Bố Con Cá Gai - Cho Chang-In - Chương 2.1
“Ngày hôm nay mà bạn vừa trải qua thật vô ích, là ngày mai mà một ai đó đã chết dần vào ngày hôm qua từng khát khao muốn được sống.”
Đó là dòng chữ viết bằng mực đen ở trên bức tường cạnh giường đứa trẻ.
Không biết là ai đã viết. Cũng không biết nó đã ở đó từ khi nào. Và cũng không thể biết bao nhiêu bệnh nhân nằm trên chiếc giường này đã ngước nhìn lên dòng chữ ấy.
Vào ngày nhập viện trở lại, đứa trẻ đã hỏi:
“Bố ơi, câu này có nghĩa là gì thế ạ?”
Anh đã không thể giải thích được một cách rõ ràng cho đứa trẻ. À không, anh đã lảng sang chuyện khác. Khi ấy anh chỉ nghĩ có lẽ người nào đó đã viết dòng chữ ấy lên tường và quyết tâm rằng ngày hôm nay sẽ không sống một cuộc sống vô nghĩa. Nhưng rồi anh suy nghĩ lại. Liệu rằng người đó giờ còn nhớ đến lời hứa này, hay là đã sớm trở thành người của ngày hôm qua rồi.
Cái chết, sự ly biệt với thế giới này.
Thời khắc cái chết ập tới cũng giống như ai đó bất thình lình mở cửa rồi đi ra ngoài. Những cái chết mà anh biết đều như vậy. Vụ bắn nhầm mà anh từng chứng kiến khi ở trong quân ngũ, hai vụ tai nạn giao thông, và cả cái chết của bố một người bạn đã chiến đấu với bệnh ung thư phổi trong một thời gian dài, cũng đều xảy ra chỉ trong một khoảnh khắc.
Anh hoàn toàn không tin về sự tồn tại của một thế giới bên kia sau cái chết. Nhưng đứa trẻ thì khác.
“Nếu mà bố đi nhà thờ thì thật tốt.”
Rồi đứa trẻ lại nói bằng một vẻ mặt đầy lo lắng.
“Nếu mà không tin vào Chúa Jesus thì không thể lên thiên đường được. Tất cả mọi người đều sẽ chết mà. Nếu sau khi chết không gặp được con nữa bố cũng sẽ không sao chứ ạ?”
Việc đứa trẻ mang trong mình một niềm tin vào thế giới bên kia có lẽ lại là một điều may mắn. Vì niềm tin ấy sẽ làm dịu đi nỗi đau hiện tại cho đứa trẻ, và ít nhiều cũng giúp giảm bớt nỗi lo âu về sự ly biệt với thế gian này.
Đứa trẻ bắt đầu đi nhà thờ kể từ lần đầu tiên nó được chẩn đoán khỏi bệnh hoàn toàn. Có lẽ vì chịu ảnh hưởng từ Yeong Jae, cô bé từng ở cùng nó trong phòng bệnh dành cho hai người suốt ba tháng.
Anh chuyển ánh mắt từ trên tường xuống đứa trẻ.
Phải gần sáng đứa trẻ mới thiếp đi được một lúc. Cơn đau hành hạ nó suốt đêm. Đêm qua nó sốt cao gần bốn mươi độ, khó thở và nôn không biết bao nhiêu lần. Những lúc như thế, anh lại xem xét những thứ mà đứa trẻ nôn ra. Nếu như thuốc kháng ung thư cứ thế bị nôn ra hết, thì anh lại cho đứa trẻ uống lại từng vốc thuốc.
Hai mươi hai viên thuốc. Anh nhủ thầm trong lòng rằng chỉ cần đứa trẻ có thể sống được bằng con số ấy, không hơn cũng không kém, chỉ cần đứa trẻ có thể trở thành một thanh niên hai mươi hai tuổi thì anh không còn mong ước gì hơn.
Uống một ngụm nước rồi lại nuốt một viên thuốc chống ung thư… Phải mất tới ba mươi phút đứa trẻ mới khó khăn uống được hết số thuốc ấy, vậy mà khoảng mười phút sau đã không chịu nổi lại nôn ra hết.
Đứa trẻ rùng mình. Nó năn nỉ anh, rằng chỉ cần không phải uống thuốc nữa thì sẽ không sao cả. Anh đành phải tỏ ra lạnh lùng, cắn răng lặp đi lặp lại chuỗi hành động giống nhau. Dù chính bản thân cũng mơ hồ không biết phải lạnh lùng vì cái gì, nhưng anh vẫn không thể dừng lại được.
Đứa trẻ trở mình. Từ miệng nó phát ra một tiếng rên khe khẽ.
Hôm qua rồi cả hôm kia nữa, nó cứ nằng nặc đòi xuất viện. Mỗi lần như thế anh lại lắc đầu đầy cương quyết. Nhưng anh có cảm giác rằng một ngày không xa nữa, rồi sẽ đến lúc mà anh vờ như không thể chiến thắng được sự hối thúc của đứa trẻ và quyết định xuất viện.
Ngày mà anh hẹn sẽ thanh toán viện phí đã trôi qua, từ buổi chiều hôm qua, trưởng phòng Song đã liên tục gọi anh. Trên đường đến phòng Y vụ, trong đầu anh ngập tràn những con số, không phải là số tiền mà đáng ra anh phải nộp từ ban đầu. Mà gấp mười lần con số ấy. Tức là khoảng ba mươi, bốn mươi triệu.
Ghép tuỷ là cơ hội duy nhất của đứa trẻ. Nếu như không thể ghép tủy thì chắc chắn đứa trẻ sẽ sớm quỵ ngã. Nhưng lúc này, ngay cả con đường để lo liệu viện phí cũng thật mờ mịt. Như thể bị lạc đường giữa sa mạc mênh mông. Dù là bất cứ đâu cũng phải đi nhưng lại chẳng biết đi đâu, đó chính là tình cảnh của anh. Anh thật là một người bố đáng xấu hổ, một người bố vô dụng.
Anh vừa bước vào phòng Y vụ, trưởng phòng Song liền nhằm thẳng anh mà nói:
“Từ mai chúng tôi sẽ dừng tất cả mọi biện pháp điều trị.”
“Tôi xin lỗi. Tôi sẽ thanh toán hết trong thời gian sớm nhất.”
Trưởng phòng Song cười nhạt rồi ngoảnh mặt đi. Nụ cười như chứa đựng sự mỉa mai rằng chẳng lẽ chỉ vì ngần ấy tiền mà anh để đứa trẻ phải chết hay sao.
Anh ra sức trình bày, nài nỉ. Nhưng trưởng phòng Song nhất quyết ngoảnh mặt làm ngơ. Lẽ ra anh phải nắm chặt lấy gấu quần anh ta mà van nài, nhưng cơn giận trong anh bỗng chốc bùng lên.
“Anh nói dừng điều trị, vậy ý anh là để đứa trẻ chết đi hay sao?”
Phải đến lúc đó thì trưởng phòng Song mới quay đầu lại và nói:
“Thì anh phải giữ lời hứa chứ… Anh hãy đặt mình vào địa vị của những người điều hành bệnh viện chúng tôi mà nghĩ thử xem. Nếu anh là chúng tôi thì anh có thể bình tĩnh ngồi chờ được không?”
“Tôi xin anh đấy. Hãy cho tôi thêm một ít thời gian nữa thôi.”
“Thật là khó cho chúng tôi quá. Chẳng phải tôi đã cho anh thêm thời gian rồi hay sao?”
“Tôi đã rao bán nhà rồi.”
Căn nhà có thể bán được thì anh đã sớm bán đi rồi. Lần đầu tiên đứa trẻ nhập viện, anh đã chuyển từ căn chung cư 32 pyeong sang căn nhà cho thuê trả tiền một lần*, nhưng từ năm ngoái thì anh đã chuyển hẳn sang thuê nhà trả tiền theo tháng để lo liệu tiền viện phí. Anh bảo bán nhà nhưng thực chất là đang nhắm đến số tiền đặt cọc của căn phòng thuê theo tháng. Đó là căn phòng ở tầng bán hầm của một khu nhà tập thể với số tiền đặt cọc là năm triệu won và tiền nhà mỗi tháng là ba trăm nghìn won. Nếu trừ đi ba tháng tiền nhà bị chậm thì số tiền đặt cọc còn lại cũng chẳng đủ để trả tiền viện phí đang nợ.
Trưởng phòng Song lắc lắc đầu rồi bảo:
“Nhà thì không phải ngày một ngày hai là có thể bán được… Thôi thì cũng chẳng còn cách nào khác. Trước tiên anh hãy tìm người bảo lãnh đi.”
Anh ta còn nói thêm quy định của bệnh viện là không chấp nhận các trường hợp bảo lãnh. Nhưng đây là ưu tiên đặc biệt của bệnh viện sau khi đã xem xét trường hợp bố con anh.
“Chúng tôi cần hai người bảo lãnh, đã nộp hơn một trăm nghìn won thuế tài sản.”
Không phải một người mà những hai người. Anh thấy thật khó thở. Với người không giỏi giao thiệp như anh thì việc ngay lập tức tìm ra hai người có thể bảo lãnh quả thật không hề dễ dàng. Nhưng dù thế nào nhất định anh cũng phải tìm cho ra.
Anh lao ra khỏi phòng Y vụ, còn nghe sau lưng câu nói của trưởng phòng Song rằng sẽ cho thời hạn đến hết ngày kia.
—
Tôi rất ghét Seong Ho.
Tôi biết ghét người khác là không tốt. Nhưng mà ghét thì vẫn là ghét thôi.
Seong Ho cũng là học sinh lớp Ba như tôi. Tôi đã phải hỏi đi hỏi lại mấy lần có đúng cậu ta học lớp Ba không. Bởi vì nói thật là tôi chưa thấy đứa lớp Ba nào ngốc nghếch như Seong Ho.
Tôi đã dạy Seong Ho chơi cờ vua hơn mười lần rồi. Nhưng đến giờ cậu ta vẫn chưa biết di chuyển quân mã ra làm sao cả. Thật là một đứa khó chịu. Mà đâu chỉ có chơi cờ vua cậu ta mới thế. Ngay cả trò lắp ghép Lego dễ hơn cờ vua bao nhiêu, Seong Ho cũng vẫn cứ ngốc nghếch như thế.
Seong Ho có một bộ Lego tàu cướp biển đẹp hết sảy luôn. Là loại giá những hơn một trăm nghìn won ấy. Nhưng cho dù có đắt và đẹp đến mấy thì cũng để làm gì chứ? Vì cậu ta xếp hình tàu cướp biển mà cứ như cái tàu đắm ấy. Thêm nữa, cậu ta còn lắp thuyền trưởng một mắt đứng ở tận đuôi tàu nữa chứ. Tôi đã bảo là không có ai ngốc hơn Seong Ho mà lại.
Đấy là tôi đã nói cho cậu ấy biết rồi chứ. Rằng người có quyền lực cao nhất ở trên tàu cướp biển chính là thuyền trưởng một mắt, và thuyền trưởng thì phải đứng ở đầu tàu để có thể chỉ huy đám thuộc hạ mới đúng. Trong sách hướng dẫn cũng ghi thế mà.
Seong Ho không chỉ ngốc nghếch mà còn là một tên siêu ngang bướng nữa. Đã sai lại còn bảo “đồ chơi của tớ, tớ thích lắp thế nào thì kệ tớ”. Tôi cũng chỉ biết nói “ừ cậu thích thì làm thôi”. Dù sao thì tôi cũng không có Lego, và chủ nhân của bộ Lego là Seong Ho cơ mà. Nhưng lúc nãy Seong Ho đã ném veo thuyền trưởng một mắt vào đầu tôi làm tôi không thể chịu đựng thêm được nữa.
Tôi đã quyết tâm sẽ không chơi với Seong Ho nữa rồi đấy chứ. Nhưng rõ ràng là cũng chẳng được lâu. Vì tôi từng quyết tâm như thế một hai lần rồi mà. Trong phòng bệnh của chúng tôi, ngoài Seong Ho ra thì tôi không có đối tượng nào khác để kết bạn cả. Ở cạnh giường tôi có một đứa bé khoảng hai tuổi, và ở cạnh Seong Ho thì có một chị học cấp hai tính tình hết sức lạnh lùng mới nhập viện cách đây hai ngày.
“Daum à, cháu ăn dưa hấu đi.”
Mẹ của Seong Ho mang đến một cái đĩa đựng hai miếng dưa hấu. Đáng ra nên cảm ơn cô. Nhưng tôi chỉ mím chặt môi, tay vẫn mân mê sờ lên đầu, chỗ vừa bị Seong Ho ném trúng.
“Vì Seong Ho đang xạ trị nên mới thế đấy. Daum hãy hiểu cho Seong Ho nhé.”
Tôi cũng đã từng xạ trị rồi mà.
Lúc đó vì phải đeo dây an toàn ở mắt cá chân, đầu gối, lưng, cánh tay, ngực rồi đến cả trán nữa, nên đột nhiên tôi như thể trở thành con rô bốt bị hỏng ấy. Không một ai bên cạnh. Chỉ nhìn thấy ánh sáng của cái máy phát ra tia xạ trị mà thôi. Thông qua micro, tôi cũng có nghe thấy tiếng nói của bác sĩ nhưng vẫn rất sợ hãi. Không hiểu vì sao trong đầu lại xuất hiện nhiều ý nghĩ đến thế, và toàn là những ý nghĩ xấu thôi.
“Seong Ho có vẻ muốn rủ Daum chơi Lego tiếp kìa…”
“Cháu chán rồi ạ. Lego chán lắm.”
“Thế sao hai đứa không chơi cờ vua đi?”
Với tên ngốc kia ấy ạ? Tôi lặng lẽ lắc đầu. Không thể vì Seong Ho mà tôi lại làm cho cả mẹ Seong Ho cũng không vui được. Thực ra thì mẹ của Seong Ho là một người vô cùng tốt mà.
Mẹ Seong Ho xoa đầu tôi rồi quay đi.
Tôi chỉ ghen tị với tên ngốc Seong Ho hai điều thôi. Một là bộ Lego cướp biển, hai là mẹ của cậu ta.
Tôi đã từng nổi giận với Chúa. Chúa nói rằng cuộc sống công bằng với tất cả mọi người, vậy tại sao tôi lại không có người mẹ nào như mẹ của Seong Ho?
Nhưng nghĩ lại thì rõ ràng là tôi thông minh gấp trăm lần Seong Ho, chứ không phải tôi chỉ cố tỏ ra tài giỏi đâu. Thế nên tên ngốc Seong Ho ngốc nghếch gấp trăm lần tôi cũng phải có cái gì đó hơn tôi một chút chứ. Có lẽ vì thế mà Chúa đã cho Seong Ho bộ Lego cướp biển, và cho cậu ta cả người mẹ tuyệt vời nhường kia.
Nhưng dù thế nào thì tôi vẫn thấy chẳng công bằng. Bởi vì nếu Chúa cho tôi lựa chọn một trong hai, trí thông minh hay là người mẹ tuyệt vời, thì tôi muốn chọn mẹ cơ.
Nếu biết tôi nghĩ vậy không biết bố sẽ buồn đến mức nào nữa. Nhưng tôi cũng có điều này muốn nói. Rằng nếu mà tôi có một người mẹ tốt thì bố đã không phải khổ sở một mình như thế.
—
Từ khi bắt đầu nghề biên dịch tới giờ đã có rất nhiều cuốn sách do anh dịch được xuất bản. Từ tiểu thuyết, tản văn, bút ký, từ những tập tạp văn thường thường nói về việc đối nhân xử thế cho đến những cuốn sách kỹ năng hữu dụng cho cuộc sống thường ngày.
Đó đều là những công việc dịch do phía nhà xuất bản ủy thác, và dù họ giao việc gì chăng nữa thì anh vẫn luôn trả bài đều đặn không cần quan tâm đến nội dung. Anh đã là một dịch giả tử tế và dễ hợp tác. Ít nhiều thì xét từ lập trường của nhà xuất bản là như vậy. Anh chưa một lần từ chối. Cũng chưa từng quá hạn.
Hai cuốn tiểu thuyết này rõ ràng cũng chính là phía nhà xuất bản giao cho anh dịch. Nhưng nhà xuất bản đã giải thể và anh cũng chẳng nhận được một xu nào. Bản thảo được anh lưu ở trong máy tính xách tay suốt hai tháng nay, trong thời gian đó anh cũng đã gửi bản thảo đi tới nay đã là nhà xuất bản thứ bảy rồi.
“Chắc anh Jeong cũng biết rồi đấy, dạo này thị trường xuất bản ảm đạm lắm. Nhất là tiểu thuyết lại càng không ai mặn mà.”
Đó là câu nói của Hong In Soo – giám đốc một nhà xuất bản danh tiếng đã từng mời anh ngồi vào ghế tổng biên tập. Nếu anh ta đã nói đến nước này thì chắc là những việc làm được đã làm cả rồi. Không còn cách nào khác, anh lại tiếp tục hành trình rong ruổi sang nhà xuất bản thứ tám. Khoác túi lên vai, anh nhắn nhủ với giám đốc Hong.
“Nếu có gì cần dịch thì nhờ anh giao cho tôi nhé.”
“Tất nhiên rồi. Nếu mà có ấy… Gần tám mươi phần trăm các nhà xuất bản đã đóng cửa, số còn lại cũng đang ở trong tình trạng duy trì được đã là may mắn. Thời điểm này chỉ cần có một cuốn xuất bản cũng tốt rồi.”
Anh ra khỏi phòng giám đốc và đang chuẩn bị rời khỏi ban biên tập thì cửa bật mở. Anh dừng bước và nhìn về phía người mở cửa. Chưa kịp hiểu gì thì người đó đã chìa tay về phía anh.
“Ôi! Jeong Ho Yeon! Đã mấy năm rồi nhỉ?”
Là Lee Guk Seong ở khoa Ngữ văn, tuy hai người học khác khoa nhưng lại là bạn vì đã cùng tham gia sinh hoạt câu lạc bộ tại trường Khoa học Xã hội và Nhân văn. Sau khi tốt nghiệp đại học, lần cuối cùng họ gặp nhau là trong lễ cưới của Lee Guk Seong.
Lee Guk Seong dẫn anh quay trở lại phòng giám đốc mà anh vừa rời khỏi, và anh hiểu ngay ra lý do xuất hiện của Lee Guk Seong.
“Em vợ đã đến rồi đấy à?”
Hóa ra giám đốc Hong là anh rể của Lee Guk Seong. Nếu gặp may biết đâu hành trình rong ruổi vô ích của anh có thế kết thúc ở đây, anh nuốt nước bọt khô khốc thầm nghĩ.
Lee Guk Seong giới thiệu mối nhân duyên của họ với giám đốc Hong, rồi như để đáp lễ, anh cũng nói đôi lời về hoạt động phê bình của Lee Guk Seong. Năm ngoái, Lee Guk Seong đã được tạp chí Văn học đề cử là thành viên hoạt động tích cực nhất vào trong vai trò của một nhà phê bình chứ không phải một nhà thơ. Nếu căn cứ theo CV khi ấy thì đó là lúc Lee Guk Seong đang theo học tiến sĩ ở Viện Sau đại học cùng trường.
Lee Guk Seong hỏi với vẻ mặt nghiêm túc.
“Mấy năm rồi không thấy một bài thơ nào của cậu. Cậu không làm thơ nữa à, hay việc phát hành bị hoãn lại?”
“Mình không làm được ấy chứ.”
Anh trả lời như vậy là có ý tôi không có gì để nói về chuyện này, cậu cũng đừng hỏi thêm nữa. Nhưng Lee Guk Seong có vẻ như không hề hiểu ý.
“Người như cậu mà còn không làm được thì rốt cuộc ai làm được?”
Anh chỉ biết cười. Thực lòng mà nói thì đôi khi anh cũng bị cuốn vào câu hỏi rằng mình không làm thơ nữa hay mình không thể làm được nữa.
Anh không hề thề rằng sẽ không làm thơ nữa. Nhưng anh đã từng nghĩ không làm nữa cũng không sao. Giống như nếu bản thân thơ ca đã có lúc là lý do để anh tồn tại, thì vào một thời điểm khác nếu anh tìm được một lý do khác để sống thì không làm thơ nữa cũng không sao. Một lý do khác để anh phải sống từng chính là người vợ. Là đứa trẻ. Là cuộc sống mà họ cùng nhau xây đắp.
Giám đốc Hong nhìn anh chăm chú trong giây lát rồi hỏi:
“Anh đã giới thiệu được tất cả bao nhiêu bài thơ rồi?”
“Khoảng năm mươi đến sáu mươi rồi ạ.”
Vào năm hai mươi sáu tuổi, anh thậm chí còn được tạp chí Văn học trao giải nhà thơ mới với mười ba bài thơ. Và chỉ trong vòng hơn ba năm, anh đã có khá nhiều bài thơ được đăng trên các tạp chí văn học, rồi cả các tờ nhật báo, cũng có lúc thơ của anh được người ta hết lời khen ngợi.
“Hay anh xuất bản thơ ở nhà xuất bản chúng tôi đi? Nếu thuận lợi chưa biết chừng sẽ có nhiều cơ hội hay ho đấy. Anh đừng mất công mất sức vào việc dịch tiểu thuyết nữa mà hãy làm thơ như tôi nói xem sao?”
Thời kỳ còn dồn toàn bộ tâm trí vào thơ ca, anh cũng nhận được một vài lời đề nghị xuất bản thơ. Nhưng anh một mực từ chối. Khi ấy anh thấy những bài thơ của mình vẫn còn thiếu sót chưa thể ghép lại thành một tập thơ. Bẵng đi vài năm anh đã không làm thơ nữa. Giờ có lẽ cũng không ai còn chú ý tới anh. À không, chắc là người ta đã quên sạch tên tuổi anh rồi.
Giám đốc Hong hào hứng với câu chuyện về tình hình giới xuất bản dạo này, lúc nào cũng có tới vài ba tập thơ leo lên bảng xếp hạng bestseller. Nếu hỏi anh thấy sao, thì nãy giờ anh vẫn băn khoăn điều này, không biết giám đốc Hong đã đọc thơ của mình hay chưa.
“Trước tiên thì anh hãy thử làm khoảng hai mươi bài thơ buồn buồn đi. Tại sao ấy à. Vì đó là thứ thơ hợp với gu của những cô gái mới lớn. Nhớ nhung rồi yêu đương rồi ly biệt rồi nước mắt gì đấy. Dạo này những bài thơ như vậy đang thịnh hành. Chứ những bài thơ khó đọc, theo quy chuẩn văn học là y như rằng bị trả lại ngay.”
Anh liếc nhìn Lee Guk Seong. Lee Guk Seong đang nhìn về phía anh cười hở cả răng. Anh vội ngoảnh mặt đi ngay nhưng lại chẳng có chỗ nào khác để nhìn cả.
“Sửa sang lại các bài thơ cho buồn buồn, rồi đặt một cái tựa thật bắt tai, rồi cho thêm một bông hoa làm màu vào bìa là được ngay.”
Lee Guk Seong đỡ lời giám đốc Hong.
“Chắc là hơi khác với phong cách của Ho Yeon, anh rể ạ. Thơ của cậu ấy vốn xuất phát từ sự suy ngẫm sâu sắc về cuộc sống cơ.”
“Có ai nói là từ bỏ những bài thơ trước đây đâu? Tôi chỉ nói là hãy làm khoảng hai mươi bài thơ mang tính chiến lược chứ không phải là hạ thấp gì cả. Không phải thế sao, anh Jeong?”
“Để xem đã. Tôi không biết là mình có thể làm thơ kiểu ấy không nữa.”
“Anh hãy nghĩ đơn giản thôi. Không cần phải nghiêm trọng thế đâu. Mà với năng lực của anh Jeong thì chắc chỉ độ ba bốn ngày là thơ tuôn ra ào ào ấy chứ. Có gì phải lo lắng đâu.”
Lúc sau, khi hai người tới quán trà gần đó trò chuyện, Lee Guk Seong hỏi anh:
“Cậu định sẽ làm thơ thật đấy à?”
Anh chưa trả lời chắc chắn với giám đốc Hong. Nhưng cũng chưa từ chối. Có thể nói là anh đang bối rối đứng trước ngã rẽ, không biết nên rẽ phía này hay phía kia.
Mỗi ngày sống là thêm một ngày phải đối mặt với nỗi nhục nhã. Làm sao mà anh lại khổ sở đến thế này cơ chứ. Anh có cảm giác rằng mối bất hòa giữa anh với thế gian ngày càng trở nên sâu sắc hơn. Dù thế thì anh vẫn muốn hòa giải với thế gian. Hay là thỏa hiệp cũng được. Anh đã tin rằng với sự hòa giải và thỏa hiệp đó, anh sẽ có thể cứu sống được đứa trẻ.
“Rốt cuộc thì cậu muốn điều gì? Làm thơ đơn thuần hay cậu chỉ định làm vì tiền?”
“Nếu vừa làm thơ vừa kiếm được tiền thì cũng tốt mà.”
Anh vừa uể oải đáp lại thì Lee Guk Seong há miệng ngạc nhiên bảo:
“Thời gian qua cậu thay đổi nhiều thật đấy. Nếu là cậu ngày xưa thì đây đúng là việc không thể tưởng tượng được. Chỉ cần nghe thấy lời đề nghị như thế cũng đủ làm cậu khó chịu rồi ấy chứ.”
“Đúng như lời giám đốc Hong, đó đơn giản chỉ là việc làm mấy tập thơ vô thưởng vô phạt thôi mà. Có gì ghê gớm đâu?”
“Cậu có biết vì sao mình lại từ bỏ làm thơ và quay sang nghiệp phê bình không? Chính là vì cậu, Jeong Ho Yeon đấy. Dù có cố gắng đến đâu thì mình cũng phải thừa nhận rằng mình không thể viết hay hơn cậu. Đúng thế đấy. Thơ của cậu hay đến ngạt thở. Đến mức không thể làm ngơ. Nhưng bây giờ cậu lại định làm mấy bài thơ vớ vẩn kia sao? Đừng làm mình thất vọng… Mình cũng không hiểu sao thời gian vừa rồi cậu lại lặn mất tăm nữa. Dù sao thì cậu hãy làm thơ trở lại đi. Không phải mấy bài thơ nhạt nhẽo kia, mà là những bài thơ thật sự như trước đây ấy.”
“Mình không biết mình còn có thể làm thơ như trước đây được hay không. Nếu mà là mấy bài thơ vô thưởng vô phạt thì chắc không phải không làm được, nhưng dù sao thì mình ấy mà, không biết chỉ là tạm thời hay có lẽ cả sau này nữa, nhưng mình không nghĩ là mình sẽ tiếp tục làm thơ.”
“Không làm thơ nữa… Lý do là gì vậy?”
Lý do? Đứa trẻ bị bệnh và đang chết dần chết mòn. Chẳng lẽ ở bên cạnh một đứa trẻ như vậy mà anh vẫn có thể thản nhiên tơ tưởng tới những ý thơ và thể hiện bằng những vần thơ bay bổng hay sao? Nhưng nếu nó có thể biến thành tiền và với số tiền ấy có thể chữa trị cho đứa trẻ, thì thơ vớ vẩn hay cái gì hơn thế anh cũng có thể làm được.
Nhưng anh đã lựa chọn im lặng, còn Lee Guk Seong thì không ngừng nói về tình hình của những người bạn đã từng hoạt động cùng câu lạc bộ ngày xưa. Khi câu chuyện chững lại, anh liền đi vào nội dung chính, đây cũng là lý do vì sao anh kéo Lee Guk Seong ra quán trà nói chuyện.
“Mình muốn bán mấy tập thơ. Cậu xem có thể mua giúp mình không?”
Thời gian mà họ cùng hoạt động trong hội, Lee Guk Seong thường xuyên ghé qua nhà trọ của anh, để xem những tập thơ mà anh sở hữu. Và đã mấy lần cậu ta đề nghị anh bán lại những tập thơ đó cho mình.
Đó là những tập thơ mà anh đã nhịn đói để mua. Để có những tập thơ ấy, thời đi học anh đã không nề hà bất cứ một công việc gì. Mùa hè thì anh đi thuyền đánh cá, mùa đông thì anh lang thang trong khu rừng cấm săn bắt. Đó là thời kỳ mà anh đã tin rằng hạnh phúc chính là khi được vùi mình giữa khoảng hai nghìn tập thơ.
Phần lớn trong số đó đều là ấn phẩm xuất bản lần đầu tiên, và cũng có nhiều quyển là bản quý hiếm. Được biết tập thơ viết tay của các nhà thơ KAPF* ra đời trong thập niên 30 và bút tích của các nhà thơ chết yểu được phát hành trong thời chiến mà anh đang giữ, tất cả cũng chỉ còn vài cuốn là được lưu giữ cho đến ngày nay.
Lee Guk Seong hỏi lại:
“Cậu sẽ bán các tập thơ sao? Có vẻ như cậu quyết tâm lắm đây. Cậu thật sự không định làm thơ nữa ư?”
“Có lẽ cậu giữ thì sẽ tốt hơn. Vì sẽ giúp ích không ít cho việc nghiên cứu của cậu đấy.”
Và nếu trả lại căn phòng đang thuê thì chắc anh cũng không có chỗ nào để bảo quản đống sách đó nữa. Đó chính là hiện thực.
—
Mọi thứ đều thật phiền toái. Bực mình ghê!
Ở dưới giường có một cái lỗ rất to, nên cơ thể tôi cứ như thể bị hút vào trong cái lỗ ấy vậy. Giống như Lỗ đen trong vũ trụ ăn hết mọi vì sao ấy. Những lúc như thế này thì không nghĩ bất cứ cái gì là tốt nhất.
Nhưng túi ý nghĩ trong đầu tôi cứ lùng bùng với đủ suy nghĩ.
Bởi vì cô Jin Hee đấy mà. Mỗi ngày cô tìm đến tôi lại phải suy nghĩ.
Cô Jin Hee không phải họ hàng gì với tôi cả, cô chỉ là hậu bối của bố. Hậu bối của bố không phải chỉ toàn là phụ nữ, nhưng hậu bối là phụ nữ mà đến thăm tôi thì chỉ có cô thôi.
Tôi vốn rất dễ trở nên thân thiết với người lớn. Vì tôi biết nói gì sẽ làm người lớn vui mà. Nhưng với cô thì thật là gượng gạo. Chẳng khác nào lắp đầu của kẻ thuộc hạ vào cơ thể của thuyền trưởng một mắt trong trò chơi Lego ấy. Có lúc tôi nghĩ biết đâu tôi và cô Jin Hee không bao giờ có thể trở nên thân thiết được cũng nên.
Cô đã ngồi hơn một tiếng đồng hồ trên giường của tôi rồi.
Tôi một đằng, cô một nẻo, cả hai cứ thế trải qua quãng thời gian thật tẻ nhạt. Thực ra thì tôi và cô chẳng có gì đặc biệt để nói cả. Thêm vào đó bây giờ tâm trạng của tôi đang rất hỗn độn. Từ lúc cô đến tới giờ tôi đã nôn đến năm lần rồi. Tôi đã nôn ra hết mọi thứ trong bụng, giờ chẳng có gì ngoài thứ nước màu vàng cả.
“Ồ chiếc kẹp tóc xinh quá.”
Cô nhặt chiếc kẹp tóc đặt trên cuốn Alice ở xứ sở thần tiên lên. Cô xem xét chỗ này chỗ kia rồi nghiêng đầu nhìn tôi chằm chằm. Tôi nghĩ chắc mình phải nói cho cô biết thôi.
“Cháu định để làm quà tặng đấy ạ.”
“Tặng ai cơ?”
“Tặng bạn ạ.”
Nếu là chị Yeong Jae hỏi thì chắc tôi sẽ kể một thôi một hồi về Eun Mi rồi. Vì tôi với chị Yeong Jae rất hiểu nhau mà lại.
“Cho cô cài thử một lần được không?”
Không được đâu ạ, không được.
Đột nhiên cổ họng tôi như bị hóc xương cá ấy. Trong lúc tôi đang ú ớ thì cô đã lấy một chiếc kẹp tóc rồi cài lên phần tóc ở dưới tai.
“Thế nào, đẹp chứ?”
Tôi gật đầu. Nhưng mà tôi buồn khủng khiếp. Chẳng khác nào phát hiện ra chữ của thầy giáo ở trong trang nhật ký của mình vậy. “Daum thật là quyết tâm nhỉ. Em hãy cố gắng giữ quyết tâm của mình nhé.” Tôi không nhớ là mình đã quyết tâm gì. Nhưng dù sao từ đó về sau tôi đã không viết những bí mật của mình vào nhật ký nữa. Chẳng phải chỉ có kẻ ngốc mới làm như thế thôi sao.
Cô lấy trong túi xách ra một chiếc gương cầm tay rồi ngắm nhìn mình.
Lẽ ra người đầu tiên được cài chiếc kẹp tóc phải là Eun Mi chứ. Nhưng tôi đã nghĩ lại. Vì dù sao không phải cô cài thử một lần mà chiếc kẹp tóc bị mòn hay mất đi đâu được. Với cả nhờ cô mà tôi cũng có thể xem trước xem chiếc kẹp tóc có hợp với Eun Mi hay không, như thế thì cũng không tệ.
Cô có mái tóc ngắn, có vẻ không cần tới kẹp tóc cho lắm. Nhưng mà bông hoa cánh bướm màu hồng phấn cài lên mái tóc ngắn của cô trông cũng thật đẹp. Tôi thấy yên tâm hơn hẳn. Vì chiếc kẹp tóc hẳn sẽ hợp nhất với mái tóc dài như của Eun Mi, và Eun Mi nhất định sẽ còn xinh đẹp hơn cô rất nhiều.
Cô tháo chiếc kẹp tóc ra và đặt lại vào chỗ cũ. Rồi cô nhìn vào đồng hồ đeo tay và thở dài. Cô đang đợi bố. Lúc nào cô cũng lấy tôi làm cái cớ để đến gặp bố mà.
Mấy ngày hôm nay bố cứ đi ra ngoài suốt. Không biết có việc gì mà bố bận như thế cơ chứ, bố ra ngoài từ sáng sớm rồi đến tận khi trời tối mới quay trở về. Giờ đã hai tiếng đồng hồ trôi qua rồi nên dù sao tôi cũng phải nói với cô.
“Bố cháu đến tối mới quay về cơ ạ.”
“Không, bố cháu nói là bây giờ đang trên đường về rồi.”
“Sao cô biết ạ?”
“Cô vừa nói chuyện điện thoại với bố cháu cách đây một lúc mà.”
Bố gọi điện thoại về phòng bệnh trước khi cô đến đây mà. Lúc đó bố đã nói với tôi rồi mà. Bố không biết có phải về muộn không nữa.
Tôi biết là người lớn hay nói dối lắm. Nhưng mà không có người lớn nào lại nói dối dễ bị lộ như cô. Bởi vì người lớn là những cao thủ đầy mưu mẹo, và để biết được những mưu mẹo ấy thì phải mất chút thời gian đấy.
Tôi nhìn cô trân trân. Cô mỉm cười rồi nói:
“Chắc là cháu không tin cô đúng không? Vậy cháu thử gọi điện thoại di động cho bố đi?”
“Điện thoại di động ạ?”
Cô đọc cho tôi rành rọt từng số từng số một. Nhưng mà tôi không thể nào nhét nổi cho dù chỉ là một con số vào đầu. À không, là tôi không muốn nhớ chứ.
Tôi nằm quay mặt vào tường. Đột nhiên tôi có ý nghĩ tôi không phải là con trai của bố. Tôi tức giận đến nỗi đầu như muốn vỡ tung ra ấy.
Lúc nào tôi cũng chỉ nghĩ về Eun Mi một chút thôi. Dù tôi muốn nghĩ đến Eun Mi cả ngày, vả lại nghĩ gì là tự do của tôi, và cũng không phải là việc khó khăn gì, nhưng rõ ràng nó sẽ làm tôi thấy có lỗi với bố. Vì bố chỉ nghĩ đến tôi nên chẳng phải tôi cũng chỉ nên nghĩ đến bố thôi hay sao?
Nhưng mà có lẽ tôi đã sai rồi. Bố còn chẳng hề nói với tôi là bố đã mua điện thoại di động, vậy mà bố lại cho cô Eun Mi biết cả số điện thoại nữa chứ.
Tại sao bố lại như thế nhỉ? Cô là người quan trọng với bố đến như thế sao:
“Cô nghĩ thế nào về bố cháu ạ?”
“… Sao cháu lại hỏi thế?”
“Cô yêu bố cháu ạ?”
“Yêu?”
Ha ha ha. Không biết có phải tự thấy tiếng cười của mình to quá hay không mà cô vội che miệng lại. Rồi cô vừa khẽ liếc mắt nhìn tôi vừa nói:
“Chỉ người lớn mới nói ‘yêu’ thôi. Trẻ con thì sẽ phải hỏi như thế này chứ. ‘Có phải cô thích bố cháu không ạ?’”
“Cháu không phải là trẻ con. Và thích với yêu khác xa nhau ạ.”
“Khác như thế nào?”
“Bố cháu đã nói thế mà. Chúng ta có thể thích con cún nhưng không thể yêu nó được.”
Bố tôi còn nói thế này nữa. Tình yêu là khi mình có thể cho đi hết tất cả những gì mình có mà không tiếc nuối. Ngay cả mạng sống.
Tôi nghĩ rằng bố nói đúng. Không ai có thể chết vì con cún được mà. Chúa thì yêu chúng ta chứ không phải là thích. Nếu mà chỉ thích thôi thì Người đã không cần phải treo mình lên cây thánh giá làm gì.
“Thế Daum thích cô thân thiết với bố hay là không thích?”
Tôi đã không nói sự thật. Vì rõ ràng là nó sẽ làm cho lòng tự trọng của cô trở thành mẩu giấy bị ném veo vào thùng rác cho xem. Nhưng chẳng phải tôi vẫn cần phải biết sự thật hay sao? Vì thế nên tôi đã cố nín nhịn và hỏi tiếp:
“Cô sẽ kết hôn với bố cháu sao ạ?”
“Tại sao cháu lại nghĩ thế?”
“Thật là bố cháu và cô sẽ kết hôn chứ?”
“…”
“Dù đã nói rồi nhưng cháu vẫn cứ nhắc lại, là dù thế nào cháu cũng không sao cả.”
Đột nhiên tôi thấy mình bỗng vụt lớn. Giống như cây đậu thần của Jack chỉ trong một đêm đã vươn lên đến tận bầu trời. Giống như một người lớn đầy mưu mẹo.
Cô chỉ cười. Có vẻ như cô hiểu rõ mưu mẹo trong đầu tôi.