Lỗi Error 404 - Plaaastic - Phần 1.1
Khi mà bạn đi gặp bác sĩ tâm lí, câu đầu tiên bác sĩ hỏi bạn luôn luôn là: “Nhà em có ai có tiền sử bị bệnh trầm cảm không?”
Tôi đã từng có rất nhiều giả thiết về việc này – về việc vì sao lại là câu này và vì sao bao giờ nó cũng là đầu tiên – từ việc “có khi là con ông cháu cha”, hay là “sợ không có ai lì xì bác sĩ lúc đang chữa”, hoặc đơn giản là theo thứ tự bảng chữ cái thì câu hỏi này sẽ xuất hiện đầu tiên,… Nhưng kết luận lại thì, có khi bác sĩ hỏi thế chỉ để lần sau ra ngoài đường gặp ai đó có khả năng là gia đình “người điên” này thì sẽ tránh xa ra cho đỡ rách việc. (Tôi cho rằng thế là sáng suốt.)
Và lúc nào tôi cũng trả lời là: “Trầm cảm thì em không biết, nhưng ai cũng có vẻ điên không chịu nổi.” Vì đấy là sự thật.
Sau đấy, các bác sĩ luôn luôn nhìn tôi với một ánh mắt khác hẳn ánh mắt vài giây trước. Cái ánh mắt ấy, chả biết phải tả thế nào cho phải phép, nó vừa nghi ngờ, vừa băn khoăn, vừa có vẻ sướng vì vừa hỏi mỗi một câu đã biết con này lỗi ở chỗ nào rồi.
Nhà tôi có ba anh em, một mẹ một bố.
Trẻ em bị trầm cảm, hơn 75% là đến từ các gia đình bố mẹ ly dị. Tội tôi thật lớn, đầy đủ cả hai họ mà vẫn dám bị. Thậm chí tỷ lệ trẻ em đã và đang có ý định tự sát có đến 92% đến từ các gia đình bố mẹ ly dị. Thế là tôi đi đâu cũng có thể tự hào rằng mình là cái 8% nhỏ bé hiếm hoi còn lại đến từ một tổ ấm.
Ngày xưa tôi có đọc được một câu ở đâu đó mà tôi rất thích: “Con mà giết bố mẹ thì phần lớn lỗi lầm vẫn là ở bố mẹ.”
Thường thì thế, khi bạn gặp ai có vấn đề tâm thần, bạn thường nghĩ đến gia đình người tâm thần đầu tiên: “Trời ơi bố mẹ nó ở đâu mà để nó thế này?”, hay “Chắc gia đình đau khổ lắm!”, hoặc là “Không biết nhà có ai bị thế này nữa không?” … Gen di truyền dĩ nhiên là một yếu tố không thể thiếu trong việc hình thành nên một con người, cho nên rõ ràng nó phải gánh phần nhiều trách nhiệm. Tôi thích như thế, nghĩ là có khi mình đẻ ra bị lỗi sản xuất để có cái đổ thừa lên, chứ điên đã khổ, biết mình bị điên đã khổ, biết mình tự làm mình bị điên thì tự sát là phải rồi.
Mẹ tôi luôn có những cách rất riêng để thể hiện tình yêu thương. Chị tôi là con Mẹ, Anh tôi là con Bố. Tôi biết Mẹ lo cho tôi nhất vì Mẹ toàn bảo: “Cấm mày chơi với anh mày, nó chỉ đợi tao chết rồi lấy hết tiền thôi.” Tôi biết Mẹ nhớ sinh nhật tôi vì năm nào cũng được một phong bì có năm trăm nghìn dán kín như đi biếu cô giáo chủ nhiệm. Tôi biết Mẹ luôn động viên tôi học nhưng lại không đặt nặng chuyện trường lớp, vì mười năm toàn ô sin đi họp phụ huynh nhưng điểm 6 về là bị ăn tát. Mẹ tôi còn giữ một quyển sổ mà mẹ bảo là: “Ghi hết tất cả những thứ tội lỗi của mày vào đây, đến khi tao chết mày đọc lại đi cho mày hối hận.” Đúng là làm mẹ ai cũng thương con mà thương con lại còn thương đến hết đời.
Bố tôi là một người mà toàn bộ ký ức tuổi thơ của tôi với Bố là hình ảnh hai chân Bố thò ra từ gác xép. Ngày nào đi học về cũng thấy Bố tôi bền bỉ nằm đó trong bộ đồ ngủ xem ti vi, không biết phim gì mà dài đến mười mấy năm thế nhỉ? Các bác gái ở chợ hay bảo bố là một người nghệ sĩ, diễn viên tài năng và gạo cội, nhà nhà ai cũng biết, thế nhưng lại sống giản dị và hiền lành. Không biết Bố có hiền không nhưng mà thường khi tôi bị Mẹ đánh, Bố tôi chỉ đóng cửa ra ngoài ban công hút thuốc nên chắc là lành thật.
Nếu ký ức trong tôi về Mẹ là hình ảnh người nhạc trưởng khua khua đũa chủ huy dàn nhạc giao hưởng, Bố tôi sẽ là khán giả trung thành nhất.
Có một thứ về Bố tôi rất hay, đó là Bố tôi đưa từ con gái rượu lên một tầm cao mới. Tôi được nghe kể lại là từ hồi ba tháng tuổi, tôi được uống bia với Bố mỗi bữa cơm. Ba tháng tuổi, đứng trong xe tập đi, mồm đầy bọt trắng. Sau này, tất cả những kỷ niệm mà tôi nhớ về tôi và Bố tôi, sau này nữa là Anh tôi, là khi chúng tôi đang quá chén với nhau, và chúng tôi nói những chuyện thật lòng, mà không hiểu sao nó lặn mất tăm mất hút lúc đang tỉnh.
Nhà tôi ngày xưa, giàu nhất nhì Hà Nội. Giàu thế nào thì tôi bé quá không hiểu, nhưng hay được nghe kể là riêng tiền bỉm một ngày vào năm 1994 cũng hết một đống tiền. Tôi chẳng thiếu gì cả, và tôi biết cách sử dụng điều đó. Ở trường mầm non có con búp bê mà ai cũng thích, ai cũng tranh giành để chơi, tôi đi mua hai con giống hệt về để ở nhà, thỉnh thoảng giờ ăn cơm bày lên ngồi cạnh cho đỡ trống. Tôi không có bạn bè, tôi mua cả chúng nó luôn. Thỉnh thoảng tôi hay cho mấy đứa cùng lớp bút chì Nhật Bản, truyện tranh nguyên bộ để giờ ra chơi có đứa chơi cùng.
Có một năm, trung thu hồi tôi sáu tuổi, tôi đi biểu diễn múa về, trời đã tối nên tôi không được đi ra Hàng Mã nữa. Nghe thì chẳng có gì, mà sao hồi đấy tôi đau khổ thế, cứ nghĩ mãi là “đi làm” cả năm rồi có mỗi một ngày thiếu nhi cũng không được chơi. Ở phường có tổ chức tôi cũng không dám xin, bố mẹ mà nghe tôi muốn chơi với “con nhà mất dạy” là cho ăn đòn ngay. Tôi chờ đến lúc bố mẹ đi ngủ, ngồi dậy khóc cho đỡ tức. Lúc ấy, tôi nghe thấy tiếng trống kèn, nhìn ra ban công thì thấy một đoàn múa lân đi qua. Tôi mở cửa leo ra ngoài gọi thì không ai trả lời, và tôi không muốn đoàn múa lân đi một tí nào cả. Bỗng dưng lúc đấy tôi thấy tôi một mình đến đáng sợ, tôi muốn có ai đó ở lại với tôi. Đoàn múa lân nhận tiền của hàng xóm, cứ đi xa dần. Thế là tôi bèn rón rén đi vào phòng, mở tủ, lấy cái hộp mà tôi giữ tiền để dành, chạy ra, và bắt đầu thả tiền từ ban công tầng hai xuống. Lân với ông Địa thấy mưa tiền thì rõ ràng giật mình xong múa loạn xạ, tôi thì cứ thấy ngơi lúc nào là lại thả thêm tiền xuống và kêu: “Đừng đi, đừng đi mà.” Ngủ quên béng đi lúc nào không biết, sáng hôm sau khi chuông báo thức kêu đi học, tôi vẫn ngồi bó gối ở ban công, mũi tắc nghẹt, những tờ tiền một, hai nghìn vò nát trong tay.
—
Mẹ tôi tuổi Khỉ, nên cái gì của tôi cũng phải là hình con Khỉ.
Tôi chưa bao giờ tin vào ông già Nô-en cả. Tôi không biết vì sao lại thế, chẳng ai nói với tôi là ông già Nô-en không có thật, tôi chỉ biết thế thôi, kiểu như sinh ra đã vốn vỡ mộng. Mẹ tôi thì hồn nhiên tươi sáng: Năm nào cũng thuê một ông già Nô-en đi xe máy đến tặng cho tôi một con khỉ bông. Mỗi năm một ông, ông gầy, ông mặt mụn, ông ngọng líu lưỡi nhưng ông nào cũng có một con khỉ và tự xưng là ông già Nô-en. Lần đầu tiên tôi gặp ông là năm sáu tuổi, tôi đã nghĩ: “Cái quái gì thế này, anh nghĩ anh lừa được ai.” Sau một hồi nghĩ, tôi quyết định không dại gì mà nói, không năm sau có khi Mẹ tôi sẽ còn làm gì kinh khủng hơn mà tôi không đỡ được. Ngạc nhiên, vuốt râu và cảm ơn ông già Nô-en, tôi làm đúng quy trình đó trong bảy năm liên tiếp.
Năm 2003 là một năm đặc biệt, năm 2003 là năm đầu tiên mà ông già Nô-en mang cho tôi một món quà để đời: Cho tôi biết mọi người ghét tôi như thế nào. Đúng như mọi khi, tôi mở cửa, ngạc nhiên, vuốt râu, nhận con khỉ bông từ ông già Nô-en và đóng cửa vào. Vừa lúc đấy, bỗng dưng tôi nghe thấy tiếng bọn trẻ con kéo đến. Khoảng gần chục đứa ở khi, dẫn đầu bởi anh đội trưởng lớn tuổi nhất, nhà bán cháo lòng ở bên kia đường, chúng nó đu lên yên xe và bấu víu quanh người ông già Nô-en. Chúng nó nhảy tưng tưng lên hỏi: “Ông già Nô-en ơi, quà của cháu đâu, quà cháu với, cháu cháu cháu!” Ông thản nhiên quát:”Làm gì có, có con bé nhà địa chỉ này có thôi!”, rồi phi xe đi mất. Anh đội trưởng bế thằng em đang khóc, ngày thường cứng lắm mà giờ mặt cũng mếu, cả hai đứa gào theo sau: “Ông ơi năm sau cháu hứa sẽ ngoan hơn mà.” Ông đi rồi còn đâu, tôi thì cũng chạy vội vì cái cửa sắt không đủ dày, ánh mắt viên đạn của chúng nó nhìn xuyên qua được. Cái vẻ mặt của anh đội trưởng, cả đời tôi cũng không quên được.
Mẹ tôi trong tôi, là một người không bao giờ cho tôi cắt tóc. Cái bộ tóc dài ấy, ai cũng yêu nó ngoài tôi ra. Tôi cao khoảng hơn một mét, bộ tóc dài khoảng tám mươi phân, cứ mỗi lần phải gội đầu là tôi sẽ lăn ra khóc vì nặng quá không nhấc đầu lên được. Mẹ tôi thương tôi lắm nên bắt chị ô sin gội đầu cho, đến tận năm mười lăm tuổi sang Singapore sống một mình tôi mới phải tự gội đầu những lần đầu tiên trong đời. Mùa hè nóng hay mùa đông lạnh, lúc nào cũng sáu giờ sáng phải dậy tết tóc mất nửa tiếng đồng hồ trước khi đi học. Cứ một tháng một lần, Mẹ lại làm highlight, làm xoăn, duỗi uốn các kiểu để ngắm cho sướng. Vì bộ tóc ấy, tôi không dám đi biển vì muối vào, tôi ngồi gỡ mất nửa chuyến đi. Vì bộ tóc ấy, lần đầu tiên tôi đi cắt tóc ở ngoài, tôi cắt một phát đến tận tai, đi về nhà người như sốt rét không biết vì sợ ăn đòn hay lần đầu tiên thấy gió lạnh đi qua da đầu.
Tôi đã kể Mẹ yêu tôi đến nỗi không cho tôi chơi với bất kỳ đứa trẻ con hàng xóm nào chưa? Vì “Con tao không được chơi với nhà đầu đường xó chợ”. Tôi bé quá chưa hiểu được vị trí địa lý kia của nhà bạn, nơi chẳng may bạn đẻ ra, đã ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống văn hóa và tinh thần thời niên thiếu của bạn như thế nào.
Không một buổi sinh nhật nào tôi được mời. Không một đứa bạn nào được bước chân vào nhà. Ở lớp cũng không ai thèm chơi cùng vì “con diễn viên chảnh chọe”. Mẹ tôi bảo tôi chọn bạn mà chơi, nên Mẹ chọn hộ luôn cho nhanh, tôi được chơi với chính xác bốn người, những đứa trẻ có bố mẹ cũng là diễn viên để cho nó xứng đáng.
Cái nhóm bạn ấy của tôi, chúng tôi sống đúng theo kiểu va vào nhau. Không bao giờ nói chuyện ngoài lúc bị đưa đi tiệc tùng với bố mẹ, không bao giờ mảy may nghĩ đến nhau, nhưng cứ ngồi với nhau, là chúng tôi biết hết chuyện của nhau, và chúng tôi hiểu cho nhau. Đứa nào cũng là nhà thế nọ thế kia mặt phố ở đằng kia, chúng tôi là bình hoa. Chúng tôi cùng nhau đỡ gánh nặng của những cái tên, chúng tôi biết và chỉ chúng tôi biết. Nhưng, tôi luôn là bình vôi, tôi luôn là người mà tất cả cùng chép miệng khi mẹ tôi đưa đến. Tôi bị ném những cái nhìn vào những bữa tiệc sinh nhật mà các bạn tôi bắt buộc phải mời tôi, và bị ném những lý do khi tôi mười ngược lại. Tôi chưa bao giờ hiểu tại sao.
Có một chị, hơn tôi một tuổi trong nhóm ấy, tên là Mây. Tất nhiên là Mây học giỏi, Mây đàn giỏi, Mây tài năng, như tất cả chúng tôi. Năm 2002. lúc gia đình tôi và gia đình các bạn của Mẹ đi Trung Quốc với nhau, Mây bảo tất cả trẻ em ở một phòng nhé, Nhi thì ở với mẹ đi.
– Tại sao lại thế hả chị?
– Vì bọn chị không muốn ở với em.
– Tại sao lại thế hả chị?
– Vì em khác quá.
– Tại sao lại thế hả chị?
– Em mà không hiểu thì làm sao mà chị hiểu được.
Tôi vẫn chưa bao giờ hiểu tại sao. Sau này, tôi biết, tôi biết khác là thế nào, nhưng tôi vẫn không hiểu tại sao.
—
Tôi là đứa duy nhất tôi biết có gia sư từ ngày đầu tiên vào học mẫu giáo.
Tôi cũng là đứa duy nhất tôi biết mà đi học múa ballet, học dance sport, học tiếng Pháp, tiếng Anh, học MC, học đàn và làm mẫu ảnh vào năm học lớp Một. Ở tất cả các lớp, tôi lúc nào cũng là bé nhất, luôn được đứng lên đầu khi đi xếp hàng. Lịch của tôi hàng ngày kín đến từng phút một, cứ lao từ lớp này qua lớp kia và một ngày kết thúc vào khoảng mười hai giờ đêm, khi đã làm bài tập xong cho cả tuần sau ở trường.
Nghĩ lại khoảng thời gian đó, tôi chả hiểu là tôi kiếm sức lực ở đâu ra để làm ngần đấy thứ. Mà lại môn nào cũng giỏi mới chết chứ. Mẹ tôi hay đưa tôi đi ăn sáng ở Paris Deli thời năm 1999 khi các bạn vẫn ngồi ngoáy mũi ăn cơm ruốc, để cho tôi thả tóc dài đến mông ngồi đánh piano cho mọi người ngắm. Tôi chỉ được mặc váy suốt năm năm cấp Một, và đi đâu mà không phải là người giỏi nhất thì sẽ không được đi nữa.
Tôi làm rất nhiều, và thật sự, tôi giỏi tất cả. Nhưng chỉ có một thứ tôi yêu, đó là múa. Tôi hồi hộp cho đến giờ học múa, tôi yêu bộ váy múa, tôi yêu cả cái sự đau đớn hàng ngày của nó. “Nằm úp xuống, thẳng chân ra, giấy vệ sinh đấy, khóc thì chùi mắt,” cô tôi hay quát thế. Ai hỏi tôi sau này tôi muốn làm nghề gì, tôi sẽ trả lời là diễn viên múa. Tôi cũng làm chuyên nghiệp một thời gian thật, kiếm rất nhiều tiền là đằng khác. Rồi khi tôi mười tuổi, tôi bị bắt nghỉ, mặc cho tôi mất bao nhiêu nước mắt, bao nhiêu cơn hờn, đơn giản chỉ vì Mẹ tôi sợ tôi không thi được vào Đại học. Tôi hỏi mẹ:
– Tại sao lại thế hả mẹ?
– Vì con phải học trường tốt thì mới có công việc tốt.
– Tại sao lại thế hả mẹ?
– Vì con phải có công việc tốt thì mới được mọi người trọng vọng.
– Tại sao lại thế hả mẹ?
– Vì nó thế.
Tôi vẫn không hiểu vì sao nó lại thế. Nhưng, sau này, tôi biết, Mẹ tôi chỉ học chưa hết lớp Ba.
Bố mẹ tôi lúc nào cũng tự hào về việc trả tiền cho các lớp học của con, và tự hào về việc không bao giờ phải sờ tay vào gì mà con vẫn giỏi. Nuôi tôi siêu nhàn, cả đời có hai chị ô sin làm tất cả các việc, từ đưa đón đến nấu cơm đến mua quà sinh nhật. Thậm chí, các chị ô sin còn đi họp phụ huynh, các cô giáo tức lắm vì nghe tên người bố nghệ sĩ nổi tiếng bao nhiều năm mà chưa bao giờ được phép gặp mặt. Năm tôi lên cấp Hai, Bố còn vui tính đến nỗi hỏi con học lớp Ba hay lớp Bốn rồi ý nhỉ?
Tôi thì nghĩ là các cô giáo ghen tị trù ếm tôi lắm, chỉ vì nhà tôi có cô ô sin đi cả dép lê đến họp phụ huynh, còn cô phải tự đón con cô mỗi lúc tan lớp. Cô toàn gọi điện về nhà mỗi khi hẹn Bố tôi không được. Bố tôi chẳng thèm nghe máy. Tôi mất cả vài năm nghĩ có khi cô chủ nhiệm yêu đơn phương Bố nên mới hành xử kiểu đấy cũng nên, chứ làm gì có bố mẹ nào mỗi năm đều phải đến họp phụ huynh một lần, làm gì có ai có thời gian? Cô gọi thì kệ cô thôi, tôi ở chung nhà mà cả đời cũng chỉ ăn được bữa cơm (ô sin nấu) với Bố Mẹ vài lần đấy thôi.