Lỗi Error 404 - Plaaastic - Phần 2.1
Năm chín tuổi, tôi bị lạm dụng lần đầu tiên.
Câu chuyện cũng tương đối giống những câu chuyện lạm dụng trẻ em khác. Một người họ hàng nào đó của gia đình, bố mẹ tin tưởng tuyệt đối, để lại một nỗi sợ không bao giờ dứt, kiểu kiểu thế, vân vân và vân vân, cái mô-típ chuyện tôi thường nghe thấy ở trên báo chí nhưng không bao giờ nghĩ là nó sẽ xảy ra với mình. Năm chín tuổi là lần đầu tiên, nhưng không phải là lần cuối cùng, và không phải là người duy nhất.
Đến bây giờ ngồi và nghĩ lại, tôi thật sự không chắc chắn lý do vì sao tôi không hé răng gì về chuyện này, tôi chưa bao giờ kể với ai, có lẽ trang giấy này sẽ là lần đầu tiên, và lần duy nhất.
Nó là một thứ trọng đại với tôi, nhưng mà, tôi chín tuổi nghĩ, trọng đại với tôi thì đâu có phải là trọng đại? Tôi chín tuổi và tôi của rất nhiều năm sau này, vẫn hoài nghi khi nghĩ về cái ngày trọng đại ấy. Tôi không hiểu nó có phải là thật không, hay là do tôi tưởng tượng ra (tôi đã chắc chắn là bố mẹ tôi sẽ nói thế), liệu nó có phải là một trong những cơn ác mộng của tôi (tôi rất hay mơ thấy ác mộng), việc này thật sự đúng hay thật sự sai, đúng là gì và sai là gì? Điều duy nhất tôi chắc chắn 100% lúc ấy là: Đây là lỗi của tôi, 100%. Nó xảy ra là vì những gì tôi nói, vì những gì tôi làm, vì tôi là tôi.
Từ lúc ấy, không có gì đáng sợ với tôi hơn là chính những suy nghĩ của mình. Nó là một sự nhận ra cùng cực, rằng tôi không bao giờ có thể chạy thoát khỏi chính bản thân mình. Trước cả khi tôi ở cái tuổi nổi loạn và làm bất kỳ cái gì tôi muốn, tôi đã nhận ra rằng đúng là tôi có thể làm bất kỳ điều gì tôi muốn, nhưng tôi sẽ không bao giờ chạy thoát được khỏi những hậu quả từ việc tôi sẽ làm. Và tôi hoảng loạn. Và tôi gào thét. Và tôi nhận ra rằng tôi còn bé lắm, tôi còn bao nhiêu thời gian để làm những việc sai lầm.
Sau đó không lâu, có một lần đi chơi ở bể bơi, tôi trượt chân và ngã xuống phần sâu của bể. Tôi chìm, và tôi sợ, nhưng trên hết là một cảm giác lạ, một cái lạ tốt. Tôi nghĩ tôi sắp chết, và suy nghĩ lúc ấy chỉ có: “Nó là đây sao?”, “Nó là đây rồi!!” Tôi chỉ còn lại một mình với bóng nước lọc bọc sót lại, bập bẹ ra từ miệng, tôi thấy tôi bất lực, nhưng tôi cũng buông xuôi. Lúc ấy, tôi thấy mình đang chìm sâu vào trong chính tôi hơn là chìm sâu vào trong nước.
Tất nhiên, lại có đứa phá đám, kéo tôi lên, cứu tôi ra.
Về sau, tôi không còn sợ bóng tối nữa, không còn con quái vật trốn dưới gầm giường, vì bây giờ tôi khiếp đảm việc phải ở một mình, để tôi ở lại với một mình tôi.
Tôi biết tôi sẽ làm gì điên rồ, tôi nghĩ đến việc nhảy xuống bể bơi một lần nữa khi không có ai ở quanh, để tôi thật sự được ở một mình, tôi nhớ cảm giác yên bình của cái kết đang đến ấy. Tôi biết tôi sẽ thích nó. Tôi sợ quá, tôi sợ những suy nghĩ càng ngày càng đánh nhau loạn xạ trong đầu, mỗi lần ra bể tôi lại ngồi nghĩ: “Nhảy? Không nhảy? Nhảy hay không?” Lúc ấy chưa hiểu rõ cái ham muốn này là gì, nhưng tôi biết chả có ai ham muốn giống tôi cả, và tôi ghê rợn với bản thân – vì một thứ như thế lại mang đến cho tôi cảm giác thế này. Rõ ràng là lỗi của tôi, lỗi của tôi mà. Tại sao lại thế, tại sao tôi lại khác? Tôi không muốn khác, tôi muốn được bình thường, tôi là một cô bé ngoan.
Sau này, khi tôi mắc chứng bulimia rồi, có một điều về nó tôi hoàn toàn không nhận ra cho tới lúc vấn đề vượt tầm kiểm soát: Nó làm cho tôi nhìn giống như một đứa trẻ, và tôi yêu điều đó. Ba mươi lăm cân, cao một mét năm lăm, thích mặc váy bồng bềnh và để tóc mái bằng, tôi nhìn độ khoảng mười hai tuổi.
Bác sĩ bảo tôi đây là chuyện bình thường và phổ biến với những người bị rối loạn ăn uống, với tiền sử chấn động hồi còn nhỏ, rằng tôi đang quá tổn thương và nặng nhọc với cuộc sống của ngày hôm nay nên tôi muốn quay về với tuổi thơ không lo nghĩ.
Bác nhầm rồi bác sĩ ơi, tuổi thơ nào không lo nghĩ ở đây. Thôi cứ nghĩ thế đi cũng được, cho mấy chai thuốc giảm đau lòng đầy đầy vào nhé.
Lớn lên rồi, bắt đầu đi làm kiếm tiền, tôi toàn tự thưởng cho mình phiếu bé ngoan vì tôi là người trẻ nhất. Mười lăm tuổi sống một mình, phải nhờ người yêu làm bảo hộ hợp pháp vì không đủ tuổi ký giấy tờ ở trường, tổ chức giải nhảy ở hộp đêm xong tự bản thân không được vào. Tôi lấy điều đó làm một sự vinh hạnh, và là cái lý do để sống bừa phứa. Tao trẻ mà, tao không vui bây giờ thì bao giờ tao vui? Kệ xác tất cả các thứ.
Xong cứ thế, mỗi năm đến sinh nhật, tôi lại sợ chết khiếp.
—
Cuộc sống ở trên Internet không có tuổi, thỉnh thoảng lại có vài thằng biến thái thích quấy rối gái mới lớn vẫn nhảy vào hỏi: “Em bé lớp mấy rồi?”, xong cởi trần chụp ảnh gửi cho tôi xem. Tôi, tởm lợm thay, lại chờ mong những câu hỏi ấy, cảm thấy mình đang được chú ý đặc biệt. Tôi biết, tôi biết, tôi quá biết nghe nó điên, nó bệnh thế nào, nhưng mà tin tôi đi, khi mà bạn là tôi thì chỉ có một cái tin nhắn trong hộp thư rung lên cũng có thể làm bạn tan chảy một ít. Ước gì tôi không biết, ước gì tôi không hiểu, ước gì cái đầu của tôi hợp một tí với cái cơ thể mười hai tuổi, vì tôi không thể hình dung được trên đời còn có việc gì khổ hơn việc một người điên biết mình là điên.
Quá trình hẹn hò hồi cấp Hai của tôi bắt đầu cũng từ những hoang mang sau cái ngày năm tôi chín tuổi ấy. Có một lần bạn cùng lớp của tôi hỏi” “Bây giờ mình nhìn những bạn cùng lớp mình thấy thích, bố mẹ mình nhìn các ông bà già khác thích, thế đến lúc mà mình vào hàng tuổi cụ thì mình có thấy các cụ nam đẹp trai không nhỉ hay vẫn chỉ là đẹp lão???” Câu hỏi ấy làm cho tôi hoảng, vì nhờ nó tôi nhận ra là chỉ thích những người cùng độ tuổi của mình mới là chuyện bình thường.
Tôi lảng vảng với nhiều anh. Anh nào cũng hơn ít nhất mười tuổi. Thích nhất mấy anh mặc vest xách túi da, người lúc nào cũng đầy mùi thuốc lá. Nhưng mà cái loại ấy là loại hiếm, vì các anh đã mặc vest thì các anh cũng sợ đi tù, nên thường tôi chỉ “bốc” được mấy anh hơn mười tuổi nhưng lòng dạ thì lại già thêm mười tuổi nữa. Bỏ học, trốn nhà, đua xe, ôm lô đề, vân vân và vân vân.
Nhưng dù có thế nào, tôi cũng không ở với ai lâu được.
– Sự thật đơn giản 1: Trẻ con nít ranh mắt nứt đít hăm đâu có hiểu tình yêu là gì, chỉ thích những trò chơi, nhất là trò gì bị cấm.
– Sự thật đơn giản 2: Chuyện bị xâm hại để lại trong tôi một lỗ hổng quá lớn, và không biết từ bao giờ tôi sợ hãi khi bị người khác chạm vào người. Tôi không biết cái chạm ấy sẽ thành một cái tát hay một cái khóa giữ người lại, rằng nó là động chạm, hay nó là chạm thôi? Mỗi cử chỉ của người ta với tôi trở thành một câu hỏi, anh cảm thấy gì mà anh làm thế, anh muốn đạt được mục đích gì với việc này, anh nghĩ tôi sẽ để anh đi đến đâu? Tất nhiên cuối cùng chẳng đâu vào đâu, ngoài việc tôi bị mang tiếng là chảnh như tranh trong bảo tàng, sờ vào người là còi báo động hú liên hồi. Đến tận bây giờ, bạn bè rủ đi mát-xa cũng không đi, chỉ cần ai đó đặt tay lên người là tôi sẽ có những cơn rùng mình không ngừng lại được.
Hồi cấp Hai, hay ở chỗ, bạn có ngu đần đến đâu, thì bạn cũng sẽ làm bạn được với những đứa ngu đần thật sự, và vì thế tôi quen được với bốn đứa bạn thân nhất với tôi bây giờ: Thảo, Thủy, Dương và Nam. Lúc đầu, nghĩ lại thấy thật hài, tôi mua chúng nó bằng tiền. Tôi có biết gì hơn, tôi chỉ có tiền, tôi chỉ biết dùng tiền bao các bạn ăn, đưa các bạn đi chơi, mua quà cho các bạn, rồi trả tiền hàng nét để chat yahoo. [30.000 tiền tiêu vặt Mẹ cho hàng ngày] x [5 ngày một tuần] x [52 tuần một năm] x [2 năm] = 15.600.000 đồng để có bốn đứa bạn thân cả đời. Đến lớp Tám, nhà tôi phá sản, thế quái nào chúng nó vẫn chơi với tôi.
Thảo tomboy, đi tập nhảy, đội mũ lưỡi trai ngược mặc đồng phục, sau này tóc dài đến mông, sở thích là xem phim Hàn Quốc và nấu ăn.
Thủy ước mơ làm một tay chơi bass của ban nhạc rock, bây giờ đi dạy trẻ ở trường mầm non.
Dương được các bạn nam trong lớp đánh giá là xinh và giỏi nhất trong hội, một ngày chuyển sang Đức ở rồi mất tăm mất tích luôn.
Nam lèo khoèo, nhẳng con và nhìn ngứa mắt. Nam chuyên bị các bạn úp sọt.
Nam, hiện đã tự nhận mình là gay – còn lúc ấy, cứ thằng nào gọi Nam là bóng thì Nam cáu, Nam muốn gọi hội các bạn. Lớp Bảy, sau một vài lần cô giáo chủ nhiệm phát hiện ra Nam bầm tím vì bị trêu, cô ra lệnh nếu nhìn thấy bất kỳ một miếng sứt nào nữa trên người nó, cô sẽ kỷ luật cả lớp.
Đã muốn trêu thì kiểu gì chả tìm ra cách, nên các bạn chuyển sang bắt nạt Nam kiểu vô hình: bẻ kính, đổ trà sữa vào cặp, lâu lâu lại xin đểu,… Tôi ngứa mắt, tôi gọi anh người yêu đến xử thằng đầu sỏ. Anh người yêu ngồi ở hàng bánh ngọt đối diện cổng trường, lao ra xách cổ thằng đầu gấu: “Mày còn sờ vào em của vợ tao một lần nữa, bố mày chém mày chết.”
Xong chúng tôi ra sông Tô Lịch vứt dao, xong chúng tôi bị công an bắt.
Thế là Nam, Thảo, Thủy, Dương thành bạn thân nhất của tôi từ đấy. Một cái kết thật không có hậu cho chúng nó tí nào.
—
Đi nhảy là một trải nghiệm rất khác, là lần đầu tiên cho rất nhiều cái đầu tiên của tôi.
Câu chuyện vì sao bắt đầu đi nhảy là một câu chuyện trẻ con vớ vẩn ngớ ngẩn.
Tôi cái gì cũng có được một cách quá dễ dàng, đâm ra tôi ghét những thứ dễ dàng: Nó nhạt, và nó hoàn toàn có thể bị thay thế. Thành thử lớp Sáu, lớp Bảy, con nít mắt toét, tôi lại chỉ thích đi cua giai, thằng nào thích tôi thì tôi sẽ không thích.
Ai cũng có một vài chuyện của bản thân trong quá khứ mà cứ nghĩ lại là lại muốn tự đập đầu mình vào tường vì quá ngu ngốc, chuyện này chính là chuyện đó của tôi đây.
Tôi đi trượt ván, gặp một anh đang tập nhảy popping ở đầu bên kia của tượng đài Lê-nin, sau yêu nhau, xong bị đá lần đầu, cay cú, nên mò lên lớp học nhảy của người yêu cũ dạy cho bõ tức. Chuyện này nghĩ lại trong đầu đã muốn đập bàn (viết ra xong tôi đập bàn mấy cái thật).
Nhưng thật sự, nếu không có thời kỳ đi nhảy hồi ấy, tôi sẽ không bao giờ là tôi bây giờ. Cũng vì đi nhảy, tôi gặp người bạn thân nhất và cũng là người bạn cuối cùng trong số năm người bạn tôi có: Tuấn Jun.
Tôi là người nhảy popping xấu nhất quả đất, tôi có thể khẳng định như thế. Gần hai năm đầu đi nhảy, ngày nào đến tập cũng bị bảo là: “Thôi đi về đánh đàn piano với múa ballet đi.” Không phải khoe khoang nhưng thường tôi làm gì cũng được, tôi thật sự không quen thất bại. Có thể đổ lỗi cho Bố Mẹ tôi, đúng, nhưng có khi đẻ ra đã thế (nhưng biết đâu đẻ ra lại là lỗi của bố mẹ?). Nhưng tôi cũng cứng đầu, bởi vì không làm được nên càng làm, cứ xuất hiện đúng năm rưỡi chiều mỗi ngày mặc cho mọi người ngứa mắt kiểu: “Ôi cái con nhảy xấu vẫn đến à?!” Cứ thế, cứ thế, rồi bảy, tám, chín năm trôi qua, tôi vẫn nhảy popping, tôi vẫn nhảy xấu.
[5 tiếng tập mỗi ngày] x [6 ngày một tuần] x [52 tuần một năm] x [9 năm] = 14.040 tiếng để vẫn nhảy xấu. Đầu cứng thật.
Tuấn Jun, cũng sau 14.040 tiếng chê tôi nhảy xấu, đến giờ vẫn kiên trì chê tôi nhảy xấu. Nhưng mà khác với mọi người, Tuấn Jun dù chê tôi nhảy xấu quá, nhưng tập xong vẫn chở tôi đi mua quần áo tập, đi ăn kem, đi bộ dạo Bờ Hồ, hôm sau lên vẫn chỉ tôi tập tiếp. Thế là chúng tôi chơi với nhau từ đấy. Một cái kết cũng không có hậu cho Tuấn Jun tí nào.
Cái gì tôi học được về cuộc đời tôi, cái gì tôi học được về viết sách, thật sự đều từ nhảy mà ra.
Tôi có được một gia đình thật sự, làm tất cả cho nhau chỉ vì yêu thương nhau chứ không phải vì cái gì khác. Tôi học được rằng thật sự, có những thứ mình có cố đến mấy thì mình cũng chỉ cố được hết sức thôi, còn lại thì để cuộc đời tính nhé. Tôi học được rằng có một thế giới ở ngoài kia, ngoài bốn bức tường của phòng tôi, với đủ loại người – và vì thế nên mới phải gặp nhau, để hiểu rằng mình chả bao giờ là đặc biệt nhất quả đất, rằng mình cần nhau để cảm thấy đầy đủ. Tôi học được rằng mình có quyền ước mơ, mình được chọn, mình có đam mê, và sống đến chết với cái mình yêu là một thứ hoàn toàn chính đáng.