ một cách kỳ lạ, cứ bay lượn xoay tròn. Nó cứ thế tiếp tục trên đường xuống phố, vòng qua ngã rẽ và quanh quẩn trong hàng người ở chỗ lò nướng. Những ông chồng cờ bạc. Những ông chồng chỉ biết tôn thờ mẹ mình mà không bao giờ chi ra cho vợ lấy một đồng rupi. Mariam tự hỏi không biết có bao nhiêu người phụ nữ phải chịu cùng một sự bất hạnh khi mà tất cả đều lấy phải những người đàn ông tồi tệ như thế. Hay đây chỉ là trò chơi của các bà vợ mà cô chưa được biết đến, một thứ nghi thức hằng ngày giống như ngâm gạo hay nhào bột? Và có lẽ họ đang chờ cô mau nhập bọn với họ chăng?
Ở chỗ xếp hàng chờ nướng bánh, Mariam bắt gặp những cái liếc ngang nhằm vào mình và nghe thấy những tiếng thì thầm. Hai bàn tay cô bắt đầu đổ mồ hôi. Cô cảm thấy tất cả bọn họ đều biết rằng cô sinh ra là một harami, nguồn gốc của sự hổ thẹn đối với bố cô và gia đình ông ta. Tất cả bọn họ đều biết rằng cô đã quay lưng lại với mẹ và tự làm ô nhục bản thân.
Cô thấm mồ hôi ở môi trên bằng một góc của chiếc hijab và cố gắng bình tĩnh lại.
Sau một vài phút thì cô cảm thấy đỡ hơn. Rồi có ai đó vỗ nhẹ lên vai cô. Mariam quay lại và nhìn thấy một người phụ nữ mập mạp, da sáng và cũng choàng hijab như cô. Bà ta có mái tóc đen, ngắn và xoăn tít, khuôn mặt hóm hỉnh, tròn vành vạnh. Môi bà dày hơn môi Mariam nhiều và môi dưới hơi trễ, như thể bị kéo xuống bởi cái nốt ruồi lớn màu đen nằm ngay dưới viền môi. Bà có đôi mắt to màu xanh ánh lên những tia sáng mời gọi với Mariam.
“Cháu là vợ mới của Rasheed thân mến đấy phải không?” bà ta hỏi, tươi cười. “Cô gái đến từ Herat. Cháu còn trẻ quá! Cháu là Mariam phải không? Tôi tên là Fariba. Tôi sống ở cùng phố với cháu, cách nhà cháu năm nhà về phía trái, ngôi nhà có cửa màu xanh. Đây là Noor, con trai tôi.”
Thằng bé đứng cạnh bà ta có khuôn mặt thân thiện, vui vẻ và mái tóc xoăn như mẹ mình. Nó có một đám lông đen trên dái tai bên trái. Đôi mắt nó ánh lên nét tinh nghịch và bạo dạn. Nó chìa tay ra.
“Salaam, Khala Jan.”
“Noor năm nay mười tuổi. Tôi còn có một đứa lớn hơn, tên là Ahmad.”
“Anh ấy mười ba tuổi,” Noor nói.
“Mười ba sắp sang tuổi mười bốn,” Fariba cười lớn. “Chồng tôi tên là Hakim,” bà nói. “Ông ấy là giáo viên ở đây, Deh-Mazang. Lúc nào cháu ghé qua nhé, chúng ta sẽ cùng uống trà.”
Và rồi đột nhiên, các bà khác như thể được khuyến khích, lao qua Fariba và mau chóng vây tròn xung quanh Mariam.
“Thế ra cháu là cô dâu trẻ của Rasheed thân mến.”
“Cháu thấy Kabul thế nào?”
“Tôi cũng đã từng tới Herat. Tôi có một người anh họ ở đấy.”
“Thế cháu muốn có con trai hay con gái trước?”
“Những thánh đường! Ôi, tuyệt đẹp! Thật là một thành phố tráng lệ!”
“Con trai thì tốt hơn, Mariam thân mến ạ, chúng sẽ nối dõi tông đường.”
“Ôi dào! Bọn con trai lấy vợ xong rồi bay nhảy hết. Con gái thì sẽ ở lại chăm sóc chúng ta lúc về già.”
“Chúng tôi đã nghe tin cháu tới.”
“Sinh đôi đi cháu ạ. Cả trai cả gái! Như thế thì ai cũng vui cả.”
Mariam lùi lại. Cô thở gấp. Tai cô ù đi, mạch máu đập dồn dập, mắt cô quay cuồng giữa các khuôn mặt. Cô lại lùi lại nhưng chẳng còn chỗ nữa – cô đang đứng ở trung tâm của vòng tròn. Cô nhìn thấy Fariba, lúc này đang cau có vì bà biết cô đang bối rối.
“Để cô ấy yên!” Fariba nói. “Lui ra nào, để cô ấy yên! Các bà đang làm cô ấy sợ đấy!”
Mariam giữ chặt túi bột trước ngực và lách qua đám đông đang bủa vây lấy mình.
“Cháu đi đâu thế, hamshira*?”
Cô chen ra ngoài cho tới khi, bằng cách nào đó, tới được chỗ trống và chạy ngược ra phố. Mãi đến khi tới giao lộ cô mới nhận ra mình đã nhầm đường. Cô quay đầu chạy theo hướng ngược lại, đầu chúi xuống đất, vấp ngã một lần khiến đầu gối bị trầy xước mạnh, rồi cô lại đứng lên và chạy, vụt qua đám phụ nữ.
“Có chuyện gì thế cháu?”
“Cháu chảy máu rồi kìa, hamshira!”
Mariam rẽ ở một góc phố, rồi sau đó lại một góc phố khác. Bây giờ thì cô đã tìm đúng phố nhưng bỗng nhiên cô không thể nhớ nhà của Rasheed là nhà nào. Cô chạy lên đầu phố rồi lại xuống cuối phố, thở hổn hển gần như sắp khóc, bắt đầu mò mẫm thử từng nhà một. Một vài nhà thì cửa khóa, số khác thì cửa mở để lộ những khoảng sân xa lạ, đám chó sủa ầm ĩ và lũ gà giật mình hoảng hốt. Cô tưởng tượng ra cảnh Rasheed trên đường về nhà thì thấy cô vẫn đang tìm kiếm trên con đường này, đầu gối chảy máu và bị lạc trên chính phố nhà mình. Bây giờ thì cô bắt đầu khóc. Cô đẩy các cánh cửa, miệng lẩm nhẩm cầu nguyện trong cơn hốt hoảng, mặt đầm đìa nước mắt cho đến khi một cánh cửa mở được và cô nhìn thấy, lòng đầy nhẹ nhõm, cái nhà xí, cái giếng, gian để dụng cụ. Cô đóng sập cánh cửa phía sau lưng mình và xoay chốt lại. Sau đó, cô bò lại gần bức tường và bắt đầu nôn khan. Xong rồi cô bò đi, ngồi tựa vào tường, hai chân duỗi ra trước mặt. Cô chưa bao giờ cảm thấy cô đơn như thế trong đời.
—★—
Đêm ấy khi Rasheed về nhà, ông ta mang theo một túi giấy màu nâu. Mariam thất vọng vì ông ta không nhận thấy cửa sổ sạch sẽ, sàn nhà đã được cọ rửa và mạng nhện đã được quét sạch. Nhưng ông ta có vẻ hài lòng vì cô đã bày sẵn bữa tối cho ông ta trên một tấm thảm ăn sofrah sạch sẽ trải trên nền phòng khách.
“Em đã nấu daal,” Mariam nói.
“Tốt. Tôi sắp chết đói đây.”
Cô dội nước từ cái afiawa cho chồng rửa tay. Và khi ông ta đã lau khô tay, cô đặt trước mặt ông ta một tô daal còn đang bốc khói và một đĩa cơm trắng bông. Đây là bữa đầu tiên cô nấu cho ông ta và Mariam ước gì cô ở trong tâm trạng tốt hơn khi chuẩn bị bữa cơm đó. Cô vẫn còn rùng mình về chuyện đã xảy ra ở lò nướng bánh trong khi nấu ăn, và suốt cả ngày cô cứ băn khoăn mãi về độ đặc và màu sắc của món daal, sợ chồng mình sẽ nghĩ rằng cô quấy quá nhiều gừng hoặc cho không đủ nghệ.
Rasheed nhúng thìa vào trong bát daal màu vàng.
Mariam hơi phân vân đôi chút. Nếu ông ấy thất vọng hoặc nổi giận thì sao? Hoặc nếu ông ấy không bằng lòng và đẩy đĩa thức ăn ra?
“Ông cẩn thận,” cô cố nói. “Còn nóng đấy.”
Rasheed bụm môi lại thổi, rồi đút một thìa vào miệng.
“Ngon lắm,” ông nói. “Có vẻ hơi ít muối một chút nhưng ngon. Thậm chí còn trên cả ngon ấy chứ.”
Cảm thấy nhẹ nhõm, Mariam ngồi nhìn trong lúc ông ta ăn. Cô không giấu được vẻ tự hào. Cô đã làm tốt – thậm chí còn trên cả ngon – và sự cảm động mà cô cảm nhận từ lời khen ngợi nhỏ đó của ông ta đã làm cô ngạc nhiên. Những khó chịu đầu ngày giảm đi một chút.
“Ngày mai là thứ Sáu,” Rasheed nói. “Em nghĩ sao nếu tôi đưa em đi chơi?”
“Quanh Kabul ạ?”
“Không. Calcutta.”
Mariam chớp mắt.
“Đùa đấy. Tất nhiên là Kabul. Còn có thể là nơi nào khác chứ?” Ông ta thò tay vào trong cái túi màu nâu. “Nhưng trước tiên tôi phải nói điều này với em.”
Ông ta rút từ trong túi ra một cái burqa màu xanh da trời. Thước vải xổ xuống quá đầu gối ông ta khi ông ta nhấc nó lên. Ông ta cuộn cái burqa lại và nhìn Mariam.
“Tôi có nhiều khách hàng, Mariam ạ, là đàn ông, họ mang theo vợ tới cửa hàng. Những người phụ nữ đó tới cửa hàng mà không hề bịt mặt, họ nói chuyện trực tiếp với tôi, nhìn thẳng vào mắt tôi mà không hề xấu hổ. Họ trang điểm và mặc váy ngắn đến gối. Có khi họ thậm chí còn đặt chân ngay trước mặt tôi, để cho tôi đo cỡ chân, và chồng họ đứng đó nhìn. Những người đàn ông ấy cho phép điều đó. Họ không nghĩ gì hết về chuyện một người lạ đụng chạm vào đôi bàn chân trần của vợ họ! Có lẽ họ nghĩ họ là những người đàn ông hiện đại, có học thức, tin tưởng vào học vấn của mình. Họ không thấy rằng họ đang hủy hoại nang và namoos, danh dự và niềm kiêu hãnh của bản thân.”
Ông ta lắc đầu.
“Hầu như tất cả bọn họ sống ở các khu giàu có của Kabul. Tôi sẽ đưa em tới đó. Rồi em sẽ thấy. Nhưng họ cũng sống ở đây nữa, những người đàn ông mềm yếu đó, cũng sống ở ngay quanh đây thôi. Có một tay thầy giáo ở cuối phố, tên là Hakim, tôi thấy bà vợ Fariba của lão ta lúc nào cũng đi lại trên phố mà không có thứ gì trên đầu ngoại trừ một cái khăn quàng. Thẳng thắn mà nói, tôi thấy xấu hổ khi phải nhìn một người đàn ông không còn kiểm soát được vợ mình.”
Ông ta nhìn Mariam trừng trừng.
“Nhưng tôi thì không phải loại đàn ông đó, Mariam ạ. Ở quê tôi, một cái nhìn sai trái, một lời nói thiếu đúng đắn sẽ gây ra đổ máu. Ở quê tôi, khuôn mặt người phụ nữ là chỉ dành cho chồng của cô ta thôi. Tôi muốn em nhớ lấy điều đó. Em hiểu chứ?”
Mariam gật đầu. Khi ông ta đưa cái túi, cô cầm lấy nó.
Niềm vui sướng ban đầu khi được chồng khen ngợi việc nấu nướng bây giờ đã bốc hơi hết. Thay vào đó là cảm giác lo sợ. Người đàn ông này đối với Mariam sẽ đường bệ và không thể lay chuyển được như dãy núi Safid-koh tỏa bóng to lù lù khắp làng Gul Daman.
Rasheed đẩy cái túi giấy qua chỗ cô. “Như vậy là chúng ta đã hiểu nhau. Bây giờ thì để tôi ăn thêm một chút daal nữa nhé.”