Lỗi Error 404 - Plaaastic - Phần 1.2
Câu thứ hai mà các bác sĩ luôn hỏi khi bạn đến khám là: “Từ khi nào mà em bắt đầu cảm thấy buồn?”
Tôi không có câu trả lời, nhưng tôi cũng biết tôi không thể nhớ được lần cuối cùng mình thấy vui là khi nào. Cố gắng nhớ xem trầm cảm bắt đầu từ khi nào cũng y hệt như cố gắng nhớ xem cơn ác mộng hằng đêm bắt đầu ra sao vậy, càng nhớ thì ranh giới giữa sự thật và cảm xúc chỉ càng mờ đi, và bạn chỉ biết nó đã xảy ra khi nó vừa kết thúc.
Khi tôi nhập viện lần đầu, uống những viên thuốc trầm cảm, thuốc chống lo âu, thuốc hướng tâm thần đầu tiên, thứ duy nhất tôi cảm thấy là đúng. Tôi đã tìm được lời giải thích cho việc vì sao tôi lúc nào cũng lạc lõng, cuối cùng tôi cũng hiểu vì sao tôi luôn khóc đến lúc ngủ thiếp đi, vì sao tôi lúc nào cũng đau ốm mệt mỏi mà lại chẳng có bệnh tật gì. Tôi đổ được mọi sự sai trái của bản thân lên sự trầm cảm, và cái gánh nặng về việc đẻ ra đã bị lỗi vơi ngay đi. Tôi quay lại, nhìn thấy bóng đêm xung quanh mình, bèn ngả xuống và ngủ một giấc ngon nhất từ trước tới nay.
Tô vẫn nhớ như in về lần đầu tôi muốn chết. Câu chuyện chẳng có gì, tôi vừa tròn bảy tuổi, bị Mẹ đánh cho một trận gần chết theo đúng nghĩa đen, vì việc gì tôi cũng không nhớ nữa. Nằm nghiêng sang một bên để thở bằng một lỗ mũi, nước mắt chảy mờ hết cả suy nghĩ, tôi thấy ngay: “Giờ mà mình chết ngay đi thì có phải hay không, chẳng bao giờ phải cảm thấy thế này nữa.” Thỉnh thoảng tôi lại nhớ về tối hôm ấy và tự hỏi không biết thế có phải là bình thường theo chuẩn xã hội bảy tuổi không? Tôi muốn kiểm tra nhưng chả tìm được dịp nào để hỏi mấy đứa bảy tuổi khác xem chúng có muốn chết không. Tôi biết về cái chết cũng tương tự như cách tôi biết về ông già Nô-en, đơn giản là tôi biết thôi. Tôi biết chết là hết, là bóng tối. Và thỉnh thoảng khi chán chơi đồ hàng, tôi hay nằm nhắm mắt, bịt tai và nín thở xem cảm giác thế nào. Kết thúc vĩnh cửu của chết cho tôi sự bình yên, nó như phương án B xuất sắc trong mọi trường hợp.
Khi ước mơ của bạn là được chết, bạn luôn yên tâm rằng giấc mơ ấy một ngày sẽ trở thành sự thật, chỉ là vấn đề sớm hay muộn mà thôi.
Bố mẹ nào cũng đánh con. Đó là một sự thật đáng xấu hổ, thế nhưng lại được đưa ra để làm lý do tránh xấu hổ cho bản thân các bố mẹ. Các bố các mẹ đánh các con hỏng cả người rồi kêu con hư hỏng. Đối xử với con theo kiểu. nhà ai chả thế nhưng lại luôn mong con giỏi vượt trội hơn chúng bạn. Dạy con nhiều điều, từ việc không ỷ lớn bắt nạt bé đến việc phải lắng nghe nhường nhịn lẫn nhau, nhưng ngứa tay là con mất vài cái răng. (Tất nhiên là không phải ai cũng thế, nhưng cái số không thế nó bé quá, bé đến nỗi tìm mãi không ra.)
Bố Mẹ tôi, và có thể bố mẹ của rất nhiều các bạn xấu số khác nữa, không những sống lỗi mà còn sống như không có gì là lỗi của bố mẹ. Con giỏi con ngoan là tay tao ra hết, con dốt con hư rõ ràng là do môi trường và chúng bạn lôi kéo. Các bạn tôi, không biết bao nhiều người tin vào yêu cho roi cho vọt mà bị các anh bạn trai đánh cho sưng húp vẫn: “Nhưng anh ấy yêu tao thật lòng.” Các bạn tôi, không biết bao nhiêu người cả đời suy tính lo toan vì nhìn vào người khác mà sống, không bao giờ yêu được bản thân vì vẫn nhìn lên con nhà người ta nào đó. Biết là sai đấy, nhưng các bạn tôi vẫn làm, vì đó là thứ duy nhất các bạn tôi biết. Ai cũng mong đổi đời nhưng lại chẳng ai muốn thay đổi bản thân cả.
Tôi mà kể về việc tôi bị đánh như thế nào, thì đúng là có kể đến Tết cũng không hết, ngần ấy cái Tết của cuộc đời cơ mà. Vả lại, tôi quên gần hết những việc Mẹ làm với tôi rồi, tôi chỉ còn nhớ những gì Bố Mẹ khiến tôi cảm thấy thôi. Một tuổi thơ chật vật và thổn thức, tôi lê cái mông đòn roi ì ạch qua từng ngày một. Đánh một trăm lần thì lần thứ một trăm vẫn đau y như lần một, chắc Mẹ coi tôi như cục vàng nên lôi lửa ra luyện. Bố tôi, Bố tôi đơn giản là không làm gì. Thắng không thưởng, thua không phạt, đau không thương. Bố tôi đi lướt qua đời tôi, đúng như thế. Lúc bé, tôi thích nghĩ rằng tôi chơi quá giỏi ở trò trốn tìm, giỏi đến nỗi tôi có thể sống thế cả đời mà không bao giờ lo bị bắt.
Tôi học được cách khóc không ra tiếng, chỉ ngồi im không ai hay biết. Mẹ, nếu mà nghe thấy sẽ kêu lên: “Tao làm quái gì mày mà mày khóc?” và tôi sẽ bị ăn đòn thêm để cho có lý do khóc một thể. Tôi hàng sáng dậy sớm, rón rén ra bếp, kê ghế lấy khay đá trong tủ lạnh ra chườm mắt vì sợ cô chủ nhiệm hỏi. Tôi biết cách ngồi kẹp đầu vào giữa hai chân cho đỡ choáng vàng nếu bị đập vào sàn quá mạnh. Tôi hay giấu hai bím tóc dài vào trong lưng áo để mẹ tôi không tiện tay kéo, và luôn khóa cửa ban công sau một lần bị ấn đầu ra ngoài, chủ yếu là vì sợ bị hàng xóm nhìn thấy xong lại hỏi han thêm. Mẹ tôi chuẩn bị cho tôi vào đời quá tốt, tôi là đứa bảy tuổi cứng nhất quả đất và đi đâu trên quả đất cũng không sợ trừ đi về nhà.
Cứ mỗi năm tôi lớn lên một chút, phải đưa ra những quyết định nhiều hơn một chút, tôi lại nghĩ đến việc sử dụng phương án B nhiều hơn một chút. Buồn cười ở chỗ, nó chẳng bao giờ là những việc đau khổ và lớn lao khiến cho tôi muốn chết, nó toàn là những câu trắc nghiệm thường ngày bé ti ti. Bê đồ từ siêu thị về, trời thì nóng, túi thì nặng, tôi nghĩ: “Bây giờ mình chỉ cần ngả đầu vào cái xe buýt đang lao đến là xong.” Ngồi cà phê với ai mà rơi vào một quãng dừng chả ai biết nói gì, tôi tính ngay đến chuyện nhảy xuống ban công. Rửa bát, sấy tóc, trả lời email, đi học, đi làm, đi yêu,cái gì cũng làm tôi muốn kết liễu bản thân. Nhiều lúc tôi nghi ngờ cả bản thân, có khi tôi chả phải trầm cảm mà chỉ đơn giản là con người lười nhất quả đất hay không.
—
Tôi muốn nói thêm về gia đình, về Anh tôi và Chị tôi, nhưng tôi lại chả có chuyện gì để kể. Anh là con Bố, Chị là con Mẹ, hai người hơn tôi hai mươi ba tuổi, và ngay từ những ký ức đầu tiên của tôi. Anh Chị tôi đã lập gia đình. Chị tôi chuyển sang Mỹ, rồi khi tôi chưa kịp có ký ức thứ hai, thứ ba, Chị tôi đã lấy thêm vài đời chồng. Nhà tôi là thế này, ai cũng tài hoa cái gì đấy để có chuyện khoe về nhau. Tài năng của Chị tôi là xinh đẹp. Chị tôi dịu dàng và đơn giản, có lẽ Chị là người khác những người nhà tôi nhất. Chị tôi cũng là người cho tôi biết, thế giới này rộng biết nhường nào, và làm tôi mơ đến ngày tôi cao chạy xa bay biết bao nhiêu. Chị mua cho tôi áo len cashmere ở Dubai, Chị tặng cho tôi ba lô Mickey từ Disneyland Paris vào ngày học lớp Hai. Tiệc tùng, bạn bè, và những anh bạn trai, Chị tôi đơn giản nhưng tôi vẫn chưa bao giờ hiểu Chị.
Anh tôi thì khác, lúc còn bé tôi không hiểu, nhưng thật sự, tôi giống Anh tôi tới mức kinh hoàng. Vì định kiến với Bố Mẹ, anh tự đăng ký đi học múa từ năm chín, mười tuổi, chỉ kể với Bố chúng tôi khi Anh đã thi đỗ. Tôi không nhớ gì về Anh hồi nhỏ, ngoài ngày mùng Một Tết, Anh đưa hai đứa con về thăm nhà. Bây giờ tôi mới hiểu, chắc nếu tôi có con thì tôi cũng chỉ đưa chúng nó về, họa hoằn lắm là ngày mùng Một Tết.
Sau này, khi tôi trở về từ Singapore, tôi với Anh tôi bắt đầu gặp nhau và nói chuyện, lần đầu. Lần đầu tôi nhìn Anh tôi là Anh, chứ không phải là một nhân vật nào đó trong gia đình, như một ông chú ông bác nào đấy lâu ngày gặp lại xong lớ ngớ: “Tao bế mày hồi bé đấy, lớn quá rồi đấy.” Chúng tôi nói chuyện và thi thoảng khi chúng tôi uống say với nhau, Anh kể chuyện ngày xưa. Anh bảo Anh và Mẹ tôi là bạn thân, ngày xưa Anh quý Mẹ lắm, và khi có một khoảng thời gian Bố Mẹ xa cách lúc chưa cưới nhau, Anh tan nát. Tôi, tan nát đến mấy, say mềm đến mấy, cũng không bao giờ có thể mở lời rằng: “Anh ơi, không phải đâu. Mẹ còn chưa là mẹ, đừng nói Mẹ là bạn.”