Ngôi Nhà Của Người Cá Say Ngủ - Higashino Keigo - Chương 1.1
1
Khi ly vang trắng của Kaoruko đã cạn, nhân viên pha chế trong bộ trang phục đen tiến lại gần.
“Thưa quý khách, tiếp theo quý vị dùng gì ạ?” Người đó nhìn Kaoruko và Enokida Hiroki ngồi đối diện cô rồi hỏi.
“Tiếp theo, tôi đã gọi món bào ngư rồi nhỉ?” Enokida nói vậy với cậu nhân viên.
“Vâng, thưa quý khách.”
“Vậy thì,” Enokida nhìn Kaoruko và gợi ý, “Hai ly rượu trắng cho hợp với món bào ngư nhé?”
“Vâng, thế cũng được ạ.”
Enokida cười cười gật gù, “Vậy thì thế đi,” rồi nói với nhân viên.
“Vâng, thưa quý khách. Vậy thì, quý khách thấy những món này sao ạ?” Nhân viên mở thực đơn, chỉ cho Enokida xem.
“Ừm, cứ thế đi. Nhờ cậu.”
Sau khi nhìn cậu nhân viên cúi mình rời đi khuất, Enokida nói, “Những lúc thấy còn băn khoăn, tốt nhất là cứ để người khác quyết định. Cứ giả vờ hiểu biết rồi chọn phải loại rượu không hợp vị thì cũng chẳng biết nên cáu với ai đúng không?”
Kaoruko hơi nghiêng đầu, liếc xéo lại vẻ mặt đẹp đẽ trắng trẻo kia.
“Đến cả bác sĩ cũng có lúc cáu giận sao?”
Enokida cười nhạt. “Chuyện đó cũng có thể lắm chứ.”
“Chà, một bộ mặt khác khó tưởng nha.”
“Nói thẳng ra thì do bản thân tôi muốn làm loạn chút thôi. Nhưng điều ấy là không nên đúng không? Với lại, nếu kìm nén không cáu gắt với người khác thì cũng không gây ảnh hưởng xấu đến hệ thần kinh. Con người ta ai cũng cần đường lui chứ. Bất cứ lúc nào cũng vậy.” Giọng nói trầm thấp, rành rọt của Enokida vang bên tai Kaoruko. Vang vọng sâu trong tim cô nữa.
Enokida muốn nói gì, Kaoruko hiểu cả. Chính bởi vậy, cô chẳng nói gì nhiều, môi chỉ giữ nụ cười vừa phải và cằm hơi gật mà thôi. Thấy thái độ của cô như vậy, anh ta cũng có vẻ hài lòng.
Nhân viên pha chế mang loại vang trắng đã giới thiệu tới, nó rất hợp vị với món bào ngư, Enokida cũng chẳng có cớ gì để trách móc. Anh ta gọi nửa chai vang đỏ cho món chính. Còn chọn cả nhãn hiệu. Thi thoảng mới có món ‘chuyên môn’ của mình mà.
“Một khi ta có tự tin, cứ tích cực hành động. Đó là quy tắc để sống đời tích cực đấy,” Enokida cười với vẻ tinh nghịch. Hàm răng trắng thấp thoáng giữa đôi môi.
Sau khi ăn xong món chính, tới lượt món tráng miệng. Kaoruko vừa lấp dạ dày bằng hoa quả và chocolate trên đĩa vừa nghe Enokida kể chuyện. Cô càng lúc càng thấy hứng thú với câu chuyện về lịch sử đồ tráng miệng, thực sự rất thú vị. Không phải bàn cãi, khả năng kể chuyện của anh ta đúng là quá quyến rũ.
“Cực kỳ ngon, em ăn no quá. Mai phải đến phòng gym để bơi cật lực mới được.” Kaoruko vỗ vỗ bụng mình qua lớp áo.
“Hấp thụ vào rồi đốt cháy năng lượng. Đúng là lý tưởng. Sắc mặt em cũng khác hẳn so với một năm trước đấy,” cầm ly cà phê trên tay, Enokida nói vậy.
“Cũng nhờ bác sĩ cả,” tuy đã chớm nghĩ tới câu đó, nhưng Kaoruko không nói ra khỏi miệng. Hiếm khi cô mới được yên tĩnh chuyện trò đến thế này.
Sau khi rời nhà hàng, hai người đi đến quán bar quen, ngồi lên ghế ở quầy. Kaoruko gọi Singapore Sling, còn Enokida một ly Gin-tonic.
“Đêm nay mấy đứa trẻ ở đâu? Lại đưa về nhà ngoại sao?” Nghiêng ly, Enokida khẽ thì thào vào tai cô.
Hơi thở của người đó làm cô thấy hơi nhột, Kaoruko khẽ gật đầu. “Em nói là đi gặp mấy đứa bạn thời đại học.”
“Ra là thế. Anh hỏi để tham khảo thôi, nhưng bạn em chỉ có nữ giới à?”
“Vâng, nhưng mà…” Kaoruko ghé nghiêng, liếc xéo anh ta. “Cũng có thể thay đổi, kiểu có nam có nữ. Em không nói rõ ràng với mẹ.”
“Thế cũng hay. Anh cũng cảm thấy đỡ tội lỗi. Đương nhiên, anh nào có phải bạn thời đại học của em, em cũng chẳng đi cùng ai khác ngoài anh.” Enokida nốc trọn ly Gin-tonic. “Vậy là, đêm nay các con em ở nhà ngoại à?”
“Vâng. Giờ này chắc chúng cũng ngủ rồi.”
Như thể bị thuyết phục, Enokida gật gù.
Người đó hẳn phải có ẩn ý gì thì mới hỏi như thế. Kaoruko cũng lựa theo chiều gió thôi. Hai người nào có phải là con nít.
“Cũng đến lúc ta đi thôi nhỉ?” Enokida nhìn đồng hồ đeo tay rồi nói.
Kaoruko cũng xem lại thời gian. Đã quá 11 giờ. “Vâng,” cô đáp.
Sau khi thanh toán và rời cửa hàng, Enokida lại nhìn đồng hồ một lần nữa.
“Giờ ta tính sao đây? Anh cảm thấy mình uống vẫn chưa đủ.”
“Hay ta vào quán nào đó? Một quán bar kiểu gia đình kín đáo chẳng hạn?”
Câu nói của Kaoruko khiến Enokida gãi đầu tỏ vẻ khổ sở.
“Xin lỗi nhé, anh không có chuẩn bị làm mấy chuyện đó đêm nay. Chỉ là, lâu lắm mới kiếm được chai rượu hiếm nên đã ướp lạnh sẵn. Anh mới nghĩ hay ta thưởng thức cùng nhau thôi.”
Nơi giữ lạnh hẳn là phòng anh ta. Đêm nay, Kaoruko cảm thấy Enokida đang cố nâng mối quan hệ của hai người lên một giai đoạn mới bằng cuộc nói chuyện nãy giờ. Cô vẫn chưa đến phòng anh ta. Cũng chưa hề có quan hệ xác thịt.
Chỉ thoáng chút băn khoăn, cô nhanh chóng đáp lời. “Xin lỗi anh,” cô nói.
“Sáng mai em phải đón lũ trẻ sớm. Chai rượu đó, đành để bác sĩ thưởng thức một mình vậy.”
Enokida không hề tỏ chút thất vọng nào, anh ta tươi cười xua tay. “Một mình uống không nổi đâu. Nếu đã vậy, để đợi lần tới nhé. Anh sẽ tìm ra món khai vị hợp với loại rượu đó.”
“Hay quá. Em cũng sẽ tìm món gì đó.”
Ra tới đường cái, Enokida giơ tay gọi taxi giùm cô. Kaoruko một mình leo lên ghế sau taxi. Nhằm đảm bảo không có những lời đồn thổi đại thể như ‘Phu nhân Harima để đàn ông cùng đi taxi tiễn về nhà’ lan tràn hàng xóm láng giềng.
Chúc ngủ ngon, không nói ra thành tiếng, Kaoruko chỉ hướng về phía Enokida và chúm miệng nói câu đó. Anh ta gật đầu, khẽ vẫy.
Chiếc taxi vừa chuyển bánh, cô đã thở hắt ra một cái. Cô cũng biết rõ mình đã hồi hộp thế nào.
Một lúc sau đó, điện thoại có tin nhắn. “Cũng chẳng mấy khi, anh sẽ chuẩn bị bộ ly mới. Đêm nay rất vui. Chúc em ngủ ngon.” Có lẽ con người này đã có ý đưa cô về phòng mình đêm nay nên cũng chuẩn bị sẵn rồi.
Đi thì cũng tốt thôi.
Chỉ là, có thứ gì đó trong Kaoruko vẫn bế tắc lắm. Chính xác là gì, ngay đến bản thân cô cũng chẳng hiểu rõ.
Bàn tay phải của cô chạm vào ngón áp út tay trái. Ngón tay đeo nhẫn. Kể từ khi kết hôn, cô chưa một lần đi đâu mà thiếu nó. Cô cũng đã quyết sẽ không tháo ra cho đến khi chính thức ly hôn.
2
Người phụ nữ mang số bảy, năm nay ba mươi tuổi theo thông tin ghi trong hồ sơ. Cô ta mặc một cái váy liền màu vàng, nhìn qua gấu váy, thấy cổ chân khá gầy guộc. Chân đi đôi giày thể thao màu trắng trông chẳng ăn rơ gì với chiếc váy, nhưng nó không phải là đồ cá nhân, mà là giày do phòng nghiên cứu chuẩn bị sẵn. Đôi giày cao gót cô ta đi đến đây cũng thấp thôi, trông cũng có vẻ khá an toàn nhưng đôi giày thể thao khi làm thực nghiệm là quy định rồi.
Nhân viên nghiên cứu bắt đầu dẫn người phụ nữ số bảy ra đến điểm xuất phát. Tay cô ta không hề cầm gậy trắng. Nhằm đảm bảo khi đi lại, cô không nắm được bất cứ thông tin gì. Chiếc gậy trắng đối với những người bị khiếm thị như con mắt nhìn đường của họ, có lẽ cô đang dần cảm thấy bất an trong lòng.
Harima Kazumasa nhìn một vòng quanh khu thực nghiệm. Diện tích là hai mươi mét vuông, trong đó đã xếp sẵn các chướng ngại là thùng các tông và các khối trụ tròn bằng xốp. Mọi thứ sắp xếp chẳng theo bất cứ quy luật gì, có cả những khoảng vô cùng chật hẹp.
Người phụ nữ đã đến điểm xuất phát. Tại đó, người ta giao cho cô hai vật. Một thứ khá giống kính râm, nhưng chức năng hoàn toàn khác. Phần mắt kính thay bằng một cái máy quay cỡ nhỏ. Đội nghiên cứu gọi là kính bơi. Một thứ nữa là mũ bảo hiểm. Nhìn thoáng qua trông không có vẻ gì kỳ lạ, nhưng bên trong gắn điện cực. Người phụ nữ nhận lấy nó mà mặt không hề đổi sắc, chắc cô đã tham gia thực nghiệm này nhiều lần. Có lẽ cô biết rõ những gì sẽ xảy ra sau đó. Cô đội mũ bảo hiểm và đeo mắt kính vào một cách thành thục.
“Chị chuẩn bị xong chưa?” Nhân viên hỏi người phụ nữ số bảy.
“Vâng,” người đó đáp lại nho nhỏ.
“Vậy thì, bắt đầu. Chuẩn bị, bắt đầu!” Vừa nói nhân viên nghiên cứu vừa lùi xa khỏi cô ấy.
Người phụ nữ số bảy xoay gương mặt đã đeo kính quét khắp lượt trái phải rồi mới bắt đầu bước đi.
Kazumasa mở tập tài liệu trong tay. Hình như cô ta làm cho một cơ sở y tế trong thành phố, đi làm hàng ngày bằng tàu điện vào lúc 8 giờ sáng. Tuy gần như chẳng nhìn thấy gì, nhưng chắc rất quen với chuyện đi lại trong thành phố.
Đã đến gần chướng ngại vật đầu tiên. Chiếc thùng các tông chặn ngay lối đi của cô ta. Người phụ nữ đứng lại trước đó một khoảng.
Thật sự, riêng điều này đã khá vất vả rồi.
Mắt không nhìn thấy đường, nhưng cô ta có thể cảm nhận thấy trước mặt có thứ nguy hiểm dù không có gậy trắng trong tay. Bí mật nằm ở chiếc máy quay dạng kính bơi và chiếc mũ bảo hiểm có gắn điện cực kia. Những hình ảnh máy quay thu thập về sẽ được máy tính xử lý thành tín hiệu điện, thông qua điện cực, kích thích vào não. Đương nhiên, không đồng nghĩa với việc cô ta sẽ nhận được hình ảnh chính xác của những điều đó. Chỉ như đứng giữa một màn sương mù, ta phát hiện có thứ gì đó đang lơ lửng mà thôi. Nhưng đối với người khiếm thị mà nói, đây đã là những thông tin cực kỳ hữu ích rồi.
Người phụ nữ lại bắt đầu bước đi. Với những bước chân thận trọng, cô đi chếch sang bên phải hộp các tông. Một nhân viên nghiên cứu giơ nắm tay tỏ ý vui mừng. Kazumasa trừng mắt tỏ ý đừng vui mừng quá sớm nhưng người đó có vẻ không nhận thấy ánh mắt của anh.
Đúng là tuy có hơi tốn thời gian, nhưng người phụ nữ đã lần lượt tránh được hết những hộp các tông và cột bằng xốp, đi hết cung đường quanh co. Nhưng gần đến đích rồi, cô ấy lại dừng bước. Trước mặt người phụ nữ giờ là ba quả bóng đá xếp chếch nhau. Khoảng cách cũng không hẹp lắm.
Sau khi dừng lại một lúc khá lâu, người phụ nữ lắc đầu.
“Tôi không hiểu.”
Có tiếng ai đó thở dài nghe thấy rõ.
Nhân viên nghiên cứu lại gần, sau khi gỡ cả kính và mũ, đưa cho cô ấy chiếc gậy chỉ đường.
“Anh thấy sao?” Người đàn ông cùng Kazumasa theo dõi buổi thực nghiệm quay lại. Gương mặt đó xen lẫn cả sự tự tin và mối bất an. Anh ta là người phụ trách nghiên cứu này. “Tuy không hoàn thành được thử thách cuối nhưng thành tích so với lần trước là tốt hơn nhiều rồi.”
“Tàm tạm thôi. Người phụ nữ này được huấn luyện bao lâu rồi?”
“Mỗi ngày một tiếng, cũng được ba tháng rồi. Thực nghiệm đi bộ qua những chướng ngại vật kiểu này đã đến lần thứ tư.” Người phụ trách giơ lên bốn ngón tay. Như thể anh ta muốn nói có hiệu quả đến mức đó.
“Khá đấy, một người gần như mù hoàn toàn mà đi vòng quanh không cần gậy thế đã tốt lắm rồi. Nhưng tôi cho rằng người này là một học sinh ưu tú. Vấn đề nằm ở chỗ, đối với những người ít đi lại nó sẽ có hiệu quả ra sao.”
“Đúng như lời anh nói, nhưng nếu tính đến buổi lắng nghe ý kiến ở Sở Lao động tuần tới, tôi nghĩ thế này cũng khá ổn rồi.”
“Này, này, anh nghĩ ta nghiên cứu cái này chỉ để làm vừa lòng giới quan chức thôi sao? Nhảm rồi. Nếu anh không đặt mục tiêu cao hơn thì sẽ phiền đấy. Nói thẳng ra, thế này thì khả năng áp dụng ứng dụng vào thực tế vẫn còn xa vời lắm.”
“À, vâng, đương nhiên, tôi hiểu rồi.”
“Hôm nay tôi coi là đạt, hãy nhắc đội trưởng tập hợp lại những điểm cần lưu ý rồi gửi báo cáo lên chỗ tôi.”
Trước khi kịp nghe câu ‘tôi hiểu rồi’ từ người phụ trách, Kazumasa đã quay gót bỏ đi. Anh cũng bỏ lại tập tài liệu cầm trên tay lên một chiếc ghế xếp gần đó rồi đi ra phía cửa.
Sau khi rời khu thực nghiệm, anh quay về khu văn phòng chính nơi đặt phòng giám đốc. Khi anh đang ở một mình trong cầu thang máy, một cậu nhân viên bước vào từ một tầng khác. Người đó thấy Kazumasa thì có vẻ ngạc nhiên nhưng sau đó lấy lại vẻ bình tĩnh và cúi mặt xuống.
“Cậu là Hoshino nhỉ?”
“Vâng, em là Hoshino Yuuya, thuộc đội ba nhóm BMI.”
“Tôi có nghe bài phát biểu hôm trước của cậu. Nghiên cứu khá độc đáo đấy.”
“Cảm ơn anh nhiều ạ.”
“Tôi thấy có hứng thú với việc cậu chú trọng cơ thể con người. Đối với những bệnh nhân bị liệt do tổn thương não và đốt sống cổ, những tín hiệu từ não có thể giúp kích hoạt chuyển động từ những cơ quan hỗ trợ như cánh tay rô-bốt, đó là khái niệm chung về giao diện máy não. Tuy nhiên, cậu lại xem xét đến khía cạnh tín hiệu từ bộ não sẽ truyền qua máy móc đến tủy sống, khiến bệnh nhân cử động được chân tay. Sao cậu lại nghĩ đến điều đó?”
Hoshino vẫn đứng nghiêm, ưỡn ngực.
“Lý do đơn giản lắm ạ. Ai cũng muốn không cần đến rô-bốt, có thể tự dùng tay để ăn uống, dùng chân để đi lại mà.”
Ra là thế, Kazumasa gật gù.
“Cậu nói cũng có ý đúng. Có nguyên nhân nào khiến cậu suy nghĩ như vậy chăng?”
“Có ạ. Thật ra, ông em bị xuất huyết não, thành ra liệt toàn bộ thân bên phải, em đã chứng kiến ông khổ sở đến mức nào. Dẫu đã cố gắng hết sức tập luyện nhưng rồi ông vẫn qua đời với cơ thể không hoạt động được.”
“Là vậy á. Ý tưởng của cậu rất hay. Nhưng tôi có cảm giác hướng đi này không hề dễ phát triển đâu.”
Cậu nhân viên nghiên cứu trẻ tuổi nghiêm túc gật đầu trước câu nói của Kazumasa.
“Rất khó ạ. Hệ thống tín hiệu của dây thần kinh vận động trong cơ bắp người phức tạp gấp vài trăm lần so với rô-bốt.”
“Đúng vậy. Nhưng đừng nản chí. Tôi không ghét những kẻ có suy nghĩ khác người.”
“Cảm ơn anh, anh đã khuyến khích em rất nhiều.” Hoshino lại cúi chào lần nữa.
Hoshino rời thang máy trước. Kazumasa lên đến tầng trên cùng. Phòng giám đốc nằm ở nơi đó.
Khi anh vừa ngồi xuống ghế, điện thoại báo có tin nhắn đến. Anh mở ra xem với một dự cảm không hay, đúng là từ Kaoruko. Tiêu đề là ‘chuyện phỏng vấn’. Cảm giác chán nản bỗng tăng lên.
“Lần trước, em cũng có báo với anh rồi. Thứ Bảy tuần tới có buổi phỏng vấn thử. Em đã nhờ mẹ trông lũ trẻ. Bắt đầu từ lúc 13 giờ. Địa điểm như em đã báo. Đừng có đến muộn.”
Anh thở dài, ném chiếc điện thoại lên bàn. Miệng trở nên đắng ngắt.
Anh xoay chiếc ghế bành, hướng ra phía cửa sổ. Hình ảnh vịnh Tokyo rộng lớn hiện ra ngay trước mắt. Những chiếc thuyền chở hàng lặng lẽ di chuyển.
Công ty cổ phần Harima Text là công ty sản xuất máy móc văn phòng do ông anh thành lập. Danh tiếng công ty đi cùng các loại máy móc dán nhãn hiệu Harima. Người thừa kế tiếp theo, bố anh – ông Tatsurou đã hướng nó theo ngành IT. Khi máy tính xách tay dần cũng trở thành vật dụng quen thuộc trong gia đình, đây là một chiến lược đúng đắn. Tuy là một doanh nghiệp bậc trung, nhưng công ty luôn có chỗ đứng trong giới.
Tuy nhiên, công ty đâu thể mãi thuận buồm xuôi gió đi lên được. Thời đại điện thoại thông minh ập đến, Harima Text gặp phải cơn gió dữ ngược chiều khiến nó chao đảo. Cũng như phần nhiều các doanh nghiệp khác, bước phản ứng chậm trễ ban đầu đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng, các doanh nghiệp ngoại quốc đã chém vào một nhát dao cực lớn. Ông Tatsurou đã phải thải loại bớt và chuyển dịch cơ cấu các mảng kinh doanh không thu lại lợi nhuận, mới may mắn vượt qua cuộc khủng hoảng này.
Năm năm trước đây, Kazumasa kế nhiệm vị trí giám đốc, anh cảm thấy công ty đang đón một thời kỳ chuyển dịch lớn. Anh tỉnh táo phân tích được rằng công ty không thể thắng được trong cuộc cạnh tranh sinh tồn khốc liệt này nếu vẫn giữ nguyên tình trạng cũ. Để có thể trụ lại, công ty cần một con át chủ bài.
Thứ đầu tiên anh trông chờ vào chính là BMI (Brain Machine Interface – Giao diện máy não), thứ anh đã dồn nhân lực vào nghiên cứu từ thời còn là trưởng phòng kỹ thuật. Anh tin tưởng chắc chắn rằng thử nghiệm liên kết tín hiệu giữa não bộ và máy móc sẽ tạo nên cuộc cách mạng lớn trong đời sống con người, nhất định sẽ trở thành mặt hàng chủ lực trong tương lai.
Về mặt cơ bản, BMI có thể áp dụng cho mọi đối tượng, nhưng hiệu quả của nó có thể biểu hiện dễ dàng trong hệ thống máy móc hỗ trợ người khuyết tật. Chính vì lý do đó, anh đang đặc biệt đầu tư vào lĩnh vực này. Thử nghiệm lúc nãy là một trong những nghiên cứu về mắt nhân tạo. Nhiều doanh nghiệp và trường đại học cũng đang nghiên cứu về mảng này, nhưng Harima Text đang tiến trước họ một bước. Cũng nhờ vậy, công ty đã thành công khi giành được khoản hỗ trợ từ phía Sở Lao động. Mọi thứ xuôi chèo mát mái vậy là tốt.
Đúng, trong vai trò của một doanh nhân, Harima Kazumasa đang theo đà đi lên.
Nhưng, với vai trò một người đàn ông trong gia đình thì sao?
Kazumasa cầm điện thoại lên, kiểm tra lịch phải làm tuần này. Nhìn dòng chữ ‘phỏng vấn thử’ ghi chú sẵn vào lúc 13 giờ ngày thứ Bảy, khóe miệng anh khẽ cong lên. Một kiểu viết vừa đầy cái tôi vừa thiếu trưởng thành. Diễn tập phỏng vấn, Kaoruko hẳn cũng chẳng muốn làm. Chỉ để diễn một cặp vợ chồng kiểu mẫu với Kazumasa, nghĩ đến thôi đã thấy nặng nề.
Kazumasa kết hôn với Kaoruko tám năm trước, sau khoảng gần hai năm kể từ duyên quen biết do tuyển cô về làm phiên dịch. Khi hai người kết hôn, Kazumasa chuyển khỏi căn hộ anh đã sống nhiều năm, xây một tòa nhà riêng ở Hiroo. Một ngôi nhà xây theo kiểu Âu, vườn trồng rất nhiều cây bóng mát.
Lấy nhau sang năm thứ hai, đứa con đầu lòng chào đời. Một bé gái. Đứa trẻ được đặt cái tên Mizuho, khỏe mạnh lớn lên. Bé thích bể bơi, đàn dương cầm và thích được làm công chúa. Mùa hè này, hẳn con bé cũng thường đi bơi.
Đứa thứ hai kém cô con gái đầu lòng hai tuổi. Lần này là một bé trai. Anh mong chờ nó sẽ trở thành một người có ý chí sinh tồn mạnh mẽ nên đặt cho con cái tên Ikuto. Làn da mướt, đôi mắt to dễ để lại ấn tượng, dẫu mặc đồ con trai hẳn hoi mà đến tận năm hai tuổi vẫn bị nhầm là con gái.
Nhưng Kazumasa cũng không nắm rõ tình hình dạo này của hai đứa. Vì anh không gặp chúng nhiều. Hai vợ chồng đã ly thân từ một năm trước, Kazumasa đã rời khỏi nhà. Hiện tại, anh đang sống một mình trong căn hộ ở Aoyama.
Lý do cũng khá phổ biến. Trong giai đoạn Kaoruko mang thai đứa con thứ hai, Kazumasa có tình nhân bên ngoài. Đấy không phải lần đầu tiên anh ngoại tình nhưng đó là vụ đầu tiên bị phát hiện. Thường thì anh cũng chẳng có ý kéo dài quan hệ với cùng một đối tượng, nhưng lần này lại bị kéo lê lâu hơn anh tưởng. Không phải vì người phụ nữ kia có gì đặc biệt. Nói trắng ra là, công việc quá bận rộn, anh chẳng đủ rảnh rỗi để giãy hoàn toàn ra khỏi mối quan hệ đó.
Anh vốn đã có ý định tránh những người đàn bà kém thông minh, đáng tiếc là cô tình nhân này lại không phải dạng khôn ngoan như anh nghĩ. Cô ta tán vung chuyện mình có quan hệ tình cảm với giám đốc của Harima Text với bạn bè. Tuy chỉ là ‘nói riêng ở đây thôi’ nhưng giờ đâu phải cái thời đại được riêng tư như thế. Thông qua mạng xã hội, thông tin bị phát tán khắp nơi, cuối cùng cũng bị Kaoruko phát hiện.
Đương nhiên, Kazumasa chối bay. Nhưng những thông tin Kaoruko nắm được lại vô cùng cụ thể. Ví dụ như hôm đi suối nước nóng với cô nhân tình. Ngày hôm đó, Kazumasa nói là đi chơi golf nhưng Kaoruko đã xác nhận được là anh nói dối.
“Em không muốn bới tung mọi chuyện lên,” Kaoruko đã nói vậy. “Nhưng em ghét phải chung sống với nhau trong nghi kỵ thế này. Nếu đó là sự thật, hi vọng anh hãy thành thật với em.”
Kazumasa biết rõ hơn ai hết vợ mình là một người khéo ăn khéo nói đến thế nào. Dù anh tiếp tục phủ nhận, cũng chẳng thể thuyết phục được cô. Ngoài mặt tuy bình lặng lắm, nhưng cô ấy sẽ không bao giờ nguôi đi ngọn lửa nghi kỵ đó.
Chưa kể, Kazumasa còn là một người khá nóng tính. Chỉ vì chuyện cỏn con như thế này mà tốn bao nhiêu thời gian của anh, cứ để cảm xúc bị vần vò mệt mỏi thế này thật là phí phạm đời người. Không thể phủ nhận những câu hỏi nhằng nhằng của Kaoruko khiến anh cảm thấy phiền, hay cảm giác bản thân mình cũng có chút hững hờ nữa.
Kazumasa xác nhận chuyện mình có nhân tình. Anh không muốn biện hộ làm gì cho mất mặt nên cũng chẳng giải thích rằng đó chỉ là chút chơi bời hay mây gió qua đường.
Kaoruko không hề tỏ ra quẫn trí. Gương mặt như tê liệt mọi cảm xúc, cô im lặng một lúc lâu, nhìn thẳng vào mắt Kazumasa.
“Em đã bất mãn với anh từ lâu rồi. Điều tối quan trọng là việc nuôi dạy con cái anh đã chẳng hề giúp gì cho em. Nhưng điều này vốn quá khó nên em cũng đành từ bỏ. Em biết là anh chẳng có thời gian, với lại em nghĩ việc cho chúng thấy bố chúng đã hết mình với công việc như thế nào cũng không phải chuyện gì xấu. Nhưng em không thể để chúng tiễn một người bố bội bạc với gia đình đi làm.”
“Anh phải làm sao?” Kazumasa đã hỏi vậy. “Em không biết,” cô ấy đã đáp lại như thế.
“Em không muốn cho lũ trẻ thấy những điều không nên. Hiện tại, em chỉ cảm thấy vậy thôi. Cả Ikuto lẫn Mizuho đều đang trong thời gian bắt đầu hiểu về nhiều thứ rồi. Bố mẹ lại có thái độ lãnh đạm với nhau như vậy, chúng rồi sẽ sớm nhận ra. Nhận ra rồi thì chịu tổn thương.”
Kazumasa gật đầu. Những lời của vợ anh có sức thuyết phục rất lớn.
“Hay chúng ta tách ra ở riêng một thời gian.”
“Tạm thời đó là cách tốt đấy,” Kaoruko đã trả lời thế với lời đề nghị của anh.
3
Địa điểm Kaoruko gọi là ‘lớp học’ nằm ngay cạnh ga Meguro. Đây là lần đầu tiên Kazumasa đặt chân đến nơi này nhưng anh đã kiểm tra hình ảnh trước trên trang chủ rồi nên cũng chẳng phải khổ công tìm kiếm tòa nhà này. Ngước nhìn lên tòa nhà màu trắng sữa, anh vỗ ngực hai cái như muốn xốc lại tinh thần đang héo úa của mình. Rồi anh sải những bước dài trên hành lang khu thang máy. ‘Lớp học’ ở trên tầng bốn.
Trong thang máy, anh xem lại giờ. Vẫn còn vài phút nữa mới đến 1 giờ chiều. Anh thở ra một hơi nhẹ nhõm. Thực ra anh không lo lắng vì buổi luyện tập phỏng vấn này, chỉ là chưa biết sẽ phải đối mặt với Kaoruko sau một thời gian dài không gặp thế nào, bản thân anh đang không thể kiểm soát được cảm xúc.
Thang máy dừng lại ở tầng bốn. Vừa bước ra, anh đã thấy một khoảng không gian rộng trông giống phòng chờ. Một nữ nhân viên đang đứng ở bàn thường trực, cô ấy vui vẻ chào anh. Kazumasa cũng gật đầu chào lại, anh liếc quanh một lượt. Vài người đàn ông lẫn phụ nữ ngồi trên dãy ghế sofa. Kaoruko lẫn trong số đó. Cô mặc một chiếc váy màu xanh thẫm. Dường như đã nhận ra sự hiện diện của Kazumasa, cô nhìn về phía anh bằng một vẻ mặt khó đoán định.
Anh lại gần cô, ngồi xuống bên cạnh rồi hỏi. “Sẽ bắt đầu ngay à?”
“Có vẻ như sẽ gọi tên theo thứ tự,” Kaoruko đáp bằng một giọng hờ hững. “Anh để điện thoại ở chế độ im lặng đi.”
Kazumasa lấy điện thoại từ túi trong ra, đặt chế độ rồi cất vào lại. “Mizuho và Ikuto đang ở Nerima à?”
Nhà Kaoruko ở Nerima.
“Mẹ đưa bọn nó đi bơi. Hình như mẹ đã có hẹn trước với Miharu rồi.”
“Vậy à.”
Miharu là cô em gái kém Kaoruko hai tuổi. Có một cô con gái cùng tuổi với Mizuho.
“Này,” Kaoruko quay sang Kazumasa. “Hôm chính thức, anh nhớ cạo râu đi.”
“À, ừ,” anh xoa xoa cằm. Anh cố ý để râu mọc dài ra.
“Với lại, anh có thể đến các buổi học dự bị không?”
“Hiện giờ thì được.”
Trước đó, anh đã nhận được tin nhắn của Kaoruko về những câu hỏi có thể có trong buổi phỏng vấn. Nguyện vọng, động cơ tham gia chẳng hạn. Tuy anh đã chuẩn bị hết câu trả lời nhưng không mấy tự tin.
Kazumasa chuyển ánh nhìn lên bảng thông báo trên tường. Trên đó dán danh sách ngày thi đầu vào các trường tiểu học tư thục danh tiếng. Có cả những hướng dẫn về các khóa học đặc biệt.
Kazumasa vốn không có hứng thú gì khi đăng ký vào những lớp kiểu này. Bởi anh cho rằng vào các trường tiểu học có tiếng không có nghĩa là nuôi dạy được con cái đàng hoàng. Nhưng Kaoruko lại có quan điểm khác. Không phải cô muốn con vào trường danh tiếng, cô muốn chúng được theo học trường tốt. Nhưng khi anh hỏi thế nào là một trường học tốt, tiêu chuẩn đánh giá là gì thì cô lại phản bác, “Có giải thích thì người chưa từng nuôi dạy con cái như anh cũng chẳng hiểu đâu.”
Kiểu nói chuyện thế này đã có từ trước khi Kazumasa bắt đầu ngoại tình. Giờ anh cũng không có tâm trạng bàn cãi với Kaoruko về phương pháp giáo dục.
Thời kỳ mới ly thân được khoảng nửa năm, hai người đã nói chuyện với nhau về tương lai với tâm thế hai vợ chồng. Tuy Kazumasa đã chia tay với cô nhân tình kia nhưng anh mơ hồ cảm thấy khó quay về với cuộc sống trước kia. Anh không cho rằng Kaoruko có thể thực lòng tha thứ cho anh, cứ phải sống chung với nhau trong thế yếu chỉ tổ rước thêm khó chịu mà thôi.
Khi anh hỏi Kaoruko, cô cũng đã có quyết định rồi.
“Tính em vốn thù dai, chỉ cần nảy ra chút chuyện là sẽ lại nhớ đến anh đã từng bội bạc ra sao. Dẫu không thể hiện ra mặt, trong tim cũng sẽ có cảm giác khó chịu. Nếu cứ phải sống với nhau kiểu thế, em sợ mình sẽ trở thành một kẻ đáng ghét mất.”
Chỉ còn cách ly hôn, câu trả lời này cũng chẳng tốn nhiều thời gian mới đưa ra được.
Kết cuộc câu chuyện là Kaoruko sẽ nuôi dạy cả hai đứa con. Ngay từ đầu Kazumasa cũng sẵn lòng chi trả phí bồi thường và tiền nuôi dưỡng, nên họ chẳng phải giằng co gì.
Hai bên chỉ hơi lăn tăn khi phải suy nghĩ đến căn nhà ở Hiroo.
“Chỉ có em và mấy đứa trẻ ở thôi thì rộng quá. Quản lý thôi cũng thấy mệt.”
“Bán đi cũng được mà. Anh chẳng thể ở ngôi nhà đó một mình được.”
“Có bán được không đây?”
“Được chứ. Cũng không đến nỗi quá cũ.”
Xây dựng được tám năm. Kazumasa chỉ ở đó bảy năm.
Ngoài việc căn nhà ra, còn một vấn đề khác nữa. Khi nào sẽ nộp đơn ly hôn. Còn kỳ thi đầu vào của Mizuho, chưa xong cô chưa muốn ly hôn, Kaoruko đã nói vậy.
Kazumasa cũng đồng tình. Thành ra, cho đến khi kết thúc kỳ thi đầu vào tiểu học của Mizuho, họ phải diễn vai cặp vợ chồng, cha mẹ tốt.
“Mời anh chị Harima,” nghe tiếng gọi tên mình, anh sực tỉnh. Một phụ nữ vóc người nhỏ nhắn tầm bốn mươi tuổi bước lại gần. Kaoruko đã đứng dậy nên Kazumasa cũng đứng lên theo.
“Vậy thì, mời anh chị vào trong căn phòng đằng kia,” người phụ nữ chỉ vào một cánh cửa trong góc sảnh. “Anh chị cứ gõ cửa họ sẽ mời vào, mời bố vào trước.”
Đáp rằng ‘tôi đã hiểu’, Kazumasa chỉnh lại cà vạt.
Ngay lúc anh đã tiến lại gần cửa, sắp sửa gõ.
“Anh chị Harima,” có tiếng gọi giật. Anh quay lại thì thấy người phụ nữ trực quầy lễ tân đã đứng dậy, gương mặt có vẻ thảng thốt. Tay cô ấy vẫn còn cầm ống nghe điện thoại.
“Có điện từ gia đình, hiện đang xảy ra tình trạng khẩn cấp.”
Kaoruko thoáng liếc nhìn Kazumasa, cô lao về phía quầy lễ tân nhận lấy ống nghe, chỉ qua một vài lời trao đổi, đã thấy mặt cô cắt không còn hột máu.
“Ở đâu, bệnh viện nào?… Đợi con một chút.”
Kaoruko vội giật lấy một tờ rơi để trên quầy, rồi cầm luôn cây bút để sẵn đó rồi bắt đầu ghi chép gì đó. Kazumasa đứng bên cạnh nhòm vào thì có vẻ là tên bệnh viện.
“Hiểu rồi. Chúng con sẽ tra địa điểm… Vâng, chúng con sẽ đến ngay,” Kaoruko trả lại ống nghe cho người phụ nữ trực quầy, cô nhìn Kazumasa. “Mizuho bị đuối nước ở bể bơi.”
“Đuối nước? Sao thế?”
“Em không rõ. Đây là địa chỉ bệnh viện, tra giúp em,” sau khi dúi tờ giấy vào tay Kazumasa, Kaoruko mở cánh cửa phòng phỏng vấn, bước vào trong.
Còn chưa kịp hiểu mô tê gì, Kazumasa vội rút chiếc điện thoại ra, bắt đầu tra cứu. Trước khi anh kịp tra ra, Kaoruko đã rời khỏi căn phòng. “Anh tìm ra chưa?”
“Còn chút nữa.”
“Cứ tiếp tục đi,” Kaoruko hướng về phía thang máy. Kazumasa vừa tiếp tục bấm máy vừa theo sau cô.
Đến lúc rời khỏi tòa nhà, họ đã xác nhận được địa chỉ bệnh viện. Họ gọi taxi, báo địa chỉ muốn tới.
“Nãy ai gọi đến vậy?”
“Bố”, Kaoruko nhấm nhẳn trả lời rồi lấy điện thoại từ trong túi xách ra.
“Sao vậy? Không phải mẹ đưa bọn nó đi bơi sao?”
“Đúng là vậy, nhưng không liên lạc được.”
“Liên lạc? Là sao cơ?”
“Đợi em chút”, Kaoruko phẩy tay có vẻ cáu giận, cô áp điện thoại lên tai. Có vẻ như liên lạc thông ngay lập tức, cô mở miệng hỏi. “A, Miharu, tình hình sao rồi?… Ừm… ừm… Hở?” Gương mặt cô nhăn lại. “Thế bác sĩ bảo sao? Vậy à… ừm, chị hiểu rồi… Giờ, chị qua đó đây… ừm, cả anh nữa… Được, lát gặp.” Kết thúc cuộc gọi, cô ném chiếc điện thoại vào túi với vẻ mặt tối sầm.
“Sao rồi?” Kazumasa hỏi.
Kaoruko hít vào một hơi thật sâu rồi nói, “Đưa vào cấp cứu rồi.”
“Cấp cứu? Tình hình nghiêm trọng vậy sao?”
“Em cũng không rõ tình hình cụ thể, có vẻ như con bé vẫn không tỉnh lại. Có lúc tim đã ngừng đập.”
“Tim ư? Thế là sao?”
“Thì em đã nói là em cũng không rõ còn gì,” sau khi nói như gào lên, giọng Kaoruko nghẹn lại. Nước mắt cô trào ra.
“Xin lỗi”, Kazumasa khẽ thầm thì. Anh thấy ghét bỏ chính mình vì đã cáu bẳn với Kaoruko khi cô không nắm rõ tình hình ra sao. Một con người mất cả tư cách làm bố lẫn tư cách làm chồng.
Vừa đến bệnh viện, hai người lao ngay vào trong. Vốn định kiếm quầy lễ tân để hỏi, nhưng họ dừng chân khi nghe tiếng gọi “Chị ơi”.
Miharu lại gần hai người với khóe mắt đỏ hoe và gương mặt ảo não.
“Ở đâu?” Kaoruko lên tiếng hỏi. “Đằng kia,” Miharu chỉ vào một góc.
Đi vào thang máy, họ lên tầng hai. Theo lời Miharu, bác sĩ vẫn đang tiếp tục cấp cứu. Tình hình ra sao, vẫn chưa ai báo cho hay.
Nơi họ được dẫn đến là một căn phòng đề biển phòng chờ dành cho người thân bệnh nhân. Bàn ghế được xếp ngay ngắn, bên trong còn trải chiếu như kiểu phòng truyền thống. Một góc có cả chăn gấp sẵn.
Mẹ Chizuko của Kaoruko ngồi gục trên ghế. Bên cạnh là Ikuto mới lên bốn và cô em họ Wakaba của Mizuho.
Nhìn thấy vợ chồng Kazumasa, bà Chizuko đứng dậy. Trong tay bà nắm chặt cái khăn tay.
“Kaoruko, xin lỗi con. Cả Kazumasa nữa, thành thật xin lỗi. Đã có mẹ đi cùng mà còn để xảy ra chuyện như thế này, mẹ chỉ muốn chết thay cho cháu nó,” bà Chizuko nói vậy rồi khóc òa lên.
“Đã xảy ra chuyện gì vậy? Thật ra chuyện này là sao?” Kaoruko đặt tay lên vai mẹ, đỡ bà ngồi xuống rồi cùng ngồi theo xuống ghế.
Bà Chizuko lắc đầu, giờ đã sụt sịt không khác gì một đứa trẻ.
“Chuyện này thì, mẹ cũng không rõ nữa. Chẳng rõ có một người đàn ông từ đâu ra đột ngột la lên là có cô bé bị chết đuối, rồi mẹ để ý là không thấy Mizuho đâu…”
“Không phải vậy đâu mẹ,” Miharu ở bên cạnh nói. “Ban đầu khi phát hiện ra không thấy Mizuho đâu nữa, ta đã hỏi Wakaba, nói là con bé đột nhiên biến mất còn gì. Thế là mọi người vội đi tìm con bé, có ai đó đã tìm thấy nó.”
“À…”, bà Chizuko vùi mặt vào bàn tay. “Đúng rồi… Không được, đầu óc mẹ loạn cả lên rồi.”
Chấn động có lẽ đã khiến ký ức của bà trở nên hỗn loạn.
Miharu tiếp tục kể lại câu chuyện. Theo lời cô, thực ra không phải Mizuho bị đuối nước mà là con bé bị kẹt ngón tay vào cái lưới ở lỗ thoát nước và không rút ra được, thành ra không cách nào rời khỏi đáy bể bơi. Tuy người ta đã giúp kéo ngón tay của con bé ra nhưng lúc đó, tim nó đã ngừng đập. Họ đã lập tức gọi cấp cứu, đưa đến bệnh viện này. Từ lúc đưa vào phòng cấp cứu đến giờ, Miharu chỉ biết được là trái tim con bé đã đập trở lại. “Nhưng điều đó không có nghĩa là sinh tồn”, bác sĩ đã nói vậy.
Miharu đã cố gọi cho Kaoruko trong lúc đang đợi xe cấp cứu. Nhưng không thể nào gọi được. Do khi đợi phỏng vấn, cô đã tắt điện thoại. Bà Chizuko có nghe về lịch của Kaoruko rồi nhưng không rõ được lớp học đó ở đâu và liên hệ theo cách nào. Thế là Miharu đành gọi về cho ông ngoại ở nhà, báo cho biết tình hình. May thay, ông lại biết được lớp Mizuho đang theo học. Đề phòng có việc cần, ông đã hỏi chính Mizuho. Có vẻ ông đã nói với Miharu là để ông liên lạc, mọi người hãy chăm lo cho Mizuho.
“Bảo là hãy chăm lo nhưng bọn em cũng chẳng biết phải làm sao,” Miharu nhìn xuống.
Nghe câu chuyện của Miharu, Kazumasa thấy lòng mình hỗn độn. Nếu không điện được cho Kaoruko, thường thì người ta sẽ gọi cho người chồng. Họ chỉ không gọi khi chắc chắn người kia cũng tắt điện thoại rồi. Có lẽ trong lòng Miharu, từ lâu Kazumasa đã chẳng còn là anh rể của cô nữa.
Nhưng anh cũng chẳng thể đổ lỗi cho Miharu. Lý do ly thân, chắc Kaoruko cũng chỉ kể cho mỗi mình em gái. Thi thoảng liếc nhìn mặt nhau, thái độ của Miharu cho anh thấy điều này.
Kazumasa nhìn đồng hồ. Sắp sửa 2 giờ chiều đến nơi. Nếu chuẩn theo câu chuyện Miharu kể thì tai nạn xảy ra vào lúc Kaoruko tắt điện thoại, khoảng tầm trước 1 giờ. Ca cấp cứu đã kéo dài gần một tiếng, cơ thể nhỏ bé của Mizuho đang chịu những biến đổi thế nào đây?
Bé Ikuto không rõ chuyện gì đang xảy đến với chị mình nên bắt đầu thấy chán, bà Chizuko đành đưa cháu về nhà. Có vẻ như Wakaba đã hiểu được điều bi thảm gì đang diễn ra với chị họ mình, nhưng cứ bắt con bé phải đợi thế cũng tội nghiệp nên Kaoruko nói với Miharu:
“Chẳng biết phải đợi đến bao giờ, Miharu cũng về đi.”
“Nhưng mà,” Miharu buông lửng một câu rồi lại im lặng. Trong đáy mắt hiện lên sự hoang mang.
“Nếu có chuyện gì, chị sẽ gọi em,” Kaoruko nói.
Miharu gật đầu, cô nhìn chăm chăm vào Kaoruko rồi nói, “Em sẽ cầu nguyện cho con bé.”
“Ừ” Kaoruko đáp lại.
Bà Chizuko và Miharu ra về, bầu không khí càng trở nên nặng nề. Bệnh viện tuy cũng thông thoáng nhưng Kazumasa cảm thấy khó thở, anh tháo cà vạt ra, cởi bỏ cả áo khoác ngoài.
Hai người gần như chẳng nói với nhau câu nào, chỉ biết đợi vậy thôi. Trong khoảng thời gian đó, tin nhắn vẫn gửi đến điện thoại của Kazumasa. Toàn liên quan tới công việc. Ngày thứ Bảy nhưng vẫn không ngừng có tin nhắn. Mọi email công ty cũng chuyển hết vào đây. Anh đành tắt điện thoại. Ngày hôm nay không có chỗ cho công việc.
Mở cánh cửa phòng chờ dành cho người thân bệnh nhân là thấy ngay cánh cửa phòng cấp cứu. Kazumasa đã ngó nghiêng nhiều lần nhưng chẳng có vẻ sẽ có biến chuyển gì cả. Bên trong đang diễn ra điều gì, anh hoàn toàn không biết.
Nhận ra cổ họng đã khát khô, anh ra ngoài mua đồ uống. Khi mua chai nước trà ngoài máy bán hàng tự động, anh hướng mắt ra ngoài cửa sổ, chợt nhận ra màn đêm đã phủ bóng.
Khoảng hơn 8 giờ tối, y tá mới xuất hiện. “Anh chị Harima phải không?”
“Vâng,” Kazumasa và Kaoruko đồng loạt đứng dậy.
“Bác sĩ có chuyện muốn nói, anh chị không phiền chứ?”
“Vâng,” Kazumasa đáp lời, anh nhìn gương mặt tròn trịa của cô y tá trông đã quá ba mươi. Anh muốn dựa vào nét mặt của cô ấy để đoán tình hình tốt xấu ra sao. Nhưng gương mặt đó chẳng biểu lộ gì.
Người y tá dẫn họ vào trong căn phòng ngay cạnh phòng cấp cứu. Trên chiếc bàn có để cái máy tính xách tay, vị bác sĩ đó đang chăm chú đọc tài liệu nhưng khi vợ chồng Kazumasa bước vào, ông ngừng ngay lại, mời hai người ngồi xuống ghế đối diện.
Bác sĩ tên Shindou. Chuyên môn là ngoại khoa thần kinh. Chắc tuổi cũng phải ngoài bốn mươi rồi. Vầng trán rộng tạo ấn tượng là một người hiểu sâu biết rộng.
“Tôi muốn báo cho hai vị biết tình hình hiện thời của cháu,” bác sĩ Shindou hết nhìn Kazumasa lẫn Kaoruko rồi nói. “Nhưng nếu anh chị muốn gặp cháu trước cũng được. Với tình hình hiện tại, nếu biết chút thông tin dự bị, có lẽ anh chị sẽ dễ dàng chấp nhận sự thật hơn, nên tôi mới có ý mời anh chị vào đây trước.”
Những lời nói thẳng thắn. Nhưng chính vì cách lựa chọn từ ngữ cẩn thận như vậy, khiến họ cảm nhận đây không phải chuyện nhỏ.
Kazumasa nhìn Kaoruko rồi quay lại nhìn bác sĩ.
“Tình trạng nguy kịch lắm ạ?” Giọng anh đã có chút run rẩy.
Bác sĩ Shindou gật đầu, “Cháu bé không tỉnh lại.” Ông nói. “Có lẽ anh chị cũng đã nghe rồi, khi vừa được đưa đến viện, trái tim cháu đã đập trở lại. Đáng tiếc là trước khoảng thời gian đó, toàn bộ cơ thể cháu bé không được cung cấp máu. Có nhiều trường hợp tuy bị vậy nhưng tổn thương không lớn. Nhưng não là một vấn đề khác. Giờ tôi sẽ giải thích chi tiết hơn cho anh chị, nhưng đáng tiếc là tổn thương não của cháu, quả thực là khá lớn.”
Những lời của bác sĩ khiến cả người anh run lên, tầm mắt chợt chao đảo. Không có vẻ gì là hiện thực hết. Nhưng đâu đó trong tâm trí, anh muốn làm điều gì đó, cảm giác này đang trỗi dậy này mới đúng là hiện thực. Tổn thương não? Nó là thứ gì?
Harima Text có công nghệ BMI, hẳn phải có cách xử lý những hậu chứng kiểu này – Lát nữa anh định sẽ động viên Kaoruko đang tuyệt vọng bên cạnh bằng những lời này.
Nhưng sau đó Kaoruko cất lời trong đẫm nước mắt, “Có khả năng con bé sẽ không tỉnh lại?”, câu trả lời của bác sĩ Shindou như có chút trật chìa so với tinh thần chiến đấu của Kazumasa.
Sau khi hít vào một hơi, bác sĩ Shindou nói, “Anh chị nên chuẩn bị tâm lý là hơn.”
“Hức”, Kaoruko bật ra một tiếng, vùi mặt vào hai bàn tay. Kazumasa không thể nào ngăn lại những cơn run nhẹ đang lan ra khắp cơ thể.
“Có chữa trị tiếp cũng không có hi vọng gì sao? Phải sớm bỏ cuộc sao?” Anh cay đắng hỏi.
Bác sĩ Shindou khẽ chớp đôi mắt sau cặp kính.
“Đương nhiên, hiện giờ chúng tôi vẫn đang dốc toàn lực chữa trị. Nhưng, đến thời điểm hiện tại, chúng tôi vẫn không xác định được bất cứ dấu hiệu hoạt động nào của não cô bé. Sóng não cũng chỉ là một đường thẳng.”
“Sóng não… vậy là chết não ư?”
“Theo nguyên tắc thì trong giai đoạn hiện tại, ta chưa thể sử dụng từ đó được. Sóng não biểu thị hoạt động điện tích trong đại não của chủ nhân. Trong trường hợp của cháu, ta chỉ có thể xác định được là giờ đại não đang không hoạt động.”
“Ngoài đại não ra, các khu vực khác có cơ hội hoạt động không?”
“Trường hợp này, cháu bé đã bị chứng rối loạn ý thức do tổn thương não hay còn gọi là tình trạng sống thực vật. Nhưng…” bác sĩ Shindou cắn môi, “khả năng đó cũng rất thấp, tôi xin lỗi khi phải nói vậy với hai người. Trong trường hợp của những bệnh nhân thực vật, sóng não tuy có khác thường nhưng vẫn biểu hiện. Nhưng tình hình cháu theo kết quả chụp sọ não MRI thì khó có thể nói là não bộ vẫn đang hoạt động.”
Kazumasa vỗ ngực. Anh cảm thấy khó thở. Không phải, sâu trong lồng ngực anh đang cảm giác được một cơn đau thắt lại. Ngồi không cũng thấy khổ sở. Phải hỏi cái gì đó, nhưng đầu óc anh chẳng hiện lên nổi điều gì. Đầu óc từ chối cả nhiệm vụ suy nghĩ mất rồi.
Bên cạnh anh, Kaoruko vẫn vùi mặt trong hai bàn tay. Cơ thể cô cứ run lên từng hồi.
Kazumasa hít một hơi thật sâu rồi lên tiếng hỏi, “Những thông tin dự bị chỉ có vậy thôi sao?”
“Đúng thế,” bác sĩ Shindou trả lời.
Kazumasa đặt tay lên lưng Kaoruko. “Đi gặp con thôi.”
Nước mắt tứa ra từ những kẽ ngón tay đang ôm lấy gương mặt cô.
Theo hướng dẫn của bác sĩ Shindou, hai người bước vào phòng cấp cứu. Đứng hai bên thành giường là hai vị bác sĩ với vẻ mặt nghiêm nghị đang quan sát dụng cụ đo, điều chỉnh máy móc gì đó. Bác sĩ Shindou thì thầm vào tai một người trong số họ. Vị bác sĩ kia đáp lời với vẻ nghiêm trọng. Không nghe rõ họ nói gì.
Kazusama cùng Kaoruko lại gần giường, những suy nghĩ u ám lại vây lấy họ.
Cô bé đang say ngủ nơi đó, không ai khác chính là con gái họ. Làn da trắng, gò má tròn, đôi môi hồng…
Nhưng không thể nói là giấc ngủ êm đềm được. Cơ thể con bé nối với đủ thứ ống dẫn. Nhất là máy hô hấp nhân tạo đang chọc vào cổ họng, nhìn cũng đủ đau, Kazusama và Kaoruko chỉ ước có thể thế vào chỗ của con.
Bác sĩ Shindou lại gần, như nhìn thấu tim gan của Kazumasa, nói, “Cháu bé không tự thở được. Có thể nỗ lực đến mức nào, chúng tôi đều cố gắng cả. Hãy hiểu cho đây là mọi nỗ lực của chúng tôi rồi.”
Kaoruko đã dợm lại gần giường nhưng chợt ngừng bước. Cô quay lại phía bác sĩ Shindou, “Tôi chạm vào mặt con bé được chứ?” Cô hỏi.
“Cứ tự nhiên, hãy cứ cưng nựng cháu đi,” bác sĩ Shindou đáp lời.
Kaoruko đến đứng cạnh giường, cô rụt rè chạm tay vào gò má trắng trẻo của Mizuho.
“Ấm áp quá. Mềm mại quá.”
Kazusama cũng đến đứng bên cạnh Kaoruko nhìn con gái. Tuy cơ thể con bé bị nối với đủ thứ lỉnh kỉnh nhưng nếu ngắm kĩ, gương mặt đó bình yên như đang say ngủ.
“Con bé lớn hơn nhiều rồi,” câu nói chẳng có chút gì phù hợp với bối cảnh lúc ấy. Lâu lắm rồi, anh mới thấy gương mặt ngủ yên của Mizuho như vậy.
“Đúng không?” Kaoruko thì thầm. “Năm nay em đã phải mua áo bơi mới cho nó đấy.”
Kazumasa nghiến răng. Đến giờ phút này, lòng anh đã nghẹn ứ rồi. Nhưng anh không được khóc. Anh đã dặn lòng nếu có phải khóc cũng không phải bây giờ, đó là chuyện của sau này.
Một màn hình hiển thị lọt vào mắt anh. Nó là máy gì vậy nhỉ, Kazumasa không biết. Dường như không cắm điện, màn hình chỉ là một màu đen thui.
Hình ảnh của Kazumasa và Kaoruko phản chiếu trên màn hình đó. Người chồng mặc bộ vest đen và người vợ trong chiếc váy màu xanh thẫm, trông như thể đang mặc đồ tang.