Nỗi Buồn Chiến Tranh - Bảo Ninh - Nghề văn chương, tiếng vậy chứ rất vui
Trước chiến tranh gia đình tôi sống ở một biệt thự Tây đầu phố Hàng Đẫy. Biệt thự, song chen chúc tới gần hai chục hộ. Ba tôi dạy đại học, mẹ tôi dạy phổ thông, với ba anh em chúng tôi, năm người mà “tiêu chuẩn” chỉ căn phòng ba chục thước vuông. Tầng trệt, không nằm sàn được, phải kê giường chiếm mất phần diện tích đáng kể. Giữa phòng kê bàn ăn kiêm bàn tiếp khách đồng thời cũng là bàn học của anh em tôi. Một bàn nữa ở góc trong là bàn làm việc ban ngày của mẹ tôi, bàn viết của ba tôi về đêm. Đấy là những cái bàn cái ghế thời bao cấp nhất loạt như nhau, xấu xí, bất tiện, cứng quèo mà ọp ẹp. Nhưng bên cạnh bàn làm việc của ba tôi nổi bật cái tủ sách. Mọi thứ đồ đạc trong phòng chỉ tủ sách ấy đáng gọi là “đồ nội thất”. Đã khá xưa rồi nhưng mà kiểu tủ Tây. Phần trên, sau cánh cửa kính, phần lớn là sách tiếng nước ngoài của ba mẹ tôi. Văn học hiện đại bằng tiếng Việt chỉ một ngăn, nửa là văn học dịch, nửa là tác phẩm của các nhà văn Việt Nam nổi tiếng: Nguyên Hồng, Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao… nhưng không “tiền chiến”. Thơ Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận nhưng không “Thơ Mới”. Phần dưới của tủ là cửa gỗ, luôn khoá chặt. Chẳng gì được ba mẹ tôi quý báu cho bằng những cuốn sách ẩn trong đó, nhưng có lẽ cũng không gì khiến song thân tôi phải e ngại chúng tôi chạm mắt chạm tay vào đến vậy.
Cho đến mãi năm 1966, khi Mỹ bắt đầu ném bom Hà Nội, tủ sách gia đình phải dỡ ra cho vào rương để chuyển lên nơi sơ tán, tôi mới được nhìn những cuốn sách đó. Cũng vẫn là Nguyên Hồng, Nguyễn Lan Viên… nhưng là Bỉ vỏ, Vang Bóng Một Thời, Điêu Tàn… Rồi nữa: Vũ Trọng Phụng, Vũ Bằng, Thạch Lam, Vũ Hoàng Chương, Hàn Mạc Tử… và các ông Nhân văn. Lúc bấy, chẳng đặc biệt ham hố gì văn chương, song do sự cẩn trọng của ba mẹ mà tôi sinh tò mò, moi sách trong rương ra đọc. Có thích những gì đọc được hồi ấy hay không, tôi chẳng nhớ nữa, nhưng tai vạ xảy ra do thế thì nhớ đời. Dại dột, tôi đã nhét một cuốn vào cặp mang tới lớp tuồn cho bạn. Bị thầy giáo bắt quả tang. Là cuốn Người Người Lớp Lớp của nhà văn Trần Dần!
Hoảng sợ, nhưng thành thật là tôi chẳng hiểu sao mà dữ dội đến thế. Ban giám hiệu, thầy chủ nhiệm, thầy dạy văn, Đoàn Thanh niên, tất thảy trời long đất lở. Tác phẩm in năm 1955 tại Hà Nội. Hay dở chẳng dám bàn, nhưng nội dung là về bộ đội ta và toàn những câu chuyện anh hùng chiến đấu. Rõ ràng là vậy. Tất nhiên tôi chẳng dám nêu các “nhận định cá nhân” ấy ra với thầy, chỉ dám trình bày với ba tôi. Hồi đó tôi đã vô cùng may mắn. Thầy hiệu trưởng, thầy dạy văn vốn là học trò của ba tôi. Nhờ vậy, sự thể được cho chìm xuống.
Giải quyết xong xuôi vụ việc rồi, ba tôi mới nói chuyện “người lớn với nhau” với tôi. Có thể nói đấy là lần đầu tiên hai cha con nói với nhau về sự đời, về chính trị, về văn học… Ba tôi đã không nửa vời với tôi về những chuyện rất khó nói ấy, dù tôi mới chỉ là một đứa nhãi ranh học trò. Nhưng tôi thấy là ba tôi nói về những điều ấy với nỗi buồn bã và nặng lo âu. Nỗi lo ấy về sau còn nhiều lần trở lại trong tâm tình của ba tôi với tôi, nhất là tôi có truyện ngắn đầu tay in ở Văn Nghệ Quân Đội.
Tuy nhiên, lo âu nặng trĩu, mà ba tôi không cản chí tôi hướng vào văn nghiệp, trái lại. Thật ra, cầm bút viết văn, ấy là đời tôi đã tiếp bước cuộc đời của ba tôi. Lặng lẽ, gần như không lời chỉ giáo bày dạy nào hết, ba tôi đã truyền cho tôi tình yêu và năng lực cảm thụ văn học, đặc biệt tình yêu, lòng tự hào đối với tiếng Việt, tiếng Việt của đời sống và tiếng Việt trong văn học. Tôi có thể viết văn được tất cả là nhờ ở ba tôi, và nhờ ở sự khuyên nhủ giúp đỡ ân cần của những người bạn của ba tôi: nhà văn Nguyễn Tuân, nhà văn Bùi Hiển, nhà văn Nguyên Ngọc, giáo sư Nguyễn Đức Nam, giáo sư Hoàng Ngọc Hiến…
Truyện ngắn đầu tay tôi viết xong rất nhanh, nhưng gửi báo Văn Nghệ, không dùng được. Viết để đó. Hơn một năm sau, không nói với tôi, mẹ tôi lục trong ngăn bàn lấy bản viết tay đó trao cho giáo sư Hoàng Ngọc Hiến khi ông tới chơi. Tối hôm sau, trời mưa, tôi đang ở nhà một mình, giáo sư gõ cửa, bước vào, có áo tơi nhưng tóc và vai ông vẫn bị ướt. Ông nói ông đến vì cái truyện vừa đọc khi chiều. “Không đạt”, ông nói ngay. “Theo thang điểm 5 chỉ đáng 3-”. Ông mở cặp, lấy ra xấp những trang đánh máy. “Tôi nhờ văn thư trường Nguyễn Du đánh máy bản thảo cho anh lần này. Lần sau tự mà gõ lấy. Chữ anh quá tệ. Từ nay, khi viết văn, anh nên dùng máy chữ”.
Từ nay? Nghĩa là… giáo sư thấy mình có thể tiếp tục? Tôi tự hỏi, mơ hồ một niềm vui sướng. Tôi những mong được nghe giáo sư nói kỹ hơn, song ông chẳng chuyện nhiều, cạn chén trà ông về. Bắt tay tôi ông bảo: “Tóm lại: cái truyện này thì không ra gì, nhưng anh là người hình như có thể viết được văn. Cho nên đừng có sợ, cứ liều viết đi, biết đâu đấy. Sẽ rất cực, lại chẳng chắc đã thành, tuy vậy vẫn rất đáng để liều. Bởi vì cái đời văn chương ấy mà, tiếng vậy chứ rất vui, rất kỳ thú”.
Tôi nhớ mãi những lời thoảng qua, như là nói cho vui ấy của giáo sư Hoàng Ngọc Hiến. Bằng những khuyên nhủ như vậy và bằng những quan tâm nho nhỏ mà chân tình, ông đã giúp tôi có được một nỗ lực văn chương suốt cuộc đời. Cái nhìn khoáng đạt và tươi tỉnh của ông về nghề cũng bước đầu cho tôi một tình cảm tốt lành, một thái độ bình thản đối với công việc sáng tác.
Sự thực thì viết văn là một nghề nghiệp (nhất là viết văn xuôi), và cũng như mọi nghề nghiệp khác trong cuộc sinh nhai của con người, nghề viết văn có những buồn khổ, phiền lụy, thất bại, những sự kỳ quặc và vô nghĩa lý nhưng cũng vô vàn những niềm vui, những sự thú vị, những thành công và những hữu ích kiểu của nó.
Nghề văn là nghề chuyên nghiệp về sự ngẫm nghĩ. Nhà văn tự xem mình là kẻ có khả năng, có trách nhiệm và có ham thú đúc kết nhân tình thế thái đặng tìm ra cho bản thân mình và bạn đọc của mình những giá trị, những ý nghĩa vừa cố định vừa đổi thay không ngừng của đời sống con người, một đời sống tuy ngắn ngủi và khá là ảm đạm, nhiều buồn đau và bất hạnh, song lại cũng hàm chứa vô cùng tận những lẽ đời đáng sống, những giá trị cao quý, những vẻ đẹp tuyệt vời, hạnh phúc và niềm vui.
BẢO NINH
01.2011